Mục lục
VN xử đại án ‘Chuyến bay giải cứu’: Chi 2,65 triệu USD ‘chạy án’ không thành
Sáng nay 11/7, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên toà xét xử vụ án “Chuyến bay giải cứu” và dự kiến kéo dài trong 30 ngày.
Theo hồ sơ, 54 bị can trong vụ án bị đưa ra xét xử với 5 tội danh là “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
10 bị cáo được tại ngoại, 44 bị cáo còn lại bị tạm giam trong vụ án được giới quan sát cho là thể hiện nỗ lực làm trong sạch bộ máy và bảo vệ hình ảnh của thể chế tại VN.
Hơn 120 luật sư đăng ký bào chữa cho 54 bị can bao gồm hàng loạt các quan chức cấp cao như ông Tô Anh Dũng – cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao – và ông Nguyễn Quang Linh – cựu trợ lý cho Phó thủ tướng Phạm Bình Minh- cùng bị đưa ra xét xử về tội nhận hối lộ, với khung truy tố có mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Đây là vụ án có số lượng luật sư bào chữa kỷ lục. Riêng cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng có 3 luật sư, cựu trợ lý Phó thủ tướng, ông Nguyễn Quang Linh, có 2 người bào chữa…
Kế hoạch “chạy án” triệu đô
Đáng chú ý, truyền thông Việt Nam trước đó dẫn nguồn cơ quan điều tra mô tả việc “các bị can đối phó rất quyết liệt khiến cơ quan điều tra tương đối tốn thời gian trong công tác điều tra, xác minh vụ việc”.
Ngoài hành vi đưa nhận hối lộ, cáo trạng cáo buộc ông Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội, đã nhận 2,65 triệu USD (khoảng 61,6 tỷ đồng) trong khoảng một năm (từ tháng 1 – tháng 12/2022), để chạy án cho hai bị cáo Lê Hồng Sơn và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Tổng Giám đốc và Phó Tổng giám đốc Công ty Bầu trời xanh.
Cơ quan công an xác định hành vi của bị can Nguyễn Anh Tuấn phạm vào tội Môi giới hối lộ, với số tiền môi giới hối lộ là 2,65 triệu USD (tương đương gần 62 tỉ đồng). Trong đó, ông Nguyễn Anh Tuấn phải chịu trách nhiệm đối với số tiền 1,85 triệu USD (tương đương gần trên 42,8 tỉ đồng).
Truyền thông Việt Nam miêu tả kế hoạch chạy án vụ chuyến bay giải cứu ly kì như một kịch bản phim.
253 lần hối lộ cho thư ký thứ trưởng
Một vấn đề được quan tâm khác trong vụ án này là người bị cáo buộc nhận hối lộ nhiều nhất là ông Phạm Trung Kiên, cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ y tế Đỗ Xuân Tuyên. Cáo trạng cho thấy ông Kiên đã có 253 lần nhận hối lộ với số tiền lên tới 42,6 tỷ đồng trong vòng 11 tháng.
Trên Facebook cá nhân, nhà báo Trương Huy San đặt câu hỏi: “Bạn nghĩ, 253 lần đưa hối lộ ấy là cho thư ký hay cho thứ trưởng?”
Ông Trương Huy San cũng viết rằng khi đó, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên là người được Bộ Y tế phân công xem xét, “phê duyệt hoặc không phê duyệt các chuyến bay giải cứu theo đề xuất của Bộ Ngoại giao”. Và, để được thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phê duyệt, thư ký riêng của ông đã “yêu cầu các bên liên quan nộp một mức phí từ 50 – 200 triệu/1 chuyến bay hoặc 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/1 khách đối với chuyến bay combo và từ 7 đến 15 triệu đồng/1 khách đối với khách lẻ tùy thời điểm”.
Bài đăng có đoạn: “trong phiên tòa hôm nay không có tên ông Đỗ Xuân Tuyên; trong số những người bị kỷ luật tới mức phải về hưu cũng không có tên ông Đỗ Xuân Tuyên” của ông San đã nhận được hơn 6,000 lượt thích và hàng trăm lượt chia sẻ sau vài giờ đồng hồ.
Phiên tòa của vụ án dự kiến diễn ra trong 1 tháng, kể cả thứ bảy và chủ nhật.
Giới quan sát cho rằng nỗ lực chống tham nhũng của TBT Nguyễn Phú Trọng được đẩy lên một bước với các vụ đại án “chuyến bay giải cứu” và Việt Á.
Tuy thế, cũng có các bình luận rằng để chống tham nhũng thành công thì đảng cộng sản cầm quyền ở Việt Nam cần cho phép báo chí hoạt động cởi mở hơn và dần cho tiến tới cơ chế tam quyền phân lập, điều mà “rào cản thể chế” không cho phép.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên không phải là người thường
11-7-2023
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên là người được Bộ Y tế phân công xem xét, “phê duyệt hoặc không phê duyệt các chuyến bay giải cứu theo đề xuất của Bộ Ngoại giao”. Và, để được thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phê duyệt, thư ký riêng của ông đã “yêu cầu các bên liên quan nộp một mức phí từ 50 – 200 triệu/1 chuyến bay hoặc 500 nghìn đồng đến 2 triệu đồng/1 khách đối với chuyến bay combo và từ 7 đến 15 triệu đồng/1 khách đối với khách lẻ tùy thời điểm”.
Thư ký của ông Đỗ Xuân Tuyên cũng là bị cáo “lập kỷ lục” trong vụ tham nhũng đáng xấu hổ nhất của loài người kể từ khi bắt đầu có nhà nước [quan chức trục lợi trong thảm họa của nhân dân do dịch bệnh và do chính sách chống dịch của mình gây ra].
Nhưng, trong phiên tòa hôm nay không có tên ông Đỗ Xuân Tuyên; trong số những người bị kỷ luật tới mức phải về hưu cũng không có tên ông Đỗ Xuân Tuyên.
Khi dịch bệnh đang diễn ra, Bộ Y tế có chính sách, “thứ trưởng trở lên [đi công tác về] không phải cách li” tôi viết, “thứ trưởng trở lên không phải người thường”. Theo dõi công cuộc kỷ luật, bắt bỏ tù vừa qua, đối chiếu với ngay cả trường hợp của hai phó thủ tướng và chủ tịch nước [phải “thôi giữ chức”] đích thị, thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên không phải là người thường.
PSI: Bạn nghĩ, 253 lần đưa hối lộ ấy là cho thư ký hay cho thứ trưởng?
PSII: Theo Điều 11[19 Điều Đảng Viên Không Được Làm]: “Thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương, cá nhân do mình trực tiếp quản lý xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các vi phạm khác”.
Xử vụ ‘Chuyến bay giải cứu’: Tác động tuyên truyền hơn là hiệu quả thực chất, lâu dài
2023.07.11
“Vụ xét xử vụ chuyến bay giải cứu có thể tạo ra hiệu quả tuyên truyền cho chiến dịch ‘đốt lò’ chống tham nhũng, nhưng về mặt thực chất có thể không đạt gì nhiều, số lượng người bị đưa ra xét xử trong vụ án, trong đó có các quan chức ‘cao kỷ lục’, nhưng so với con số cả triệu quan chức của đảng và chính quyền trong cả nước còn rất nhỏ, nếu không sửa được lỗi của toàn bộ hệ thống, thì nói chống tham nhũng ‘chỉ là nói chơi’, TSKH Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phản biện chính sách độc lập (IDS – đã tự giải thể), bình luận về phiên tòa vụ “Chuyến bay giải cứu” khởi sự ngày 11/7 ở Hà Nội..
Tòa án Nhân dân TP Hà Nội vào ngày 11/7 bắt đầu phiên xét xử vụ “chuyến bay giải cứu” thời kỳ đại dịch COVID-19 dự kiến kéo dài 30 ngày với số lượng 54 bị cáo trong đó có đến 21 người là cựu quan chức chính phủ bị cáo buộc tội nhận hối lộ. Số tiền hối lộ được cho biết lên đến hơn 160 tỷ đồng.
Ông Phạm Viết Đào, cựu chuyên viên cấp Vụ về thanh tra thuộc Bộ Văn hóa, Thông tin, Du lịch và Thể thao của Việt Nam thời kỳ trước đây, nêu quan điểm cá nhân với RFA Tiếng Việt về vụ xử, cho rằng việc xét xử là cần thiết, có tính răn đe do kỷ cương, phép nước đã bị ‘buông tuồng’ quá đáng, nhưng một câu hỏi đặt ra là tòa án thu hồi lại được bao nhiêu tiền vi phạm và việc xử lý tiền thu hồi đó thế nào, có hoàn trả cho người dân bị thiệt hại hay không.”
‘Vỗ về’, an ủi người dân, nhưng chỉ giải quyết phần ‘ngọn’
TSKH Nguyễn Quang A bình luận tiếp với Đài Á Châu Tự Do:
“Tôi nghĩ về mặt chính trị, về mặt dư luận, vụ xử như thế làm cho người dân cảm thấy bớt áy náy một chút, tức là có được vỗ về về sự trừng trị những kẻ thực sự là vô lương tâm, ăn cướp của dân trong hoàn cảnh hết sức đau lòng. Về mặt chống tham nhũng, tôi nghĩ nó chỉ có kết quả phần nào mà thôi. Tất nhiên việc trừng trị những kẻ tham nhũng là một điều tốt, nhưng phòng tham nhũng, chuyện mà người ta vẫn hay nói là phải ‘nhốt quyền lực’ vào trong ‘lồng’ rồi làm cho không thể tham nhũng, hay là không muốn tham nhũng v.v…, chỉ là những giải quyết ở phần ngọn mà thôi, không giải quyết được ở phần gốc.”
Theo ông Nguyễn Quang A, bản thân hệ thống và thể chế chính trị ở Việt Nam là nguồn gốc sinh ra vấn nạn tham nhũng, muốn chống được tham nhũng một cách cơ bản, theo ông, phải có ít nhất bốn yếu tố: thứ nhất, quốc gia có một nền pháp trị nghiêm minh khiến không ai có thể đứng trên pháp luật, thứ hai quốc gia phải có sự minh bạch, thứ ba là phải có một nền báo chí độc lập, nhất là nền báo chí điều tra, ông nhấn mạnh, và thứ tư là các quan chức nhà nước phải có đồng lương (thu nhập) xứng đáng, chứ không phải là hưởng lương kém quá xa so với khu vực tư nhân.
Đánh giá về tác động tuyên truyền và bình luận thêm hiệu quả thực chất phiên tòa đang diễn ra nói trên, TSKH. Nguyễn Quang A nói:
“Tôi nghĩ rằng tác động về tuyên truyền (cho Đảng và Nhà nước, chiến dịch ‘đốt lò’) rất là tốt, nhưng về mặt thực chất thì không được mấy, chỉ được một ít thời gian, rồi lại đâu vào đấy mà thôi… Số lượng người bị xét xử trong vụ án cao kỷ lục, nhưng so với cả triệu những quan chức thì đó là một con số rất nhỏ…
Vấn đề ở đây là ở hệ thống, thiết kế của hệ thống, như tôi nói có bốn điểm chính, nếu trong đó thiếu bất kể một điểm nào đấy, thì việc nói là chống tham nhũng chỉ là nói chơi mà thôi. Rất đáng tiếc là Việt Nam thiếu cả bốn điểm đó, cho nên nếu không giải quyết tận gốc, chẳng bao giờ chống được tham nhũng cả.”
‘Một bài toán pháp lý sòng phẳng: liệu thu hồi được tiền và trả lại cho dân?’
Ông Phạm Viết Đào bình luận với RFA Tiếng Việt:
“Tôi cho đây là việc cần thiết, mang tính răn đe, bởi vì vụ này cho thấy kỷ cương phép nước bị buông tuồng quá, bây giờ xét xử thì mọi người đều ủng hộ, phải xử đến nơi đến chốn…, nhưng xét xử là đúng thôi. Về kết quả, phải chờ tòa tuyên án, nhưng bây giờ phải xem họ thu hồi được bao nhiêu, và tiền xử lý sau thu hồi thế nào, cái đó phải chờ tòa tuyên án. Xưa nay, những vụ án hối lộ… tiền (vi phạm) nhiều hơn, nhưng thu hồi không đáng bao nhiêu.
Kết quả mà bây giờ người ta theo dõi là xử như thế phải thu hồi những tài sản ấy, và vấn đề nữa là có trả lại tiền cho người dân, tức là những người đã phải đóng tiền trong vụ đó, thì (nhà nước) có trả lại cho người dân hay không. Đó là một bài toán pháp lý, mà theo tôi muốn sòng phẳng thì phải trả lại tiền cho dân.”
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao được truyền thông Nhà nước trích dẫn, từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2021, cơ quan chức năng đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo. Nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân đã nâng giá vé, “chế” nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.
Theo ông Phạm Viết Đào, nếu không hoàn trả ngay được hết cho người dân bị thiệt hại trong vụ việc, cũng cần phải trao trả trước một phần cho họ, ông nói tiếp:
“Một cái vé máy bay lên tới 4.000 – 5.000 đôla như thế thì thực là quá đáng, bây giờ nhà nước có trả lại cho người dân không? Nếu làm nghiêm phép nước và công bằng, tiền ấy thu về rồi phải trả lại cho dân, như thế mới động viên được người dân và người ta mới thấy rằng pháp luật nghiêm minh. Chỗ ấy tôi nghĩ là chỗ người ta đang chờ đợi và hiệu quả của phiên tòa là phải thu lại tiền, rồi tiến ấy trả lại cho những người đã bỏ ra mua vé mà đã chịu đắt đến như thế, như vậy theo tôi mới là sòng phẳng.”
Ai “giải cứu” ai?
11-7-2023
Phiên tòa xét xử vụ “chuyến bay giải cứu” sẽ đi vào “lịch sử” không chỉ của ngành ngoại giao nước nhà mà cả trong “nghề” tham ô, hối lộ. Nó xứng đáng được đưa vào giáo trình giảng dạy ở các lớp chính trị trung – cao cấp, nếu có môn phòng, chống tham nhũng. Nó cần được làm ví dụ điển hình cho sự cấu kết tham nhũng – một đặc sản của thể chế.
Điển hình tới mức… “mẫu mực” về lòng tham vô độ, bất nhẫn đến vô lương, lưu manh, giả trá đến tận cùng. Dẫn đầu về tốc độ ăn là thư ký Kiên với 253 lần nhận hối lộ đi kèm số tiền 42,6 tỉ đồng. Quán quân.
Dù chỉ á quân nhưng “ăn hớt” của sếp thì thuộc loại “đỉnh của đỉnh” là Vũ Anh Tuấn – cựu Phó trưởng phòng Tham mưu (thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an). Trong khi sếp Dự – cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhận có 7,6 tỷ thì Tuấn đã có 49 lần nhận hối lộ với tổng số tiền hơn 27 tỉ đồng.
Xếp hạng 3 nhưng là “hoa hậu” điêu nhất hành tinh, một tay che cả bầu trời, muốn “vén” cho ai đều trong tay ả, vậy mà cựu cục trưởng Lan chỉ khai nhận ăn khoảng 900 triệu đồng. Nên cho đến giờ cũng mới nộp khắc phục 900 triệu, giấu biệt hơn 24 tỉ đồng lưu dấu ở dữ liệu điện tử, sao kê tài khoản và lời khai của các bị cáo.
Không nằm trong bảng top số tiền ăn nhưng cách ăn bẩn thỉu nhất có lẽ là thuộc về đại sứ Việt Nam tại Malaysia Trần Việt Thái, thu tiền trái quy định của những người là công dân Việt Nam chấp hành xong án phạt tù (người mãn hạn tù) đang ở trong các “trại chờ” của Malaysia.
Nhọ nhứt là cặp Sơn – Hằng, tổng và phó tổng của Công ty Bầu Trời Xanh. Tổ chức được 109 chuyến bay giải cứu, kiếm lời bao nhiêu mà đã chi hết 38,5 tỉ đồng hối lộ đám quan chức. Đau cái là tiền mất mà tật ách vẫn mang. Vừa đem tiền đi cống nạp, Hằng vừa phải làm theo “hướng dẫn sử dụng” của cán bộ là “nhận mọi tội lỗi để cứu Sơn”. Riêng tiền hối lộ để chạy án đã lên tới 61,6 tỉ đồng mà còng vẫn cứ tra tay.
***
Một vụ án về đường dây ăn chặn đến táng tận, vô lương lại xuất phát từ một ngành “bộ mặt” của nước nhà, những người đảm đương công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài lại chính là người bóp cổ đồng bào không chút thương xót. Nó diễn ra trong hoàn cảnh khắc nghiệt khốn cùng là dịch bệnh, nó lây lan đến hầu hết các bộ ngành (trừ Bộ Quốc phòng trong tổ công tác 5 bộ), địa phương; từ lãnh đạo cao cấp đến lao động tự do, còn “khuyến mãi” cả một chị làm công tác trị sự của tạp chí Thanh tra Chính phủ. Nó có mở đầu bằng hình ảnh chuyến bay giải cứu “ngạo nghễ”, để rồi qua bao vòng nâng giá, ép chuyến, cuối cùng kéo thêm phần vĩ thanh “chạy án”.
Hoàn hảo đến… hãi hùng!
Liệu có còn “giải cứu” nổi từ một lớp người, một số đông cán bộ, một thành phần xã hội từng là ưu tú, cao cấp khi nó đã lây nhiễm và tạo hẳn một hệ miễn dịch cộng đồng trong toàn hệ thống, ra xã hội. Chúng ăn bất cứ gì, bất kỳ ai, bất chấp hoàn cảnh.
Đây là câu chuyện thể chế
12-7-2023
“Chuyến bay giải cứu” là vụ đại án ô nhục và bất nhân bậc nhất trong lịch sử vì sự táng tận lương tâm đến kiệt cùng khốn nạn vì đã ăn tàn bạo trên máu xương đồng bào giữa cơn điêu linh trong đại dịch.
Báo Thanh Niên viết “Từ một chủ trương nhân đạo của Đảng, Chính phủ, “chuyến bay giải cứu” đã bị các cán bộ biến chất lợi dụng chức vụ để trục lợi”. Nghĩa là đây (chỉ) thuộc về vấn đề đạo đức cá nhân. Liệu quan điểm này có phản ánh đúng bản chất của vụ án?
Có tới 9 bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã chung tay gây nên tội ác này. Trong đó, có Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, quan lớn Hà Nội và Quảng Nam, cùng nhiều giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch các công ty kinh doanh dịch vụ về du lịch và lữ hành… Như vậy, bộ có, chính phủ có, địa phương có; trong nước có, ngoài nước có; nhà nước có, tư nhân có; sếp có, giúp việc có… Tóm lại là to – nhỏ – lớn – bé – trong – ngoài, tất cả đều gặp nhau trên sự thoi thóp của người dân khổ nạn.
Với một đội quân hùng hậu như vậy, chỉ có 2 cách giải thích: một là bộ máy nhà nước có quá nhiều kẻ “biến chất”, bên cạnh những kẻ trực tiếp ra tay là những kẻ im lặng quay lưng ngoảnh mặt. Nghĩa là đều xấu xa. Nhưng dù thế nào, nếu một bộ máy mà đa phần là kẻ xấu thì không cách gì để có thể nói rằng bộ máy ấy là tốt đẹp được. Hai là bản thân bộ máy ấy hỏng. Vì hỏng nên làm hư con người, hoặc không thể ngăn chặn sự sa đọa của con người. Cả 2 cách hiểu đều dẫn đến một kết luận như nhau, rằng vấn đề không thể đơn giản quy về đạo đức cá nhân. Đây là câu chuyện thể chế. Không thẳng thắn nhìn nhận gốc rễ của vấn đề mà chỉ loanh quanh đổ lỗi cho cá nhân thì việc chống tham nhũng và tội phạm nhà nước nói chung vẫn chỉ là đập ruồi trên bãi rác.
Khi nào còn nói “cán bộ biến chất” mà không trung thực thừa nhận “bộ máy hư hỏng” thì khi đó những phiên tòa như đang diễn ra chỉ an ủi được những tâm hồn nông nổi, và quốc nạn tham nhũng thì vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt.
Những ai là người đang hào hứng theo dõi phiên tòa đập ruồi này? Tôi chỉ thấy buồn nôn.