Seite auswählen
Mạng xã hội tìm ra những khuất tất của dự án xóa sổ 600 ha rừng tự nhiên ở Bình Thuận

Tin liên quan:

Bình Thuận: Phá rừng tự nhiên hơn 600ha để làm hồ thủy lợi

‘Quốc hội phá rừng chứ không phải lâm tặc’ (*)

Chiều ngày 5 Tháng Chín, trả lời phóng viên báo chí, ông Triệu Văn Lực, Phó cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết Bộ NN&PTNT nói bộ của ông đã thành lập đoàn công tác vào Bình Thuận để kiểm tra cụ thể vụ chuẩn bị phá hơn 600 ha đất rừng để làm dự án hồ thủy lợi Ka Pét.

Ông Lực “hớn hở” nói: “Ngay khi có thông tin báo chí phản ánh và báo cáo của địa phương, Bộ NN&PTNT đã thành lập đoàn công tác vào kiểm tra cụ thể. Thành phần đoàn gồm các cơ quan của bên Bộ”.

Hai ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm về việc xây dựng dự án hồ chứa nước Ka Pét huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Điều khốn nạn là chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước Ka Pét đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (tháng 5-2019), nhưng cả nước không ai biết. Báo chí không đưa một dong tin tức nào.

Có thể ông Lực không biết chuyện này, vì ông ấy và cả ông Cục trưởng Trần Quang Bảo cũng chỉ mới được bổ nhiệm về Cụ Lâm nghiệp từ đầu năm nay. Ngay cả Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng chỉ mới nhậm chức từ năm 2021.

Trước câu hỏi: “Quốc hội đã thông qua rồi thì các ông làm gì được nếu thấy sai trái? Ai chịu trách nhiệm về chuyện sai trái này?”, ông Lực chọn cách trả lời rất thực, đó là… im lặng.

Dân mạng thì không im lặng như ông (bất) Lực, và những điều họ tìm được cho thấy đây là một âm mưu không chỉ xóa sạch khu rừng nguyên sinh lấy gỗ quý đem bán, mà còn hơn thế nữa.

Ai có thể sai khiến Quốc hội thông qua dự án này? Đó là câu hỏi không khó trả lời, dù chứng cứ (đương nhiên) đã bị xóa sạch.

Đơn vị tư vấn đánh giá tác động môi trường có thể là một công ty… ma!

“Báo cáo tóm tắt Báo cáo đánh giá tác động môi trường” của Công ty TNHH Mỏ Địa chất Miền Nam “bật đèn xanh” cho việc xóa sổ 600 ha rừng tự nhiên ở Bình Thuận

Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) vào tháng 8-2022 do đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Mỏ Địa chất Miền Nam và đơn vị thực hiện lấy mẫu, đo đạc môi trường nền (Công ty TNHH Môi trường Dương Huỳnh, TP. HCM) cũng thừa nhận: dự án sẽ làm mất lớp phủ thực vật, ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái nông nghiệp, gây mất nơi cư trú của động thực vật sinh sống trên khu đất dự án.

Tuy nhiên ĐTM khẳng định, nhóm tác động do việc chuyển đổi lâu dài mục đích sử dụng khu đất dự án là khó tránh khỏi. Song tác động tích cực từ sự phát triển của dự án là hoàn toàn vượt trội hơn các tác động tiêu cực.

Sau 15 ngày âm thầm lấy ý kiến, đương nhiên chẳng ai biết mà góp ý cả, công ty kết luận rằng quý vị cứ phá rừng làm gì đó thì làm, đằng nào cũng có lợi.

Với kết luận “chướng tai” như thế, dân mạng bèn đi tìm thằng (đào) Mỏ Địa chất Miền Nam là thằng nào?

Trên Google Maps, không thể tìm thấy địa chỉ thật của Công ty TNHH Mỏ Địa chất Miền Nam

“Chị Gu-gồ” cho biết đó là công ty do ông (bà) Nguyễn Thanh Hà làm đại diện pháp luật, được cấp giấy phép kinh doanh “hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan” từ Tháng Năm năm 2013.

Công ty này có tới… 4 lao động chính thức làm việc. Có thể là 1 giám đốc, 1 phó giám đốc, 1 kế toán, và 1 tài xế. Không cần bảo vệ, vì họ không có văn phòng dù vẫn có địa chỉ. Bởi vì với địa chỉ đăng ký hoạt động 793/28/1/27B đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7, Sài Gòn, Facebooker Hà Ninh cất công tìm kiếm trên Google Maps và cho biết như sau:

“Chiếu Google Maps xuống địa chỉ: 793/28/1/27B Trần Xuân Soạn. Xuất hiện Block B có nghĩa miếng đất bị chia ra và trên google maps không thấy nhà hoặc là rất nhỏ. Các công ty chung quanh thì có ghi tên công ty còn ‘công ty Phá Rừng’ thì google maps không nhắc đến”.

Xóa bỏ di tích lịch sử thiêng liêng của người Chăm và Raglai, và còn nhiều hơn nữa

Dư luận đang bắt đầu phản đối dự án xóa bỏ khu rừng tự nhiên ở Bình Thuận – Ảnh: Chân Trời Mới

Facebooker Khanh Pham cho rằng trong 600 ha rừng tự nhiên sắp bị phá bỏ hoàn toàn, có hai di tích rất quan trọng của cộng đồng người Chăm phía Nam Bình Thuận; đó là khu lăng mộ của Pô Cei Khar Mâh Bingu và Pô Haniim Per, gắn với truyền thống hành hương 7 năm một lần của cộng đồng người Chăm vùng Pajai. Khanh Pham viết tiếp:

“Trải qua gần 300 năm, đây là cánh rừng thiêng được cộng đồng người Chăm và Raglai bảo vệ một cách tuyệt đối và miên mật bất khả xâm phạm. Nhờ vào chất thiêng ấy trải qua bao biến thiên lịch sử khu rừng này vẫn được giữ lại yếu tố nguyên sinh như vốn có từ ngàn đời cho đến hôm nay.

Xin nói lại một lần nữa; đây là khu rừng già, rừng nguyên sinh chứ không phải là rừng nghèo, rừng đã bị tàn phá như người ta báo cáo.

Theo thông tin thì toàn bộ khu vực lăng mộ của Pô Cei Khar Mâh Bingu gần 10ha bao gồm; khu mộ, vòng thành, khu luyện binh lính, khu trồng dược liệu, khu vực làm ruộng… là những di tích lịch sử thiêng liêng quan trọng trong đời sống tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm và Raglai sẽ bị nằm sâu dưới lòng hồ.

Khu vực thờ cúng và hành hương giờ cơ bản sẽ được tiếp tục xóa bỏ như chính chủ nhân của họ. Sinh linh là chủ nhân của di tích thiên liêng này như là một bóng ma không cần tham vấn, không cần thăm hỏi tâm tư nguyện vọng, họ mặc nhiên đập phá vì bởi họ là người cai trị”.

Không chỉ di tích lịch sử bị tàn phá, những tên phản quốc dấu mặt còn tính đến chuyện thu về những báu vật của rừng như gỗ quý, và rất nhiều sản vật của rừng, trong đó có cả mỏ titan, mà chưa ai biết trữ lượng của nó nhiều đến đâu.

Dư luận cho rằng phải gọi đúng tên chúng là lũ phản quốc, cho dù chúng đang là đại biểu quốc hội, hay có chức vụ cao hơn nữa.

Phải lên tiếng dù đã quá muộn màng

 

5-9-2023

Tin tỉnh Bình Thuận được phép phá hủy hơn 600ha rừng để làm hồ thủy lợi là một quả bom tấn có sức công phá dữ dội trong một xã hội vốn đã có quá nhiều điều bất cập.

Sự chấn động của nguồn tin có đủ sức mạnh để những ai đang cố tình quên đi nhiều ký ức bi thương về cuộc sống đã qua cũng phải bật dậy, ôm lấy đầu mình. Sao lại có thể như vậy được nhỉ?

Chúng ta sống trong sự ngột ngạt của một thành phố mà mật độ dân cư lên đến mức cao nhất, có những buổi tan sở, cầm trong tay một giò lan hay một chậu hồng tỉ muội mua ở ven đường, lòng khấp khởi nỗi vui mừng, mang chút quà tặng của thiên nhiên về để trước balcon, chăm sóc, ngắm nghía mỗi buổi chiều về. Chỉ một bụi cây nhỏ xíu đủ mang lại niềm vui, thế mà ở không xa chúng ta là mấy, đang có toan tính hủy hoại những rừng cây bạt ngàn đã sinh trưởng từ nhiều trăm năm trước, đã che chở, bảo vệ chúng ta khỏi những cơn lũ giữa đại ngàn, hấp thu cho chúng ta hàng triệu tấn khí độc hại của môi trường.

Thật là một điều đáng ôm đầu suy nghĩ!

600ha ấy đâu phải chỉ có cây rừng! Đó còn là ngôi nhà chung, nơi nương náu của hàng triệu sinh vật, từ những giống thú móng guốc to lớn đến những loài chim líu lo, những chú bướm khoe màu sắc trong cái thế giới mà bà mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho chúng.

Viễn cảnh tàn phá động thực vật còn lại rất ít trên đất nước này khiến không ít người trong chúng ta quặn lòng khi nhớ đến hình ảnh bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường của những đất nước văn minh mà nhiều người trong chúng ta từng có lần đặt chân đến. Ở đó, có những chiếc xe nối đuôi nhau dừng lại, im phăng phắc, nhẫn nại chờ cho mẹ con đàn ngỗng hoang dã chậm rãi đi qua đường; nhiều tiểu bang trên đất Mỹ cho máy bay trực thăng rải hàng chục tấn hạt giống hoa dại trên các thảm cây rừng khắp chốn, để khi mùa Xuân trở về, khách nhàn du có dịp ngây ngất trước vẻ đẹp của đời sống tự nhiên.

Người ta yêu thiên nhiên, chăm sóc và làm đẹp thiên nhiên như thế, vậy mà trên đất nước “rừng vàng biển bạc” này, con người tiếp tục hủy hoại không thương tiếc di sản quý giá đã được cha ông truyền lại từ hàng trăm năm trước. Nhiều thập kỷ qua, thảm họa phát xuất từ hành động phá rừng đã diễn ra dưới thiên hình vạn trạng, từ những trận lũ kinh hồn cuốn phăng nhà cửa, ruộng vườn, đến những trận đất chuồi biến thành mồ chôn cả tài sản lẫn con người…, vậy mà đến nay, chúng vẫn chưa đủ sức răn đe và ngăn chặn lòng tham của nhiều người!

Những tiếng kêu thống thiết vang lên từ mấy chục năm qua, nay đã quá muộn màng, khi rừng nguyên sinh chỉ còn 0,25%!

Ăn của rừng hơn 99%, bấy lâu nay, ta đã trả lại cho rừng được bao nhiêu?

Song như người xưa từng nói, muộn vẫn còn hơn không, cất lên tiếng nói của lương tri, hành động bằng cách này hay cách khác, để bảo vệ nguồn tài nguyên vô giá của cha ông, là trách nhiệm chung của mọi người trong xã hội này. Làm ngơ trước những hành vi chưa thể hiện đầy đủ tinh thần vì dân, vì nước, chúng ta đắc tội với tiền nhân, vô cùng có lỗi với những thế hệ cháu con phải gánh chịu hậu quả nặng nề do thế hệ của mình gây nên.

Quốc hội cần khẩn xấp xem xét lại…

5-9-2023

Từ lâu tôi đã rất ngạc nhiên và bức xúc với việc tại sao vùng đất hạn hán Bình Thuận, Ninh Thuận cứ mãi chịu cảnh thiếu nước, đến mức có năm cừu, bò không có cỏ để ăn, còn người dân thì phải dùng cả nước ô nhiễm nặng để sinh hoạt?

Phát triển không thể đồng đều tuyệt đối, nhưng đừng chênh lệch đến mức khiến một bộ phận dân cư nào đó sống với cảm giác họ bị lãng quên, hoặc tệ hơn nữa, bị bỏ rơi.

Vì thế, khi nghe Quốc hội đồng ý đầu tư một hồ thủy lợi với sức chứa hơn 50 triệu mét khối nước, thú thực là tôi thấy lòng có chút nhẹ nhõm.

Sáng nay chủ đề của “Hội đạp xe” chúng tôi bỗng xoay quanh khu rừng 600ha sắp bị phá, để làm cái hồ đang nói tới. Một thành viên trong nhóm, thay cho việc đưa ra quan điểm, đã kể lại chuyện sau đây.

Theo như anh nghe được từ một người tham gia đầu tư làm thủy điện, thì thứ mà họ nhằm đến không phải là nhà máy phát điện sau này (vừa bé bát gạo, vừa lâu đồng tiền), mà là số gỗ của khu rừng bị phá để làm lòng hồ và mặt bằng công trình.

Một khối lượng gỗ khổng lồ, toàn gỗ quý, mới là món lợi chính đáng để đầu tư công sức chạy chọt.

Kể xong anh kết luận: Mục tiêu vẫn là gỗ các ông ạ.

Tôi nghe vậy, bèn bảo với anh:

600ha rừng sắp bị phá để làm hồ Ka Pét chắc chắn là rừng tràm, rừng keo chứ Quốc hội còn lâu mới cho động đến rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh. Quốc hội cũng nhiều người thông minh, tử tế, thương xót môi trường chứ ông.

Mọi người lập tức đồng ý với tôi. Gỗ nhóm tứ thiết, bét cũng phải gỗ thông… mới có giá, chứ tràm hay keo đều là gỗ tạp, chỉ làm giấy hoặc ván ép, giàn giáo… là cùng.

