Mục lục
Nguyễn Xuân Phúc và cái chết trên chấm phạt đền
Lê Văn Đoành
Tiếng Dân
16-1-2023
Ngày 14-1-2023, giấy mời dự “hội nghị” khẩn cấp đóng dấu MẬT được gởi đến tất cả các Uỷ viên Trung ương khoá XII, thời gian làm việc gói gọn trong buổi chiều ngày 17-1-2023.
Hội nghị Trung ương bất thường lần này chỉ nằm trong hai vấn đề:
1. Trung ương xem xét theo hướng đồng ý cho ông Nguyễn Xuân Phúc thôi Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương khoá XIII, thôi chức Chủ tịch nước, thôi đại biểu quốc hội khoá 15.
2. Kế đến, Trung ương giới thiệu nhân sự để quốc hội bầu tân Chủ tịch nước.
Như vậy, sinh mệnh chính trị của Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, chủ tịch Hội đồng Quốc phòng – An ninh, Thống lĩnh các lực lượng vũ trang Việt Nam của ông Nguyễn Xuân Phúc sắp được định đoạt bởi kỳ họp Trung ương bất thường sáng 17-1-2023 và kỳ họp quốc hội bất thường trong buổi sáng 18-1-2023.
Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954, cầm tinh con Ngựa, tuổi Giáp Ngọ. Năm 2006, từ chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Nguyễn Xuân Phúc được hai Uỷ viên Bộ Chính trị khoá IX, đồng hương, là Phan Diễn và Trương Quang Được kéo ra Hà Nội “tráng men” chức Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, vào Uỷ viên Trung ương khoá XI, leo lên ghế Phó Chủ nhiệm, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Năm 2011, dựa vào các thế lực trong đảng cùng tiền của đại gia Thân Đức Nam, Nguyễn Xuân Phúc tranh được suất Uỷ viên Bộ Chính trị, ngồi ghế Phó Thủ tướng.
Năm 2016, liên minh Nguyễn Phú Trọng – Trương Tấn Sang đánh bật Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi vũ đài chính trị, về làm “người tử tế”. Nguyễn Xuân Phúc trở thành ứng viên duy nhất cho ghế Thủ tướng.
Năm 2021, tuổi già sức yếu sau đột quỵ, Nguyễn Phú Trọng bị sức ép trong đảng, phải nhường bớt chiếc ghế Chủ tịch nước kiêm nhiệm. Suất “nhân sự đặc biệt” tái cử khoá XIII để đảm nhận vai trò Chủ tịch nước được dành cho “nhân tố miền Trung” trong tứ trụ, xướng danh Nguyễn Xuân Phúc.
Mô hình cộng sản của Việt Nam luôn là bản sao của Trung Cộng, vì vậy, tranh giành quyền lực luôn tàn khốc và đẫm máu.
Cuối năm 2014 đầu năm 2015, chuẩn bị cho đại hội đảng lần thứ XII, trang Chân Dung Quyền Lực, được sự hậu thuẫn của nhóm tướng lĩnh trong Tổng cục Tình báo, Bộ Công an, lập ra nhằm tấn công các ứng viên hăm he những vị trí chủ chốt như: Phùng Quang Thanh tranh ghế Chủ tịch nước, Nguyễn Hòa Bình tranh suất Uỷ viên Bộ Chính trị, Nguyễn Xuân Phúc tranh ghế Thủ tướng…
Trước thềm đại hội XII, cả ba ông nêu trên bị Chân Dung Quyền Lực phơi bày những gì xấu nhất về đời tư, đạo đức lối sống, tham nhũng, các mối quan hệ mờ ám và cả tham vọng chính trị… cho bàn dân thiên hạ biết. Chân Dung Quyền Lực qua hàng trăm trang tư liệu điều tra, tài liệu nội bộ tố cáo, nhằm đánh bật các đối thủ chính trị ra khỏi sân chơi. Kết quả chỉ có Phùng Quang Thanh bị “phơi lưng lấm bụng”, Nguyễn Xuân Phúc và Trương Hoà Bình không hề hấn gì, lại càng leo cao.
Sau đại hội XII, tái trúng cử Uỷ viên Bộ Chính trị, nhận chức Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu phản công.
Những sự kiện sau đây, liên quan nhiều đến bộ ba Nguyễn Phú Trọng – Nguyễn Xuân Phúc – Tô Lâm:
– Năm 2016, sau đại hội XII, yên vị trên ghế Tổng Bí thư nhiệm kỳ hai, chiến dịch “đốt lò” thanh trừng nội bộ của Nguyễn Phú Trọng mới thật sự diễn ra khốc liệt.
– Ngày ngày 8-9-2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng có quyết định kỷ luật, khai trừ Trịnh Xuân Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, ra khỏi Đảng, trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Đây là phát súng đầu tiên của Nguyễn Phú Trọng tuyên chiến với sân sau, phe cánh của Nguyễn Tấn Dũng. Một tuần sau, Bộ Công an bắt giam Vũ Đức Thuận, thư ký của bí thư Đinh La Thăng, ngay sau đó là phát lệnh truy nã quốc tế Trịnh Xuân Thanh.
– Ngày 7-5-2017, Đinh La Thăng, Uỷ viên Bộ Chính trị, bí thư thành Hồ bị kỷ luật, mở đường cho việc bị khởi tố bắt giam sau này.
Ông Thăng phải trả giá cho việc ủ mưu, tạo phe cánh trong đảng, thói ngạo mạn, ngỗ ngược với Nguyễn Phú Trọng.
– Ngày 28-7-2017, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh bị truất phế, quản thúc không thời hạn, vì tội muốn đoạt quyền, tiếm ngôi.
