Seite auswählen

Hình minh hoạ

GETTY IMAGES Hình minh hoạ

Báo chí Việt Nam đưa tin, Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho biết đơn vị đã tạm đình chỉ cán bộ liên quan để xác minh làm rõ hành vi và sẽ xử lý nghiêm minh nếu có sai phạm.

Một lãnh đạo Cục Quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an cho biết đơn vị đã có bước xử lý ban đầu.

“Chúng tôi đã xác định được cán bộ và đình chỉ công tác người này để làm rõ hành vi”, đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh nói và cho hay đơn vị đã có trao đổi với các bên liên quan cũng như du khách đã phản ánh sự việc.

Đề cập nội dung tường trình của cán bộ công an vừa bị đình chỉ, đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh cho hay sự việc đang trong giai đoạn xác minh nên chưa cung cấp thêm thông tin nhưng cam kết sẽ xử lý nghiêm cán bộ nếu có sai phạm.

Trước đó, bài viết của một công dân Singapore tố bị cán bộ an ninh xuất nhập cảnh đòi tiền khi làm thủ tục an ninh ngày 2/1 được chia sẻ chóng mặt trên Facebook với hơn 20.000 tương tác.

Bị xin tiền tip?

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt ngày 3/1, chủ nhân của bài viết, anh Kugan Pillai, thông tin rằng anh là công dân Singapore, đã du lịch nhiều nơi và đến Việt Nam nhiều lần nhưng đây là lần đầu tiên gặp phải chuyện vòi tiền ở sân bay Việt Nam cũng như là lần đầu trong đời.

“Tôi đến Việt Nam để du lịch vào dịp lễ Giáng Sinh và năm mới từ ngày 24/12/2022 đến ngày 2/1/2023 và vì thế tôi không cần phải xin visa và tôi cũng không ở quá hạn hay phạm pháp gì,” Pillai nói với BBC.

Anh cũng tường thuật lại sự việc đã xảy ra ở cửa khẩu sân bay Nội Bài vào ngày 2/1 khi Pillai chuẩn bị rời Việt Nam trở lại Singapore:

“Tôi đang xếp hàng ở chỗ làm thủ tục an ninh tại sân bay Nội Bài, Hà Nội để chuẩn bị về lại Singapore thì khi đến lượt mình, tôi đưa hộ chiếu cho cán bộ an ninh xuất nhập cảnh thì ông ấy đưa tôi lại vé máy bay của mình và chỉ vào từ “TIP” trên vé. Lúc đó tôi rất bối rối, tôi tưởng là ai đó đã ghi lên thẻ máy bay của tôi và rồi tôi sực nhận ra ông ta chính là người viết nó.

“Tôi hỏi ông ấy tôi phải đưa thêm gì, ông ấy không nói gì mà cứ chỉ vào từ TIP khi vẫn giữ hộ chiếu của tôi trong tay. Tôi lo sợ rằng nếu mình không đưa tiền, việc xuất cảnh của tôi sẽ bị làm khó dễ, trục trặc. Cuối cùng, tôi hỏi tôi cần phải đưa bao nhiêu thì cán bộ đó kiểu như 200.000 VND. Mà tôi chỉ có tờ 500.000 VND, tôi mới hỏi tôi có được thối lại tiền không thì ông ấy gật đầu, ý như là ông ấy sẽ trả lại. Nhưng sau khi tôi đưa tiền, ông ấy dửng dưng như không hề có chuyện gì xảy ra và cũng không thối lại tiền cho tôi. Và tôi phải rời quầy khi ông ấy kêu tôi đi và gọi người tiếp theo.

“Khi ấy, trong đầu tôi lo sợ nên đã đưa tiền trong lo sợ, vì tôi từng nghe những chuyện không hay xảy ra và khi ấy tôi đi cùng bạn gái nữa nên tôi sợ họ sẽ làm tổn hại gì cô ấy nếu tôi không chịu thoả hiệp,” Kugan Pillai nhớ lại.

BBC News Tiếng Việt đã liên hệ với Cục Quản lý xuất nhập cảnh – Bộ Công An Việt Nam nhưng chưa nhận được phản hồi.

UGC

UGC Bài viết của Pillai lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội

‘Đã làm việc với Bộ ngoại giao Singapore’

Sau khi sự việc xảy ra, Kugan Pillai cho biết anh rất tức giận và ngay lập tức gọi cho Đại sứ quán Singapore ở Hà Nội nhưng không có ai bắt máy.

Anh tiếp tục gọi Bộ Ngoại giao Singpore và báo cáo họ về vụ việc. Sau khi kết thúc cuộc gọi với Bộ Ngoại giao, Pillai đã lén chụp nhanh một tấm hình của viên chức đó trong khi xếp hàng chờ kiểm tra hành lý.

“Tôi chấp nhận rủi ro dù tôi biết không nên dùng điện thoại ở khu vực đó nhưng tôi thực sự không có lựa chọn nào. Tôi từng đọc và nghe về chuyện tham nhũng nhưng không phải ở sân bay. Sân bay là nơi vốn để bảo vệ mọi người. Tôi thành thực đã nhượng bộ dù không làm gì sai và tôi cảm thấy vì sao tôi phải trả tiền cho viên chức đó – cho họ làm công việc của mình khi đi qua chỗ kiểm tra an ninh.

“Bộ Ngoại giao Singapore đã liên hệ lại với tôi hôm nay. Họ chỉ kiểm tra lại những gì tôi nói sau khi thấy bài đăng được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội. Tôi thực sự không chắc họ sẽ có hành động gì nhưng tôi đã nói với họ rằng, tôi thường không phải là kiểu người thích đăng bài trên Facebook nhưng bài viết này đã được chia sẻ rộng rãi và cũng là để nâng cao nhận thức cho mọi người về vấn nạn này.

“Với tôi, là người chống tham ô và khi tôi tận mắt chứng kiến nó, đó là điều tôi không thể nuốt trôi. Vì vậy, nội dung viết bài này, nó đi ngược lại với nguyên tắc và giá trị của tôi khi mà tôi đầu hàng tham nhũng, nhất là đối với những người mà mọi người vốn đặt niềm tin nơi họ,” Pillai khẳng định.

Hình minh họa

GETTY IMAGES

Là người làm việc cho chính phủ và hiểu rõ luật pháp nghiêm khắc của Singapore, Kugan Pillai khẳng định những điều anh nói thực sự là những điều anh đã trải qua và khi bài viết lan truyền chóng mặt, anh nhận được nhiều lời chia sẻ về việc vòi vĩnh tương tự từ người Việt Nam lẫn người ngoại quốc.

“Có rất nhiều người Việt Nam đã nhắn tin cho tôi nói rằng họ rất biết ơn vì bài viết vì chính họ cũng gặp phải chuyện như vậy, họ đã phàn nàn về nó nhưng không có hành động nào được thực thi cả. Nếu điều này giúp ích cho những người ở Việt Nam, tôi rất vui vì mình đã lên tiếng. Tôi cũng dự trù được rằng sẽ có những người ghét và tấn công tôi trên Facebook nhưng thực sự có rất nhiều người đứng về phía tôi và bảo vệ tôi,” Pillai bộc bạch. 

Công dân người Singapore cho biết, dù có trải nghiệm không hay về việc vòi vĩnh tiền bạc ở cửa khẩu sân bay Nội Bài, anh vẫn sẽ đến thăm Việt Nam trong tương lai gần vì đất nước có rất nhiều người tốt, thân thiện cũng như ẩm thực ngon:

 “Tôi rất thích đồ ăn Việt Nam, đặc biệt là bún chả và chả cá. Cà phê trong những con hẻm khuất cũng là điều tôi cực kỳ thích. Thành thật mà nói, tôi không biết sẽ có hành động gì được thực thi và ở mức độ nào vì không bên nào muốn căng thẳng ngoại giao. Liệu vấn đề này có bị cho chìm xuồng hay không? Và thực tình tôi cũng không muốn gây áp lực cho chính phủ mình nhưng tôi vẫn muốn họ biết được chuyện gì đã xảy ra với tôi và bảo vệ công dân của họ nếu có điều gì tồi tệ hơn xảy ra.”

Nhiều người trên Facebook ‘bức xúc’

Dưới bài viết với gần 20.000 lượt tương tác bao gồm yêu thích, chia sẻ, bình luận của Kugan Pillai, nhiều người tự nhận là công dân Việt Nam để lại lời xin lỗi và đồng thời, kể lại trải nghiệm của họ tại nơi kiểm tra an ninh khi về nước lẫn khi xuất cảnh.

Một người tên Kevin Lee cáo buộc: “Chuyện này thực sự có. Và thực sự đây không phải ngày may mắn của bạn và trong bối cảnh Tết cận kề, thì nhiều người làm việc cho chính phủ cố gắng kiếm chác thêm đại loại vậy. Tôi sống ở đó gần được tám năm, và đây là điều rất có tính nhất quán. Và công bằng mà nói, không phải nhân viên công chức nào cũng nhắm vào khách nước ngoài, vì tôi thấy cũng có nhiều người rất tốt bụng.”

Nhiều Việt kiều, đặc biệt từ Mỹ về Việt Nam cũng phản ánh với BBC News Tiếng Việt rằng họ thường bị hỏi chút “trà bánh” khi làm thủ tục an ninh.

“Khi về thì bị hỏi tiền cà phê, khi đi thì có cán bộ hỏi đi du lịch Việt Nam còn dư tiền Việt Nam không, có thì cho anh em. Nếu không xì tiền ra thì bị hỏi tới hỏi lui, giữ chân thật lâu và vì tránh phiền phức, mọi người kháo nhau là phải có chút tiền 10-20 đô gì đó mới qua cổng được, riết rồi thành luật bất thành văn luôn,” một người Mỹ gốc Việt nói với BBC.

Getty

GETTY IMAGES Sân bay Nội Bài, thủ đô Hà Nội, Việt Nam

Ông Hoàng Hùng, một trong những quản trị viên của trang ‘Tôi và Sứ quán’ chia sẻ trên trang Facebook cá nhân rằng khi về Việt Nam vào dịp Tết, vợ của ông cũng bị hỏi “xin tiền mừng tuổi”.

Chia sẻ với BBC News Tiếng Việt ngày 4/1, ông Hùng nhận định các việc lạm thu ở các sứ quán Việt Nam cũng là một hình thức tiền TIP chứ không chỉ ở chỗ làm thủ tục an ninh:

“Theo tôi thì trước hết nhà nước phải trả lương xứng đáng với việc của công chức và xử lý nghiêm các trường hợp vòi vĩnh này. Về phía người dân cũng phải kiên quyết không đưa tiền cho công chức và phản ánh ngay khi bị vòi vĩnh. Nếu ai cũng như công dân Singapore kia thì công chức nào dám vòi tiền nữa.

“Tuy nhiên, nhiều lúc phải chấp nhận nộp tiền cho được việc. Sau đó lưu bằng chứng để kiện cáo. Tất nhiên đó là cách không hay nhưng cũng là cách để không mất việc của mình. Ví dụ, các anh chị em ở nước ngoài, tôi khuyên những ai ở xa sứ quán là cứ nộp tiền như phía sứ quán yêu cầu, nhưng phải lưu bằng chứng để kiện sau. Chứ nhiều khi chỉ vì vài chục đô mà phải đi về vài trăm km và mất thêm một ngày làm thì sẽ khổ cho anh chị em. Tất nhiên nếu cứng rắn và làm đúng pháp luật thì là không trả tiền cao hơn qui định cho dù có không được việc, nhưng ít người làm được vậy,” ông Hùng nói.

Bên cạnh đó, nhiều người khác cũng nói với BBC rằng họ chưa từng gặp cảnh tiêu cực khi ở sân bay Việt Nam, và rằng thủ tục giấy tờ ở các sân bay Việt Nam ngày càng thông thoáng, nhanh gọn.

Nội Bài là sân bay duy nhất của Việt Nam lọt vào danh sách 100 sân bay “tốt nhất thế giới” năm 2020, xếp thứ 87, theo giải hàng năm của Skytrax. Tuy vậy, hai giải gần đây nhất, năm 2021 và 2022 không có tên sân bay nào của Việt Nam.

Theo ghi nhận của BBC, đến ngày 4/1, trang Facebook của Pillai vẫn nhận rất nhiều bình luận từ bạn bè và cộng đồng mạng, tố chuyện họ cũng “bị vòi tiền” ở cửa khẩu Tân Sơn Nhất và Nội Bài của Việt Nam.

Tham nhũng ở Việt Nam ‘có truyền thống từ gia đình và gốc gác chính trị của cha anh’

 

BBC

Chỉ số cảm nhận tham nhũng CPI của Việt Nam năm 2021 theo tổ chức Minh Bạch Quốc tế

Chỉ số cảm nhận tham nhũng CPI của Việt Nam năm 2021 theo tổ chức Minh Bạch Quốc tế

Các vụ xử quan chức cao cấp bị cáo buộc tham nhũng đang xảy ra liên tiếp ở Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người dùng chữ ‘đốt lò’ để chỉ nỗ lực chỉnh đốn Đảng Cộng sản. Đầu năm 2018, trả lời phỏng vấn, ông Trọng nói: “”Lò” nóng lên là do tất cả cùng vào cuộc, cùng quyết tâm “đốt lò” để đẩy lùi tham nhũng.”

Động cơ của công cuộc ‘đốt lò’ mà người cầm đuốc đi đầu là TBT Nguyễn Phú Trọng đã được nhiều đài báo quốc tế chú ý, ghi nhận rằng ông Trọng muốn làm trong sạch Đảng CSVN để giành lại niềm tin của nhân dân, và giữ tính chính danh cho hệ thống cầm quyền.

Tuy thế, căn nguyên của việc “sờ đâu cũng thấy tham nhũng” lại được đánh giá ở Việt Nam và ở nước ngoài rất khác nhau.

Tại Việt Nam, một tư duy khá phổ biến là coi cán bộ tham nhũng vì họ “suy thoái đạo đức”, tham lam, mất đi “chất cách mạng”.

Cách chống tham nhũng bằng “đức trị” này đã bị một số ý kiến, như ông Hà Sĩ Phu nêu từ hơn 10 năm trước, cho là không đúng, và không đủ.

Từ bên ngoài nhìn vào, các nhà quan sát châu Á và Âu Mỹ có xu hướng coi tham nhũng ở Việt Nam mang tính cơ chế, là sản phẩm của chính cách tổ chức nhà nước kiểu Leninist, quyền lực quá nhiều dành cho Đảng CS mà không có tam quyền phân lập, báo chí tự do để giám sát.

Ngoài ra, có đánh giá cho rằng tham nhũng còn mang tính lịch sử, là sản phẩm của việc hình thành tầng lớp cán bộ đặc quyền đặc lợi, từ thời họ được ưu tiên mua gạo, thịt trong khi người dân sống khốn khổ.

Một số yếu tố giống các nước châu Phi và châu Á về truyền thống dòng tộc, họ mạc, bè cánh theo quê quán, cũng khiến tham nhũng ở Việt Nam đưa nước này lại gần các nước như Nigeria, Kazakhstan…

Tấm thẻ vào tầng lớp ưu đãi có từ lâu?

Một bài đăng trên trang The Vietnamese.org của Lee Nguyễn trong tháng 6/2022 chẳng hạn trích nhiều từ công trình của nghiên cứu Nhật Bản, bà Futaba Ishizuka, vạch lại gốc rễ của tầng lớp đặc quyền tại Việt Nam.

Bài “Political Elite in Contemporary Vietnam: The Origin and Evolution of the Dominant Stratum” (nguồn văn bản tại đây) của bà Ishizuka nhắc lại bằng hình ảnh người dân nghèo khổ xếp hàng mua gạo thời bao cấp XHCH ở VN hậu chiến, với đánh giá rằng cùng lúc thì:

“Các ủy viên Trung ương Đảng có xe riêng, có tài xế riêng, và họ cùng thân quyến có thể đi nghỉ cuối tuần, nghỉ hè. Mỗi ủy viên Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư đều có thể đặt chuyên cơ để đi dự họp, hoặc đi nghỉ.”

Đầu tư công. Các dự án đấu thầu và xây cất, mua sắm dùng ngân quỹ quốc gia được dư luận chú ý nhiều vì các vụ thất thoát, biển thủ, hoặc ăn tiền công trắng trợn.

MAI SƠN Đầu tư công. Các dự án đấu thầu và xây cất, mua sắm dùng ngân quỹ quốc gia được dư luận chú ý nhiều vì các vụ thất thoát, biển thủ, hoặc ăn tiền công trắng trợn.

Ngay từ khi đó, các quan chức cao cấp đã biết dùng vị thế đặc quyền để buôn lậu và trục lợi:

“Có quan chức cao cấp thậm chí còn lợi dụng các chuyến công tác để buôn lậu hàng hóa với số lượng lớn, hoặc nhận quà cáp đắt tiền từ đối tác nước ngoài. Cùng lúc, công nhân viên và cán bộ cấp thấp chỉ có xe đạp để đi làm,” nhà quan sát người Nhật ghi nhận.

Nhưng không phải đợi đến thời hậu Đổi mới thì gia tầng quyền quý ở VN mới có tính cha truyền con nối.

“Ngay khi đó, giới thượng lưu chính trị VN về đa số là gồm các chính trị gia cha truyền con nối (hereditary politicians). Con của quan chức cao cấp trong ĐCS được trao cơ hội vào các trường đại học cao cấp, uy tín, ở trong nước và nước ngoài. Con em các thành phần XH khác thì không được hưởng những cơ hội đó. “

Tác giả này nêu các thống kê cho rằng con em giới quyền quý vì thế có năng lực hơn để gia nhập bộ máy quan lại, và nhận các chức ưu đãi trong chính quyền.

“Con em cán bộ Đảng rất hiếm khi trở thành công nhân, thợ thủ công.” (trích theo phần lược thuật của Lee Nguyen).

Ngày nay, vị thế của giai tầng trên không đổi và tham nhũng “tràn lan” (rampant corruption) là điều xảy ra trong gia tầng này.

Bà Futaba Ishizuka nhận định rằng giống như giới ưu đãi nomenklatura ở khu vực Liên Xô cũ, tầng lớp thượng lưu chính trị ở Việt Nam nắm giữ quyền lực nhà nước vì quyền lực này sinh lợi lớn.

Họ duy trì vị thế quyền và tiền này nhờ hai thành tố: sự tập trung tài lực, và khả năng chiếm giữ độc quyền các vị trí của nhà nước.

Có vẻ như trong mắt một số người, dù thay đổi các thủ tướng, xu thế tham nhũng nhờ bè cánh, bao che gia đình không thay đổi tại Việt Nam.

Trong một bài phân tích của Reuters tháng 1/2018 về các vụ bắt quan chức PetroVietnam, Simon Cameron-Moore nhắc đến tệ nạn ‘nepotism’ (chủ nghĩa thân quen) như một phần đặc trưng của tham nhũng tại Việt Nam.

“Điều khác biệt của công công chống tham nhũng khi đó, so với thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng, là “ban lãnh đạo hiện nay bảo thủ hơn trong việc duy trì quyền lực tuyệt đối của ĐCS, trong sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan an ninh”, Reuters viết.

Chống bè phái, cấu kết gia tộc nhưng không cho báo chí độc lập?

Báo chí Việt Nam trên thực tế đã thừa nhận nhiều trường hợp “cả họ làm quan” ̣(xem loạt bài), và phỏng vấn các sử gia than vãn về tình trạng để công tác cán bộ thua kém luật hồi tỵ thời phong kiến (luật cấm làm quan tại quê và cấm ưu đãi thân quyến).

Dư luận Việt Nam cũng bàn tán nhiều về chuyện vợ, con, dâu rể hoặc nhân tình của một số quan chức, thạm chí lãnh đạo “đương và cựu” đóng vai trò quan trọng trong các thương vụ làm ăn lớn.

Những vụ việc này rất khó kiểm chứng và thường chỉ bộc lộ khi các án kinh tế, tham nhũng lớn “điểm danh” thân nhân các bị cáo.

Việc “cắt phí” chi cho các quan chức từ những dự án công được một số người tin rằng lên tới hàng chục phần trăm, khiến mọi đầu tư công đều ngưng trệ nếu “đường dây” bị rọi đèn” (xem bài Hệ quả vụ Việt Á: Tiền hoa hồng khủng và nạn khan hiếm thuốc y tế).

Một mặt, Đảng CSVN đã gián tiếp thừa nhận tệ nạn này và ra các quy định Những điều đảng viên không được làm.

Ví dụ, các báo VN cho hay, trong Quy định 37-QĐ/TW có bổ sung công bố năm 2022, Điều 11 cấm:

“Vi phạm đạo đức công vụ, bao che, báo cáo sai sự thật khi thực hiện nhiệm vụ; thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân do mình trực tiếp quản lý xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các vi phạm khác. Không báo cáo, không xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Can thiệp, tác động hoặc để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi.”

NHAC NGUYEN/Getty Images

NHAC NGUYEN/GETTY IMAGES

Mặt khác, Đảng CS không tin tưởng để cho báo chí được tự do tố cáo tham nhũng và không muốn áp dụng bốn tiêu chuẩn chống tham nhũng hiệu quả của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International), theo TS Nguyễn Hồng Hải từ ĐH Queensland, Úc.

Trong một bài đăng trên tạp chí East Asia Forum (02/2022), ông viết:

“Minh bạch Quốc tế đã nêu ra bốn thành tố của các quốc gia không tham nhũng: cơ chế kiểm tra và cân bằng quyền lực (check-and-balance mechanisms), xã hội dân sự tự chủ (autonomous civil society), nguyên tắc pháp quyền mạnh (strong rule of law) và báo chí độc lập (independent journalism)….”

Thiếu việc thực hiện bố điều này thì không tin rằng chống tham nhũng ở VN sẽ có hiệu quả, tác giả gốc Việt viết.

VN: Vì sao Đảng Cộng sản khai trừ quan chức tham nhũng rồi mới để tòa xử?

 

BBC
NBT

TBT Nguyễn Phú Trọng nổi tiếng với các câu nóng đánh động dư luận về nạn tham nhũng

Nhận xét với BBC News Tiếng Việt về vấn đề tham nhũng tại Việt Nam hiện nay, nhà sử học, cựu ĐBQH Dương Trung Quốc nói phần lớn sai phạm là từ quan chức: “Chỉ có điều ở Việt Nam mình khôn ngoan hơn đó là khai trừ khỏi Đảng trước khi ra vành móng ngựa.”

Sự kiện Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh, cựu Thứ trưởng Bộ KHCN Phạm Công Tạc bị xử lý hôm 7/6 gây rúng động dư luận về quy mô tham nhũng của các quan chức cấp cao. Cả ba ông đều bị khai trừ khỏi Đảng, cách chức, trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam.

“Báo Tuổi trẻ từng giật tít lấy ca từ trong bài hát L’Internationale [Quốc tế ca]- Đấu tranh này là trận cuối cùng – khi viết về phong trào chống tham nhũng. Tôi nghĩ là đúng, nếu không đấu tranh chống tham nhũng, chống nội xâm thì chính Đảng không còn lý do để tồn tại nữa,” ông Dương Trung Quốc nói với BBC hôm 17/6.

Còn Luật sư, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trần Quốc Thuận nói với BBC hôm 9/6: “Tôi nghĩ xét về mức độ nghiêm trọng của sự việc, cần phải có án tử hình. Cho tới nay, hai quan chức đầu não có sai phạm nghiêm trong như vậy, gây thiệt hại tới mạng người nhưng chưa thấy lãnh đạo ở cấp cao hơn đứng ra xin lỗi người dân.”

Nạn tham nhũng trong nội bộ Đảng

Bàn về những sai phạm về tham nhũng, ông Dương Trung Quốc nhận định với BBC:

“Cách đây 15 năm khi có luật chống tham nhũng, tôi là người lên tiếng việc chính đặc thù Việt Nam với Đảng lãnh đạo toàn diện, nên tất cả quan chức hoặc người có quyền mà có thể tác động vào tài sản công đều là Đảng viên. Rõ ràng tới bây giờ, càng ngày càng thấy điều đó ứng nghiệm vào đời sống, phần lớn những người sai phạm về tham nhũng đều là quan chức, thuộc nội bộ Đảng cả. Điều đó là sự thật và người ta cũng chứng kiến chính Đảng cũng phải thanh lọc nội bộ mình thì mới giữ được vai trò lãnh đạo.”

Hồi đầu năm 2021, tại buổi họp báo sau khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII ĐCSVN bế mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến vấn đề tham nhũng trong nội bộ trung ương ĐCSVN.

“Người nắm trong tay tiền của rất dễ không chỉ tham nhũng mà còn tiêu cực và lợi ích nhóm. Tham nhũng mới là một vế, chúng ta phải nói đầy đủ là chống tham nhũng và tiêu cực. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được phát động từ năm 2013, khi tôi được phân công làm Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của Đảng. Từ đó đến nay, liên tục có những vụ việc được xử lý liên quan đến Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, thậm chí thu hồi tài sản lên tới hàng triệu USD,” báo Công an Nhân dân thuật lại lời ông Trọng.

Tiếp đó, ông Trọng nhắc đến một “trường hợp hối lộ, xách vali tiền đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để biếu xén, lấp liếm”.

“Đồng chí cán bộ kiểm tra mở vali xem đã thấy toàn tiền USD. Tôi yêu cầu khóa vali lại, niêm phong và lập biên bản,” ông Nguyễn Phú Trọng được báo Công an Nhân dân trích lời.

Trước khi bị khai trừ khỏi Đảng và bị bắt tạm giam, cả ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long đều là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII.

 

Trong nghiên cứu có tên “The perpetuation of bribery-prone relationships: A study from Vietnamese public official” đăng trên ‘Public Administration and Development, nhóm tác giả nói về quan hệ dễ trao và nhận hối lộ không ngừng của giới chức Việt Nam.

Nhóm tác giả cũng nhận định rằng các quan chức Việt Nam thường trải qua một “sự đánh giá tính toán”, trải qua một mức độ khó chịu nhất định về cảm xúc và sau đó sử dụng các chiến lược hợp lý hóa để quyết định xem có tham gia vào một cuộc trao đổi hay một mối quan hệ dễ dẫn đến hối lộ hay không. Quá trình tâm lý này khác biệt ở giai đoạn khởi đầu và giai đoạn kết thúc của một mối quan hệ dễ bị hối lộ.

Ông Trần Quốc Thuận nói với BBC hồi cuối tháng 5/2022:

“Tham nhũng tại Việt Nam như một con virus nó ăn sâu vào tế bào của Đảng Cộng sản, từ trên xuống dưới, nó còn tệ hơn cả đại dịch Covid nữa. Do đó phải giải quyết tận gốc, vận động toàn nguồn lực để đối phó vấn đề này thì đất nước mới có thể vươn lên được. Không giải quyết được thực trạng này thì Việt Nam khó cất cánh được.”

Thanh tẩy ‘đúng quy trình’?

Theo các nhà quan sát, trước mỗi cuộc bắt bớ các quan chức cấp cao ở Việt Nam, thường có một bước được gọi là “dọn đường dư luận” – tức làm truyền thông, chuẩn bị tinh thần cho người dân về vụ bắt giữ.

Bước “chuẩn bị dư luận” này được thực hiện đầu tiên qua những tin hành lang, tin đồn về việc sai phạm của “người này, người kia”. Sau đó, tin tức được củng cố trên mặt báo chí chính thống trong nước. Ví dụ như vụ việc gần nhất của ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long, báo chí Việt Nam đưa tin rầm rộ về “phiên họp bất thường của Trung ương Đảng” vào chiều tối ngày 6/6/2022.

Ngay sau đó, Đảng quyết định “khai trừ” hai nhân vật này, theo cách mà ông Dương Trung Quốc mô tả “Việt Nam mình khôn ngoan hơn đó là khai trừ khỏi Đảng trước khi ra vành móng ngựa.”

Một vài quan chức cấp cao bị khai trừ khỏi Đảng trước khi bị đưa ra tòa xét xử gồm: ông Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Bắc Son, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Tất Thành Cang, Trương Minh Tuấn

Một vài quan chức cấp cao bị khai trừ khỏi Đảng trước khi bị đưa ra tòa xét xử gồm: ông Nguyễn Đức Chung, Nguyễn Bắc Son, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Tất Thành Cang, Trương Minh Tuấn

Tiếp đến, Quốc hội tiến hành bãi nhiệm hai ông Long và Anh ngay ngày hôm sau – 7/6/2022, tước quyền ĐBQH, dọn đường cho việc bắt giữ, khám xét vì ĐBQH vốn có quyền miễn trừ.

Chỉ khoảng chín tiếng sau khi bị cách chức và bãi nhiệm tư cách ĐBQH, hai cựu quan chức nói trên bị truy tố tội danh và bắt tạm giam – tức cùng trong ngày 7/6.

Quy trình khai trừ khỏi đảng, bãi nhiệm tư cách ĐBQH, cách chức rồi khởi tố, bắt tạm giam xảy ra y hệt với ông Đinh La Thăng – người từng có chân trong Bộ Chính trị khóa XII và là cựu Bí thư Thành ủy TP HCM.

Luật sư Phùng Thanh Sơn bình luận với BBC:

“Tôi nghĩ nội bộ Đảng đã điều tra hết rồi, việc khai trừ, bãi nhiệm rồi tới bắt giam, khởi tố, xử án chỉ là làm cho đúng quy trình tố tụng mà thôi. Dĩ nhiên về mặt khoa học pháp lý thì nó không ổn nhưng về mặt Đảng lãnh đạo toàn diện thì việc này là phù hợp. Bởi nó cho thấy Đảng ‘chủ động’ làm trong sạch bộ máy của mình chứ không phải vì chịu sức ép của xã hội mà hành động.”

Tham nhũng là ‘đặc tính cố hữu’?

Hôm 16/6, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chia sẻ với báo chí Việt Nam rằng khi trung ương họp hội nghị bất thường để kỷ luật các ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã “rất nghẹn ngào” khi nói về thành tích ngành y tế và nhấn mạnh nguyên tắc của Đảng là “kỷ luật sắt nên không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Ai vi phạm là phải bị xử lý”.

Các vụ xử, kỷ luật Đảng đối với ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long và trước đó là Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Lê Thanh Hải, Nguyễn Bắc Son…, được cho là hiếm có trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Xếp hạng Chỉ số nhận thức về tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI) năm 2021 cũng cho thấy Việt Nam có những bước tiến bộ, xếp thứ 87 trên 180 nước, tăng 17 hạng so với năm 2020.

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI) công bố một chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index - CPI) hàng năm, Việt Nam tăng 17 hạng vào năm 2021 so với năm 2020

CHỤP MÀN HÌNH Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International – TI) công bố một chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI) hàng năm, Việt Nam tăng 17 hạng vào năm 2021 so với năm 2020

Tuy nhiên, Tiến sỹ Nguyễn Quang A cho rằng, việc bắt bớ mới nhất này chỉ là thanh trừng trong nội bộ Đảng.

“Tham nhũng là bản chất, là đặc tính cố hữu của hệ thống này – một hệ thống không có cái gọi là nhà nước pháp quyền, luật trị hay thượng tôn pháp luật. Luật pháp là phải nghiêm minh với tất cả mọi người, mọi cơ quan và không ai có thể ngồi xổm lên pháp luật được. Nhưng nếu làm đúng thế và quy vào tội tham nhũng thì trong bộ máy này, không ai mà không bị đi tù. Cho nên, chuyện “đốt lò” hay “đả hổ diệt ruồi” không giải quyết được vấn đề cơ bản của tham nhũng.”

Trong nghiên cứu ra mắt năm 2017 của Vũ Anh Đào, làm ở Victoria University of Wellington, New Zealand bằng tiếng Anh có tựa đề “Tiền là tiên là phật: Investigating the Persistnece of Corruption in Vietnam”, tác giả nhận định điều tự:

“Bằng chứng chỉ ra cách thức hoạt động của tham nhũng vặt, tham nhũng lớn hoặc tham nhũng chính trị trong hệ thống, đã phần nào giúp giải thích tình trạng tham nhũng dai dẳng ở Việt Nam, vì hầu như tất cả mọi người trong hệ thống đều tham gia đưa và nhận hối lộ, và họ có lý do để làm như vậy. Hơn nữa, quan chức chính phủ có xu hướng nghĩ rằng, ngừng làm như vậy có nghĩa là bị loại trừ khỏi hệ thống.”

Nghiên cứu của Vũ Anh Đào dựa vào tài liệu, dữ liệu mà cô phỏng vấn người dân Việt Nam và giới chuyên gia trong nước ở lĩnh vực chống tham nhũng, bao gồm chính trị gia, quan chức chính phủ cấp cao, nhà báo, học giả, tổ chức quốc tế và tổ chức phi chính phủ.

 

Theo kết quả nghiên cứu trên, “thực tế, hầu hết những người được phỏng vấn cho rằng các nhà lãnh đạo Việt Nam nhận thức rõ điều gì tốt và không tốt cho đất nước, tuy nhiên, họ vẫn muốn duy trì thể chế hiện tại và hệ thống phức tạp vì lợi ích của họ.”

“Họ nhấn mạnh rằng, bản chất của hệ thống chính trị Cộng sản này là nhằm thu lợi nhuận tối đa bằng cách lợi dụng hệ thống khó hiểu. Theo họ, gốc rễ của vấn đề là ở chính chế độ. Nó là chế độ độc tài toàn trị và thể hiện qua sự can thiệp của các nhà lãnh đạo vào bất cứ điều gì duy trì đặc quyền của giới lãnh đạo.”

Đồng quan điểm, ông Quang A cho rằng, so với ông Đinh La Thăng thì ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long “không ăn thua”.

“Ông Thăng còn là Ủy viên Bộ Chính trị – cơ quan đầu não, gồm những cán bộ chủ chốt của Đảng, Nhà nước – thì có bớt sai phạm về tham nhũng không. Muốn bớt tham nhũng, tôi nói bớt, chứ không phải diệt vì tham nhũng ở đâu cũng có, thì cần quản trị nhà nước tốt, luật pháp nghiêm minh. Còn luật pháp tùy tiện, cơ quan tư pháp cũng là cánh tay của Đảng, Đảng muốn thế nào thì tòa án xử như thế thì sự tùy tiện này đẻ ra tham nhũng ở quy mô tràn lan.”

Luật sư Phùng Thanh Sơn nhận xét: “Những gì mà Đảng đã và đang làm chỉ là cuộc “tiểu phẫu” ở tay, chân thôi chứ muốn làm một cuộc “đại phẫu” cắt đi tế bào ung thư tham nhũng thì Đảng không thể tự làm được. Giống bác sĩ không thể tự mổ não, nội tạng của mình mà phải nhờ đến bác sĩ khác. Muốn xử lý triệt để tham nhũng thì phải sử dụng một lực lượng khác ngoài ĐCS, đó là người dân.”

Ông Dương Trung Quốc lý giải với BBC: “Trong việc khống chế dịch Covid, rõ ràng ta thấy nảy sinh rất nhiều sai phạm đánh trực tiếp vào đội ngũ lãnh đạo. Nhưng thật ra tham nhũng chỉ là biểu hiện, nó đặt ra hàng loạt vấn đề cần phải thay đổi, cụ thể là thay đổi trong Đảng cầm quyền và cho thấy hậu quả là vô trách nhiệm với tính mạng của người dân.”

Trong khi đó, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào ngày 27/4 tại Trụ sở Trung ương Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo nói công tác phòng, chống tham nhũng vừa qua “đã đưa thêm yếu tố tiêu cực vào chứ không phải chỉ có phòng, chống tham nhũng”, theo Báo Chính phủ.

Ông Trọng nói các tiêu cực chủ yếu là sự suy thoái về phẩm chất, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

“Các vụ án đã được xử lý nghiêm nhưng cũng rất nhân văn, tài sản thu hồi lớn, nhưng cái lớn nhất vẫn là củng cố, tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị,” Báo chính phủ trích lời Tổng bí thư.