Seite auswählen

Thế hệ Gen Z, gồm giới trẻ gốc Việt đang thay đổi các cuộc bầu cử ở Mỹ?

 

US politics

TRAM NGUYEN Dân biểu Nghị viện tiểu bang Massachussets Trâm Nguyễn (bìa trái) với các học sinh Mỹ. Năm nay 36 tuổi, sinh ra ở Nam Việt Nam, bà Trâm Nguyễn đã là dân biểu cấp tiểu bang từ 2019, và vừa tái đắc cử, thắng ông Jeff Dufour, để đại diện cho đơn vị bầu cử 18th Essex.

19.11.2022
Nhã Duy
BBC

Dù vẫn còn một ít kết quả chưa được công bố và cuộc tái bầu cử runoff thứ nhì cho chiếc ghế Thượng viện tại tiểu bang Georgia vào đầu tháng12 tới, cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 tại Hoa Kỳ xem như đã kết thúc.

Nếu ‘làn sóng đỏ’ của phía Cộng Hòa không có được kết quả như dự đoán hay theo mong đợi từ đảng này thì ngược lại, việc đảng Dân Chủ  thắng thêm chiếc ghế Thượng Viện cùng các ghế Thống Đốc tiểu bang trước tình trạng lạm phát gia tăng và tổng thống đương nhiệm bị sụt giảm mức ủng hộ là một cuộc ngược dòng đáng kể.

Chiến thắng này phải được ghi công cho những cử tri trẻ thuộc thế hệ Z đã dành những lá phiếu của họ cho phía Dân Chủ, dẫn đến thắng lợi của đảng này.

Thế hệ Z – họ là ai?

Các định nghĩa về “Generation Z” (ngắn gọn là Gen Z) xem những thanh thiếu niên sinh từ những năm cuối thập niên 1990s hay đầu thế kỷ 21.

Chính xác hơn theo tổ chức Pew Research Center là những em sinh từ 1997-2012, tức trong độ tuổi từ 10-25 hiện nay là thuộc thế hệ này. Một phần nhóm này là những cử tri bắt đầu đủ tuổi bỏ phiếu theo luật định từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ từ năm 2016 cho đến nay.

Đây là nhóm cử tri có tỉ lệ tham gia bầu cử thấp nhất, trung bình chỉ trên dưới 30% các cử tri đủ điều kiện thuộc nhóm này.

Tuy nhiên cử tri nhóm Gen Z này chiếm khoảng 12% tổng số cử tri chung đã tham gia bỏ phiếu nên tính ra số phiếu thật sự thì cũng khoảng trên dưới 10 triệu lá phiếu trong cuộc bầu cử năm nay, đủ để làm thay đổi cán cân chính trị và quyền lực của chính trường nước Mỹ.

Các thăm dò hậu bầu cử năm nay cho thấy nhóm cử tri này đã bỏ phiếu áp đảo cho phía đảng Dân Chủ tại Hoa Kỳ, dù có sút giảm đôi chút so với đôi cuộc bầu cử trước, tuy nhiên họ đã góp phần giúp cho các ứng viên Dân Chủ chiến thắng tại một số cuộc tranh đua không thể dự đoán trước kết quả vì tỉ lệ cách biệt chỉ là những lá phiếu rất nhỏ.

Tại Pennsylvania, thế hệ Z và một số cử tri thuộc nhóm Thế hệ Thiên Niên Kỷ (Generation Millennial hay Gen Y, sinh từ 1981-1996) đầu tiên, nhóm dưới 30 tuổi đã bỏ phiếu áp đảo cho ứng cử viên John Fetterman của đảng Dân Chủ với tỉ lệ 70% so với chỉ 28% cho ứng viên Mehmet Oz của Cộng Hòa, theo CIRCLE tường trình.

Các số liệu về những cuộc tranh đua đầy khó khăn giữa hai đảng như tại Arizona, Nevada, Winscosin… cũng có sự góp sức của Gen Z vào kết quả chung cuộc. Nhìn chung, các cuộc thăm dò hậu bầu cử cho biết đã có 63 % cử tri nhóm dưới 30 tuổi đã bỏ phiếu cho các ứng viên đảng Dân Chủ.

Lá phiếu của họ đã giúp đưa đại diện đầu tiên của Gen Z vào Quốc hội Hoa Kỳ nói riêng với tân dân biểu Hạ viện Maxwell Frost trong nhiệm kỳ tới. Frost, 25 tuổi đã thắng cử tại Florida sẽ là dân biểu trẻ nhất tại Quốc Hội Hoa Kỳ nhiệm kỳ tới, tròn 25 tuổi để được vào Quốc Hội theo luật định.

Hoa Kỳ

US MID-TERM ELECTIONS Thông báo và lời mời bỏ phiếu bằng tiếng Việt trong cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua tại Hoa Kỳ

Gen Z ủng hộ các chính sách của hai đảng theo cách nào?

Là những cử tri trẻ, nhóm Gen Z này nhìn nhận vấn đề xã hội một các bình đẳng và khoáng đạt hơn trong các vấn đề chủng tộc, di dân, giới tính, phá thai….

Họ được giáo dục để nhận thức sự quan trọng của nền tảng khoa học kỹ thuật nên khó dành lá phiếu của mình cho những ứng viên phủ nhận khoa học, xem nhẹ vấn đề biến đổi khí hậu, dịch bịnh, thuốc chủng ngừa.

Họ không muốn thấy một xã hội bạo lực, vốn xảy ra những vụ bắn người hàng loạt trong trường học, nên muốn súng đạn được kiểm soát. Họ muốn có những người đại diện có phẩm cách và hâm mộ những người có lý tưởng và mang tinh thần phục vụ. Đó là một vài lý do có thể kể ra chưa đầy đủ.

Mặt khác, nhóm Gen Z nghiêng về đảng Cộng Hòa dù đi theo các nguyên tắc và giá trị thuộc đảng Cộng Hòa nhưng họ cởi mở, ôn hòa và không bảo thủ hay cực đoan như các thế hệ trước.

Nhóm này cũng có thể bỏ phiếu cho ứng viên mà họ cảm thấy xứng đáng hơn là chỉ bỏ phiếu theo liên đới đảng phái.

Bee Nguyen

BBC NEWS Dân biểu Nghị viện tiểu bang Georgia, Bee Nguyễn trả lời truyền hình BBC News hôm 21/03/2021 về tệ nạn kỳ thị và bạo lực nhắm vào người châu Á ở Hoa Kỳ. Dù không thắng cử vào chức Secretary of State của tiểu bang Georgia trong bầu cử giữa kỳ vừa qua, bà vẫn là dân biểu nghị viện của bang và là ngôi sao đang lên của đảng Dân Chủ.

Ngay sau cuộc bầu cử, một số chính khách đảng Cộng Hòa lẫn một số nhà truyền thông cánh hữu đã nhận ra điều này nên đòi phải nâng độ tuổi cử tri lên 21 tuổi. Thậm chí một nhà dẫn chương trình truyền thanh là Peter Schiff còn đòi tăng đến 28 tuổi.

Những người này lý luận rằng nhóm Gen Z “bị tẩy não”, chưa thật sự ra đời, chưa đối diện những khó khăn thật sự của đời sống để có thể thấu đáo những ảnh hưởng chính trị đến cuộc sống của họ.Tất nhiên đây chỉ là những phản ứng, suy nghĩ nhất thời của những người đưa ra vì hiến pháp Hoa Kỳ quy định độ tuổi cử tri là 18 tuổi.

Để hiểu hơn về thế hệ này có đủ chín chắn hay chưa thì có thể xem qua vài khảo sát từ Ủy Ban Dân Số Hoa Kỳ. Theo các khảo sát này, đây là thế hệ có học vấn cao hơn các thế hệ trước và tỉ lệ ghi danh vào đại học sau trung học cũng cao hơn.

Thăm dò Deloitte Global 2021 còn cho thấy nhóm này đóng góp từ thiện, tham gia vào các hoạt động thiện nguyện và dự phần xã hội dù ngoài đời hay trên mạng xã hội với một tỉ lệ khá cao, trên 50%.

Trong đó đến 30% nhóm này cho biết họ đã từng tham gia vào các cuộc tuần hành, biểu tình phản đối những vấn đề liên quan đến bất bình đẳng xã hội, nhân quyền, môi trường.

 Họ cũng là nguồn nhân công năng động, có học vấn và chuyên môn cho thị trường lao động Hoa Kỳ, đồng thời là tương lai của nước Mỹ.

Dân biểu Trâm Nguyễn, Phó Chủ tịch Ủy ban Phát triển Việc làm và Nhân công tại Nghị viện bang Massachusetts, dân biểu đảng Dân Chủ vừa tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba bày tỏ rằng, bà rất phấn khích khi nhìn thấy Gen Z tham gia nhiều hơn.

Bà hy vọng khi một nửa còn lại của nhóm này chính thức đủ tuổi bầu cử thì ảnh hưởng từ nhóm này đến chính trị Hoa Kỳ còn sẽ gia tăng hơn.

Bà Trâm Nguyễn (sinh năm 1986 ở Việt Nam) cũng cho biết rằng, bà cùng các nhân viên vẫn luôn gắn kết cùng Gen Z và sẽ tiếp tục thực hiện điều này trong nhiệm kỳ tới khi đang hợp tác cùng các tổ chức công dân, đến nhiều trường học địa phương nói chuyện với học sinh về các vấn đề công dân, cũng như mang ý định sẽ mở rộng các cuộc thuyết trình về tầm quan trọng của các cuộc bầu cử và sự tham gia vào chính trường đến các sinh viên đại học.

Trong khi mọi lá phiếu đều bình đẳng và có giá trị như nhau thì điều không thể phủ nhận là sự ủng hộ của giới trẻ Gen Z đã giúp đảng Dân Chủ chiến thắng.

Có lẽ những nhà chiến lược của hai đảng sẽ có những kế hoạch để thu hút nhóm cử tri này về mình trong các cuộc bầu cử tương lai tại Hoa Kỳ thay cho việc giới hạn ảnh hưởng của họ.

Bài thể hiện quan điềm riêng của ông Nhã Duy, một nhà báo tự do tại Texas. 

Iran: Thế hệ Gen Z ‘biểu tình vì một tương lai khác, dù phải chết’

 

Parham Ghobadi

BBC Iran

Iran

SARINA ESMAILZADEH Trước khi chết, Sarina Esmailzadeh, 16 tuổi, nói rằng thế hệ của cô muốn sống như những người trẻ ở New York

Các cuộc biểu tình chống lại sự cai trị mang tính tôn giáo đã lan rộng hơn bao giờ hết thông qua thế hệ trẻ của Iran.

Họ có cha mẹ và ông bà đã từng cố gắng nhưng không thay đổi được hệ thống từ bên trong.

Trong các tin nhắn video và trên mạng xã hội, các nạn nhân trẻ tuổi của một cuộc đàn áp bạo lực giải thích lý do tại sao họ lại liều mạng thách thức chính quyền.

Trên mạng xã hội đầy rẫy những đoạn video quay cảnh họ tháo bức chân dung của Lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei xuống, xé toạc và rồi đốt nó.

“Nếu chúng ta không đoàn kết, từng người một, chúng ta sẽ trở thành Mahsa Amini tiếp theo” là một trong số những lời kêu gọi khác của họ.

Ý họ đề cập đến người phụ nữ trẻ người Kurd đã chết sau khi bị cáo buộc đội khăn trùm đầu “không đúng cách”.

Các cuộc biểu tình về cái chết không có dấu hiệu giảm bớt, bất chấp phản ứng bạo lực từ nhà chức trách.

Một TikToker 22 tuổi tên là Hadis Najafi đã quay video bằng điện thoại khi cô ấy đi đến một cuộc biểu tình, mơ về một tương lai tốt đẹp hơn.

“Tôi hy vọng trong một vài năm khi tôi nhìn lại, tôi sẽ hạnh phúc vì mọi thứ đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn”, cô nói, khi màn đêm buông xuống xung quanh mình, trong đoạn video mà BBC Iran có được.

Gia đình của Hadis nói với tôi rằng cô ấy đã bị bắn chết gần một giờ sau đó.

Trong một đoạn video trên mạng xã hội, mẹ của cô cho biết cô có những vết thương do đạn bắn vào tim, bụng và cổ.

“Cô ấy đi làm về và nói rằng cô ấy đói nhưng trước khi ăn, cô ấy đi ra ngoài để biểu tình cho Mahsa Amini”, mẹ của cô nói.

Các nhóm nhân quyền cho biết hàng chục thanh niên, bao gồm cả trẻ em, đã bị giết trong các cuộc đàn áp của chính phủ. Nhiều người khác đã bị bắt.

Thế hệ Gen Z của Iran đang phải trả cái giá cuối cùng.

Iran

HADIS NAJAFI Hadis Najafi, TikToker 22 tuổi, hy vọng khi nhìn lại sẽ thấy một Iran thay đổi – nhưng đã bị bắn chết

Hosein Ghazian, một nhà xã hội học người Iran, nói rằng sự phổ biến của mạng xã hội là một yếu tố dẫn đến các cuộc biểu tình, cùng với sự thất vọng hoàn toàn về cơ hội thay đổi.

“Thế hệ này cập nhật và nhận thức rõ hơn về thế giới họ đang sống,” ông nói. “Họ nhận ra cuộc sống có thể khác đi.”

Ông nói thêm: “Họ không thấy có triển vọng nào cho một tương lai tốt đẹp hơn với chế độ này và điều này mang lại cho họ sự can đảm.”

Sarina Esmailzadeh, một blogger video 16 tuổi, đã tóm lược thái độ không sợ hãi này.

“Chúng tôi không giống như thế hệ trước 20 năm trước, những người không biết cuộc sống bên ngoài Iran như thế nào”, cô nói trong một video trên kênh YouTube của mình.

“Chúng tôi tự hỏi tại sao chúng tôi không được vui vẻ như những người trẻ tuổi ở New York và Los Angeles?”

Những phụ nữ trẻ này sẵn sàng mạo hiểm mọi thứ để họ có thể sống một cuộc sống phẩm giá.

Sarina đã đi biểu tình và tử vong do những cú đánh hiểm ác vào đầu cô ấy, theo Tổ chức Ân xá Quốc tế.

Iran phủ nhận điều này và nói rằng cô đã tự kết liễu mạng sống của mình bằng cách nhảy lầu.

Gia đình cô đang phải chịu áp lực phải chấp nhận câu chuyện của nhà nước và không nói với truyền thông.

Trong một video, Sarina hát theo bài hát Take Me to Church của Hozier. Được viết ra vì thất vọng với ảnh hưởng của Giáo hội Công giáo ở Ireland, bài hát đã trở thành một bài ca toàn cầu cho tự do.

Đối với Azadeh Pourzand, một nhà nghiên cứu nhân quyền, các cuộc biểu tình đại diện cho một thời điểm về sự thay đổi.

“Cách họ nói chuyện với nhau bằng những thuật ngữ đơn giản,” bà nói. “Họ thành công hơn nhiều so với chúng tôi trong việc truyền đạt yêu cầu và hy vọng của họ với thế giới.”

Bà nói rằng thế hệ trẻ này đã học hỏi từ cách cha mẹ và ông bà của họ tìm cách thay đổi hệ thống Hồi giáo từ bên trong nhưng thất bại.

Iran

Azadeh Pourzand nói rằng những người trẻ tuổi đã học được từ những nỗ lực của cha mẹ và ông bà của họ để mang lại sự thay đổi

“Họ là tương lai của các thế hệ già hơn”, bà nói, ca ngợi lập trường dũng cảm của họ. “Họ muốn một cuộc sống mà họ không phải sợ hãi.”

Các cuộc biểu tình cũng có mối liên hệ cá nhân đối với bà.

Mẹ của bà, Mehrangiz Kar, là một trong những luật sư nhân quyền hàng đầu của Iran nhưng đã phải bỏ trốn khỏi đất nước.

“Mẹ đã nhận được món quà của mình, món quà cho cuộc đời đấu tranh của mẹ”, Azadeh cho biết mẹ của bà đã nói như vậy.

Giờ đây, tất cả các thế hệ của Iran đang theo dõi và chờ đợi.