Về nhà tôi bèn vào đọc các báo, để thật yên tâm và giật mình với những thông tin về khu rừng. Hóa ra, dù đã được điều chỉnh, thì trong số 600ha có tới gần 140ha là rừng đặc dụng. Rừng đặc dụng quý báu ra sao, có vai trò gì với sinh thái thì bạn hoàn toàn có thể biết trong vòng vài phút. Số rừng còn lại, đều có tuổi từ trăm năm trở lên. Có nhiều cây gỗ lim, gỗ căm xe, bằng lăng vài trăm tuổi, cao tới 30 mét, tỏa tán che phủ một diện tích lớn.

Để hình dung về độ cổ xưa và ổn định sinh thái của khu rừng, chỉ cần biết rằng đại bàng, loài chim khổng lồ và cực kỳ khó tính, tất nhiên cũng vô cùng quý hiếm, đã chọn làm nơi sinh sống.

Nhưng quan trọng là khu rừng đã gắn bó với cả một cộng đồng cư dân tới mức có thể ví nó với máu thịt họ.

Không ổn. Rất không ổn các ngài dân biểu ạ. Quốc hội cần ngay lập tức cho dừng dự án đó lại, tìm phương án khác.

Tôi tin rằng luôn có phương án khác tốt hơn, với khả năng khoa học và công nghệ hiện nay. Đã có lúc tôi nghĩ, liệu có thể làm hồ chứa, tích nước ở ngay vùng cát cháy? Chắc chắn phức tạp, tốn kém hơn, nhưng khi còn có thể trả bằng tiền thì vẫn chưa phải là đắt nhất?

Chả hiểu sao tôi đặc biệt bất an với thông tin sau đây của VNExpress: “Khu rừng sẽ được bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ“.

Phá rừng làm hồ thủy lợi: chữa bệnh bằng cách uống thuốc độc

Thái Hạo

5-9-2023

Hơn 600 ha rừng giàu hàng trăm năm tuổi của Bình Thuận đang sắp bị xóa sổ để để làm hồ thủy lợi, dư luận cả nước bàng hoàng.

Bàng hoàng vì không thể hiểu tại sao người ta có thể lạnh lùng đặt bút để ký khai tử nốt những mảnh rừng nhỏ nhoi cuối cùng còn sót lại của một quốc gia nhiệt đới nhưng chỉ còn diện tích rừng khoảng 2%, riêng rừng nguyên sinh chỉ còn 0,25% (!).

Bàng hoàng bởi vì tại sao người ta lại không biết một điều giản dị: rừng chính là nước. Không còn rừng thì nước cũng hết, lúc ấy những hồ thủy lợi chỉ còn dùng để chứa nước mùa mưa, còn mùa khô trơ đáy. Muốn có nước thì phải giữ rừng, trồng rừng, đó là nguyên tắc tối thiểu.

Một dải cát trắng nhức nhối mấy trăm cây số của Nam Trung bộ thuở xưa vừa nhìn tưởng sa mạc, nhưng không, nó trù mật và cuồn cuộn sự sống, vì sao? Vì Tây Nguyên là rừng. Rừng giữ nước, dòng nước len lỏi bất tận từ dãy Trường Sơn luôn ăm ắp trong lòng cát, nuôi dưỡng sự phồn thịnh của miền Nam của tổ quốc. Nay thì không còn nữa, rừng Tây Nguyên đã bị tận diệt, cả một dải miền Trung thành cằn cỗi, khô khát. Xin đọc “Nước mội, rừng xanh và sự sống” – một bài viết hay đến đau đớn của nhà văn Nguyên Ngọc, để thấy một tang thương (https://www.vtr.org.vn/nuoc-moi-rung-xanh-va-su-song.html).

Rừng không phải chỉ là rừng, là gỗ, là chim thú; rừng là sự sống của con người, là nền tảng của kinh tế, là đảm bảo của thịnh vượng, là sự hưng vong của quốc gia.

Rừng hết nghĩa là nước hết, chỉ còn lũ, lũ quét, lũ ống, lũ bùn. Rừng hết nghĩa là thiên tai, là đất chảy, là điêu tàn tương lai.

Trồng cây để đợi thành rừng phải mất cả trăm năm, trong khi làm hồ thủy lợi có nhiều cách. Còn những mảnh xanh cuối cùng cũng đem phá nốt và lập luận rằng sẽ trồng thay thế, đó là nói cùn, nói lấy được.

Rừng đối với Việt Nam bây giờ phải được coi như da thịt, máu huyết. Phải bảo vệ như bảo vệ chính sự sống còn của mình, không một lý lẽ nào có thể dùng để biện minh cho hành động tàn phá.

Với tất cả giá trị của rừng, nhất là trong hoàn cảnh rừng đã gần như bị xóa trắng như hiện nay, thì việc chọn một phương án khác để làm hồ thủy lợi mà không phải phá rừng, dù kinh phí có cao hơn gấp vài lần, vẫn là một cái rất giá rẻ.

Tôi phản đối phá rừng!

Cánh rừng 600ha và những gì sẽ biến mất

Khải Đơn

5-9-2023

Phối cảnh hồ chứa nước Ka Pét nhìn từ trên cao. Ảnh: Cổng TTĐT Bình Thuận

Hàng ngàn cây lim xanh, “trên một trăm năm tuổi có giá trị hàng trăm triệu đồng” nằm ở nơi sẽ được đem đấu giá khai thác gỗ.

Hầu hết chúng ta không biết đến dự án hồ chứa nước Ka Pét nếu Vnexpress không làm một bộ ảnh thình lình cho thấy khu rừng 600ha khổng lồ đó không đơn giản chỉ là một khu rừng.

Nó nằm trong một phần Khu Bảo Tồn Thiên Nhiên Núi Ông, và do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét quản lý và cộng đồng người Raglai sống ở đây hàng trăm năm qua.

Qua ảnh, ta có thể thấy rừng ở Mỹ Thạnh là các loại cây gỗ quý như lim, cẩm, hương, trắc, căm xe, mun, bằng lăng.

Trong vài tấm ảnh của Vnexpress là hình ảnh một cây lim đá trên 100 năm tuổi.

Để dọn dẹp chỗ làm hồ thủy lợi, “khu rừng sẽ được bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ”, theo Vnexpress.

Rừng sẽ được đem đấu giá khai thác là rừng gì?

Báo Bình Thuận vào năm 2017 đã viết một bài những người làm ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét phải thường xuyên tuần tra vì “chỉ hở ra là gỗ quý hiếm bị khai thác, chặt hạ. Đặc biệt là khu vực thuộc trạm Đèo Nam quản lý đóng trên địa bàn xã Mỹ Thạnh, giáp sông La Ngà, huyện Tánh Linh, địa hình đồi núi cao, hiểm trở”.

Về độ giàu của Rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét, ban tuyên giáo tỉnh Bình Thuận viết trên trang web của họ: “Đây không chỉ là cánh rừng được đánh giá ít bị tác động nhất mà ở Sông Móng – Ca Pét, hàng ngàn cây lim xanh nhiều năm tuổi sừng sững chiếm lĩnh những tán cao đẹp mê mẩn.” (2)

Hàng ngàn cây lim xanh, “Mỗi cây Lim xanh trên một trăm năm tuổi có giá trị hàng trăm triệu đồng”, cũng theo trang web của Đảng bộ Tỉnh Bình Thuận định giá. (2)

Bạn có thể cùng tôi google để tìm được giá của gỗ lim vào khoảng 5 triệu đồng/m3, giá của gỗ căm xe tròn là 10-13 triệu đồng/m3, giá của gỗ hương là 18-45 triệu đồng/m3, giá của gỗ cẩm lai với tuổi thọ cao là… 80-100 triệu đồng/m3. Trong bộ ảnh của Vnexpress, người xem có thể thấy gỗ căm xe mọc dày đặc ở khu rừng này.

Trên đây là mô tả về độ giàu ước tính về mặt tiền bạc của cánh rừng sắp “được” làm thành hồ chứa nước. Những cây cổ thụ hơn 100 tuổi, đặc biệt là nhóm cây có giá trị kinh tế cực kỳ lớn mà ta có thể thấy chạm trổ rồng phụng trong biệt phủ của những quan chức giàu có mỗi khi bão lũ quét qua phơi bày hết nội thất. Độ giàu về tiền bạc khiến bất cứ con buôn gỗ lậu nào cũng sẽ hào hứng đón nhận dự án này. Đặc biệt, bài báo của Vnexpress cho biết khu rừng 600ha sắp bị phá có 137ha nằm trong khu rừng đặc dụng, và nó sẽ được đem bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ.

Ngoài độ giàu về mặt tiền bạc, thứ có thể làm bất cứ con buôn gỗ lậu nào hào hứng trước dự án này, thì khu rừng do hai cơ quan quản lý trên còn nằm trong Khu Bảo Tồn Thiên Nhiên Núi Ông, và chịu sự quản lý của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét, nghĩa là ngoài tên là rừng, nơi này còn có một số đặc điểm khác khiến nó đi kèm tên “đặc dụng” và “phòng hộ”.

Tại sao ta gọi một khu rừng là rừng đặc dụng? 

Theo Luật Lâm Nghiệp năm 2017, có hiệu lực từ năm 2017 (1)

Trong điều 5, khoảng 2 có ghi, “rừng đặc dụng là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng, nghiên cứu khoa học, bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh kết hợp du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng, giải trí trừ phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng”.

Trong điều này bạn có thể lưu ý, rừng đặc dụng khác với rừng bạn tự trồng với mảnh đất kế bên nhà hay rừng trồng lại bằng dự án là ở điểm nơi đây còn có một thứ khác là “hệ sinh thái rừng tự nhiên, nguồn gen sinh vật rừng”.

Để nhấn mạnh độ đa dạng của khu rừng sẽ bị dùng làm hồ chứa, tôi trích lại lời của ông Phan Thái Bình (từ Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) mô tả những gì có trong khu vực rừng đặc dụng sẽ bị phá đó là “332 cây gỗ trong khu vực hồ chứa Ka Pet thuộc 43 loài thực vật thân gỗ, 36 chi và 23 họ thực vật khác nhau. Trong đó có 2 loài trong danh mục các loài thực vật quý hiếm của sách đỏ Việt Nam; 8 loài thuộc danh mục thực vật quý hiếm theo sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Đặc biệt có những loài thuộc nhóm có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng nếu không được quản lý chặt chẽ.”

Vào năm 2020, một số báo đưa tin “quần thể lim xanh cổ thụ hơn 1.000 cây trên một trăm tuổi” được phát hiện ở triền núi kề làng Raglai Mỹ Thạnh. VTV khi đó viết, “hơn 1.000 cá thể lim xanh với chiều cao hơn 30m, đường kính thân gỗ từ 1 – 1,5m. Những cây lớn phải đến 4 người ôm mới hết”, “tán rộng, mọc cách nhau từ 40-50 mét” (3). Đó là một vài mô tả về độ đa dạng của cánh rừng bạn thấy qua ảnh.

Khu vực rừng bị phá bỏ để làm hồ thuỷ lợi. Đồ hoạ: Khánh Hoàng/VNE

Rừng phòng hộ là gì? 

Cũng trong điều 5 của Luật Lâm Nghiệp 2017, khoản 3, Rừng phòng hộ “được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, chống sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, cung ứng dịch vụ môi trường rừng”.

Nghĩa là, bằng cách nào đó, khu rừng 600h sắp bị phá trên  theo kiểu phân loại của Luật Lâm Nghiệp 2017, nó đáp ứng một số tiêu chí quan trọng của rừng THẬT, nơi có độ đa dạng sinh học, tuổi thọ, và có chức năng “phòng hộ” để chống bão lụt, lũ quét cho khu vực dân cư ngoài rừng. Cụ thể, bạn có thể tìm các bài báo để thấy huyện Hàm Thuận Nam thường xuyên có nguy cơ bị lũ quét hoặc có trải qua ngập lụt thực sự.

Làm hồ nước phải làm gấp? 

Năm 2019, không rõ các đại biểu quốc hội có biết tên và chức năng của khu rừng này hay không, nhưng họ đã kịp phê duyệt chủ trương đầu tư tại nghị quyết số 93/2019. (4)

Nghị quyết đó viết ở điều 2 rằng dự án “cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân, phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận”. (4)

Văn bản này ghi rõ, trong 693,31ha diện tích đất của dự án gồm có 162,55ha là rừng đặc dụng, 471,09 ha là rừng sản xuất). Nghĩa là, 1/5 diện tích của dự án này cắn vào khu rừng đặc dụng đã được dày công bảo vệ bao nhiêu năm qua, với độ đa dạng không thể tái tạo lại bằng cách trồng cây giả làm rừng mới.

Khu rừng sắp bị cưa hạ tồn tại từ lâu đời, gắn liền không gian sống của người dân tộc Rai (Raglai) hàng trăm năm qua. Ảnh: VNE

Lúc ký nghị quyết, dự án này có tổng tiền đầu tư là 585,647 tỷ đồng. (4) Không hiểu bằng sự màu nhiệm nào sau 4 năm, từ 585 tỷ số tiền này tăng lên thành 874 tỷ đồng. Nghĩa là sau 4 năm, chính phủ sẽ chi thêm 289 tỷ đồng chủ yếu là vì… trượt giá.  (5)

Vào tháng 5/2023, Ủy ban Khoa học Công Nghệ và Môi Trường tán thành, và đề nghị chỉnh ngay giá tiền thực hiện lẹ đến 2025 phải xong. Cánh rừng bạn đang thấy trên Vnexpress sẽ còn 2 năm nữa, sống chết sẽ vào tay tên nào đó đấu giá mua được để khai thác gỗ.

Rừng trồng mới thay thế là rừng gì?

Trong các bài tường thuật về chuyện phá rừng này để làm hồ, thì có thêm mục phá rừng cũ thì trồng thêm rừng mới thôi, và trồng nhiều gấp ba lần. Vậy rừng mới đó là rừng gì?

Trên trang web của quốc hội Việt Nam, tôi tìm thấy rừng trồng thay thế là cây keo lai, bạch đàn và cây giáng hương. Cũng chính các đại biểu quốc hội tự hiểu rằng các cây bên trên là “những loại cây sản xuất kinh tế, chỉ có lợi ích thu hoạch trong 3-5 năm sẽ trắng rừng, không đảm bảo cân bằng sinh thái lâu bền”. (6)

Ba loại cây này không phải là ba loại cây chính trong khu rừng sắp bị phá mà chính trang web của Đảng bộ Hàm Thuận Nam, cán bộ bảo vệ rừng cũng như các báo liệt kê. Vậy tại sao nó có thể được gọi là “rừng trồng thay thế”? Ngoài ra, 500ha những cây này thực chất là loại cây trồng để thu hoạch (nghĩa là trồng đến lớn rồi chặt lấy gỗ đem bán), sao có thể tính vào vị trí là rừng trồng thay thế cho một khu rừng thật sẽ bị chặt sạch với hệ sinh thái và các loài sẽ bị biến mất cùng với nó?

Tôi vẫn chưa hiểu bằng phép tính nào mà quốc hội đủ can đảm thông qua một dự án có sức tàn phá như vậy, dựa trên chính những quy định mà luật pháp quy định về các loại rừng.

Một cây bằng lăng nằm trong tiểu khu 262, có thân cao hơn 30 m, gốc đường kính hơn 2 m, bốn người ôm không hết, sẽ bị cưa hạ để làm lòng hồ Ka Pét. Ảnh: VNE

** Phá rừng vs Net Zero

Năm 2021, chính phủ của thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết ở COP26 Việt Nam sẽ đạt mức trung hòa phát thải net-zero carbon vào năm 2050. Cam kết này mở đường cho thị trường mua bán trữ lượng carbon và có thể biến Việt Nam thành điểm đến kế tiếp cho các thiên tài mua bán carbon từ Ấn Độ xuất hiện.

Nếu bạn nào hay mua hàng hiệu sẽ để ý một số nhãn hàng bạn mua sẽ nói họ có đóng góp hoặc chi trả để mua “carbon offset”, đại để là họ sẽ đi mua chứng chỉ carbon offset này ở đâu đó, sau đó cái đứa bán sẽ cam kết là nó trồng một cánh rừng ở đâu đó để rừng hít sạch carbon thải ra từ việc sản xuất túi hiệu, đi máy bay hoặc xăng dầu để chạy xe máy xe hơi.

Tuy nhiên, bạn có thể đọc hoặc xem các bài báo ở đây: https://www.theguardian.com/environment/2023/jan/18/revealed-forest-carbon-offsets-biggest-provider-worthless-verra-aoe

Hoặc video ở đây:

 

Để hiểu là số tiền bạn bỏ ra mua, hoặc tin rằng các nhãn hàng bạn yêu thích sẽ mua, thực ra không hề đến được với cánh rừng nào cả, mà nó có thể chỉ là một cánh rừng toàn cây ngoại lai hoặc các cây không có chức năng gì được trồng đại lên một khu đất nào đó, và công bố là đã giúp trung hòa carbon mà nhãn hàng đó thải ra. Tình cờ là, các hợp đồng buôn bán carbon offset đó thường đi qua các dự án trồng rừng mới, trồng rừng tái tạo cho một dự án nào đó tương tự kiểu làm hồ chứa, trồng rừng mới rộng gấp ba như dự án bên trên

Vậy có phải thứ bạn đang đọc trên báo hàng ngày về nỗ lực của Việt Nam giúp chống biến đổi khí hậu, tham gia cam kết Net Zero chỉ là một dạng mở ra thị trường buôn bán carbon offset chứ không phải nỗ lực thật bảo vệ cánh rừng nào để giúp người Việt có thêm không gian để “thở” trong biến đổi khí hậu cả.

_____

Chú thích sử dụng trong bài:

(1)  https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2017/12/16.signed.pdf

(2) https://btgtu.binhthuan.dcs.vn/Tintuc/post/206566/lim-xanh-o-rung-song-mong-capet

(3) https://baoquangninh.vn/phat-hien-quan-the-lim-xanh-quy-hiem-co-cay-4-nguoi-om-moi-het-2485758.html

(4) https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2020/02/93.signed.pdf

(5) https://vov.vn/kinh-te/du-an-ho-chua-nuoc-ka-pet-o-binh-thuan-tang-von-dau-tu-tu-585-ty-dong-len-874-ty-dong-post1021799.vov

(6) https://quochoi.vn/hoatdongcuaquochoi/cackyhopquochoi/quochoikhoaXIII/Pages/danh-sach-ky-hop.aspx?ItemID=42865&CategoryId=0

‘Quốc hội phá rừng chứ không phải lâm tặc’ (*)

Lê Thiệt

Saigon Nhỏ

 

 

Khu rừng sắp bị cưa hạ tồn tại từ lâu đời, gắn liền không gian sống của người dân tộc Rai (Raglai) hàng trăm năm qua – Ảnh: VNExpress

Tin liên quan:

Bình Thuận: Phá rừng tự nhiên hơn 600ha để làm hồ thủy lợi

Theo tin đã đưa, quyết định phá khu rừng tự nhiên rộng 619 ha ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, để xây hồ chứa nước Ka Pét dung tích hơn 51 triệu m3 nước, đã được Quốc hội thông qua từ năm 2019.

Điều lạ là quyết định quan trọng đó, báo chí không được biết, hoặc biết nhưng không được phép đưa tin, nên gần 100 triệu dân, không ai biết. Mãi cho đến ngày 4 Tháng Chín năm 2023, khi UBND tỉnh Bình Thuận chuẩn bị phá rừng, báo chí được phép đưa tin (như một chuyện đã rồi) thì người dân mới biết.

Người dân biết trong sự phẫn nộ, vì quyết định tàn phá lá phổi thiên nhiên lại được những ông bà “đại biểu nhân dân” bấm nút thông qua một cách dửng dưng. Quyết định của Quốc hội một lần nữa, không thể hiện “ý chí của toàn dân” như họ nói, mà thể hiện “ý chí, quyền lực của đảng”.

Khu rừng sắp bị cưa hạ tồn tại từ hàng trăm năm nay, gắn liền không gian sống của người dân tộc Rai (Raglai) qua vài thế kỷ.

Trong số 600 ha rừng tự nhiên sắp bị phá có 137 ha rừng đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Rừng ở đây nhờ được bảo vệ nghiêm ngặt, ít bị con người tác động, trữ lượng gỗ còn rất lớn.

Điều này nói lên mức độ trù phú của khu rừng nguyên sinh này. Nó là một lá phổi khỏe mạnh của thiên nhiên.

Cây dầu lớn trong rừng Mỹ Thạnh. Xung quanh đó là các cây tán bụi và tre phủ tán ở tầng thấp hơn, tạo nên một hệ sinh thái rừng đa dạng – Ảnh: VNExpress

Theo quy định của Luật Lâm nghiệp, tỉnh Bình Thuận phải trồng lại hơn 1,844 ha ở những nơi khác để thay thể diện tích rừng bị mất. Điều này thực hiện theo nguyên tắc rừng thay thế phải được trồng lại gấp ba lần diện tích rừng tự nhiên bị chuyển mục đích sử dụng. Dự kiến tổng kinh phí trồng rừng thay thế khoảng 177 tỷ đồng.

Câu hỏi đặt ra là “nguyên tắc rừng thay thế” đó có thực sự thay thế khu rừng nguyên sinh bị mất đi không? Một chuyên gia lâm nghiệp nói:

“Không thể so sánh sức mạnh của 3, thậm chí 10 lá phổi con nít bằng sức mạnh của 1 lá phổi người trưởng thành được. Thế nên cho dù có trồng lại rừng với diện tích nhiều hơn gấp 10 lần, thì sự mất mát vẫn vô cùng lớn, không gì có thể cứu chữa được”.

Chưa có nhân sĩ, trí thức đưa ra lời phản biện mạnh mẽ nào cả. Hình như họ bí “á khẩu” mỗi khi đảng đưa ra một quyết định gì đây đi ngược lại lợi ích của dân tộc.

Về chuyện “bóc là phổi người lớn, rồi cho lại 3 lá phổi con nít” này thì ngay đến người dân thất học cũng thấy đó là lời bào chữa để che đậy một dã tâm tận diệt thiên nhiên rất lớn.

Trong phần Bình luận trên trang VTC, một người viết: “Mất hết lương tâm vì lợi ích, Lá phổi thiên nhiên lại bị phá, cuối cùng hậu quả của người dân gánh hết”.

Nhà báo Quốc Phan Thiết tại khu rừng nguyên sinh ở Bình Thuận – Ảnh: Facebooker Quốc Phan Thiết

Lời lẽ trên mạng xã hội còn gay gắt hơn, tài khoản tên Nguyễn Văn Bảy viết:

“Bọn súc vật, chúng đang phá hoại môi trường sống của con người, rừng là lá phổi của chúng ta, bằng cách gì đó chúng ta hãy lên án mạnh mẽ những dự án xâm hại thiên nhiên, môi trường rừng, biển…

Như chúng ta đã biết, thời gian gần đây gây sạt lở rừng ở Sóc Sơn, đèo Bảo Lộc, lở núi ở các tỉnh cao nguyên và Miền Trung,… gây hậu quả nghiêm trọng đến người và tài sản….

Những bàn tay lông lá kia vẫn không ngừng tàn phá mọi nơi trên khắp đất nước hình con giun này…!”

Tài khoản Đức Văn: “Thay vì xây dựng gấp mười thì tàn phá gấp ngàn lần hơn!”

Nhiều người cho rằng làm hồ thủy lợi chỉ là chiêu bịp bợm của Quốc hội, khi muốn hợp thức hóa quyết định của đảng. Không thể biện minh cho việc phá rừng làm hồ chứa nước này là “vì dân, vì nước”, trong khi diện tích rừng nguyên sinh như khu rừng này tại Việt Nam chỉ còn 0,25% mà thôi.

“Đó là một quyết định phản quốc”, tài khoản Vu Thien Quy viết: “Quốc hội không thể bấm nút thông qua nếu không có sự chỉ đạo của đảng ở đằng sau, cho nên đảng CSVN phải chịu trách nhiệm về quyết định này”.

“Khi đảng bắt chết, người còn phải chết, huống chi cây rừng”, một người cay đắng viết như thế trên Facebook.

Bài phóng sự trên trang VNExpress, và lời nhà báo Quốc Phan Thiết “kêu cứu” khi bị hù dọa sau bài viết này – Ảnh chụp màn hình

Cũng trên Facebook ngày 4 Tháng Chín, nhiều tài khoản loan tin nhà báo Việt Quốc (Quốc Phan Thiết), người viết bài “Khu rừng hơn 600 ha sắp bị phá làm hồ thủy lợi” trên trang VNExpress hiện đang bị hù dọa sau khi công bố sự thật về khu rừng sắp bị phá này. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi đăng lời “kêu cứu”, status này đã bị gỡ bỏ, nên chưa biết thực hư ra sao.

Chúng ta sẽ sớm biết, nếu bài phóng sự này bị tháo xuống.

(*) Chữ của Facebooker Ha Hau

Giải pháp cho rừng nguyên sinh Mỹ Thạnh và hồ chứa nước Ka Pét

Nguyễn Ngọc Chu

6-9-2023

 

Xem bản đồ của Google, rừng nguyên sinh Mỹ Thạnh có màu xanh đậm nhất trên toàn bộ giải đất phía Nam Tây Nguyên và Bình Thuận, kéo dài từ Gia Nghĩa, qua Bảo Lộc đến Phan Thiết. Mở rộng lên toàn bộ đất nước thì Mỹ Thạnh là một trong số rất ít các vùng có màu xanh đậm nhất. Nhìn bản đồ rừng Việt Nam từ năm 1945 qua các thời kỳ mà trong lòng như có muối xát. Chúng ta không chỉ làm ngắn tuổi thọ chính mình, mà đang cắt từng phần tuổi thọ của các đời con cháu.

1. VÀI NÉT VỀ DỰ ÁN HỒ CHỨA NƯỚC KA PÉT

Nghĩ rằng, trước khi quyết định triệt phá 680,41 ha rừng tự nhiên, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, lãnh đạo Bộ NN&PTNT nhiệm kỳ 2010-2015 đã phải “nhắc lên, đặt xuống” nhiều lần. Và dự đoán rằng, trước khi bấm nút thông quyết định biến 680,41ha rừng nguyên sinh thành lòng hồ Ka Pét, 500 vị ĐBQH khoá XIII cũng đã “rất trăn trở.”

Theo Facebook của Tuyên Giáo Bình Thuận thì “DỰ ÁN HỒ CHỨA NƯỚC KA PÉT CÓ VAI TRÒ LỚN TRONG ỔN ĐỊNH KINH TẾ- XÃ HỘI, AN NINH ĐỊA PHƯƠNG”. Tóm tắt các điểm chính như dưới đây.

“Hồ thủy lợi Ka Pét được xây dựng ở Huyện Hàm Thuận Nam, có sức chứa 51,2 triệu m3 nước (nếu hoàn thành sẽ xếp thứ 4/50 hồ thủy lợi ở Bình Thuận). Tổng mức kinh phí đầu tư là 874 tỉ đồng.

Mục tiêu của dự án:

(1) Cấp nước tưới cho khoảng 7.762ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam;

(2) Cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II: 2,63 triệu m3/năm; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết;

(3) Phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du nhất là đoạn qua thành phố Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ của Tỉnh.

Tổng diện tích sử dụng đất của dự án xây dựng hồ thủy lợi Ka Pét là 693,31ha, trong đó diện tích có rừng là hơn 680ha (680,41ha).

Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng là 162,55ha; rừng phòng hộ là 0,91ha; rừng sản xuất là 471,09ha, rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 45,85ha và diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 12,9ha.

Để thay thế cho 680,41ha diện tích rừng tự nhiên bị ngập tại hồ thủy lợi Ka Pét, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng tổ chức khảo sát trồng mới với diện tích 1.844ha (gấp 3 lần diện tích rừng dùng để xây dựng Hồ chứa nước Ka Pét)”.

