Seite auswählen

Kalynh Ngô

Sài Gòn Nhỏ

Thời điểm giữa thập niên 1980, những chiếc thuyền chở người tị nạn cộng sản vẫn tiếp tục lênh đênh, trôi dạt vào các đảo ngoài hải phận Việt Nam, chờ ngày định cư ở quốc gia thứ ba nào đó. Họ mang theo rất nhiều thứ, nhưng hành lý đó phải gói trong miền ký ức. Cái bình thường nhất lại trở thành nỗi nhớ da diết nhất, khát khao nhất cho những người lưu vong. Một con đường, một luống cây, hay một mùi vị, một chai nước mắm, chẳng hạn.

Những ngày tháng đó, khi nhớ lại, có người từng nói rằng: “Chúng tôi tìm được tự do, nhưng đã bị mất vị nước mắm thơm ngon của quê hương trong bữa cơm.”

Có ai ngờ, gần nửa thế kỷ sau, chai nước mắm truyền thống – khẩu vị đặc tính của người Việt Nam, từ chính quê hương của nó, chính thức xuất hiện trên các quầy kệ của siêu thị Whole Foods nổi tiếng của Mỹ ở Arizona, California, Connecticut, Idaho, New Jersey và New York.

 

Đó là Son Fish Sauce (Nước Mắm Sơn) của vợ chồng Danny Trần, thế hệ trẻ Mỹ gốc Việt (1.5) sáng lập và làm chủ. Vợ của Danny, Albee Trần, chính là truyền nhân đời thứ tư của ông “chúa đảo” Phạm Văn Khôn, chuyên sản xuất nước mắm ở Hòn Sơn Rái từ năm 1951.

Dannty Trần và Albee Trần.

Một bước tiến đáng kể khác, Tháng Chín năm nay, Son Fish Sauce của Danny và Albee sẽ ra mắt sản phẩm đầu tiên trong lịch sử làm nghề của gia đình: Nước Mắm Cá Cơm Mỹ. Đây là loại nước mắm làm từ cá cơm ở Mỹ, sản xuất ở chính Phú Quốc, và nhập cảng về thị trường Mỹ.

Để có được ngày hôm nay, là chặng đường mười năm cho quy trình sản xuất, trong đó có ba năm “chạy đua” để vợ chồng Danny Trần và Albee Trần đưa sản phẩm vào siêu thị Whole Foods.

Một mẻ ủ Nước Mắm Cá Cơm Mỹ ở xưởng Phú Quốc. (Ảnh: Danny Trần)

Vào Whole Foods

Từ California, Danny phấn khởi gửi những tấm ảnh đầu tiên anh chụp được trong siêu thị Whole Foods. Những chai nước mắm truyền thống Son Fish Sauce hoàn toàn là sản phẩm từ Việt Nam, của người gốc Việt làm chủ, sản xuất và nhập cảng vào Mỹ.

Khi Danny Trần, một người sang Mỹ từ năm 8 tuổi, tự nhận là thế hệ 1.5, biết về lịch sử và di sản kinh doanh của gia đình vợ mình ở Hòn Sơn Rái, anh muốn cùng với cô mang truyền thống đó phát triển ở hải ngoại.

 
“Tôi muốn cho người Việt ở Mỹ, và cả người Mỹ bản xứ biết đây là sản phẩm thật sự của người Việt, là vị nước mắm thật, chứ không phải những nhãn hàng từ Thái Lan, Trung Quốc mạo danh hương vị truyền thống của dân mình,” Danny nói về ý tưởng thành lập Son Fish Sauce của 10 năm trước.

Do chính sách cấm vận kinh tế của Mỹ lên Việt Nam sau 1975 kéo dài 19 năm, người Việt ở Mỹ bắt buộc phải phụ thuộc các nhà sản xuất ở Thái Lan, Hong Kong, Philippines để có được một trong những thành phần quan trọng nhất trong căn bếp Việt.

“Cũng có vị nước mắm, nhưng nó không thật sự là nước mắm. Và nó đến từ Trung Quốc rồi gắn tên, nhãn hiệu của Phú Quốc, Việt Nam,” Danny nói và không chấp nhận điều đó, “Cộng đồng người Việt của mình đã sống ở Mỹ hơn 40 năm, tôi muốn trên quầy kệ của các cửa hàng, siêu thị Mỹ phải có sản phẩm truyền thống đặc trưng do chính người Việt sản xuất và làm chủ.”

“Ngoài phở và chiếc áo dài, tôi muốn một sản phẩm mà chúng ta có thể tự hào khi nói đến,” Danny nói.

Danny quyết định phải có sản phẩm nước mắm “Việt chính chủ” trên nước Mỹ. Và thế là năm 2014, thương hiệu Son Fish Sauce ra đời ở California. Như bao người trẻ khởi nghiệp khác, vợ chồng Danny và Albee phải cố gắng rất nhiều, kể cả trải qua không ít khó khăn tưởng như thất bại.

Sau năm năm đầu tiên, nước mắm Son Fish Sauce trở thành sản phẩm được nhiều nhà hàng uy tín ở Mỹ tin dùng, như “The Slanted Door” ở San Francisco, “MGM Group” ở Las Vegas, “Cosmopolitan,” “Treasure Island,” “T-Mobile Arena”, “Chom Chom” ở Hong Kong, “NKU” ở Đài Loan…

Nước mắm “Sơn” khác biệt với những thương hiệu khác là do làm đúng với công thức truyền thống: Cá cơm tươi của Son Fish Sauce được ủ với tỉ lệ bảy tấn cá với ba tấn muối suốt một năm trong thùng gỗ mít để có hương vị đặc biệt.

Thành phần của Son Fish Sauce chỉ có cá cơm (anchovy) và muối biển thôi,” Albee nói, “Nước mắm truyền thống hoàn toàn không có hóa chất.”

 

 Nơi sản xuất Nước Mắm Sơn ở Hòn Sơn Rái.

Khi sản phẩm đạt được độ tin dùng của khách hàng, Danny bắt đầu thực hiện điều anh mong mỏi: Đưa nước mắm “Việt chính chủ” lên quầy kệ của siêu thị Mỹ.

“Đó là quá trình của ba năm để sản phẩm được có mặt ở Whole Foods,” Danny nói, “họ không chỉ kiểm tra phẩm chất của nước mắm hoặc kiểm tra HASSA (Health and Sanitation Safety Awareness – Nhận thức An Toàn Sức Khoẻ và Vệ Sinh) mà còn kiểm tra về độ tin cậy xã hội (social audit) của sản phẩm đó, ví dụ như công ty có bóc lột sức lao động không chẳng hạn. Và quan trọng là sản phẩm đó phải nổi trội so với những nhãn hàng khác. Đó là những điều cần thiết để Whole Foods xem xét lựa chọn,” Danny kể.

‘Nước Mắm Cá Cơm Mỹ’ thách thức đấu trường thế giới

Ngay từ khi khởi nghiệp Son Fish Sauce 10 năm trước, Danny đã nhận thức được một thực tế từ thiên nhiên: nguồn cá đã cạn. Câu chuyện về sản phẩm đầu tiên trong lịch sử làm nghề của gia đình Danny và Albee tiếp tục trong lời kể hào hứng:

“Mười năm trước, người trong nghề cũng biết là không chỉ ở Việt Nam mà cả Châu Á đã hết cá. Cá lớn, cá nhỏ, cá nào cũng hết vì nhu cầu đánh bắt quá lớn. Thời điểm ra mắt nước mắm truyền thống Son Fish Sauce, tôi và vợ đã đi tìm hiểu khắp nước Mỹ, thậm chí chúng tôi đã sống ở Mississippi gần một năm để tìm nguồn cá ở Mỹ.”

Trong thời gian chu du, anh nhận ra hai điều quan trọng: Nguồn cá ở Mỹ tốt, nhưng môi trường để sản xuất nước mắm ở Mỹ không tốt. Ví dụ nguồn nước vùng Gulf Coast cứ vài năm lại bị đục. Dù Gulf Coast có khí hậu nóng ẩm nhưng cũng bị tuyết hàng năm. Do đó, Danny kết luận:

“Có một câu nói thế này: ‘A man travels the world in search for something he finds when he comes home.’ Tôi đi một vòng thế giới để rồi khi quay về, biết được nguyên liệu tốt nhất là cá cơm Mỹ nhưng môi trường sản xuất nước mắm tốt nhất là Phú Quốc, Việt Nam.”

Phú Quốc có khí hậu nóng, ẩm, phần lớn là môi trường thiên nhiên. Đó cũng là cái nôi của nước mắm, là nơi có lịch sử sản xuất nước mắm mấy nghìn năm. Mang cá cơm của Mỹ về quê hương của nước mắm để sản xuất, rồi lại nhập cảng thành phẩm trở lại Mỹ – một chiến lược kinh doanh đúng tính cách của thế hệ trẻ Mỹ gốc Việt như Danny Trần.

 Cá cơm. (Ảnh: Danny Trần)

Với nguyên liệu chỉ là cá cơm của Mỹ, ý tưởng của Danny được chính phủ Hoa Kỳ ủng hộ và bảo trợ. Và do đó, chai Nước Mắm Cá Cơm Mỹ là sản phẩm chính thức dán nhãn “Product of USA.”

Từ ước mơ về việc phải có một sản phẩm hoàn toàn của người Việt sản xuất trên các quầy kệ siêu thị Mỹ, và câu hỏi “Vì sao sản phẩm ngon, tốt từ nước mình mà mình không thưởng thức, lại để các nước khác mượn danh?”, Danny Trần đã tự hào mang nước mắm Việt ra với đấu trường thế giới.

Ảnh trong bài: Danny Trần

Ghi chú:

Whole Foods: (Wikipedia) Whole Foods Market Inc. là chuỗi siêu thị của Mỹ chuyên bán các sản phẩm không chứa chất béo hydro hóa và màu nhân tạo, hương liệu, chất bảo quản và chất làm ngọt.[4] Là chuỗi cung ứng sản phẩm hữu cơ duy nhất được chứng nhận USDA tại Hoa Kỳ, nổi tiếng với các lựa chọn hữu cơ.[5] Whole Foods có 500 cửa hàng tại Bắc Mỹ và ở Anh tính đến ngày 4 tháng 3 năm 2019.[2]