Seite auswählen

Luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong năm luật sư bào chữa cho vụ án Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ. YouTube PLO.

Các chuyên gia nhân quyền của LHQ vừa gửi thư yêu cầu chính phủ Việt Nam giải trình liên quan đến cuộc điều tra hình sự “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” do Công an tỉnh Long An, khởi xướng đối với một trong những luật sư nhân quyền và người bảo vệ nhân quyền nổi tiếng nhất ở Việt Nam, ông Đặng Đình Mạnh. Các chuyên gia nhận được thông tin cho rằng đây là hành động trả đũa của chính quyền đối với ông Mạnh và các đồng nghiệp vì những hoạt động bảo vệ công lý trong vụ án Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ hay còn được gọi là Tịnh Thất Bồng Lai.

Văn thư của Báo cáo viên đặc biệt về sự độc lập của thẩm phán và luật sư, Báo cáo viên đặc biệt về xúc tiến và bảo vệ quyền tự do quan điểm và biểu đạt và Báo cáo viên đặc biệt về tình hình của những người bảo vệ nhân quyền đề ngày 31/3/2023 và vừa được công bố hôm 30/5 có đoạn viết: “Chúng tôi bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng của chúng tôi khi đang diễn ra một cuộc điều tra hình sự cáo buộc ông Mạnh, điều này dường như có mối liên quan trực tiếp với việc bào chữa của ông ở Việt Nam”.

Cáo báo cáo viên đặc biệt nói rằng nếu những thông tin mà họ nhận từ các nguồn khác nhau mà được xác nhận, thì vụ việc này dẫn đến “một sự cố nghiêm trọng vi phạm một số tiêu chuẩn quốc tế và khu vực liên quan đến tự do và hành nghề luật sư một cách độc lập”.

Theo các tiêu chuẩn này, các quốc gia phải đưa ra tất cả các biện pháp thích hợp để đảm bảo rằng các luật sư có thể thực hiện tất cả các chức năng nghề nghiệp của họ mà không bị đe dọa, cản trở, quấy rối hoặc can thiệp không phù hợp.

Ba báo cáo viên cũng nhắc đến việc luật sư Mạnh bị cấm xuất cảnh khi ông định sang Campuchia vào đầu tháng 2/2023 và phía công an thông báo cho ông rằng ông đã bị đưa vào danh sách cấm xuất cảnh của Bộ Công an kể từ tháng 8/2021, điều mà ông không được thông báo trước đó.

Như VOA đã đưa tin, luật sư Đặng Đình Mạnh, một trong 5 luật sư bào chữa các thành viên của Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, ngày 21/03/2023, bị Công an Long An triệu tập và thẩm vấn liên quan đến cáo buộc “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự.

Việc triệu tập diễn ra sau khi cơ quan này tiếp nhận tin báo từ Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 – Bộ Công an) cho rằng ông Mạnh “có hành vi phát tán trên mạng clip hình ảnh, bài viết có dấu hiệu lợi dụng quyền tự do dân chủ”.

Truyền thông Việt Nam cho biết công an tỉnh Long An triệu tập ông Mạnh lần 2 vào ngày 12/4 nhưng ông không có mặt, nói thêm rằng nếu người được triệu tập vắng mặt thì sau đó sẽ bị áp giải theo luật định.

Các chuyên gia LHQ yêu cầu chính quyền Việt Nam cung cấp thông tin chi tiết về các chứng cứ dẫn đến việc điều tra hình sự đối với ông Mạnh và giải trình xem những điều này phù hợp ra sao với các nghĩa vụ của Việt Nam theo điều 14, 19, 21 và 22 của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị.

Đã quá thời hạn 60 ngày kể từ ngày các chuyên gia gửi thư cho phía Việt Nam hồi 31/3 và tính đến ngày công bố hôm 30/5, văn thư này vẫn chưa được Hà Nội hồi đáp, theo email của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ gửi cho báo giới.

Bộ Ngoại giao Việt Nam không phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA về thư yêu cầu giải trình của các chuyên gia LHQ.

Nữ luật sư Mỹ gốc Việt Vi Trần, đồng sáng lập Tạp chí Luật khoa, nêu nhận định với VOA về Điều luật 331 của Việt Nam:

“Điều luật 331 là điều luật rất phi lý. Nó là luật trên cả luật. Nó không hợp lý và vô ý nghĩa. Và nếu dùng điều luật đó để buộc tội những người luật sư thì càng không đúng hơn, bởi vì một người luật sư phải làm tất cả mọi thứ để bảo vệ và biện hộ cho thân chủ của mình.

