Seite auswählen

RFI

Chỉ cần nghe những nốt nhạc dạo đầu trỗi lên, giới yêu nhạc Pháp cảm thấy giai điệu rất quen thuộc, nhưng không nhớ rõ tác giả ban đầu là ai, bài hát này đến từ đâu. Trong tiếng Việt, nhạc phẩm từng được tác giả Anh Bằng đặt lời thành ”Tình nồng cháy”, thế nhưng trái với nhiều nguồn ghi chép thiếu chính xác trên mạng, nguyên tác không phải là một bản nhạc Pháp.

QUẢNG CÁO

Bản nhạc tiếng Việt ”Tình nồng cháy” dựa theo giai điệu tiếng Pháp ”Roule s’enroule”. Thế nhưng, bản nhạc Pháp (qua tiếng hát của Nana Mouskouri) cũng chỉ là một bản chuyển ngữ phóng tác. Nói cho thật chính xác, bản nhạc gốc lại là một bài dân ca tiếng Do Thái. Theo giáo sư người Mỹ Hankus Netsky, chuyên nghiên cứu và giảng dạy nhạc dân tộc tại Trường cao đẳng âm nhạc NEC (New England Conservatory of Music) tại thành phố Boston, giai điệu nguyên tác chính là bài “Tumbalalaika” (Tiếng đàn balalaika).

Đây là một bản dân ca hát bằng tiếng yiddish trong cộng đồng người Do Thái sống tại Nga và Đông Âu. Trong tiếng yiddish, ”tum” có nghĩa là tiếng động còn ”balalaika” là tên của loại đàn ba dây, nhạc cụ này có nguồn gốc từ Nga. Cũng theo giáo sư Hankus Netsky, tuy cùng gọi là Do Thái nhưng tiếng yiddish (ở Đông Âu) khác với tiếng hébreu (ở Israel) chủ yếu cũng vì yiddish thuộc ngữ hệ Ấn-Âu trong khi tiếng hébreu (hebrew) bắt nguồn từ vùng Trung Đông.

Trong quyển sách mang tựa đề ”Hankus Netsky’s Oral History”, giáo sư người Mỹ cho biết “Tumbalalaika” là một bài dân ca khẩu truyền có từ xa xưa, bài hát khuyết danh tác giả vì được hát từ đời này qua đời khác, chứ không được lưu truyền qua văn bản. Với thời gian bản nhạc này đã trở thành di sản văn hóa của cộng đồng người Do Thái đến từ Đông Ấu (ashkénaze), khác với cộng đồng Do Thái (séfarade) từ Tây Ban Nha từng đến định cư lập nghiệp tại các nước Bắc Phi.

Nhạc phẩm “Tumbalalaika” đã được ghi âm hàng trăm lần trong nhiều thứ tiếng khác nhau, kể cả tiếng Anh, tiếng Tiệp, tiếng Hung, Ba Lan, Phần Lan, Thụy Điển hay Bồ Đào Nha. Những phiên bản đầu tiên ghi âm bằng tiếng yiddish có từ đầu thập niên 1950. Còn tại Pháp, người đầu tiên hát bài này trên sân khấu là nữ ca sĩ Rika Zarai sinh tại Israel, do thân phụ của cô là người Do Thái đến từ Odessa (Ukraina), theo Rika Zarai, bài này thường được hát trong những buổi họp mặt gia đình.

Vào năm 1968, nữ danh ca người Hy Lạp Nana Mouskouri thực hiện bản ghi âm đầu tiên của bài này bằng tiếng Pháp với tựa đề ”Roule s’enroule”. Đồng thời, cô cũng ghi âm một phiên bản với lời tiếng Anh ”Over and over”. Về mặt giai điệu, bản dân ca được tác giả George Petsilas (Yorgos) chuyển thể sang điệu valse. Tác giả này là chồng của nữ ca sĩ Nana Mouskouri. Ông từng sáng lập ban nhạc The Athenians, họ sống chung và đi diễn với nhau trong hơn một thập niên liền, từ năm 1961 đến năm 1975.

Về phần mình tác giả Michel Jourdan đặt lời Pháp cho bản dân ca này thành nhạc phẩm ”Roule s’enroule”. Thuộc cùng một thế hệ với Pierre Delanoe, Claude Lemesle, Jean Renard (Mike Brant) và Jacques Revaux (Michel Sardou), ông từng viết lời cho khoảng 2.000 bài hát trong đó có nhiều nhạc phẩm ăn khách, sáng tác riêng cho các ca sĩ Pháp như Dalida, Richard Anthony, Claude François, Mike Brant, Hélène Ségara…. Ông cùng từng chuyển sang lời Pháp các nhạc phẩm ăn khách nhất của thần tượng Tây Ban Nha Julio Iglesias.

Khi chấp bút sáng tác cho Nana Mouskouri, tác giả Michel Jourdan đã gợi hứng từ các bài thơ văn xuôi lãng mạn của thi hào gốc Liban Kalil Gibran (1883-1931). Tuyển tập “Prophète” (Nhà tiên tri) của ông đã khai sinh phong trào phục hưng trong làng văn học Ả Rập hiện đại. Nhiều bài thơ của ông được nữ danh ca người Hy Lạp chọn làm ”sách gối đầu giường”, đọc hoài mà vẫn thấy hay, nghe mãi mà vẫn không chán.

Ngoài phong cách trữ tình, tác giả Michel Jourdan còn kết hợp hình tượng các nữ thần nắm giữ số mệnh. Trong huyền thoại Hy Lạp, ba vị thần định đoạt quyền sinh tử của mỗi con người : vị thần đầu tiên cầm trong tay cuộn chỉ số mệnh, vị thứ nhì quay chỉ đo thành từng sợi ngắn hay dài, vị thần thứ ba là người cuối cùng cắt đứt sợi chỉ.

Dưới ngòi bút của Michel Jourdan, nhạc phẩm ”Roule s’enroule” qua ẩn dụ của ”sợi chỉ số mệnh” nói lên lời thề thủy chung cho một mối tình ngàn đời. Hai sợi chỉ quyện chặt vào nhau từ cái thuở đôi mươi cho đến khi hết kiếp người, từ hai sợi hợp thành một khối, nên không chi có thể tách rời.