– Ngày 6-10-2017, bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, con trai cựu Uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Chi, bị cách tất cả chức vụ, đuổi ra khỏi Trung ương. Không lâu sau đó hàng loạt quan chức cán bộ lãnh đạo Đà Nẵng bị khởi tố, bắt giam, con trai Nguyễn Bá Thanh là Nguyễn Bá Cảnh cũng bị đuổi về làm thứ dân. Người ta cho rằng có bàn tay ông Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc “nhổ cỏ” này.
– Ngày 20-12-2017, Bộ Công an khởi tố, truy nã Thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”, đệ tử ruột và là sân sau của Trần Đại Quang.
Cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng cũng bắt giam “Thượng tá” quân đội Đinh Ngọc Hệ, tức Út “trọc”’, cháu rể của Trần Đại Quang và là đàn em của Đinh La Thăng.
Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm muốn “nhốt quyền lực” của Trần Đại Quang, ngăn chặn ông Quang lộng hành trong đảng, thao túng nhân sự, tham vọng quyền lực, muốn giành ghế Tổng bí thư.
Điểm qua một số mốc thời gian ghi dấu sự kiện để thấy “lò và củi” liên quan đến thanh trừng nội bộ ra sao.
Như đã nêu, quan hệ “bằng mặt không bằng lòng” giữa Nguyễn Xuân Phúc và phe nhóm an ninh tình báo trong Bộ Công an có từ thời Chân Dung Quyền lực.
Vụ án Vũ “nhôm”, Út “trọc”, cái chết của Trần Đại Quang và hàng loạt tướng tá Bộ Công an bị ném vào “lò”, dưới thời Nguyễn Xuân Phúc làm thủ tướng, đã khiến ông Phúc “gây thù chuốc oán” không kể xiết với phe nhóm xuất thân từ công an trong đảng.
Khi nắm ghế Thủ tướng, Nguyễn Xuân Phúc đương nhiên tham gia Thường vụ đảng uỷ Công an Trung ương. Tuy vậy, như các vị khác trong “tứ trụ”, để đủ tai mắt, ông Phúc cài cắm người của ông ta vào Bộ Công an (BCA) lẫn Bộ Quốc phòng (BQP).
Lê Chiêm, sinh 1958, đồng hương Quế Sơn, Quảng Nam, Trung tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng BQP, được kéo lên làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương.
Nguyễn Văn Sơn, sinh 1961, quê Đà Nẵng được đưa lên hàm Trung tướng, Thường vụ đảng uỷ Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an.
Lê Chiêm nghỉ hưu tháng 12-2021, hàm thượng tướng. Mặc dù ông Phúc can thiệp để kéo dài công tác, nhưng Nguyễn Văn Sơn vẫn bị buộc nghỉ hưu ngày 1-3-2022. Mất hai tướng lĩnh hộ vệ thân cận, cùng vụ Việt Á bị phanh phui, gia đình ông Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu bị tấn công tứ phía.
Năm 2019, ông Phúc “bật đèn xanh” cho tướng Trần Văn Vệ, Phó thủ trưởng Thường trực Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát BCA sờ gáy đại tá Nguyễn Duy Linh, Phó Tổng cục trưởng TC Tình báo và Hồ Hữu Hoà, tức “cậu” Hoà, về tội “nhận hối lộ” và “môi giới hối lộ”.
Linh là con trai duy nhất của tướng Nguyễn Văn Hưởng, một “bố già” khét tiếng. Hồ Hữu Hoà là cháu ruột của Hồ Mẫu Ngoạt, Trợ lý TBT Nguyễn Phú Trọng. Hoà là thầy phong thuỷ thân quen của nhiều Uỷ viên Bộ Chính trị và các tướng công an.
Nhận hối lộ từ Vũ “nhôm” 5 tỷ đồng, Linh bị tuyên án 14 năm tù. Nói ở tù, thực tế Linh chỉ đi nằm viện dưỡng bệnh, nhưng mất Uỷ viên Trung ương, thứ trưởng Bộ Công an mà Tô Lâm quy hoạch cho Linh vào khoá 14.
Nhục và cay cú, Nguyễn Văn Hưởng thề sẽ bắt Nguyễn Xuân Phúc có ngày phải trả giá.
Quay lại đại án Việt Á, Bộ Công an biết Phan Quốc Việt và công ty Việt Á lừa đảo từ lâu. Chỉ ba tháng cuối năm 2021, Việt Á đã ồ ạt nhập 3 triệu test kit từ Trung Quốc với giá 21.500 đồng/ test kit, đóng nhãn “made in” Học viện Quân Y, để bán với giá 500.000/ test kit, buộc cơ quan điều tra phải phá án.
Bộ Công an cũng nắm rõ người thân trong gia đình ông Nguyễn Xuân Phúc có tham gia phi vụ “hút máu nhân dân” này từ giữa năm 2020, nhưng thời cơ hạ “knock out” chưa cho phép…
***
Nguyễn Xuân Phúc đang “chết trên chấm phạt đền”. Ân oán giang hồ do chính ông Phúc gây ra, cũng như lòng tham vô tận của vợ ông và những người thân của hai vợ chồng, đã kết thúc sự nghiệp chính trị của ông.
Xưa, kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan, khi bố sắp chết nhưng phải lên sân khấu cười vui diễn hài, về đến nhà bố anh đã qua đời. Trần Đại Quang mắc nan y, vẫn tròn vai chủ tịch nước đến lúc hộc máu ngay trên bàn làm việc và tử vong. Nguyễn Xuân Phúc cũng vậy, trước ngày bị phế truất, tước bỏ quyền lực, về quê làm người “tử tế”, đảng vẫn bắt ông phải diễn hài. Ông Phúc vào thành Hồ chúc tết các cựu nguyên thủ, ra Hà Nội thả cá chép tiễn Táo quân, đọc diễn văn Xuân yêu thương…
Phải công nhận các đảng viên cộng sản giỏi hơn các danh hài, họ luôn “yêu thương, đoàn kết” với các đồng chí của mình, nhưng mỗi cá nhân đều luôn thủ một con dao, để sẵn sàng kết liễu nhau.
‘Chịu trách nhiệm chính trị’, ông Nguyễn Xuân Phúc thôi chức Chủ tịch nước
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản hôm 17/1 đã họp xem xét và cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của ông Nguyễn Xuân Phúc, ủy viên Bộ Chính trị, chủ tịch nước Việt Nam.
Thông cáo phát đi cùng ngày nói ông “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự”.
“Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, ông đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu,” các bản tin viết.
Theo thông cáo, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, An ninh nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Ngày 18/1, Quốc hội sẽ họp bất thường để làm thủ tục miễn nhiệm Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước phải đáp ứng những tiêu chuẩn gì?
Quy định 214-QĐ/TW năm 2020 đề ra tiêu chuẩn đối với chức danh Chủ tịch nước bao gồm các yếu tố như:
– Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư:
+ Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn của Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương;
+ Đồng thời, cần có thêm các tiêu chuẩn: Thật sự tiêu biểu, mẫu mực của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật; không bị chi phối bởi sự can thiệp, sức ép bên ngoài và lợi ích nhóm.
+ Hiểu biết sâu rộng tình hình đất nước, khu vực và thế giới; nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, am hiểu sâu sắc về xã hội.
+ Có ý thức, trách nhiệm cao, có khả năng đóng góp ý kiến trong việc hoạch định đường lối, chính sách và phát hiện, đề xuất những vấn đề thực tiễn đặt ra để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thảo luận, quyết định.
+ Là Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên;
Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh (bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ; chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố) hoặc trưởng các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội ở Trung ương.
Chủ tịch nước bị loại giữa lúc vụ bê bối Covid bị phanh phui
Tác giả: David Brown
Song Phan chuyển ngữ
Tiếng Dân
17-1-2023
Nguyễn Xuân Phúc theo các đồng minh Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam về vườn
Dù bằng chứng liên kết Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các âm mưu tham nhũng liên quan đến Covid-19 do các quan chức chính phủ Việt Nam dàn dựng khá mong manh, nhưng nó đã cung cấp cho kẻ thù của ông cách giải thích thuận tiện cho việc từ chức được cho là tự nguyện của ông vào ngày 17 tháng 1.
Trong thông cáo đưa ra sau phiên họp bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, không có dấu hiệu nào cho thấy, ông Phúc hay hai tuần trước đó là hai phó thủ tướng được đánh giá cao, đã bị kẻ thù phe nhóm triệt hạ.
Theo thông cáo: “Ông Nguyễn Xuân Phúc đã nhận trách nhiệm chính trị… với tư cách là người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng. . . Ông đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu”.
Thông cáo nói rằng, 16 ủy viên còn lại của Bộ Chính trị ĐCSVN đã đồng ý với thỉnh nguyện của Phúc, và việc từ chức của ông sẽ được Quốc hội chính thức phê chuẩn, có lẽ trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, bắt đầu vào ngày 19 tháng 1.
Được cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kéo lên từ vị trí còn mờ nhạt (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, giáp thành phố Đà Nẵng), Phúc đã thể hiện xuất sắc vai trò Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ của Dũng và vài năm sau đó là Phó Thủ tướng thường trực của ông. Khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang (Chủ tịch nước lúc đó), liên kết, buộc Dũng phải rời chính trường, Phúc đã đứng bên lề và được ban thưởng chức thủ tướng.
Phúc cũng được đánh giá cao trên cương vị thủ tướng từ năm 2016-2021. Sau đó, khi Đại hội lần thứ 13 đến gần vào tháng 1 năm 2021, ông định tranh làm người kế nhiệm ông Trọng trong vai trò tổng bí thư Đảng nhưng phải chấp nhận chức vụ tương đối không quyền lực là chủ tịch nước. (Không thuyết phục được ủy ban trung ương đảng bầu Trần Quốc Vượng, phụ tá chống tham nhũng chính yếu của mình làm tổng bí thư mới, Trọng đã tự đứng lên và giành được nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có cho chức vụ đó).
Có lẽ vì đã cả gan dám thách thức Trọng, Phúc trong tư cách là chủ tịch nước phải đối mặt với sự thù địch từ nhóm người thân cận của Trọng, và thêm vào đó, từ cái gọi là phe Bộ Công an bao gồm người kế nhiệm chức thủ tướng của Phúc, Phạm Minh Chính. Bây giờ, rõ ràng là họ đã tìm cách hạ bệ ông.
Việc buộc các Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam phải nghỉ hưu vào đầu tháng này đã tước bỏ những đồng minh quan trọng ra khỏi Phúc.
Cái để đánh bật Phúc văng khỏi chức vụ được đồn đoán là, bằng chứng cho thấy cháu gái của bà Phúc, cũng là một nữ doanh nhân giàu có, vốn là cộng sự thân thiết của gia đình vợ ông, và là cổ đông lớn của Công ty Cung ứng Y tế Việt Á, và do đó, có vai trò quan trọng trong “vụ bê bối Việt Á” đã làm rung chuyển cả nước một năm trước. Hai người, cháu gái Nguyễn Thị Thanh Thuỷ (*) và Giám đốc SNB Holdings Nguyễn Bạch Thuỳ Linh, đã bị bắt vào ngày 4 tháng 1, nâng tổng số người bị bắt giữ lên đến 104 người cho đến nay, vì liên quan đến âm mưu của Việt Á nhằm lũng đoạn thị trường quốc gia đối với các xét nghiệm PCR kém chất lượng. Do đó, có thể có bàn tay đen tối đứng sau vụ bê bối này quả thực là những người trong gia đình Phúc, nếu không phải là chính ông ta.
