Seite auswählen

Jane Fonda: “Tôi mang theo sự hối hận xuống mồ”

Mai Nguyễn

Saigon Nhỏ

 

Jane Fonda trên talkshow SiriusXM ngày 2-9-2023 (Youtube Screenshot)

Xuất hiện trong một talkshow của SiriusXM, Jane Fonda, diễn viên lừng danh của Hoa Kỳ, và cũng là một trong những thành phần tranh đấu cực tả ở giai đoạn chiến tranh Việt Nam, đã lại lên tiếng thú nhận về sai lầm của mình một lần nữa. Như những lần tâm tình khác, Jane Fonda nhấn mạnh về quá khứ đã ủng hộ chế độ cộng sản Bắc Việt, rằng “Tôi sẽ mang sự hối tiếc theo xuống tận đáy mồ”.

Jane Fonda đã nhiều lần nhìn nhận lỗi lầm của mình, sau lần quá khích đến Hà Nội vào năm 1972 để ủng hộ cuộc chiến xâm lược của Cộng sản Bắc Việt vào miền Nam tự do, phản đối sự trợ giúp phản kháng từ các quốc gia đồng minh, trong đó có Hoa Kỳ. Về cuối đời, sự mạnh mẽ và chân thành của bà Jane Fonda phần nào được coi là đã cứu chuộc được danh dự của bà, so với lớp nghệ sĩ, trí thức Hoa Kỳ tham gia phản chiến điên cuồng trong giai đoạn đó, nhưng nay thì quay mặt im lặng, chối bỏ trách nhiệm.

Trong talkshow được phát đi vào ngày 2 Tháng Chín 2023, khi được người dẫn chương trình hỏi rằng “Bà nghĩ gì, khi cho đến giờ phút này, người ta nhìn thấy bà và vẫn nhớ đến chuyện…

Jane Fonda đã ngắt lời người dẫn chương trình và nói ngay rằng “Tôi sẽ mang theo xuống mồ sự hối hận về bức ảnh chụp tôi đang ngồi trên một khẩu súng phòng không, và đã nói trong một cuốn phim tài liệu dài. Tôi đã xin lỗi nhiều lần, trong suốt nhiều năm”.

Buổi talkshow của SiriusXM (Youtube Screenshot)

Sự có mặt của nữ diễn viên này trong mặt trận truyền thông của Cộng sản Việt Nam, đã tạo lợi thế to lớn cho cuộc xâm lăng miền Nam Việt Nam tự do, cũng như đẩy sự phấn khích của các cuộc biểu tình phản chiến của cánh tả lên cao. Lý do, Jane Fonda là một người nổi tiếng, mà đến nay đã có thâm niên hoạt động điện ảnh hơn 60 năm. Bà cũng  đã từng được vinh danh với nhiều giải thưởng, trong đó có hai giải Oscar, hai giải BAFTA và bảy giải Quả cầu vàng.

Thế nhưng, đối với nhiều người Mỹ lẫn người Việt, những sự thành công trong sự nghiệp mà Jane Fonda đạt được, khó bù đắp cho điểm chua chát ở một trong những giai đoạn rực rỡ nhất của đời, khi bà đứng ra ủng hộ cuộc xâm lăng của Bắc Việt. Đến nay, những khoảnh khắc ấy vẫn luôn được người Mỹ nhắc lại, và thường được Jane Fonda cay đắng thể hiện sự hối hận.

Diễn viên Jane Fonda được gọi là “Hà Nội Jane”. Bởi năm 1972, Fonda thực hiện chuyến đi đến  Bắc Việt Nam, sau khi chiến tranh nổ ra khoảng một thập niên – và đang trong giai đoạn cam go nhất. Lúc đó, Jane Fonda nhân danh mình là một nhà hoạt động xã hội, đấu tranh cho người Mỹ bản địa và Black Panthers (tổ chức cách mạng với hệ tư tưởng về chủ nghĩa dân tộc của người da đen, chủ nghĩa xã hội và vũ trang tự vệ). Với cuộc chiến tranh Việt Nam, bà đã tổ chức các buổi biểu diễn phản chiến ở nhiều nơi ở Mỹ, đồng thời khi đến Hà Nội, bà đã lên đài phát thanh của cộng sản để chỉ trích chính phủ Mỹ.

Sau khi kêu gọi Mỹ ngừng ném bom các mục tiêu phi quân sự, Jane Fonda đến chụp ảnh cùng một khẩu súng phòng không ở Hà Nội. Bức ảnh không được công chúng Mỹ đón nhận nồng nhiệt khi được xuất hiện ở quê nhà. Bà ta bị coi là kẻ phản bội, và phim của bà bị từ chối chiếu ở một số bang. Giải thích về hành động ở Hà Nội, Jane Fonda nói, thật ra bà chỉ muốn làm hết sức để chỉ ra chính sách sai lầm của chính phủ Mỹ lúc đó.

(Ảnh chụp lại từ báo Nhân Dân)

Thật ra, phải mất nhiều năm, sau khi dùng sự khéo léo của ngôn từ tấn công dữ dội và cay độc về mọi thứ, từ Mỹ cho đến Nam Việt Nam, Jane Fonda mới bắt đầu ngỡ ngàng nhận ra bà ta chỉ là con rối của truyền thông Cộng sản. Bà mong muốn được tha thứ và quên đi sai lầm này, nhưng không dễ. Năm 2015, trong dịp ra mắt cuốn phim nói về cuộc đời mình, tờ The Guardian tường thuật Jane Fonda đã phải đối diện với nhiều cuộc biểu tình của các cựu binh Mỹ. Những người này cầm biểu ngữ cùng bức hình “bên mâm pháo ở Hà Nội” của bà, cùng dòng chữ “Tha thứ? Có thể. Nhưng quên đi? Không bao giờ!” (Forgive? Maybe. Forget? Never).

Nói trên tờ Los Angeles Times, bà Jane Fonda từng thú nhận rằng “’Bất cứ khi nào có dịp, tôi đều cố gắng ngồi lại với các cựu chiến binh và nói chuyện với họ. Tôi thật sự đau đớn vì lỗi lầm to lớn này khiến nhiều người nghĩ rằng tôi chống lại những quân nhân Mỹ”.

Còn nói với Oprah Winfrey trong một talkshow, Jane Fonda cũng nhấn mạnh “Bức ảnh trông giống như tôi đang cố bắn vào máy bay Mỹ. Nó làm tổn thương rất nhiều người lính. Nó khơi dậy sự thù địch như vậy. Đó là điều khủng khiếp nhất mà tôi có thể đã làm. Đó là sự thiếu suy nghĩ”.

Viết trong hồi ký của mình, Jane Fonda nói: “Có thể Bắc Việt Nam đã lên kế hoạch hết rồi. Tôi không bao giờ lường được. Nhưng thật sự là tôi đã cho phép mình bị lợi dụng. Đó là sai lầm của tôi, tôi đã phải trả giá và vẫn phải tiếp tục phải trả giá đắt cho điều đó”. Trong hồi ký My Life So Far (2005), Jane Fonda có kể lại lại cú lừa lịch sử, như sau:

Ai đó, (tôi không nhớ là ai) dẫn tôi đến bệ pháo, tôi ngồi xuống, vẫn cười, vẫn vỗ tay. Tất cả chẳng có gì liên quan đến chỗ tôi ngồi, tôi thậm chí còn không nghĩ tôi ngồi ở đâu”.

“Ánh đèn máy ảnh loé lên. Tôi đứng dậy, và khi bước trở lại xe ô-tô, tôi chợt hiểu ra điều gì vừa xảy ra. Chúa ơi. Nó sẽ là cảnh như thể tôi tìm cách bắn hạ phi cơ Hoa Kỳ! Tôi cầu xin ông ta: Ông hãy đảm bảo là không ai đăng các bức hình này nhé. Tôi xin, tôi xin đấy. Đừng cho họ đăng ảnh”.

“Người ta nói với tôi là tôi cứ yên tâm (I am assured it will be taken care of). Tôi không biết phải làm gì. Rất có thể người Việt Nam đã chuẩn bị, lên kế hoạch hết rồi. Tôi sẽ không bao giờ biết được sự thật. Nhưng nếu họ làm thế thì tôi đổ lỗi cho họ ư? Không, lỗi là của tôi.”…

“Nếu tôi bị lợi dụng, thì tôi đã cho phép việc đó xảy ra. Đó là lỗi lầm của tôi và tôi đang tiếp tục trả giá đắt cho sai lầm của mình”. (trích)

Nhưng điều đau đớn hơn bao giờ hết. Là Hà Nội luôn làm ngơ sự ăn năn của Jane Fonda, và vẫn suốt nhiều thập niên, luôn tận dụng hình ảnh của bà cho sự tuyên truyền về cái gọi là “chính nghĩa” của Bắc Việt trong cuộc chiến xâm lăng miền Nam và chống Mỹ. Thậm chí nó vẫn được dùng trong thời gian bang giao với Hoa Kỳ, từ sau 1995, cũng như vào lúc Việt Nam hối hả xin nối kết lại với kẻ cựu thù trước đây, mong được có mối quan hệ ngoại giao chiến lược toàn diện, nhằm thủ an trước Trung Cộng.