“Nếu nhìn về phía luật pháp quốc tế thì việc dùng những điều luật như vậy để buộc tội họ khi họ thực thi quyền lợi của mình và của thân chủ thì rất là sai”.

“Hành vi sách nhiễu, cản trở, đàn áp giới luật sư, đặc biệt là những luật sư can đảm dám nhận lời bảo vệ, bào chữa cho các thân chủ trong những vụ án “bị xem là nhạy cảm” là hành vi xâm phạm nhân quyền của cả luật sư lẫn thân chủ”, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, blogger Mẹ Nấm, người theo dõi vụ án Thiền Am, nêu nhận định với VOA.

Bà Quỳnh nhận định rằng qua thư yêu cầu giải trình này có thể là “cơ sở để giới quan sát nhân quyền quốc tế nhìn lại Điều 331 – một điều luật mơ hồ, vi hiến, xâm phạm quyền tự do ngôn luận của công dân Việt Nam”.

Hồi tháng 3/2023, Uỷ ban Luật gia Quốc tế (ICJ) có thư ngỏ gửi Bộ Tư pháp và Bộ Công an Việt Nam lên án cuộc điều tra hình sự đối với luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh và kêu gọi Việt Nam ngưng điều tra hình sự đối với ông và những luật sư khác với mục đích gây phương hại đến hoạt động và quyền tự do biểu đạt của họ.

Ngoài ra, ICJ còn kêu gọi Việt Nam hủy bỏ hay sửa đổi Điều 331 cho tương thích với luật nhân quyền quốc tế, cũng như phải có mọi biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm việc thực thi một cách tự do nghề luật sư mà không phải lo sợ bị trả thù, bị hạn chế, hay bị sách nhiễu trong quá trình tố tụng.

Vụ án Thiền Am: Vì sao các luật sư bào chữa bị điều tra theo Điều 331?


Đài VTC News loan tin về việc các luật sư bào chữa cho vụ án Thiền An bị công an triệu tập trong tháng 3/2023. Trong ảnh: Luật sư Đặng Đình Mạnh và bị cáo Lê Tùng Vân tại phiên sơ thẩm ở Long An. Photo VTC News.

Một trong năm luật sư bào chữa cho vụ án Thiền Am Bên bờ Vũ trụ cho VOA biết rằng việc một số luật sư bị điều tra, thẩm vấn với cáo buộc vi phạm Điều 331 “Lợi dụng quyền tự do dân chủ” là do họ đã tố cáo công an tỉnh Long An có “nhiều sai phạm” trong quá trình điều tra và tố tụng. Vị luật sư này nhận định rằng sự việc điều tra với cáo buộc này “sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm cho các luật sư khi hành nghề, đó là khi phát hiện vi phạm của các cơ quan tố tụng mà tố cáo thì sẽ bị quy chụp”.

Vị luật sư cho biết như trên sau khi Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) hôm 13/3 gửi thư ngỏ nhà chức trách Việt Nam, lên án việc chính quyền điều tra hình sự đối với luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh theo cáo buộc Điều 331. Luật sư Mạnh là một trong năm luật sư bào chữa cho vụ án này.

Uỷ ban ICJ nói rằng luật sư Mạnh đang bị chính quyền Việt Nam điều tra liên quan đến việc thực hiện hợp pháp quyền, nghĩa vụ bào chữa và quyền tự do ngôn luận của mình trong vụ án Thiền Am Bên bờ Vũ trụ (TABBVT), hay Tịnh Thất Bồng Lai.

Từ đầu tháng 3 đến nay, đã có ba trong số năm luật sư bào chữa cho vụ án Thiền Am, bao gồm Đặng Đình Mạnh, Đào Kim Lân, và Ngô Thị Hoàng Anh bị điều tra, thẩm vấn với cáo buộc theo điều 331 “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ”.

Các luật sư này tham gia bào chữa cho sáu thành viên của TABBVT, một ngôi chùa Phật giáo địa phương không được chính quyền công nhận. Sáu thành viên này vào tháng 7/2022 bị tuyên phạt với mức án tổng cộng hơn 23 năm tù vì bị cho là phỉ báng một nhà sư thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam được nhà nước hậu thuẫn.

Tiết lộ của một luật sư

Vụ án Thiền Am ngay từ ban đầu cho thấy “cách hành xử khá lạ của cơ quan tố tụng” như: phong tỏa và chiếm đóng bên trong cũng như canh gác nghiêm ngặt bên ngoài cơ sở này suốt một thời gian dài nên việc luật sư tiếp xúc các thân chủ để làm các thủ tục ban đầu “rất khó khăn”, một trong các luật sư bào chữa cho VOA biết qua tin nhắn hôm 18/3, với điều kiện không nêu danh tính vì lý do an toàn.

“Khi bắt tay vào việc thì chúng tôi phát hiện thêm rất nhiều điều vô lý và vi phạm tố tụng nghiêm trọng, nhất là về cách hành xử trái phép như khám xét những nơi ở hoặc thu giữ tài sản của những người không liên quan, không rõ ràng, không có lệnh hợp pháp…”, vị luật sư bào chữa cho biết thêm.

“Đến khi có kết luận điều tra chúng tôi biết thêm rằng vụ án có quá nhiều sai phạm, thậm chí dàn dựng, ngụy tạo chứng cứ, thu thập tài liệu từ nguồn giả mạo, giám định áp đặt v.v… nên chúng tôi buộc phải làm một bản báo cáo gởi cho các cơ quan Trung ương”, luật sư cho biết thêm, đồng thời nói thêm rằng trong khi chờ phản hồi từ Trung ương thì chính quyền Long An đã nhanh chóng tiến hành xử vụ án Thiền Am một cách “thần tốc”, vẫn theo vị luật sư bào chữa.

Một trong các luật sư bị tấn công từ những tài khoản mạng xã hội và bị hăm dọa, sau đó nhóm các luật sư có xác minh, lập vi bằng và tố cáo đến cơ quan công an nhưng “không ai giải quyết, do đó nhóm luật sư thành lập kênh YouTube Nhật ký Luật sư, trong đó ghi lại hành trình của các luật sư trong nhiều vụ án, trong đó có vụ án Thiền Am và nêu những khuất tất, những bằng chứng cũng như căn cứ pháp luật”, cũng theo vị luật sư bào chữa.

Ngoài ra kênh này cũng dùng để “tố các những vi phạm tố tụng trong vụ án” như dàn cảnh vụ lừa đảo 100 triệu đồng của một cá nhân, khám thân thể trái phép một cá nhân khác, bao che hành vi côn đồ, xâm phạm chổ ở, dàn dựng xét nghiệm ADN…vị luật sư cho biết thêm.

Luật sư này cho biết thêm rằng ngoài việc bị tấn công trên mạng xã hội, nhóm luật sư còn bị nhiều đối tượng đến tận văn phòng livestream “hăm dọa” và “bị gây hấn, hành hung ngay trước cổng tòa”.

Nhóm 5 luật sư đã có đơn gửi tới Bộ Công An, Văn phòng Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao để tố cáo việc Công an huyện Đức Hòa và Công an tỉnh Long An có “dấu hiệu làm giả chứng cứ, vi phạm tố tụng” trong khi điều tra vụ án.

Các đơn tố cáo, báo cáo vụ án này được Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao chuyển về VKSND tỉnh Long An để giải quyết nhưng đến nay chưa được trả lời.

Sự việc các luật sư bị điều tra thẩm vấn này “sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm cho các luật sư khi hành nghề, đó là khi phát hiện vi phạm của các cơ quan tố tụng mà tố cáo thì sẽ bị quy chụp”, vị luật sư không nêu danh tính cho VOA biết.

Giới quan sát nhận định rằng trong bối cảnh này, việc triệu tập luật sư của Công an tỉnh Long An “có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xung đột lợi ích”.

Giới hoạt động quan ngại

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho VOA biết qua email rằng “Điều 331 là loại luật tồi tệ nhất của Việt Nam, được viết rất mơ hồ để cho phép truy tố bất kỳ hành vi nào mà chính phủ không thích, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi họ tung ra điều khoản đó để hạ bệ các luật sư”.

“Việt Nam đang truy đuổi ông Đặng Đình Mạnh vì họ đã quá mệt mỏi với việc đối mặt với ông trước tòa và việc ông vạch trần một trò hề của hệ thống tư pháp Việt Nam. Tội thực sự của ông trong con mắt của Đảng Cộng sản cầm quyền là ông ấy dám đưa ra những thách thức về nhân quyền trước cuộc đàn áp ngày càng sâu của họ đối với bất kỳ hình thức bất đồng chính kiến nào”, ông Robertson cho biết.

