Seite auswählen

NGUỒN HÌNH ẢNH,NGOC DIEN Chụp lại hình ảnh, Ông Phan Văn Thu (áo vàng) cùng đệ tử Ân Đàn Đại Đạo

Ông Phan Văn Thu, tù nhân tôn giáo, người sáng lập Ân Đàn Đại Đạo – một tổ chức Phật giáo độc lập được chính quyền Miền Nam Cộng hòa công nhận trước năm 1975 – vừa qua đời trong trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai, được cho là do một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Bà Ngọc Diện, con dâu ông Thu, xác nhận thông tin này với BBC qua điện thoại từ Bình Định.

“Ngày 20/11, phía trại giam báo cho gia đình rằng cha đã mất. Bác sỹ nói cha tôi bị nhồi máu cơ tim. Trại giam nói gia đình tới để phối hợp với cơ quan chức năng lo giải quyết hậu sự.”

Bà Diện nói thêm: “Cha tôi bị suy tim đã lâu, bác sỹ nói ở cấp độ III. Đây là một kết cục đã được lường trước. Nhưng gia đình chúng tôi rất đau lòng vì từ nhiều năm nay chúng tôi đã làm đơn xin cho cha được ngưng thi hành án để về nhà dưỡng bệnh nhưng phía trại không giải quyết vì họ nói cha chỉ suy tim cấp độ II, không đủ điều kiện được cho về nhà.”

Hiện gia đình ông Thu đã hoàn tất việc mai táng ông.

Trước ông Thu, đã có hai tù nhân tôn giáo khác thuộc Ân Đàn Đại Đạo đã qua đời, được cho cũng do bệnh tật, gồm ông Phan Thanh Ý chết đầu năm 2022 chỉ hai tháng sau khi được về nhà và ông Đoàn Đình Nam chết năm 2019 trong tù.

Trong tổng số hơn 20 thành viên Ân Đàn Đại Đạo bị bắt giam cùng ông Thu từ năm 2012, hiện có 12 người vẫn đang thi hành án.

Cái chết của tù nhân đã có thể tránh?

Theo tường thuật của người nhà ông Phan Văn Thu, ông được chẩn đoán mắc bệnh suy tim từ hơn chục năm nay.

Bà Diện cho hay Trung tâm Pháp y Sở Y tế Gia Lai chẩn đoán ông Thu mắc suy tim giai đoạn ba, có nguy cơ vỡ tim, ảnh hưởng tính mạng.

Gia đình ông Phan Văn Thu và Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) đã nhiều lần đề nghị phía trại giam Gia Trung cho ông Thu được đình chỉ thi hành án để về nhà chữa bệnh nhưng không được chấp thuận.

Bà Diện cũng nói với BBC rằng ông Thu không được chăm sóc sức khỏe đầy đủ trong trại giam. Dù tuổi cao, sức yếu, mang trong người nhiều bệnh trong, nhưng ông chỉ được đưa đi giám định sức khỏe một lần vào năm 2018 và mới đây nhất vào năm 2022 trước khi ông mất.

Trong Bản kết luận giám định pháp y về sức khỏe của Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế Gia Lai doo gia đình cung cấp, ông Thu được xác định mắc suy tim cấp độ II, tiểu đường tuýp II, cùng một số vấn đề sức khỏe khác.

NGUỒN HÌNH ẢNH,NGOC DIEN Chụp lại hình ảnh, Bản kết luận giám định pháp y về sức khỏe ông Phan Văn Thu do gia đình cung cấp cho hay ông Thu chỉ bị suy tim cấp độ II nên không được ngưng thi hành án để về nhà dưỡng bệnh

BBC không có điều kiện để kiểm chứng độc lập các thông tin này.

“Phía trại giam đã tạo điều kiện cho gia đình mang thi thể cha tôi về để an táng mà không gây khó khăn gì. Họ cũng hỗ trợ xe đưa xác về nhà và một phần chi phí ma chay.

“Dù vậy, mong muốn của gia đình tôi là được lên tiếng để giải oan cho đạo Ân Đàn Đại Đạo, rửa sạch hàm oan cho cha tôi và những đệ tử của cha hiện đang bị tù đày.

“Cha tôi lẽ ra đã không phải chết trong nhà giam mà lẽ ra phải được trả về nhà trong vòng tay gia đình.

“Chúng tôi chỉ là những người tu hành. Những người hiện trong tù cũng đã già, yếu và gia đình sợ rằng họ cũng sẽ chịu số phận chết do bệnh tật trong tù,”

“Mặc dù là tù nhân, bị tước quyền công dân, nhưng họ vẫn còn những quyền khác như quyền được chăm sóc y tế, sức khỏe trong tù,” bà Ngọc Diện nói với BBC.

Theo gia đình ông Thu, hiện vẫn còn hàng trăm Phật tử của Ân Đàn Đại Đạo đang tu tập âm thầm tại nhà do bị chính quyền cản trở không cho tụ họp, thực hành tôn giáo công khai.

Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế nói gì?

Trả lời câu hỏi của BBC về trường hợp ông Phan Văn Thu, đặc phái viên USCIRF, ông Frederick A. Davie cho hay “USCIRF rất đau buồn khi hay tin ông Phan Văn Thu qua đời trong tù.”

NGUỒN HÌNH ẢNH,ẢNH TƯ LIỆU GIA ĐÌNH Chụp lại hình ảnh, Ông Phan Văn Thu (giữa) cùng các đệ tử Ân Đàn Đại Đạo

“USCIRF đã đưa trường hợp của ông Thu vào cơ sở dữ liệu Danh sách Nạn nhân của Quyền Tự do Tôn giáo hoặc Tín ngưỡng (FORB); ông là người sáng lập An Đàn Đại Đạo, một nhóm tôn giáo độc lập, và chính quyền Việt Nam đã kết án ông tù chung thân vì hoạt động tôn giáo của ông. Trước khi qua đời, sức khỏe của ông rất yếu.

“Ông mắc bệnh tiểu đường, viêm khớp, tăng huyết áp và suy tim. Theo báo cáo, nhà tù đã không điều trị y tế thích hợp cho ông trong thời gian ông ở trong tù.

“USCIRF đã thúc giục và sẽ tiếp tục thúc giục chính phủ Hoa Kỳ, bao gồm cả phái bộ Hoa Kỳ tại Việt Nam, theo dõi chặt chẽ tình trạng của các tù nhân lương tâm tôn giáo như ông Phan Văn Thu, và vận động cho phúc lợi của họ trong tù cũng như việc trả tự do cho họ.

“Ngoài ra, USCIRF cũng khuyến nghị chính phủ Hoa Kỳ nên phối hợp với chính phủ Việt Nam, cùng với các bên liên quan trong giới học thuật và xã hội dân sự, để khuyến khích sửa đổi Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo của Việt Nam và nghị định hướng dẫn thi hành luật này cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

“Những cải cách đó nên bao gồm việc làm cho việc đăng ký trở nên đơn giản hơn và không bắt buộc đối với tất cả các nhóm tôn giáo để họ có thể thực hành tín ngưỡng của mình một cách tự do và không bị chính phủ can thiệp.”

Chính quyền Việt Nam nói gì?

Trên báo chí chính thống, chính quyền Việt Nam nói rằng nhóm Ân Đàn Đại Đạo của ông Thu “núp bóng” dưới hoạt động kinh doanh khu du lịch sinh thái Đá Bia ở huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên để chỉ huy các hoạt động “chống phá” nhà nước như soạn ra các tài liệu “xuyên tạc”, “nói xấu” chế độ.

Cáo trạng mô tả ‘Hội đồng Công luật Công án Bia Sơn’ với khoảng 300 thành viên do ông Thu ‘cầm đầu’ là tổ chức chính trị “phản động, phản cách mạng, uy hiếp sự tồn tại của chính quyền nhân dân”….

Một bài báo có tiêu đề ‘Không thể xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam’ trên website của Bộ Nội vụ Việt Nam ngày 7/10/2022 nói rằng “Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân là chủ trương, chính sách nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước Việt Nam và được thể chế hóa bằng hệ thống pháp luật … được Hiến pháp khẳng định trên nguyên tắc hiến định”, và rằng “Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo.”

Hiện Việt Nam có 43 tổ chức tôn giáo được công nhận với 26,7 triệu tín đồ, theo Bộ Nội vụ Việt Nam.

Ông Phan Văn Thu là ai?

Ông Phan Văn Thu, sinh năm 1948, sáng lập Ân Đàn Đại Đạo, một tổ chức Phật giáo độc lập, trước năm 1975, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa và được cho là đã phát triển mạnh mẽ thời kỳ này.

Sau năm 1975, sau khi Đảng CSVN lên nắm quyền, Ân Đàn Đại Đạo được cho là bị chính quyền mới ngăn cấm, bắt người.

Ngày 5/2/2012, chính quyền ở Phú Yên bắt giam ông Thu cùng hơn 20 Phật tử khác với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”.

Sau đó, tội danh của họ bị thay đổi thành “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79 Bộ Luật Hình sự.

Tháng 2/2013, ông Thu bị kết án tù chung thân, 24 thành viên khác nhận bản án từ 10 đến 17 năm tù, tổng cộng 309 năm tù giam và 110 năm quản thúc.

Tự do tôn giáo ở Việt Nam

Vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam hiện vẫn đáng lo ngại trong hồ sơ của các tổ chức nhân quyền quốc tế.

Theo Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế Việt Nam 2021 của Hoa Kỳ, chính quyền Việt Nam sách nhiễu, hành hung, bắt người, truy tố, theo dõi, từ chối hoặc không trả lời yêu cầu đăng ký và các yêu cầu xin phép khác của các tổ chức tôn giáo độc lập.

Năm 2022 nóng với vụ giới chức bắt giữ và xét xử bốn người của Tịnh Thất Bồng Lai – một tổ chức tôn giáo độc lập.

12/2021, 56 tín đồ đạo Dương Văn Mình của người dân tộc thiểu số H’mông bị bắt.

9/2021, ba chức sắc đạo Cao Đài độc lập bị bắt

Báo cáo này cũng cho hay hàng chục tín đồ chức sắc của các nhóm tôn giáo khác tại Việt Nam đã bị thẩm vấn trong chỉ riêng năm 2019.

BBC (24.11.2022)

 

Cựu TNLT Lê Thị Bình: Trại giam An Phước đánh đập, buộc tù nhân nữ lao động nặng nhọc

Bà Lê Thị Bình Công an Nhân dân

Nhà hoạt động Lê Thị Bình, người vừa mãn hạn tù ngày 22/11, nói tù nhân nữ trong Trại giam An Phước (tỉnh Bình Dương) bị buộc lao động nặng nhọc trong môi trường độc hại trong khi chế độ dinh dưỡng và khám chữa bệnh tồi tệ, đôi khi còn bị đánh đập dã man bởi quản giáo.

Bà Bình, 46 tuổi, là thành viên của nhóm Hiến Pháp, bị bắt vào tháng 12 năm 2020 với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 của Bộ luật Hình sự. Sau đó, bà bị kết án hai năm tù giam.

Ngay trong ngày được trở về nhà, bà đã chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do (RFA) về cuộc sống trong Trại giam An Phước trong hơn một năm qua.

Ở ngoài đời tôi thấy cộng sản ác nhưng ít thôi. Vô trong đó rồi, cái ác của nó tôi thấy nhiều hơn nữa. Nó kinh doanh tù. Nó bắt tù nhân làm 10 tiếng (mỗi ngày-PV). Ăn thì cá thúi.

Theo bà Bình, trong Trại giam An Phước có khoảng 500 tù nhân nữ. Gần 20 người là tù nhân chính trị và lương tâm bị giam chung một khu có tên “An ninh” nơi họ được giao tiếp với nhau hàng ngày, trong số này có nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Hoàng Thị Thu Vang, Đinh Thị Thu Thuỷ, Huỳnh Thị Tố Nga, Ngô Thị Tường Vi…

Nhà tù cô lập nhóm tù An ninh và không cho tù hình sự giao tiếp với tù chính trị. Khi một người tù hình sự nói chuyện với tù thuộc nhóm An ninh, quản giáo sẽ gọi họ lên để tra khảo và đe nẹt.

Quản giáo trong Trại giam An Phước thường xuyên đánh đập tù nhân nữ, bà Bình cho biết.

Án chính trị an ninh thì nó (quản giáo- PV) không dám đánh, nhưng các án khác thì (quản giáo) đánh phạm nhân một cách dã man luôn.”

Chế độ dinh dưỡng kham khổ

Bà Bình nói theo quy định của trại giam thì một tuần tù nhân có ba bữa thịt, hai bữa cá và hai bữa trứng. Tuy nhiên, thịt thì được hai miếng nhỏ, còn cá thì là cá khô và hôi thối, được hấp qua loa rồi cho tù nhân ăn.

Bà nói loại cá này kém phẩm chất đến nỗi vứt cho chuột thì chuột cũng chê, và đa số tù nhân không ăn mà chỉ có khoảng 100 tù nhân vẫn phải ăn vì họ không nhận được tiếp tế từ gia đình. 

Cơm thì đủ nhưng rau thì không, cả tuần phải ăn rau muống cả gốc, bà Bình thuật lại. 

Lao động nặng nhọc

Theo Điều 32 của Luật Thi hành án hình sự, thời gian lao động của tù nhân “không quá tám giờ trong một ngày và năm ngày trong một tuần, được nghỉ vào các ngày chủ nhật, lễ, Tết theo quy định của pháp luật” và có thể bị yêu cầu làm thêm giờ nhưng không được vượt quá tổng số giờ làm thêm trong ngày theo quy định của pháp luật về lao động.

Điều luật này yêu cầu trại giam áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho phạm nhân.

Thực tế, bà Bình nói tất cả phụ nữ ở Trại giam An Phước bị buộc phải lao động 10 giờ mỗi ngày và thường phạm phải làm cả tuần trong khi tù nhân lương tâm thì chỉ phải làm năm ngày.

Một tuần làm đến thứ sáu. Thứ bảy và chủ nhật nó (trại giam) nói tự nguyện nhưng các đội khác án khác (hình sự) thì vẫn bị bắt làm. Đội làm (cạo mủ) cao su thì suốt tuần luôn. Nhiều đội làm cả tuần luôn.”

Những người nào chống đối lao động thì bị trừng phạt bằng hình thức giam giữ trong phòng và không được ra ngoài. Tù hình sự thì có thể bị đánh đập dã man khi lên tiếng phản đối.

Công việc là cạo mủ cao su hoặc làm đồ vàng mã để xuất khẩu đi Trung Quốc. Nguyên liệu làm hàng mã được sản xuất từ phế liệu tái chế và phẩm màu công nghiệp nên rất độc hại trong khi người lao động không được trang bị bảo hộ lao động.

“Nó bắt đi làm vàng mã mà bụi lắm. Hàng mã để xuất sang Trung Quốc. Không có trang thiết bị (bảo hộ lao động- PV) gì.”

Nhà tù giao định mức sản phẩm cho ngày công rất cao, và định mức này cho thường phạm cao nhiều lần so với tù chính trị, bà Bình cho hay.

Nếu không hoàn thành định mức, người tù phải nộp tiền hoặc chịu kỷ luật bằng nhiều hình thức như không được giảm án, bị đánh, bắt phạt mang cơm cho cả đội và cọ rửa nồi cơm sau khi đi lao động về.

Bà Bình cho biết bà cũng như các tù nhân tham gia lao động không được trại giam trả tiền cho công sức của họ.

Người tù hình sự bị buộc lao động nặng nhọc và đánh đập nhiều nên mỗi khi có tù nhân chính trị mãn hạn tù thì thường phạm mong họ đưa thông tin ra bên ngoài, mong xã hội can thiệp để cuộc sống của họ được cải thiện, bà Bình nói.

Trong một lần trả lời phỏng vấn của RFA trước đây, cựu tù nhân lương tâm Trần Thanh Phương, người vừa mãn hạn tù đầu tháng ba năm nay cho biết, cán bộ trại giam An Phước bóc lột sức lao động của tù nhân và chỉ trả tiền công bằng 1/10 so với giá trị thực tế lao động.

Ông Phương cho biết, một người có sức khoẻ như ông mà lao động chăm chỉ cũng chỉ có thể được trả công 300.000-350.000 đồng/tháng còn một người tù thường phạm khoẻ mạnh chỉ được trả công 60.000 đồng/ngày khi đi làm việc ở ngoài trại giam. 

Chăm sóc y tế tồi tệ

Bà Bình nói chế độ chăm sóc y tế trong Trại giam An Phước vô cùng tồi tệ. Trạm xá của trại chỉ cung cấp một vài loại thuốc cho tất cả các bệnh trong khi nhà tù chỉ cho phép gia đình gửi vào cho thân nhân một số loại thuốc nhất định.

Đau răng đau đầu hay đau ngực thì cũng có một viên thuốc Paradol thôi.”

Bà kể tuần trước có một đoàn y tế vào trại để khám bệnh cho tù nhân, tuy nhiên, họ chỉ làm một cách chiếu lệ, không thực hiện việc khám bệnh mà chỉ hỏi người tù vài câu rồi ghi “bình thường” vào sổ y bạ.

Điều kiện giam giữ và cách đối xử với tù chính trị trong Trại giam An Phước đã từng được nêu lên trước đây. Gần đây nhất là vào đầu năm 2022 khi người thân của tù nhân lương tâm Lê Quý Lộc cho RFA biết ông Lộc bị cán bộ trại giam đánh đập. Lý do là ông đòi hỏi quyền được ra ngoài chơi thể thao vào thứ Bảy cho những người tù chính trị. Ông Lộc sau đó đã tuyệt thực trong tám ngày để phản đối việc mình bị hành hung.

Đài Á Châu Tự Do đã gọi điện thoại liên hệ với Trại giam An Phước nhiều lần để lấy phản hồi về các cáo buộc này nhưng không ai trả lời máy.

Điều kiện giam giữ và đối xử với tù chính trị tại các trại tù ở Việt Nam đã từng bị các tổ chức về nhân quyền quốc tế lên tiếng phản đối.

RFA (23.11.2022)

 

 

 

USCIRF lên tiếng việc ông Phan Văn Thu chết trong trại giam

USCIRF đưa ông Phan Văn Thu vào danh sách nạn nhân của các hành động vì tự do tôn giáo và tín ngưỡng. Photo USCIRF.

Uỷ hội Tự to Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) hôm 22/11 bày tỏ sự đau buồn khi hay tin ông Phan Văn Thu chết trong trại giam, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục hối thúc chính quyền Việt Nam trả tự do cho các tù nhân tôn giáo khác.

“USCIRF rất đau buồn khi biết tin ông Phan Văn Thu đã qua đời, người được cho là đã chết trong tù sau khi chống chọi với một vấn đề sức khỏe không xác định. Ông Thu là người sáng lập Ân Đàn Đại Đạo, một nhóm tôn giáo độc lập, và đã bị kết án tù chung thân vì các hoạt động tôn giáo của mình”, USCIRF dẫn lời Ủy viên Frederick A. Davie cho biết trong một email gửi VOA.

“Sức khỏe của ông yếu trước khi ông qua đời, mắc bệnh tiểu đường, viêm khớp, tăng huyết áp và suy tim. Theo nguồn tin gia đình, quản lý trại giam đã không điều trị y tế thích hợp cho ông trong thời gian ông ở trong tù”, ủy viên của USCIRF cho biết thêm.

“USCIRF đã hối thúc và sẽ tiếp tục hối thúc chính phủ Hoa Kỳ, bao gồm cả phái bộ Hoa Kỳ tại Việt Nam, giám sát chặt chẽ và nêu rõ tình trạng của các tù nhân lương tâm tôn giáo và vận động cho việc chăm sóc y tế cho họ trong tù cũng như việc trả tự do cho họ,” ông Davie cho biết.

Như VOA đã loan tin, ông Phan Văn Thu, chết ngày 20/11 tại trại giam Gia Trung ở Gia Lai do Bộ Công an quản lý. Thi thể của ông sau đó đã được bàn giao cho gia đình. Gia đình ông Thu nói với VOA rằng họ đã nhiều lần làm đơn gửi trại giam yêu cầu cho ông Thu hoãn thi hành án để về nhà chữa bệnh, nhưng không được chấp thuận.

Bộ Công an Việt Nam và Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản hồi đề nghị bình luận của VOA về phát biểu của gia đình ông Thu và của USCIRF.

Trước đó, USCIRF đưa ông Phan Văn Thu vào danh sách nạn nhân của các hành động vì tự do tôn giáo và tín ngưỡng toàn cầu và liên tục vận động để chính quyền Việt Nam phóng thích ông Thu.

Vào tháng 2/2013, ông Thu bị chính quyền Việt Nam kết án tù chung thân với cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền”, trong khi 24 thành viên khác trong nhóm Ân Đàn Đại Đạo mỗi người nhận bản án từ 10 đến 17 năm tù, tổng cộng 309 năm tù giam và 110 năm quản thúc.

VOA (23.11.2022)

 

 

 

 Giải Nhân Quyền Việt Nam 2022

Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

 

Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi tiếp tân đánh dấu 25 năm hoạt động (2097-2022) vào chiều ngày 20 tháng 11 năm 2022 tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng của TP Westminster, California.

Buổi tiếp tân có ba mục đích chính: Tường trình sinh hoạt của Mạng Lưới trong 25 năm qua; tri ân những người đã hỗ trợ sinh hoạt của Mạng Lưới, và công bố Giải Nhân quyền Việt Nam năm 2022.

Tham dự buổi tiếp tân có đông đảo thân hữu, những người hỗ trợ và một số quan khách. Về phía chính quyền có ông Lý Phong, trưởng văn phòng Dân biểu liên bang Alan Lowenthal mà vì lý do sức khỏe nên phút chót không đến tham dự được, Thị trưởng TP Phố West minster Tạ Đức Trí; Phó thị trưởng TP Garden Grove Diedre Thu Hà Nguyễn và một số dân cử khác trong vùng. Một số chức sắc tôn giáo, chính trị và cộng đồng và các cựu tù nhân lương tâm, bao gồm cả những người từng nhận Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam, cũng có mặt.

Trong dịp này MLNQVN đã long trọng tri ân hai vị khách đặc biệt là Dân biểu Alan Lowenthal và Bà Ann Lau.

Dân biểu Lowenthal, đại biểu của khu vực 47 của California từ năm 2013. Trong suốt 20 năm phục vụ, ông đã dành thời gian và nỗ lực của mình để giúp thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cho người Việt Nam, đặc biệt là các nhà hoạt động nhân quyền. Dân biểu Lowenthal đã bảo trợ nhiều tù nhân lương tâm Việt Nam hơn bất kỳ dân biểu hay thượng nghị sĩ nào khác. Riêng đối với Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, Dân biểu Lowenthal là một người bạn tốt và một người hỗ trợ xuất sắc trong công cuộc đấu tranh cho nhân quyền và tự do của người dân Việt Nam.

Bà Ann Lau, Chủ tịch của Visual Artists Guild, một tổ chức phi lợi nhuận đấu tranh cho quyền tự do ngôn luận và biểu đạt. Hàng năm Visual Artists Guild trao Giải thưởng Tinh thần Thiên An Môn để vinh danh những cá nhân và tổ chức đã có dấu ấn trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận trên thế giới, đặc biệt tại Á châu. Năm 2017, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam đã nhận được Giải thưởng Tinh thần Thiên An Môn từ Visual Artists Guild, cùng với các nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng ở Trung Quốc, bao gồm Lam Wing Kee – nhà sách Hồng Kông, luật sư Nhân quyền Xie Yang, Li Heping, Wang Quanzhang, và Giang Thiên Dũng. Ngoài vinh dự này, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam còn nhận được sự hỗ trợ thân thiện và nhiệt tình từ Visual Artists Guild và bà Ann Lau trong suốt 25 năm qua.

Ba trong số những thành viên sáng lập có những đóng góp xuất sắc cho hoạt động của ML cũng nhận được bằng tưởng lục trong dịp nầy, gồm GS Nguyễn Thanh Trang, BS Lâm Thu Vân và GS Trần Đức Thanh Phong.

Việc công bố kết quả Giải Nhân quyền Việt Nam 2022 được đưa vào chương trình buổi tiếp tân thay vì có một cuộc họp báo riêng như những năm trước. Trong phần công bố kết quả Giải Nhân quyền 2022, TS Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban Điều hành MLNQVN cho biết, MLNQVN đã nhận được 19 đơn đề cử từ trong nước và hải ngoại. Sau một tháng làm việc cẩn trọng, Ban Tuyển chọn đã bầu chọn được 3 ứng viên xuất sắc cho Giải Nhân quyền năm nay: đó là Nhà thơ Trần Đức Thạch, Nhà báo Nguyễn Tường Thụy, và nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh và Liên Minh Dân Tộc Việt Nam Tự Quyết (Xin xem phần thành tích đính kèm). Ông cũng cho biết Lễ Trao Giải Nhân quyền Việt Nam năm 2022 sẽ được tổ chức tại TP Frankfurt, Đức Quốc, cùng với sự hợp tác của Liên Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức nhân dịp Ngày Quốc tế Nhân quyền, 10-12-2022.

Sau cùng nhiều khách mời đặc biệt đã phát biểu cảm tưởng, gồm có Linh mục Nguyễn Hữu Lễ đến từ Tân Tây Lan, Hòa thượng Thích Không Tánh lên tiếng từ Việt Nam, thị trưởng TP Westminster và phó thị trưởng TP Garden Grove. BS Võ Đình Hữu, thay mặt Hội Đồng Liên kết Quốc nội-Hải ngoại, nhân dịp nầy cũng trao tặng DB Lowenthal và MLNQVN hai bằng tưởng lục.

Sau đây là tóm tắt tiểu sử đấu tranh của các vị nhận Giải Nhân Quyền Việt Nam Năm 2022

 

NHÀ THƠ TRẦN ĐỨC THẠCH

Tù nhân lương tâm Trần Đức Thạch, sinh năm 1952 ở Nghệ An. Ông từng là cựu chiến binh quân đội Bắc Việt, trong cuộc nội chiến hai miền Nam-Bắc.

Sau khi giải ngũ, ông tham gia đấu tranh chống lại bất công xã hội ở địa phương, và cùng một số nhà hoạt động khác như Nguyễn Xuân Nghĩa và Vũ Văn Hùng tập hợp đấu tranh đòi dân chủ, nhân quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Ông là tác giả của hàng trăm bài thơ, một tiểu thuyết và nhiều bài báo, qua đó, ông đả kích sự bất công xã hội, thiếu vắng công lý, và vi phạm nhân quyền.

Tác phẩm gây chấn động cả nước là tập hồi ký “Hố chôn người ám ảnh”. Trong tác phẩm nầy, ông đã thuật lại những điều ông đã chứng kiến qua vai trò tiểu đội trưởng trinh sát thuộc tiểu đoàn 8, Sư đoàn 341 trong trận đánh quanh tỉnh lỵ Long Khánh vào tháng 4, 1975. Bộ đội Bắc Việt đã xả súng đại liên thảm sát hàng trăm thường dân vô tội ở xã Tân Lập, bây giờ gọi là Xuân Lập, thuộc huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai. Khi ông nghe tiếng súng và chạy đến, yêu cầu đồng đội dừng bắn thì được biết cấp trên đã ra lệnh “giết nhầm hơn bỏ sót.”

Vì những hoạt động ôn hòa để đòi công lý, nhân quyền, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ, ông đã bị chính quyền CSVN bắt và đưa ra xét xử vào ngày 6-10-2008, và bị kết án 3 năm tù và 3 năm quản chế về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Sau khi ra tù, ông liên tục bị nhà cầm quyền địa phương sách nhiễu, khủng bố, bắt bớ, câu lưu vì ông không chịu từ bỏ lý tưởng tự do-dân chủ-nhân quyền, cũng như những việc làm ôn hoà đấu tranh cho lý tưởng của ông.

Năm 2013, ông gia nhập Hội Anh Em Dân Chủ với mục đích đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền.

Vì thế ông bị bắt lần thứ hai vào ngày 23-4-2020 với cáo buộc “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”. Ngày 15-12-2020, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên xử ông 12 năm tù giam và 3 năm quản chế trong một phiên tòa sơ thẩm vỏn vẹn chỉ trong vòng buổi sáng. Ngày 24-3-2021, Tòa phúc thẩm y án tòa sơ thẩm trong 1 phiên tòa chưa đầy 2 giờ đồng hồ.

Đối với Trần Đức Thạch, cho dù tiếng súng đã ngưng, nhưng cuộc chiến chống lại sự ác để dành lại quyền làm người chưa bao giờ kết thúc. Trước tòa án CS trong phiên xử phúc thẩm tháng 3 năm 2021, TNLT Trần Đức Thạch nói:

“tôi xác định phiên tòa này là những nốt nhạc cuối của bản hùng ca, bi tráng của cuộc đời tôi. Nó sẽ không kết thúc tại đây mà nó sẽ ngân nga mãi theo thời gian, theo dòng chảy lịch sử của người dân nước Việt, của những người yêu nước và hy sinh cho sự công chính.

Tôi rất tự hào vì được cùng anh chị em dấn thân cho sự nghiệp dân chủ của Việt Nam và sự nghiệp chống Trung Quốc thao túng, xâm lược Việt Nam…”

Hiện nay tù nhân lương tâm Trần Đức Thạch bị giam cầm tại trại 5, huyện Thống Nhất, Thanh Hóa. Sức khỏe của ông càng ngày càng suy nhược do tuổi già và điều kiện giam cầm vô nhân đạo của lao tù cộng sản; tuy nhiên ý chí của ông vẫn luôn kiên trì. Bà Nguyễn Thị Chương, vợ nhà thơ Trần Đức Thạch thuật lời ông nói với bà khi bà cùng hai người thân đi thăm ông tại nhà tù ở huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa: “Dù có 12 năm (tù) hay 20 năm (tù) hay không có ngày trở về, ông vẫn giữ nguyên ý chí của mình.”

 

NHÀ BÁO NGUYỄN TƯỜNG THỤY

Nhà báo Nguyễn Tường Thụy sinh năm 1952. Năm 20 tuổi ông gia nhập quân đội cộng sản Bắc Việt, và xuất ngũ 22 năm sau đó; tuy nhiên ông chưa bao giờ là đảng viên Đảng CSVN. Trong 22 năm phục vụ trong quân đội, ông có dịp va chạm với các đảng viên và guồng máy vô nhân tính của Cộng Sản nên ông đã thấu hiểu được sự lừa bịp gian trá của chế độ chính trị nầy.

Kinh nghiệm sống thực đó đã giúp ông có một thái độ dứt khoát khi bước vào cuộc chiến cho lý tưởng cho nhân phẩm và tình người.

Từ năm 2011, Nguyễn Tường Thụy tham gia nhiều hoạt động đấu tranh cho công bằng xã hội và chủ quyền đất nước, như các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, tuần hành bảo vệ cây xanh Hà Nội, cứu trợ nạn nhân thiên tai và người nghèo khổ, và lên tiếng cho dân oan. Ông là Phó Ban điều hành của “Hội Bầu Bí Tương Thân”, một tổ chức xã hội dân sự tương trợ của những tù nhân lương tâm và dân oan. Ông là thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, một tổ chức xã hội dân sự có mục đích “xây dựng một xã hội dân chủ tiến bộ, công bằng và văn minh tại Việt Nam.”

Năm 2016 Nguyễn Tường Thụy làm đơn ứng cử Quốc hội khóa 14 với tư cách độc lập mặc dù trong đơn ứng cử ông khẳng định rằng: “Việc ứng cử vào Quốc hội không có nghĩa là tôi chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng CSVN (thể hiện trong Điều 4 Hiến pháp) cũng như những điều khoản bất cập khác.” Tuy nhiên chính quyền cộng sản, thông qua cơ chế hội nghị cử tri ở địa phương đã bác đơn ứng cử của ông.

Ngoài các hoạt động dấn thân đa dạng đó, phương tiện đấu tranh chính của Nguyễn Tường Thụy là ngòi bút. Ông viết báo, viết blog và là chủ trang blog và trang Facebook mang tên ông với nhiều triệu lượt truy cập. Ông cũng là cộng tác viên của Đài Á châu Tự do (RFA).

Năm 2014, khi Hội Nhà báo Độc lập ra đời, Nguyễn Tường Thụy đảm nhiệm vai trò Phó Chủ tịch hội. Đây là một tổ chức xã hội dân sự chuyên biệt với mục đích “Phản ánh trung thực và sâu sắc những vấn đề nóng bỏng của xã hội và đất nước” và “Phản biện đối với những chính sách bất hợp lý của nhà nước liên quan đến quản lý xã hội và tự do báo chí.” Trong vai trò nầy, ông thu thập và trình bày các sự kiện tiêu cực trong xã hội được dư luận quần chúng quan tâm trong mọi lãnh vực từ chính trị, kinh tế, xã hội, và văn hóa…

Chỉ vì những nhận định khác với đường lối của Đảng CSVN, nhà báo Nguyễn Tường Thụy thường xuyên bị an ninh theo dõi, sách nhiễu, hăm dọa và nhiều lần bị hành hung. Công an cũng thường xuyên tìm đủ mọi cách để hạn chế sự đi lại của ông, không cho ông ra khỏi nhà để gặp gỡ các nhà hoạt động khác và đại diện của VP Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Nhiều lần ông bị bị bắt vào đồn cảnh sát, vào trại “Phục hồi nhân phẩm” ở Lộc Hà, hoặc trụ sở công an TP tại Số 6, Quang Trung, Hà Nội…

Ngày 21-11-2019, nhà báo Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội Nhà Báo Độc lập bị bắt và truy tố về tội “sản xuất, tàng trữ, phổ biến” tài liệu chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ngày 23-5-2020, một toán công an chìm và nổi của TP Hà Nội bất ngờ xông vào nhà ông, lục soát mọi vật dụng cá nhân và bắt ông đi.

Ngày 5-1-2021, chỉ sau nửa ngày nghị án, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên nhà báo Phạm Chí Dũng 15 năm tù, nhà báo Nguyễn Tường Thụy và nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn cùng mức án 11 năm tù. Ngoài án tù, cả ba người còn bị tuyên phạt ba năm quản chế. Tất cả ba người đều bị quy kết tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 Luật Hình sự VN.

Ở trong nhà tù, quản giáo trại giam có nói với ông Thuỵ là nếu nhận tội thì án có thế giảm xuống còn 7 đến 8 năm. Tuy nhiên, ông luôn khẳng định mình vô tội, không yêu cầu giảm án. Khi được khuyến khích làm đơn xin xử phúc thẩm. Nguyễn Tường Thụy đã xé đơn khi bị buộc phải viết theo hướng dẫn của viên công an. Trong một bức thư gởi ra từ nhà tù, Ông viết: “Tôi bình thản nhất định không nhận tội để giảm án. Người ta chỉ sống có một lần. Nếu cho làm lại tôi vẫn làm như thế thôi.”

Hiện nay, Nguyễn Tường Thụy bị giam tại nhà tù An Phước, tỉnh Bình Dương. Sức khỏe của ông càng ngày càng suy giảm vì tuổi già và nhiều bệnh tật.

 

NHÀ HOẠT ĐỘNG LƯU VĂN VỊNH VÀ LIÊN MINH DÂN TỘC VIỆT NAM TỰ QUYẾT

Ông Lưu Văn Vịnh sinh năm 1967 tại Hải Dương, cư ngụ tại quận Tân Bình, Sài Gòn. Từ năm 2014, ông Vịnh bắt đầu tiếp xúc và họp mặt với các nhà hoạt động đối lập để thảo luận về các vấn đề nhân quyền và dân chủ. Ông tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, phản đối nhà máy Formosa gây ô nhiễm môi trường biển, và yểm trợ dân oan khiếu kiện đòi lại tài sản bị chính quyền cộng sản cưỡng chiếm.

Ngày 15-7-2016, ông Lưu Văn Vịnh đăng một bản thông báo trên Facebook cá nhân, tuyên bố thành lập tổ chức Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết với mục đích đòi hỏi “ĐCSVN phải trao trả lại quyền dân tộc tự quyết cho toàn dân, để người dân có toàn quyền chọn lựa một thể chế chính trị mà mình muốn, bằng chính thật sự lá phiếu của mình, trong một thể chế tam quyền phân lập.”

Ngày 6-11-2016, Công an TP. Hồ Chí Minh bắt khẩn cấp ông Lưu Văn Vịnh và một thanh viên khác của Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết là ông Nguyễn Văn Đức Độ.

Ngày 5-10-2018, Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm các thành viên của tổ chức Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết gồm: Lưu Văn Vịnh, Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Đức Độ, Từ Công Nghĩa và Phan Trung. Theo cáo trạng, ông Vịnh và các bạn đấu tranh của ông đã có hành vi tuyên truyền đả kích, bôi nhọ, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau phiên tòa chóng vánh chưa được một ngày, tất cả 5 bị cáo bị kết tội “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân” với những bản án nặng nề: Ông Lưu Văn Vịnh 15 năm tù giam, ông Nguyễn Quốc Hoàn 13 năm tù giam, ông Nguyễn Văn Đức Độ 11 năm tù giam, ông Từ Công Nghĩa 10 năm tù giam, và ông Phan Trung 8 năm giam. Cả 5 người còn bị phạt thêm mỗi người 3 năm quản chế.

Dù tay bị còng, cả 5 người đều vung tay liên tục hô lớn “Đả đảo phiên tòa”, “Đả đảo phiên tòa bất công”, và “Đả đảo Cộng sản.”

Cả năm người đều phủ nhận các cáo buộc, khẳng định mình vô tội và kháng cáo, nhưng trong phiên tòa phúc thẩm ngày 18-3-2019 TAND TP Hồ Chí Minh giữ nguyên mức án.

Trong thời gian bị giam giữ để điều tra các thanh viên Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết bị đánh đập và tra tấn. Mãi cho đến ngày 12-11-2017, ông Lưu Văn Vịnh mới được phép gặp gia đình lần đầu tiên kể từ khi bị bắt vào tháng 11 năm trước.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế đã kêu gọi Việt Nam hủy bỏ bản án và trả tự do các thành viên này ngay lập tức.

Tháng 4-2018, Nhóm Công tác Về Bắt giữ Tùy tiện của Liên Hiệp Quốc công bố ý kiến rằng “việc giam giữ bất hợp pháp một năm đối với nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh ‘tạo ra các điều kiện có thể dẫn đến vi phạm Công ước chống tra tấn, và bản thân nó có thể cấu thành hành vi tra tấn hoặc đối xử tệ bạc.’”

Trước phiên tòa sơ thẩm, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói “Việt Nam nên bãi bỏ các cáo buộc có động cơ chính trị đối với năm nhà vận động ủng hộ dân chủ từ một nhóm chính trị thách thức sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính quyền nên thả họ ngay lập tức vô điều kiện.”

Ngay sau phiên tòa sơ thẩm, bà Minar Pimple, Giám đốc Cấp cao về Hoạt động Toàn cầu của Tổ chức Ân xá Quốc tế nhận định “Bản án tàn nhẫn và vô nghĩa này rõ ràng là nhằm ngăn chặn quyền tự do biểu đạt của người dân.”

Dù thời gian tồn tại chưa đầy bốn tháng kể từ ngày công bố hoạt động, Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết đã chứng tỏ rằng quyền được tự do chọn lựa một thể chế chính trị mà mình muốn vẫn luôn là một khát vọng phổ quát của con người, đặc biệt là của người Việt Nam đang sống dưới ách độc tài chuyên chế cộng sản. Ông Lưu Văn Vịnh và các bạn của ông đã ý thức và hy sinh tranh đấu cho lý tưởng nhân quyền nầy cho dù phải chuốc lấy những năm tháng tù tội.

http://vietnamhumanrights.net/website/221120_MLNQVN.htm

VNTB(23.11.2022)

 

 

 

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trao giải cho các nhà hoạt động đang thụ án tù trong nước

(Từ trái qua) Nhà báo Nguyễn Tường Thụy, nhà thơ Trần Đức Thạch và nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh nằm trong số 8 người sẽ được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở ở Mỹ vinh danh trong một buổi lễ tại Đức vào 10/12.

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (VNHRN) có trụ sở ở Mỹ vừa trao giải thưởng nhân quyền 2022 cho nhà báo Nguyễn Tường Thụy, nhà thơ Trần Đức Thạch và 5 thành viên của Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết, hiện đều đang thụ án tù ở Việt Nam.

Trong một thông cáo ra ngày 20/11, VNHRN cho biết họ đã chọn 7 nhà hoạt động nói trên từ 19 đề cử từ trong nước và hải ngoại. Theo ông Nguyễn Bá Tùng, giám đốc điều hành của VNHRN, những người được chọn, đều bị kết án tù từ 8 cho đến 15 năm, đã “đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ bằng chính cuộc sống của họ”.

Nhà báo Tường Thụy, từng là một cộng tác viên của Đài Á châu Tự do (RFA), bị kết án tù hồi tháng 1/2021 cùng với các thành viên khác của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, trong đó có blogger Phạm Chí Dũng của VOA. Ông Thụy, từng làm đơn ứng cử Quốc hội Việt Nam khóa 14 với tư cách đại biểu độc lập, bị kết án 11 năm tù với tội danh “sản xuất, tàng trữ, phổ biến” tài liệu chống Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, ông Thụy, 72 tuổi, luôn khẳng định mình vô tội và viết trong một bức thư gửi ra từ nhà tù rằng: “Người ta chỉ sống có một lần. Nếu cho làm lại, tôi vẫn làm như thế”.

Bà Phạm Thị Lân, vợ ông Thụy, nói với VOA rằng bà rất vui vì chồng mình được trao giải Nhân quyền của VNHRN năm nay và đã báo với ông Thụy khi thăm ông tại trại giam An Phước ở Bình Dương.

“Anh ấy rất vui”, bà Lân nói nhưng cho biết rằng chồng bà, hiện có bệnh lý nền, có thể không trụ được đến ngày ra tù. “Anh có nói với tôi rằng anh xác định rồi, có thể không có ngày đoàn tụ”.

Trong khi đó, nhà thơ Đức Thạch, một cựu chiến binh của quân đội Bắc Việt, cũng đang thụ án tù tại một trại giam ở Thanh Hóa. Ông bị kết án 12 năm tù với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” vào năm 2020 sau 7 năm gia nhập Hội Anh em Dân chủ với mục đích đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền.

Trước đó, vào năm 2008, ông bị kết án 3 năm tù về tội “tuyên truyền chống nhà nước” sau khi đưa ra tập hồi ký “Hố chôn người ám ảnh”, trong đó ông thuật lại những điều ông chứng kiến qua vai trò tiểu đội trưởng trinh sát về việc bộ đội Bắc Việt xả súng thảm sát hàng trăm thường dân vô tội ở xã Tân Lập, nay là Xuân Lộc, của tỉnh Đồng Nai.

Trước phiên phúc thẩm hồi tháng 3 năm ngoái, ông Thạch, 70 tuổi, nói rằng ông “xác định phiên tòa này là những nốt nhạc cuối của bản hùng ca, bi tráng của cuộc đời tôi” và rằng ông “rất tự hào vì được cùng anh chị em dấn thân cho sự nghiệp dân chủ của Việt Nam”.

Bà Nguyễn Thị Chương, vợ ông Thạch, cho biết sức khỏe của ông ngày càng suy nhược do tuổi tác và điều kiện giam cầm “vô nhân đạo” nhưng ông vẫn kiên định rằng “dù có 12 năm hay 20 năm (tù) hay không có ngày trở về, ông vẫn giữ nguyên ý chí của mình”.

Nhà hoạt động Lưu Văn Vịnh là một trong số 5 thành viên của Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết được VNHRN trao giải nhân quyền năm nay.

Ông Vịnh – người tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược, phản đối nhà máy Formosa gây ô nhiễm môi trường và hỗ trợ dân oan khiếu kiện đòi lại tài sản bị chính quyền cưỡng chiếm – bị kết án 15 năm tù giam với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” hồi tháng 10/2018.

Bốn thành viên khác của Liên minh do ông Vịnh thành lập – gồm Nguyễn Quốc Hoàn, Nguyễn Văn Đức Độ, Từ Công Nghĩa và Phan Trung – cũng bị kết án tại cùng một phiên tòa từ 8 đến 13 năm tù với tội danh tương tự.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế đã kêu gọi Việt Nam hủy bỏ bản án và trả tự do cho các thành viên của Liên minh.

Theo VNHRN, dù thời gian tồn tại chưa đầy bốn tháng kể từ ngày công bố hoạt động nhưng Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết “đã chứng tỏ rằng quyền được tự do chọn lựa một thể chế chính trị mà mình muốn vẫn luôn là một khát vọng phổ quát của con người, đặc biệt là của người Việt Nam đang sống dưới ách độc tài chuyên chế cộng sản”.

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam cho rằng ông Vịnh và các bạn của ông “đã ý thức và hy sinh tranh đấu cho lý tưởng nhân quyền này cho dù phải chuốc lấy những năm tháng tù tội”.

Theo TS Tùng của VNHRN cho biết, Lễ trao giải Nhân quyền Việt Nam năm 2022 của tổ chức có trụ sở ở California sẽ được tổ chức tại thành phố Frankfurt của Đức cùng với sự hợp tác của Liên hội Người Việt Tỵ nạn tại đây nhân dịp Ngày Quốc tế Nhân quyền ngày 10/12.

VOA (22.11.2022)

 

 

 

Blogger Nguyễn Tường Thuỵ được trao Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam 2022

Blogger Nguyễn Tường Thụy cầm hoa tham gia biểu tình phản đối Trung quốc tại Hà Nội hôm 19/1/2014 (hình minh họa) Reuters

Blogger Nguyễn Tường Thuỵ của Đài Á Châu Tự Do (RFA) cùng hai nhà hoạt động khác và Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trao Giải thưởng Nhân quyền 2022 vì những đóng góp của họ cho phong trào dân chủ và bảo vệ nhân quyền ở trong nước. Thông cáo báo chí của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam cho biết như vậy hôm 20/11.

Ngoài ông Thuỵ, những cá nhân khác được nhận giải bao gồm: nhà thơ Trần Đức Thạch, ông Lưu Văn Vịnh.

Tất cả những người được trao giải năm nay là tù nhân lương tâm, đang thi hành án tù dài hạn. Ông Nguyễn Tường Thuỵ (72 tuổi) đang thi hành án tù 11 năm về tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước.” Nhà thơ Trần Đức Thạch bị kết án 12 năm tù với tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.”

Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết bao gồm ông Lưu Văn Vịnh và các ông Nguyễn Văn Đức Độ, Từ Công Nghĩa, Nguyễn Quốc Hoàn, và Phan Trung. Tất cả đều bị kết án cùng tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” trong một phiên tòa tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10/2018 với án tù từ tám đến 15 năm. 

Ông Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban Điều hành Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, nói với RFA từ California:

Họ đã đấu tranh xả thân vì vấn đề nhân quyền và dân chủ. Thi sỹ Trần Đức Thạch và nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ dùng ngòi bút để diễn tả một cách bất bạo động ước vọng của họ. Ông Lưu Văn Vịnh và các bạn trong Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết hoạt động để kêu gọi Đảng Cộng sản Việt Nam trao trả lại quyền dân tộc tự quyết cho toàn dân để người dân có toàn quyền lựa chọn thể chế chính trị mà họ muốn.”

Theo Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, những người được chọn trao giải năm nay nằm trong số 19 đơn đề cử từ trong nước và hải ngoại. Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng nói với RFA:

Mục đích của Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam trước hết là để vinh danh những đóng góp của những người hoạt động nhân quyền Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là phương cách để nuôi dưỡng và động viên tinh thần cho những người đang và sẽ dấn thân vì sứ mệnh cao cả đó.”

Ông Nguyễn Tường Thuỵ là một trong những người sáng lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam năm 2014. Ông được bầu là Phó chủ tịch của tổ chức này cho đến khi bị bắt vào tháng 5/2020.

Đầu năm 2021, trong một phiên toà kéo dài một ngày, ông cùng Chủ tịch Hội là ông Phạm Chí Dũng và biên tập viên Lê Hữu Minh Tuấn của trang Việt Nam Thời báo bị kết tội “Tuyên truyền chống nhà nước.”

Blogger Nguyễn Tường Thụy là người viết blog thường xuyên cho RFA về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, và xã hội.

Ông Trần Đức Thạch, 70 tuổi, là sỹ quan quân đội Bắc Việt trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông là tác giả của tập hồi ký “Hố chôn người ám ảnh” kể lại sự việc lính Bắc Việt khi thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh đã thảm sát hàng trăm thường dân vô tội ở xã Tân Lập, bây giờ gọi là Xuân Lập, thuộc huyện Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai ngay trước ngày 30/4/1975.

Với những đóng góp của mình, ông được trao giải thưởng mang tên tù chính trị Nguyễn Chí Thiện 2020. Năm 2020, ông bị bắt với cáo buộc “Hoạt động lật đổ chính quyền” và sau đó bị kết án 12 năm tù giam và ba năm quản chế.

Ông Lưu Văn Vịnh, 55 tuổi, tham gia nhiều cuộc biểu tình ôn hoà ở Hà Nội phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông năm 2011. Ông bị bắt vào tháng 11/2016 và sau đó bị kết án 15 năm cùng bốn người khác trong Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết trong một phiên tòa năm 2018.

Nhóm Công tác về Bắt giữ Tuỳ tiện (WGAD) của Liên Hiệp Quốc đã có các báo cáo xác định việc bắt giữ và kết án các ông Nguyễn Tường Thuỵ, Trần Đức Thạch và Lưu Văn Vịnh vi phạm luật pháp Việt Nam và các luật nhân quyền quốc tế mà Hà Nội đã ký kết và phê chuẩn.

Lễ trao giải Nhân quyền Việt Nam năm nay sẽ được tổ chức tại Đức nhân dịp Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12/2022.

RFA (22.11.2022)

 

 

Đồng Nai: Hai vợ chồng bị kết tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” trong phiên toà không luật sư

Ông Nguyễn Thái Hưng và bà Vũ Thị Kim Hoàng FBNV/RFA edit

Toà án Nhân dân huyện Tân Phú, Đồng Nai ngày 22/11 đã kết án một cặp vợ chồng theo tội danh “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” để bôi xấu chế độ và xúc phạm lãnh đạo trong một phiên toà không có luật sư.

Trong phiên toà bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc sau gần ba giờ, ông Nguyễn Thái Hưng (sinh năm 1972) chủ kênh YouTube “Nói bằng thực TV” với gần 40.000 người đăng ký theo dõi, bị kết án bốn năm tù giam. Người vợ chưa cưới của ông, bà Vũ Thị Kim Hoàng (sinh năm 1978), bị kết án hai năm sáu tháng tù.

Bà Hoàng, người bị bắt cùng chồng vào đầu tháng 1 năm nay nhưng được tại ngoại từ cuối tháng tư, cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết cả hai vợ chồng không thuê luật sư và cũng không có luật sư chỉ định.

Bà nói ban đầu họ cũng thuê luật sư Nguyễn Văn Miếng nhưng phía công an kết hợp thuyết phục và đe doạ khiến cả hai phải viết đơn từ chối luật sư. Họ cũng tự tin cho rằng tự mình có thể tự biện hộ khi bị xét xử.

Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn khác. Bà Hoàng kể về diễn biến phiên toà hôm nay:

Hôm nay toà xét xử nhưng mình không được tranh luận bao nhiêu. Gần như là họ hỏi mình đúng hoặc sai, xác nhận như vậy thôi. Mình không có luật sư, mình không được nói.

Còn mình có nói vô tình hay không như thế nào đi chăng nữa thì cuối cùng án vẫn như Viện Kiểm sát đề nghị ban đầu.”

Bà nói mặc dù là phiên toà mở công khai nhưng chỉ có con gái bà được vào phòng xử án, những người thân khác phải quan sát phiên toà từ ngoài cổng của trụ sở toà án huyện.

Ngay sau khi toà tuyên án, cả ông Hưng và bà Hoàng đều tuyên bố sẽ kháng án và thuê luật sư nhằm tìm kiếm một bản án công bằng hơn.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, từ đầu tháng 6/2020 đến khi bị bắt, ông Nguyễn Thái Hưng lấy danh khoản YouTube có tên “Nói bằng thực TV” để thực hiện 21 cuộc nói chuyện trực tuyến có nội dung “nói xấu Đảng và Nhà nước, xuyên tạc chính sách phát triển kinh tế xã hội, vu khống lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc không đúng sự thật những vụ việc nổi bật diễn ra gần đây.”

Cáo trạng cũng nói những bình luận của ông Hưng “gây hoang mang trong nhân dân, xúc phạm nghiêm trọng lãnh tụ, lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước.”

Những vụ việc mà cáo trạng nhắc tới có vụ tấn công của cảnh sát cơ động vào xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, vào đầu năm 2020 và các vấn đề khác như quản lý tù nhân, chế độ cộng sản, pháp luật Việt nam…  Số lượng người xem từ 19.000 đến 56.000 mỗi một chương trình.

Ông Hưng bị cho là thu lợi bất chính hơn 384 triệu đồng quảng cáo từ việc phát trực tiếp lên YouTube.

Hiện kênh YouTube này đã không còn nội dung nào kể từ sau khi hai người bị bắt giữ.

Bà Hoàng bị buộc tội “là người liên quan, tiếp sức” vì đã cung cấp chỗ ăn ở cho ông Hưng bên cạnh việc cho ông này mượn tài khoản ngân hàng và một máy tính xách tay. Bản thân bà Hoàng không hề có phát ngôn nào trên mạng xã hội.

Cáo trạng cho biết bà Hoàng thừa nhận các hành vi trên còn ông Hưng không thừa nhận hành vi phạm tội mà cho rằng việc ông phát trực tiếp các buổi nói chuyện trên YouTube là thực hiện quyền tự do dân chủ và ngôn luận.

Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Tân Phú kết luận trong cáo trạng rằng ông Hưng và bà Hoàng đã vi phạm điểm a khoản 1 và khoản 5 của Điều 16 Luật An ninh mạng và phạm tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” quy định tại khoản 2 Điều 331 của Bộ luật Hình sự.

Trong khi bà Hoàng được tại ngoại từ cuối tháng tư thì ông Hưng vẫn tiếp tục bị giam giữ. Quá trình điều tra kết thúc từ cuối tháng sáu nhưng năm tháng sau nhà chức trách huyện Tân Phú mới đem vụ án ra xét xử.

Từ đầu năm đến nay đã có ít nhất 15 người bị kết tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” với mức án từ một đến năm năm tù.

RFA (22.11.2022)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen