Seite auswählen

Đằng sau cuộc tranh cãi về việc cung cấp Leopard 2 cho Ukraine là gì?

Vivian Micks

NTV

VNC chuyển ngữ

23.01.2023

 

Cuộc tranh luận xoay quanh xe tăng chiến đấu của Đức “Leopard 2”. (Foto: IMAGO/ari)

 

Câu hỏi liệu và khi nào Đức sẽ đồng ý cho  giao Ukraine “Leopard 2” hiện là một thử thách căng thẳng cho chính phủ Đức. Các chính trị gia trong và ngoài nước yêu cầu một quyết định nhanh chóng từ Thủ tướng Scholz. Nhưng những lý do đưa tới sự do dự của chính phủ Đức là gì? Khi nào quyết định có thể được đưa ra? NTV.DE trả lời các câu hỏi cấp bách nhất.

Tình trạng hiện tại của việc quyết định giao xe tăng “Leopard 2” cho Ukraine là gì?

Chính phủ Đức vẫn chưa chính thức công bố liệu Đức sẽ giao xe tăng chiến đấu “Leopard 2” cho Ukraine hay không. Không có quyết định tại cuộc họp của các đối tác của EU và NATO ở Ramstein vào thứ Sáu vừa rồi. Bộ trưởng Quốc phòng mới, ông Boris Pistorius sau đó đã nói trong một tuyên bố rằng trước hết phải đếm số lượng các loại xe tăng chiến đấu này. Điều này làm cho ông ta và Thủ tướng Olaf Scholz  bị rất nhiều người chỉ trích. Cả các chính trị gia từ Ukraine cũng như Liên minh Đèn Giao thông (các đảng Đỏ, Xanh và Vàng) và các chính trị gia đối lập đều tức giận và thất vọng với quyết định chưa được đưa ra.

Bộ Quốc phòng không biết số lượng của xe tăng “Leopard 2” hay sao?

Tình trạng có bao nhiêu xe tăng “Leopard 2” có thể hoạt động được mà Bundeswehr (Quân đội Đức) có là từ tháng 5 năm ngoái, Pistorius cho biết sau đó. Theo một danh sách có sẵn mà báo “Spiegel” có, Bundeswehr có tổng cộng 312 xe tăng  “Leopard 2” từ các loạt khác nhau. Vào tháng 5 năm ngoái, 99 được giao cho các hãng công nghiệp vũ khí sửa chữa và tu bổ, một cái bị vứt bỏ. Như vậy, còn lại là 212 “Leopard 2”. Trong số này có các kiểu khác nhau, 2A5, 2A6, 2A7 và 2A7V được liệt kê – 2A7V là phiên bản hiện đại nhất. Tính đến ngày 22 tháng 5, quân đội có 53 phiên bản “Leopard”-này.

Danh sách này cũng cho thấy những kiểu nào sẽ phù hợp để giao cho Ukraine, “Spiegel”, tiếp tục, trích dẫn người trong cuộc ở Bundeswehr. Theo đó, có thể hình dung rằng Bundeswehr có thể trao 19 phiên bản “Leopard” 2A5 vì chúng chỉ được sử dụng để tập luyện.

Pistorius bây giờ rõ ràng muốn truy vấn tình trạng hiện tại, mà một số người cũng diễn giải như là một lời chỉ trích về người tiền nhiệm Christine Lambrecht. Cựu bộ trưởng quốc phòng được cho là đã ngăn chặn việc kiểm kê số lượng ngay trước khi bà từ chức. Điều này được báo “Business Insider” tường thuật, trích dẫn một số nguồn tin trong Bộ Quốc phòng. Lý do: được cho là, Lambrecht muốn tránh cho Thủ tướng Scholz phải chịu thêm áp lực trong cuộc thảo luận. Ngoài ra cũng không có ủy nhiệm kiểm kê trước đây từ văn phòng thủ tướng.

Tại sao Đức cho tới giờ chưa đồng ý giao xe tăng?

Trong cuộc tranh luận về xe tăng, chính phủ Đức đã chính thức theo đuổi ba nguyên tắc: đó là việc hỗ trợ Ukraine càng nhiều càng tốt, nhưng ngăn chặn xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga và tránh các giải pháp quốc gia một cách đơn độc. Điều này có nghĩa là một quyết định chỉ được đưa ra phối hợp với các đối tác NATO. Câu hỏi là các nguyên tắc này ngăn chặn việc giao xe tăng đến mức độ nào.

Đức có thể từ bỏ những chiếc xe tăng đang có?

Vâng, ít nhất là một vài chiếc. Ví dụ,19 chiếc kiểu “Leopard” 2A5 mà Bundeswehr chỉ sử dụng để tập luyện.

Đức do đó sẽ trở thành một phe tham dự vào cuộc chiến?

Không, vì vũ khí hạng nặng từ lâu đã được chuyển đến Ukraine, chẳng hạn như các khẩu pháo. Ngoài ra, luật pháp quốc tế đứng về phía Đức, trong đó nói là việc giao vũ khí lẫn việc huấn luyện binh lính không làm cho một quốc gia trở thành một phe tham dự chiến tranh.

Mặt khác, Nga có thể sẽ nói giống hệt như đã diễn ra trong nhiều tháng: Moscow lặp đi lặp lại rằng NATO từ lâu đã là một phe tham chiến vì không chỉ cung cấp vũ khí, mà còn cả dữ liệu trinh thám và vệ tinh ở Ukraine, và binh lính Ukraine được đào tạo ở phương Tây.

Đó có phải là một quyết định đơn độc?

Không, bởi vì một số quốc gia thậm chí còn kêu gọi giao “Leopard 2”. Điều này bao gồm Vương quốc Anh và Ba Lan, cũng như các quốc gia Baltic Latvia, Estonia và Litva. Ngoài ra, Phần Lan và Ba Lan muốn cung cấp xe tăng “Leopard 2” từ số xe của chính họ, nếu cần ngay cả khi không có sự chấp thuận của Đức. Pistorius tuy nhiên cũng nói tại chương trình thảo luận “Anne Will” rằng tại cuộc họp của nhóm liên lạc Ukraine tại căn cứ Ramstein của Hoa Kỳ, rõ ràng là không phải tất cả các quốc gia đều sẵn sàng đưa các xe tăng chiến đấu vào khu vực chiến tranh.

Ngoài ra, Scholz được cho là đã đưa ra điều kiện là Hoa Kỳ cũng sẽ phải cung cấp xe tăng “Abrams” nếu Đức cung cấp “Leopard 2” . Hoa Kỳ bác bỏ điều này với lý do việc giao xe sẽ mang lại những khó khăn về hậu cần đáng kể. “Abrams” cực kỳ nặng và trước tiên sẽ phải được đưa qua Đại Tây Dương.

Đức sẽ ngăn chặn các nước thứ ba giao “Leopard” của  họ cho Ukraine?

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Annalena Baerbock thì không. Mặt khác, Thủ tướng Scholz vẫn chưa phản ứng gì về lời tuyên bố này. Khi được hỏi liệu Baerbock có đại diện cho vị trí của toàn bộ chính phủ Đức với tuyên bố của mình hay không, phát ngôn viên chính phủ Steffen Hebestreit vẫn trả lời mơ hồ: “Tôi muốn nói như vầy: nếu một đơn được đệ lên chính phủ Đức, điều này chưa xảy ra vào thời điểm này, thì có những thủ tục quen thuộc, trong đó yêu cầu như vậy sẽ được trả lời. Và tất cả chúng tôi đều tuân theo các thủ tục này.”

Tại sao Đức lại tiếp tục trì hoãn đưa ra quyết định cho việc giao “Leopard”?

Cho đến nay điều này chỉ có thể được suy đoán. Ngay cả các chuyên gia an ninh và chính trị gia liên tục thảo luận về những lý do có thể đưa đến thái độ do dự của Thủ tướng Đức. Theo đó, có nhiều điểm khác nhau có thể đưa ra lý do cho sự kiềm chế:

  1. Như chính phủ thường đề cập trong quá khứ, Scholz muốn giúp Ukraine với vũ khí cần thiết để tự bảo vệ mình, nhưng tránh bằng mọi giá không để Đức trở thành một phe tham chiến. Có thể họ lo sợ, việc giao xe tăng chiến đấu sẽ khiêu khích Nga.
  2. Vì lý do này, Scholz rõ ràng muốn bảo vệ nước mình bằng cách đặt điều kiện với Hoa Kỳ. Khi Hoa Kỳ giao xe tăng “Abrams”, các nước EU không phải là những nước duy nhất mà chọc giận Putin. Đức cũng sẽ có sự hỗ trợ của “Big Brother” và sức mạnh hạt nhân ở phương Tây trong một cuộc tấn công tiềm năng của Nga.
  3. Trong khi các chính trị gia và chuyên gia kịch liệt yêu cầu giao “Leopards” , chỉ có khoảng 50 phần trăm cử tri SPD ủng hộ điều này.
  4. Đức có lý do lịch sử cho sự dè dặt này. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, không ai muốn thấy xe tăng được chế tạo ở Đức lăn trên đường phố châu Âu nữa. Trong một lá thư gửi Pistorius, hàng chục nghị sĩ người Anh viết rằng họ hiểu lịch sử và sự kiềm chế liên quan, nhưng yêu cầu Pistorius suy nghĩ lại về thái độ này. Về vấn đề này, xe tăng của Đức cũng có thể đặc biệt khiêu khích Nga.

Khi nào một quyết định có thể được đưa ra trong cuộc tranh luận này?

Pistorius và Scholz cho đến nay chỉ đưa ra những tuyên bố mơ hồ. Một quyết định sẽ “được đưa ra sớm”, ông Bộ trưởng Quốc phòng nói. Nhà nghiên cứu xung đột Nicole Deitelhoff tin rằng trễ lắm tại cuộc họp tại Hội nghị An ninh München vào ngày 17 tháng 2, nó sẽ xảy ra. Tuy nhiên, liệu chính phủ liên bang có thể để mất quá nhiều thời gian như vậy hay không. Từ các đảng trong Liên minh đèn giao thông, FDP đặc biệt chỉ trích cách tiếp cận của ông Thủ tướng. CDU thậm chí còn kêu gọi Đảng Xanh và FDP từ bỏ Liên minh. Ngoài ra, người ta càng ngày càng  lo sợ rằng Đức có thể đánh mất sự tin tưởng nhiều hơn của các đối tác NATO nếu tiếp tục trì hoãn lâu hơn. Đòi hỏi về việc cung cấp xe tăng chiến đấu của các nước khác, cũng như nguy cơ Nga sẽ tấn công vào mùa xuân, gây áp lực đến chính phủ Đức.

Có dấu hiệu nào cho thấy Đức sẽ hứa giao “Leopard 2” không?

Chính thức không có dấu hiệu nào về một lời hứa cụ thể cho Ukraine, nhưng một số chính trị gia đã lạc quan. Chính trị gia Đảng Xanh Jürgen Trittin đã nói trong chương trình buổi sáng của NTV rằng ông tin chắc là Đức sẽ chấp nhận giao xe tăng cho Ukraine. Không rõ liệu đây là Đức hay chỉ là các đồng minh phương Tây, Trittin nói. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Olexij Resnikow và Pistorius thỏa thuận rằng các lực lượng vũ trang sẽ được đào tạo sử dụng xe tăng “Leopard 2” ở Ba Lan. “Vấn đề này đang chuyển động chút,” Resnikow nói trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình sau cuộc họp Ramstein.

Có phải Hoa Kỳ vì thiếu quyết định trong câu hỏi về xe tăng đang tức giận Đức?

Có những tin đồn theo đó ở Hoa Kỳ có “Giọng điệu tức giận” sau khi thiếu quyết định ở Ramstein. Hoa Kỳ cảm thấy chịu áp lực từ Đức, một số phương tiện truyền thông Hoa Kỳ sau cuộc họp Ramstein viết như vậy. Trước đó, đã có tường thuật trên truyền thông ở Đức rằng Đức chỉ giao xe tăng “Leopard” khi Hoa Kỳ giao “Abrams”. Chính phủ gần đây đã phủ nhận điều này rằng không có điều kiện kết nối như vậy. Đồng thời, có một ấn tượng rằng Đức muốn có sự đảm bảo từ phía Hoa Kỳ để không đứng đơn độc trong trường hợp giao xe tăng.

Tại sao Ukraine lại muốn xe tăng “Leopard 2” khẩn cấp như vậy?

Có nhiều lý do cho điều này. Một mặt, xe tăng chiến đấu “Leopard 2” có số lượng cao nhất ở châu Âu. Có tổng cộng 2000 xe tăng “Leopard” với các phiên bản khác nhau trong các nơi trú đóng ở châu Âu, Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg Jean Asselborn nói, Kyiv cần ít nhất 300 xe tăng để chống lại khoảng 2500 xe tăng của Nga.

Mặt khác, “Leopard 2” là một trong những chiếc xe tăng hiện đại nhất với sức phá vỡ mạnh nhất. Theo Bundeswehr, những lợi thế nằm ở sự kết hợp của hỏa lực, bảo vệ xe tăng và di động. Nó chạy nhanh tới 70 km một giờ và chạy với một động cơ bằng dầu diesel tương đối ít tốn kém hơn.

Ngoài ra, Ukraine mất ngày càng nhiều xe tăng của Liên Xô và cần tiếp tế. Tuy nhiên, các loại xe Liên Xô cũ không thể được tái tạo, vì vậy họ cần xe tăng phương Tây. Vì “Leopard 2” là phổ biến nhất ở châu Âu, nên việc tập trung vào nó – để mà không phải  cung cấp ba hoặc bốn loại xe tăng khác nhau. Điều này sẽ gây bất lợi, vì các binh sĩ sẽ phải được đào tạo cho bốn loại xe tăng khác nhau và cũng phải cần bốn chuỗi hậu cần sửa chữa và cung cấp.

Bổ sung:

Bài được viết hôm qua 23.1. Hôm nay có tin chính phủ Ba Lan đã đệ đơn xin phép chính phủ Đức để giao các xe tăng Leopard 2 cho Ukraine và kêu gọi Đức tham gia vào khối các nước cung cấp Leopard 2 cho Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng  Boris Pistorius cho biết sẽ có một quyết định nhanh chóng. Ông cũng khuyến khích các nước có Leopard 2 nên bắt đầu với việc huấn luyện các binh sĩ Ukraine.

https://www.faz.net/aktuell/politik/polen-beantragt-genehmigung-fuer-leopard-lieferung-an-die-ukraine-18625417.html

 

Giá trị chiến lược của chiến xa hạng nặng phương Tây trên chiến trường Ukraina

 

Ảnh minh họa: Hai chiến xa Leopard 2A6 của Quân Đội Đức tham gia tập trận ở Munster (Đức) ngày 06/12/2018.

 

Ảnh minh họa: Hai chiến xa Leopard 2A6 của Quân Đội Đức tham gia tập trận ở Munster (Đức) ngày 06/12/2018. © AP – Philipp Schulze

Sau Challenger 2 của Anh, Ukraina sẽ được cung cấp xe tăng hạng nặng Leopard 2 của Đức, theo thông báo của Berlin ngày 25/01/2023, và rất có thể sẽ được giao loại Abrams của Mỹ, thậm chí Leclerc của Pháp. Đây là loại vũ khí hiện đại mà Kiev đã khẩn thiết yêu cầu từ nhiều tháng nay, nhưng đã vấp phải thái độ dè dặt của các đồng minh Âu Mỹ. Quyết định chi viện chiến xa hạng nặng cho Ukraina, dù miễn cưỡng, nhưng mang ý nghĩa chiến lược rất lớn cho cả Kiev lẫn Phương Tây.

Trong bài phân tích “Tại sao chiến xa mới của phương Tây lại có giá trị chiến lược đối với Kiev”, kênh truyền hình Pháp France Télévisions ngày 24/01/2023 đã nêu bật nhận định của nhiều chuyên gia, theo đó việc chuyển giao xe tăng hạng nặng cho Ukraina có thể đánh dấu một bước ngoặt trên chiến trường, cũng như cuộc khủng hoảng giữa Nga và Phương Tây.

Kiev muốn có đến 300 chiến xa hiện đại

Phải nói là trong thời gian gần đây, Ukraina gần như là ngày nào cũng kêu gọi các đồng minh phương Tây khẩn cấp chi viện xe tăng hạng nặng cho mình, với một khối lượng lớn. Theo nhật báo Mỹ New York Times ngày 21/01, tướng Valeri Zalouzhny, tổng tư lệnh lực lượng võ trang Ukraina đã nói đến ít nhất 300 chiếc.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky là một trong những người luôn luôn nêu bật nhu cầu cấp thiết của nước ông. Nhân cuộc họp tại Ramstein (Đức) ngày 20/01 vừa qua của các nước chi viện cho Ukraina, trước thái độ dè dặt của nhiều đồng minh, ông Zelensky đã không ngần ngại phê phán: “Trăm lời cám ơn không bằng trăm chiếc xe tăng”

Thay thế đội xe tăng cũ kỹ và thiếu hiệu quả

Đối với giới quan sát, lý do đầu tiên thúc đẩy Ukraina khẩn cấp kêu gọi phương Tây chi viện chiến xa hạng nặng cho mình, đó là vì Kiev cần thay thế những chiếc xe tăng cũ (hoặc đã bị phá hủy).

Lực lượng xe tăng hiện nay của Ukraina chủ yếu là loại đã có từ thời Liên Xô, chẳng hạn như loại T-72, có từ những năm 1970 và được cho là bán chạy nhất trên toàn thế giới. Cho đến nay, các đồng minh châu Âu của Kiev chỉ cung cấp cho nước này các loại thiết bị quân sự thời Liên Xô, vì một lý do đơn giản: Quân Đội Ukraina đã được huấn luyện để sử dụng các loại vũ khí này. Ba Lan và Cộng Hòa Séc chẳng hạn, đã thanh lý toàn bộ kho dự trữ cũ kỹ của họ và cung cấp khoảng 200 xe tăng T-72S (mới hơn một chút) cho nước láng giềng.

Kể từ khi Nga bắt đầu cuộc tấn công, Ukraina đã bị mất hàng trăm chiến xa. Theo tạp chí Forbes của Mỹ, đã có hơn 330 chiếc xe tăng Ukraina bị phá hủy tính đến cuối tháng 10 – một con số rất khó xác minh độc lập. Theo các chuyên gia phân tích, Kiev hiện vẫn còn vài nghìn chiếc xe tăng (đặc biệt là loại đã được sửa chữa lại sau trận chiến), nhưng đều thuộc diện cũ kỹ với hiệu năng tầm thường.

Chính vì lý do đó mà Ukraina đã khẩn thiết kêu gọi đồng minh Phương Tây cung cấp cho mình loại chiến xa tối tân hơn, có hỏa lực mạnh và chính xác hơn và ít tiêu tốn nhiên liệu hơn..

Trả lời phóng viên đài truyền hình Pháp France 2, một quân nhân Ukraina xác định: “Xe tăng Abraham của Mỹ hay Leopard của Đức có thiết bị tiên tiến nhưng quan trọng hơn cả là chúng có lớp giáp chắn tốt và hiệu quả hơn… Điều quan trọng đối với tôi là sống sót”.

Vấn đề đặt ra theo Stéphane Audrand, một nhà tư vấn chuyên về vũ khí, là không giống như loại T-72 của Liên Xô, xe tăng phương Tây yêu cầu người sử dụng phải được “đào tạo từ 4 đến 6 tháng”. Ngoài ra, xe tăng Anh, Pháp, Đức và Mỹ, mỗi loại sử dụng một loại công nghệ khác nhau, sự pha trộn giữa thể loại này đặt ra vấn đề kỹ thuật và hậu cần to lớn để bảo trì những phương tiện này.

Thay đổi chiến lược: Sẵn sàng tấn công thay vì chỉ phòng thủ

Một lý do thứ hai thúc đẩy Kiev yêu cầu được nhanh chóng cung cấp xe tăng phương Tây là thay đổi chiến lược từ phía Ukraina, muốn đánh phủ đầu để chặn trước một cuộc tấn công của Nga vào mùa xuân tới đây.

Theo thẩm định của tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, chiến tranh Ukraina rất có thể là sẽ bước qua một giai đoạn mới với mùa xuân sắp đến, thậm chí là “giai đoạn quyết định của cuộc chiến”. Trên đài phát thanh Pháp Franceinfo, Ulrich Bounat, nhà phân tích về quan hệ quốc tế lưu ý: “Cho đến lúc này hai bên tham chiến vẫn ở trong thế giằng co, không bên nào chiếm được ưu thế, vì thế Ukraina phải giành lại thế chủ động”.

Theo chuyên gia Bounat, rong tình hình Nga đang chuẩn bị tấn công, và để giúp Ukraina kháng lại và phản công, Phương Tây cần phải cung cấp vũ khí cho Ukraina.

Đối với đài truyền hình Mỹ CNN, Kiev phải hành động nhanh chóng, bởi vì vào mùa xuân sắp tới, “150.000 người Nga nhập ngũ vào mùa thu năm ngoái sẽ xong huấn luyện và có thể được tung vào các đơn vị tác chiến”.

Mục tiêu của quân đội Ukraina không chỉ đơn thuần là đáp trả các cuộc tấn công của Nga. Với chiến xa hạng nặng của phương Tây, Kiev có thể khởi động một chiến lược có tính chất tấn công hơn, chọc thủng chiến tuyến mà Quân Đội Nga đang cố gắng củng cố tại Ukraina.

Theo ông Colin Kahl, nhân vật số ba của Lầu Năm Góc Hoa Kỳ, mục tiêu của Mỹ rất rõ ràng: Cung cấp cho Kiev hỏa lực và khả năng cơ động thông qua việc sử dụng các lực lượng cơ giới”.

Tín hiệu mạnh gửi đến cả Kiev lẫn Matxcơva

Quyết định cung cấp chiến xa Phương Tây còn mang một ý nghĩa chiến lược to lớn khác: Cho thấy quyết tâm tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ Ukraina trong cuộc chiến chống Nga vào lúc Matxcơva đang đặt cược trên tâm lý mệt mỏi và chia rẽ tại Phương Tây trên vấn đề giúp Kiev.

Đèn xanh cho việc gửi xe tăng hạng nặng tới Ukraina là một quyết định mang tính biểu tượng, cho thấy các nước phương Tây vẫn đoàn kết trong việc giúp đỡ Kiev.

Mặt khác, việc gởi chiến xa hạng nặng theo tiêu chuẩn NATO, đã phá bỏ một cấm kỵ đối với một số quốc gia phương Tây khi cuộc xung đột bắt đầu. Theo Ulrich Bounat, đường hướng này đang thay đổi: “Phương Tây như đang đặt ‘niềm tin’ vào khả năng cung cấp vũ khí cho Ukraina. Ngay cả khi Điện Kremlin chọn leo thang, Phương Tây vẫn sẽ ở đó để hỗ trợ Kiev.”

Đây cũng là một tín hiệu mạnh gởi đến Matxcova, cảnh cáo rằng Phương Tây sẵn sàng có những động thái quyết đinh để giúp Ukraina, bất chấp những đe dọa đến từ Nga về nguy cơ chiến tranh lan rộng.

Tại sao Pháp do dự trong việc giao chiến xa Leclerc cho Ukraina?

 

Xe tăng chiến đấu Leclerc của Pháp trong một cuộc tập trận tại Smardan, Rumani, ngày 25/01/2023.
Xe tăng chiến đấu Leclerc của Pháp trong một cuộc tập trận tại Smardan, Rumani, ngày 25/01/2023. © AP / Vadim Ghirda

Sau khi Đức loan báo quyết định cung cấp chiến xa hạng nặng Leopard cho Ukraina hôm qua, 25/01/2023, và sau khi Washington thông báo chuyển giao xe tăng Abrams của Mỹ cho Kiev, một câu hỏi đã được nhanh chóng đặt ra: Liệu Paris có sẽ theo chân đồng minh để viện trợ cho Ukraina loại chiến xa Leclerc của Pháp?

QUẢNG CÁO

Về mặt chính thức, Paris không hề loại trừ khả năng chuyển giao xe tăng Leclerc cho Kiev. Vào hôm qua, 25/01, thủ tướng Elisabeth Borne khẳng định rằng chính phủ Pháp vẫn tiếp tục xem xét việc giao loại chiến xa hạng nặng này cho Ukraina. Trước đó, ngày 22/01, chính tổng thống Pháp Macron đã xác nhận Paris “không loại trừ bất kỳ giả thuyết nào” về việc cung cấp xe tăng hạng nặng cho Ukraina. Theo Điện Elysée, chủ đề này một lần nữa đã được ông Macron nêu lên trong cuộc điện đàm hôm 24/01 với đồng nhiệm Ukraina.

Các quan chức Pháp cũng cho biết đã tiến hành từ nhiều tuần lễ nay “các cuộc thảo luận” với Kiev về khả năng cung cấp xe tăng Leclerc, tuy nhiên, các cuộc thảo luận đó vẫn chưa đạt kết quả. Theo nhật báo Pháp Le Monde ngày 26/01, một nguồn tin chính thức giải thích: “Các cuộc thảo luận giữa chuyên gia Pháp và Ukraina đang tiếp diễn, đặc biệt là để ước tính tỷ lệ chi phí-lợi ích của việc cung cấp như vậy”.

Dẫu sao thì đúng là Pháp rất dè dặt trong việc cung cấp chiến xa Leclerc cho Ukraina, nhưng không phải vì lý do chính trị, như lời khẳng định của một quan chức quốc phòng cao cấp với hãng tin Pháp AFP. Viên chức xin ẩn danh này cho biết: “Không hề có phản đối vì lý do chính trị. Chúng tôi chỉ tự hỏi là liệu chiến xa Leclerc có phải là một món quà tẩm độc hay không, vì mục tiêu nhắm tới là tính hữu dụng và hiệu quả”.

Uy lực của chiến xa Leclerc phải nói rất đáng gờm. vì kết hợp được tính cơ động, khả năng bảo vệ cao nhờ vỏ bọc thép và hỏa lực mạnh với loại súng 120 mm gắn trên xe. Đại tá Alexandre de Féligonde, sĩ quan chỉ huy của đơn vị 13 chiếc Leclerc được Pháp cử sang trấn giữ ở Rumani sau ngày Nga xâm lược Ukraina, cho biết: “ Leclerc có thể di chuyển với tốc độ 80 km/h, tiêu diệt trong lúc di chuyển mục tiêu cách xa tới 4.000 mét, đồng thời bảo vệ đội lính tăng của mình khỏi hỏa lực của kẻ thù”.

Vấn đề là những cỗ xe bọc thép nặng hơn 50 tấn đó lại cần đến một nền tảng bảo trì đáng kể. Theo một nguồn tin quân sự được báo Le Monde trích dẫn, một chiếc xe tăng hiện đại phải được hỗ trợ đầy đủ về mặt hậu cần khi triển khai, vừa để cung ứng nhiên liệu và đạn dược, vừa để bảo trì. Tại Rumani chẳng hạn, Pháp đã phải triển khai một đội ngũ khoảng 200 người cùng với hai xe tăng sửa chữa để phục vụ hơn một chục chiếc Leclerc.

Theo Le Monde, chính vì quên mất điều này mà Matxcơva đã mất đi hàng chục chiếc xe tăng khi bắt đầu cuộc chiến tranh Ukraina: Tấn công Kiev mà không chú ý đến khâu hậu cần, nhiều chiếc T-72 và T-80 của Nga đã bị đội lái bỏ lại khi rút đi, chỉ vì hết nhiên liệu, hoặc chỉ vì không thể sửa chữa được.

Vấn đề đặt ra hiện nay là liệu Ukraina có đủ nguồn lực để chăm lo hậu cần cho các chiến xa phương Tây rất khác nhau mà họ sắp tiếp nhận hay không ? Loại xe tăng Leopard 2 của Đức mà Ukraina sắp được trang bị hàng loạt thuộc loại rất phổ biến, được rất nhiều quân đội phương Tây sử dụng, cho nên vấn đề phụ tùng, đạn dược, bảo trì tương đối dễ dàng hơn. Trong khi đó thì ở châu Âu, chỉ có Quân Đội Pháp là dùng loại Leclerc mà thôi.

Vào lúc Ukraina sẽ phải vật lộn với vấn đề hậu cần cho đội xe Leopard, câu hỏi đặt ra là việc cung cấp thêm cho Kiev loại xe tăng Leclerc cùng tính năng nhưng khó bảo trì hơn có hữu ích hay không. Một nguồn tin từ bộ Quân Lực Pháp xác định: “Không có cấm kỵ [về việc cung cấp Leclerc], nhưng việc này phải có hiệu quả đối với Ukraina”.

Ngoài ra, thái độ do dự trong việc cung cấp chiến xa Leclerc cho Ukraina còn xuất phát từ thực tế là bản thân Pháp cũng không chế tạo nhiều chiếc xe tăng loại này. Theo bộ tổng tham mưu Pháp, Quân Đội Pháp hiện chỉ có 226 chiến xa Leclerc, so với hơn 800 chiến xa vào đầu những năm 2000. Tế nhị hơn nữa là chỉ 60% số xe tăng Leclerc đó là có thể tác chiến ngay, 40% còn lại chỉ được sử dụng cho tập huấn.

Số xe tăng hiện hữu không những rất ít, mà khả năng chế tạo thêm cũng không còn. Theo Le Monde, tập đoàn Nexter làm ra chiếc Leclerc đã ngừng sản xuất loại chiến xa này kể từ năm 2008. Do đó, mỗi chiếc xe tăng được giao cho Ukraina sẽ không thể được thay thế bằng một chiếc mới, trong lúc loại chiến xa MGCS, trên nguyên tắc sẽ thay thế lớp Leclerc, chưa thể xuất hiện trước năm 2040.

Tóm lại, Paris sẽ còn phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn nữa về việc giao xe Leclerc cho Ukraina. Ngày 22/01 vừa qua, tổng thống Pháp Macron đã báo trước:  “Không có gì bị loại trừ” khả năng chuyển giao Leclerc cho Ukraina, nhưng việc chuyển giao này sẽ chỉ được thực hiện với điều kiện “không làm suy yếu khả năng phòng thủ của chính nước Pháp”.