Đại diện của HRW đồng thời kêu gọi nhà chức trách nên hủy bỏ ngay lập tức và vô điều kiện những cáo buộc “không có thật này” đối với các luật sư nhân quyền “thẳng thắn và dũng cảm”.

Chiếc thòng lọng mang số 331

 

Hiếu Chân

Saigon Nhỏ

 

 

Điều 331 bộ luật Hình sự (BLHS) như một chiếc thòng lọng tròng vào cổ nhân dân, sẵn sàng bóp nghẹt mọi tiếng nói phản kháng của lương tri trước những vấn nạn của xã hội.

Bà Nguyễn Phương Hằng, CEO công ty Đại Nam ở tỉnh Bình Dương, bị bắt giam hồi Tháng Ba năm ngoái vì can tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, quy định tại Điều 331 bộ luật Hình sự.”

Điều 331 BLHS 2015, tiền thân là điều 258 đầy tai tiếng trong BLHS 1999, viết như sau:

  1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
  2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Hành vi phạm tội của bà Hằng, theo kết luận điều tra của Công an TPHCM, là trong các buổi phát trực tiếp trên mạng xã hội (livestream) kể từ Tháng Ba năm 2021, bà đã nói nhiều điều xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ảnh hưởng uy tín và xâm phạm đời tư nghệ sĩ hài Hoài Linh, các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Vy Oanh, Thủy Tiên, cầu thủ bóng đá Công Vinh, nhà báo Hàn Ni và nhà báo Nguyễn Đức Hiển. Những buổi livestream của bà Hằng thu hút hàng triệu lượt người xem, trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội.

 

Bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt ngày 24 tháng Ba năm ngoái theo điều 331 BLHS. Ảnh từ mạng xã hội

Đến nay vụ án bà Hằng đã có kết luận điều tra nhưng chưa đưa ra tòa xét xử. Cùng bị truy tố với bà Hằng có một số nhân viên của bà ở Công ty Đại Nam; mới vừa bị bắt có ông tiến sĩ luật Đặng Anh Quân, giảng viên Đại học Luật TP HCM, người xuất hiện bên bà Hằng trong nhiều buổi livestream của bà.

Câu chuyện bà Hằng trở nên nóng sau khi công an bắt bà Đặng Thị Hàn Ni, tức nhà báo Hàn Ni của báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 24 Tháng Hai 2023 vừa qua. 

Bà Hàn Ni là một trong chín “nạn nhân” đã tố cáo bà Hằng “xâm phạm đời tư” trong các buổi livestream kể trên. Oái ăm là ở chỗ, bà Hàn Ni cũng bị cáo buộc vi phạm điều 331 BLHS như bà Phương Hằng, bị bà Hằng và chồng bà ta là ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng Lò vôi) tố cáo bà đăng nhiều đoạn video trên kênh YouTube những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của gia đình ông bà Dũng-Hằng, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Công ty CP Đại Nam (Bình Dương) và Quỹ từ thiện Hằng Hữu.

Cùng bị bắt với bà Hàn Ni – mà ngoài nghề viết báo còn là một luật sư – còn có luật sư Trần Văn Sĩ, cựu chủ nhiệm Đoàn luật sư Vĩnh Long bị bắt hôm 26 Tháng Hai và ông Sĩ cũng bị cáo buộc vi phạm điều 331 bộ luật Hình sự. Được biết, ông Sĩ là chủ kênh YouTube mang tên ông, có 124,000 người ghi danh theo dõi, trong đó có một số video bình luận vụ bà Nguyễn Phương Hằng từ trước khi bà này bị bắt.

Rốt cuộc người bị hại và người gây hại cứ lộn tùng phèo trong cái mũ to rộng là điều 331 bộ luật Hình sự; ai cũng là nạn nhân và thủ phạm. Tuy vậy, theo dõi sự việc từ đầu, chúng ta vẫn có thể nhìn ra một số hiện tượng mà truyền thông của nhà nước không trình bày hết được.

Nhà báo Đặng Thị Hàn Ni (áo đỏ bên trái) và luật sư Đặng Anh Quân (áo trắng) bị bắt hôm 24 tháng Hai 2023 cũng theo điều 331 BLHS. Ảnh Thanh Tuyền/Thanh Niên.

1.

Đầu tiên như một số bình luận viên trên mạng đã chỉ ra, việc cáo buộc những người này vi phạm điều 331 BLHS là việc làm khiên cưỡng. 

Điều 331 BLHS là một điều luật hết sức mơ hồ, xưa nay được sử dụng làm công cụ để trấn áp, bỏ tù những người bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền, nói lên tiếng nói của lương tâm trước những bất công đầy rẫy của xã hội. Nhưng tại sao bây giờ nhà cầm quyền lại sử dụng điều luật vi hiến, bất nhân đó cho những người không có dấu hiệu phản đối đảng và chính quyền cộng sản? 

Dù thu hút được đám đông và tạo thành một hiện tượng xã hội, hành vi của những người này, cả bà Hằng và bà Hàn Ni, nói cho cùng cũng chỉ là một vụ cãi vã to tiếng, hai bên đều lôi kéo những người cộng sự và khán giả, lôi cả một số luật sư vào cuộc để “cố vấn pháp lý”. Hai bên, nhất là bà Hằng, đã dùng những ngôn từ kích động để bôi nhọ, mạt sát những người thuộc phe đối phương, nặng nề đến mức cả hai bên đều có đơn tố giác tới cơ quan công an, buộc tội phía bên kia.

Luật sư Trần Văn Sĩ bị bắt theo điều 331 BLHS vì hành vi lên mạng phản đối cách hành xử chậm chạp khó hiểu của công an trong các vụ án bà Phương Hẳng và Tịnh thất Bồng Lai. Ảnh FB Trần Văn Sĩ

Dù vậy, cuộc cãi vã to tiếng và kéo dài chỉ là một vụ xung đột dân sự, và đã có những điều luật quy định việc xử lý các hành vi như vậy. Nếu phạm tội xúc phạm người khác thì đã có tội “Làm nhục người khác” quy định tại điều 155 BLHS với mức hình phạt lên tới 05 năm tù giam; nếu tố cáo vô căn cứ, đã có tội “Vu khống” theo điều 156, với mức hình phạt lên tới 07 năm tù giam… Vụ án bà Phương Hằng và bà Hàn Ni có thể xem xét theo các điều luật này, không cần phải viện đến điều 331 mơ hồ và nặng tính chất chính trị.

Suy cho cùng, Việt Nam không phải là quốc gia có tự do dân chủ để người dân có thể lợi dụng để phạm pháp như cáo buộc của cơ quan điều tra. Vậy tại sao chính quyền cộng sản lại áp dụng điều 331 BLHS, thực chất của các vụ án này là cái gì?

2.

Bà Phương Hằng làm livestream từ Tháng Ba 2021 cho đến khi bị bắt vào Tháng Ba 2022, kéo dài suốt một năm trời, “xâm phạm lợi ích” của hàng chục cá nhân và tổ chức, kể cả hệ thống báo chí quốc doanh của nhà nước, nhưng các cơ quan chính quyền hầu như đều im lặng, không có biện pháp nhắc nhở hay chấn chỉnh những phát ngôn quá khích của bà ta. Dư luận đã có lúc đồn rằng, bà Hằng có người chống lưng, được cơ quan tuyên giáo của đảng CSVN bí mật sử dụng các buổi livestream của bà Hằng để tấn công một số người, một số hành vi mà đảng chưa kiểm soát được.

Cú ngã của bà Hằng đẩy bà vào vòng lao lý là khi bà “thừa thắng xông lên”, buông lời miệt thị không có căn cứ chống lại ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch thành Hồ, trong cú livestream sau cùng, chỉ hai ngày trước khi bà bị bắt.

Bà Hàn Ni có thời là nhà báo danh nổi như cồn nhờ vụ viết bài bảo vệ quán phở – cà phê Xin Chào trước cổng trụ sở Công an huyện Bình Chánh, Sài Gòn, lúc đó đang bị ông trưởng công an huyện buộc phải dẹp tiệm để người nhà của ông ta mở quán kinh doanh. Sau loạt bài của bà Hàn Ni, ông trưởng công an bị kỷ luật theo lệnh của ông Đinh La Thăng, lúc đó là Bí thư Thành ủy TPHCM – người được biết đã ủng hộ bà Hàn Ni của báo đảng Sài Gòn Giải Phóng. Truyền thông quốc doanh ca ngợi quyết định “hợp lòng dân” của ông Bí thư Thăng, và tán dương nhà báo Hàn Ni là “bông hồng thép”, là “hiệp sĩ công luận” v.v… Thế rồi Đinh La Thăng vào tù đếm kiến, không còn ai nhắc tới “người dũng cảm đi tìm công lý” năm xưa nữa.

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen