An Vui
28 tháng 7, 2023
Saigon Nhỏ
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200,000 người bị đột quỵ và hiện đang có xu hướng gia tăng ở người trẻ.
Ngày 21 Tháng Bảy 2023, trong một hội nghị của bệnh viện Thống Nhất, bác sĩ Lê Thị Thúy Uyên, phó khoa Nội thần kinh bệnh viện Thống Nhất (quận Tân Bình, Sài Gòn), cho hay số bệnh nhân đột quỵ được điều trị tại khoa trong thời gian gần đây tăng nhiều.
Số giường hiện tại của khoa là 58, nhưng số bệnh nhân thực tế lên đến 64 – 68 người, có thời điểm lên đến 70 bệnh nhân.
Bệnh nhân sau khi điều trị ở bệnh viện thường vẫn còn di chứng nên sau khi xuất viện phải tái khám, tập phục hồi chức năng ngoại trú tại khu vật lý trị liệu ở khoa khám bệnh.
Bác sĩ Trần Thị Kim Tuyết, khoa Vật lý trị liệu – Phục hồi chức năng bệnh viện Thống Nhất, cho hay đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai sau bệnh tim mạch vành, để lại di chứng hết sức nặng nề.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200,000 người bị đột quỵ, tỷ lệ tử vong 20%. Đáng lưu ý, bệnh đang có xu hướng gia tăng ở những người trẻ (trên 30 – dưới 60 tuổi).
Tuổi Trẻ ngày 26 Tháng Sáu 2023 cũng cho biết số ca đột quỵ tăng ở Việt Nam nhưng mạng lưới cấp cứu ngoại viện còn mỏng, yếu và thiếu. Bệnh nhân đột quỵ phải chạy đua với thời gian để cứu lấy từng tế bào não, do đó cấp cứu trước khi nhập viện rất quan trọng, khi mỗi giây đều quý giá.
Bác sĩ Nguyễn Duy Long, giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố, cho hay chỉ có 11/63 tỉnh thành hiện nay có trung tâm cấp cứu 115 hoạt động tách biệt với hệ thống các bệnh viện.
Ngay cả Sài Gòn thì mạng lưới cấp cứu ngoại viện vẫn chưa đáp ứng được 100%, nhiều bệnh nhân bị đột quỵ khi đến bệnh viện đã lỡ mất “thời gian vàng”, số bệnh nhân tử vong và bị di chứng cao.
PGS. Nguyễn Huy Thắng, chủ tịch Hội Đột quỵ thành phố, dẫn thống kê mới nhất của Hội Đột quỵ thế giới: cứ ba giây lại có một bệnh nhân đột quỵ mới. Đáng báo động, cứ bốn người trưởng thành thì sẽ có một người mắc đột quỵ trong cuộc đời. Tỷ lệ này trong những năm trước là 1:6.
Còn theo thống kê của ngành y tế, mỗi năm Việt Nam có hơn 200,000 người đột quỵ, tuy nhiên đây là con số thấp so thực tế, ông Thắng nhận định.
Vì riêng bệnh viện Nhân Dân 115 (Sài Gòn) đã cấp cứu và điều trị khoảng 20,000 bệnh nhân đột quỵ mỗi năm, trong khi cả nước có hơn 1,000 bệnh viện.
Ông Thắng cảnh báo đột quỵ không còn là căn bệnh của người lớn tuổi. Năm 2019 có 63% cơn đột quỵ xảy ra với những người trẻ và đến 89% số ca tử vong và tàn tật liên quan đến đột quỵ xảy ra ở các nước có thu nhập trung bình – thấp, trong đó có Việt Nam.
Do đó, vai trò cấp cứu bệnh nhân đột quỵ trước khi nhập viện ngày càng trở nên quan trọng và việc xây dựng quy trình cấp cứu được xem là mục tiêu hiện đại, nhằm rút ngắn thời gian bệnh nhân đột quỵ đến được các cơ sở y tế gần nhất.
Với bệnh đột quỵ, yếu tố địa lý (từ nơi bị đột quỵ đến cơ sở y tế) rất quan trọng vì trong cấp cứu bệnh đột quỵ, thời gian là vàng, càng điều trị sớm bệnh nhân càng có cơ hội hồi phục tốt.
Dân Trí ngày 12 Tháng Chín 2022 dẫn lời PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu, phó chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam, cựu chủ nhiệm khoa Phục hồi chức năng bệnh viện 108 cho biết, 80% bệnh nhân sau đột quỵ chịu những di chứng với tổn thương nặng nề và 30% trong số họ không thể hồi phục.
Trong đó, di chứng phổ biến nhất là rối loạn vận động như liệt, đi lại khó khăn; các rối loạn về nhận thức, giao tiếp, ngôn ngữ, chức năng sinh hoạt, đại tiểu tiện… Đặc biệt, bệnh nhân trẻ sau đột quỵ còn bị rối loạn tâm lý, cảm xúc, chức năng tình dục.
Theo PGS Lưu, di chứng sau đột quỵ được xem là bệnh lý đa tàn tật bởi có nhiều dạng khuyết tật khác nhau trong một bệnh nhân từng bị đột quỵ.
Xem thêm:
Sau cơn đột qụy là trước cơn đột quỵ