Seite auswählen

Nhân ngày 20/11

 

BBT: Đọc những lời tuyên truyền láo khoét của Vũ Đức Đạm (“Các chuyên gia nói với tôi rằng: Tôi đến từ các nước phát triển nhưng nếu bây giờ được ước thì sẽ ước quay lại như Việt Nam và phát triển theo định hướng này.”) (1) xong rồi đọc bài này mới thấm. Thủ tướng Việt Nam đi đâu cũng đòi “hỗ trợ”. Nước nào cũng bắt chước kiểu ăn mày này thì ai cho đây.

 

 

CaliToday

Không có một đất nước nào mà lại lắm ngày truyền thống như nước ta. Ban bệ, ngành nghề nào cũng có ngày riêng, quân đội, công an, luật sư, nhà giáo, nhà báo, nhà may, nhà thổ..Tất tật phải cố đặt ra một ngày nào đó để tự tôn và được tôn vinh. Ngày nhà giáo VN có lẽ là ngày dễ nhớ nhất vì ai trong đời cũng là học sinh, không thì cũng là phụ huynh để PHẢI nhớ mà cúng cô hồn cho yên thân cả cha mẹ lẫn con cái.

Tôi hỏi quý vị đồng nghiệp, quý vị hãnh diện và hân hoan chào đón cái ngày này để làm gì? Một năm 365 ngày, được “tôn vinh” một ngày rồi cả xã hội phỉ nhổ 364 ngày có đáng không quý vị? Tôi nhìn quý vị xúng xính váy áo, ôm những bó hoa mua bằng máu và nước mắt của phụ huynh nghèo, quý vị nghiêng vai nghiêng cổ cho ra những pô hình để up phây, rồi sau đó ngồi vào những mâm cỗ từ quỹ “tự nguyện” đóng góp của PHHS mà tôi thấy như ăn phải miếng thịt ôi, chỉ chực nôn ra cho bằng sạch.

Một đất nước không cần có ngày Người Cao Tuổi, chỉ cần ở đất nước ấy người già không phải đi bán vé số, nhặt ve chai, xin ăn hay bươi rác.

Một đất nước không cần ngày Trẻ Em, miễn là đừng có trẻ em bị ấu dâm, trẻ bỏ học đi kiếm sống, trẻ bị bạo hành, trẻ bị lạm dụng.

Một đất nước văn minh không cần có ngày Phụ Nữ, chỉ cần họ không bị bạo hành, phân biệt đối xử.

Một đất nước không nên có các bà mẹ Anh Hùng, ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ. Chúng mày có thương mẹ thì để mẹ sống yên bình bên các con mẹ. Chứ chúng mày tạo chiến tranh rồi bắt con mẹ lao vào cuộc chiến tranh phi nghĩa, phi nhân làm gì. Để rồi con mẹ mất, mẹ sống với nỗi đau thắt ruột rồi chúng mày cấp cho cho mẹ cái bằng mẹ VNAH, mỗi dịp kỉ niệm ngày cướp chính quyền thì chúng mày lại đem mét rưỡi vải đỏ với cái hình thằng diệt chủng đến dí vào tay mẹ. Phụ nữ không cần anh hùng, phụ nữ chỉ cần cuộc sống an nhiên với chồng, với con thôi. Chúng mày không tạo ra chiến tranh tức là công đức vô lượng rồi.

Một người thầy cũng không cần đến ngày tôn vinh nhà giáo. Chỉ cần cái ngành giáo dục trả lương cho họ đủ sống để họ không phải bắt học sinh đi học thêm, chỉ cần họ không dí học sinh đóng tiền học, chỉ cần họ không hối phụ huynh đóng quỹ lớp, chỉ cần họ không “vận động” phụ huynh đưa con đi chích VAC, họ chỉ cần chuyên tâm vào công việc chuyên môn thì tự khắc cả xã hội kính trọng họ, kính trọng từ ngày này sang tháng khác, từ năm này qua năm nọ, từ đời này đến đời kia. Chứ đâu chỉ có 1 ngày hoa trái, quà cáp, phong bì, hộp nơ, rồi những tháng còn lại trong năm nhìn nhau theo mối quan hệ mua bán con chữ, kinh doanh tri thức.

Quý vị hiểu mình cần phải làm gì rồi chứ? Muốn người khác tôn trọng trước hết mình phải có tự trọng. Lòng tự trọng từ đâu mà có? Tự trọng là không đủ tri thức không đứng trên bục giảng, tự trọng là thấy nghề giáo không đủ sống mạnh dạn bước ra khỏi ngành chứ không phải cào cấu phụ huynh cho đầy hũ gạo nhà mình, tự trọng là thấy sai trái, bất công phải lên tiếng chứ không hùa theo lũ lãnh đạo bóp cổ PH và HS, tự trọng là bị cử đi làm “nhiệm vụ chính trị” phải biết phản đối, tự trọng là thấy trường lạm thu phải đứng về phía phụ huynh, tự trọng là không câm lặng nghe và làm theo những điều dối trá, sai quấy của cấp trên cốt để yên thân, vững ghế.

Chỉ cần quý vị làm được những điều trên, mỗi năm xã hội sẽ tôn vinh quý vị đủ 365 ngày với sự yêu kính chân thành, không phải bằng những tấm thiệp ghi những câu hoa mỹ do bố mẹ chúng nó mồi có kẹp mấy tờ bạc, những bó hoa tươi mua bằng những đoạn ruột héo, những cái hộp đựng vài mảnh vải áo dài, những coupon, những chai dầu thơm, sữa tắm…mà chỉ cần thêm nén nhang, nắm muối, nắm gạo là đủ bộ cúng mùng 2, 16 mỗi tháng.

Cô giáo Mai Thị Mùi

Chú thích:

(1) https://thanhnien.vn/di-toyota-con-hon-di-lexus-ma-song-nhanh-tan-pha-tat-ca-post1529228.html

 

Nhà giáo: ai cho tôi lương thiện

 

Thái Hạo

18.11.2022

Văn Việt

Tôi chính thức bước chân vào nghề giáo từ năm 2013, đến năm 2020 thì bước ra, có lẽ là mãi mãi; trong khoảng thời gian ấy có bị gián đoạn vài lần, vì bỏ việc. Nhưng ở đây, tôi không muốn nói về câu chuyện của mình, mà là chuyện của những đồng nghiệp tôi.

Đi dạy được vài năm, trường thiếu giáo viên, đúng hơn là thiếu giáo viên giỏi, vì đó là trường chuyên. Tôi lục lại trong trí nhớ và hỏi han tìm kiếm. Cuối cùng cũng tìm lại được một người bạn vong niên học trước tôi mấy khóa, thông minh, giỏi giang. Lúc ấy, anh đang dạy tại thành phố Biên Hòa, đã vợ con và có cuộc sống yên ổn như bao người. Tôi dùng biết bao nhiêu lý lẽ về việc cùng nhau “làm một cái gì đó” cho thế hệ trẻ, cuối cùng anh đồng ý, bỏ thành phố mang theo vợ con lên vùng thị xã miền cao để cùng nhau thực hiện một “cuộc cách mạng”.

Hơn 1 năm sau, tôi bỏ việc trước, anh bỏ sau. Lại dắt díu vợ con trở về Biên Hòa.

Tôi ở nhà 2 năm thì hiệu trưởng cũ gọi, nói “Mày quay lại giúp tao một chuyến”. Tôi ra điều kiện, rằng tôi phải được tự chủ về chuyên môn cho cả tổ và phải được quyền tuyển người. Đồng ý. Thế là lại hăm hở, lập kế hoạch đổi mới, xây dựng chương trình, thay đổi phương pháp… Lúc đó chương trình 2018 cũng sắp được ban hành…

Tôi tìm được một người bạn học khác, một kẻ say mê văn chương và nghiêm cẩn trong công việc. Ông thầy giáo này cũng từng đi dạy và đã bỏ dạy, hiện đang đi làm một công việc chẳng liên quan gì. Nghe lời ngon ngọt của tôi, anh ấy khăn gói từ thành phố lên. Nhưng giáo viên vẫn còn thiếu, vì dường như năm nào cũng có người bỏ việc, tôi liên hệ khắp nơi, cuối cùng cầu cứu thầy tôi, hiện là trưởng khoa của một đại học lớn. Thầy nói có 2 bạn này, tốt lắm. Hai thầy giáo tương lai ấy từ Huế lên đường vào Nam. Ngay sau ngày đầu tiên vào trường, một người đã không bao giờ quay lại nữa. Bạn ấy nói, “Có lẽ em không hợp”. May là một người đã ở lại cùng chúng tôi, với thư viện sách của cậu ấy.

Mấy ngày trước, ngồi lướt FaceBook thấy người bạn “say mê văn chương” kia đăng hình đang ở sân bay, nơi đến là Nhật Bản. Đi xuất khẩu lao động. Còn cậu giáo viên trẻ từ Huế vào thì cũng đã xuống Sài Gòn 2 năm rồi, từ giã nghề giáo, cũng có lẽ là vĩnh viễn.

Hai hôm trước tôi gặp lại người bạn vong niên, người đầu tiên đã bỏ việc ở Biên Hòa đến với chúng tôi. Anh nói, hết năm nay anh nghỉ, kiên trì đến bây giờ là quá đáng lắm rồi. Hết năm mới nghỉ được vì đã trót hứa với ông giám đốc. Mình đã làm một công việc vô nghĩa quá lâu, chỉ nhồi nhét để thi. Thương học trò lắm nhưng trong cái hệ thống vận hành kiểu này của giáo dục thì không còn lựa chọn nào khác. Không thay đổi được nó thì đành phải dứt mình ra thôi. Tôi hỏi anh, vậy anh làm gì để sống; anh bảo làm gì chẳng được, có khi còn dễ sống hơn là đi dạy.

Vậy là những người đồng nghiệp mà tôi “cầu hiền”, đến nay tất cả đã rời bỏ giáo dục. Không ai còn có ý quay lại con đường ấy. Họ nói với tôi rằng, lên lớp là thợ dạy, ở trường là cu li; vừa bị người ta coi thường, vừa kiếm cơm một cách cay đắng.

Họ là những người hiếm hoi còn đọc sách trong những giáo viên mà tôi biết, và còn có tủ sách. Họ yêu nghề, yêu văn chương. Là thầy cô giáo nhưng họ làm thơ, viết truyện đăng báo, xuất bản sách; họ suy tư và trăn trở, họ đau nhức với nghề nghiệp. Và chính họ lại là những người rời khỏi giáo dục sớm nhất.

Tôi phải đứng nhìn những người đồng nghiệp giỏi giang và có nhân cách lần lượt ra đi. Mà không chỉ bạn tôi, lâu lâu lại nghe tin một người mà mình từng biết và tôn trọng nghỉ việc. Tôi tự hỏi, giáo dục sẽ còn ai, ai ở lại với trẻ em?

Nhiều năm nay vẫn đều đặn nghe các vị lãnh đạo nói về việc “ưu tiên dạy người”. Tôi lại tự hỏi, ai dạy, dạy bằng cách nào khi mà chính họ, những thầy cô giáo ấy, còn chưa được đứng thẳng để mà làm người. Giáo viên phải ngoan ngoãn im lặng, có ai đó trung thực thẳng thắn thì bị hành cho ra bã, có khi còn công khai cho “tinh giản biên chế”. Muốn yên thân thì phải hèn đi, phải giả câm giả điếc, phải giả lả mà cười cười nói nói.

Chỉ trong năm 2022 đã có 16000 giáo viên bỏ việc. Sự mất giá của nghề giáo không phải chỉ là chuyện lương, mà là lương thiện, “ai cho tôi lương thiện”. Nếu không có một cuộc cải tổ về bộ máy trong hệ thống giáo dục, không có công đoàn độc lập để bảo vệ nhà giáo, không phân chia lại quyền lực trong nhà trường để cân bằng, thì mọi lời hay ý đẹp vẫn chỉ là khẩu hiệu. Và giáo dục, theo thời gian, cứ phải sa mạc hóa dần đi, không thể cưỡng lại được.

T. H

Tình thầy trò và sự nghiệp giáo dục

Lê Học Lãnh Vân

Văn Việt

Tôi có mười lăm năm đầu đời là nhà giáo nên có nhiều bạn trong ngành giáo dục. Ngày Nhà Giáo Việt Nam, các bạn tôi vui mừng với học trò, sinh viên quây quần chúc tụng. Nhìn nét mặt các bạn rạng rỡ, tôi vui lây, trân trọng niềm vui của các nhà giáo tâm huyết và lương thiện. Các bạn xứng đáng với niềm vui đó vì đã trọn đời làm việc tận tâm với nghề giáo.

Cuộc đời làm việc đưa tôi đi nhiều nơi trên nước Việt với tần suất cao. Những nơi đã tới cho tôi thấy, khác với điểm làm việc của các bạn tôi nơi đô thị lớn, bộ mặt chung của ngành giáo dục Việt có nhiều điều đáng lo, nhất là về mặt tổ chức, quản trị và giá trị đạo đức của ngành.

Bài này được viết từ góc nhìn đó và xin kính gởi các nhà giáo thực tâm như một lời tâm sự…

1) Tình Thầy Trò là truyền thống và tình tự đẹp từ xưa. Người Việt có cách thể hiện tình Thầy Trò riêng, trong đó Tình đậm, Lễ trọng mà chân thành. Nói tới Tình Thầy Trò không chỉ nói quan hệ giữa thầy và trò mà rộng hơn là tình cảm, sự trân quý của xã hội dành cho người Thầy. Tình Thầy Trò Việt là nền tảng môi trường giáo dục Việt, là một nhân tố thành công rất quan trọng của sự nghiệp giáo dục nước nhà!

Theo với thời gian, tình Thầy Trò Việt diễn biến thích nghi với đời sống hiện nay. Từ khi Pháp tới, sự giao lưu văn hoá khiến Tình Thầy Trò của ông Chu Văn An mang thêm nét tình Thầy Trò của ông Carnot mà tấm gương được kể lại trong bài Học Trò Biết Ơn Thầy, Quốc Văn Giáo Khoa Thư. Tất cả hoà quyện trong Tình Thầy Trò của gia đình, làng xóm, cộng đồng… Sự diễn biến đó có tốc độ phù hợp với đà tiến của cuộc sống, do đó Tình Thầy Trò vừa mặc chiếc áo mới vừa giữ được hồn ông cha.

Người viết xuất thân Miền Nam nên những dòng trên đi từ quan sát Tình Thầy Trò của Miền Nam (Việt Nam Cộng Hoà) cho tới năm 1975!

2) Cuộc đổi đời sau năm 1975 thực khốc liệt. Người Miền Nam không bảo thủ, họ hy vọng một làn gió mới tiến hoá, nhưng không ngờ cơn bão ập tới.

Sau năm 1975, Tình Thầy Trò Miền Nam đứng trước những cơn bão khốc liệt. Đồng lương xã hội trân trọng đền đáp Thầy, Cô dần dần trở thành đồng lương chết đói, và tới bây giờ là đồng lương bóc lột tàn nhẫn công sức, tấm lòng Thầy, Cô. Từng mắt thấy những đứa trẻ áo quần luộm thuộm đi bộ năm, bảy cây số đường lầy lội tới trường. Từng so đũa với thầy cô trong những bữa cơm chan nước mắt của gia đình giáo chức. Từng chứng kiến Thầy, Cô khúm núm trước hiệu trưởng hay một quan chức giáo dục địa phương hãnh tiến… Khi công quyền xem nhẹ vai trò, vị trí thầy, cô, Tình Thầy Trò còn được bao nhiêu trong xã hội, trong mỗi gia đình, cá nhân?

Tất cả những cảnh trên hiển hiện cạnh hình ảnh tham nhũng không cần che giấu: biệt phủ xa hoa, xe hơi hiệu sang, con cái quan chức xa bay du học và mua nhà và mua quốc tịch trời Tây! Số tiền tham nhũng, dù chỉ dựa trên tuyên bố công khai, phải chăng cũng đủ lo cho nền giáo dục quốc gia thoát khỏi cảnh tồi tàn như trên?

Góp phần không nhỏ trong việc đẩy đạo đức giáo dục vào suy đồi là những vị Bộ trưởng Bộ Giáo Dục tiếp theo nhau mà nhiều người nhận xét là quá kém về năng lực, tác phong lẫn đạo đức!

Trong hoàn cảnh đó, bài viết này cảm nhận sự vô cảm trong khẩu hiệu ra rả Tôn Sư Trọng Đạo. Tình Thầy Trò truyền thống được đem làm bung xung cho một xã hội mà môi trường giáo dục bị xâm thực bởi đầy rẫy tệ nạn khiến bốn chữ cao đẹp Tôn Sư Trọng Đạo trở nên sáo rỗng và quá mỉa mai!

3) Tình Thầy Trò của người Việt, dù bị tàn phá bao năm, vẫn còn nền tảng trong dân chúng. Bài viết này chỉ mong “tàn dư” tốt đẹp đó nếu không được xiển dương thì đừng bị tàn phá thêm nữa! Xin đối xử với Tình Thầy Trò bằng lòng Tôn trọng. Tôn trọng vai trò Giáo dục trong sự phát triển quốc gia.

Để vậy:

Xin đối xử với môi trường Giáo dục bằng Thực chất. Trước mắt là đồng lương thực chất cho thầy cô. Kế đó là giảng dạy thực, thi cử thực, bằng cấp thực. Chương trình giảng dạy trao truyền kiến thức thực chất để người học có thể sử dụng và thích nghi với thế giới thực bên ngoài! Các môn dạy vô ích phải được bỏ đi!

Xin đối xử với môi trường Giáo dục bằng sự thông thoáng, tự chủ. Môi trường giáo dục là nơi Thầy Cô là chủ thể đào tạo và sáng tạo, không phải là nông trường cao su đầu thế kỷ trước nên không cần cặp rằng dưới bất cứ dạng nào. Bỏ ngay tất cả các ràng buộc phản giáo dục đối với Thầy Cô. Bỏ tất cả những khuôn mẫu vô cảm kìm hãm sáng tạo, chặn đường khai phóng!

Xin đối xử với Tình Thầy Trò bằng lòng Trung thực. Bỏ thành tích giả dối, màu mè; bỏ dùng hội phụ huynh hình thức để ép buộc gia đình học sinh đóng góp đầu năm…

4) Tình Thầy Trò Việt do người dân Việt tạo ra đã thành truyền thống quý giá nên người dân Việt đủ sức nuôi dưỡng và phát triển. Phải chăng bất kỳ ý muốn nào nhằm kiểm soát, cai trị, bắt giáo dục phục vụ quyền lợi phe phái riêng đều chỉ nhấn Tình Thầy Trò Việt và môi trường giáo dục Việt sâu hơn vào khủng hoảng, băng hoại như đã chứng kiến mấy chục năm qua!

Vì sự nghiệp phát triển quốc gia, xin trả lại Tình Thầy Trò môi trường giáo dục chân thành, trung thực, yêu thương. Xin kết thúc bài viết bằng câu nói của bí thư Nguyễn Văn Nên “Một nền giáo dục có thực chất mới tạo ra một xã hội phát triển thực chất”.

Ngày 18 tháng 11 năm 2022

Ai và cái gì gây ra tệ nạn giáo dục? (Phần 1)

 

Nguyễn Đình Cống

12-12-2022

Trước khi thống nhất đất nước, ở hai miền Việt Nam giáo dục vẫn phát triển bình thường, mặc dầu xã hội gặp nhiều khó khăn do chiến tranh, do sai lầm về đường lối kinh tế. Sau khi đổi mới về kinh tế thì cơ sở và đời sống vật chất của một số người được tăng lên, đặc biệt có những người trở nên rất giàu, được gọi là tư bản đỏ. Nhưng nền giáo dục, đạo đức, văn hóa lại bị xuống cấp, gây ra nhiều tệ nạn, càng cải cách càng lệch lạc vì không chịu chấp nhận nguyên nhân cơ bản để khắc phục mà chỉ muốn vá víu, do đó sửa cái sai này thì tạo ra cái sai khác mà thôi.

Chiến tranh, có thể làm chết nhiều người, phá hỏng nhiều cơ sở vất chất nhưng không trực tiếp phá hỏng văn hóa, đạo đức, giáo dục. Ngược lại, trong hòa bình, khi phạm sai lầm trong quản trị xã hội thì việc hủy hoại đạo đức, phá nát giáo dục lại xảy ra trong thời gian ngắn.

Đứng bên ngoài nhìn vào nền giáo dục phổ thông thì thấy mọi hoạt động vẫn bình thường. Nó như một rừng cây, vẫn xanh tươi, vẫn có một ít hoa thơm quả ngọt, nhưng đó chỉ là sản phẩm phụ, cục bộ. Để có được hoa quả ấy thì phải chịu nhiều thiệt hại.

Khi thâm nhập vào khu rừng giáo dục, đi dò dẫm từng bước mới phát hiện ra vô số tiêu cực, rác rưởi, cạm bẫy. Những thứ đó vốn không có sẵn trong nhà trường, chúng do con người tạo ra bằng các quy chế. Những thứ đó đã biến việc học tập là hạnh phúc của thế hệ trẻ trở thành gánh nặng bắt buộc, làm hủy hoại tuổi thơ, biến hoạt động của thầy cô với lòng yêu thương và sáng tạo thành ra một dạng lao động khổ sai, biến quan hệ thiêng liêng thầy trò thành ra thứ để mua bán.

 

Những tiêu cực, cạm bẫy trong nhà trường đã được phanh phui nhiều trên báo chí. Thái Hạo nhận xét: “Đó  là nền giáo dục độc ác, vô luân, khốn nạn tận cùng, phi nhân tính” (bài “Những cái ‘Thời khóa biểu’ khốn nạn”). Mới nghe qua thì thấy nhận xét đó là cực đoan, quá khích, nhưng phân tích kỹ thực tại thì thấy nó phản ảnh đúng phần lớn sự thật.

Xin không kể thêm những chuyện đau buồn, chỉ cố gắng tìm nguyên nhân cơ bản tạo ra những tai họa như vậy. Có kết quả A, tìm được nguyên nhân trực tiếp gây ra là B. Tiếp tục câu hỏi “B này do cái gì trước đó sinh ra”. Cứ truy như vậy sẽ đến lúc bí, phải cho rằng tại Trời. (Nguyễn Du viết: Ngẫm hay muôn sự tai Trời). Vì vậy không cần, không thể truy đến nguyên nhân cuối cùng mà phải dừng lại ở một chỗ nào đấy đủ để xử lý, nghĩa là thấy tạm được, không cần đặt thêm câu hỏi hoặc rất khó tìm câu trả lời. Mà một kết quả không phải chỉ do một nguyên nhân. Phải có ít nhất hai yếu tố kết hợp, một đóng vai trò nhân, yếu tố kia là duyên. Nhân kết hợp với duyên (duyên khởi) mới tạo ra kết quả.

Truy tìm nguyên nhân còn qua hai bước. Thứ nhất tìm xem cái gì là nhân và duyên. Thứ hai tìm xem ai phải chịu trách nhiệm chính.

Tôi đã tìm và rút ra một số kết luận, xin trình bày để trao đổi với những người có quan tâm.

Trong tai họa của giáo dục cũng như nhiều tai họa của đất nước thì nhân và duyên, một bên là những yếu kém, tiêu cực trong truyền thống của dân tộc, bên kia là những độc hại trong chủ nghĩa Mác – Lênin (CNML). Hai yếu tố này kết hợp với nhau một cách tự phát chứ không do con người vạch kế hoạch và điều khiển. Nhân là cái thuộc chủ thể. Duyên là tác động từ bên ngoài.  Ở về phía dân tộc thì nhân là sự yếu kém, tiêu cực trong truyền thống còn về phía đảng cộng sản thì nhân là độc hại của CNML.

 

Truyền thống dân tộc, ngoài những điều tốt đẹp, còn có một số yếu kém. Khi chính quyền quang minh chính đại thì những yếu kém bị hạn chế và bị đẩy lùi. Khi chính quyền tham nhũng, bất lực thì tiêu cực phát triển. CNML, ngoài một số điều tốt đẹp dùng để tuyên truyền thì nó chứa những điều trái với Đạo Trời, không thuận lòng người. Đó là những độc hại do sự tàn bạo, dối trá của chuyên chính vô sản cùng với độc quyền đảng trị.

Còn việc ai phải chịu trách nhiệm chính? Đó là những người lãnh đạo cao cấp nhất của đảng và nhà nước.

Để tránh quá dài, bài này chỉ tập trung phân tích những độc hại của CNML và những người chịu trách nhiệm chính. Tạm chưa phân tích truyền thống của dân tộc mà yếu kém có liên quan đến giáo dục rõ nhất là thói háo danh. Điều này nhiều người đã biết.

Nhu cầu con người có từ thấp đến cao. Với đại đa số người, chỉ khi thỏa mãn được nhu cầu thấp mới phát sinh nhu cầu cao. Mà nhân loại phát triển cần dựa vào nhu cầu bậc cao, còn nếu chỉ quan tâm nhiều đến nhu cầu bậc thấp thì sẽ tự kìm hãm trong vòng sinh vật.

CNML chủ yếu quan tâm đến nhu cầu thấp nhất của nhân loại. Tuy có bàn về chống bóc lột, đem lại bình đẳng, bác ái, ấm no, tự do, hạnh phúc cho người lao động, nhưng đó không phải là bản chất của CNML. Những điều đó được các ông tổ cộng sản sao chép lại từ thời xa xưa. Trong lịch sử nhân loại, trước Mác và Lênin nhiều ngàn năm đã có các vĩ nhân bàn luận, mong ước các việc tốt đẹp đó, đồng thời với Mác – Lê cũng có nhiều người chủ trương những việc đó.

 

Bản chất của CNML là làm cách mạng để tiêu diệt giai cấp hữu sản, để chôn vùi chế độ tư bản, để công hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất, để thiết lập nền chuyên chính vô sản với độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản. Làm như vậy là ngược với quy luật phát triển, nhưng một số lãnh đạo các đảng cộng sản vì tham lam, thèm khát độc quyền nên cố kiên trì. Còn việc “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” thực chất chỉ là những chiếc bánh vẽ để tuyên truyền lừa dối.

CNML dựa trên nền tảng triết học duy vật, đề lên quá cao vài trò của vật chất, cho rằng vật chất có trước, quyết định ý thức và hạ tầng cơ sở quyết đình thượng tầng kiến trúc. Về lao động, CNML đề cao hoạt động tay chân của công nông trong sản xuất mà coi nhẹ lao động trí óc. Với nhận thức như vậy, người ta xem nhẹ vai trò, chức năng của giáo dục.

GS Đào Văn Tiến (1920 – 1995) khi sắp mất đã viết báo xin lỗi vì trong nhiều năm đã giải thích sai cho sinh viên khi nhấn mạnh tác dụng của lao động chân tay mà ít quan tâm đến lao động sáng tạo của trí tuệ.

CNML xem thường các phẩm chất đạo đức nhân văn như tình yêu thương và tôn trọng con người, nhân nghĩa, trung tín, liêm sĩ v.v… mà đề cao đạo đức cách mạng như giữ vững lập trường giai cấp vô sản, tuyệt đối trung thành với CNML (thực chất là trung thành với người cầm đầu Đảng Cộng sản), tuyệt đối phục tùng kỷ luật của đảng v.v… Một số phương châm hành động của CNML đã thể hiện trong lời của bài Quốc tế ca (“Quyết phen này sống chết mà thôi. Chế độ xưa ta mau phá sạch tan tành. Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình”.)

Những tuyên truyền viên CNML một thời đã lôi kéo được nhiều người theo. Với người nghèo thì họ đưa mồi nhử là tước đoạt tài sản của người giàu để chia, nhằm thỏa mãn các nhu cầu bậc thấp của họ. Rồi còn để cho vô sản được là chủ tư liệu sản xuất và giữ quyền lãnh đạo nhà nước. Với trí thức họ khêu gợi lòng nhân ái, thương yêu người cùng khổ vì không có tư liệu sản xuất mà phải bán sức lao động rẻ mạt, bị bóc lột đến cùng cực. CNML trình bày thực trạng rất đáng thương của tầng lớp vô sản mà không hề phân tích từ đâu họ trở thành như vậy. Thực ra ban đầu nhân loại vốn bình đẳng, nhưng rồi xẩy ra sự phân hóa giàu nghèo. Nguồn gốc của sự phân hóa là khả năng lao động và trí tuệ. Xuất thân của vô sản là vì lười nhác hoặc kém khả năng, thiếu trí tuệ.

Riêng việc CNML vào Việt Nam một cách dễ dàng còn nhờ lợi dụng được lòng yêu nước không những của trí thức mà của nhiều người ở tầng lớp trên. Nhờ vào đó, ĐCS như một cành tầm gửi bám vào cây chủ là dân tộc và đưa ra những lời tuyên truyền đầy hoa mỹ để lôi kéo sự ủng hộ, rồi dùng xương máu của nhân dân giúp họ đoạt quyền. Nhưng đến khi giành được quyền thì họ trở mặt, để lộ rõ bản chất dối Trời, lừa người.

 

Những độc hại của CNML gói gọn trong mấy chữ: độc tài, bạo lực, dối trá. Khi CS đã giành được chính quyền thì các độc hại thi nhau phát tán, mang lại tai họa cho nhân dân lao động, cho dân tộc, cho đất nước, đồng thời mang quyền lực, sự giàu có cho các quan chức cộng sản, cho tầng lớp tư bản đỏ. Họ xem đất nước này là của riêng họ, họ lập ra hệ thống vua tập thể, họ biến đảng, vốn là công cụ chính trị của một nhóm người, trở thành tổ chức thiêng liêng, bắt dân chịu ơn và tôn thờ, biến những lãnh đạo của đảng thành những vị thánh sống mà mọi người chỉ được phép sùng bái, không được chạm vào dù chỉ chiếc móng chân của họ.

CNML cho rằng, giáo dục phải phục vụ chính trị, phục vụ cho nền vô sản chuyên chính, phải đào tạo ra những người trung thành với nó, không được nghĩ khác, không được làm khác.

Những ông tổ và lãnh tụ CS, vì quá tôn sùng vật chất, quá đề cao lao động của vô sản nên đã hiểu rất sai vai trò của giáo dục. Họ cho rằng giáo dục là một quyền lợi được họ ban phát, vì thế trong nhiều năm người ta bỏ thi vào đại học. Việc cho ai vào trường nào, cũng như cho ai đi học nước nào là quyền của Ban tuyển sinh, dựa vào lý lịch.

Trong lúc đó, nhiệm vụ chính của giáo dục là đào tạo nên những con người tự do, có bản lĩnh, biết sáng tạo, những con người thúc đẩy thế giới phát triển.

Hồ Chí Minh đã nói một câu đáng chú ý: “Suốt đời có một mong ước, sao cho mọi người ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Ý nghĩ ấy là đúng nhưng còn thiếu. Đối với đất nước, ông nói “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Thế với mỗi người dân, có cần tự do không, hay chỉ cần cơm ăn, áo mặc là đủ. Không biết khi nói, Hồ Chí Minh có thấy được việc có cơm áo và được học hành là rất khác nhau. Để có cơm áo bạn có thể ngồi yên một chỗ, có người mang đến, xếp hàng mà nhận một cách thụ động hoặc cùng làm theo mọi người. Còn để được học hành thì phải nỗ lực, phải chủ động chứ không thể nào ngồi chờ người khác mang chữ và kiến thức đến nhét vào đầu. Người ngoài không thể nào học thay cho bạn.

Hồ Chí Minh nghĩ như thế nào không ai biết, nhưng một số cán bộ các cấp của Đảng CS đã vận dụng sai. Họ cho rằng học tập là một quyền lợi có thể đem ban phát như phát gạo, phát tiền. Nếu hiểu như thế là đã phạm sai lầm về mặt triết học. Phải chăng vì thế mới có việc Quốc hội thông qua “điểm ưu tiên” khi thi tuyển sinh mà tự cổ chí kim trên toàn thế giới chắc không nơi nào có kiểu ưu tiên như vậy (*).

Thực ra Hồ Chí Minh cũng có đề cập đến tự do và hạnh phúc khi nói: “Đất nước độc lâp mà dân không có tự do và hạnh phúc thì độc lập ấy chẳng để làm gì”. Chẳng để làm gì là cho dân, chứ cho đảng và đặc biệt là cho các lãnh đạo thì được nhiều thứ lắm chứ. Hồ Chí Minh có lẽ chưa thấy rõ chuyện này, hoặc có thấy nhưng không làm gì được.

Về học tập, năm 1945 trong thư gửi học sinh, Hồ Chí Minh viết: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay khóng, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”. Viết ra câu ấy chứng tỏ ông thấy được phần nào vai trò của giáo dục, nhưng chưa toàn diện. Vấn đề không phải ở kết quả học tập mà kết quả của lao động sáng tạo. Đành rằng kết quả học tập là tiền đề cho lao động sáng tạo, nhưng có thể kết quả học tập rất cao mà không có được phát minh hoặc sáng chế gì thì cái học ấy chủ yếu cũng chỉ để truyền lại cho người khác hoặc chủ yếu để trang trí.

Câu trên, ngoài tác dụng kích thích tinh thần nỗ lực học tập của tuổi trẻ, còn có thể gây ra tư tưởng ganh đua, muốn sánh vai, ngang hàng với các cường quốc khi mà sức ta còn non yếu. Phải chăng đó là lòng tự tin quá mức dễ dẫn đến hoang tưởng. Điển hình cho việc học được rất nhiều, làm cũng được nhiều nhưng chưa tương xứng với công sức bỏ ra để học là GS Tạ Quang Bửu (1910-1988). Lúc sắp mất, GS tâm sự rằng ông đã ân hận vì dành quá nhiếu sức lực cho việc học mà chưa quan tâm đúng mức đến dùng trí tuệ cho lao động sáng tạo.

Giáo dục phục vụ chính trị còn thể hiện ở chỗ Bộ Giáo dục đặt dưới sự chỉ đạo và giám sát của Ban Tuyên huấn, phải dạy những môn do Tuyên huấn áp đặt nội dung. Phải tổ chức thầy và trò vào trong những đoàn thể do đàng khống chế, phải làm một việc lợi ít hại nhiều, gây ra lắm thảm họa là phong trào thi đua. Chính vì cần thành tích thi đua để báo cáo, để được tuyên dương mà sinh ra bao sự dối trá. Thầy trò lừa dối lẫn nhau rồi cùng nhau lừa dối gia đình và xã hội. Lừa dối để được khen thưởng là chủ yếu. Mọi người biết rõ sự lừa dối, nhưng đều vui vẻ chấp nhận. Trường học mà đưa dối trá thành sách lược để tồn tại thì còn gì là giáo dục.

Đã có nhiều tiếng nói đòi bỏ phong trào thi đua, ít nhất là trong trường học nhưng chưa có một vị cán bộ nào (từ hiệu trưởng đến bộ trưởng) dám nói đến. Vì sao? Chủ yếu là vì quá kém trí tuệ và vì sợ, vì được đào tạo chỉ để làm theo sự sai khiến.

 

Ai và cái gì gây ra tệ nạn giáo dục? (Phần cuối)

Nguyễn Đình Cống

12-12-2022

 

Về trách nhiệm của người đứng đầu, một tổ chức, một đất nước đều có người đứng đầu. Trừ những trường hợp quá đặc biệt, còn thì họ phải chịu trách nhiệm chính về mọi việc xảy ra trong phạm vi họ quản lý, không được phép đổ lỗi cho bất cứ ai, đặc biệt là cho khách quan, cho cấp dưới. Tôi nhận thấy rằng “Một việc dù có hay, có tốt đến mấy cũng chỉ có thể làm thành công khi nó biến được thành nhận thức sâu sắc và tình cảm mãnh liệt của người đứng đầu tổ chức”. Ngoài ra thì còn cần nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của quần chúng. Chưa được như thế thì phần nhiều người ta chỉ làm cho qua chuyện.

“Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Đó là một phương châm rất hay, rất đúng, nhưng sau khi được ban hành thành nghị quyết (1996) thì chỉ tồn tại như một khẩu hiệu sáo rỗng. Vì sao vậy?

Vì nó chưa biến thành nhận thức và tình cảm của người đứng đầu nhà nước mà chỉ mới tác động đến vài người nào đó ở bên dưới. Trước hết là vài nhà khoa học rất tâm huyết với giáo dục như các GS Hoàng Tụy, Phan Đình Diệu, Nguyễn Văn Đạo, Vũ Đình Cự, họ thấy rõ vai trò rất quan trọng của giáo dục, họ tích cực đấu tranh để đưa giáo dục đi đúng hướng. Sau đó là vài nhà chính trị có am hiểu về giáo dục, như Nguyễn Đình Tứ, Trần Xuân Bách, Trần Độ, họ có quyền thảo luận để ra nghị quyết, lại được các GS vừa thuyết phục vừa thúc bách nên họ ủng hộ, tìm cách ra cho được. Khi ra được nghị quyết rồi thì cả hai bên đều vui vẻ, đều cho là đã thắng lợi. Bên các GS cho rằng nguyện vọng của họ đã được đảng chấp nhận, bên các nhà chính trị cho rằng họ đã giúp được các GS ra nghị quyết. Còn việc thực hiện thì để cho người khác.

 

Để cho ai? Cho các bộ trưởng (Phạm Minh Hạc, Trần Hồng Quân, Nguyễn Minh Hiển, Nguyễn Thiện Nhân, Phạm Vũ Luận, Phùng Xuân Nhạ, Nguyễn Kim Sơn). Các Bộ trưởng lại chờ chỉ thị của các lãnh đạo (Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng). Các lãnh đạo thì ú ớ, cho rằng đã có nghị quyết rồi thì cứ thế mà làm.

Các lãnh đạo không biết được vai trò, chức năng, tầm quan trọng của giáo dục. Họ cho rằng giáo dục là quyền lợi, làm giáo dục rất dễ chứ không như kinh tế, quân sự, ngoại giao. Thế thì ở đâu ra nhận thức và tình cảm của họ đối với giáo dục. Các ngành quan trọng cần có ủy viên (UV) Bộ Chính trị đứng đầu. Giáo dục chỉ cần một UV trung ương là được, vì trên Bộ còn có Ban Tuyên huấn. Ngay lúc Hồ Chí Minh còn sống Bộ trưởng Giáo dục do TS Nguyễn Văn Huyên nắm giữ trong 27 năm, một người không phải đảng viên CS. Trong thời gian đó đảng phải cử một đảng viên làm thứ trưởng để kèm cặp.

Lãnh đạo cao cấp nhà nước có vai trò vạch (hoặc duyệt) phương hướng phát triển cho đất nước và chọn cán bộ phụ trách ngành (cử Bộ trưởng). Đối với giáo dục các lãnh đạo phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác trong cả hai việc. Về phương hướng (hoặc triết lý giáo dục) họ đã có nhận thức sai theo CNML. Họ xem thường giáo dục, trước hết là trong đào tạo ngành sư phạm (chuột chạy cùng sào), biến dạy học là nghề cao quý thành phương tiện kiếm cơm, thấp hơn một số nghề khác. Lại nữa, trong khi nền kinh tế còn yếu, chưa đủ sức bảo đảm cho sự phát triển quy mô giáo dục thì vì háo danh, vì để tuyên truyền sự ưu việt của chế độ mà chủ trương mở rộng giáo dục quá khả năng đáp ứng của kinh tế, buộc phải hạ thấp lương giáo viên, đẩy họ lâm vào cuộc sống bần cùng.

Khi nền kinh tế được xếp thứ 135, nền giáo dục được xếp thứ 65 trên thế giới (vì có nhiều người đi học, chẳng cần biết học như thế nào) thì nhiều người phổng mũi, tự hào. Có biết đâu rằng thế là làm trái quy luật (đẩy giáo dục ra quá xa kinh tế). Khi so sánh tỷ lệ số sinh viên trên số dân, ta thấp hơn nhiều nước, nên cố đặt chỉ tiêu nâng lên cho bằng. Biết đâu rằng tính số sinh viên trên tổng thu nhập quốc dân thì ta cao ngất ngưỡng, không mấy nước theo kịp. Phải chăng như thế là để sánh vai, ngang hàng cùng các cường quốc. Thì ra phương châm giáo dục của cộng sản VN là chia chữ cho nhiều người, chia bằng cấp cho nhiều người chứ không cần chất lượng, (đặc biệt là bằng tiến sĩ).

Chính vì sự bần cùng hóa đội ngũ giáo viên mà làm phát sinh nhiều tiêu cực trong giáo dục, kéo dài nhiều năm.

 

Về đề bạt cán bộ. Lãnh đạo nhà nước nhất nhất tuân theo đường lối và quy họach của ĐCS, một văn bản phạm những sai lầm về phản dân chủ, phản khoa học, phản tiến bộ. Theo quy hoạch đó dễ tìm được bọn cơ hội, kém liêm chính, lắm mưu mô mà rất khó chọn được người tài năng, liêm khiết, trung thực.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục rất cần là người của khoa học xã hội và nhân văn. Nếu xuất thân từ khoa học tự nhiên hoặc kỹ thuật thì cũng phải khá am hiểu về nhân văn chứ không nên là người chỉ giỏi về tự nhiên hoặc kỹ thuật. Bộ trưởng Bộ Giáo dục lại nên là người hiểu kỹ về phổ thông, không nên là người chỉ quen với đào tạo đại học. Thế mà lãnh đạo nhà nước đã có lúc thiếu thận trọng, thiếu trách nhiệm khi trao chức Bộ trưởng vào tay một số người ít phù hợp như bà Nguyễn Thị Bình, ông Phùng Xuân Nhạ.

Bà Bình nguyên là Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, đang trong thời gian chờ công tác khi tái thống nhất hai miền đất nước. Sau khi TS Nguyễn Văn Huyên mất (năm 1975 ở Đức) thì lãnh đạo nhà nước đã tìm được chỗ trống để đặt bà Bình vào. Việc này gần như là một ân huệ chứ không phải cử người có năng lực làm Bộ trưởng Bộ giáo dục.

Bà Bình nói với các cán bộ chủ chốt dưới quyền rằng bà hiểu biết rất ít và chưa có kinh nghiệm gì về giáo dục, mong được các cán bộ tận tình giúp đỡ để có thể hoàn thành nhiệm vụ. Đó là nói thật lòng, nhưng một bộ trưởng không được phép như vậy, nghĩa là không được nhận làm bộ trưởng khi mình không có kiến thức và kinh nghiệm. Làm bộ trưởng thì không thể vừa làm vừa học. Bộ trưởng như vậy rất dễ phá nát ngành mà không biết. Nhiều tai họa phản giáo dục bắt đầu sinh ra từ thời bà Bình nhưng Bộ trưởng không nhìn thấy để ngăn chặn mà còn để nó lan tràn. Làm bộ trưởng khó hơn làm Phó Chủ tịch nước nhiều. Thật là liều, thiếu khiêm tốn và phạm tội với dân tộc khi không đủ năng lực mà dám nhận làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục.

Thật ra Bộ trưởng vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân. Bộ trưởng không được toàn quyền đề ra đường lối, chính sách cho giáo dục mà phải chịu sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo, chịu sự điều khiển của Bộ Chính trị, mà thực chất sự chỉ đạo ấy, sự điều khiển ấy cũng chủ yếu từ một người, Bộ trưởng cũng bị vòng kim cô của CNML trói buộc.

 

Khi Bộ trưởng không đủ năng lực bao quát các hoạt động thì cấp dưới dễ qua mặt, Việc để các chuyên gia lập ra chương trình quá nặng là một dẫn chứng. Làm chương trình các môn học phải tuân theo nguyên lý “vừa sức”, chứ không phải học càng nhiều, càng khó càng tốt. Như vậy người lập chương trình phải hiểu rõ trình độ tiếp thu của học sinh và trình độ dạy của thầy. Chương trình Hoàng Xuân Hãn (thời chính phủ Trần Trọng Kim) chỉ do một người chỉ đạo lập ra mà được dùng rất hiệu quả trong nhiều năm.

Thế hệ chúng tôi, học phổ thông 9 năm, lại chủ yếu học ban đêm, học rất ít, thế mà nhiều người trở thành tiến sĩ, giáo sư thứ thiệt, có thể sánh vai cùng giáo sư của nhiều nước về hoạt động khoa học. Được như vậy có lẽ vì không bị nhồi nhét kiến thức đến mụ cả người và quan trọng là biết tự học.

Lập chương trình và viết sách giáo khoa cho phổ thông chỉ nên giao cho các thầy phổ thông giỏi các môn đó. Các giáo sư đầu ngành chỉ nên làm xét duyệt. Để viết sách, mỗi môn chỉ chọn một vài thầy. Việc để cho các giáo sư giỏi của đại học soạn chương trình và viết sách phổ thông, rất dễ vi phạm nguyên lý vừa sức. Các GS cứ tưởng học sinh đều thông minh như mình, các thầy đều có phương pháp sư phạm tốt như mình nên mới đưa vào những nội dung khó. Mà thực ra với đa số học sinh, các kiến thức khó ấy chẳng dùng để làm gì trong suốt cuộc đời. Có ý kiến cho rằng, phải học những điều khó của toán, lý để rèn luyện tư duy chính xác. Điều đó chỉ đúng một phần, còn lại là ngụy biện. Có nhiều thứ giúp tư duy chính xác chứ không phải chỉ có những bài toán khó và trong cuộc đời gặp phải bài toán khó cần tìm lời giải chính xác là rất hiếm. Trong đời, biết đặt bài toán quan trọng hơn biết tìm lời giải chính xác, biết phán đoán càng quan trọng hơn.

Lại nữa, một cuốn sách giáo khoa cho một lớp thì chuyện gì phải đến năm, sáu giáo sư cùng nhau biên soạn. Hình như kéo nhiều người vào là để chia nhau danh và lợi chứ không phải do yêu cầu.

Chương trình quá nặng là lý do chính để các thầy tổ chức dạy thêm tràn lan. Chương trình như vậy làm hủy hoại lòng ham muốn học tập của số đông, làm cho trẻ sợ đến trường, biến niềm vui, hạnh phúc của trẻ thành một thứ hành hạ, tra khảo. Lập chương trình quá nặng hình như chỉ để thỏa mãn thói sĩ diện của những người lập ra nó. Kết quả là họ đã phạm tội ác, làm cho đa số trẻ sợ học. Vì vô minh mà họ đã vi phạm vào “nguyên lý vừa sức” trong giáo dục. Cũng rất có thể việc lập ra chương trình quá nặng là do chỉ đạo của ai đó nhằm tạo điều kiện để các thầy kiếm cớ dạy thêm.

Rồi phương châm đào tạo học sinh giỏi toàn diện. Nghe qua thì tưởng là tích cực, nhưng lại chứa tiêu cực lớn. May ra trong hàng triệu người mới có vài người giỏi toàn diện, còn đa số người ta chỉ có thể giỏi một vài thứ, gọi là có năng khiếu. Tốt nhất là phát hiện được năng khiếu và tập trung bồi dưỡng chứ không phải cố học giỏi toàn diện.

 

Với giáo viên, có một việc cần thiết, bình thường rất nhẹ nhàng nhưng người ta đã làm cho nó nặng nề một cách không cần thiết. Đó là việc chuẩn bị giáo án trước khi lên lớp. Việc này cần làm nghiêm chỉnh, nhưng nhiều người vì kém hiểu biết nên đã phức tạp hóa, nặng nhọc hóa. Chuẩn bị giáo án cơ bản là suy nghĩ về nội dung, dàn bài và phương pháp trình bày. Việc này cần được thực hiện nhuần nhuyễn trong đầu. Còn mức độ thể hiện ra thành văn bản phụ thuộc vào trình độ, thâm niên, kinh nghiệm của mỗi người.

Với giáo viên mới vào nghề thì viết ra càng đầy đủ càng tốt, nhưng với người đã lão luyện nhiều năm thì chỉ cần suy nghĩ kỹ trong đầu mà không cần viết ra thật đầy đủ, nếu có viết cũng chỉ là vài cái gạch đầu dòng. Yêu cầu những thầy cô đã lão luyện cũng phải soạn bài như người mới vào nghề là việc quá vô lý, ngu xuẩn. Thế rồi mới sinh ra các chợ giáo án, sinh ra việc kiểm tra xem thầy cô lên lớp có giáo án hay không. Phải kiểm tra vì không tin vào lương tâm và tự giác của họ, vì nó là một chỉ tiêu thi đua. Nghe nói có trường còn dùng nhân viên bảo vệ kiểm tra nội dung giảng dạy của giáo viên. Lạnh cả sống lưng!

Một nhận thức nhầm từ trên xuống dưới là ghép dạy thêm học thêm vào cùng một khái niệm rồi ra lệnh cấm cả hai. Tự điển chưa có định nghĩa dạy thêm, học thêm. Theo tôi thì học thêm là học những thứ mà ở trường không dạy hoặc dạy chưa đạt yêu cầu. Học thêm chủ yếu bằng tự học hoặc có hướng dẫn. Dạy thêm là khi thầy dạy môn học ở trường cho học sinh ấy, nay cũng dạy môn đó cho học sinh ấy ngoài giờ chính khóa, có thu học phí. Như vậy có cấm thì cấm dạy thêm, cấm cho triệt để chứ sao lại cấm cả học thêm. Thế giới nghe nói ở VN cấm học thêm, người ta sẽ không hiểu như thế nào.

Lại nữa, người ta kêu gọi xóa bỏ cách lấy thầy giáo (người dạy) làm trung tâm mà cần phải lấy học sinh (người học) làm trung tâm. Nhiều người, kể cả cán bộ cấp cao nói như sáo, như vẹt mà chưa hiểu bản chất. Lấy ai, cái gì làm trung tâm là việc làm trong từng bài giảng chứ không phải trong hoạt động của nền giáo dục. Trong từng bài, khi thầy dùng phương pháp gợi mở để giúp học sinh chiếm lĩnh tri thức thì cần lấy việc học làm trung tâm (việc học chứ không phải học sinh), thầy phải tổ chức buổi học làm sao để học sinh suy nghĩ được nhiều nhất, cùng với thầy khám phá, tái sáng tạo kiến thức. Còn trong những buổi học mà thầy dùng phương pháp thuyết giảng thì phải đặt việc dạy làm trung tâm. Trong dạy học có nhiều lúc phải dùng thuyết giảng mới có hiệu quả cao. Vì vậy không thể bỏ được phương pháp này. Chỉ là trước đây phổ biến phương pháp thầy đọc trò chép, học và làm theo mẫu thì bây giờ bổ sung thêm cách dạy, lấy việc học làm trung tâm. Trong giáo dục, Đức Phật khuyên “Y pháp bất y nhân”, suy ra phải lấy nội dung (pháp) làm chính, chứ không theo người (người dạy và cả người học).

Trong từng bài thì có thể lấy việc học hoặc việc dạy làm trung tâm, chứ không nhất thiết bao giờ cũng lấy việc học làm trung tâm mà xóa bỏ hoàn toàn phương pháp thuyết giảng, càng không nên cho rằng lấy người học làm trung tâm. (Và nên thận trọng khi dùng khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu”). Còn để chấn hưng, phát triển một nền giáo dục thì bắt buộc phải lấy việc đào tạo, chăm lo cho đội ngũ giáo viên làm then chốt.

Đảng đã ra Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đã vài lần tôi góp ý với Quốc Hội và lãnh đạo nhà nước, rằng hiện nay chưa thể nào thực hiện NQ 29 vì tuy có chuẩn bị một số điều kiện nhưng toàn là điều kiện phụ, còn hai điều kiện quan trọng nhất chưa có. Đó là thể chế chính trị Quang Minh Chính Đại và một đội ngũ giáo viên có năng lực.

Để phát triển giáo dục cần thoát ra khỏi sự kìm kẹp của chính trị. Giáo dục gắn mật thiết với mọi hoạt động của xã hội. Liệu nó có thể hoạt động bình thường trong xã hội bị kìm kẹp bởi nền độc tài toàn trị, tham nhũng và dối trá tràn lan.

Một trận đánh mà đa số người lính không có tinh thần, không đủ năng lực chiến đấu thì chắc chắn sẽ thất bại dù tham mưu có giỏi đến đâu, chiến thuật có tốt đến bao nhiêu (trừ khi rút lui, không đánh vội). Đổi mới, cải cách giáo dục phải do đội ngũ giáo viên thực hiện trực tiếp, thế mà giáo viên đang bị bần cùng hóa, đang bị xã hội và học sinh coi thường thì lấy sức đâu, lấy tinh thần ở đâu để làm việc đổi mới căn bản và toàn diện một nền giáo dục đã rệu rã. Đội ngũ giáo viên hiện có là sản phẩm trong nhiều năm đường lối giáo dục của ĐCS. Không dễ gì thay đổi hoặc đào tạo họ nhanh chóng trở thành người giáo viên có phẩm chất cần thiết.

Chấn hưng giáo dục là để cứu vớt thế hệ trẻ, cứu vớt dân tộc khỏi sa vào đường tăm tối. Trong giai đoạn hiện nay phải xem hoạt động cho chấn hưng giáo dục, cho việc nâng cao đạo đức là thể hiện lòng yêu nước cao cả, nó phải được đặt cao hơn phát triển kinh tế. Để làm việc này phải vượt qua nhiều khó khăn, phải vạch ra, đấu tranh và chiến thắng được thế lực đen tối, bảo thủ. Đó là cuộc đấu tranh về tư tưởng, về đường lối trong hòa bình. Xin đừng ba hoa, đừng khoác lác về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục khi vẫn cố giữ nền độc tài toàn trị của đảng theo CNML. Nếu vẫn kiên trì CNML thì chỉ có thể vá víu, sửa cái sai này bằng cái sai khác mà thôi.

Để thật sự chấn hưng giáo dục thì có hàng ngàn việc cụ thể phải làm, trong một bài viết không tiện kể ra. Xin hẹn dịp khác thuận lợi.

_______

(*) Ghi chú: Nghe đâu đây là sáng kiến của cố GS Tạ Quang Bửu. Sau khi vận động Quốc hội thông qua điểm ưu tiên thì GS quyết định tổ chức các kỳ thi nghiêm túc. Trước đó việc chọn người du học do toàn quyền Ban tuyển sinh của tỉnh thành. Con của chủ tịch, của bí thư đương nhiên được ưu tiên số một. Sau đó nhiều chủ tịch và bí thư nói với nhau là bị ông Bửu lừa mà không biết.

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen