Trần Cảnh Chân
(VNTB) – Mất 450 năm mới xây được lâu đài 60 tỷ với lương đại tá
Mạng xã hội đang lan truyền nhiều hình ảnh về buổi tiệc mừng được thăng quân hàm Thiếu tướng của ông Phạm Bá Hiền, Tư lệnh Binh đoàn 16 Bộ Quốc phòng. Đáng chú ý, buổi tiệc được tổ chức tại siêu biệt phủ của cụ bà bán rau tại xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Trước đó đã có nhiều bài báo cho rằng căn biệt phủ này xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
Lễ ăn mừng xa hoa
Ông Phạm Bá Hiền được bộ trưởng bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trao quyết định thăng quân hàm Thiếu tướng vào ngày 12/05. Sau đó báo chí Hà Tĩnh đã có bài viết cho rằng đây là niềm vinh dự và tự hào của tỉnh này. Đến chiều 3/6, cả hệ thống chính trị tỉnh Hà Tĩnh đã đến chúc mừng tướng Hiền.
Đoàn chúc mừng gồm nhiều lãnh đạo cao cấp của Hà Tĩnh như bí thư tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, phó bí thư thường trực tỉnh ủy Trần Thế Dũng, chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, trưởng ban nội chính tỉnh uỷ Nguyễn Đình Hải, phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh và lãnh đạo bộ chỉ huy quân sự tỉnh, bộ đội biên phòng tỉnh, công an tỉnh… Nhân dịp này, thiếu tướng Phạm Bá Hiền cũng đã trao tặng 200 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học tỉnh Hà Tĩnh.
Sau đó phái đoàn lãnh đạo này di chuyển thêm 10km để tới nhà của tư lệnh binh đoàn 16 để tiếp tục dự tiệc mừng do thiếu tướng Hiền chiêu đãi. Ngoài sự có mặt của những quan chức tỉnh, còn xuất hiện nhiều lẵng hoa chúc mừng của “nhiều bên liên quan” được dựng khắp từ đầu cổng tới sân nhà tân thiếu tướng. Từ đó lộ ra câu chuyện cụ bà bán rau xây biệt phủ thực tế là mẹ của ông tư lệnh này.
Lâu đài trái phép của bà bán rau được lãnh đạo địa phương âm thầm thông qua
Căn biệt phủ này từng gây xôn xao dư luận hồi năm 2018 khi được báo Phụ Nữ Today ví như “lâu đài” của công chúa Disney. Cũng theo tờ báo này, căn biệt phủ được xây nên bởi người phụ nữ tần tảo bán rau suốt 30 năm, đó là bà Từ Thị Loan, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Thông tin cho biết “bà là vợ liệt sĩ, sống một mình, thỉnh thoảng bà thường trồng rau; sau đó mang ra chợ bán rau nuôi con dành dụm từng đồng, từng cắc để về già xây hẳn biệt thự hơn 60 tỷ đồng”.
Còn theo báo điện tử Bảo vệ pháp luật (cơ quan của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao) thì toà lâu đài này được xây dựng trái phép từ năm 2018. Căn biệt phủ này được kéo hẳn một hệ thống đường điện riêng, song song với đường điện 3 pha của cả thôn Đông Thắng phục vụ cung cấp điện riêng. Chủ nhân tòa nhà này đã đầu tư hàng tỷ đồng để kéo hẳn một hệ thống điện từ đường dây 22KVhạ thế xuống 220V, cường độ là 0,6 thông qua trạm biến thế.
Bà Loan đã chiếm dụng bất hợp pháp và xây dựng hệ thống móng, tường bao quanh một khu đất rộng 3.262 m2. Khu đất này vốn là đất nông nghiệp trồng lúa, được bà Loan lập đề án xin chuyển đổi mục đích sử dụng sang nuôi trồng thủy sản (nhưng thời điểm 2018 thì vẫn chưa được duyệt). Như vậy tại thời điểm xây dựng thì công trình này là bất hợp pháp.
Theo bài báo này thì “việc xây dựng này cũng đã diễn ra lâu dài, giữa ‘thanh thiên bạch nhật’ chứ không lén lút trong ngày một ngày hai. Trong khi đó chính quyền địa phương dù biết đất chưa được đồng ý chuyển đổi nhưng lại “làm ngơ”, mặc kệ bà Loan xây dựng.
Mất 450 năm mới xây được lâu đài 60 tỷ với lương đại tá
Như thông tin ở trên, để ăn mừng lần thăng hàm này, thiếu tướng Phạm Bá Hiền, tư lệnh Binh đoàn 16 cũng đã trao tặng 200 triệu đồng cho Quỹ Khuyến học tỉnh Hà Tĩnh. Dư luận đặt câu hỏi với mức lương đại tá khoảng 10-12 triệu/tháng (tính trung bình những năm gần đây, khi ông Hiền chưa được thăng hàm) thì để có thể tặng 200 triệu học bổng này ông Hiền phải nhịn ăn nhịn uống trong 20 tháng.
Nếu toà lâu đài 60 tỷ do bà Loan bán rau tích cóp trong 30 năm như thông tin từ báo chí thì mỗi năm bà phải bán lời được 2 tỷ. Mỗi ngày tiền rau phải bán được 5,5 triệu, không ăn không uống thì mới đủ xây. Còn nếu ông tư lệnh dốc hầu bao xây lâu đài cho mẹ thì với mức lương đại tá trước đây, ông phải nhịn ăn, nhịn uống, cắt mọi chi tiêu trong khoảng 450 năm thì mới đủ. Trong khi đó ông Phạm Bá Hiền chỉ mới 51 tuổi (sinh năm 1972).
Nhắc lại câu chuyện tại lễ thăng hàm, thiếu tướng Phạm Bá Hiền khẳng định sẽ “tuyệt đối trung thành với đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; luôn kiên định, vững vàng với mục tiêu, lý tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nguyện suốt đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; ra sức tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giữ vững, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ và truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam”.
Vậy ông thiếu tướng đã học tập được những gì mà có số tiền khủng như vậy? Noi theo tấm gương nào mà xây dựng biệt phủ trái phép như vậy? Tu dưỡng, rèn luyện, học tập như thế nào mà tổ chức tiệc tùng xa hoa rình rang như vậy? Những câu hỏi lớn, có thể đảng và nhà nước không trả lời được, nhưng người dân thì thừa biết câu trả lời.
Chứng cớ sờ sờ ra đấy…
6-6-2023
Hơn 100 năm ở Việt Nam, thực dân Pháp xây nhiều dinh cơ để làm việc, nhiều biệt thự để làm nơi ở. Những công trình đó vẫn còn ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Sài Gòn và nhiều nơi khác. Tất cả đều sử dụng chi phí của nhà nước thuộc địa, hầu như rất ít của tư nhân. Thời Việt Nam Cộng Hoà ở miền Nam, tướng tá cũng nhiều nhưng chẳng mấy người có nhà to, đa số đều ở nhà công vụ, cư xá sĩ quan hay khu gia binh.
Cũng có người có nhà riêng nhưng không xây dựng to lớn như toà lâu đài của quý tộc châu Âu như căn nhà của vị Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam ở Hà Tĩnh vừa được báo chí nhắc tới. Nghe nói toà lâu đài này do thân mẫu của Thiếu tướng hàng ngày đạp xe đi bán rau đứng tên.
Hay thật! Bán rau mà cũng có hàng trăm tỷ để xây nhà. Lương Thiếu tướng bao nhiêu một tháng, con số đấy ai cũng biết, chẳng phải là điều bí mật gì. Thế thì ông tướng đó lấy tiền đâu mà làm căn nhà kinh thế. Bán rau làm gì tiền nhiều thế! Lương tướng cũng đâu lắm thế? Kết luận lại căn nhà này hình thành từ nguồn tiền nào? Câu hỏi mà ai cũng trả lời được mà sao cái lò vĩ đại đến giờ vẫn chưa lên lửa?
Ngày xưa, kẻ ăn hối lộ, tham nhũng giấu của cải, vàng bạc thâu tóm được như mèo giấu cứt. Giờ đây thì khác rồi, cán bộ tha hồ khoe của, nào biệt thự, nào xe, nào con cái đi học nước ngoài, vợ toàn sắm hàng hiệu, nào những cuộc ăn chơi, du hí còn hơn những tay tư bản của các nước giàu. Chỉ mới lên tướng mà đã tài sản như thế, thử hỏi các cấp cao hơn còn giàu có đến đâu? Đất nước nghèo mãi là đúng quá rồi. Phúc lợi đáng ra chia đều cho mọi người, nay chỉ một nhóm chia chác nhau, hỏi sao dân không khổ.
Dân ốm đau vào bịnh viện nằm ba, bốn người một giường, người bịnh không có tiền mua thuốc, có người bán máu để mua sách cho con đi học, nhiều gia đình không có mái lều để ở, sống vạ vật qua ngày. Hàng ngàn công nhân bị cho nghỉ việc, kéo theo hàng ngàn gia đình lâm vào cảnh bế tắc. Những đứa bé vùng cao đến trường với bụng trống và manh áo tả tơi trong cơn gió lạnh. Cũng có những đứa trẻ đến lớp bằng bao nilon trùm đầu nín thở qua sông, suối vì làng xã chẳng có cầu. Biết bao người dân đang khó nhọc vì vật giá tăng, xăng tăng, điện tăng, tất cả đều lên giá mà đồng lương mãi còm cõi.
Thế nhưng những biệt phủ, những biệt thự sang trọng của các lãnh đạo liên tiếp mọc lên. Những đồng tiền thu được vẫn hàng ngày vẫn được xài như giấy. Hố sâu giàu nghèo càng lúc càng lớn, bất công càng ngày càng nhiều. Và từ đó dân mất lòng tin. Chứng cớ sờ sờ ra đấy, chẳng cần thanh tra, điều tra cũng có kết quả. Sao những ngôi nhà vẫn lừng lững giữa trời như những mũi dao đâm vào ngực dân đen, như cái gai trong mắt những người khốn khổ.
Những biệt thự như thế càng nhiều, dân đen càng mãi đói nghèo và tiền đồ còn tối đen hơn kiếp nạn của chị Dậu ngày xưa.
Tướng đúng là có ‘giá’, chỉ chưa rõ… bao nhiêu?
2023.06.06
Những thông tin liên quan đến Thiếu tướng Phạm Bá Hiền – Tư lệnh Binh đoàn 16 của Bộ Quốc phòng Việt Nam buộc người ta phải đặt câu hỏi: “Thiếu tướng” giá bao nhiêu và dân chúng Việt Nam đã, đang cũng như sẽ còn phải trả thêm những gì cho việc mua quan bán tước như thế?
***
Người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ đang chuyển cho nhau xem thông tin, hình ảnh liên quan đến việc ông Phạm Bá Hiền – Tư lệnh Binh đoàn 16 vừa được… “vinh thăng” từ đại tá lên thiếu tướng. Tuy hình ảnh không nhiều nhưng cũng đủ lột tả sự sang trọng của gia đình ông thiếu tướng, đối tượng sở hữu một lâu đài tọa lạc ở xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh: Hai bên con đường lát đá dài hàng trăm thước dẫn vào lâu đài của ông Hiền phủ đầy những giá cắm đủ lọai hoa đắt tiền do thiên hạ gửi đến chúc mừng. Sân của tư dinh cũng đầy hoa tươi và rất nhiều bàn ăn đã được bày biện sẵn để đón khách đến chia vui với tân thiếu tướng (1)…
Tuy không ít người thắc mắc, tại sao tư dinh của một sĩ quan quân đội lại đồ sộ, sang trọng đến như vậy nhưng theo nhiều người sử dụng mạng xã hội, chuyện thâu tóm đất xây lâu đài đã từng được tờ Bảo Vệ Pháp Luật (BVPL) đề cập hồi tháng 5/2018 vì biến đất nông nghiệp thành thổ cư rồi dựng lâu đài mà không có bất kỳ loại giấy phép nào (2).
Vào thời điểm đó (2018), đơn khiếu nại, thư tố cáo đã gửi đi khắp nơi và tờ BVPL chỉ là một trong những nơi tiếp nhận để thực hiện “điều tra theo khiếu nại tố cáo của bạn đọc”. Chẳng lẽ chuyện chính quyền địa phương nhất loạt làm ngơ, khi bị chất vấn thì xã chuyền trách nhiệm cho huyện, huyện chuyền trách nhiệm cho tỉnh, rồi tỉnh hất trách nhiệm về lại cho huyện, xã là bình thường? Chẳng lẽ điều mà ông Phan Văn Hợp – Phó Chủ tịch xã Mai Phụ vào thời điểm đó thú nhận với tờ BVPL: Đã đủ cơ sở làm được ngôi nhà hàng trăm tỷ như thế thì biết tiềm lực tầm cỡ như thế nào rồi. Không lập biên bản đình chỉ khi biết việc sai phạm là vì không ai dám ký vào biên bản sai phạm đó – không đáng phải bận tâm dù khi giương ngọn cờ “chống tham nhũng, tiêu cực”, từ Tổng Bí thư trở xuống đã thề “không chấp nhận vùng cấm, ngoại lệ, bất kể đó là ai”?
Ai tin một cụ bà 78 tuổi chỉ… “trồng rau, thỉnh thoảng đạp xe mang ra chợ bán” đủ khả năng tài chính để thâu tóm đất, xây dựng lâu đài với khuôn viên khoảng… 3.000 mét vuông? Vì sao không ai đếm xỉa đến thắc mắc mà tờ BVPL thay mặt công chúng nêu ra: Lâu đài có phải là tài sản của cậu quý tử là “đại tá của Binh đoàn 16, Bộ Quốc phòng”?
***
Tháng 11 năm 2022 – bốn năm sau khi tờ BVPL dựa trên khiếu nại, tố cáo của dân chúng địa phương thực hiện bài “Cụ bà 78 tuổi thỉnh thoảng ra chợ bán rau… xây biệt thự khủng?” như vừa đề cập, ông Phan Văn Giang – Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng – công bố “quyết định điều động Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuấn – Tư lệnh Binh đoàn 16 về Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Quân ủy Trung ương (QUTƯ) và bổ nhiệm Đại tá Phạm Bá Hiền, Phó Tư lệnh Binh đoàn 16 làm Tư lệnh Binh đoàn 16” (3).
UBKT của QUTƯ làm như không biết gì về dư luận, UBKT của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng làm như không biết gì về dư luận và Bộ Quốc phòng cũng làm như không biết gì nên việc bổ nhiệm ông Hiền làm Tư lệnh Binh đoàn 16 là mở đường cho ông Hiền trở thành “Thiếu tướng” theo… Luật Sĩ quan quân đội nhân dân.
Đúng sáu tháng sau, tin này được loan báo rộng rãi: “Chiều 12/5/2023, tại Bộ Quốc phòng, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang – Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao quyết định thăng quân hàm Thiếu tướng cho đồng chí Phạm Bá Hiền – Tư lệnh Binh đoàn 16. Thiếu tướng Phạm Bá Hiền quê quán tỉnh Hà Tĩnh. Quá trình công tác trong quân đội, Thiếu tướng Phạm Bá Hiền từng đảm nhiệm nhiều cương vị chỉ huy, quản lý. Trong quá trình công tác, Thiếu tướng Phạm Bá Hiền được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3, Bằng khen của Chính phủ, Bộ Quốc phòng và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc cùng nhiều phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước. Từ tháng 12/2014 đến tháng 10/2022, đồng chí giữ chức vụ Phó Tư lệnh Binh đoàn 16. Trước đó, ngày 18/11/2022, đồng chí Phạm Bá Hiền được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Binh đoàn 16” (4).
Dường như “Thiếu tướng” Phạm Bá Hiền… “vinh quy bái tổ” vào đầu tháng 6/2023 vì vào ngày 3/6/2023, báo Hà Tĩnh loan báo: “Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng đã chủ trì cuộc gặp mặt, chúc mừng Thiếu tướng Phạm Bá Hiền – Tư lệnh Binh đoàn 16 nhân dịp đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Trưởng ban Nội chính Tỉnh uỷ Nguyễn Đình Hải, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Tú Anh và lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh, BĐBP tỉnh, Công an tỉnh cùng dự. Tại cuộc gặp mặt, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng gửi lời chúc mừng Thiếu tướng Phạm Bá Hiền – Tư lệnh Binh đoàn 16, đồng thời khẳng định, đây không chỉ là niềm vinh dự của cá nhân, gia đình đồng chí mà còn là niềm vinh dự, tự hào của quê hương Hà Tĩnh” (5).
Chẳng lẽ Bí thư, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh Hà Tĩnh không ai biết điều mà tháng 5/2018, ông Phan Tiến Dũng – Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Hà phân trần với tờ BVPL khi bị chất vấn tại sao lại để cụ bà Từ Thị Loan “thỉnh thoảng đạp xe ra chợ bán rau” thâu tóm biến vài ngàn mét vuông đất nông nghiệp thành đất thổ cư rồi xây lâu đài về cậu quý tử của cụ: “Ông là Đại tá làm trong Binh đoàn 16. Trước đó, anh này vẫn làm buôn bán, thị trường vải trong Sài Gòn sau mới sáp nhập vào công ty của Bộ Quốc Phòng. Khi sáp nhập thì bắt đầu anh này mới nhảy sang quân đội. Tiền để làm những căn nhà này thì bình thường, trong Sài Gòn còn rất nhiều nhà như ở đây”.
Đó là lý do dẫu có rất nhiều cơ quan truyền thông loan báo việc Đại tá Phạm Bá Hiền được vinh thăng “Thiếu tướng” nhưng phần “tiểu sử” của “đồng chí” tân “Thiếu tướng” mà các cơ quan truyền thông này đã đưa lại giống hệt nhau ở chỗ rất chung chung về “quá trình công tác trong quân đội” của “Thiếu tướng Phạm Bá Hiền”, thiên hạ chỉ biết “đồng chí” đã “từng đảm nhiệm nhiều cương vị chỉ huy, quản lý”? Chắc chắn ông Hiền – nhân vật mà láng giềng ở quê hương khẳng định chỉ… “buôn bán”, lĩnh vực… “công tác” chính là… “thị trường vải trong Sài Gòn” đã tìm ra lối để trở thành sĩ quan lực lượng vũ trang nhân dân giống như những Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc – quân đội), Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm – công an). Tuy nhiên ông Hiền vượt xa những “Út Trọc”, “Vũ Nhôm” khi trở thành “Tư lệnh Binh đoàn” và nhận thêm cấp bậc… “Thiếu tướng”.
Các vụ án hình sự liên quan đến những “Út Trọc”, “Vũ Nhôm”,… cho thấy con đường trở thành sĩ quan lực lượng vũ trang không khó nếu chịu… chi và quan trọng hơn chịu làm… “bình phong” cho các ông tướng. Những “Út Trọc”, “Vũ Nhôm”,… chỉ trèo tới… “Thượng tá” thì… “gãy”. Chưa rõ ông Hiền sẽ ra sao nhưng chắc chắn không phải tự nhiên mà lãnh đạo Hà Tĩnh tụ tập để chúc mừng ông nhân dịp ông “vinh quy bái tổ”, khẳng định ông là… “niềm vinh dự, tự hào của quê hương Hà Tĩnh”!
___________
Tham khảo:
3. https://kiemsat.vn/dai-ta-pham-ba-hien-giu-chuc-vu-tu-lenh-binh-doan-16-bo-quoc-phong-64826.html
Tướng đúng là có ‘giá’, chỉ chưa rõ… bao nhiêu? (Phần 2)
2023.06.06
Cứ như điều tra theo đơn khiếu nại, thư tố cáo từ độc giả của tờ Bảo Vệ Pháp Luật (BVPL) thì ông Phạm Bá Hiền – tân Thiếu tướng, Tư lệnh Binh đoàn 16 vốn chỉ thạo… “buôn bán”, lĩnh vực… “công tác” chính là… “thị trường vải ở Sài Gòn”. Cứ như ông Phan Tiến Dũng – Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Hà (nơi “chôn nhau cắt rốn” của ông Hiền) cung cấp cho tờ BVPL hồi năm 2018 thì ông Hiền trở thành sĩ quan quân đội sau khi doanh nghiệp tư nhân “sáp nhập với công ty của Bộ Quốc phòng” (1). Chưa rõ sau bao nhiêu năm thì ông Hiển trở thành đại tá, chỉ biết Đại tá Phạm Bá Hiền – Phó Tư lệnh Binh đoàn 16 được bổ nhiệm làm Tư lệnh binh đoàn này vào tháng 11/2022 và sáu tháng sau thì Đại tá Hiền trở thành Thiếu tướng.
Tiếng là… “binh đoàn” nhưng Binh đoàn 16 chỉ là một doanh nghiệp được dán nhãn “kinh tế quốc phòng” nên còn có… tên giao dịch là “Tổng Công ty 16”. Lĩnh vực kinh doanh của “Tổng Công ty 16” là “giúp xây dựng các khu kinh tế kết hợp với quốc phòng, khu dân cư xã hội trên địa bàn vùng sâu, xa, miền núi, dân tộc dọc tuyến biên giới Tây Nam Tổ quốc thuộc tỉnh Bình Phước, tỉnh Đắk Nông và tỉnh Đắk Lắk”. Nếu giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam không ủng hộ giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng – duy trì chủ trương “quân đội làm kinh tế”, khẳng định chủ trương này là “đúng đắn”, là “đặc thù của quân đội nhân dân Việt Nam” thì đội ngũ tướng lãnh của quân đội nhân dân Việt Nam không có những ông tướng như Thiếu tướng Phạm Bá Hiền.
Trước mắt, Binh đoàn 16 hay “Tổng Công ty 16” chưa bị xác định là có… “vấn đề”. Trong tương lai chưa rõ gần hay xa, muốn biết “binh đoàn” này có… “vấn đề” hay không thì phải chờ Ủy ban Kiểm tra (UBKT) của Quân ủy Trung ương (QUTƯ) hay UBKT của Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng… tuyên bố. Cần phải lưu ý là Thiếu tướng Phạm Ngọc Tuấn – cựu Tư lệnh Binh đoàn 16 – vừa được điều động về UBKT của QUTƯ cách nay chừng sáu tháng nên ngày Binh đoàn 16 hay “Tổng Công ty 16” bị xác định là có… “vấn đề” có lẽ phải… chờ thêm! Chưa bị xác định là có… “vấn đề” khác hoàn toàn với không có… “vấn đề”. Muốn biết Binh đoàn 16 hay “Tổng Công ty 16” có… “vấn đề” hay không thì cứ nhìn vào lâu đài đã hoàn thiện từ 2018 nhưng đứng tên thân mẫu của ông Hiền – người “thỉnh thoảng đạp xe mang rau ra chợ bán”.
***
Trên thực tế, “vấn đề” đã trở thành chuyện bình thường đối với các đơn vị được dán nhãn “kinh tế quốc phòng”. Chẳng hạn Binh đoàn 15 hay “Tổng Công ty 15” – một đại đơn vị đảm trách việc “xây dựng thế trận an ninh, quốc phòng ở khu vực biên giới phía bắc Tây Nguyên”, trong khi Binh đoàn 16 đảm nhận nhiệm vụ tương tự ở phía Nam Tây Nguyên. Theo những thông tin mà VOA từng tổng hợp về Binh đoàn 15 thì “binh đoàn” này có khoảng mười… công ty, một sư đoàn, hai trung đoàn (còn gọi là Đoàn Kinh tế – Quốc phòng), có quân y viện, trường dạy nghề và một lô nhà máy, trại sản xuất, khách sạn, chi nhánh ở cả Việt Nam, Campuchia và hơn xa Binh đoàn 16 vì được trao tặng cả danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, lẫn danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới”.
Tháng 3 năm 2020, Binh đoàn 15 nổi như… cồn sau khi Cục Điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng thi hành lệnh tạm giam hai đại tá: Đỗ Văn Sang (Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Binh đoàn 15) và Phạm Văn Giang (Chỉ huy trưởng kiêm Giám đốc Công ty 72). Công ty 72 là một doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty 15 đồng thời là… một đơn vị của Binh đoàn 15. Giống như Binh đoàn 15, chỉ… dùng công thổ và ngân sách dành cho quốc phòng khai thác mủ cao su, cà phê mà được phong tặng danh hiệu… “anh hùng”, Công ty 72 cũng được tặng… Huân chương Bảo vệ tổ quốc Hạng nhì (3). Hai ông đại tá, một là Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Binh đoàn 15 và một là Chỉ huy trưởng kiêm Giám đốc Công ty 72 bị bắt vì liên quan đến việc mua giống cao su với giá cao gây thiệt hại 12 tỷ và thiếu trách nhiệm khi ký hợp đồng mua đất ở Campuchia khiến hoạt động canh tác không hiệu quả, có nhiều khả năng sẽ mất hàng nghìn héc ta đất, trị giá 39 tỷ đồng (4),… Tuy nhiên đó chỉ là kết quả kiểm tra sơ bộ của UBKT của QUTƯ.
Còn kết quả kiểm tra của UBKT thuộc BCH TƯ đảng khóa trước xác định, sai phạm ở Binh đoàn 15 xảy ra cách nay hàng chục năm và trên diện rộng, cho nên đến tháng 9/2020, UBKT của BCH TƯ Đảng CSVN mới công bố quyết định kỷ luật hàng loạt lãnh đạo Binh đoàn 15 và các đơn vị – doanh nghiệp trực thuộc “binh đoàn” – tổng công ty này: Cách chức Phó Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 15 nhiệm kỳ 2010 – 2015 của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang (cựu Phó Bí thư Đảng ủy, cựu Tư lệnh Binh đoàn 15). Cảnh cáo: Thiếu tướng Đặng Anh Dũng (cựu Phó Bí thư Đảng ủy, cựu Tư lệnh Binh đoàn 15). Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọ (cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Chính ủy Binh đoàn 15). Đại tá Hà Sơn Hải (cựu Phó Bí thư Đảng ủy, cựu Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tổng Công ty Sông Thu). Khiển trách: Đại tá Đường Công Luận (cựu Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, cựu Phó Tư lệnh Binh đoàn 15). Đại tá Trần Quang Hùng (cựu Phó Bí thư Đảng ủy, cựu Giám đốc Công ty 74). Đại tá Đỗ Vinh Quốc (cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Phó Giám đốc Công ty Bình Dương). Đại tá Phạm Hồng Nam (cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Chính ủy Xí nghiệp liên hợp Sông Thu kiêm Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Sông Thu). Đại tá Nguyễn Xuân Tình (cựu Trợ lý Phòng Quản lý dự án đầu tư, Bộ Tham mưu, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng).
Trong Thông cáo báo chí về Kỳ họp thứ 48, UBKT của BCH TƯ khóa trước chỉ giải thích chung chung rằng những viên tướng, viên đại tá là lãnh đạo Binh đoàn 15 – Tổng Công ty 15 và lãnh đạo các doanh nghiệp – đơn vị thuộc Tổng Công ty 15 – Binh đoàn 15 bị kỷ luật vì “vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh; mua sắm tài sản, trang thiết bị; thực hiện dự án đầu tư và quản lý, sử dụng đất đai” (5), chứ không cho biết những “vi phạm, khuyết điểm” này cụ thể thế nào, gây thiệt hại bao nhiêu… tỷ?! Tuy nhiên, có một điểm tương đồng, cần lưu ý: Các đơn vị – doanh nghiệp trực thuộc Binh đoàn 15 – Tổng Công ty 15 mà lãnh đạo mới bị kỷ luật cũng là những đơn vị – doanh nghiệp… “anh hùng”! Công ty 74 là đơn vị – doanh nghiệp được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới” năm 2010 (6)! Tổng Công ty Sông Thu là đơn vị – doanh nghiệp được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới” năm 2016 (7)! Chưa hết, ngoài Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang – được ca ngợi là “vị tướng hai lần anh hùng”, vừa bị cách chức do “vi phạm, khuyết điểm” trong giai đoạn dẫn dắt Binh đoàn 15 trở thành… “đơn vị anh hùng”. Lần này còn có thêm một “Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới” là Đại tá Trần Quang Hùng, bị… kỷ luật vì những “vi phạm, khuyết điểm” khi lãnh đạo Công ty 74 – một “đơn vị anh hùng” khác (8)!
***
Nếu so sánh thời điểm lâu đài của thân mẫu ông Hiền khuấy động dư luận và những thắc mắc của công chúng về quý tử của cụ bà “thỉnh thoảng đạp xe mang rau ra chợ bán” là “Đại tá, Binh đoàn 16” (2018), với thời điểm UBKT của cả QUTƯ lẫn UBKT của BCH TƯ đảng xem xét xử lý sai phạm của hàng loạt tướng tá lãnh đạo Binh đoàn 15 – Tổng Công ty 15 (2020), ắt sẽ thấy… “vấn đề” không nằm ở chuyện có… “vấn đề” hay không mà nằm ở… chỗ khác.
Đâu phải tự nhiên ông Hiền không những “bình an, vô sự” mà còn “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” vào hàng ngũ tướng lãnh lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Những “Út Trọc”, “Vũ Nhôm”,… đã chứng minh sĩ quan lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là thứ có thể bỏ tiền ra mua. Nên gọi chuyện các hệ thống từ chính trị đến công quyền vừa không ngừng bi bô về “công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực”, dứt khoát “không chấp nhận vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”, vừa dung dưỡng các cá nhân bất chấp điều tiếng, bất kể những dấu hiệu đáng ngờ phơi bày giữa thanh thiên bạch nhật, tích cực “tạo điều kiện” cho “đồng chí” Phạm Bá Hiền vượt qua tất cả các “chốt chặn” (Bộ Quốc phòng, Chính phủ, Nhà nước) nhằm kiểm tra cả năng lực lẫn tư cách của một cá nhân trước khi phong tướng là gì? Chẳng lẽ “quyết liệt” rồi… “trong sạch, vững mạnh” nằm ở chỗ tướng cũng có có… “giá” và chỉ mất “giá” khi không còn chỗ chỗng lưng?
_____________
Tham khảo:
7. https://www.qdnd.vn/phong-su-anh/tong-cong-ty-song-thu-don-nhan-danh-hieu-anh-hung-lao-dong-470642
Scandal ‘Phạm Bá Hiền’ – ‘cả hệ thống chính trị’ đã… ‘vào cuộc’
Trân Văn
16-6-2023
Nhờ tờ Tiền Phong “vào cuộc” nên công chúng mới biết thêm, việc gia đình ông Hiền tổ chức liên hoan rầm rộ không chỉ một buổi mà là… “Mở tiệc nhiều ngày để chúc mừng và mời bà con lối xóm đến dự, không nhận tiền của ai cả…”
Giới lãnh đạo đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ ở Việt Nam thường tuyên bố… “cả hệ thống chính trị vào cuộc” để nhấn mạnh quyết tâm và khẳng định nỗ lực nhằm thực hiện điều gì đó. “Cả hệ thống chính trị vào cuộc” ra đời khi “công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực” được hứa hẹn là sẽ… “đồng bộ, quyết liệt”, dứt khoát “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai” và sau đó, “cả hệ thống chính trị” tiếp tục xông “vào” nhiều chỗ, nhiều chuyện khác…
Không may là dẫu “cả hệ thống chính trị vào cuộc” nhưng sau khi đã xông “vào” nhiều chỗ, nhiều chuyện, thiên hạ vẫn chưa thấy “cả hệ thống chính trị” tìm được đường… “ra” cho chỗ nào, chuyện nào, đặc biệt là đường… “ra” cho “công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực” – chuyện trước nay vẫn được khẳng định là thuộc loại quan trọng nhất, hao tốn nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, giấy mực và cả… nước bọt nhất! Lần này đối với chuyện… “Phạm Bá Hiền” cũng vậy. Có vài dấu hiệu cho thấy “cả hệ thống chính trị” đã… “vào cuộc” và nếu chịu khó xem cách… “vào”, sẽ có thể đoán được lối… “ra”…
***
Scandal “Phạm Bá Hiền” bùng lên hồi hạ tuần tháng trước và kéo dài sang thượng tuần tháng này sau khi người sử dụng mạng xã hội chuyền cho nhau xem hình ảnh bữa tiệc mừng ông đại tá Tư lệnh Binh đoàn 16 được vinh thăng Thiếu tướng Quân đội nhân dân Việt Nam tại “lâu đài” của gia đình ông. Bên cạnh những thắc mắc và bình phẩm về chuyện tiền từ đâu ra để ông đại tá Tư lệnh Binh đoàn 16 và gia đình có thể dư giả tới mức muốn phô bày cuộc sống xa hoa của ông và gia đình như vậy (1), những người hiểu rõ ông tân thiếu tướng này còn giới thiệu với thiên hạ nhiều chuyện khác…
Chẳng hạn chuyện gia đình đại tá Tư lệnh Binh đoàn 16 có thể thâu tóm đất nông nghiệp, xây dựng một “lâu đài” mà chẳng cần ai cho phép. Khi một tờ báo cử phóng viên đến điều tra theo tố cáo từ độc giả, công chúng có cơ hội nghe thêm từ các viên chức địa phương rằng họ bất động vì: “Đã đủ cơ sở làm được ngôi nhà hàng trăm tỉ như thế thì biết tiềm lực tầm cỡ như thế nào rồi. Không lập biên bản đình chỉ khi biết việc sai phạm là vì không ai dám ký vào biên bản sai phạm đó”. Cũng theo các viên chức địa phương, ông đại tá vốn là người tha phương cầu thực, chuyên buôn vải ở Sài Gòn, do doanh nghiệp của ông sáp nhập vào Bộ Quốc phòng, ông trở thành sĩ quan QĐND (2).
Thiên hạ còn kể thêm, cách nay đâu chừng 20 năm, Phạm Bá Hiền từng là cái tên nổi như cồn vì chuyên móc nối với các thương nhân nước ngoài, giả mạo giấy tờ buôn lậu vải, trốn thuế. Nhờ sắm được cái ô… “quân đội làm kinh tế”, doanh nghiệp do doanh nhân Phạm Bá Hiền điều hành được các cơ quan hữu trách và báo giới xếp vào loại “làm ăn liều lĩnh nhất”. Chỉ trong vòng một năm từ tháng 7/2001 đến tháng 7/2002, doanh nghiệp của ông bị Hải quan TP.HCM xử phạt vi phạm hành chính… chín lần, khi hàng hóa bị niêm phong để điều tra thì tổ chức tẩu tán tang vật (3).
Hồi đó, chuyện vừa kể được xem là trường hợp điển hình về việc thuê mướn danh nghĩa quân đội nhằm thực hiện các hành vi “gian lận thương mại” (tổng trị giá hàng hóa sai phạm được ước tính sơ bộ là 560.000 Mỹ kim) và do áp lực dư luận, Cơ quan Điều tra hình sự của Quân khu Thủ đô loan báo khởi tố vụ án “trốn thuế” xảy ra tại Chi nhánh 3 của Công ty Thăng Long (đơn vị quân đội được Bộ Quốc phòng thành lập để “làm kinh tế” và là nơi lập ra Chi nhánh 3 – làm “ô” cho ông Phạm Bá Hiền mướn), khởi tố ông Hiền (người điều hành Chi nhánh 3) (4).
Chưa rõ vì sao sau khi bị khởi tố, bị can Phạm Bá Hiền lại trở thành sĩ quan QĐND, “đảm nhiệm nhiều cương vị chỉ huy, quản lý, trong quá trình công tác được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3, Bằng khen của chính phủ, Bộ Quốc phòng và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc cùng nhiều phần thưởng cao quý của đảng, nhà nước” (5), được phong đại tá, được bổ nhiệm làm Tư lệnh phó rồi Tư lệnh Binh đoàn 16, sau đó tiếp tục được Bộ Quốc phòng đề nghị chính phủ giới thiệu cho Chủ tịch Nhà nước xem xét trao cấp bậc Thiếu tướng cho ông Hiền.
***
Trận bão dư luận trên mạng xã hội đã cuốn một số cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức “vào cuộc”. Cơ quan truyền thông bị cuốn đi đầu tiên và xa nhất là tờ Tiền Phong. Nhờ vậy, công chúng biết thêm rằng lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền của tỉnh là… “bạn bè” ông Hiền, cho nên vẫn hoan hỉ chúc mừng, khẳng định ông Hiền là… “niềm vinh dự, tự hào của quê hương Hà Tĩnh”, mong ông “tiếp tục theo dõi, dành nhiều tình cảm và luôn đồng hành cùng quê hương Hà Tĩnh, đặc biệt là trên lĩnh vực quân sự, quốc phòng địa phương” (6).
Nhờ tờ Tiền Phong “vào cuộc” nên công chúng mới biết thêm, việc gia đình ông Hiền tổ chức liên hoan rầm rộ không chỉ một buổi mà là… “Mở tiệc nhiều ngày để chúc mừng và mời bà con lối xóm đến dự, không nhận tiền của ai cả. Các mâm cỗ cũng rất thịnh soạn, được họ thuê nấu ở nơi khác về. Căn nhà xây dựng hơn năm năm qua song rất ít người vào bên trong, chỉ hôm mở tiệc mời cả làng thì mới được vào và chiêm ngưỡng”. Cũng nhờ tờ Tiền Phong vào cuộc mà thiên hạ mới biết việc gia đình ông Hiền tự tiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép đã từng bị báo giới phơi bày vào năm 2018 đã được hợp thức hóa vào năm sau – 2019 [7].
Quyết định “vào cuộc” của một số cơ quan truyền thông chính thức còn giúp công chúng biết rằng, nhận thức của lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Hà Tĩnh khác xa công chúng, không những không thấy trường hợp Phạm Bá Hiền là khác thường cần phải làm gì đó để chứng tỏ “công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực” thực sự “đồng bộ, quyết liệt”, mà còn hoan hỉ đến tận tư gia của ông Hiền để chia vui và thông qua báo giới để nhắn với công chúng rằng scandal “Phạm Bá Hiền” chỉ làm họ cảm thấy… “rất buồn vì việc của cá nhân lại ảnh hưởng đến tỉnh, sự việc bị đẩy lên quá mức”.
Có thể nhận định, bình phẩm của công chúng trên mạng xã hội là một loại gợi ý nên tờ Tiền Phong phỏng vấn một Kiến trúc sư tên là Phạm Thanh Tùng đang đảm nhận vai trò Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam về “lâu đài” của ông Phạm Bá Hiền. Theo ông Tùng thì thời gian vừa qua, không chỉ tại các thành phố mà ở nhiều vùng thuộc nông thôn đã xuất hiện rất nhiều công trình kiến trúc cầu kỳ, to lớn, đắt tiền được gọi là lâu đài, biệt phủ. Ông Tùng cho rằng: Đó là lối kiến trúc giả cổ, bắt chước kiến trúc của châu Âu thế kỷ XVII, XVIII, xa lạ, không phù hợp với thời đại, bởi thời đại nào phải kiến trúc đó. Theo ông Tùng: Đó không phải bản sắc. Việc xây dựng công trình với lối kiến trúc này chỉ thể hiện sở thích của người có tiền nhưng đó không phải là xu thế của kiến trúc và đặc biệt là ở vùng nông thôn. Nó mang lại cảm giác xa lạ, không hài hòa với cảnh quan, thậm chí xa lạ cả với lối sống của người dân trong khu vực. Giờ, giới kiến trúc phê phán cái đó. Vùng nông thôn cần những ngôi nhà giản dị nhưng bền vững, chan hòa với thiên nhiên, với cộng đồng. Nó thể hiện bản sắc văn hóa của người Việt Nam sống tình nghĩa, sống có làng xóm, chứ không phải là cách biệt (8).
Chưa muốn ngừng ở đó, tờ Tiền Phong tiếp tục đi xa hơn. Trên Internet người ta tìm thấy… “vết tích” nỗ lực của tờ Tiền Phong – một bài viết có tựa là “Biệt phủ của cụ bà 80 tuổi, nơi tổ chức bữa tiệc vinh quy bái tổ của con trai”. Sở dĩ gọi là… “vết tích” vì bài này chỉ còn… link. Nếu click vào link này (9), công chúng sẽ được đọc bài… “Sông Đà cạn trơ đáy nhìn từ trên cao”! Đó chính là bằng chứng cho thấy… “cả hệ thống chính trị” đã… “vào cuộc”. Thay vì vào cuộc để xem xét trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự của tất cả các viên chức từ địa phương đến trung ương để trả lời cho đồng đội, đồng chí, đồng bào vì sao hoạn lộ của một người như ông Phạm Bá Hiền lại hanh thông tới mức không thể tưởng tượng được như thế (?), vì sao ông Phạm Bá Hiền giàu có bất thường như thế (?), vì sao đất đai – lâu đài của gia đình ông Phạm Bá Hiền lại được hợp thức hóa (?), dựa vào những ai mà ông Phạm Bá Hiền trở nên hãnh tiễn, bất chấp “cả hệ thống chính trị” đang… “ra sức” chứng tỏ sự “đồng bộ và quyết liệt” trong “công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực” để… “chỉnh đốn” (?),… thì ‘cả hệ thống chính trị’ đã… ‘vào cuộc’ để tiếp tục dẫn dắt công chúng tới…. “Sông Đà cạn trơ đáy nhìn từ trên cao”!
Chú thích
(3) https://vnexpress.net/gian-lan-thuong-mai-o-thang-long-da-xay-ra-nhieu-lan-2056419.html
(4) https://vnexpress.net/khoi-to-vu-tron-thue-tai-cong-ty-thang-long-2022845.html
(7) https://tienphong.vn/toa-nha-va-bua-tiec-mung-thieu-tuong-pham-ba-hien-post1541311.tpo