Với nhiều năm chồng chất chỉ trích trong nội bộ đảng về các thương vụ bất động sản của bà Phúc, điều này dường như đã củng cố sự đồng thuận của Bộ Chính trị rằng, Phúc phải ra đi, và sẽ được thay bằng Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm hoặc chính Tổng Bí thư Trọng sẽ lại kiêm nhiệm chức tổng bí thư và chủ tịch nước.
Người ta tin rằng, Phúc đã đồng ý ra đi một cách lặng lẽ để đổi lấy lời hứa rằng, ông và những người thân trong gia đình sẽ không bị truy tố. Con trai của Phúc hiện là phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, còn con gái ông được cho là đứng đầu một số doanh nghiệp tư nhân.
Người kế nhiệm ông Phúc làm Chủ tịch nước, theo đồn đoán là Tô Lâm, 65 tuổi, một tướng công an cao cấp, đứng đầu Bộ Công an Việt Nam kể từ tháng 4 năm 2016. Ông được công chúng biết đến nhiều nhất qua sự hớ hênh trong chuyến công du ngoại giao cấp cao đầu tiên của mình: Báo chí Việt Nam nắm được và công bố bức ảnh ông được cho ăn món bò bít tết dát vàng, trị giá 2000 USD, tại một nhà hàng sang trọng ở London.
_______
Tác giả: David Brown là cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ có nhiều kinh nghiệm về Việt Nam và là cộng tác viên thường xuyên của Asia Sentinel và các bản dịch dành riêng cho Tiếng Dân.
(*) Ghi chú của Tiếng Dân: Tác giả nhầm chỗ này, cô Nguyễn Thị Thanh Thủy là em chú bác của ông Phúc, không phải cháu của bà Trần Thị Nguyệt Thu, vợ ông Phúc.
Thay lãnh đạo cấp cao, VN bước vào giai đoạn ‘làm ăn cần thận trọng’?
Vừa có thêm một bài viết mới trên truyền thông tiếng Anh đánh giá tác động của vụ Đảng Cộng sản Việt Nam cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về nghỉ.
Tác giả Randall Puah cho rằng vì vị trí chủ tịch nước không liên quan đến việc điều hành kinh tế Việt Nam nên việc thay ông Phúc (nguyên văn: loại bỏ ông – removal) sẽ “không thay đổi nhiều dưới sự lãnh đạo của TBT Đảng Nguyễn Phú Trọng”.
Trước mắt, Đảng Cộng sản Việt Nam cho bà Võ Thị Ánh Xuân (sinh năm 1970, quê An Giang) giữ quyền Chủ tịch nước sau khi ông Nguyễn Xuân Phúc được “cho về nghỉ và nghỉ hưu”.
Ông Randall Puah nêu tên các vị Tô Lâm và Phan Văn Giang như những ứng viên hàng đầu cho chức vụ này.
Dù ai lên thay ông Phúc cũng không ảnh hưởng đến đường hướng kinh tế vĩ mô của Việ Nam, bài của ông Randall Puah, “Business Implications of President’s Ouster in Vietnam” (23/01/2023) trên trang Geopolitical Monitor cho rằng vụ việc vẫn có ba tác động tới môi trường kinh doanh ở Việt Nam.
Vì công cuộc chống tham nhũng sẽ có tác động tiếp tục tới giới làm ăn, họ cần biết về ba điều sau.
- Một là Việt Nam sẽ có “môi trường chính trị thận trọng, vì các chính trị gia phải rút ra bài học từ những diễn biến gần đây, khiến cho các vụ làm ăn (business dealings), cùng thủ tục cấp phép của chính phủ sẽ dịch chuyển chậm hơn”.
- Hai là doanh nghiệp cần chuẩn bị để có đường đi tránh xa, hoặc giảm thiểu rủi ro vì một làn sóng tiềm tàng các vụ điều tra chống tham nhũng có động cơ chính trị (a potential wave of politicized anti-corruption investigations) ập tới trong những tuần, những tháng sau Tết Nguyên đán.
- Và thứ ba là các doanh nghiệp cần nhìn thận trọng vào xu thế lâu dài khi Đảng Cộng sản tập trung hơn vào kiểm soát nội bộ, thể hiện qua các vụ thanh trừng để loại đối thủ chính trị, và việc kiểm duyệt bên trong tạo rủi ro về cách hoạt động, các quy định và danh tiếng cho các doanh nghiệp.
Môi trường này sẽ hiện rõ hơn nếu hai trong tứ trụ mới có thể “đến từ lãnh đạo có gốc trong Bộ Công an”.
Một người là đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính, và người kia là Bộ trưởng Công an, ông Tô Lâm, nếu ông lên thay ông Phúc, Randall Puah viết.
Các ý kiến khác
Vụ ông Phúc phải rời ghế Chủ tịch nước khi chưa hết nhiệm kỳ Đại hội Đảng đã thu hút nhiều bình luận quốc tế trong tháng 1 năm nay.
Viết trên trang Nikkei Asia tuần trước, nhà bình luận từ Hoa Kỳ Zachary Abuza cho rằng những người như ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam là ‘những nhà kỹ trị thực dụng quyết tâm đưa Việt Nam vào quỹ đạo kinh tế vĩ mô ổn định” nhưng cũng có nhiều kẻ thù.
Việc loại bỏ họ đặt ra câu hỏi về xu hướng và sự ổn định chính trị của Việt Nam.
Cùng thời gian, ông Hà Hoàng Hợp, một thành viên cấp cao của Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore, được Reuters dẫn lời, cũng cho rằng sự ra đi của ông Phúc có thể khiến các nhà đầu tư lo lắng (xem thêm trên BBC).
Tuy nhiên, ông Carl Thayer, nhà quan sát Việt Nam lâu năm từ Úc thì cho rằng việc chỉ đạo chung các vấn đề đối ngoại là do Bộ Chính trị ĐCSVN quyết định, nên việc ông Phúc xuống chức hay các thay đổi nhân sự cao cấp nhất chỉ có tác động nhỏ tới chính sách chung.
Trả lời RFA hôm 18/01, GS đã hồi hưu Carl Thayer cho rằng chính sách tăng cường quan hệ một cách thận trọng của Hà Nội với Hoa Kỳ mà không để Trung Quốc mất lòng “sẽ không bị ảnh hưởng bởi các thay đổi nhân sự trên”.
Tuy nhiên, một vấn đề cơ bản hơn, mà BBC News Tiếng Việt đã đề cập ngay sau khi Việt Nam thoát ra khỏi đại dịch Covid, là mô hình làm ăn có chi phí “sân sau” của khá nhiều ngành kinh tế, gắn liền dịch vụ công gồm cả y tế, xây dựng, với công ty tư nhân sẽ còn vận hành nổi không vì lo sợ bị dính vào án tham nhũng.
Về cơ bản, đây là một phần của mâu thuẫn giữa “kinh tế thị trường” với định hướng xã hội chủ nghĩa, khi mà động lực của thị trường có thể dẫn dắt quan chức dù mong muốn của hệ thống chính trị là ngược lại.
Truyền thông nhà nước VN đã nói từ lâu về ảnh hưởng của “lợi ích nhóm” gồm mạng lưới làm ăn thân hữu mà các trang mạng xã hội tin rằng có sự hiện diện phía sau khá nhiều các quan chức “bị hạ đài” gần đây.
Việc tạo ra một môi trường hoàn toàn mới, minh bạch, tôn trọng pháp quyền là điều lý tưởng nhưng hiện chưa rõ có khả thi hay không khi mà nhiều năm qua các nỗ lực đó gặp vật cản lớn: bộ máy có thói quen muốn kiểm soát và nhân sự đông đảo, thu nhập chính thức thấp ở mọi ngành, mọi cấp.
Ngoài ra, về cơ bản, thể chế chính trị ở VN thiếu cơ chế kiểm tra chéo, cân bằng quyền lực, giám sát lẫn nhau của mô hình Tam quyền phân lập.
Bởi vậy, Nhà nước Việt Nam đã ra nhiều luật chống lợi ích nhóm nhưng cũng phải liên tục có các văn bản tiếp theo để chấn chỉnh hiện tượng này, một dấu hiệu cho thấy nó là một phần khó tách khỏi của nền kinh tế, như một bài trên báo Nhân Dân xác định hồi tháng 8/2022.
Thế lực nào đang tấn công Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc?
Nông Văn Tiềm
Tiếng Dân
10-1-2023
Ngày 6-12-2022, báo chí và mạng xã hội phẫn nộ, đồng loạt lên án hành vi côn đồ của ông Nguyễn Viết Dũng, khi ông ta hành hung cô Nguyễn Ánh Lan, sinh năm 2002, nhân viên sân golf tại TP Đà Nẵng. Nguyễn Viết Dũng sinh năm 1978, là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Quảng và là đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam.
Vụ việc kéo dài đến nay chưa kết thúc, dù cô caddie Lan đã có đơn bãi nại, cũng như cho rằng báo chí thông tin chưa chính xác lắm.
Đây không phải là lần đầu đại gia đánh golf, đánh luôn người phục vụ. Xin điểm qua hai vụ caddie bị đánh tại sân golf trước đây, như sau:
– Hơn 10 năm trước, tháng 8-2012, tại sân Đại Lải Star Golf & Country Club, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Trần Hải Lê, sinh năm 1983, trú quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, là chuyên viên Vụ Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội, đã đấm đá liên tục vào nữ caddie Phạm Thị Tuyết, khiến cô văng xuống bờ hồ, bất tỉnh tại chỗ. Cô Tuyết nhập viện với đa chấn thương nặng và có bản tường trình đầy đủ với cơ quan pháp luật. Công an đã vào cuộc, báo chí cũng rộ lên, nhưng nhanh chóng lờ đi và im luôn.
Có thông tin cho hay, kẻ hành hung Trần Hải Lê là cháu của ông Trần Đình Đàn, khi đó là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Có lẽ vậy, nên không thấy bất kỳ mức kỷ luật nào dành cho đảng viên Trần Hải Lê.
– Một năm sau vụ đó, tháng 9-2013, một vụ hành hung khác ở sân golf cũng đã xảy ra ở tỉnh Vĩnh Phúc. Nguyễn Đức Sơn đã dùng gậy phang vào đầu caddie Nguyễn Văn Công khiến anh chấn thương đầu, chấn động não, ngất tại chỗ, sau đó được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sơn sinh năm 1958, trú quận Ba Đình, Hà Nội, là Tổng giám đốc Công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội, khi chơi golf tại Sân Golf Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong vụ này nhóm ông Sơn đã đưa caddie Công đi khám, chi trả hoàn toàn tiền viện phí là 13 triệu đồng. Ban lãnh đạo Sân Golf Tam Đảo đã có hình thức kỷ luật, dừng quyền chơi golf của ông Sơn tại sân golf này trong thời gian một năm. Vụ việc cũng được báo chí đăng tải, nhưng chỉ dừng lại đó rồi chìm vào lãng quên.
Vụ Nguyễn Viết Dũng đánh cô Nguyễn Ánh Lan mới đây, tương tự như hai vụ vừa kể. Tuy nhiên, khác với những vụ xảy ra trước đây, lần này hầu như tất cả báo chí quốc doanh, kể cả báo Nhân Dân và Cổng thông tin Chính phủ, đều đưa tin dày đặc. Nhiều tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Người Lao Động… đã gọi Đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam, Bí thư Chi bộ, Tổng giám đốc Tập đoàn Đất Quảng là “côn đồ”. Thậm chí, Hội Phụ nữ Việt Nam lâu nay luôn tránh xa các vụ việc tương tự, nay bỗng sốt sắng nhảy ra lên tiếng “bảo vệ phụ nữ”, yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm hành vi bạo lực…
Khi Nguyễn Viết Dũng xin ra khỏi Uỷ viên Ban Ngân sách HĐND tỉnh, nhằm làm dịu tình hình, vụ bê bối của ông ta vẫn chưa lắng xuống. Cơ quan Công an quận Ngũ Hành Sơn kết luận không khởi tố vụ án đối với Dũng, công luận và một số quan chức HĐND tỉnh Quảng Nam vẫn chưa… chịu, muốn Dũng phải thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 và ông ta phải bị truy cứu hình sự.
Có vẻ như nội bộ Quảng Nam bắt đầu chia rẽ, một số quan chức Quảng Nam đã “cạn tàu ráo máng” với “đồng chí” của mình, bởi Dũng hiện có hai nhiệm kỳ liên tiếp, là đại biểu HĐND và suýt chút nữa trở thành ứng viên Đại biểu quốc khoá 15. Đặc biệt, Nguyễn Viết Dũng được đích thân Bí thư tỉnh uỷ Quảng Nam trao Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ Tịch nước hồi tháng 1-2022. Ngoài ra, rất ít người biết chuyện, rằng phía sau Dũng còn có một thế lực kinh người!
Vậy ai đã “bật đèn xanh” cho báo chí đánh Nguyễn Viết Dũng tới tấp và dồn ông ta đến chân tường? Động cơ đằng sau của phe tấn công Dũng là gì? Xin quý bạn đọc lưu ý đến những vụ bắt bớ sau đây:
– Tối 31-12-2022, Cơ quan an ninh điều tra (V09) Bộ Công an thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với ông Trần Văn Tân – phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, với tội danh “Nhận hối lộ” liên quan đến Vụ án chuyến bay giải cứu.
Trần Văn Tân sinh năm 1979; quê xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; trình độ chuyên môn tiến sĩ luật; trình độ lý luận chính trị cao cấp. Hơn 20 năm qua, Trần Văn Tân thăng tiến rất nhanh:
– Từ năm 2001, Tân là nhân viên rót nước pha trà tại Văn phòng HĐND và UBND tỉnh Quảng Nam.
– Năm 2009, Tân nắm chức Phó chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh.
– Năm 2012, Tân giữ chức Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, sau đó là Bí thư huyện uỷ Quế Sơn.
– Năm 2015, Tân là Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Văn phòng Tỉnh ủy, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Quảng Nam.
– Tháng 4-2018, Tân trúng cử chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh, nhiệm kỳ 2016 – 2021.
– Tháng 6-2021, Tân tiếp tục tái cử chức danh Phó chủ tịch UBND nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Thật bất ngờ khi Trần Văn Tân bị bắt vào ngày cuối cùng của năm 2022, bởi Tân là gương mặt sáng giá ở Quảng Nam, có học vị tiến sĩ, được quy hoạch chiến lược, dự kiến sẽ luân chuyển ra thay thế Lê Trung Chinh, để nắm chức Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
– Ngày 4-1-2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Nguyễn Thị Thanh Thủy. Thủy sinh năm 1967, trú tại Hà Nội, cựu Chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Cùng bị bắt hôm đó với Thủy là Nguyễn Bạch Thùy Linh, sinh năm 1978, trú tại Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên SNB Holdings. Cả hai bị bắt về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi“.
Cơ quan điều tra xác định, Nguyễn Thị Thanh Thủy và Nguyễn Bạch Thùy Linh có hành vi lợi dụng ảnh hưởng, can thiệp, tác động lãnh đạo một số Bộ, ngành tạo điều kiện giúp Công ty Việt Á trong quá trình sản xuất, kinh doanh bộ xét nghiệm COVID-19 để trục lợi.
Cơ quan điều tra không công bố bất kỳ chi tiết sai phạm nào về hai bị can Thuỷ và Linh. Dư luận hồ nghi, đặt ra nhiều dấu hỏi, rằng tại sao chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục lại có thể tác động (?) hay một doanh nhân, giám đốc thành đạt, lại can thiệp (?) vào bộ máy của chính phủ để trục lợi.
Cũng như Nguyễn Viết Dũng, Trần Văn Tân nói trên, thân phận “đặc biệt” của Nguyễn Thị Thanh Thuỷ và Nguyễn Bạch Thuỳ Linh được công khai, sẽ khiến dân chúng giật mình, kinh ngạc, lẫn ngỡ ngàng.
***
Các vụ việc liên quan đến Nguyễn Viết Dũng, Trần Văn Tân, Nguyễn Thị Thanh Thuỷ và Nguyễn Bạch Thuỳ Linh nêu trên, tuy rời rạc, tưởng như chẳng liên quan gì, nhưng khi xâu chuỗi lại, nó chính là những nước cờ vây của những tay chơi cờ lão luyện trên bàn cờ chính trị Việt Nam. Chiến dịch “đốt lò” của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang là cơ hội “cờ đến tay ai, người đó phất” của các phe nhóm quyết đấu để tranh giành quyền lực trong đảng cộng sản.
Trò chơi “mạnh được, yếu thua” chốn cung đình sắp đến hồi kết. Điều khó tin, kịch bản mà không đạo diễn nào dám nghĩ sẽ có, nhưng dự báo xảy ra. Sau khi loại bỏ được Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam ra khỏi chính trường, nhất là Phạm Bình Minh người muốn tranh chiếc ghế “tứ trụ” khoá 14, phe tấn công muốn nhắm vào một nhân vật quyền lực số 2 hiện nay là đương kim Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Báo chí quốc doanh là công cụ của đảng, nên hoặc không dám điều tra, hoặc không dám đăng những tư liệu thâm cung. Vì vậy, dân chúng cũng không nắm thông tin đã, đang và sắp xảy ra trong chốn cung đình.
Nói thêm về Nguyễn Viết Dũng, chủ tịch Tập đoàn Đất Quảng. Dũng sinh năm 1978, quê xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình nghèo. Dũng là con trai áp út trong danh sách anh chị em có những cái tên rất ấn tượng với chế độ: Điện – Ngọc – Giương – Súng – Đánh – Mỹ – Dũng – Sĩ. Sau này ông Giương đổi tên thành Dương và bà Đánh đổi tên thành Ánh.
Bố mất, chỉ còn mẹ, gia cảnh khó khăn, Dũng bỏ học theo hai anh trai ra Bắc làm nghề tô trát đá Granito. Những năm sau 2002, Dũng được ông T, con trai một vị “tứ trụ” triều đình, nhận làm em kết nghĩa.
Các quan chức cấp cao dễ làm giàu vì biết trước mọi quy hoạch, chính sách tầm quốc gia. Dũng giúp ông T “đánh quả”, thu gom đất Hà Tây trước ngày tỉnh này bị xoá sổ để nhập vào Hà Nội. Hàng chục hecta đất nông nghiệp, được Dũng đứng tên mua của dân sở tại với giá rẻ mạt, đã đem lại lợi nhuận cho ông T hàng trăm tỷ, sau khi đất Hà Tây thuộc về đất thủ đô sau ngày 1-8-2008. Được tưởng thưởng cả chục tỷ đồng, Dũng thành lập ngay công ty Đất Quảng, kinh doanh bất động sản và xây dựng dân dụng. Qua ông T, Dũng quen biết và tạo mối quan hệ với nhiều chính trị gia, cho nên từ công ty khởi đầu vài tỷ, nay Dũng có trong tay hơn ngàn tỷ.
Nguyễn Viết Dũng trở thành doanh nhân xứ Quảng thành đạt trên đất Bắc, làm Phó chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam ở Hà Nội. Thông tin đáng tin cậy cho hay, Dũng là đệ tử ruột của ông Nguyễn Xuân Phúc từ hồi ông Phúc làm Phó thủ tướng. Nhờ vậy, Tập đoàn Đất Quảng ẵm được nhiều dự án bất động sản và các công trình thi công, lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
***
Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, sinh năm 1967, quê Quảng Nam, sống ở Hà Nội. Thuỷ là con gái ông Nguyễn Thung, lão thành cách mạng. Ông Nguyễn Thung sinh năm 1926. Ông Thung là em ruột ông Nguyễn Văn Hiền, sinh năm 1917. Cả hai anh em ông Nguyễn Văn Hiền – Nguyễn Thung từng nhận huy hiệu 75 năm tuổi đảng hồi giữa tháng 11-2021. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là con trai ông Nguyễn Văn Hiền, như vậy ông Phúc và bà Thuỷ là hai anh em chú bác ruột.
Nguyễn Thị Thanh Thuỷ không phải “chuyên viên NXB Giáo dục” mà là giáo viên Trường cao đẳng Y tế, đã nghỉ hưu. Việc bà Thuỷ bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt giam về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, quy định tại Khoản 3, Điều 366, Bộ luật Hình sự, đã nói lên nhiều điều. Không vướng tội “nhận hối lộ”, đồng nghĩa Thuỷ hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp, có cổ phần tại công ty Việt Á của Phan Quốc Việt.
***
Nguyễn Bạch Thuỳ Linh, sinh năm 1979, sống tại Hà Nội. Linh không có quan hệ bà con gì với ông Nguyễn Xuân Phúc, lẫn phu nhân của ông Phúc là bà Trần Nguyệt Thu. Linh quê Hà Nội, chồng của Linh là ông Ngô Mê Giang, con trai út của cố đại sứ Ngô Điền (1920-2004). Đại sứ Ngô Điền là nhân vật có tiếng tăm trong chính giới, quê ông Điền ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là đồng hương với bà Trần Nguyệt Thu. Từ lâu, quan hệ giữa gia đình cụ Ngô Điền và gia đình ông Nguyễn Xuân Phúc rất thân tình.
Nguyễn Bạch Thuỳ Linh là nữ doanh nhân thành đạt, chủ nhân của hàng loạt công ty lớn như: Công ty Cổ phần Thế giới tuổi thơ Soc and Brother (tức SNB), Công ty Cổ phần Phân phối SNB (SNB Distribution), Công ty CP Việt Nam Cuisine Alternative, Công ty TNHH Global Kids Việt Nam…
Điều đáng chú ý là, tại Công ty SNB Distribution, thành lập 2017, kinh doanh những sản phẩm chất lượng trong lĩnh vực chăm sóc mẹ và bé của các thương hiệu hàng đầu thế giới ở Việt Nam. SNB cũng chuyên phân phối cho những nhãn hàng tiêu dùng, sản phẩm gia dụng cho hàng loạt tên tuổi lớn khác đến từ Nhật Bản. Tại đây, Nguyễn Bạch Thuỳ Linh nắm giữ 50% cổ phần, Phạm Tấn Đạt 2% và Nguyễn Thị Xuân Trang, (vợ của ông Vũ Chí Hùng, Tổng Cục phó Tổng cục Thuế), con gái cưng của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, sở hữu đến 48% cổ phần.
Cũng như Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Nguyễn Bạch Thuỳ Linh cũng bị bắt với tội danh “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, trong vụ án Việt Á. Là đại gia quyền lực ngàn tỷ, giám đốc điều hành của “hệ sinh thái” SNB, chắc chắn Linh không bao giờ là kẻ môi giới, làm thuê cho Việt Á của Phan Quốc Việt. Nhưng vì sao Linh bị bắt? Có lẽ độc giả đã có câu trả lời.
Cho đến nay Bộ Công an không công bố cá nhân hay doanh nghiệp nào nắm giữ 80% cổ phần Công ty CP Công nghệ Việt Á, tuy nhiên có vẻ như mọi ngã đường đều dẫn về nhà những người thân, những người có mối quan hệ với vợ chồng với đương kim Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam.
Nếu không phải là em họ ông Nguyễn Xuân Phúc, thì Nguyễn Thị Thanh Thủy không thể tiếp cận được lãnh đạo các bộ, ban ngành Trung ương, tạo điều kiện cho Việt Á “làm mưa làm gió” trong mùa dịch Covid-19 để kiếm lợi cả ngàn tỷ đồng.
Như đã đề cập ở trên, Nguyễn Thị Xuân Trang và Nguyễn Bạch Thuỳ Linh từ chỗ bạn bè thân thiết, đã hợp tác làm ăn chung trong nhiều công ty, dự án. Nếu không là chị em “đồng mộng đồng sàng” với Nguyễn Thị Xuân Trang, Linh sẽ chẳng bao giờ tác động, sai khiến được các Bộ trưởng, Uỷ viên Trung ương như Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Xuân Thăng… mở đường cho test kit Việt Á được cấp phép, lưu hành và buộc ngành y tế cả nước phải sử dụng với giá trên trời. Qua đó cho thấy, Thuỷ, Linh và Trang đều có cổ phần trong công ty Việt Á.
Chủ tịch nước bị buộc phải rút lui?
Tháng 1-2016, trước thềm đại hội XII, uy tín giảm sút, lại bị phe ông Nguyễn Phú Trọng – Trương Tấn Sang đánh rát quá, ông Nguyễn Tấn Dũng đành thoả hiệp, rút lui, đổi lấy sự an toàn và quyền lợi của gia đình. Trên bàn cờ hiện nay, phe ông Nguyễn Xuân Phúc đang thất thế, các chiến hữu cận kề bên ông ta đều bị thất sũng. Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam bị bị ép buộc phải làm đơn xin thôi chức để tránh bị lượng hình. Mai Tiến Dũng, “quản gia” một thời của ông Phúc thì nhận án kỷ luật “cảnh cáo”, xem như cá đang nằm trên thớt, rất có thể sẽ bị khởi tố, bắt giam.
Vòng vây đang hẹp dần, phe tấn công đang ra đòn khốc liệt. Nếu như không đáp ứng nhượng bộ, rất có thể còn nhiều vụ bắt bớ nhắm vào thuộc hạ, các công ty sân sau của gia đình ông chủ tịch nước sẽ bị điều tra, xới tung lên.
Đến nay em họ bị khởi tố, bắt giam, con gái và cả phu nhân của ông Phúc đang phải đối mặt với các cáo buộc là “trùm cuối” trong đại án Việt Á. Khi mọi mối quan hệ đều rơi vào tầm ngắm của cơ quan điều tra, ông Nguyễn Xuân Phúc bị đưa vào thế khó.
“Cống hiến hết mình cho đảng và nhân dân” như vậy là quá đủ, rút lui khỏi chính trường vào lúc này đối với ông Phúc là thượng sách. Ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ nhẹ nhàng về quê, “vui thú điền viên” ở tuổi tròn 70 (tuổi mụ). Đảng sẽ công bố với dân chúng rằng, “xét nguyện vọng cá nhân, tình hình sức khoẻ và hoàn cảnh gia đình” nên đồng ý cho ông thôi nhiệm vụ…
Và đương nhiên, đại án Việt Á sẽ nhanh chóng được xử án mà không cần điều tra mở rộng nữa.
Ai sẽ thay, nếu ông Nguyễn Xuân Phúc về vườn?
Thông tin rò rỉ cho hay, có hai phương án đang được tính tới. Lần thứ hai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước cho đến hết khoá XIII, hoặc bầu bổ sung nhân sự mới.
Căn cứ theo Quy định 214-QĐ/TW năm 2020, quy định về tiêu chuẩn với chức danh Chủ tịch nước phải “tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định”, hay phải “có năng lực nổi trội, toàn diện trên các mặt công tác, nhất là lĩnh vực đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng; hiểu biết sâu, rộng về công tác tư pháp” thì ứng cứ viên duy nhất bảo đảm yêu cầu là bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.
Lẽ ra mọi chuyện sẽ được giải quyết tại hội nghị trung ương 7, khoá XIII. Tuy nhiên, thông tin mà chúng tôi có được là ông Nguyễn Xuân Phúc đã có đơn xin thôi tất cả mọi chức vụ trong đảng. Như vậy, trong vài ngày tới, sẽ diễn ra một Hội nghị Trung ương bất thường để thông qua, sau đó sẽ có phiên họp Quốc hội bất thường để phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước của ông Phúc và bầu tân Chủ tịch nước.
Thêm một chấn động nữa đang xảy ra trong chốn cung đình, ngay trước Tết Quý Mão 2023.
Khẩu hiệu “Tất cả là vì dân, lấy dân làm gốc. Mọi sự việc được dân biết, dân bàn, dân bầu, dân kiểm tra và giám sát”, chỉ là lý thuyết ma mị. Trong thể chế cộng sản, nhà nước “độc tài đảng trị”, mọi vấn đề nhân sự chóp bu, những cuộc tranh chấp kinh thiên động địa, chỉ cần một nhóm người đang thâu tóm quyền lực quốc gia định đoạt. Dù kịch bản ra sao, đều dẫn đến hồi kết thoả hiệp sau tấm màn nhung ở chốn thâm cung.