2. BẪY “ĐỔI 1 LẤY 3” VỀ DIỆN TÍCH TRỒNG RỪNG

Chính cơ chế “đổi 1 lấy 3” về diện tích trồng rừng là một trong những nhân tố “an ủi”, làm cho các vị ĐBQH Khoá XIII (2014) bấm nút thông qua dự án hồ Ka Pét. Xoá đi 680,41ha rừng nguyên sinh, nhưng lại được “lời” đến 1.844ha rừng trồng mới. Cái tỷ lệ được gấp 3 lần diện tích rừng trồng mới, không chỉ “an ủi”, mà thực ra đã đánh lừa nhiều người. Vì cây trông mới đấy không phải là rừng tự nhiên. Rừng tự nhiên có được là từ nhiều chục ngàn năm. Tuổi của rừng tự nhiên không phải tính bằng tuổi vài trăm năm của cây lâu năm nhất còn tìm thấy trong rừng. Vì cũng như con người, cây rừng được thay thế từ đời này qua đời khác.

Giá trị của rừng nguyên sinh, khác với cây mới trồng – không phải là chủ đề để bàn luận ở đây. Nhưng cũng phải thêm một lần cảnh báo, để các vị ĐBQH thận trọng cho các quyết định về phá rừng nguyên sinh trong tương lai. Cây trồng mới, dù diện tích tăng gấp 10 lần, dù vài trăm năm sau nữa, cũng không phải là rừng nguyên sinh. Cho nên 18,44km2 cây trồng mới trong kế hoạch – không thể nào so sánh được với 6,8km2 rừng nguyên sinh Mỹ Thạnh nhiều ngàn năm tuổi.

Chính cãi bẫy “đổi 1 lấy 3” đã trở thành “lá bùa” che mờ mọi mục đích phía sau của việc phá bỏ rừng nguyên sinh trong các dự án. Cứ tiếp tục cái bẫy “đổi 1 lấy 3” thì hàng ngàn ha rừng nguyên sinh sẽ tiếp tục bị huỷ diệt.

III. ĐỀ XUẤT

Theo thông tin của người dân địa phương, ở ven biển TP Phan Thiết, đào sâu xuống 10 m mà vẫn bị nước mặn; còn ở phần cao phía Tây của Hàm Thuận Nam, khoan xuống 40 m may ra mới hy vọng có nước.

Bài toán “ Cấp nước sinh hoạt cho 120.000 người dân Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết, cấp nước tưới cho 7.762ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam và 2,63 triệu m3/năm cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II, không thể không giải quyết. Còn các mục tiêu khác của hồ Ka Pét có thể bỏ qua.

Nhưng không thể vì các mục tiêu này mà phá đi 680,41ha rừng tự nhiên hàng ngàn năm mới có được. Phải tìm một lối thoát khác để vừa giữ lại được rừng tự nhiên cho muôn đời con cháu, vừa cấp được nước cho 120.000 đồng bào Nam Bình Thuận cũng như nước tưới cho 7.762ha đất nông nghiệp và khu công nghiệp Hàm Kiệm II.

Bởi vậy, xin đề xuất lối thoát theo các hướng sau.

1/ Bài toán đáp ứng nhu cầu nước.

Xây dựng các chuỗi hồ nhân tạo nhỏ hơn ở các vị trí khác, không động đến rừng nguyên sinh, để giải bài toán về nước cho Hàm Thuận Nam. Để làm điều này cần thành lập một nhóm các nhà khoa học, giao nhiệm vụ đi khảo sát nghiên cứu thực địa và đề xuất giải pháp. Đây là bài toán thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

2/ Bài toán dân sinh.

Nông nghiệp, đặc biệt là lúa, không đưa đến nguồn lợi lớn. Bởi vậy,

– a/ Tạo công ăn việc làm mới trong lĩnh vực công nghiệp, du lịch và dịch vụ (có thu nhập cao hơn nông nghiệp) cho một bộ phận hoặc toàn bộ dân đang sống nhờ 7.762ha đất nông nghiệp. Giảm tỷ lệ dân nông nghiệp ở Hàm Thuận Nam xuống.

– b/ Chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Giảm hoặc bỏ hẳn canh tác các cây trồng đòi hỏi nhiều nước mà không đưa lại lợi ích cao. Phải đặt mục tiêu kinh doanh hiệu quả nhất trên diện tích đất sở hữu, chứ không bắt buộc phải là trồng lúa, hay trồng cây nông nghiệp.

Đây là bài toán thuộc trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và Bí thư Tỉnh uỷ tình Bình Thuận.

3. Bài toán thoả hiệp tối thiểu.

Vạn bất đắc dĩ, trong trường hợp không tìm ra lối thoát theo phương án 1 và 2 phía trên, thì xem tính khả dĩ của bài toán thoả hiệp tối thiểu. Tức là chỉ sử dụng một phần diện tích khu rừng (1/3 hoặc ít hơn), kết hợp với đào sâu lòng đất phần không có rừng, tạo nên một hồ chứa nước (khoảng 15 – 25 triệu m3 nước) đáp ứng cho nhu cầu tối thiểu. Với phương tiện hiện nay, đào hồ chứa nước nhân tạo 10 – 15 triệu m3 nước không phải là vấn đề khó. Hãy nghĩ đến đê ngăn nước biển của Hà Lan; hay dòng sông nhân tạo dài nhất thế giới 1.600 km chảy qua sa mạc ở Libya chuyên chở 2,5 triệu m3 nước mỗi ngày; hay dự án Kaleshwaram trên sông Godavari, tưới cho 180.000 ha, 19 hồ nước, 19 nhà máy bơm gồm 43 máy bơm, mỗi máy bơm công suất 40 MW, bơm qua 203km đường ống và 1.531km kênh mương. Lúc đó sẽ nghĩ ra giải pháp cấp nước mà không cần phải phá rừng nguyên sinh.

Để có kết luận về hướng này cũng cần có nghiên cứu và đề xuất giải pháp của các nhà khoa học. Quyết định phương án này cũng là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT.

4. Phương án khác.

Dựa trên khảo sát thực tế, các nhà khoa học có thể đưa ra các phương án khác. Điều quan trọng nhất là quy tụ được trí tuệ của các nhà khoa học tốt nhất, và cả trí tuệ trong nhân dân, tham gia giải quyết vấn đề, chứ không chỉ riêng các nhà quản lý ở Bộ NN&PTNT, ở tỉnh Bình Thuận, ở QH “đóng cửa bấm nút”.

Tin tưởng một cách sắt đá rằng, nếu Bộ trưởng Bộ NN&PTNT biết huy động trí tuệ của các nhà khoa học và trí tuệ trong quần chúng, thì chắc chắn có giải pháp tốt cho vấn đề cấp nước ở Hàm Thuận Nam mà không phải phá bỏ 680,41 ha rừng nguyên sinh Mỹ Thạnh.

IV. TRÁCH NHIỆM CỦA LÃNH ĐẠO HIỆN THỜI

Các quyết định của Quốc hội, Bộ NN&PTNT, Tỉnh uỷ Bình Thuận vào năm 2014, không có nghĩa là tự động phải tuân theo lúc này. Hoàn cảnh khác, tiềm lực khác, phương tiện khác. Lãnh đạo hiện thời mới là người quyết định có triệt phá 680,41ha rừng nguyên sinh Mỹ Thạnh để xây dựng hồ chứa nước Ka Pét hay không.

Bởi thế, trách nhiệm số 1 trong quyết định phá bỏ 680,41ha rừng nguyên sinh Mỹ Thạnh vào thời điểm hiện tại phụ thuộc vào quyết định của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. Từ đề xuất của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT mới đến trách nhiệm của Chính phủ và Quốc hội quyết định.

Cùng với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT là trách nhiệm của Bí thư Bình Thuận đương thời. Quyết định của Bí thư Bình Thuận tiền nhiệm không phải lúc nào cũng đúng, cũng vô tư. Đã có rất nhiều lãnh đạo tiền nhiệm bị kỷ luật. Quan trọng nữa là thời thế khác. Vì quyền lợi của người dân Bình Thuận, Bí thư Bình Thuận hiện nay phải có trách nhiệm đưa ra quyết định về đồng ý hay phản đối việc phá bỏ 680,41ha rừng nguyên sinh Mỹ Thạnh cùng các đề xuất.

Và không thể không nhắc đến trách nhiệm của các vị ĐBQH Khoá XV hiện nay. Nếu 680,41ha rừng nguyên sinh Mỹ Thạnh bị phá bỏ vào nhiệm kỳ QH Khoá XV, thì đó là trách nhiệm của QH khoá XV, chứ không thể né tránh là do QH khoá XIII đã thông qua mà thờ ơ. Bởi vì QH Khoá XV có toàn quyền thay đổi quyết định của QH khoá XIII về rừng nguyên sinh Mỹ Thạnh và hồ Ka Pét.

Có người nói rằng, người dân Nam Bình Thuận thì đang cần nước, còn dân mạng xã hội thì đòi bảo vệ rừng. Đời người thường không quá 100 năm. Nếu không có nước thì không thể sống hết đời người, còn đâu mà bảo vệ rừng cho ngàn năm sau.

Để thấy được cả dân Nam Bình Thuận, cả mạng xã hội nói hộ cho người dân toàn quốc, cần một câu trả lời rõ ràng từ lãnh đạo các cấp có thẩm quyền hiện nay, cụ thể là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, Bí thư Bình Thuận Dương Văn An, và 500 vị ĐBQH khoá XV. Khi vấn đề được xem xét lại kỹ lưỡng trên cơ sở các phương án đề xuất của các nhà khoa học, thì quyết định giữ hay bỏ 680,41ha rừng nguyên sinh Mỹ Thạnh sẽ giải toả mọi băn khoăn của người dân.

Trước hết và đầu tiên, trước mọi quyết định hay trả lời, là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cần thành lập một tập thể các nhà khoa học có năng lực, với nhiệm vụ đi khảo sát và đề xuất các phương án giải quyết. Trong đoàn các nhà khoa học, cần bao gồm cả người ngoài Bộ NN&PTNT, cả những người không còn trong biên chế, cả những người dám nói khác ý lãnh đạo, và không bao gồm những người đã đồng ý với quyết định phá bỏ 680,41ha rừng nguyên sinh Mỹ Thạnh vào năm 2014.

Chúng ta đang dần bán hết tài nguyên thừa kế của cha ông từ ngàn xưa mà không hề nghĩ đến để lại một phần cho đời sau. Chúng ta đang tàn phá rừng nguyên sinh, dành bão lũ, sụt lở, nóng bức, thiếu ô xy cho con cháu. Tài nguyên thừa kế của tổ tiên ngàn đời không chỉ dành cho một thế hệ, mọi quyết định đều nặng ngàn cân, chứ không phải thích thì tuỳ tiện giơ tay bấm nút. Phát triển là để trường tồn, không phải phát triển để bức tử hậu thế.

Phải bảo vệ khu rừng ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam

Blog VOA

Trân Văn

7-9-2023

Phá rừng để phát triển thủy điện, thủy điện giành nước của thủy lợi, giờ tiếp tục phá rừng để có nước cho thủy lợi rồi sau đó thì sao?

Cuối cùng, đại diện chính quyền tỉnh Bình Thuận đã đáp trả góp ý, đề nghị của nhiều người, nhiều giới về việc đừng triệt hạ một khu rừng ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam để thực hiện Dự án Thủy lợi Ka Pét (1).

Theo ông Lê Thanh Sơn – Phó giám đốc Sở NN PTNT Bình Thuận thì: Bắt buộc phải thực hiện công trình này vì cần cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 120.000 người, cung cấp nước tưới cho hơn 7.000 héc ta đất nông nghiệp, cung cấp nước sản xuất cho Khu công nghiệp Hàm Kiệm. Đồng thời lưu ý: Khu rừng sẽ phá không phải rừng già vì đã từng được cho phép khai thác đến năm 2002 mới ngưng, đại thụ cho gỗ quý đã được đốn gần như sạch sẽ. Cây cối trong khu vực cần triệt hạ phần lớn là hỗn giao chỉ có tre nứa, dây leo xen kẽ với cây họ dầu, bằng lăng, căm xe (2)… Ông Sơn nhấn mạnh, việc xây dựng hồ chứa nước ở xã Mỹ Thạnh đã được Thủ tướng duyệt từ năm 1995 nhưng thiếu vốn nên đến 2015 mới làm thủ tục và Quốc hội đã duyệt dự án vào năm 2019.

Nói cách khác, hệ thống công quyền vẫn thế – không thèm bận tâm đến dân ý: Không nên phá rừng, xây dựng hồ chứa nước vì chắc chắn là còn những biện pháp khác để giải quyết nhu cầu về nước sinh hoạt, nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.

Và không chỉ thế…

Hôm 5/9/2023, Phạm Lan Phương (một trong những người phản đối việc phá rừng thực hiện Dự án Hồ Ka Pét) đã lục lọi, nhặt nhạnh những thông tin liên quan đến Rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét rồi xếp chúng vào một chỗ nhằm chứng minh, dường như mục tiêu chính của Dự án Thủy lợi Ka Pét là… khai thác gỗ chứ không phải để tích nước và cấp nước cho các khu dân cư, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp (3)… Chẳng hạn khu rừng mà ông Lê Thanh Sơn vừa khẳng định “không phải rừng già, chỉ là một mảng… hỗn giao” lại từng được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận khẳng định là… “cánh rừng được đánh giá ít bị tác động nhất mà ở Sông Móng – Ca Pét hàng ngàn cây lim xanh nhiều năm tuổi sừng sững chiếm lĩnh những tán cao đẹp mê mẩn (4).

