Seite auswählen

Tại sao các giáo hội Chính thống giáo Ukraine hiềm khích với nhau?

 

Nguồn: Why Ukraine’s Orthodox churches are at loggerheads”, The Economist, 21/10/2022

Biên dịch: Phạm Thị Hồng Nhung

 

Không phải đức tin, chính trị mới là yếu tố chia rẽ hai dòng giáo hội.

Cuối tháng 7, một người đàn ông lớn tuổi mặc áo chùng đen đã hung hăng lao vào Cha Anatoliy Dudko khi ông đang đọc lời nguyện cho một người lính vừa hi sinh gần thành phố Vinnytsia (miền trung Ukraine). Người đàn ông gắng sức giật lấy cây thập tự mà Dudko đang mang, trước khi đánh Cha bằng chính cây thánh giá của mình. Cả hai đều là những linh mục Chính thống giáo nhưng đến từ hai giáo hội khác nhau: Dudko theo Giáo hội Chính thống giáo Ukraine (Orthodox Church of Ukraine – OCU), trong khi người tấn công ông theo Giáo hội Chính thống Ukraine (Ukrainian Orthodox Church – UOC). Chưa kể đến hai cái tên từa tựa nhau, hai giáo hội có chung gần như mọi nghi thức và tín ngưỡng nhưng đối nghịch nhau bởi một mối thù chung. Cuộc chiến của Nga tại Ukraine càng làm cho mối hiềm khích càng sâu sắc hơn. Vì sao như thế?

Suốt nhiều thập kỷ, UOC là nhánh duy nhất được công nhận chính thức của Cơ đốc giáo Chính thống tại Ukraine. Vào thời Liên Xô, nó là một nhánh của giáo hội Nga và vẫn thuộc quyền quản lý của giáo hội Nga sau khi Ukraine giành độc lập vào năm 1991. Hai nhánh khác không được công nhận cũng xuất hiện, một là giáo hội dành cho những người Ukraine lưu vong trong suốt thời kỳ Xô-viết; còn một được thành lập vào năm 1992 và đã tuyên bố là giáo hội quốc gia độc lập. Năm 2018, hai nhánh này hợp nhất thành OCU. Sau đó một năm, OCU được nhà lãnh đạo cao nhất của Giáo hội Chính thống giáo – Thượng phụ Bartholomew I tại Constantinople — trao quy chế tự quản. Giáo hội Chính thống giáo Nga ngay lập tức tuyên bố OCU là “ly giáo”.

Như vậy, ở Ukraine hiện có hai giáo hội được công nhận: một bên liên kết với Nga, và bên còn lại liên kết với một Ukraine độc lập. Sự khác biệt ấy có ý nghĩa vượt ra ngoài khía cạnh chính trị của tôn giáo. Thượng phụ Kirill, giáo chủ Chính thống giáo Nga, là một đồng minh lâu năm của Tổng thống Vladimir Putin. Cả hai đều viện dẫn một ý tưởng không có thật rằng di sản tôn giáo chung giữa Nga và Ukraine tạo ra một phạm vi ảnh hưởng tự nhiên của Nga – một lời biện minh giả dối cho sự hiếu chiến của Moscow suốt những năm qua. Sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea năm 2014, một lượng lớn các tín hữu Ukraine theo nhánh UOC thân Nga đã bắt đầu rời bỏ giáo hội. Tình hình thay đổi giáo hội càng nóng hơn sau cuộc xâm lược vào tháng 2: hàng trăm giáo xứ đã chuyển sang OCU.

Trong một nỗ lực tách khỏi Thượng phụ Kirill và điện Kremlin, UOC đã tuyên bố độc lập khỏi Giáo hội Chính thống Nga vào cuối tháng 5 này. Chánh linh mục Nikolai Danilevich, phát ngôn viên của UOC, cho biết giáo hội sẽ thỉnh quyền tự quản một khi chiến tranh kết thúc. Nhưng vì UOC là một nhánh của Tòa Thượng phụ Moskva, chỉ có giáo hội Nga mới có thẩm quyền cấp quy chế tự quản. “Tư cách của UOC rất mơ hồ” – chuyên gia về tôn giáo Lyudmila Filipovich nói — “họ không về phe Moskva, cũng không đứng cùng Thượng phụ Đại kết”.

Nhiều người Ukraine tin rằng sự thay đổi của UOC chỉ là bề nổi. Một cuộc khảo sát vào tháng 7 cho thấy chỉ có 4% cảm thấy gần gũi với nó, giảm so với 18% ở thời điểm trước cuộc xâm lược của Nga. Filipovich cho biết hầu hết các giáo sĩ đều tốt nghiệp từ các chủng viện ở Moskva và St Petersburg. Bà tin rằng sự ràng buộc với Nga sẽ còn lâu dài. Các nhà lãnh đạo OCU thậm chí đi xa hơn khi buộc tội giáo hội đối địch là “đội quân thứ năm” của Nga. UOC kịch liệt phủ nhận các cáo buộc đó: Danilevich nhắc đến sự hy sinh của các thành viên trong gia đình ông khi chiến đấu cho Ukraine. Trên thực tế, giới giáo sĩ của UOC có cả những người Ukraine yêu nước và ngày một ít ủng hộ mối quan hệ với Moskva. Phần đông còn lại ở giữa hai chiến tuyến.

Đầu tháng 7, một nhóm nhỏ các linh mục từ 2 giáo hội đã gặp nhau tại nhà thờ chính tòa St Sophia ở Kiev để lên án sự ngang ngược của Nga và khẳng định sự cần thiết của một “khối chính thống giáo Ukraine thống nhất”. Nhưng sự ngờ vực ngày càng sâu sắc. Thái độ khinh thường mà các nhà lãnh đạo dành cho nhau có thể khiến người ta phải giật mình. “Chúng tôi nhìn phía OCU tương tự cách Ukraine nhìn Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Lugansk”, Danilevich nói, đề cập đến các “nước cộng hòa nhân dân” đã bị kiểm soát trước chiến tranh bởi lực lượng ủy nhiệm của Nga, và hiện bị Nga sáp nhập một cách phi pháp. “Họ phải quay về”. Còn Tổng giám mục của OCU, Yevstratiy Zorya, tuyên bố rằng hẳn Metropolitan Onufriy, người đứng đầu UOC, cùng các cộng sự của ông, sẽ “rất vui mừng nếu Putin chinh phục được Kiev”. Chưa nói đến việc hợp nhất, hòa giải đã là một viễn cảnh xa vời.

Chính Thống Giáo Nga, thế lực hậu thuẫn cuộc xâm lăng Ukraina của Putin

 

Thượng phụ Giáo hội Chính Thống Giáo Nga Kirill (T) và tổng thống Nga Vladimir Putin, tại Matxcơva. (Ảnh chụp năm 2012)
Thượng phụ Giáo hội Chính Thống Giáo Nga Kirill (T) và tổng thống Nga Vladimir Putin, tại Matxcơva. (Ảnh chụp năm 2012) © Yana Lapikova/AP

Cuộc xâm lăng Ukraina của Nga không chỉ được thúc đẩy bởi các động cơ mang tính an ninh và quân sự. Đối với chính quyền Putin, tôn giáo là một lý do đặc biệt quan trọng để thuyết phục người Nga về tính chính đáng của một « chiến dịch quân sự đặc biệt ». Về phần mình, Giáo hội Chính Thống Giáo Nga công khai hậu thuẫn mạnh mẽ cuộc can thiệp quân sự của điện Kremlin.  

Thông điệp chung của chính quyền Putin và Giáo hội Chính Thống Giáo Nga là cuộc tấn công Ukraina là một chiến dịch quân sự cần thiết, để khẳng định một bản sắc Nga, tâm linh tôn giáo Nga, đế chế Nga Chính Thống Giáo nghìn năm tuổi, chống lại phương Tây. Vì thế cuộc xâm lăng Ukraina của ông Putin cũng được một số chuyên gia, nhà quan sát gọi là một cuộc « chiến tranh tôn giáo ».  Quan điểm của Giáo hội Chính Thống Giáo Nga cụ thể ra sao ? Chiến tranh Ukraina có phải là « chiến tranh tôn giáo » hay không ? Thực hư thế nào ? RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.   

*** 

1/ Thái độ của Giáo hội Chính Thống Giáo Nga cụ thể ra sao về cuộc tấn công Ukraina của tổng thống Putin ?  

Nhật báo Công Giáo La Croix có bài tổng thuật về thái độ của thượng phụ Chính Thống Giáo Matxcơva, Kirill (tức lãnh đạo tối cao của Giáo hội Chính Thống Giáo Nga), đối với cuộc tấn công Ukraina, do tổng thống Nga phát động ngày 24/02/2022. Kể từ đầu chiến tranh, lãnh đạo cao cấp nhất của Giáo hội Chính Thống Giáo Nga (*) đã ít nhất ba lần lên tiếng ủng hộ cuộc can thiệp quân sự. Ngày 10/03, tức ngày thứ 15 cuộc chiến, trong một bức thư gửi cha Ioan Sauca, tổng thư ký Hội đồng Đại kết các Giáo hội Thế giới (COE) (bao gồm hàng trăm giáo hội Thiên Chúa Giáo toàn cầu, có trụ sở tại Genève. Đại đa số các giáo hội Chính Thống Giáo tham gia COE), thượng phụ Chính Thống Giáo Nga hoàn toàn bác bỏ trách nhiệm của chính quyền Putin, đồng thời khẳng định bên có trách nhiệm gây ra cuộc chiến tranh tại Ukraina là những thế lực muốn « làm suy yếu nước Nga » (lá thư của thượng phụ Kirill là nhằm trả lời cho việc tổng thư ký Hội đồng Giáo hội Thế giới yêu cầu Giáo hội Matxcơva can thiệp để chấm dứt chiến tranh tại Ukraina).  

Thượng phụ Kirill lên án « tư tưởng bài Nga đang lan tràn tại phương Tây với một nhịp độ chưa từng có ». Ông Kirill nêu ra hai « tội lỗi » chính của phương Tây : biến hai dân tộc anh em, Nga và Ukraina, thành kẻ thù, cung cấp ồ ạt vũ khí cho Ukraina. Đây là một thông điệp chính trị mạnh mẽ và rõ ràng từ phía Giáo hội Chính Thống Giáo Nga ủng hộ cuộc chiến của ông Putin, cho dù trong văn bản này không trực tiếp nhắc đến tổng thống Nga.  

Trước đó, trong một bài thuyết pháp dài hôm Chủ Nhật 06/03, tại Matxcơva, thượng phụ Kirill đã ủng hộ cuộc can thiệp quân sự của ông Putin tại Ukraina, như một cuộc chiến để « bảo vệ các giá trị truyền thống », một cuộc chiến vì văn minh, chống lại một phương Tây « đang suy đồi ». Một biểu hiện suy đồi được lãnh đạo Giáo hội Chính Thống Giáo Nga đặc biệt nhấn mạnh là quan hệ hôn nhân đồng giới, và tất cả các hình thức quan hệ luyến ái khác với quan hệ giữa hai người khác giới (nam – nữ). Một điểm đáng chú ý là, thượng phụ Kirill chỉ nhắc đến tình hình vùng Donbass, miền đông Ukraina, khu vực đối đầu giữa các lực lượng ly khai thân Nga và Kiev, mà hoàn toàn làm ngơ trước việc quân đội Nga mở hàng loạt chiến dịch khắp nơi tại Ukraina. Can thiệp quân sự tại Ukraina để bảo vệ dân cư vùng Donbass cũng là quan điểm chính thức của điện Kremlin.  

Trước đó, ngày Chủ Nhật 27/02, tức ba ngày kể từ khi ông Putin bất ngờ ra lệnh tấn công Ukraina, thượng phụ Krill đã gọi những ai chống lại sự thống nhất lịch sử của Nga và Ukraina là « những thế lực của cái Ác ».  

Lập trường của người đứng đầu Giáo hội Chính Thống Giáo Nga hoàn toàn đồng nhất với lập trường của lãnh đạo tối cao Nga, tổng thống Vladimir Putin.  Ngày 21/02/2022, ông Putin có bài diễn văn dài hơn một giờ đồng hồ. Bài phát biểu đi kèm với tuyên bố công nhận hai nước Cộng hòa thân Nga tự phong vùng Donbass (Donetsk và Lugansk), được nhiều nhà quan sát coi như xác lập nền tảng quan điểm để khẳng định tính chính đáng của cuộc can thiệp quân sự Nga.  

Trong bài diễn văn này, tổng thống Nga bác bỏ sự tồn tại độc lập của một quốc gia Ukraina, khẳng định sự thống nhất mật thiết về lịch sử, về văn hóa, về tâm linh Nga – Ukraina, đồng thời lên án chính quyền Ukraina đàn áp hàng triệu giáo dân thuộc Giáo hội Chính Thống Giáo Ukraina trực thuộc Giáo hội Chính Thống Giáo Matxcơva.   

2/ Giáo hội Chính Thống Giáo Nga có vị trí như thế nào tại Ukraina ? Cuộc can thiệp quân sự của ông Putin tác động ra sao đến cộng đồng theo Chính Thống Giáo Nga tại Ukraina ?  

Trong thế giới Thiên Chúa Giáo, Chính Thống Giáo đứng hàng thứ ba xét về số lượng tín đồ, sau Công Giáo và các hệ phái Tin Lành. Chính Thống Giáo là một thế giới phức tạp. Chính Thống Giáo Nga – được coi là nhánh lớn nhất của Chính Thống Giáo – đang trong quá trình biến động lớn. Về mặt lịch sử, trong thế giới Chính Thống Giáo nói chung, Tòa thượng phụ tại Constantinople, Thổ Nhĩ Kỳ, được coi là định chế có uy tín nhất, lâu đời nhất, kế thừa truyền thống Chính Thống Giáo Đông Phương. Trong khi đó Tòa thượng phụ Chính Thống Giáo tại Matxcơva, thành lập vào thế kỷ 16 được coi là định chế có ảnh hưởng rộng lớn thứ hai.  

Trước khi Tòa thượng phụ Constantinople công nhận một Giáo hội Chính Thống Giáo Ukraina độc lập vào năm 2019, tuyệt đại đa số các tín đồ Chính Thống Giáo tại Ukraina, về nguyên tắc, trung thành với Tòa thượng phụ Matxcơva. Sự ra đời của Giáo hội Chính Thống Giáo Ukraina độc lập vào năm 2019 là một chấn động lớn đối với thế giới Chính Thống Giáo Nga. Theo một thăm dò dư luận năm 2021, 58% tín đồ Chính Thống Giáo Nga đi theo Giáo hội Chính Thống Giáo Ukraina độc lập mới thành lập, với lãnh đạo tối cao là giám mục đô thành Epiphane, 43 tuổi (giám mục đô thành là chức vụ cao nhất của một giáo hội Chính Thống Giáo tự trị). Tuy nhiên, vẫn còn non một nửa tín đồ Chính Thống Giáo tại Ukraina, trung thành với thượng phụ Nga Kirill, và tiếp tục sinh hoạt trong Giáo hội Chính thống Nga, do giám mục đô thành Onuphre 77 tuổi đứng đầu.  

Hay nói cách khác, về mặt tâm linh, tôn giáo, đông đảo người dân Ukraina trước khi xảy ra cuộc chiến tranh này vẫn chịu ảnh hưởng mạnh của Matxcơva. Vì vậy, có một cơ sở nhất định để nhấn mạnh đến một quan hệ mật thiết về tâm linh, tôn giáo giữa người Nga với người Ukraina. Tuy nhiên, cuộc xâm lăng Ukraina của tổng thống Nga đầu năm 2022 này đang đặt bộ phận đông đảo tín đồ Chính Thống Giáo Ukraina, còn trung thành với Tòa thượng phụ Matxcơva, trước quyết định cắt đứt với Chính Thống Giáo Nga.  

Theo La Croix, ngay sau khi tổng thống Nga phát động cuộc tấn công Ukraina, lãnh đạo Giáo hội Chính Thống Giáo vốn trung thành với Tòa thượng phụ Matxcơva, và có quan điểm nước đôi với cuộc chiến giữa phe ly khai thân Nga vùng Donbass và chính quyền Kiev, đã có thái độ dứt khoát. Vị giám mục đô thành Onuphre 77 tuổi ví cuộc tấn công của Nga với hành động của Cain (người con đầu lòng của Adam và Eva) giết em trai (được thuật lại trong cuốn Sáng thế ký, cuốn đầu tiên của Kinh Thánh), « một cuộc chiến không thể biện minh được cả về mặt tôn giáo, cũng như thế tục ». Theo nhiều nhà quan sát, với hành động ủng hộ cuộc tấn công Ukraina của chính quyền Putin, Giáo hội Chính Thống Giáo Nga sẽ mất đi đến 35% tín đồ (tại Ukraina, vốn trung thành với Tòa thượng phụ Matxcơva), vị thế của Giáo hội này sẽ suy sụp hẳn (theo nhà thần học Jean-François Colosimo). Chưa kể đến những phản kháng dữ dội trong nội bộ giới Chính Thống Giáo Nga tại chính nước Nga.  

3/ Cuộc tấn công Ukraina của chính quyền Putin có phải là một cuộc « chiến tranh tôn giáo » hay không ?  

Đối với chính quyền Putin và giới lãnh đạo Chính Thống Giáo Nga, với người đứng đầu là thượng phụ Kirill, cuộc can thiệp này mang tính tôn giáo. Về mặt quyền lực và lợi ích, Tòa thượng phụ Matxcơva lo ngại các tín đồ Chính Thống Giáo tại Ukraina ngả hẳn sang Giáo hội Chính Thống Giáo độc lập. Cuộc chiến tranh này có thể được coi như một phương tiện để duy trì sức mạnh của Giáo hội Chính Thống Giáo Nga, vẫn coi Kiev, thủ đô của Ukraina, là mảnh đất thiêng, cái nôi tinh thần của người Nga theo Chính Thống Giáo, hình thành từ thế kỷ IX, cũng như cái nôi của nền văn hóa Nga nói chung.  

Đối với chính quyền Putin, Giáo hội Chính Thống Giáo Nga là một phương tiện chủ yếu để áp đặt quyền lãnh đạo của Matxcơva, với « một thế giới của người Nga » (Rousski Mir), không bị giới hạn trong biên giới quốc gia. Một thế giới thống nhất về ngôn ngữ (tiếng Nga), về tôn giáo (đạo Chính Thống Giáo Nga) và về lịch sử chung (lịch sử các triều đại Nga, từ Vladimir đệ nhất (**), đại công vương Kiev, đến Pierre đệ nhất, Sa hoàng các thời kỳ, cho đến lãnh đạo các chính quyền thời chế độ cộng sản Liên Xô và tổng thống Putin hiện nay). 

Theo nhiều nhà quan sát, quan niệm về « Một thế giới của người Nga » thống nhất mà chính quyền Putin nỗ lực truyền bá, với sự hậu thuẫn của Giáo hội Chính Thống Giáo Nga thoạt tiên có thể coi là một phương tiện của quyền lực mềm để khẳng định sức mạnh của nước Nga, cũng là phương tiện để tái lập một kiểu đế chế Nga mới, với các vùng đất trước đây vốn thuộc Liên Xô cũ, hay đế quốc của các sa hoàng. Theo quan điểm này, Ukraina hay Belarus không thể là một quốc gia độc lập, mà chỉ là một bộ phận của Thế giới Nga : Belarus là « Bạch Nga », Ukraina là « Tiểu Nga ». 

Xét về mặt chính trị, lập trường mang tính đế quốc nói trên của chính quyền Putin hoàn toàn đi ngược lại với xu thế hình thành các quốc gia độc lập, xu thế chủ đạo của thế giới đương đại. Chính quyền Putin và giới lãnh đạo Chính Thống Giáo Nga có thể coi đây là một cuộc chiến tranh tôn giáo, nhưng với đông đảo người Ukraina, cuộc chiến chống lại quân đội Nga là một cuộc chiến tự vệ, bảo vệ quốc gia non trẻ, đang trong giai đoạn thành hình. Sự hình thành của Nhà nước Ukraina độc lập nằm trong  xu thế chung là tách tôn giáo ra khỏi chính trị, tách Giáo hội khỏi Nhà nước, tôn giáo không thể dùng để biện minh cho các tham vọng lãnh thổ… Ý thức hệ chính thống hiện nay ở nước Nga chống lại xu thế này của nhân loại đương đại. Nhà thần học Cyrille Hovorun, một chuyên gia nổi tiếng về thần học Chính Thống Giáo, từng làm việc tại Tòa thượng phụ Matxcơva, có một cuộc trả lời phỏng vấn rất đáng chú ý với báo Công Giáo La Croix (***).  

Nhà thần học Cyrille Hovorun vạch rõ việc chính quyền Putin, kể từ khi lên nắm quyền, cùng một bộ phận giới Chính Thống Giáo Nga, đã tạo dựng cả một hệ thống quan điểm thần học Chính Thống Giáo mang đầy « tính phát xít và độc tài », để biện minh cho các hành động bạo lực. Theo ông, quan điểm về « một thế giới Nga » (Rousski Mir) Chính Thống Giáo như trên không phải là « nền thần học độc tài » duy nhất của nhân loại đầu thế kỷ XXI, nhưng là hệ tư tưởng thần học độc tài đáng sợ nhất, nguy hiểm nhất. Quan điểm về « một thế giới của người Nga », dựa trên Chính Thống Giáo, không hề là một thứ « quyền lực mềm », bởi đây là một ý thức hệ cho phép các thế lực nắm quyền sử dụng những hình thức bạo lực cao nhất, nhân danh Thiện chống Ác, nhân danh Văn minh chống lại Bạo tàn. Hiện thời thế lực tin tưởng vào quan điểm đó cũng chính là thế lực nắm trong tay vũ khí hạt nhân, thứ vũ khí có khả năng hủy diệt toàn thế giới. Cuộc « chiến tranh tôn giáo » của chính quyền Putin, với Chính Thống Giáo Nga là công cụ, nhắm vào Ukraina, và phương Tây, cũng là một cuộc chiến đặt nhân loại trước bờ vực diệt vong.  

Ghi chú 

(*) Giáo hội Chính Thống Giáo Nga và FSB (Cơ quan An ninh Liên bang Nga) được một số nhà quan sát coi như hai định chế gần như được bảo tồn nguyên vẹn sau khi Liên Xô sụp đổ. 

(**) Đại công vương Kiev Vladimir đệ nhất (trị vì từ 980 – 1015) được coi như một biểu tượng cho sự hợp nhất thần quyền và thế quyền trong truyền thống chính trị Nga. Vladimir đệ nhất quy theo đạo Thiên Chúa năm 988. Năm 2016, tổng thống Nga Putin khánh thành bức tượng Vladimir đệ nhất tại Matxcơva cao hơn 17 mét, vượt bức tượng Vladimir đệ nhất cao nhất trước đó, ở thủ đô Ukraina. 

(***) « Thần học Chính Thống Giáo cần được loại bỏ khỏi tư tưởng Putin và những cực đoan phát xít », La Croix, ngày 10/03/2022.

Chi nhánh Matxcơva của Chính Thống Giáo Ukraina cắt đứt liên hệ với Nga

 

Người dân trú ẩn dưới tầng hầm của một nhà thờ Chính Thống Giáo ở Kharkov, Ukraina, 21/05/2022.
Người dân trú ẩn dưới tầng hầm của một nhà thờ Chính Thống Giáo ở Kharkov, Ukraina, 21/05/2022. AP – Bernat Armangue

Hôm qua, 27/05/2022, chi nhánh Matxcơva của Giáo hội Chính Thống Giáo Ukraina đã thông báo cắt đứt quan hệ với Nga do cuộc xâm lăng Ukraina. Họ tuyên bố kể từ nay hoàn toàn độc lập với Tòa Thượng Phụ Matxcơva, một quyết định lịch sử.

Theo hãng tin AFP, sau một cuộc họp về việc Nga xâm lăng Ukraina, Công đồng ( hội nghị quy tụ các giám mục và các chức sắc khác ) của Giáo hội Chính Thống Giáo Ukraina ra thông cáo: “Chúng tôi không đồng ý với lập trường của Đức Thượng Phụ Kirill ( Giáo Chủ Chính Thống Nga ) về chiến tranh Ukraina. Công đồng Giáo hội Chính Thống Giáo Ukraina tuyên bố kể từ nay “hoàn toàn độc lập và tự quản” với Tòa Thượng Phụ Matxcơva.”

Cho tới nay, chi nhánh Matxcơva của Giáo hội Chính Thống Giáo Ukraina vẫn trực thuộc Thượng Phụ Matxcơva Kirill, người đã bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc chiến tranh xâm lăng Ukraina do tổng thống Vladimir Putin phát động. Bản thông cáo của Công đồng Giáo hội Chính Thống Giáo Ukraina lên án cuộc chiến tranh này vì đây là hành động phạm một điều răn của Chúa : “Chớ giết người” ! Công đồng Giáo hội Ukraina chia buồn “với tất cả những người chịu đau khổ vì chiến tranh”, đồng thời kêu gọi Kiev và Matxcơva tiếp tục thương lượng và tìm phương cách để chấm dứt cuộc chiến.

Đây là sự phân hóa thứ hai trong nội bộ Giáo hội Chính Thống Giáo ở Ukraina chỉ trong vài năm qua. Vào năm 2018, một bộ phận của Giáo hội Chính Thống Giáo Ukraina, đại diện là Tòa Thượng Phụ Kiev, đã cắt đứt liên hệ với Tòa Thượng Phụ Matxcơva và tuyên thệ trung thành với Thượng Phụ Bartolomeos ở Istanbul.

Thế khó xử của Giáo hội Ukraina

Hiện chưa rõ là các linh mục của chi nhánh Matxcơva của Giáo hội Chính Thống Giáo Ukraina có làm theo quyết định của Công đồng hay không. Còn Tòa Thượng Phụ Kiev đến tối qua vẫn chưa có phản ứng về quyết định nói trên. Trên mạng Telegram, phát ngôn viên của Giáo hội Chính Thống Giáo Nga cũng không có phản ứng gì, với lý do là họ chưa nhận được văn bản chính thức của Công đồng Giáo hội Chính Thống Giáo Ukraina.

Chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraina và việc Thượng Phụ Kirill ủng hộ cuộc chiến này đặt Giáo hội Chính Thống Giáo Ukraina – vẫn trực thuộc Matxcơva, vào một tình thế ngày càng khó xử. Gần đây, hàng trăm linh mục của Giáo hội này đã ký một bức thư ngỏ kêu gọi đưa Thượng Phụ Kirill ra xét xử do lập trường của ông về chiến tranh Ukraina.

Ukraina có vai trò rất quan trọng đối với Giáo hội Chính Thống Giáo Nga, bởi vì một số trong các tu viện quan trọng nhất của Giáo hội này là nằm ở Ukraina.

Tu viện cổ ở Ukraina bị khám xét do có dính líu đến Nga

 

23/11/2022

RFI

 

Tu viện các hang động Kiev, ở trung tâm thủ đô Ukraina, bị khám soát ngày 22/11/2022.
Tu viện các hang động Kiev, ở trung tâm thủ đô Ukraina, bị khám soát ngày 22/11/2022. © REUTERS/Valentyn Ogirenko

Chính quyền Ukraina hôm qua 22/11/2022 đã khám xét Tu viện các hang động Kiev, trụ sở của nhà thờ Chính thống giáo nằm ở trung tâm thủ đô Kiev. Tu viện này bị nghi ngờ đã từng là nơi ẩn náu của lực lượng Nga.

Từ Vacxava, thông tín viên Stéphane Siohan tường trình :

Tu viện các hang động Kiev là tu viện cổ nhất ở Kiev, một quần thể ấn tượng gồm hàng chục nhà thờ và các thánh địa, được khánh thành vào thế kỷ 11 và được Unesco công nhận là di sản. Nhưng đó cũng là trụ sở của nhà thờ Chính thống giáo của tòa thượng phụ Matxcơva, trong khi nhà thờ Chính thống giáo Ukraina Thống nhất, trước đây được gọi là tòa thượng phụ Kiev, thì nằm ở nhà thờ Saint-Sophia, một thánh địa khác ở Kiev.

Theo các nhà chức trách, vào sáng hôm qua, lực lượng SBU, cảnh sát và vệ binh quốc gia đã vào tu viện các hang động để thực hiện “công tác phản gián” và để đối phó với các hoạt động lật đổ của lực lượng đặc nhiệm của Nga ở Ukraina.

Trên thực tế, lực lượng an ninh Ukraina đang tìm kiếm những kẻ phá hoại, đặc vụ Nga, và vũ khí được cho là ẩn náu trong tu viện dưới vỏ bọc tôn giáo.

Kể từ khi cuộc chiến bắt đầu ở Donbass vào năm 2014, nhà thờ Chính thống giáo Ukraina của tòa thượng phụ Matxcơva thường bày tỏ lập trường thân Nga, và đồng thời cũng chứa chấp các đặc vụ hoặc chiến binh Nga hoặc phe ly khai thân Nga. Kể từ năm 2019, vai trò của chi nhánh Matxcơva của Nhà thờ Chính thống giáo Ukraina đã suy giảm khi phải cạnh tranh với nhà thờ Chính thống giáo Ukraina thống nhất.

Giáo đoàn của nhà thờ đã vô cùng bối rối trước những lời kêu gọi ủng hộ chiến tranh từ thượng phụ Matxcơva Kirill, và giờ đây, chính phủ Kiev đang nghi ngờ về lòng trung thành của giáo đoàn này với Nhà nước Ukraina.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen