Seite auswählen
Sài Gòn Nhỏ

Ảnh: Yurii Stefanyak/Global Images Ukraine via Getty Images

 

 Người dân Ukraine đang trải qua một mùa Giáng Sinh hoàn toàn khác biệt với những năm trước. Cuộc chiến phi nhân đạo của Putin như đám mây đen che phủ không khí mùa lễ hội lớn nhất trong năm trên đất nước xinh đẹp này. Có rất nhiều ghế trống cạnh chiếc bàn tiệc gia đình, đó là chỗ ngồi của những người vắng mặt vì đang ở tiền tuyến, hoặc đã chết vì chiến tranh. Những đường phố giăng đèn hoa rực rỡ đã bị thay bằng đống gạch đá hoang tàn đổ nát vì những trận pháo kích, còn vương vãi trong đó mảnh đạn lạc.

Ngày 19 Tháng Mười Hai, ở trung tâm Quảng trường St Sophia, Kyiv, một cây Giáng Sinh đơn độc, giản dị với biểu tượng hình đinh ba Ukraine trên đỉnh được dựng lên. Đây là cây thông chính, tiêu biểu cho mùa Lễ Giáng Sinh của Ukraine.

  Cây Giáng Sinh “Bất Khả Chiến Bại” ở Quảng trường St Sophia. Ảnh: Danylo Antoniuk/Anadolu Agency via Getty Images

Người dân Ukraine gọi đây là “Christmas tree of invincibility” – Cây Giáng Sinh Bất Khả Chiến Bại.

Những năm trước, chỉ ánh sáng từ cây Giáng Sinh này thôi cũng có thể toả khắp quảng trường. Năm nay, cây thông Noel không to lớn, không sang trọng, cũng không rực rỡ như những mùa đã qua. Phủ quanh thân cây là sương mù, chỉ hai màu đèn xanh, vàng chạy bằng máy phát điện dầu diesel đặt gần đó. Trên cành cây, vật trang trí (ornament) đơn giản là những chú chim bồ câu trắng – tượng trưng cho hy vọng hoà bình của Ukraine.

 Ảnh: Anatolii Siryk / Ukrinform/Future Publishing via Getty Images
 Ảnh: Mustafa Ciftci/Anadolu Agency via Getty Images

Các tòa nhà xung quanh Quảng trường St Sophia chìm trong bóng tối, chỉ có một vài ánh sáng đơn độc phát ra từ các cửa sổ nhỏ. Ukraine đang hứng chịu đợt mất điện mới nhất do các cuộc tấn công không ngừng bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga vào các nhà máy điện trên khắp đất nước.

Như những giọt nước mắt cho Kyiv, như sự đồng cảm tuyệt đối hướng về người dân Ukraine, mạng xã hội truyền cho nhau những bức ảnh của nhiều năm trước ở Quảng trường St Sophia và các khu vực lịch sử khác của Kyiv. Trong ảnh là không khí lễ hội rộn ràng, náo nhiệt của siêu thị, tụ điểm vui chơi, mua sắm mùa Giáng Sinh. Dây đèn lấp lánh màu sắc giăng khắp các toà nhà.

 

 Cây Giáng Sinh ở Quảng trường St Sophia năm 2019. Ảnh: Getty Images

Những đêm của Tháng Mười Hai năm nay, dọc theo các con phố đó chỉ là vài người qua đường đơn lẻ. Thế mà họ vẫn phải chạy thật nhanh trên con phố trống trải vì tiếng còi báo động không khích vang lên. Họ chạy nhanh xuống hầm tránh bom gần đó, hoặc tầng hầm của một ga tàu nào gần nhất, có thể.

 Ukraine đang hứng chịu đợt mất điện mới nhất do các cuộc tấn công không ngừng bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga vào các nhà máy điện trên khắp đất nước. Ảnh: Mustafa Ciftci/Anadolu Agency via Getty Images

Gần một nửa tổng số nhà máy điện của Ukraine đã bị phá hủy, khiến sáu triệu người dân không có điện trong mùa Đông lạnh giá, nhiệt độ thường xuyên xuống tới -10 độ C. Người dân ở thành phố tiền tuyến Kherson, nơi quân đội Ukraine đã giành lại được từ quân Nga, vẫn phải sơ tán vì Nga tiếp tục bắn phá từ các vị trí pháo binh bên kia sông Dnipro.

Ý nghĩa Lễ Giáng Sinh của Ukraine

Giáng Sinh là mùa lễ hội có ý nghĩa rất to lớn đối với quốc gia và người dân Ukraine trong thời kỳ hậu Xô Viết, vì Chirstmas là biểu tượng cho nền độc lập của đất nước này.

Một trong những bài hát Giáng sinh nổi tiếng nhất thế giới: “Carol Of The Bells” do nhạc sĩ người Ukraine, Mykola Leontovych sáng tác vào năm 1916. Năm năm sau, Mykola Leontovych bị sát hại bởi một đặc vụ của Soviet Cheka (tiền thân của KGB), người mà Mykola đã trú ẩn trong nhà của ông.

 Chân dung của nhạc sĩ Mykola Leontovych (1877-1921), người sáng tác một trong những bài nhạc Giáng Sinh nổi tiếng nhất thế giới “Carol Of The Bells”. Ảnh: Fine Art Images/Heritage Images via Getty Images

Từ đó trở về sau, vào thời điểm này trong năm, người Ukraine xem Mykola Leontovych là biểu tượng của nền di sản văn hoá đã bị Nga đàn áp, bức tử trong nhiều năm. Mãi đến những năm gần đây mới được phát triển hưng thịnh trở lại, như đoá hương dương toả sáng kiêu hãnh về hướng Đông.

 Người Ukraine và binh lính bên bàn tiệc Giáng Sinh, cầu nguyện cho hoà bình cạnh cây thông “Bất Khả Chiến Bại”. Ảnh:  Danylo Antoniuk/Anadolu Agency via Getty Images

Roksolona Oliyarchyk, 31 tuổi, làm việc ở Viện Ngoại giao Văn hoá thành phố phía Tây Ternopil nhớ lại lời bà của cô kể về những mùa Giáng Sinh xưa. Khi ấy, bà của Roksolona còn là đứa trẻ nhỏ, gia đình luôn tổ chức những tiệc Giáng Sinh trong âm thầm, “bí mật”.

Chính quyền Liên bang Xô Viết từng cấm tổ chức lễ Giáng sinh. Trước sự đe doạ sẽ bị bắt giữ nếu trái lệnh, người Ukraine tụ tập tại bàn tiệc phía sau những ô cửa sổ có rèm che kín, giữa ánh sáng của những ngọn nến. “Thế hệ của ông bà tôi đã dũng cảm để giữ truyền thống của mình, bảo tồn và truyền lại qua nhiều thế hệ, và nhờ đó, tôi biết Giáng sinh là gì,” theo lời Roksolona Oliyarchyk kể.

Lễ Giáng sinh của người Ukraine là sự hoà hợp tuyệt vời giữa phong tục Cơ đốc giáo và lối sống cổ xưa – truyền thống và nghi lễ ngoại giáo. Ukraine là một quốc gia cổ với nền văn hóa tinh thần phong phú. Sau này, văn hoá của họ được cộng hưởng thêm bởi Cơ đốc giáo do Hoàng tử Kyiv, Volodymyr Đại đế, người muốn xây dựng nhiều mối quan hệ chính trị và ý thức hệ hơn với các nước phương Tây.

Ukraine vốn là một quốc gia nông nghiệp. Người Ukraine luôn tin rằng cuộc sống của họ có sự kết nối chặt chẽ với trái đất và thiên nhiên. Vì vậy, truyền thống của họ liên quan nhiều đến các nghi lễ mang đến bội thu mùa vụ. Ngày lễ Giáng Sinh cũng không ngoại lệ.

 

 Người Ukraine luôn tin rằng cuộc sống của họ có sự kết nối chặt chẽ với trái đất và thiên nhiên. Ảnh: Vezha Ins

Theo truyền thống, mùa Lễ Giáng Sinh ở Ukraine bắt đầu với Day of Presentation of Mary (Lễ Tưởng Niệm Sự Hiện Ra Của Đức Trinh Nữ Maria) là ngày 21 Tháng Mười Một theo lịch Gregorian, tức 4 Tháng Mười Hai theo lịch Julian (hầu hết được sử dụng bởi nhà thờ Chính thống giáo). Truyền thuyết kể rằng, người đầu tiên đến thăm nhà bạn vào ngày này sẽ mang lại cho bạn may mắn, hoặc ngược lại.

Các vùng trên lãnh thổ Ukraine có cách tổ chức ngày lễ này khác nhau, theo phong tục của vùng đó. Nhưng tất cả người dân Ukraine đều trưng bày hình ảnh liên quan mùa màng, sự giàu có và thịnh vượng cho năm tới.

Tiếp theo là St. Catherine’s Day – Ngày Thánh Catherine (25 Tháng Mười Một / 7 Tháng Mười Hai) và St. Andrew’s Day – Ngày Thánh Andrew (30 Tháng Mười Một / 13 Tháng Mười Hai). Có thể nói đây là lễ hội dành cho người trẻ. Vào Ngày Thánh Catherine – còn được xem là “ngày định mệnh” của một thiếu nữ, các cô gái trẻ có thể hỏi về số phận của họ trong tương lai. Vào Ngày Thánh Andrew, họ tham gia vào các hội tiên tri, cố gắng để nhìn thấy trước hình ảnh người phối ngẫu tương lai và cả ngày tháng sau này có viên mãn?

 

 

 

Ngày Thánh Saint Nicholas trên một con tem của Ukraine phát hành năm 2002.

Kế đến là St. Nicholas Day – Ngày Thánh Nicholas (6 Tháng Mười Hai / 19 Tháng Mười Hai). Thời xa xưa, người Ukraine nấu bia để mời khách. Họ cùng uống, cùng say với thật nhiều niềm vui. Oleksa Voropai là nhà Dân tộc học người Ukraine. Ông cho biết, nấu bia vào Ngày Thánh Nicholas là một phong tục cổ xưa. Trong một bài hát mừng dịp lễ Giáng Sinh có nhắc rằng, việc nấu bia được diễn tả như một trong những phong tục thiêng liêng giúp cho sự tồn tại của thế giới.

Vì sao người Ukraine có hai Lễ Giáng Sinh?

Không giống những quốc gia theo đạo Thiên Chúa khác, Lễ Giáng sinh của người Ukraine diễn ra vào ngày 7 Tháng Giêng (theo lịch Julius cũ được sử dụng cho các ngày lễ ở Nga). Ukraine bị Nga chiếm đóng trong nhiều thế kỷ, đầu tiên là một phần của Đế quốc Nga. Sau đó thuộc Liên bang Soviet. Đến khi Ukraine giành được độc lập, đất nước vẫn tiếp tục kỷ niệm Lễ Giáng Sinh theo lịch Julius.

 Cây thông Giáng Sinh lộng lẫy giữa Quảng trường St Kontraktova, Kyiv ngày 7 Tháng Giêng năm 2020. Ảnh: Oleksandra Butova/ Ukrinform/Future Publishing via Getty Images

Mãi cho đến năm 2017, Quốc hội Ukraine tuyên bố ngày 25 Tháng Mười Hai là Christmas Day và là ngày lễ của cả nước. Từ đó, nhiều người dân Ukraine đã đón mừng hai ngày Giáng Sinh.

Mùa Giáng Sinh buồn của người Ukraine

Khi cuộc chiến xâm lược của Putin bắt đầu, gia đình của Roksolona Oliyarchyk là một trong nhiều gia đình chọn mừng lễ Giáng Sinh chỉ vào ngày 25 Tháng Mười Hai. Cô nói: “Đây là lúc người Ukraine đoàn kết hơn bao giờ hết, xu hướng ăn mừng ngày 25 Tháng Mười Hai đang lan rộng khắp nước. Chúng tôi muốn mừng Giáng Sinh cùng với Châu Âu và toàn bộ các nước phương Tây.”

Nhưng sự thật thì điều đó dễ, mà khó, khi chiến tranh vẫn đang tiếp diễn lan rộng khắp đất nước. Đây là một mùa lễ Giáng Sinh buồn cho người Ukraine. Họ buôn không phải vì không có điện và nước. Họ buồn vì những người lính Ukraine – những người đang chiến đấu chống lại quân đội Nga để bảo vệ đất nước, sẽ không thể mừng lễ Giáng Sinh cùng với gia đình.

“Chúng tôi sẽ không thể vui mừng khi biết rằng những người lính của đất nước hiện đang ở trong chiến hào lạnh giá và trong số đó, có những người sẽ không bao giờ trở về nhà nữa,” cô Oliyarchyk nói.

Oksana Krasnova, 26 tuổi, hiện đang ở tiền tuyến chiến đấu cùng với chồng của cô, Stanislav. Oksana nói, “chúng tôi không có thời gian để chuẩn bị những tấm thiệp mừng và những thứ khác. Chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu.”

 Ukraine đang hứng chịu đợt mất điện mới nhất do các cuộc tấn công không ngừng bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga vào các nhà máy điện trên khắp đất nước. Ảnh:  Mustafa Ciftci/Anadolu Agency via Getty Images

Oksana và Stanislav cầm súng ra trận từ khi cuộc chiến bắt đầu. Họ chiến đấu ở Kyiv và nay là ở phía Đông Donbas. Cả hai người may mắn còn sống sau nhiều trận đánh. Stanislav bị thương hai lần trong trận giao tranh, và chỉ có thể quay lại chiến trường khi sức khoẻ thật sự hồi phục.

Một chiếc xe tải quân sự với nhiều đồ trang trí Giáng sinh đã đến tiền tuyến ở phía Đông, chở theo quà, đồ uống nóng và kẹo cho những người lính. Theo lời Oksana, những người lính Ukraine vẫn mong muốn có quà trong dịp Giáng Sinh, nhưng không phải những thứ họ quen dùng. Họ mong có quần áo ấm mùa Đông để chống lại thời tiết khắc nghiệt nơi chiến trận. Nhưng, quan trọng nhất, các binh sĩ nói rằng họ muốn nhiều vũ khí sát thương hơn được gửi đến từ phương Tây, để nhanh chóng giành chiến thắng cho Ukraine, để họ trở về nhà, bên người thân và gia đình.

Đó là lý do vì sao cây Giáng Sinh đơn độc, giản dị ở trung tâm Quảng trường St SophiaKyiv sẽ là cây Giáng Sinh đẹp nhất, kiêu hãnh nhất của người Ukraine – Cây Giáng Sinh ‘bất khả chiến bại’.