Seite auswählen

Nguyên Hạnh HTD

Nhân dịp qua Houston dự Đại hội Phượng Vỹ, một chị bạn đã rủ tôi về Florida chơi cho biết.

Nghe đến Florida tôi đã hình dung ra một miền nắng ấm, cây cỏ xanh tươi và sóng biển rì rào như mời gọi khách phương xa. Mà thật vậy, con đường từ phi trường về nhà chị đã quá quyến rũ du khách bởi những hàng cây, những thảm cỏ xanh um, trải dài ra tận chân trời.

Bước xuống nhà chị, tôi bàng hoàng vì phong cảnh quá đẹp, trước nhà là một bãi cỏ mượt như nhung với những hàng cây cọ cao thẳng tắp, đẹp như trong tranh vẽ làm tôi cứ đứng ngẩn ngơ như người từ trên rừng thượng du về.

Đứng trước cổng nhà, tôi đã reo lên:

– A! bông cẩn Huế đây! Thanh thanh năm cánh mỏng uốn cong về phía sau làm bông hoa như cái lồng đèn tròn nhỏ, ôm lấy dây nhụy vươn dài có những hạt phấn nhỏ li ti màu vàng; khác với bông cẩn tây, hoa lớn hơn, dày, nhiều cánh xoắn xít lấy nhau, tràn sức sống mà thiếu nét mềm mại, ẻo lã… rất Huế.

Lại nhớ Huế rồi!

Nhìn lên cao tôi lại reo lên:

– Trời! Cây bàng! Cây bàng cổ thụ, nhiều cành trên cao. Trong đám lá xanh to lát đát những lá bàng màu vàng đỏ vẫn tràn sức sống và đẹp lạ lùng, nhắc nhở dãy bàng trên đường Gia Hội thuở nào. Mỗi ngày đi học cùng lũ bạn dừng lại tìm kiếm những quả bàng rụng có màu vàng thơm thơm rồi tìm cục đá đập bể lớp vỏ cứng để chia nhau cái phần trắng bùi bùi, tan nhẹ vào lưỡi. Mân mê lá bàng màu đỏ trong tay, xao xuyến cả một trời Huế thanh bình xa xưa:

Tôi lâng lâng trong cảm giác nhớ về êm đềm dưới bóng mát cây bàng thân quen có lá đỏ nhuộm ánh sáng mặt trời, bên cạnh cả rừng lá màu xanh xòe to che rợp một vùng, đứng bên dưới tàng lá bàng mát rượi… tưởng như đang rất gần quê hương bên kia bờ đại dương.

 

Ôi chao ôi! Bên góc vườn còn có cây phượng vỹ nữa. Dưới bóng cây phượng vỹ thấp lát đát hoa đỏ, nhặt cánh phượng vò nát trong tay mùi thơm ngai ngái gợi nhớ cũng đủ làm nỗi nhớ òa về như những trưa hè, tà áo trắng học trò bỗng nhuộm hồng khi vòng xe đạp ngang qua đường Nguyễn Hoàng rợp ánh phượng, tôi cứ tần ngần nhìn lên những hoa đỏ bên ngàn lá xanh rưng rức, chân không muốn rời.

 

 baotainguyenmoitruong.vn

Bước vào giữa sân lại thấy một bụi hoa trang. Loại hoa này đơm cánh quanh năm: màu hồng đỏ, màu trắng hay vàng cam, hoa nhỏ li ti kề sát bên nhau, thân mật, khắng khít thành một đóa trang to xòe rộng đầy bàn tay. Hoa trang thường được chọn cho lọ hoa trên bàn thờ, hoa không hương nhưng dễ trồng, ít chăm sóc, nhanh chóng làm thành một bụi tốt tươi hoa bốn mùa khoe sắc.

Tôi thẫn thờ, hết nhìn ngắm cây này đến cây khác, như hiểu ý, chị bạn nắm tay tôi dẫn đi, vừa cười vừa nói:

– Đến đây chị chỉ cho xem cây me có trái chín đàng hoàng.

Ngắm nhìn cây me cao lưng lửng , trái màu nâu thẳm, trên cành vẫn còn lốm đốm hoa vàng nhỏ xíu. Như thói quen ngày nhỏ, tôi cúi tìm trái rụng dưới gốc. Trái me chín nhỏ xíu không biết rụng từ hồi nào, nằm dấu mình trên cỏ cũng làm tôi mừng quýnh. Chưa nếm mùi me ” rốp” mà nghe như có vị chua chua ngòn ngọt ở đầu lưỡi.

Lần ra sau vườn là cả một rừng tre thân thon dài san sát làm thành một màn tre xanh mát ngút tầm mắt. Rồi một mùi thơm ngào ngạt gần như ngộp thở. Cả vùng ổi chín vàng, trái không lớn, đơm đầy cây và thơm vô cùng. Loại ổi có ruột màu đỏ, như loại ổi lòn ở Huế, từng mời mọc đám học trò nhỏ chúng tôi ngày xưa. Và càng ngạc nhiên đi ngang qua một rừng trái đào của Huế ( ngoài Bắc  kêu là trái roi, trong Nam là trái mận), ở đây trái nhỏ mà dù có chín cũng chỉ xanh ươm ươm hồng, giống hệt trái đào ở Huế, chưa nếm thử nên chưa biết mùi vị ra sao?

Sau rừng đào là rừng xoài trái nhỏ xanh xanh, hạt lớn nhưng rất thơm, người ta gọi là xoài cơm. Toàn cả loại cây trái nhiệt đới, gợi nhớ một trời quê hương trên xứ người vời vợi.

Nhìn những quả xoài lủng lẳng trên cây mà cứ muốn đứng nhìn ngắm mãi, ai ngờ bên cạnh còn có những quả bầng quân màu đỏ sậm, chín cây cũng hấp dẫn không kém cho khẩu vị trẻ con. Lắm lúc môi trở thành màu tím đỏ, áo quần đầy vết nâu thâm không làm sao giặt sạch được. Màu nâu đỏ của trái ví như nước da hồng hào mạnh khỏe của những thiếu nữ mặn mà duyên dáng: nước da bầng quân. Thân cây bầng quân đầy gai nhọn là rào cản cho sự leo trèo nghịch ngợm của tuổi nhỏ chúng tôi.

Ngoài ra, trên những đoạn đường san sát loại cây lớn như cây phượng bên nhà mà hoa lại tím ngắt vẽ thành đường phượng tím thơ mộng vô cùng.  Nhìn kỹ lá và hoa khác hẵn hoa phượng. Lá và hoa đều lớn hơn lá, hoa phượng vỹ. Nhìn xa xa cây cao lớn, đến gần lá hoàn toàn không giống lá phượng. Hoa lại càng khác hơn: hoa có hình ống, đầu hoa không xòe như hoa loa kèn, nằm thành chùm san sát như cả bó hoa kết lại. Đặc biệt hoa nở hàng loạt, nhiều và khoe sắc tím rợp trời khi nở rộ, cho ta hình ảnh mùa phượng đơm bông ở quê hương, có lẽ vì vậy mà có tên là ” phượng tím ” chăng?

Nhìn từ con đường lên cao dần với hàng cây hai bên trên đầu là màu tím bạt ngàn, vẽ một đường tím tiếp giáp với mây trời lãng đãng sắc trắng, đẹp hơn tranh vẽ.

Tôi tìm vào khu vườn cây nhiệt đới mà hàng cây hai bên dẫn vào là hai dãy cây phượng thấp, hoa vàng phơn phớt đỏ, hoa nhỏ mọc lưa thưa mà những buổi lễ cúng ở Huế không bao giờ thiếu vắng bình hoa này. Ở quê nhà tôi hay gọi đó là hoa phượng cúng.

        Tiến sâu vào trong, toàn kỳ hoa dị thảo. Một cây khế chi chít xen lẫn quả xanh, quả vàng nghiêng nghiêng bên hồ nước lơ thơ hoa súng màu tím xanh.  Lại còn có một cây thầu đâu( sầu đông) hoa tim tím pha trắng, lá hình răng cưa mềm mại rung rinh theo gió. Thật tình Huế quá! lá thầu đâu nhỏ mềm chỉ có mỗi công dụng là giúp cô hàng ủ cho những trái xoài luôn luôn tươi với vỏ ngoài mịn màng ươm vàng ngào ngạt hương. Trái thầu đâu màu xanh, nhỏ và màu vàng lúc chín trên cây. Tôi bỗng xa vời vợi nhớ hàng cây thầu đâu san sát dẫn vào lối sau vườn nhà bà ngoại tôi ở Lương Quán, Huế.

Cả một trời cây trái của Huế như rõ ràng trước mắt. Cái gì thuộc quê Huế cũng gợi nhớ cho tất cả người Huế đi xa, có chủ quan nhưng không biết làm sao? Khi mọi xúc cảm là tiếng nói từ con tim tràn ngập tình Huế. Huế mình cho dù những khó khăn của khí hậu, đất đai, nắng mưa đều quá độ nhưng người Huế vẫn thấy đó là nét đặc thù làm nên tình nghĩa quê hương không tìm thấy nơi đâu và thừa sức quyến rũ để mãi mãi trọn vẹn trong tim những kẻ xa quê.

      Bụi thời gian đã phủ đầy mái tóc, chân bước lạc loài đẩy đưa xa quê hơn nửa vòng trái đất, nhưng Huế vẫn còn trong lòng người xa Huế.

Huế cho đến bây giờ vẫn là một đề tài muôn thuở, cho văn học. Dù bây giờ Huế đã ra khỏi tầm mắt, xa cách nghìn trùng.

Xúc động, tôi nghe văng vẳng như có giọng ai vang nhẹ bên tai:

 

(*) ” Ai về Bến Ngự cho ta nhắn cùng

Nhớ chăng non nước Hương bình.

Có những ngày xanh lưu luyến bao tình“

 

” Huế mình cũng có… ở đây!!!”

 

Những ngày cuối năm 2017

Nguyên hạnh HTD