Seite auswählen

 Ngày 14 Tháng Mười Một, ca sĩ Chế Linh gửi tin nhắn cho các trang truyền thông quen biết để cậy nhờ xin lỗi việc ông không thể có mặt được trong chương trình diễn Tết Vạn Lộc “Hội tụ giọng ca vàng hải ngoại” ngày 12 Tháng Mười Một tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội. Ông phải sử dụng hình thức thông tin gián tiếp như vậy, không thể qua bất cứ tờ báo nào của báo chí nhà nước, vì không có một tờ báo nào của Việt Nam đưa tin về chuyện ba ca sĩ tên tuổi của hải ngoại đột nhiên ngừng diễn vì “bệnh” trong cùng một đêm.

Trong lời xin lỗi, ca sĩ Chế Linh có nói rõ rằng “Chế Linh, Hương Lan và Tuấn Vũ không được biểu diễn do Ban Tuyên giáo chỉ định mà chúng tôi không biết vì lý do gì. Vì thế, chúng tôi không thể xuất hiện để hát cho quý vị nghe một lần nữa. Xin lỗi quý vị, mong sự thông cảm của quý vị. Thành thật cảm ơn”.

Từ Sài Gòn, ca sĩ Chế Linh dành cho chút thời giờ để chia sẻ về câu chuyện này, cũng như những điều mà trước giờ, ông chưa có dịp bày tỏ.

Xin ông cho biết sự việc như thế nào?

– Tôi nhận được lời mời của anh Nguyễn Công Vượng, vừa là đạo diễn, vừa tổ chức chương trình này. Để chuẩn bị cho chương trình, tôi từ Mỹ bay về trước gần hai tuần để phối hợp chương trình cho tốt. Còn gần một tuần nữa trước ngày diễn, bên Ban Tuyên giáo gọi anh Vượng lên để nhắn gửi về chương trình. Sau đó, Vượng trở về và lo lắng nói rằng “Mọi chuyện đang khó khăn quá, con có thể nhờ chú gọi cho Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc nhờ gỡ vụ này được không?”.

Tôi nhận lời và gọi theo đề nghị của anh Vượng. Tôi tự giới thiệu và nói là chuyện đang xảy ra thật sự không tốt chút nào cho đất nước. Tôi chuyển lời đề nghị của anh Vượng là nhờ ông kiểm tra lại chương trình, xem về vấn đề gì đang gây khó khăn để giải quyết dùm. Tôi cũng trình bày rằng chương trình hoàn toàn hợp pháp, đầy đủ giấy phép, nhưng đang gặp khó khăn từ lệnh miệng. Tất cả nghệ sĩ đã chuẩn bị, dàn dựng từ mấy tháng rồi, tốn nhiều tiền của nhưng giờ ách tắc như vậy. Tôi nhấn mạnh rằng cách làm như vậy sẽ tạo ra những ảnh hưởng rất xấu, vì vậy tôi mạo muội gọi cho ông chủ tịch nước nhờ can thiệp.

Phía ông Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc hồi đáp như thế nào, thưa ông?

– Lúc đó, ông chủ tịch có vẻ rất lắng nghe, và nói “rồi, được, tôi sẽ cho kiểm tra ngay, nhưng nếu chương trình này đã có giấy phép đầy đủ rồi thì tại sao lại có chuyện lợn cợn như vậy?”. Tôi mới trả lời rằng “Ngài hỏi tôi cũng như không, vì tôi cũng không biết chuyện như thế nào, và tôi chỉ biết là gọi cho ngài xin được kiểm tra lại chuyện này”.

Sau cuộc gọi đó, không biết tình hình diễn ra như thế nào nhưng mọi thứ vẫn im lặng như vậy. Cho đến khi chương trình biểu diễn còn ba ngày nữa là đến thì đạo diễn Nguyễn Công Vượng mới gọi cho tôi và nói rằng “Chú ơi. Chú không được hát rồi. Chuyện này ngoài sức của con nên chú thông cảm”.

Lúc đó tôi có yêu cầu Nguyễn Công Vượng rằng nên có thông báo rõ ràng để cho khán giả biết mà không trách mình; không nên để đến giờ phút chót mới nói thì khán giả sẽ phản ứng. Tôi cũng tin là Ban tổ chức sẽ làm nên không can thiệp gì thêm nữa. Tiếc là họ làm điều này quá trễ, ở cuối giờ của chương trình nên nhiều khán giả bị hụt hẫng. Chuyện lớn hơn tôi nghĩ vì ban tổ chức lúc đó nói đến ba ca sĩ hải ngoại là Chế Linh, Hương Lan và Tuấn Vũ đều không có mặt vì “bệnh”. Tôi nghĩ Ban tổ chức nói là ngầm ngụ ý cho khán giả biết là vì sao, nhưng có nhiều người trông chờ, vượt đường xa để đến chờ nghe hát đã tức giận, phản ứng.

Tôi có gọi cho Nguyễn Công Vượng sau đó, và nói rằng mình làm như vậy thì khán giả sẽ nói mình là người lừa họ. Và sẽ đẩy các ca sĩ không xuất hiện được vào thế rất khó trả lời với mọi người. Vì trước khi chương trình diễn ra, chúng tôi (ba ca sĩ) đã xuất hiện trong cuộc họp báo và kêu gọi mọi người hãy đến để ủng hộ chúng tôi.

Việc không được diễn trong chương trình, ông có được giải thích lý do là vì sao giấy phép đã cấp thì nay lại hủy. Ông có nhận được công văn thông báo nào về chuyện này?

– Không có công văn gì hết. Vượng nói với tôi rằng chương trình bị “chấn chỉnh lại, rà soát lại chuyện văn nghệ sĩ hải ngoại”. Trước đó gần hai tuần, tôi cũng có hát bình thường ở sân khấu Việt Xô, Hà Nội với 1,200 khách. Còn ở show Tết Vạn Lộc có sức chức đến 5,000 khán giả. Tôi ngạc nhiên vì chương trình khác không sao, nhưng đến chương trình của Vượng thì khó khăn. Vượng nói rằng “ở trên họ đang chấn chỉnh nên không muốn chú xuất hiện”. Tôi có trả lời rằng sao cũng được nhưng nên có công văn chính thức chứ không thể đưa lệnh miệng, và không biết ai ra lệnh như vậy. Làm như vậy là gây khó cho người trình diễn và khó cho cả người tổ chức.

Tôi cần phải nói là bởi vì chúng tôi sống ở nước ngoài, và khi có được thư mời và có công văn cho phép của chính phủ thì chúng tôi mới vui vẻ về để trình diễn với đồng bào của mình. Chứ chúng tôi không cầu lụy để xin được tham gia một chương trình nào cả.

Dường như các chuyến về Việt Nam biểu diễn, các nghệ sĩ như ông và Tuấn Vũ, Hương Lan… không nhận được các lời chỉ trích rằng chạy về để kiếm tiền ở quê nhà?

– Khi khán giả gọi tên chúng tôi và đòi hỏi được gặp mặt thì chúng tôi đáp ứng. Và ở đâu có đồng bào của mình đòi hỏi thì chúng tôi vẫn đi đến, không chỉ ở Việt Nam. Nhưng nói đi thì phải nói lại. Khi chúng tôi đi về Việt Nam để biểu diễn thì cách nào đó cũng đã trái với cam kết tinh thần của những người Việt tỵ nạn cộng sản, nhưng đồng bào ở quê nhà hàng triệu người còn nhớ, còn thương và còn giữ trong tim hình ảnh của nền văn nghệ mà chúng tôi đã thành danh thì chúng tôi phải về để chia sẻ với họ.

Nhiều lời chỉ trích rằng chúng tôi đã làm ngược lại tinh thần của những người tỵ nạn cộng sản, quả đúng vậy, nhưng vì tình đồng bào chúng tôi đi về quê hương. Tiếng hát của chúng tôi vẫn nguyên vẹn với dòng nhạc và tinh thần của chúng tôi đã sống.

Ông có liên lạc với ca sĩ Tuấn Vũ và Hương Lan sau sự cố ngoài ý muốn này không?

– Tôi vẫn chưa liên lạc được với hai người đó, nên chưa biết trường hợp của họ như thế nào. Thật ra là mỗi chuyến về Việt Nam, các ca sĩ thường dùng số điện thoại mới nên khó liên lạc như ở bên Mỹ.

 

 Ca sĩ Tuấn Vũ và Chế Linh ở buổi họp báo chương trình.

Sau câu chuyện bị ngừng diễn hết sức kỳ lạ của ca sĩ Khánh Ly, ông có nghĩ gì về chuyện biểu diễn ở Việt Nam?

– Theo kinh nghiệm của tôi, từ chuyện chị Khánh Ly thì mọi chuyện lúc này rất lạ, do những việc chồng chéo về lệnh, công văn, luật pháp… Chuyện của chị Khánh Ly bị phạt với bài Gia Tài Của Mẹ – một bài hát không nằm trong danh sách cấm – thì rất lạ. Chị Khánh Ly vì muốn hoàn thành chuyến lưu diễn của mình nên làm thinh, nhưng rồi cũng không yên. Rõ ràng là có một sự phân biệt đối xử: Cho phép từ người này, và không đồng ý từ người khác. Rồi thuận tay, ai đó lấy cớ rằng phải “chấn chỉnh” lại ca sĩ hải ngoại. Thật ra nếu muốn chấn chỉnh gì, họ có thể nói rõ ràng là muốn như thế nào, cần gì, chứ không thể nói “chấn chỉnh” chung chung vậy, không ai hiểu là vì điều gì? Mà vì sao “chấn chỉnh” ca sĩ hải ngoại?

Ông có nghĩ mình cũng là người bị “chú ý”? Vì năm 2011, ông đã bị Phạm Quang Long, Giám đốc Sở Văn Hóa Thể thao & Du lịch Hà Nội, cơ quan đã quyết định không cho phép Chế Linh tiếp tục biểu diễn ở Hà Nội. Lúc đó ông Long tuyên bố rằng đã báo cáo việc này với Bộ Văn hóa và cả PA25, cơ quan theo dõi văn hóa tư tưởng của Bộ Công an. 

– Tôi nghĩ đang là chuyện của một vài cá nhân chứ không phải gọi là chính sách quốc gia chủ trương. Chuyện cấm cản một ca sĩ không còn là chuyện nhỏ đâu, đây là bộ mặt văn hóa của một nước. Việt Nam hôm nay đã bước vào sân chơi của thế giới rồi thì trong sân chơi này đòi hỏi sự công bằng. Mà ở đây là tước đi quyền chọn lựa và quyết định của người dân. Hành động như vậy có hợp với chính sách mà nhà nước Việt Nam tuyên bố không?

Tôi từng bị hủy show sát ngày và phải vào nhà thương nằm để tránh trả lời các lời hỏi thăm, phỏng vấn. Lúc đó tôi bị sửng sốt và không hình dung được chuyện gì đang đến, nhưng giờ thì tôi có đủ kinh nghiệm để bình tĩnh và lên tiếng.

Cấm thì cũng đã cấm rồi. Diễn thì cũng đã diễn xong. Vậy thì với hoàn cảnh như chương trình vừa rồi, và những vấn đề như vậy, ông muốn nói thêm điều gì?

– Tôi kêu gọi là quan chức nào đã ra lệnh cấm cản như vậy thì phải cần chính thức ra mặt để xin lỗi khán giả, xin lỗi vì đã làm những thay đổi ngoài luật pháp như vậy đối với anh em văn nghệ sĩ. Như vậy thì mới gọi là công bằng đối với khán giả, công bằng với nhà tổ chức và những người trình diễn.

Ở đây, tôi nhấn mạnh là vấn đề không phải nói để được hát hay không ở sân khấu Việt Nam, mà quan trọng là mọi thứ cần minh bạch và đúng luật. Đứng đẩy chúng tôi vào thế những người lừa đảo khán giả.

Xin cảm ơn ca sĩ Chế Linh.

Ca sĩ Chế Linh: “Quan chức nào cấm cản, phải ra mặt xin lỗi khán giả”

Sài Gòn Nhỏ

Poster chương trình ca nhạc có tên Tết Vạn Lộc, được tổ chức vào ngày 12 Tháng Mười Một 2022 có hình và tên của ba ca sĩ quen thuộc của người Việt hải ngoại là Chế Linh, Hương Lan và Tuấn Vũ. Thế nhưng vào giờ cuối, khán giả lại bị hụt hẫng khi chương trình chấm dứt mà không thấy bóng dáng các ca sĩ này. Đã có nhiều người tức giận phản ứng, cho rằng chương trình này đã lừa người mua vé vào xem.

Khác với chương trình của ca sĩ Khánh Ly, mọi trục trặc diễn ra có vẻ bài bản, và thậm chí có được cả công văn. Dù sau đó, nội dung của công văn trở thành chuyện cười chê của rất nhiều người. Lệnh cấm diễn với ca sĩ Chế Linh có vẻ phức tạp hơn, nhiều tính hậu trường hơn. Và theo mô tả của những người làm trong nghề biểu diễn ở Hà Nội, là “không có cơ sở”.

Một nguồn tin từ Hà Nội nói rằng không chỉ vậy, ca sĩ Chế Linh còn sẽ bị ngừng cấp phép biểu diễn cho đến giữa năm sau mới có thể xin phép trình diễn trở lại. Nhưng cũng có người nói Chế Linh không còn cơ hội diễn ở các sân khấu có trên 1,000 khán giả nữa, tương tự Khánh Ly.

Chuyện ca sĩ Chế Linh không được lên sân khấu đã râm ran từ một tuần trước đó. Được biết ban tổ chức đã nói chuyện riêng với ông Chế Linh, và nhờ ông dùng vai trò nghệ sĩ để gọi cho một quan chức cấp cao, trình bày chuyện cấm cản mơ hồ này, mà vốn nghe đâu khởi động từ phía hậu trường. Viên chức cấp cao mà ông Chế Linh gọi nhờ giúp đỡ có hứa sẽ cho tìm hiểu và giải quyết, vì nói cho cùng, mọi thứ hoàn toàn hợp lệ.

Dù cầm trong tay giấy phép biểu diễn có tên mình thế nhưng rồi chuyện vẫn ách tắc. Vài ngày trước khi buổi diễn đến, ông Chế Linh được công ty tổ chức thông báo riêng rằng ông không thể lên sân khấu. “Chuyện khó khăn lắm anh à”, phía công ty chỉ nói vậy. Tưởng chừng như chuyện chỉ có riêng với ca sĩ Chế Linh, nhưng giờ cuối thì có cả Hương Lan và Tuấn Vũ cũng không được lên sân khấu.

“Khi tôi chất vấn lý do là vì sao, một người trong ban tổ chức nói rằng họ nghe nói là có chiến dịch rà soát lại ca sĩ từ hải ngoại”, ca sĩ Chế Linh nói.

Cũng thật khó hiểu, vì danh sách biểu diễn chương trình Tết Vạn Lộc, được gọi là “Hội tụ giọng ca vàng hải ngoại”, có kèm nhiều hình nhiều ca sĩ quen thuộc như Trường Vũ, Quang Lê… thế nhưng những người bị buộc ngừng biểu diễn bằng lệnh miệng thì chỉ có ba ca sĩ gạo cội là Chế Linh, Hương Lan, Tuấn Vũ.

Ca sĩ Chế Linh nói rằng có khán giả quen nhắn hỏi vì sao không có mặt, ông cũng không biết trả lời thế nào. Những người đi xem đứng trước trung tâm hội nghị quốc gia và bày tỏ sự thất vọng thiếu ba ca sĩ “đinh” của chương trình. Có lẽ vì sợ khán giả bỏ về hay đòi tiền vé nên ban tổ chức Tết Vạn Lộc chỉ thông báo sự vắng mặt của Chế Linh, Hương Lan, Tuấn Vũ vào cuối chương trình vì “bệnh”. Trên trang Facebook của đạo diễn chương trình là Nguyễn Công Vượng, nghệ sĩ hài có biệt danh Vượng Râu, chỉ có một status duy nhất nói về việc bất cập của chương trình “Cảm ơn vì tất cả! Xin lỗi vì tất cả. Tất cả vì khán giả”.

Có người dẫn lại chuyện ông Chế Linh bị “soi” từ năm 2011, do đã “tự nhiên” hát những bài ngoài chương trình được cấp phép khi được khán giả yêu cầu. Điều đó càng khó hiểu hơn khi mọi giấy phép và quy định số bài lúc này đã được duyệt, nghiêm ngặt, đã trao tận tay ông Chế Linh.

“Nếu không cho, thì cứ nói từ đầu, đừng để chuyện kỳ cục như vậy ở phút cuối, làm tổn thương khán giả”, ca sĩ Chế Linh nói.

Nhưng xã hội Việt Nam lúc này, theo như luật pháp quy định thì cũng đã khác năm 2011. Theo Nghị định số 144 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn vừa được Chính phủ Việt Nam ban hành vào ngày 1 Tháng Hai 2021, về việc quy định cấp phép ca khúc miền Nam trước 1975 bị bãi bỏ, thì như vậy không còn cái gọi là “vùng cấm” của việc hát thêm trên sân khấu, hay vi phạm vì hát bài bị cấm nữa.

“Những bài hát này không còn bị cấm ở Việt Nam, vẫn vang lên ở khắp nơi, trên nhiều sân khấu khác, với các ca sĩ khác”, một người làm nghề tổ chức chương trình ca nhạc ở Hà Nội xin giấu tên, nói. “Vậy việc hạn chế những bài hát được phép trong một chương trình là nhằm hạn chế hoạt động của một nghệ sĩ hay hạn chế bài gọi là không phép?”. Sự kiện ca khúc Gia Tài Của Mẹ mà ca sĩ Khánh Ly trình bày ở Đà Lạt lại được đặt ra, và lại được tranh cãi với cái gọi là “vi phạm” nhưng dường như cũng không thỏa mãn được suy nghĩ của công chúng.

“Phải có người ra mặt chịu trách nhiệm về sự coi thường khán giả, không rõ lý do”, ca sĩ Chế Linh nhấn mạnh. “Ai đó có trách nhiệm phải ra mặt xin lỗi khán giả”.

Một nguồn tin khác ẩn danh cũng cho biết rằng nghệ sĩ Nguyễn Công Vượng lúc này đang nằm trong tầm ngắm của những người kiểm soát văn hóa và thậm chí có thể là phía an ninh văn hóa Trung ương. Ông Vượng được cho là có một giai đoạn đã phát ngôn tự do trên mạng xã hội, bày tỏ quan điểm độc lập mà có thể Nhà nước không ưa thích. Việc khó khăn trong công việc của ông Vượng lúc này được suy ra từ đó.

___________

Kỳ sau: Phỏng vấn độc quyền với ca sĩ Chế Linh, về những điều cần nói thẳng.

 

Việt Nam: Đằng sau vụ Chế Linh một lần nữa ‘bị cấm hát’

 

Cường Quốc

Gửi bài cho Diễn đàn BBC từ Hà Nội

Hình minh họa

Ngày 10 và 11/12, các báo Vov.vn, Danviet.vn đều giật tít nội dung “Chế Linh lần đầu tiên hát cùng ba con trai trên sân khấu Tết Vạn Lộc”, dự kiến sẽ diễn ra tối 12/11 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Nhưng cuối đêm diễn, Chế Linh vẫn không xuất hiện vì lý do sức khỏe, theo Ban Tổ chức.

Có điều trùng hợp khá lạ là Hương Lan, Tuấn Vũ cũng đều ‘ốm cả’ nên không ra sân khấu.

Chúng tôi có liên lạc với số điện thoại của ca sĩ Tuấn Vũ. Giọng nữ nghe máy tự giới thiệu là quản lý của Tuấn Vũ trả lời “đó là lý do tế nhị nên không đưa ra phát ngôn gì được”.

Việc ba tên tuổi hàng đầu từ hải ngoại về vắng mặt không báo trước tất nhiên khiến khán giả và dư luận đặt ra câu hỏi.

Chiều 12/11, Chế Linh cho tôi biết đại diện Ban Tổ chức Tết Vạn Lộc là nghệ sĩ hài Nguyễn Công Vượng (tức Vượng Râu) đã nói với ông rằng tối hôm đó ông “không được hát và cũng không được xuất hiện”.

Gọi cho cả Chủ tịch nước cũng không thay đổi được gì

Theo nghệ sĩ Chế Linh thuật lại thì Nguyễn Công Vượng nói đang có một số chấn chỉnh quanh việc cho các ca sĩ hải ngoại về nước hát.

“Đồng thời họ không cho một cái văn thư chính thức,” Chế Linh nói với tôi.

“Họ chỉ nói bằng miệng với Vượng Râu mà thôi. Vượng Râu thì cho Chế Linh biết: ‘Chú ơi, bên Ban Tuyên giáo không cho chú hát. Bây giờ chúng con sẽ kiếm cách để trả vé cho khán giả’.”

Chế Linh cho rằng sự việc này “làm lợn cợn cho một đất nước đã tham gia sân chơi của thế giới”.

Ông cũng nhấn mạnh nếu không giải quyết kịp thời thì chuyện nhỏ sẽ thành lớn và “vô cùng nguy hiểm”, “không tốt cho đất nước”.

“Những phí tổn anh Vượng phải bỏ ra nó ít thôi. Danh dự của những nghệ sĩ từ nước ngoài đi về đây mới là vấn đề. Hưởng ứng sự kêu gọi, chủ trương của Nhà nước về xây dựng đất nước bằng mọi hình thức, từ văn hóa đến tất cả… Mà bây giờ về đây mười mấy năm nay, hát mấy mươi lần rồi giờ lại nói không có giấy phép để mà hát?!”, Chế Linh đặt câu hỏi.

“Bây giờ Chế Linh thấy rất khó chịu là bởi vì khán giả của mình sẽ nghĩ như thế nào về mình. Vì thế Chế Linh muốn có sự xin lỗi khán thính giả thôi. Vì việc này là Nhà nước đã ra lệnh như thế. Dù là không có văn bản. Nhưng Ban Tổ chức đã cho Chế Linh biết chắc chắn như thế. Họ chấp nhận trả tiền cho Chế Linh. Nhưng Chế Linh bảo việc đó không thành vấn đề, mà việc khán thính giả đang chờ đợi sự xuất hiện của mình rồi lại không có. Thì không có tốt đẹp mấy. Vì thế Chế Linh nói Vượng cứ lo chương trình của Vượng đi, còn Chế Linh sẽ tìm cách để giải thích với khán thính giả của mình.”

Đó là nguyên văn những gì ông nói với tôi.

Nghệ sĩ cũng cho hay, ông muốn khán giả hiểu không phải ông tới đây nhận hát rồi lại bỏ rơi khán giả.

Những năm trước đã có các lần ông không được hát ở các địa phương khác nhau tại Việt Nam.

Nhưng kể từ 17/10 năm nay, ông đã hát hai lần tại Hà Nội, trong đó có một chương trình quy mô hơn ngàn khán giả tại Cung Văn hóa Hữu Nghị, một lần ở Đà Lạt mà không gặp khó khăn gì.

Chế Linh tin rằng sự việc do một cá nhân nào đó trong bộ máy gây nên chứ không phải chủ trương của Nhà nước.

“Vì thế Chế Linh thấy mấy ông còn dung túng những thành phần như thế này. Mặc dầu Ban Tuyên giáo đi chăng nữa thì cũng phải trừng trị, không phải chuyện đơn giản,” nghệ sĩ nói.

Ông kể, nhà sản xuất Nguyễn Công Vượng đã “ngửi thấy” vụ việc trước mấy ngày và đã nhờ ông tác động tới lãnh đạo để thay đổi tình thế. Do đó Chế Linh đã gọi điện cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Danh ca thuật lại lời ông nói trong cuộc điện thoại:

“Là Chủ tịch nước, ông nên coi lại một số việc không đúng trong chủ trương của Nhà nước. Chúng tôi là văn nghệ sĩ. Chúng tôi đi ra khỏi nước không có nghĩa là ngoảnh mặt với quê hương. Chúng tôi đi ra khỏi nước mà trở về với đất nước là chúng tôi đã sai trong tinh thần của những người tị nạn cộng sản rồi.

Nhưng chúng tôi bắt buộc phải về bởi, vì đây là chủ trương của Nhà nước muốn kêu gọi mọi thành phần về xây dựng quê hương đất nước, mà chúng tôi là văn nghệ sĩ có trách nhiệm và bổn phận, nghĩa vụ phải về trước. Vì thế chúng tôi đã về được mười mấy năm nay và hát rất bình thường, rất đẹp đẽ trên toàn thể đất nước. Nhưng nay có sự việc này, mong ông coi lại cái hồ sơ này…”

Theo Chế Linh thì ông Phúc nói sẽ coi lại, nhưng kết quả là Chế Linh vẫn không được hát.

Chế Linh cũng cho biết các con của ông và ban nhạc từ Sài Gòn ra định không hát trong chương trình nữa nhưng Chế Linh trấn an:

“Cái này là chuyện riêng của ba. Đừng để cho có sự khó chịu với khán giả. Đồng thời đừng đem ba đi vào cái trận mạc gọi là người xách động. Vì thế tác động để anh em hát cho thiệt tốt tối nay. Việc nhà nước trả lời thế nào tùy góc độ nhà nước.”

Hình ảnh Chế Linh, Tuấn Vũ cùng nhà sản xuất Nguyễn Công Vượng vẫn còn nguyên trong một clip quảng cáo cho Tết Vạn Lộc 2023 trên YouTube

Hình ảnh Chế Linh, Tuấn Vũ cùng nhà sản xuất Nguyễn Công Vượng vẫn còn nguyên trong một clip quảng cáo cho Tết Vạn Lộc 2023 trên YouTube

Chỉ được hát các bài ‘có đóng dấu’?

Khi tôi hỏi liệu gần đây ông có hát bài nào nội dung nhạy cảm hoặc có hành động lời nói làm mếch lòng người trong nước, Chế Linh khẳng định không có.

“Đối với Ban Tuyên giáo, đối với Nhà nước, với Bộ Văn hóa, Chế Linh là người sạch sẽ, tuân thủ quy định ghê gớm. Kể cả ông Nguyễn Tấn Dũng hồi còn là thủ tướng yêu cầu Chế Linh hát 3 bài mà chỉ có một được đóng dấu (cấp phép), Chế Linh cũng không hát 2 bài còn lại. Dù ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Huỳnh Vĩnh Ái (Thứ trưởng-PV) và ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa nói: Có thủ tướng đây, cứ hát.”

Chế Linh tự nhận mình làm việc “rất đàng hoàng”, “không bốc đồng”. “Khi chấp nhận về rồi thì mình không nên đem những cái lợn cợn cho đất nước,” ông nói.

Về đêm nhạc đặc biệt diễn ra vào năm 2011 kể trên, Chế Linh cho hay được nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đích thân đặt hàng.

Tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Chế Linh đã hát cho 700 quan chức trong Bộ Chính trị bao gồm các công Trần Đại Quang, Lê Khả Phiêu, Vũ Mão…

Trước khi đêm diễn Tết Vạn Lộc 2023 mở màn, Chế Linh có tư vấn cho Nguyễn Công Vượng nên tuyên bố lý do ông vắng mặt sao cho khéo và nếu cần thì trả lại vé cho khán giả, đừng để xảy ra ẩu đả.

“Nếu có sự không tốt đẹp ngoài khán phòng là mình là đem lại cho đất nước sự không bình an rồi. Mình cũng mong về nước làm những việc tốt đẹp chứ đâu muốn có những bực dọc như thế này. Với chế độ trước cũng hoạn nạn, chế độ này cũng nhiều cái hoạn nạn, không biết làm sao”, Chế Linh bật cười.

“Nhưng sau những bầm dập, cuối cùng mình vẫn là người hạnh phúc lắm…”

‘Không thể chấp nhận được’

Tết Vạn Lộc vẫn diễn ra đúng thời điểm như đã định. Và mãi đến cuối chương trình, khán giả mới được thông báo là cả ba ca sĩ không thể có mặt vì bị ốm. Sáng 13/11, Chế Linh bày tỏ sự bức xúc với tôi. Ông khẳng định đã cố vấn cho bên Nguyễn Công Vượng phải thông báo về lý do bất khả kháng cho khán giả biết trước khi mở màn để ai muốn trả vé thì trả lại cho họ.

“Nhưng đến cuối chương trình, Nguyễn Công Vượng mới nói Chế Linh bị bệnh. Không thể chấp nhận được, vì bệnh tới 3 người. Chế Linh thấy sự việc này có vấn đề bên trong giữa BTC với bên Sở Văn hóa. Tức là đây là cả một cuộc lừa đảo. Đây là đổ cho tụi này thất tín với khán giả. Đã mời lên họp báo để nói khán giả tới ủng hộ Tết Vạn Lộc. Rồi Tết Vạn Lộc lại bán đứng tụi này. Vì thế Chế Linh không chấp nhận việc này, việc này không thể tha thứ được,” ông nói.

Chế Linh vẫn mong BTC “có một sự sáng suốt lên báo xin lỗi khán thính giả”. “Bởi chúng tôi còn cái danh dự uy tín với khán thính giả. Mấy chục năm làm nghề chưa một lần nào có những sai phạm như thế này”, Chế Linh nhấn mạnh.

“Đây là cả một sự sỉ nhục trên một đất nước có chủ quyền, văn minh, đã chơi với thế giới rồi.”

Nhưng từ đó đến giờ, các mặt báo vẫn im lìm. Dường như chẳng ai chú ý đến vụ việc trừ một số khán giả đã bỏ tiền mua vé. Một số người ở xa, ngoài vé xem chương trình còn phải chi tiền máy bay, khách sạn.

Theo Chế Linh, đứng sau vụ việc này chỉ là một vài cá nhân trong ngành văn hóa. Ông cho rằng Ban Tuyên giáo bị đổ thừa.

Chế Linh còn ở Việt Nam tới tháng 12 và đã có lịch diễn ở Hạ Long, Thái Nguyên. Mỗi buổi diễn quy mô cỡ ngàn người.

Ông không nghĩ rằng những buổi diễn này sẽ bị gây khó dễ:

“Vì còn có sự sáng suốt của Nhà nước, không thể bao che cho những thành phần bất hảo này. Chế Linh không cần thiết được hát hay không, nhưng nếu không trừng trị những kẻ này thì đây là ngòi để châm, một chỗ hở để người ta làm rối beng cho một đất nước. Chúng tôi không phải tới đây xin ăn, xin hát, mà chủ trương của Nhà nước hẳn hoi.”

Tuy nhiên sau đó Chế Linh nói thêm với tôi rằng việc văn nghệ sĩ hải ngoại tiên phong trong việc trở về xây dựng đất nước, để hàn gắn những vết thương sau chiến tranh là “vô cùng cần thiết”.

“Không phải nói nghệ sĩ là không làm được việc. Sau chiến tranh, bao nhiêu đau đớn, mất mát. Nghệ sĩ đi về từ làng mạc cho tới thôn quê, nơi nào cũng tới để xoa dịu, để làm những gì đẹp nhất cho đất nước. Đó là việc cần thiết phải làm mặc dù ai có hiểu thế nào. Nhưng nếu còn thế này chắc chắn không còn muốn về nước nữa. Vậy thôi.”

Kiểm duyệt văn hóa của Cộng sản từ sau 1975, vẫn mơ hồ và ấu trĩ

 

Sài Gòn Nhỏ

 

Một hình ảnh trong video ca nhạc của ca sĩ Sơn Tùng vừa bị cấm.

Cuối Tháng Tư một bản video của ca sĩ trẻ trong nước thực hiện, có cảnh diễn viên chính tự tử. Ngay sau đó làn sóng dư luận của văn hóa mới ồ ạt kêu gọi phải hủy bỏ bản video này. Và chỉ hai ngày sau giới kiểm duyệt của Việt Nam ra ngay văn bản cấm. Điều đáng nói ở đây, là lệnh cấm hết sức mơ hồ và lạm quyền, làm gợi nhớ đến những cuộc hủy diệt điên cuồng văn hóa miền Nam sau 1975.

Trong sự kiện MV bài hát mới của Sơn Tùng, lệnh cấm được ban hành từ Cục Nghệ thuật Biểu Diễn, được phát văn bản đi hối hả dựa trên khoản 4, điều 3, theo điều 144/2020 NĐ-CP, đã bộc lộ tính mơ hồ của luật pháp, và cả ấu trĩ trong nhận định.

Nguyên văn theo căn cứ này, là cấm bởi “Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội”.

Những gì được viện dẫn từ điều luật này đều hết sức chủ quan và duy ý chí. Hay nói một cách khác, là nếu yêu thì sẽ cho qua, còn ghét thì cái gì cũng có thể thành tội. Còn đáng sợ hơn, là cụm từ “trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc” – đây là điều có thể diễn giải vô tội vạ, bởi cái chuẩn mực thuần phong, mỹ tục thuộc về “dân tộc” khó mà nhận biết được biên giới của nó, và những tiêu chuẩn đó, sẽ co giãn ra sao theo thời gian.

Nói vậy mới thấy, hàng rào kẽm gai kiểm duyệt tư tưởng độc tài là vô hình nhưng bất cẩn, vẫn có thể nhận một vết thương, lớn hay nhỏ thì tùy vào thời thế.

Hơn 10 năm trước, quy định của văn hóa nhà nước là lên truyền hình không được mặc quần jean, không được nhuộm tóc, không được nói chêm trong phát biểu những từ ngoại quốc. Nhưng giờ thì trên truyền hình, mọi thứ trang phục mới mẻ nhất, gây ấn tượng nhất được trình bày. Những kiểu tóc khác thường nhất được chủ trương để tạo cá tính. Còn nhớ trong một lần quay hình, người ngồi cạnh tôi buột miệng nói “OK”, lập tức đạo diễn cho ngừng quay và bắt nói lại bằng tiếng Việt.

Hôm nay thì thế nào, ai xem truyền hình Việt Nam cũng thấy rõ.

Hơn 10 năm trước, đọc rap và nhảy hiphop bị coi là bọn lố lăng. Đã có những bạn trẻ buồn tay vẽ graffiti trên những bức tường bỏ hoang, cũng bị rượt đuổi như kẻ phá hoại. Nay thì có cả những game show lộng lẫy, và có cả những người học theo phong cách phương Tây để trình bày.

Những người bị chê bai và kết tội trước đây, họ không sai, và họ nhìn thấy trước những gì sẽ đến ở Việt Nam bằng sự hiếu động tiếp nhận cái mới và cả tính hiện thực.

Và cũng thấy rõ là cái gọi là “thuần phong, mỹ tục của dân tộc” có sự “giãn nở” của nó. Nhưng nói trắng ra, những từ ngữ đó là cái khung để kiểm soát theo ý chí của nhà cầm quyền. Và nó được mở ra thêm, khi họ cảm thấy đó là an toàn.

Và bởi tính mơ hồ và ấu trĩ đó mà văn hóa Việt đôi khi phải gánh chịu những thứ bất thường từ những người đương nhiệm kiểm soát văn hóa, mà cũng tùy vào trình độ và nhận thức thực tế của họ.

Năm 2013, phim Bụi Đời Chợ Lớn bị cấm chiếu vĩnh viễn ở Việt Nam, vì cũng bị phê phán tương tự như là “tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội”. Nhưng phim nhập từ Hong Kong, Đại Hàn hay chính Trung Quốc anh em, với đầy dẫy hình ảnh tương tự thì được lưu hành rộng rãi trong nước. Cho đến giờ này, các tập phim đánh đấm, giang hồ dữ dội của người Việt sản xuất (mà tôi không muốn nêu tên, vì thật lòng vẫn ủng hộ cảm hứng sáng tác tự do của họ) xuất hiện nhiều và được quảng cáo liên tục ở các ứng dụng xem phim do công ty Việt Nam tổ chức.

Ai nói xã hội không im lặng thay đổi, dù những điều luật kiểm duyệt của nhà nước CSVN vẫn tiếp tục mơ hồ và ấu trĩ như thời những năm 1980: Vẫn bao vây, đặc biệt khéo che đậy chữ nghĩa hơn cho những sự mơ hồ và ấu trĩ?

Năm 2012, phim Hunger Games, một tác phẩm viễn tưởng thuần giải trí được đưa đến Việt Nam, bất ngờ là khi nghe tin Trung Quốc cấm chiếu phim đó, vì có những “tư tưởng nổi loạn”, thế là những người duyệt phim ở Việt Nam cũng lật đật làm theo, mà khi đó họ cũng không giải thích được điểm nào là nguy hiểm hay không thích hợp. Một năm sau, phần 2 của bộ phim này lại được chiếu ở các rạp tại Việt Nam, đơn giản vì các quan chức kiểm duyệt đã có thời gian coi, và kiểm nghiệm rằng xã hội Việt Nam không có ai nổi loạn hay hư hỏng gì theo phim cả.

Như vậy đó, kiểm duyệt văn hóa trên đất nước Việt Nam hôm nay rất vô chừng. Cảm tính và có xu hướng chạy theo cảm xúc đám đông. Và chỉ vậy mà thôi chứ không có giá trị thực tiễn gì cho tương lai.

Sau sự kiện em học sinh ở Hà Nội nhảy lầu vì trầm cảm, những hình ảnh tiêu cực của giới trẻ bị nhà nước kiểm duyệt chặt chẽ. Nhưng chỉ cấm vậy thôi, nhưng Hà Nội không có những hội thảo để tìm giải pháp cho một đất nước có vẻ vui nhộn như Việt Nam lại có đến hơn 26% thanh thiếu niên trầm cảm và nghĩ đến chuyện tự tử.

Tương tự như vậy, sau hai năm đại dịch, những hình ảnh khốn khó và đau thương đang bị im lặng gỡ dần trên các trang mạng để không có những “tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội”, nhưng lại không thấy có những nghiên cứu cần thiết công bố rộng rãi số người biến chứng vì tiêm chủng hoặc chết, mà nguyên nhân khoa học là vì sao? Thậm chí cũng không có những báo cáo khoa học đầy đủ về dự đoán các tình huống tiêm ngừa covid-19 cho trẻ em sẽ như thế nào, đối phó về sau ra sao?

Trong cuộc phỏng vấn nhanh với một số bạn trẻ ở Việt Nam đã xem MV của Sơn Tùng, nhiều bạn đã nói những hình ảnh mô phỏng, là thực tế phần nào cuộc đời bên ngoài của chính họ. Nó là hiện thực. Loại hiện thực ở Việt Nam mà những người lớn không dám nhìn thẳng vào sự thật như vẫn phản đối giáo dục giới tính cho trẻ em nữ về chuyện mang thai ngoài ý muốn, và hướng dẫn các thiếu niên về bổn phận an toàn tình dục ra sao.

MV của Sơn Tùng có thể nhìn thấy đó như là một thông điệp mang tính cảnh báo từ giới trẻ – cần được chỉnh sửa để không quá nhiều màu sắc tiêu cực – hoặc là một loại sản phẩm đồi trụy cần phải hủy bỏ ngay lập tức như cái kiểu gom đốt sách báo điên cuồng sau năm 1975. Tất cả những điều đó phụ thuộc vào tri thức và độ trưởng thành của những người làm nghề kiểm duyệt tại Việt Nam.

Bởi đơn giản thôi, những cú sốc văn hóa sẽ không bao giờ là cuối cùng về hướng tương lai, và cách hành xử đơn giản là chỉ cần xóa hay cấm, nó cũng không bảo vệ mãi được cái gọi là “thuần phong, mỹ tục của dân tộc” hay bất kỳ điều gì khác được vẽ ra tương tự.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen