10-12-2022
“Tiền lệ Kosovo” là một trong những diễn ngôn được nhắc đi nhắc lại bởi cả Tổng thống Putin và các nhóm Putinistas tại Việt Nam từ khi chiến tranh tại Ukraine mới bắt đầu.
Sự vô lý trong việc so sánh một chiến dịch không kích kéo dài ba tháng với mục tiêu dừng các hoạt động quân sự của người Serb ở Kosovo; với một cuộc xâm lược tổng lực (cho đến nay đã tròn một năm) có ý định xoá bỏ sự tồn tại của một quốc gia độc lập và có chủ quyền lâu đời như Ukraine đã được Trung phân tích sơ lược trong nhiều video và bài viết.
Tuy nhiên, cách tiếp cận của những nhóm này ngoài ra còn thiếu thông tin và góc nhìn lịch sử về tình hình chung của Yugoslavia và lý do can thiệp quân sự quốc tế vào biến động của khu vực này trở nên cần thiết trong suốt giai đoạn từ 1991 – 2000.
Nhân việc Croatia vừa giành chiến thắng trước “người khổng lồ” của bóng đá thế giới Brazil, chúng ta có thể tham khảo thêm một số thông tin để biết thêm về tình hình phức tạp.
***
A. CROATIA: Giành độc lập từ tay người Serb/Yugoslavia
Yugoslavia (Nam Tư) là một thực thể chính trị được tạo ra một cách tương đối duy ý chí của Liên Xô và phong trào Cộng sản Châu Âu hậu Đệ nhị Thế chiến.
Họ sáp nhập hàng loạt các nền cộng hoà có tính sắc tộc cao như: Socialist Republic (SR) of Bosnia & Herzegovina, SR Croatia, SR Macedonia, SR Montenegro, SR Serbia (với hai vùng tự trị là Kosovo và Vojvodina) và SR Slovenia, vào thành một khối.
Hỗn hợp các cộng hoà sắc tộc này có thể được giữ lại với nhau bằng vũ lực khi chính quyền liên bang Yugoslavia còn đủ mạnh.
Tuy nhiên, khi mô hình kinh tế – chính trị Xã hội Chủ nghĩa thuần thuý ở thời điểm này rơi vào khủng hoảng (cũng như là cái chết của nhà lãnh đạo Tito vào năm 1980), xung đột chính trị bắt đầu hiện rõ ở những nền cộng hoà thành viên.
Và khác biệt người ta nhớ đến đầu tiên khi giận dữ là căn tính của họ.
Người Serb – sắc dân đa số tại Yugoslavia có cảm giác vị trí thống trị của mình trên toàn bộ lãnh thổ này bị suy yếu. Điều này dẫn đến sự hình thành của phong trào dân tộc cực đoan Serbia trên khắp Yugoslavia.
Ngược lại, các sắc dân thiểu số khác (như người Croat ở Croatia hay người Albanian ở Kosovo) lại cảm thấy mô hình chính trị Yugoslavia không có tính đại diện cho các nhóm thiểu số, với tính đàn áp vũ lực cao.
Xung đột sắc tộc lên đến đỉnh điểm, và Đại chiến tranh Nam Tư (Yugoslav wars) nổ ra với gần một thập niên xung đột, với hơn năm cuộc chiến tranh đơn lẻ – chồng chéo, và hàng trăm nghìn người thiệt mạng.
Hầu hết các cuộc chiến này đều được ổn định nhờ vào sự can thiệp của quốc tế.
Người Croatia tuyên bố độc lập khỏi chính quyền người Serb đứng đầu của Nam Tư vào năm 1991. Tuy nhiên, họ cũng phải trải qua quá trình đấu tranh vũ trang trong vòng nửa thập niên với lực lượng ly khai thân Serbia bên trong lãnh thổ Croatia.
Năm 1995, Croatia chính thức thu hồi toàn bộ lãnh thổ của mình từ tay lực lượng vũ trang Serbia.
***
B. BOSNIAN GENOCIDE: Điểm can thiệp quan trọng của quốc tế và tiếng xấu dành cho chính quyền Belgrade.
Tiếng xấu của phong trào dân tộc cực đoan của người Serb không phải là do phương Tây tạo ra. Và Kosovo cũng chưa bao giờ là vấn đề quan trọng nhất.
Người ta biết đến chủ nghĩa dân tộc của người Serb với các hoạt động diệt chủng của họ nhắm tới người Bosnian (trong chiến tranh Bosnia 1992 – 1995), mà khét tiếng nhất là cuộc thảm sát tại Srebrenica với hơn 8,000 đàn ông và trẻ em nam người Bosniak bị xử tử bởi lực lượng người Serb.
Từ giai đoạn này, Toà Hình sự Quốc tế dành cho Tội ác chiến tranh tại Nam tư Cũ (The International Criminal Tribunal for the former Yugoslavia – gọi tắt là ICTY) được hình thành. ICTY chủ yếu tập trung vào các tội ác chiến tranh mà lực lượng người Serb thực hiện tại các vùng do họ chiếm đóng.
Các quan ngại và định kiến dành cho các phong trào dân tộc của người Serb (bao gồm cả chiến dịch quân sự của họ nhắm tới Kosovo) cũng từ đó mà hình thành.
***
C. CROATIA VÀ KOSOVO: Khi chúng ta nói rằng NATO tấn công “Nam Tư” vào năm 1999, thật ra Nam Tư giờ đây đã không còn là một khối rộng lớn hay thống nhất như người ta tưởng tượng. Trong đó, Croatia, Slovenia, Macedonia, Bosnia & Herzegovina đều đã tách khỏi thực thể chính trị này.
Đến năm 2006, ngay cả Montenegro cũng không muốn ở chung và tách khỏi thực thể “Serbia & Montenegro”.
Đối với các cựu thành viên của Yugoslavia cũ như Croatia, việc Kosovo được thừa nhận độc lập và tách rời khỏi nhà nước của người Serb là một tiến trình lịch sử đương nhiên. Đơn giản bởi vì không còn sắc dân nào muốn chung chạ với chính quyền Serb sau Yugoslav wars cả.
***
Bài này chỉ cung cấp thêm các thảo luận về lịch sử và nền tảng chính trị, không thể hiện quan điểm pháp lý của tác giả về tình hình Kosovo. Dành tặng những fan của Croatia và Luka Modric.