Vào thời điểm đó (1/2021), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận còn nhấn mạnh: “Mỗi cây lim xanh trên một trăm năm tuổi có giá trị hàng trăm triệu đồng”. Tương tự, VTV loan báo rộng rãi “Phát hiện quần thể lim xanh quý hiếm, có cây bốn người ôm mới hết và lưu ý: “Giá trị kinh tế cao, nên rừng lim Mỹ Thạnh cũng đang đứng trước nguy cơ bị xâm phạm rất lớn, cần được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt (5)… Nay, khi hệ thống công quyền từ địa phương đến trung ương đột nhiên muốn thực hiện “Dự án Hồ Ka Pét”, những nỗ lực nhằm chỉ ra sự bất nhất đáng ngờ trong đánh giá về Rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét như của Phạm Lan Phương đã khiến bộ phận điều hành Cổng thông tin Đảng bộ tỉnh Bình Thuận vội vàng đục bỏ sạch sẽ những thông tin bất lợi cho dự án.

***

Tháng 1 năm 2015, The Economist – một tạp chí về kinh tế của Anh – từng kể rằng, dẫu thiên hạ luôn xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng tác động đến môi trường của từng dự án thủy điện nhưng theo Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Việt Nam chưa bao giờ công bố những tài liệu kiểu đó đối với các công trình thủy điện mọc lên như nấm trên khắp Việt Nam. The Economist gọi nỗ lực phát triển thủy điện để thỏa mãn nhu cầu năng lượng cho đến năm 2020, bất kể nỗ lực đó hủy diệt các cánh rừng già, những dòng sông, biến nông dân thành nạn nhân của lũ, lụt, sạt lở, động đất là thiển cận và dự đoán giá sẽ rất đắt. Đối tượng trực tiếp thanh toán các chi phí này sẽ là người nghèo, đặc biệt là thành viên các cộng đồng thiều số (6).

Kế hoạch phát triển thủy điện ồ ạt là con đẻ của chủ trương “công nghiệp hóa theo kiểu rút ngắn, gắn với hiện đại hóa và phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” và chỉ khi thủy điện đã trở thành đại họa của nhiều vùng, dân chúng liên tục cất tiếng oán thán, Quốc hội Việt Nam mới cử Ủy ban Khoa học – Công nghệ – Môi trường thẩm tra các công trình thủy điện. Theo ủy ban này, việc quản lý chất lượng, an toàn tại các công trình thủy điện đặc biệt là các công trình thủy điện vừa và nhỏ tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Giữa thập niên 2010, chính phủ Việt Nam chính thức thú nhận, những dự án thủy điện vừa và nhỏ là nguyên nhân chính tăng thêm đói nghèo, đẩy người thiểu số tới tột đỉnh của sự bần cùng.

Từ khi có các dự án thủy điện, vào mùa khô, cả điện lẫn nước ở nhiều khu vực cùng thiếu. Hạn hán có xu hướng năm sau nghiêm trọng hơn năm trước. Chuyện xả lũ vô tội vạ của các nhà máy thủy điện sau những trận bão lớn còn làm chết thêm hàng trăm người, phá hủy nhiều khu dân cư, ruộng vườn, khiến hậu quả thiên tai thêm trầm trọng. Phát triển thủy điện ồ ạt trong giai đoạn từ cuối thập niên 1990 đến giữa thập niên 2010 đã làm Việt Nam mất khoảng 20.000 héc ta rừng và hoạt động trồng lại rừng của các chủ đầu tư vào những dự án thủy điện chỉ thể hiện trên giấy (7). Theo nhiều chuyên gia, sở dĩ đầu tư cho thủy điện vừa và nhỏ trở thành phong trào vì chủ đầu tư có quyền khai thác gỗ trên diện rộng.

Phá rừng để phát triển thủy điện, thủy điện giành nước của thủy lợi, giờ tiếp tục phá rừng để có nước cho thủy lợi rồi sau đó thì sao? Cứ nhìn vào mức độ thảm khốc càng ngày càng cao của hạn hán, sạt lở, lũ quét,… tất sẽ nhận ra tương lai thế nào.

Chú thích

(1) https://vnexpress.net/khu-rung-hon-600-ha-sap-bi-pha-lam-ho-thuy-loi-4648600.html

(2) https://tuoitre.vn/lam-ho-ka-pet-binh-thuan-noi-khong-con-cho-nao-khac-tot-hon-20230907075356197.htm

(3) https://khaidon.substack.com/p/canh-rung-600ha-va-nhung-gi-se-bien

(4) https://btgtu.binhthuan.dcs.vn/Tintuc/post/206566/lim-xanh-o-rung-song-mong-capet

(5) https://vtv.vn/trong-nuoc/phat-hien-quan-the-lim-xanh-quy-hiem-co-cay-4-nguoi-om-moi-het-20200530123547782.htm

(6) https://www.economist.com/news/asia/21638178-hydro-electric-projects-can-spell-trouble-rural-poor-full-bursting

(7) https://laodong.vn/xa-hoi/phat-trien-o-at-thuy-dien-vua-va-nho-thu-pham-nuot-rung-gay-lut-loi-845511.ldo

Phá 600ha rừng làm hồ có cứu được 100.000 người dân thiếu nước không?

Khải Đơn

6-9-2023

Cùng thử tìm hiểu xây hồ có thực sự cứu nguy cho người dân vì hạn hán ra sao.

Tôi nhận được rất nhiều chất vấn của người đọc, chủ yếu tập trung vào các ý sau:

1. Người dân Hàm Thuận Nam cần có hồ chứa nước để chống hạn hán, tại sao lại ngăn cấm họ mưu sinh có nước uống, hay bảo vệ rừng chỉ là ý tưởng lãng mạn của các anh hùng bàn phím?

Để trả lời câu hỏi này, tôi sẽ cố gắng làm rõ mệnh đề xây hồ nước sẽ chống được hạn hán.

Trước khi hồ Sông Móng – Ka Pét gây xôn xao dân mạng, thì đến năm 2016, huyện Hàm Thuận Nam sở hữu 14 hồ chứa nước, phục vụ nước tưới cho 8.000ha cây trồng và cung cấp nước sinh hoạt cho 7.394 hộ dân, với tổng chiều dài các tuyến kênh mương khoảng 328,2km.(1) 

Tôi sử dụng công cụ đo khoảng cách trên Google Maps và xem được khu vực Mỹ Thạnh sẽ bị chuyển thành hồ Sông Móng – Ka Pét nằm ở vị trí như sau (các vị trí đo là tương đối, để bạn có thể tưởng tượng khoảng cách, tôi không có chuyên môn địa lý).

Ảnh: Google map

Vùng màu đỏ trong hình, nơi sẽ trở thành hồ Sông Móng – Ka Pét được bao bọc bởi nhiều hồ khác đã xây dựng nhưng không hề giảm hạn hán như đã hứa

Vùng rừng xã Mỹ Thạnh sẽ bị xóa sổ làm hồ cách: hồ Đạ Mi 17km, cách hồ Hàm THuận 26km, cách hồ Biển Lạc 27,7km, Cách hồ Sông Móng 13,2km, Cách hồ Ba Bàu 17,8km, Cách hồ Đu Đủ 24,64km. Có thể nói, nơi này đã được bao quanh bởi nhiều hồ nước quy mô lớn mà theo báo Bình Thuận là “địa phương đang phát huy lợi thế về sản xuất nông nghiệp” (năm 2023). 

Tuy nhiên, cũng chính báo Bình Thuận thừa nhận rằng Hàm Thuận Nam “là một vùng đất khô hạn”. Có nghĩa là về tự nhiên, nơi đây sẽ có tháng 3-4 cao điểm mùa khô là khô hạn. Khô hạn với nơi này không phải thiên tai, đó là đặc tính địa lý của khu vực bán hoang mạc. Cũng như Ninh Thuận, một số tháng trong năm là mùa khô hạn, là tự nhiên phải khô hạn.

Hiện nay, thông tin “hạn hán” và người dân đang mong ngóng nước được sử dụng rất triệt để trong những ngày nay để biện minh cho việc PHẢI LÀM HỒ và PHẢI PHÁ RỪNG MỚI LÀM HỒ ĐƯỢC.

Hạn hán xảy ra như một thiên tai, gần đây có hai đợt hạn hán lớn xảy ra tại Việt Nam và các quốc gia khu vực xung quanh như Lào, Campuchia, Thái Lan, Đồng bằng Sông Cửu Long không chỉ riêng Bình Thuận, trong năm 2016 và năm 2020. Cần nhấn mạnh ở hai năm bản lề này là đây là thiên tai và không thường xuyên xảy ra.

Tuy nhiên, ta đều biết biến đổi khí hậu đang khiến thiên tai có xu hướng sẽ cực đoan hơn trong các năm sắp tới. Vậy nghĩa là, nếu tỉnh Bình Thuận cực kỳ quan tâm tới hạn hán, thì cũng nên cực kỳ quan tâm đến lũ quét.

Ta quay trở lại câu hỏi các hồ chứa nước có thực sự giúp cải thiện tình trạng hạn hán không? 

Trước dự án hồ Ka Pét này, đã có 14 hồ tồn tại từ năm 2016, và đã trải qua thử thách hạn hán năm 2020.

Tháng 5/2020, cũng báo Bình Thuận viết “hồ Tà Mon, huyện Hàm Thuận Nam đã hết nước, không còn nguồn nước để cung cấp cho sản xuất. Hồ Ba Bàu, Tân Lập, Đu Đủ mực nước cũng xuống thấp nên diện tích thanh long trên địa bàn huyện này thiếu nước tưới, hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt” (2), và “Có khoảng 26.000 hộ dân với khoảng 97.000 nhân khẩu ở khu vực nông thôn tại 38 xã, phường, thị trấn thiếu nước sinh hoạt cục bộ”.

Vậy 14 cái hồ, sau 5 năm thử nghiệm qua 2 đợt hạn hán, vẫn gần 100.000 người thiếu nước sinh hoạt. Các cái hồ đó đã thực sự phát huy vai trò chống hạn hán như nó nói không? Câu này bạn tự tìm câu trả lời.

Quay trở lại với anh Tifosi, cáo buộc các độc giả có ý muốn bảo vệ rừng là không “thương tiếc cho gần 100.000 người dân Bình Thuận thiếu nước sinh hoạt, sản xuất”. Vì lý do đạo đức, nhiều người đọc chùn bước. Tất nhiên không ai trong chúng ta muốn sống thiếu nước, vậy người đọc lập tức sẽ cảm thấy mình sai trái khi làm vậy với dân Bình Thuận, họ không dám nghĩ tới chuyện bảo vệ khu rừng nữa. Hoặc họ nghĩ có khi xây thêm một cái hồ nữa thì sẽ bớt khát cho dân ở đó. Nhưng nếu hạn hán tới mà hồ cạn sạch như năm 2020 thì tác dụng của hồ là gì?

Người dân Hàm Thuận Nam ít nhất đã cho chính quyền Bình Thuận ít nhất 14 lần làm hồ để cứu họ có nước sinh hoạt sản xuất, nhưng chính những cái hồ đó vào mùa hạn hán cũng hết nước và cũng 100.000 nhân khẩu đó không hề có nước sinh hoạt dù có hồ. Vậy nghĩa là, lý luận xây hồ sẽ giảm hạn hán là không đáng tin cậy.

Bạn có phá hết luôn rừng Núi Ông, rừng Mỹ Thạnh xây thêm một cái hồ nữa cũng không hề có gì chắc chắn nếu hạn hán xảy đến thì luận điệu các hồ trữ nước đã hết nước không xảy ra thêm một lần nữa như bài viết bên trên.

2. Tính đến các nguy cơ thời tiết cực đoan khác

Vì tỉnh Bình Thuận quá lo lắng cho sự hạn hán cực đoan vì biến đổi khí hậu của Hàm Thuận Nam, tôi nghĩ mình cũng nên chú ý tính toán thêm một thái cực thời tiết cực đoan khác là lũ lụt ở vùng này.

Khi tôi tìm đến thông tin lũ lụt thì tìm được bài viết vào tháng 9/2022, khi có bão số 4 xảy ra và đi ngang qua nơi này. Bản tin trên báo Bình Thuận viết, “UBND huyện Hàm Thuận Nam yêu cầu UBND các xã Hàm Thạnh, Mương Mán, Hàm Mỹ, Hàm Kiệm thông báo kịp thời cho người dân trên các phương tiện truyền thanh và người dân dọc tuyến xả lũ từ các hồ chứa nước Sông Móng, Ba Bàu không lưu thông qua lại trên tuyến xả lũ trong thời gian trên“. (4)

Vào tháng 10/2022, Hàm Thuận Nam bị ngập lụt nặng nề, ở khu vực gần UBND xã Tân Lập và thị trấn Thuận Nam (6). Báo Bình Thuận viết, “mưa lớn cục bộ kết hợp lượng nước lũ từ thượng nguồn đổ về lưu vực sông Phan gây lũ, ngập lụt diện rộng trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện Hàm Thuận Nam” (7) thiệt hại 2,1 tỷ đồng, nhiều nhà dân và vườn thanh long ngập trong nước lũ. Xã Tân Lập là nơi có đập Tà Mon, hồ Tân Lập. Các hồ này cũng không hề làm được chức năng điều tiết chống lũ như nó được dự tính là chống hạn giảm lũ.

Cách đây chỉ vài ngày, vào ngày 2/9/2023, vì mưa lớn, hồ Lòng Sông và hồ Hàm Thuận dâng cao, “mực nước hồ Hàm Thuận sẽ đạt cao trình mực nước cao nhất trước lũ 602,5m trong ngày 2/9” (5).

Vậy có nghĩa là ở Hàm Thuận Nam, tình trạng hạn hán xảy ra vào 2016, 2020 là do thiên tai ở quy mô lớn. Nhưng lũ lụt thì năm nào cũng xảy ra vào mùa mưa bão. Nước thì từ thượng nguồn về ào ạt làm nước dâng lên nhanh chóng. Vườn thanh long ngập, nhà và đường phố cũng ngập. Mà thượng nguồn của Hàm Thuận Nam nằm ở đâu? – Nó nằm ở chính khu vực rừng núi Ông, Mỹ Thạnh sắp bị phá và khu vực Lâm Đồng cao hơn đó.

Vậy kịch bản xây thật nhiều hồ chống hạn không hề chứng minh được tác dụng của nó khi hạn hán thực sự tới, nhưng lại rất chắc chắn có thể gây ra lũ quét nếu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ ở trên cao bị cạo sạch.

Giữa hai kịch bản này, bạn nghĩ 100.000 người dân Bình Thuận cần gì? – Làm sao tôi biết được, không hề có cuộc thăm dò ý kiến của chính người dân ở các khu vực trên cho biết họ cần gì cả, anh Tifosi và cả tôi đều đoán mò hết.

3. Đánh giá tác động môi trường của dự án này cho thấy điều gì?

Khi một dự án như hồ Ka Pét ra đời, sẽ cần có một cái hồ sơ tên là đánh giá tác động môi trường nộp cho Bộ Tài Nguyên Môi Trường. Và hồ sơ này, là người dân, bạn hoàn toàn có thể truy cập tại 2 link tôi để ở số (8). Nếu bạn có chuyên môn về kiến trúc và xây dựng, tôi mong bạn sẽ dành thời gian đọc để xem những thông tin trong đây có gì.

Với kỹ năng hạn hẹp của một người viết, tôi đọc một số chi tiết sau:

Tại trang 13 của báo cáo đánh giá tác động môi trường, loại đất được ghi là “Diện tích sử dụng đất của dự án: 697,73ha (Nghị Quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội, đã cập nhật lại diện tích đất có rừng theo số liệu kiểm kê hiện trạng rừng được Phân viện điều tra quy hoạch rừng Nam Bộ lập tháng 12 năm 2020 và cập nhật lại hiện trạng rừng trồng đến thời điểm tháng 04/2022)” Trong bản tóm tắt của báo cáo cũng tương tự, không hề nêu rõ về cơ cấu rừng trong 697,73ha này là gì. Nếu không biết cơ cấu rừng và môi trường từng phần, thì báo cáo sẽ đánh giá tác động của cái gì trên diện tích đó?

Tại trang 16, phần đánh giá về tác động xấu đến các đối tượng tự nhiên được chia ra là sông suối, hồ đập. Bạn có biết rừng đặc dụng, rừng phòng hộ được xếp vào nhóm nào không? Nó được xếp vào nhóm “các đối tượng tự nhiên khác” trong vỏn vẹn một cái gạch đầu dòng 5 dòng có nội dung như sau: “Gần khu vực dự án không có rừng, khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ thiên nhiên thế giới. Tuy nhiên ở khá xa dự án khoảng 5km về phía Tây Nam có khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Trong vùng ngập lòng hồ không có di tích văn hóa lịch sử, chỉ có khoảng 30 ngôi mộ của đồng bào dân tộc xã Mỹ Thạnh”.

137,95ha rừng đặc dụng, 1/5 lượng đất sẽ xài cho một dự án khổng lồ rộng 600ha, được đánh giá bằng 5 dòng, và trong 5 dòng đó nó bị xóa xổ hoàn toàn là không tồn tại. Xin lưu ý, đây cũng là bản đánh giá tác động môi trường mà người dân nhận được, có trong tay các đại biểu quốc hội. Bản đánh giá này đã xóa xổ 1/5 diện tích rừng đặc dụng khỏi dự án như chưa từng có sự tồn tại.

Càng đọc sâu vào bản báo cáo này, tôi càng thấy sự không đáng tin cậy của nó. Cụ thể, trong cùng trang 17, ở đầu trang viết có 30 ngôi mộ của đồng bào dân tộc xã Mỹ Thạnh, đến giữa trang nó đã trở thành 20 ngôi mộ. Không biết bằng cách màu nhiệm nào các thạc sĩ, kỹ sư chủ nhiệm cái đề tài này đủ can đảm xóa xổ 10 ngôi mộ trong nửa trang giấy và khẳng định “Trên diện tích đất của dự án không có nhà cửa của người dân và công trình hạ tầng nào ngoài 20 ngôi mộ nằm trong vùng ngập lòng hồ”. Bạn có xây mộ của người thân tại đó không nếu bạn không có nhà tại đó? – Càng đọc báo cáo tôi càng thấy cái báo cáo này như một cuốn tiểu thuyết bịa đặt vậy.

Đến trang 18, ở phần “Tóm tắt các nguồn gây tác động đến môi trường của dự án trong giai đoạn thi công dự án”, có một chi tiết tôi chú ý đó là phần Phát quang thực vật, san nền, được các anh chị làm báo cáo ghi mức độ tác động là “tất yếu, tạm thời và “trung bình”. Không rõ chặt sạch rừng có phải là tạm thời không thì tôi không diễn giải được.

Tới một hoạt động khác cùng trang, khác cột là “Rà phá bom mìn, Phát quang thực vật, san nền” để giải phóng mặt bằng, thì tác động được ghi là “Tất yếu, lâu dài, mức độ cao”. Thứ nhất là việc phân chia này không hiểu vì sao cùng một yếu tố được viết thành 2 cột, với 2 mức độ khác nhau dù cùng là một hoạt động là san nền. Còn đánh giá cao, trung bình, thấp cũng không được giải thích cụ thể là dùng phương pháp nào, do chúng tao nhìn mà thấy hay tự tưởng tượng ra điền đại vô cho xong thì không rõ. Tôi nhấn mạnh, không hề có mức độ, chuẩn mực, phương pháp nào được giới thiệu ở bảng này.

Tới trang 51, khi trích dẫn báo cáo kiểm kê hiện trạng rừng trong diện tích dự án, thì bảng này lại lòi ra 136,88ha rừng đặc dụng, bên trên thì không có rừng bên dưới thì có rừng là sao vậy? Cũng không hiểu mấy người làm cái báo cáo này có đọc không hay ngồi google xong cắt dán nữa.

Để biện minh cho dự án hồ, báo cáo này viết ở trang 39 (xem theo đánh số trang, trên file PDF là trang 70) giải thích về sự phù hợp của dự án như sau: “Vị trí thực hiện dự án “Hồ chứa nước Ka Pét”, thuộc xã Mỹ Thạnh và xã Hàm Cần, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Tại huyện Hàm Thuận Nam tình trạng hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng trong mùa khô liên tục xảy ra những năm gần đây với mức độ ngày càng mạnh và khốc liệt hơn làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân và phát triển kinh tế xã hội của địa phương”.

Mời bạn xem lại ý 1 và 2 bên trên của tôi. Hạn hán chỉ xảy ra ở nơi đây năm 2016 và 2020, trong khi đó lũ lụt xảy ra ở đây hàng năm.

4. Một vài người đọc nói bài viết trước của tôi sử dụng số liệu họp quốc hội năm 2019 cũ rồi, Quốc hội đã thay đổi sửa đổi, dự án đã tốt lên rồi.

Bạn có thể đọc thông tin cả hai phiên họp quốc hội năm 2019 và 2023 tại đây (3a) và (3b). Thông tin về diện tích rừng đặc dụng trong hai kỳ họp này thay đổi rất ít, nghĩa là đến kết luận năm 2023, đất rừng đặc dụng là 137,95 ha (giảm 24,6ha); đất rừng phòng hộ là 0,51ha (giảm 0,4ha); đất rừng sản xuất là 440,4ha (giảm 30,69ha).

Nghĩa là tổng diện tích rừng đặc dụng vẫn chiếm khoảng 1/5 diện tích toàn dự án, là diện tích phá rừng cực kỳ lớn. Thay đổi quan trọng nhất giữa hai phiên họp 2019 và 2023 là… tăng tiền đổ vào đầu tư thêm 288 tỷ đồng. Tiền đó là đầu tư của chính phủ. Tiền thuế của bạn đang được sử dụng để phá rừng, nhưng giờ thì nhiều tiền hơn năm 2019.

Ngoài ra, những câu hỏi mà các đại biểu quốc hội nêu vào năm 2019 như tại sao trồng lại rừng mới chỉ là keo lai, giáng hương, bạch đàn… không được trả lời hay có giải pháp gì hết trong phiên họp mới này. Câu hỏi về độ đa dạng sinh học cực lớn của 20% diện tích là rừng đặc dụng sẽ bị đem đấu giá cũng không được trả lời trong phiên họp 2023.

5. Hai ngày vừa qua, Facebook Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Bình Thuận liên tục đăng các post về dự án này, sử dụng các luận điểm sau: “Bao năm qua, khát, khô là điều hiển nhiên của người dân Hàm Cần, Mỹ Thạnh… Do vậy, khi Quốc hội thông qua việc xây dựng hồ Ka Pet để mang lại cuộc sống mới cho người dân nơi đây, đã khơi dậy, tiếp thêm niềm khát khao cháy bỏng trong họ”.

Trang FB của Đoàn Đại Biểu Quốc Hội tỉnh Bình Thuận viết: “Theo UBND huyện Hàm Thuận Nam, ngay bây giờ, người dân ở 2 xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh cũng mong ngóng sớm xây dựng hồ Ka Pet để có nước sản xuất, có cuộc sống mới. Bởi trong mùa khô rồi, chứ không đâu xa, người dân ở đây đã ra sông Linh đào giếng lấy nước cho sinh hoạt, nên nước cho sản xuất là một sự xa xỉ. Sao có thể không quan tâm, khi đã gần 50 năm sau giải phóng mà 2 xã còn nhiều đồng bào thuộc diện nghèo, cận nghèo đến vậy (Mỹ Thạnh: nghèo chiếm 66%, cận nghèo 11%; Hàm Cần: nghèo 20,53 %, cận nghèo 42,67% dân số), bất chấp những chính sách hỗ trợ liên tục được triển khai. Bởi cái chính là chính quyền có cấp đất 04, đất dân tự khai phá, hộ ít nhất cũng khoảng 1ha đất, hộ nhiều cũng tới 2 – 4 ha đất nhưng không có nước thì chỉ hy vọng đến “con cá” được cho, chứ làm sao phát huy “cần câu”, dù đã được tập huấn kỹ thuật trồng, nuôi cây này, con nọ”.

Tôi không rõ là năm 2016 lúc đã có mớ hồ Sông Móng, hồ Ba Bàu, Hồ Đu Đủ, Hồ Tân Lập cách xã Mỹ Thạnh chỉ 10-20km, sao mãi bảy năm sau tới 2023 mà bà con ở đó vẫn nghèo 66% như vậy? Đó đâu phải là lỗi của 50 năm sau giải phóng? Con số đó cũng chứng minh là xây những 14 cái hồ rồi mà người dân vẫn không bớt nghèo, thì có xây thêm một cái hồ nữa các bạn có chắc chắn là hết nghèo không?

Không ai có thể chắc chắn và chính quyền tỉnh Bình Thuận cũng không hề chứng minh được sự chắc chắn của họ. Trong khi xã Mỹ Thạnh nằm trong bán kính cách một đống hồ bên trên chỉ từ 10-20km, mà vẫn nghèo 66%. Vậy hồ không thể nào là nguyên nhân giúp ta nhanh giàu được các bạn ạ.

6. Bạn có thể làm gì nếu chỉ là một cá nhân yếu ớt?

Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường ở link bên dưới có đầy đủ hết tên họ và số điện thoại cũng như học vị của những người đã ngồi sáng tác ra cái báo cáo đánh giá tác động môi trường cẩu thả trên. Nó là một mắt xích quan trọng để dự án này được đại biểu quốc hội nhắm mắt thông qua.

Nếu bạn làm trong giới học thuật, bạn có thể chất vấn họ đã thực hiện cái báo cáo kỳ cục trên kiểu gì mà cho ra các đánh giá ảo diệu và không đáng tin cậy như vậy.

Nếu bạn là một người bình thường, hãy lên trang web của tỉnh Bình Thuận, Facebook của ủy ban nhân dân tỉnh bình thuận, huyện Hàm Thuận Nam, Facebook của Đoàn đại biểu quốc hội và tag họ vào các đối thoại phải trả lời về những quyết định này.

Những gì mà FB Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh Bình Thuận (10) nỗ lực viết và đáp trả những ngày này cho thấy, họ đang lắng nghe và họ sẽ phải lắng nghe những gì bạn nói.

_____

Chú thích trong bài:

(1) https://baobinhthuan.com.vn/ham-thuan-nam-thuc-hien-tai-co-cau-nganh-thuy-loi-7839.html

(2) https://baobinhthuan.com.vn/cap-do-han-han-o-binh-thuan-cang-tang-86008.html

(3a) https://quochoi.vn/hoatdongcuaquochoi/cackyhopquochoi/quochoikhoaXIII/Pages/danh-sach-ky-hop.aspx?ItemID=42865&CategoryId=0

(3b) https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=76070

(4) https://binhthuan.gov.vn/4/469/65117/624144/tin-dia-phuong/huyen-ham-thuan-nam-dieu-tiet-nuoc-ho-song-mong-va-ho-ba-bau.aspx

(5) https://baobinhthuan.com.vn/xa-lu-ho-long-song-va-ho-ham-thuan-111818.html

(6) https://baobinhthuan.com.vn/ham-thuan-nam-thiet-hai-nang-do-mua-lu-trong-dem-101657.html

(7) https://baobinhthuan.com.vn/ham-thuan-nam-uoc-thiet-hai-2-1-ty-dong-do-mua-lu-101722.html

(8) https://monre.gov.vn/VanBan/Lists/VBDuThao/Attachments/1818/bao%20cao%20DTM%20Kapet%20Tham%20van.pdf

https://monre.gov.vn/VanBan/Pages/ChiTietVanBanDuThao.aspx?pID=1818&fbclid=IwAR1GSBmZyh-AIrJOPUY9kJwU9ceClNosFfUk-POvmZmPGRr740HcGB5uDdw

(9) https://baobinhthuan.com.vn/ham-thuan-nam-phat-huy-loi-the-san-xuat-nong-nghiep-106616.html

(10) https://www.facebook.com/doandaibieuquochoitinhbinhthuan/posts/pfbid02zZSShJ4uiHpP5XLeLgkQFGRFPANj1vMAufyyHFdRQQYCPNN5Yv2Lgcn8WzqzsDHhl

Có hồ La Ngà 3 thì không cần hồ Ka Pét

Nguyễn Ngọc Chu

8-9-2023

Ảnh: VNE

Người nào đến nhiệm kỳ của mình cũng muốn để lại dấu ấn. Tất cả các dấu ấn họ để lại không ngoài các dự án. Dự án nào cũng liên quan đến cắt đất, đốn cây. Ai cũng hô hào “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”. Chỉ có hậu thế mới thực sự thấm thía thế nào là môi trường sống “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế” mà tiền nhân để lại.

I. HỒ CHỨA NƯỚC LA NGÀ 3

Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã có các công văn gửi Chính Phủ xin thu hồi hoặc di dời thuỷ điện La Ngâu về sau hồ chứa nước La Ngà 3. Xác định La Ngà 3 là “công trình chiến lược đa mục tiêu”. Được ưu tiên trong quy hoạch quốc gia. Và mong muốn được đưa vào xây dựng càng sớm càng tốt.

Về dung tích và kỳ vọng:

“Hồ La Ngà 3 có dung tích 470 triệu m3 nước, với nhiệm vụ đảm bảo cấp 1.011 triệu m3 nước tưới cho 77.615 ha thuộc tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, cấp 300.000 m3/ngày nước sinh hoạt, công nghiệp, du lịch và dịch vụ cho tỉnh Bình Thuận. Hồ cũng cung cấp 300.000 m3/ngày nước sinh hoạt cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và phát điện (sau hồ) với công suất lắp máy 34MW (dự kiến cung cấp điện lượng khoảng 152,2 triệu KWh/năm”.

Về vị trí:

Hồ La Ngà 3 nằm ở xã La Ngâu giáp với xã Mỹ Thạnh nơi bố trí xây dựng hồ Ka Pét. Mỹ Thạnh lại giáp với xã Hàm Thạnh nơi đã có hồ Sông Móng dung tích hữu ích 34 triệu m3.

Như vậy 3 xã La Ngâu, Mỹ Thạnh, Hàm Thạnh liên tiếp giáp nhau có 3 hồ chứa nước lớn. Khoảng cách các hồ chỉ trong khoảng trên dưới 10 km.

Sau hồ Sông Móng liên tiếp là hồ Ba Bàu, hồ Đu Đủ, hồ Tân Lập, khoảng cách cũng khoảng 10 km nối tiếp. giữa các hồ. Tỉnh Bình Thuận đã có 49 hồ chứa nước.

Từ công suất của hồ La Ngà 3 với dung tích 470 triệu m3, cung cấp nước không chỉ cho Nam Bình Thuận mà cho cả Đồng Nai lẫn Bà Rịa – Vũng Tàu, lại nằm phía thượng lưu cạnh hồ Ka Pét dung tích 51 triệu m3, thì hoàn toàn không cần phải xây dựng hồ Ka Pét. Nước hồ La Ngà 3 thừa đủ để cung cấp cho dân và cây trồng vùng hồ Ka Pét. Ngay phía dưới lại đã có hồ Sông Móng và một chuỗi các hồ liên hoàn.

Với Bình Thuận, hãy nghĩ đến hồ La Ngà 3 mà bỏ đi hồ Ka Pét. Phỏng vấn người dân quanh vùng Mỹ Thạnh đang thiếu nước tưới cho thanh long và cây trồng, thì hiển nhiên họ muốn có nước nên ủng hộ xây dựng hồ chứa nước. Nhưng nước đến từ Ka Pét hay La Ngà 3, họ đều chào đón như nhau.

II. ĐÔI ĐIỀU VỀ ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Lướt qua “Báo cáo đánh giá tác động môi trường” (ĐTM) của Dự án hồ chứa nước Ka Pét đăng trên trang web của Bộ Tài nguyên và Môi trường (BTN&MT) thì giật mình.

Nếu “Báo cáo đánh giá tác động môi trường” của Dự án hồ chứa nước Ka Pét được BTN&MT thông qua thì thật sợ hãi. Sợ hãi không chỉ về khía cạnh dự án, mà sợ hãi về năng lực của BTN&MT. Sao mà không sợ hãi, khi Bộ KH&CN và Học viện Quân y còn bị công ty Việt Á “qua mặt” với một hậu quả khủng khiếp.

Vì rằng, giá trị của bạn, trình độ của bạn, trí tuệ của bạn sẽ được đánh giá qua người bạn chọn làm cố vấn. UBND tỉnh Bình Thuận là chủ đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pét đã chọn Công ty TNHH Mỏ Địa chất miền Nam làm đơn vị tư vấn. Vậy thì Công ty TNHH Mỏ Địa chất miền Nam sẽ xác định giá trị của Dự án hồ chứa nước Ka Pét về cơ sở khoa học, về hiệu quả kinh tế, và về an toàn môi trường. Đến lượt mình, Dự án hồ chứa nước Ka Pét có chủ đầu tư là UBND tỉnh Bình Thuận lại xác định giá trị các công trình thuỷ lợi tương tự của tỉnh đã gửi lên Bộ Tài nguyên và Môi trường mà được BTN&MT thông qua. UBND tỉnh Bình Thuận đã có 49 công trình hồ chứa nước được xây dựng, chắc là hồ chứa nước nào cũng đã phải được Bộ TN&MT phê duyệt ĐTM.

Cho nên, đơn vị tư vấn mà UBND tỉnh Bình Thuận lựa chọn là Công ty TNHH Mỏ Địa chất miền Nam sẽ xác định cả năng lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường nếu Bộ TN&MT thông qua “Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án hồ chứa nước Ka Pét”.

Trong ĐTM ghi rõ thông tin của đơn vị tư vấn như sau:

Tên đơn vị tư vấn: Công ty TNHH Mỏ Địa chất miền Nam.

– Địa chỉ liên hệ: 793/28/1/18 Trần Xuân Soạn, khu phố 4, phường Tân Hưng, quận 7, TP. Hồ Chí Minh.

Vị trí của công ty cũng nói lên một phần giá trị công ty. Đơn vị tư vấn có một địa chỉ phải đi qua nhiều ngõ ngách.

Còn danh sách những người tham gia thực hiện đánh giá môi trường gồm:

– Hồ Nguyễn Trí Mẫn, Thạc sỹ địa chất, Chủ biên

– Phạm Đức Trí, Thạc sỹ Khoa học môi trường

– Đặng Thị Mỹ Lan, Thạc sỹ quản lý môi trường

– Đỗ Ngọc Anh Dũng, Thạc sỹ quản lý môi trường

– Nguyễn Thái Vũ, Kỹ sư môi trường

– Đào Nguyên Khôi, Tiến sỹ môi trường, thủy văn, sinh thái

– Phạm Thị Hiền, Cử nhân khoa học môi trường

– Ngô Văn Hưng, Kỹ sư thuỷ lợi.

Nhìn vào đơn vị tư vấn là biết mức độ tin cậy khoa học của “Đánh giá tác động môi trường” của Dự án hồ chứa nước Ka Pét. Một dự án như hồ chứa nước Ka Pét liên quan đến 680 ha rừng tự nhiên và hệ sinh thái Nam Bình Thuận thì Công ty TNHH Mỏ Địa chất miền Nam không đủ năng lực khoa học để kết luận về tác động môi trường.

Đánh giá tác động môi trường Dự án hồ chứa nước Ka Pét liên quan đến phá bỏ 680 ha rừng tự nhiên cùng biến đổi hệ sinh thái, phải là công việc của một viện nghiên cứu khoa học uy tín hay tập thể các nhà khoa học của một trường đại học. Một công ty tư nhân nhỏ bé không đủ năng lực để đảm đương một trọng trách lớn như vậy.

Trong toán học có nguyên tắc “vi phạm tiên đề”. Như khi phát hiện đề bài ra sai thì không cần phải giải. Đơn vị tư vấn đã đưa “Dự án hồ chứa nước Ka Pét” vào tình thế “vi phạm tiên đề”. Những người làm khoa học thực thụ sẽ không tin tưởng vào tính khoa học của Dự án.

Vì “vi phạm tiên đề” nên mới chỉ lướt qua mà cũng nhận thấy những điều sau.

1. Tài liệu “Đánh giá tác động môi trường” không đủ độ tin cậy về mặt khoa học.

2. Tài liệu có dấu hiệu là sản phẩm của những “thợ viết dự án”, có các phần được “xào nấu” từ các dự án tương tự.

3. Có những mục không được tiến hành trên thực nghiệm nhưng vẫn được ghi trong tài liệu.

Nếu Bộ BTN&MT tổ chức một Hội đồng Khoa học gồm những nhà chuyên môn giỏi trong nước, để đánh giá “Báo cáo đánh giá tác động môi trường” của Dự án hồ chứa nước Ka Pét, thì chắc chắn “Báo cáo đánh giá tác động môi trường” của Dự án hồ chứa nước Ka Pét” sẽ bị bác bỏ.

Trong cuộc họp báo chiều 7/9/2023, ông Lê Thanh Sơn – Phó giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cho rằng 600 ha rừng bị phá bỏ chỉ chiếm 0,15% và không ảnh hưởng đến diện tích rừng tự nhiên của Bình Thuận. Vậy 1.000 dự án 600ha thì thế nào?

Chính quan niệm chỉ 0,15% bé nhỏ này đã đưa rừng tự nhiên Việt Nam đến tình trạng huỷ diệt hôm nay, làm cho bão lụt, sụt lở, hạn hán, nóng bức hành hạ con người, đưa môi trường sống của con người đến tình trạng tồi tệ. Cũng chính ông Lê Thanh Sơn cho biết cây trồng mới thay thế sẽ đảm bảo chất lượng.

Vậy thế nào là đảm bảo chất lượng?

Trong báo cáo ĐTM của Dự án hồ chứa nước Ka Pét, cây trồng thay thế là cây dầu. Cây dầu thuộc nhóm V. Trong khi khu rừng Mỹ Thạnh có gỗ từ nhóm I đến nhóm V. Xin lưu ý về gỗ nhóm V:

“Gỗ rất nhẹ, cấp cường độ E. Độ bền uốn va đập rất thấp. Độ bền tự nhiên rất kém. Thích hợp cho công trình xây dựng không yêu cầu chịu lực, làm bao bì hoặc ván khuôn. Nếu gỗ nặng hơn tiêu chuẩn của nhóm thì là gỗ của những loại cây gỗ nhỏ, giá trị kinh tế thấp, hoặc rất khó gia công, khó phơi, sấy, khó bảo quản, loài cây gỗ có nhiều khuyết tật”.

Những người ủng hộ hy sinh rừng vì hồ chứa nước đang cố gắng tách biệt 138 ha rừng đặc dụng để nhấn mạnh rằng đây mới là rừng phải bảo vệ. Còn hơn 500 ha rừng tự nhiên kia không đáng bận tâm. Chưa nói đến đa dạng động thực vật mà rừng trồng mới trăm năm sau không có được, cũng như khả năng giữ nước ngầm và chống sạt lở, thì chỉ về gỗ thôi, 500 ha rừng kia có gỗ tốt nhóm II, III. Thay cẩm lai, cam xe bằng cây dầu, rừng Việt Nam mỗi ngày một giảm đi chất lượng, từ nhóm I xuống nhóm V. Chất lượng sống của người Việt Nam cũng giảm theo chất lượng của rừng Việt Nam, từ cấp I xuống cấp V.

Trong sự giảm sút diện tích rừng tự nhiên, dẫn đến tình trạng sạt lở, lũ lụt, thay đổi môi sinh nghiêm trọng như hiện nay thì BTN&MT có trách nhiệm không nhỏ. Các dự án đều phải qua BTN&MT phê duyệt ĐTM. Phá bỏ rừng trong các dự án phải được BTN&MT đồng ý. Hàng trăm dự án trong suốt mấy chục năm qua phá bỏ hàng chục ngàn ha rừng đều có sự phê duyệt ĐTM của BTN&MT.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh mới nhận chức từ 22/5/2023. Là một kỹ sư xây dựng, hy vọng ông đánh giá được vai trò của rừng tự nhiên trong bảo vệ môi trường sống.

Chúng ta đã trải nghiệm tai hoạ kinh hoàng do công ty Việt Á gây ra. Hy vọng rằng BTN&MT sẽ không đi theo vết xe đổ của Bộ KH&CN như trong trường hợp công ty Việt Á.

III. ĐỀ XUẤT XEM XÉT LẠI QUY HOẠCH HỆ THỐNG THUỶ LỢI BÌNH THUẬN

Bộ NN&PTNT và Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận hãy xem xét lại quy hoach hệ thống thuỷ lợi tỉnh Bình Thuận với sự có mặt của hồ La Ngà 3. Xây hồ Ka Pét dung lượng 51m3 không giải quyết xong bài toán tưới tiêu cho Nam Bình Thuận. Xây hồ Ka Pét rồi thì vẫn cứ phải xây dựng hồ La Ngà 3. Nhưng khi đã xây dựng hồ La Ngà 3 thì không cần phải xây hồ Ka Pét nữa.

Quốc hội Khoá XV vừa mới thông qua điều chỉnh dự án hồ Ka Pét hôm 22/5/2023 hãy xem xét lại dự án này trong tổng thể hệ thống thuỷ lợi tỉnh Bình Thuận có hồ La Ngà 3 mà tỉnh Bỉnh Thuận đang xin được khởi công càng sớm càng tốt – như là một công trình chiến lược trọng điểm. Hồ La Ngà 3 là bắt buộc phải có thì hoàn toàn không cần đến hồ Ka Pét.

Không một công ty tư nhân nào, kinh doanh nước, lại đồng thời xây dựng cả hồ La Ngà 3 lẫn hồ Ka Pét để cung cấp nước cho Nam Bình Thuận. Không ai phí phạm tiền bạc và tài nguyên như vậy. Chẳng cần phải chuyên gia thuỷ lợi cũng nhìn rõ điều đó.

Vấn đề thiếu nước của Bình Thuận tồn tại từ lâu. Không phải đến bây giờ mới xuất hiện. Dự án xây dựng hồ nước nào cũng lấy vấn đề thiếu nước dân sinh ra làm lý do cấp thiết, cứ như là trước đây chưa từng đối mặt. Tại sao có 49 hồ chứa nước rồi mà Bình Thuận cũng chưa giải quyết được vấn đề thiếu nước? Nói như thế, để thấy vấn đề thiếu nước là bài toán phải giải theo thời gian, không phải tức thì. Giải bài toán thiếu nước phải đi đôi với bài toán chuyển đổi cơ cấu kinh tế, với bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái, bảo vệ môi trường sống. Rừng bị phá, thì không chỉ hồ cạn nước, mà nước ngầm cũng hết. Lúc đó còn rơi vào tình trạng tệ hại hơn.

Rất thông cảm với lãnh đạo các tỉnh hiện nay. Người nào đến nhiệm kỳ của mình cũng muốn để lại dấu ấn. Tất cả các dấu ấn họ để lại không ngoài các dự án. Hoặc là dự án đầu tư nước ngoài. Hoặc là các công trình giao thông, thuỷ điện, thuỷ lợi, khu xây dựng, khu nghỉ dưỡng… Dự án nào cũng liên quan đến cắt đất, đốn cây. Ai cũng hô hào “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”. Chỉ có hậu thế mới thực sự thấm thía thế nào là môi trường sống “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế” mà tiền nhân để lại.

Một số lãnh đạo thường lấy “quyết tâm chính trị” làm “vũ khí vô đối”. Họ đặt “quyết tâm chính trị” trên khoa học kỹ thuật, trên cả quy luật thiên nhiên. Như cách ly Covid-19 là ví dụ gần nhất. Thiên nhiên không biết đến “quyết tâm chính trị”. Sức mạnh của thiên nhiên thì không “quyết tâm chính trị” nào có thể chống lại được.

Tifosi đã đánh lận con đen như thế nào?

6-9-2023

Ngày 4.9, Page Tifosi tung ra bài viết “GẦN 100.000 ĐỒNG BÀO THIẾU NƯỚC SINH HOẠT, TƯỚI TIÊU VÀ MỘT KHU RỪNG 600 HA (CÓ 137 HA RỪNG ĐẶC DỤNG): CÁI NÀO QUAN TRỌNG HƠN?” để biện minh và ủng hộ cho việc phá gần 700 ha rừng ở Bình Thuận. Bài viết này ngoài nhận một số chỉ trích thì cũng đã thao túng và dẫn dắt một lượng lớn người đọc: https://www.facebook.com/tifosi.hpo/posts/291061090223151

Bài viết cung cấp thông tin phiến diện và có cách lập luận thiếu logic, không thuyết phục, xin lần lượt chỉ ra vài điểm.

1. Tác giả viết: “gần 100 ngàn đồng bào gặp hạn hán và 600ha rừng (137ha rừng đặc dụng), cái nào quan trọng hơn?”.

Trả lời:

– Theo bài báo “Một số giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất ở tỉnh Bình Thuận” đăng ngay trên trang Trường chính trị Bình Thuận, thì đúng là có tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhưng chỉ có 2.658 hộ/10.632 khẩu của “gần 100 ngàn đồng bào” toàn huyện, chứ không phải tất cả. Vả lại, “thiếu” chứ không phải “không có”, nó khác nhau một trời một vực đấy! Nghĩa là Admin của Tifosi đã lấy dân số toàn huyện thay vì số dân thật sự thiếu nước sinh hoạt để thổi phồng sự thật lên gấp 10 lần. Đối với các thông tin khác liên quan đến diện tích đất nông nghiệp cần tưới tiêu tác giả của trang này cũng dùng chiêu thức tương tự. https://truongchinhtri.binhthuan.dcs.vn/Trang-chu/post/202635/mot-so-giai-phap-khac-phuc-tinh-trang-thieu-nuoc-sinh-hoat-va-san-xuat-o-tinh-binh-thuan (1).

2. Tác giả viết tiếp: “Chúng ta không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Nhưng phải có những khoảnh khắc chúng ta phải lựa chọn giữa được và mất, giữa sinh tồn của gần 100 ngàn người và một cánh rừng 600 ha”.

Trả lời:

– Cổng thông tin điện tử Bình Thuận (2020) cho biết: “Bình Thuận hiện có 48 hồ chứa thủy lợi các loại đang khai thác sử dụng với tổng dung tích thiết kế thiết kế = 330,29 triệu m3, tổng năng lực thiết kế 36.367 ha https://binhthuan.gov.vn/4/469/52723/577079/kinh-te-xa-hoi/binh-thuan-tap-trung-phat-trien-he-thong-thuy-loi-quan-trong.aspx (2)

Riêng Hàm Thuận Nam, Báo Bình Thuận online (2016) cung cấp: “Huyện Hàm Thuận Nam đã được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng 14 công trình hồ, đập, phục vụ nước tưới cho 8.000 ha cây trồng và cung cấp nước sinh hoạt cho 7.394 hộ dân, với tổng chiều dài các tuyến kênh mương khoảng 328,2 km. Trong đó đã bê tông hóa các tuyến kênh chính được 26,23 km và kiên cố hóa kênh mương nội đồng 9,53 km https://baobinhthuan.com.vn/ham-thuan-nam-thuc-hien-tai-co-cau-nganh-thuy-loi-7839.html (3)

Tuy nhiên, theo (1): “Tính đến ngày 11/4/2020, lượng nước hữu ích còn lại ở tất cả các hồ chứa thủy lợi là 32,8 triệu m3, đạt 12,6% dung tích hữu ích thiết kế, thấp hơn so với trung bình những năm trước”. Câu hỏi đặt ra là, liệu công trình hồ thủy lợi Ka Pét sau khi hoàn thành thì có nước để chứa không, hay lại cũng rơi vào tình trạng “trơ đáy” như của “toàn tỉnh”? Đó là chưa chất vấn rằng, khi còn rừng mà nước đã thiếu nghiêm trọng như thế cho các hồ chứa, nếu bây giờ mà phá rừng đi nữa thì còn thiếu tới mức nào, khi mà chúng ta đều biết: rừng đồng nghĩa với nguồn nước ngầm?

– Lại nữa, theo (3): “Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh cho biết, tổng lượng nước hữu ích trữ trong các hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam vào cuối tháng 1/2022 được 41,63 triệu m3 đạt 58,9% thiết kế” (trong khi hồ Ka Pét có thiết kế 51,2 triệu m3 nước) https://baobinhthuan.com.vn/ham-thuan-nam-chu-dong-nguon-nuoc-sinh-hoat-va-san-xuat-mua-kho-95406.html

Như vậy, nếu đảm bảo được công suất thiết kế của các công trình đang hiện hữu thì sẽ chứa thêm được thêm một lượng nước bằng một nửa của dung tích dự án hồ Ka Pét đang sắp phá rừng để khởi công. Nhưng đó là về mặt lý thuyết trong điều kiện “mưa thuận gió hòa” để có đủ nước mà chứa cho các hồ.

Tuy nhiên, vấn đề của hệ thống thủy lợi hiện hữu của Bình Thuận không chỉ là thiếu nước để chứa. “Theo ông Nguyễn Hữu Huệ – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, khó khăn hiện nay trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam là HẦU HẾT các tổ thủy nông nội đồng hoạt động chưa hiệu quả. Mặt khác, vẫn còn nhiều người dân sử dụng nước chưa tiết kiệm, nhất là những năm hạn. Ngoài ra, đáng lưu ý hiện nay là các hệ thống kênh chuyển nước chưa được kiên cố nên thất thoát nước lớn, hiệu quả sử dụng nước KHÔNG CAO. Một số hồ chứa bị bồi lấp nhiều, không bảo đảm dung tích chứa theo thiết kế, đặc biệt là hồ Ba Bàu và hồ Tà Mon” (theo (3), năm 2022). Xin lưu ý hai từ “hầu hết” và “không cao”, nó nghiêm trọng lắm.

Tóm lại là đã có nhiều công trình thủy lợi nhưng vừa không đủ nước để chứa, vừa đang để lãng phí vì xuống cấp. Những công trình đã có “hầu hết chưa hoạt động hiệu quả”, bây giờ không tập trung khắc phục, tu bổ, lại đi làm cái mới, vậy có thuyết phục không, thưa ông Tifosi?

Cách đặt vấn đề và lập luận của Tifosi là mang sự “sinh tồn” – tức sự sống còn của “100 nghìn đồng bào” để lấp liếm một thực tế rằng hệ thống hồ đập và thủy lợi nói chung ở Hàm Thuận Nam đã có và cơ bản đáp ứng nhu cầu. Nhưng anh ta lại không hề nhắc gì tới việc chúng “hầu hết chưa hoạt động hiệu quả”, đó lại một lần nữa lập lờ đánh lận con đen.

3. Tifosi dạy: “Trong cả ngày hôm nay, người ta thương tiếc một khu rừng. Vậy, bây giờ đặt một câu hỏi như thế này, những người thương tiếc ấy sẽ làm gì để giúp người dân Hàm Thuận Nam nói riêng và Bình Thuận nói chung thoát hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, làm sao để hơn 60 ngàn ha đất nông nghiệp tại huyện này có thể được canh tác? Làm sao để hơn 26 nghìn hộ dân có được nước uống, nước tắm? Nói mồm thì lúc nào cũng dễ, nói đạo lý thì lúc nào cũng hay, nhưng đưa ra giải pháp thì tuyệt nhiên câm lặng”.

Trả lời:

– Như phần 2 đã phân tích và chỉ ra về năng lực và thực tế khai thác có phần bi đát của các công trình thủy lợi hiện có ở Hàm Thuận Nam, thì việc Tifosi mang sự “sống còn” của “100 nghìn đồng bào” ra đe dọa (như thể nếu không phá gần 700 ha rừng để làm ngay hồ Ka Pét thì toàn bộ người dân của huyện sẽ bị biến mất vậy) để làm bình phong nước mắt là một lối ngụy biện nhằm thao túng tâm lý người đọc. Trong khi, ông ta không hề đả động gì tới các giải pháp mà ngay chính công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Thuận cũng thẳn thắn và thật thà nêu ra, đó là: “đề xuất địa phương củng cố tổ thủy nông nội đồng, nạo vét kênh mương nội đồng. Tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân để nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm đúng mục đích, không sử dụng nguồn nước sinh hoạt để tưới nông nghiệp. Mặt khác, hỗ trợ đơn vị khai thác thủy lợi xử lý kịp thời các khó khăn trong việc quản lý nguồn nước. Đối với Chi nhánh Hàm Thuận Nam và Trạm Ba Bàu, tổ chức nạo vét, khơi thông các tuyến kênh, phối hợp với các tổ dùng nước xây dựng lịch cấp nước cho từng công trình” (3).

Vậy ai đang “nói đạo lý” và ai đang “tuyệt nhiên câm lặng”? Chính công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bình Thuận đã đưa ra giải pháp rồi đấy, chỉ có ông Tifosi mới đang hô hào phá rừng và tuyệt nhiên không muốn làm gì khác nữa ngoài việc phá rừng.

Còn nhiều lỗi ngụy biện khác trong bài nhưng vì chúng quá lộ liễu, thiết nghĩ không cần mất thời gian phân tích thêm.

Ông Tifosi mắng những người lên tiếng đòi hỏi sự cẩn trọng trong dự án này bằng kết luận: “Xin được lặp lại một câu nói mà mình đã nói nhiều lần: ‘Yêu môi trường kiểu rởm đời’.” Tôi cũng muốn nhắc ông rằng, với tất cả những ngụy biện của ông như đã chỉ ra, thì khó mà không thấy ông chỉ đang “Yêu con người kiểu rởm đời”, người ta còn gọi là đạo đức giả.

***

Tôi không phản đối việc làm hồ thủy lợi, tôi chỉ phản đối phương án phá một cánh rừng giàu mấy trăm năm tuổi để làm, vì tôi tin rằng còn có những lựa chọn khác hài hòa hơn, vừa đảm bảo được nguồn nước, vừa bảo vệ được diện tích rừng vốn đã gần như cạn kiệt.

Thêm nữa, nay là thời của “kinh tế tri thức” không phải cái kiểu cứ “chặt to kho mặn” mà thành công được đâu. Đừng tưởng cứ có một hồ nước tràn ngập là nông nghiệp Việt Nam có thể lập tức “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Hãy xem những quốc gia như Israel, họ nằm giữa sa mạc khắc nghiệt nhưng vì đã dùng công nghệ và chất xám nên đã tạo ra một nền nông nghiệp khiến cả thế giới phải kinh ngạc và kính phục như thế nào.

Hô hào phá rừng là một việc rất dễ, ông Tifosi ạ, chỉ có bảo vệ rừng, và nhất là trồng rừng, mới là khó. Ông hãy về miền Tây xem nước lênh láng ra sao và nền nông nghiệp đang như thế nào, đừng làm nông nghiệp bằng cách “nói đạo lý”, vì nó “rởm đời” lắm.

Rốt cuộc bên cạnh giải pháp tình thế để giải quyết tình trạng thiếu nước trước mắt, thì vẫn dứt khoát cần phải có một chiến lược toàn diện, để vừa giữ và tạo được nguồn nước ngầm bằng cách giữ rừng, trồng rừng, vừa chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chứ không phải lại “giật gấu vá vai” hay “thằn lắn ăn đuôi”. Đừng cưa tay phải để lắp vào cánh tay trái đã bị cụt.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen