Seite auswählen

Hệ thống tự vỡ nguy hiểm hơn ‘đá tự vỡ’

 


Đá vỡ nát trên vỉa hè Hà Nội. (Hình: Trích xuất từ tuoitre.vn)

 

Vỉa hè lát đá tự nhiên ‘có độ bền 70 năm’ ở Hà Nội vỡ nát sau khi sử dụng một thời gian ngắn là vì ‘mưa xuống đá giãn nở nên tự vỡ’…

Trân Văn

Tuần này, phát biểu của một số viên chức hữu trách từ trung ương (như phát biểu của ông Vũ Đức Đam – Phó Thủ tướng: Chuyên gia các nước phát triển ước ‘quay lại, phát triển theo định hướng Việt Nam’ [1]) đến địa phương,… tiếp tục hun nóng mạng xã hội Việt ngữ, khiến thiên hạ sôi sùng sục nhưng góp nhiều nhiệt nhất có lẽ là ý kiến của ông Võ Nguyên Phong – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội (Vỉa hè lát đá tự nhiên ‘có độ bền 70 năm’ ở Hà Nội vỡ nát sau khi sử dụng một thời gian ngắn là vì ‘mưa xuống đá giãn nở nên tự vỡ [2])…

Không thể đếm xuể đã có bao nhiêu người bình luận về những phát biểu kiểu đó. Có một điểm đáng chú ý là những phát biểu theo logic hết sức khác thường ấy không làm công chúng ngạc nhiên nữa. Tuy sôi sùng sục nhưng các bình luận về những phát biểu khác thường ấy chỉ thể hiện hai điểm chung – mỉa mai đầy vẻ khinh miệt và ngán ngẩm, kiểu như: Nghe giải thích xong bỗng nhớ tới ‘đá cá, lăn dưa’. ‘Đá tự vỡ vì giãn nở sau mưa’ đi với ‘đá cá, lăn dưa’ rất hợp quy hoạch (3).

Một số trong số những bình luận thường là rất ngắn dẫu không dài lắm nhưng đủ để khái quát vấn đề . Ví dụ như bình luận của ông Kim Van Chinh: Đá tự nhiên không phải đá nào cũng làm được vật liệu xây dựng, dù chỉ là đá lát vỉa hè. Đại để đá xây dựng có hai loại chính. Đá marble có cấu trúc không định hình, cho vân đẹp, độ nhám tốt, nhưng kém chịu lực, dễ bị phong hóa ố màu, hoặc ngấm nước tự vỡ… Đá granite có kết cấu chắc hơn nhưng lại hay có thớ dọc ngang theo tấm, bề mặt cứng nhưng lại trơn trượt nếu bề mặt bào mòn hay mài bóng. Do vậy, dùng đá tự nhiên làm vật liệu lát đường, vỉa hè, sân nhà, bia mộ cần nghiên cứu rất cẩn thận và đặt hàng, sản xuất, nghiệm thu rất nghiêm chỉnh chứ không phải chuyện đùa giỡn hoặc ngu ngốc vô học cho rằng cứ đá là bền, cứ đá là chắc, cứ đá là sang… Các nước có nền văn hóa dùng đá lâu đời và nền khoa học – sản xuất đá có kinh nghiệm họ thường lấy đá granite ốp, xây tường, làm cột chịu lực,… dùng đá marble làm đá trang trí lát sàn trong nhà, ốp tường… rất đẹp với sức bền hàng thế kỷ. Riêng đá làm đường họ có thể dùng marble hay granite nhưng họ hay dùng đá chẻ thành cục vuông và để thô. Mới lát trông lổn nhổn và nhám nhưng đi lại hàng chục năm, hàng trăm năm… dần dần viên đá mòn nhẵn nhưng vẫn không trơn (do đá chẻ miếng nhỏ lát có mạch, có khi chỉ ghép lại với nhau, không có mạch vữa vẫn bám cứng…).

Dự án đá hóa vỉa hè Hà Nội là dự án lớn kinh khủng nhưng những người làm dự án là một lũ vô học và cẩu thả. Chúng cứ nghĩ đá là bền, là đẹp như các nước họ đã làm… Hỡi ôi, giờ thì nát bét hết cả vỉa hè Hà Nội rồi. Đá 70 năm thì hai năm đã vỡ toác. Chỗ cần nhám (vỉa hè, gờ đường cho xe máy lên xuống) thì chúng lát đá trơn, ngã cứ oành oạch… Chỗ cần đá chẻ thì chúng lát đá phiến. Chỗ cần granite thì chúng lát marble. Chỗ cần marble thì chúng lát granite. Chỗ không được gắn vữa cứng thì chúng trét xi măng đóng cứng… Hết giám đốc này đến giám đốc khác, hết chủ tịch này đến chủ tịch khác nhưng quyết tâm đá hóa vỉa hè không hề thay đổi… Lần này, Giám đốc Sở Xây dựng có khá hơn là công bố nguyên nhân của đá vỉa hè vỡ là do “đá gặp mưa tự giãn nở rồi vỡ” giống hệt ông nào ngày xưa trả lời đê vỡ là do mưa quá to, có gì đâu, vỡ đê là vẫn theo kế hoạch. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo xưa là kỹ sư vật liệu xây dựng đấy. Còn Võ Nguyên Phong, tân Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, sinh năm 1969, quê quán tại Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị thì là cán bộ ngành xây dựng với chuyên ngành quản lý đô thị. Ông Phong từng là Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Phó Bí thư quận Đống Đa, Chủ tịch quận Đống Đa (5).

***

Khác với đa số, thêm chuyện Đá tự vỡ vì giãn nở sau mưa , ông Nguyễn Trường Sơn không giễu cợt để mỉa mai mà nêu thắc mắc, dân chúng còn bị sỉ nhục đến bao giờ: Tôi nghĩ không có gì là quá đáng khi người dân đòi hỏi công chức làm tròn trách nhiệm tối thiểu của họ. Trong đó bao gồm hoàn thành các trọng trách mà công việc yêu cầu, có thái độ làm việc chuyên nghiệp, ứng xử với dân một cách văn minh và ân cần, nói năng theo cách mà ai cũng có thể hiểu. Bởi bản thân mỗi chúng ta khi đi làm cũng đều được yêu cầu phải làm được những điều căn bản này. Không có doanh nghiệp nào muốn giữ lại một nhân viên mà ngay cả những điều đơn giản như vậy cũng không làm được. Do vậy chúng ta có quyền yêu cầu chí ít công chức cũng phải làm được như chúng ta, chứ chưa nói là phải làm tốt hơn. Bởi sau cùng, chúng ta muốn tự hỏi bản thân rằng số tiền mà chúng ta bị trừ hàng tháng, hay phải trả thêm mỗi lần mua hàng (gọi chung là thuế), rốt cuộc có đáng hay không nếu người thụ hưởng nó lại không làm tròn trách nhiệm?Ấy thế mà. Hết lần này đến lần khác, chúng ta bị sỉ nhục bởi những người vẫn hàng tháng ngửa tay lãnh lương từ tiền thuế mà chúng ta phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm ra. Nào là ‘đá vỉa hè bị nứt do mưa’, rồi ‘Việt Nam không cần quá giàu’,

Ông Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: Hết lần này đến lần khác, dân chúng bị đối xử như trẻ ranh, bị cợt nhả và không coi ra gì bởi những phát ngôn coi thường phát ra từ miệng công chức. Những lời nói này không chỉ tự thân chúng bộc lộ sự yếu kém về năng lực của công chức xứ ta mà đằng sau nó là một vấn đề trầm trọng hơn rất nhiều, đó là những người làm công ăn lương ở nước ta mang trong họ thái độ coi thường đối với công việc và khinh bỉ đối với dân chúng. Vì nếu là một công chức coi trọng chức trách và có trách nhiệm với sự tín nhiệm của người dân, thì sẽ suy nghĩ trước khi mở miệng. Một bộ máy nhà nước đầy rẫy những công chức không coi công việc và người dân ra gì thì sẽ không thể vận hành một cách trơn tru và càng không thể tạo ra sự phát triển cho đất nước. Cũng giống như một doanh nghiệp với những nhân viên rệu rã, làm việc với thái độ dửng dưng, coi khách hàng là cỏ rác thì sẽ không thể thành công. Cái chết ở đây đó là bộ máy nhà nước thì sẽ tạo ra hệ lụy nghiêm trọng hơn một doanh nghiệp rất nhiều. Một doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả thì đối mặt với phá sản, cùng lắm là ảnh hưởng đến những người làm việc cho nó nhưng một bộ máy nhà nước với những công chức vô năng, vô tri thì hệ luỵ vô cùng lớn.

Do vậy, ông Sơn lưu ý: Không chỉ quốc gia bị tụt hậu bởi sự vô dụng của các cơ quan nhà nước, mà người dân còn chịu khổ bởi nạn tham nhũng và thói hách dịch từ công chức, cùng với đó là dịch vụ công đắt đỏ và kém chất lượng. Mỗi một lần công chức đưa ra những phát ngôn chướng tai thì sẽ nhận lại sự cười cợt từ dân chúng. Người dân coi đó là một màn tấu hài, là dịp để cả xã hội được phen cười vào mặt quan chức cho hả hê những khổ ải mà chúng ta phải chịu đựng bấy lâu nhưng theo tôi đó là thái độ sai lầm. Bởi cười cợt sẽ không mang lại bất cứ sự thay đổi nào, rồi đâu lại hoàn đó, những bất công và ngang trái vẫn sẽ đè lên đầu lên cổ chúng ta. Thay vào đó, chúng ta cần phải cảm thấy bị sỉ nhục, phải cảm thấy tự ái và nhục nhã mỗi khi những người nắm giữ trọng trách trong bộ máy nhà nước có những phát ngôn như vậy. Thử hỏi có cay không khi những kẻ ăn trên ngồi trốc từ tiền thuế của chúng ta lại quay sang khinh bỉ chúng ta? Rốt cuộc thì có đáng không khi chúng ta nai lưng ra làm để bị thu thuế nhưng cái chúng ta nhận được lại là sự coi thường (6)?

Chú thích

(1) https://thanhnien.vn/di-toyota-con-hon-di-lexus-ma-song-nhanh-tan-pha-tat-ca-post1529228.html

(2) https://tuoitre.vn/giam-doc-so-xay-dung-ha-noi-da-via-he-nut-mot-phan-do-mua-xuong-da-gian-no-tu-vo-20221208105950279.htm

(3) https://www.facebook.com/khanhtuanng/posts/pfbid02fo7oXsJvMLVUkTj19zE2L1Uf4QZKJ45QTPFxCbm8ng8TymB2TSdtMdDGJZYVqUJKl

(4) https://www.facebook.com/100005487228403/posts/pfbid06BHGyRXnqM7HScnUZkZX5BNCvLAuiUQUMfS2kRjmE6rBdjFZ4hc5372ZVoydoqu8l/?mibextid=Nif5oz

(5) https://www.facebook.com/kimvanchinh/posts/pfbid0umnW8Fy3ETcmky9NcEKFdcdXK4DK6hpZR46gX5PNn2BPnaUz1i4myXwxcTCZyswwl

(6) https://www.facebook.com/truongson.nk/posts/pfbid0D5KRd2mMHqNMsL6o3SSn9tzNnzX82NjuJ8SNeegdQDYCS7aamo9iF8fS43aLQFfMl

Đá vỉa hè ‘giãn nở’

 

Tô Thức

Tô Thức

Giảng viên

Sinh viên lớp Nền móng và Cơ học đá của tôi năm nào cũng hỏi một số câu tương tự. Để tiết kiệm thời gian, tôi làm một danh sách các câu hỏi và trả lời thường gặp.

Đứng đầu danh sách là câu hỏi làm sao để phân biệt đá bị nứt do nở nhiệt và đá bị nứt do chấn động.

Câu trả lời khá đơn giản, nhiệt độ là yếu tố môi trường có sự phân bố đồng đều, nên dù đá có tính dị hướng, vết nứt tương đối thẳng và dứt khoát. Trong khi đó, chấn động có tác dụng cục bộ, nên vết nứt có dạng mạng nhện. Càng gần tâm chấn, thì càng nứt dày đặc. Đó là đối với đá nguyên khối.

Còn đá lát qua khai thác thì có thể trong thân đã có vết nứt. Tuy nhiên đá lát kích thước nhỏ hơn rất nhiều, nên độ xê xích do nở nhiệt không lớn. Thường chỉ có một (vài) vết nứt do nở nhiệt, chạy suốt từ cạnh này sang cạnh khác của phiến đá. Nếu do chấn động, đá có biểu hiện vỡ góc hoặc nát thành miếng nhỏ hơn, do ứng suất tập trung.

Năm 2016, Hà Nội cải tạo hè phố, thay gạch truyền thống bằng đá tự nhiên, được quảng cáo là có kết cấu bền vững và tuổi thọ 70 năm. 255 tuyến phố, tập trung ở quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy và Tây Hồ được lát loại đá “siêu bền” này.

Nhưng chỉ vài tháng sau khi thi công, trên nhiều đoạn vỉa hè, đá bị vỡ và phải thay thế cục bộ. Từ đầu tháng 11 năm nay, tại các quận như Đống Đa, Hai Bà Trưng, vỉa hè lại được lật lên để lát lại trên diện rộng.

Hà Nội đưa ra nhiều nguyên nhân giải thích như: chất lượng thi công; vấn đề nghiệm thu; quá trình sử dụng; công tác bảo trì, bảo dưỡng… Mới đây, trả lời bên lề kỳ họp thứ 10 HĐND TP Hà Nội, một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đề cập đến một phần nguyên nhân “mưa xuống, đá giãn nở nên tự vỡ”.

Không chỉ ở Hà Nội, tại Hải Phòng, đá tự nhiên trên vỉa hè phố Tam Bạc, quận Hồng Bàng cũng vỡ sau ba năm sử dụng. Đại diện Ban quản lý dự án quận giải thích, mùa hè nắng nóng khiến mạch vữa giãn nở, dẫn đến nứt vỡ, bong tróc.

Tôi hiểu, nhà chức trách Hà Nội cũng như Hải Phòng chỉ nêu thời tiết như một phần yếu tố, không phải nguyên nhân chính, nhưng cách trả lời đổ tại trời, thiếu khoa học như vậy gây bức xúc cho nhiều người.

Thực tế đá lát có độ ngậm nước rất thấp. Chỉ có đá trầm tích có độ rỗng cao như đá bùn (mud rock) mới có thể bị ảnh hưởng. Nhưng mức độ ảnh hưởng cũng vô cùng thấp. Đá lát vỡ do ngấm nước mưa là không thể xảy ra. Thường là do nền đất ngấm nước bị trương hoặc mềm không đều, đá bị kênh. Người và xe đi qua tạo ứng suất cục bộ gây vỡ.

Đá lát ở Hải Phòng vỡ là cũng là do chấn động chứ không phải do nhiệt.

Hơn nữa, nếu đá dễ bị ảnh hưởng do mưa, nắng, không nhà quản lý nào lại chọn nó để lát ngoài trời.

Sức bền của đá biến động rất mạnh, phụ thuộc vào loại đá và công nghệ khai thác. Thông thường, chấn động từ người đi bộ và phương tiện cơ giới loại nhẹ (kể cả ôtô con) không đủ để làm nát đá. Tuy nhiên đá lát vẫn vỡ, nếu ba yếu tố sau không được bảo đảm.

Thứ nhất là độ dày đá lát. Khi tiết kiệm vật liệu mà cắt quá mỏng, bản thân tác động do cắt đã làm đá có vết nứt ngầm. Phiến đá mỏng cũng làm tác động trực tiếp từ bên này sang bên kia phiến đá. Giống như việc biểu diễn xiếc, nếu để lên ngực một phiến đá dày, dùng búa nện thì không sao; thay bằng một phiến mỏng, thì không khác gì lấy búa đập trực tiếp vào ngực. Đá nát mà người cũng bị thương.

Thứ hai là kỹ thuật lát đá. Trong khi lát đá có thể xảy ra hiện tượng cập kê, thợ thi công thường dùng búa gõ mạnh, làm đá bị nứt ngầm. Phần bị gõ xuống cũng có thể kênh trở lại khi đất ngấm nước. Cần nhẹ nhàng lấy đá lên, là lại mặt nền phía dưới cho chặt và phẳng đều rồi đặt đá xuống.

Thứ ba là sự ổn định của nền. Đất có thể trương nở khi quá nhiều nước hoặc có thực vật, nên người thi công thường không đặt đá lát trực tiếp lên nền đất. Cần đầm thật chặt một hoặc vài lớp đệm thô dưới đá lát. Nếu thi công trên nền bê tông, cần đảm bảo bê tông đã cứng hóa thì mới đặt đá lên. Việc đặt sớm làm đá chịu thêm ứng suất trong quá trình cứng hóa bê tông.

Bền chắc như đá vẫn có thể vỡ nát, nên không tránh khỏi việc phải lật lên làm lại hoặc thay thế đá vỉa hè sau một thời gian nhất định. Vấn đề là tìm giải pháp kéo dài thời hạn bảo hành, giúp giảm gánh nặng ngân sách.

Theo tôi, ngoài việc đảm bảo ba yếu tố nêu trên trong quá trình thi công, cần xem xét quy định kéo dài thời gian bảo hành, nhằm ràng buộc trách nhiệm của nhà thầu. Luật Xây dựng năm 2014 và Nghị định số 46/2015/NĐ-CP chỉ quy định thời gian bảo hành tối thiểu đối với các công trình, hạng mục công trình cấp đặc biệt và cấp I, là 24 tháng.

Thêm vào đó, nếu xảy ra hư hại thì ngoài việc sửa chữa, đoạn hư hại phải được bảo hành lại từ đầu. Điều này giúp tránh tình trạng nhà thầu thi công qua loa cho hết hạn bảo hành.

Một số lý do cũng cần được loại bỏ khỏi việc né bảo hành như ôtô đi lên vỉa hè. Đây là một loại tải trọng tính trước được và cũng không lớn. Thông thường, một ôtô con chỉ gây ra chưa tới 10% giới hạn chịu tải của đá lát loại tốt. Những yếu tố khác về thời tiết như nắng nóng hay mưa cũng là các lý do khá buồn cười. Khi đã thiết kế và thi công, các yếu tố này đều phải được tính đến.

Đá vỉa hè vỡ, nếu quan chức tìm cách đổ tại trời thay vì xác định đúng nguyên nhân, còn nhà thầu không bị ràng buộc trách nhiệm, người phải chịu cuối cùng là dân, qua khoản ngân sách bị lãng phí từ tiền thuế.

Tô Thức