Seite auswählen

Thu Hà

Tiếng Dân

5-1-2023

Như Tiếng Dân đã đưa tin trước đây, đảng CSVN đã truất phế hai nhân sự cấp cao trong đảng là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam để chọn hai nhân vật khác thay thế. Tuy nhiên, quy trình tước bỏ quyền lực buộc phải diễn một hài kịch “họp Quốc hội bất thường” để trình diện dân chúng.

Chiều ngày 5-1-2023, Quốc hội đã bỏ phiếu kín, quyết định việc cho thôi đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Bình Minh và phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ phó thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam. Đồng thời, Quốc hội cũng phê chuẩn hai Phó thủ tướng mới là Trần Lưu Quang, bí thư Hải Phòng và Trần Hồng Hà, bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường. “So bó đũa, chọn cột cờ”, dễ thấy việc tiến cử hai gương mặt cấp phó cho chính phủ lần này có vẻ đảng chọn đại người để điền vào chỗ trống.

Ảnh: Bỏ phiếu diễn kịch miễn nhiệm các lãnh đạo cao cấp hồi tháng 4/2021. Nguồn: Quốc hội.

Trần Hồng Hà sinh năm 1963, quê huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ông Hà là con trai giáo sư Trần Văn Huỳnh, cựu hiệu trưởng Đại học Mỏ – Địa chất, và bà Đinh Thị Giám, giáo viên hưu trí. Bố mẹ Hà đều có mối quan hệ rộng, nhiều bạn bè và học trò là các chính trị gia có thế lực trong guồng máy của đảng. Nhờ đó, Hà tiến thân rất nhanh.

Trần Hồng Hà vào đảng năm 1990. Năm 1996, mới chỉ là cán bộ hợp đồng tại Bộ Khoa học – Công nghệ và Môi trường, nhưng năm 2008 đã là Ủy viên Ban cán sự đảng, thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT).

Chân dung Trần Hồng Hà. Ảnh trên mạng

Năm 2011, tại đại hội XI, Trần Hồng Hà được vào Uỷ viên dự khuyết Trung ương.

Như vậy, ông Hà có ba khoá liên tiếp XI, XII, XIII là Uỷ viên Trung ương, được phân công hai nhiệm kỳ liên tiếp (2016-2021) và (2021-2026), nắm chức bộ trưởng Bộ TN-MT. Dấu ấn lớn nhất mà Trần Hồng Hà để lại là những lần ghi điểm trong mắt chóp bu của đảng.

Tháng 4-2016, công ty thép Formosa Hà Tĩnh xả thải độc hại, gây ô nhiêm môi trường biển nghiêm trọng, làm các sinh vật biển chết bất thường tại bốn tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế. Dân chúng chịu hết nổi, xuống đường biểu tình, chống lại sự đầu độc hủy diệt của Formosa ở Việt Nam. Người dân bị nhà cầm quyền Cộng sản đàn áp, bắt bớ, hành hung đến đổ máu, chấn thương sọ não, chỉ vì họ dám lên tiếng đòi hỏi được sống trong môi trường trong sạch.

Lúc này, Trần Hồng Hà vừa lên chức Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường. Rất khôn khéo, ông Hà đã “đi đêm” vận động, buộc công ty Fosama thừa nhận lỗi vi phạm và đồng ý trả cho chính phủ Việt Nam số tiền 500 triệu Mỹ kim, tương đương 11.500 tỷ đồng, nhằm đền bù thiệt hại do họ gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng ở các tỉnh miền Trung. Nhận được tiền khủng, cả hệ thống chính trị, cùng “dàn đồng ca” báo quốc doanh vội vã “quay xe”, tán dương Forsama giữ uy tín, đền bù kịp thời…

Trần Hồng Hà được cấp trên khen ngợi, đã giỏi xử lý vấn đề, làm cho dân thỏa mãn, tin rằng rồi đây họ sẽ được bồi thường. Ông Hà cũng lấy lòng dân khi xây dựng hình ảnh mẫn cán, để dân thấy chính phủ và các bộ ngành đã rất cố gắng để tạo ra một kết thúc có hậu.

Người dân bị ảnh hưởng bởi biển ô nhiễm, được chính quyền hứa trả tiền hỗ trợ, đền bù thiệt hại do sự cố Formosa làm cá chết, lao động thất nghiệp; rằng tiền đền bù sẽ được “công bằng, công khai, minh bạch, dân chủ, đúng pháp luật và được công bố, công nhận trong cộng đồng”.

 

Dân cũng được hứa rằng, họ sẽ được vay đóng tàu, chuyển sang đánh bắt xa bờ hoặc đào tạo nghề khác để xuất khẩu lao động, giảm bớt khó khăn hiện tại… Nhưng thực tế khác xa, dân chúng bị ăn quả lừa, mọi thứ chỉ là trên giấy và hô hào suông, sáu năm sau thảm họa, người dân vẫn dài cổ chờ tiền đền bù, RFA đưa tin.

Ảnh: Người dân tại một huyện ở Hà Tĩnh yêu cầu Chính quyền địa phương đền bù thiệt hại do thảm hoạ Formosa vào năm 2016. Nguồn ảnh: Người dân gửi cho RFA

Thêm một “kỳ tích” nữa của Trần Hồng Hà, năm 2019, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14, khi nhiều đại biểu chất vấn việc có 162.000 hecta do người Trung Quốc sở hữu khắp Việt Nam, trong đó có 63.000 hecta là đất biên giới và ven biển, bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng trả lời lươn lẹo, tránh né.

Đến các kỳ họp Quốc hội năm 2020, khi Bộ Quốc phòng đưa ra chứng cứ rằng người Trung Quốc sở hữu hàng trăm lô đất ven biển Đà Nẵng, ông Hà lại vòng vo nói rằng, “việc đó không sai theo Luật Đất đai”.

Vô hình chung, Trần Hồng Hà trả lời giúp cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Từ đó đến nay, vụ việc nghiêm trọng, liên quan đến chủ quyền lãnh thổ cũng “cuốn theo chiều gió”!

Ngoài ra, khi cử tri tỉnh Bình Dương bày tỏ quan ngại về việc người người Trung Quốc “lập xóm, lập phố’ tại một số địa phương”, thì Trần Hồng Hà vẫn bao biện rằng ông ta “không thấy gì”, “không có việc này”…

Một bộ trưởng như vậy nhưng lại được leo lên cao hơn một bậc là Phó thủ tướng, thử hỏi dân chúng còn kỳ vọng gì ở ông này?

Trần Hồng Hà (thứ ba từ trái sang) cùng các quan chức tắm biển, chứng minh biển Quảng Trị không…ô nhiễm. Nguồn: Báo Nghệ An

***

Trần Lưu Quang sinh năm 1967, quê Tây Ninh. Bố mẹ ông Quang đều là dân tập kết năm 1954. Mẹ ông Quang là bà Nguyễn Thị Huệ (1934-2022) quê ở Giồng Trôm, Bến Tre; là đồng hương với cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Ngân. Bà Huệ sinh tất cả những người con trên đất Bắc, con trai út là Trần Lưu Quang. Sau năm 1975, cả gia đình ông Quang về lại Tây Ninh. Bà Huệ từng giữ chức Phó giám đốc Bệnh viện tỉnh Tây Ninh.

Người nâng đỡ Trần Lưu Quang trên quan trường đó là ông Nguyễn Văn Nên, tức Bảy Nên, Uỷ viên Bộ Chính trị, hiện là Bí thư thành Hồ.

Từ năm 2006 đến năm 2011, khi giữ chức Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Phó bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh, rồi Bí thư tỉnh ủy Tây Ninh, ông Bảy Nên là người trực tiếp quy hoạch “cán bộ chiến lược”, tiến cử Trần Lưu Quang làm ứng viên Dự khuyết Trung ương khoá XI, khi ông Quang chỉ là Bí thư huyện uỷ.

Ông Quang thăng tiến rất nhanh. Năm 1994, ông ta chỉ là nhân viên ở Khu công nghiệp. Năm 1997, Quang vào đảng. Chỉ trong vòng 13 năm, năm 2010, Quang đã là bí thư huyện uỷ huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Tại đại hội XI hồi tháng 1-2011, Trần Lưu Quang lọt vào danh sách Uỷ viên dự khuyết Trung ương khi vừa bước sang tuổi 44. Sau đó ông Quang trở thành Uỷ viên Trung ương khoá 12 và 13, lần lượt nắm giữ chức Phó Chủ tịch thường trực, Bí thư tỉnh uỷ Tây Ninh.

Tháng 2-2019, Bí thư trung ương đảng, Chánh Văn phòng Trung ương tham mưu, đưa Trần Lưu Quang về làm Phó bí thư thường trực thành Hồ nhằm nắm bắt tình hình. Và tháng 10-2020, Bảy Nên loại bỏ Nguyễn Thiện Nhân để nắm ghế Bí thư thành Hồ.

Ảnh: Trần Lưu Quang và Nguyễn Văn Nên tại một hội nghị.

Tháng 4-2021, Trần Lưu Quang được được điều ra làm Bí thư Hải Phòng, lúc đó đã xuất hiện thông tin Trần Lưu Quang được quy hoạch Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XIV, nhiệm kỳ 2026-2031.

Việc Phạm Bình Minh bất ngờ “ngã ngựa”, mở đường cho Trần Lưu Quang leo lên ghế Phó Thủ tướng sớm hơn. Chắc chắn Quang sẽ chiếm được suất bầu bổ sung Uỷ viên Bộ Chính trị tại hội nghị trung ương 7 khoá XIII, vào mùa Xuân năm nay.

Làm Bí thư Tây Ninh gần bốn năm, từ 2015 đến 2019, Trần Lưu Quang không để lại bất kỳ dấu ấn gì, ngoại trừ việc dâng các dự án, “đất vàng” béo bở ở Tây Ninh cho các tập đoàn lớn như Vingroup, Sun Group, FLC, TNG Holding…

Vin Group của Phạm Nhật Vượng đầu tư vào Tây Ninh từ năm 2015 với với tổ hợp thương mại khách sạn tổng số vốn hơn 1000 tỷ đồng.

Sun Group cũng xuất hiện ở Tây Ninh với dự án quần thể Khu du lịch Sun World Ba Den Mountain, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 2000 tỷ đồng, xây tượng Phật khổng lồ trên đỉnh núi, làm cáp treo, rồi bán vé lấy tiền. Dân Tây Ninh từ chỗ thoả chí du lịch, nay phải móc túi trả tiền khi tham quan danh lam thắng cảnh ngay chính trên quê cha, đất tổ của mình.

Chưa hết, việc UBND tỉnh Tây Ninh thu hồi đất, đền bù rẻ mạt, cưỡng chế đất của dân để thực hiện Dự án Khu du lịch Núi Bà – Tây Ninh trái các quy định của pháp luật đã gây oan khiên và khiếu kiện kéo dài không hồi kết.

Khi làm Phó Bí thư Thường trực Thành ủy thành Hồ, ông Quang làm người ta giật mình. Sáng 14-3-2019, đảng bộ Khối Dân – Chính – Đảng tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai công tác và phát động thi đua năm 2019, Trần Lưu Quang nói “muốn học tập Nguyễn Bá Thanh”. Thì ra ông Quang muốn “làm được, ăn được” như Nguyễn Bá Thanh, tham nhũng, mị dân và tàn bạo như Nguyễn Bá Thanh.

Từ sau đại hội XIII năm 2021, trong cương vị Bí thư Hải Phòng, Trần Lưu Quang để lại “dấu ấn”, đó là được dân đất Cảng khen nhiều về tài… ôm đàn ghi ta và hát các ca khúc về Hải Phòng và Hà Nội.

***

Hai nhân vật được học hành, đào tạo bài bản, từng du học… như Phạm Bình Minh, nhưng lại bị đồng đảng thanh trừng không nương tay, có thể thấy chuyện tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng cộng sản đang đến hồi khốc liệt. Còn hai nhân vật thay thế thuộc dạng dễ sai, dễ bảo, có lẽ sẽ được lòng giới chóp bu ở thượng tầng và “người anh em” phương Bắc, hơn là giúp được gì cho dân, cho nước.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen