Seite auswählen

Phỏng vấn nhà kinh tế quân sự

Putin có thực sự thua về mặt chiến lược trong cuộc chiến ở Ukraine không, ông Keupp?

 

Raimund Neuß

Kölnische Rundschau

VNC chuyển ngữ

 

26.04.2024

Binh sĩ Ukraine huấn luyện để phóng tên lửa Patriot: Nước này rất cần thêm nhiều hệ thống phòng không. Ảnh: dpa

 

Nhà kinh tế quân sự Marcus Matthias Keupp cho biết gói viện trợ của Mỹ có thể đạt được những gì. Putin và Hitler có điểm gì chung? Và tại sao ông tiếp tục tin rằng Nga đã thua về mặt chiến lược vào mùa thu năm 2023.

KR: Thưa ông Keupp, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói viện trợ Ukraine trị giá hơn 60 tỷ USD. Gói này sẽ giúp Ukraine trụ được bao lâu và nó cần thiết cho họ như thế nào?

Keupp: Nhiều người lầm tưởng rằng đây là một lối hỗ trợ bằng tiền mặt cho Ukraine. Nó không phải diễn ra như vậy. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nhận ngân sách này để có thể trao đơn đặt hàng cho các công ty quốc phòng. Điều này có nghĩa là vũ khí và đạn pháo hiện có được chuyển đến Ukraine từ các kho của Mỹ và các công ty vũ khí của Mỹ dĩ nhiên sản xuất vật liệu hiện đại hơn. Gói viện trợ cho phép thực hiện các hợp đồng cung cấp dài hạn chứ không chỉ các đơn đặt hàng nhỏ lẻ cho thời điểm hiện tại. Nó đã được thực hiện theo cách này với một số hệ thống, chẳng hạn như với bom lượn GLSDB hoặc với tên lửa chống radar HARMS. Bây giờ là việc thiết lập các tuyến dây chuyền sản xuất dài hạn mới cho tất cả các hệ thống vũ khí, đặc biệt là đạn pháo.

KR: Liệu việc giao hàng cho Ukraine có đến đủ nhanh không? Đất nước này đang thiếu trầm trọng hệ thống phòng không và đạn dược.

Keupp: Chính xác. Và có vấn đề cơ bản thứ hai cần được hiểu. Không phải là mọi thứ phải được chuyển từ Mỹ sang, mà có hệ thống APS, tức là Kho dự trữ sẵn của Quân đội, tồn tại trên khắp thế giới. Ở Châu Âu, chúng ta có APS Khu vực 2. Có một số nhà kho ở Đức, chẳng hạn như ở Dülmen. Từ đó, vật liệu có thể được giao ngay lập tức và chuyển đến Ukraine qua Poznań và Rzeszów. Điều này đã bắt đầu ngay sau khi gói viện trợ được chấp thuận. Nhưng tất nhiên vật liệu cũng được vận chuyển từ các khu vực khác; chẳng hạn như xe chiến đấu bộ binh Bradley trước đây đã được vận chuyển bằng tàu từ Hoa Kỳ. Bản thân Ukraine cũng có một đội chuyên xác định xem nơi nào ở châu Âu có những thiết bị quân sự như khẩu đội Patriot mà không cần thiết vào lúc này.

KR: Ví dụ: nếu Ukraine nói rằng chúng tôi thực sự có thể sử dụng khẩu đội Patriot này từ Hy Lạp, thì sẽ không có nhiều sự nhiệt tình ở đó.

Keupp: Nó phụ thuộc vào quốc gia bạn yêu cầu. Slovakia, từng là một trong những nước ủng hộ Ukraine lớn nhất, đã hoàn toàn thay đổi chính sách. Ở Cộng hòa Séc thì hoàn toàn ngược lại; họ hiện là những người ủng hộ cuồng nhiệt của Ukraine. Nhưng bạn cũng phải thừa nhận rằng thế giới đã học được một bài học quan trọng trong vài tuần qua, đó là: Nếu phương Tây ngừng hỗ trợ thì Ukraine cũng ngưng lại thôi. Trong hai tuần qua, chiến tuyến chắc chắn đã lảo đảo ở một số nơi. Câu hỏi được đặt ra: điều này thật sự có ảnh hưởng gì đối với các nước? Nếu bạn nhìn vào các quốc gia được quân sự hóa mạnh mẽ như Hy Lạp hay Thổ Nhĩ Kỳ, những quốc gia tương đối gần khu vực chiến sự, thì tôi sẽ cân nhắc liệu Patriot có phải là một khoản đầu tư tốt cho Kiev hay không.

Putin có cùng vấn đề với Hitler. Ông ấy phải giành chiến thắng trong thời gian ngắn. Bởi vì về lâu về dài ông không có cơ hội trước tiềm năng công nghiệp của phương Tây.

KR: Tất nhiên người Nga cũng sản xuất. Ai có thể tồn tại lâu hơn trong cuộc chiến này?

Keupp: Putin có cùng vấn đề như Hitler. Ông ấy phải giành chiến thắng trong thời gian ngắn. Bởi vì về lâu về dài ông ta không có cơ hội trước tiềm năng công nghiệp của phương Tây. Đó là lý do tại sao ông ta để vũ khí hạng nặng bị tiêu hủy và thí mạng người nhiều như vậy ở chiến tuyến. Ông ta muốn có một giải quyết trước khi các ngành công nghiệp vũ khí khổng lồ khởi động ở toàn bộ thế giới phương Tây. Mỹ, Hàn Quốc, Pakistan, tất cả Tây Âu đều đang sản xuất để chống lại ông ta. Ông ấy không có cơ hội để chống cự lại. Theo cổng Internet Oryx, Nga cho đến nay đã mất khoảng 2.930 xe tăng chiến đấu và tổng cộng hơn 15.000 hệ thống cơ giới hóa. Kết quả: Cách chiến đấu của Nga ngày càng trở nên nghèo nàn về mặt công nghệ. Khi chiến tranh bắt đầu vào năm 2022, họ đã tiến hành các cuộc tấn công cơ giới hóa với các tiểu đoàn có lẽ có 30 xe tăng chiến đấu chủ lực, mỗi nhóm cùng với các phương tiện chiến đấu bộ binh và hậu cần. Ngày nay họ cử người tiến lên với những chiếc xe tăng T62 cổ hũ không có tháp pháo và đôi khi bằng xe chở người đi đánh golf. Cộng thêm vào đó là những cuộc tấn công bằng biển người bằng bộ binh mà bất kể tổn thất. Bây giờ Nga vẫn còn nhiều hệ thống vũ khí trong kho. Nhưng nguồn dự trữ đã có trước chiến tranh chính xác là 2.900 chiếc hiện đã không còn nữa. Bây giờ các hệ thống cũ hơn đang được đưa ra khỏi kho lưu trữ. Khi bạn xem ảnh vệ tinh về các trại dự trữ pháo binh, các nòng súng đột nhiên biến mất. Các hệ thống đang bị tháo gỡ để thay thế. Cơ quan mật vụ Ukraine đã công bố một nghiên cứu vào ngày 13/4 và ước tính rằng với tốc độ tiêu hao hiện tại, phải đến khoảng giữa năm 2026, vũ khí Nga mới hoàn toàn ở mức 0. Tôi có thể nói rằng vào năm 2024 và 2025, Nga chắc chắn có thể tiếp tục chiến tranh. Nhưng ngày càng có một vấn đề về thời gian. Bạn cũng sẽ nhận thấy điều này khi những con vẹt ở Điện Kremlin lại bắt đầu gáy ầm ĩ với những khẩu hiệu thông thường: đàm phán hòa bình, Ukraine không thể thắng…v…v…

KR: Nhưng tất cả những điều này giả định, như ông nói, rằng phương Tây đóng góp toàn bộ năng lực công nghiệp của mình. Họ sẽ làm điều đó?

Keupp: Điều này đã xảy ra rồi. Nhưng chúng ta bắt đầu từ mức độ thấp. Từ năm 1991 đến năm 2021, Châu Âu gần như đã phi quân sự hóa và năng lực của ngành công nghiệp vũ khí tương ứng ở mức thấp. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Bundeswehr (Quân đội Đức) sẽ chỉ có đạn dược đủ cho hai ngày. Điều tương tự cũng xảy ra ở Hoa Kỳ vào năm 1941, khi nước này bước vào Thế chiến thứ hai. Phải mất nhiều năm để tăng tốc ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ. Mức tối đa không đạt được cho đến năm 1945, khi chiến tranh kết thúc.

Những gì Putin đang làm đã được các Sa hoàng và sau đó là Nguyên soái Zhukov thực hiện trong Thế chiến thứ hai. Nếu 30.000 người thất thủ trong một đợt tấn công, điều đó không thành vấn đề đối với ông ta, cuối cùng thì những người sống sót đã có thể ổn định với vị trí mới của mình.

KR: Chúng ta đã nói rất nhiều về hệ thống vũ khí và ngành công nghiệp quốc phòng. Nhưng tất cả các hệ thống đều bao gồm những người lính vận hành chúng. Nước Nga có mọi khả năng của một chế độ độc tài để cử người ra mặt trận. Ukraine có thể chịu đựng được điều này trong bao lâu?

Keupp: Những gì Putin đang làm đã được các Sa hoàng và sau đó là Nguyên soái Zhukov thực hiện trong Thế chiến thứ hai. Nếu 30.000 người thất thủ trong một đợt tấn công, điều đó không thành vấn đề đối với anh ta, cuối cùng thì những người sống sót đã có thể ổn định với các vị trí mới. Và tất nhiên Putin có thể lợi dụng tình trạng nghèo đói ở vùng nông thôn Nga và lôi kéo người dân vào quân đội bằng cách đưa ra mức lương rất cao. Tuy nhiên, số liệu thống kê về số người chết trong chiến tranh ở Nga cũng cho thấy những người được đào tạo bài bản như lính dù, lính pháo binh và lính lái xe tăng ngày càng vắng bóng. Vì vậy, năng lực của quân đội Nga ngày càng kém đi, nhưng tất nhiên số lượng lớn là một vấn đề đối với Ukraine. Họ không có đủ pháo binh để chống lại những bước tiến này. Vì vậy, họ từ từ nhượng bộ và cố gắng làm tiêu hao quân Nga. Nhưng rõ ràng là: Nếu Nga tiếp tục như thế này, Ukraine sẽ phải tuyển thêm lính mới vào một lúc nào đó, ngay cả khi điều đó gây khó khăn cho một nền dân chủ. Đừng quên Ukraine có lực lượng dự bị gồm một triệu người. Vì thế nó vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Hiện tại, sẽ thuận lợi hơn cho họ áp dụng chiến lược tiêu hao lực lượng.

 Zur Person Dr. Marcus M. Keupp

Dr. Marcus M. Keupp ist Dozent für Militärökonomie der Militärakademie an der Eidgenössischen Technischen Hochschule Zürich. Keupp hat in Mannheim und an der Warwick Business School (Coventry/London) studiert und sich nach seiner Promotion in St. Gallen dort auch 2013 habilitiert. Derzeit arbeitet er an einem Buch über die langfristigen Folgen des russisch-ukrainischen Krieges. (rn)

Giới thiệu về Tiến sĩ Marcus M. Keupp

Bản quyền: Schweizerische Militärakademie

Tiến sĩ Marcus M. Keupp là giảng viên kinh tế quân sự tại Học viện Quân sự thuộc Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Zurich. Keupp học ở Mannheim và tại Trường Kinh doanh Warwick (Coventry/London) và sau khi hoàn thành bằng tiến sĩ ở St. Gallen, ông cũng  dạy ở đó từ năm 2013. Hiện ông đang viết một cuốn sách về những hậu quả lâu dài của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine. (rn)

________________________________________

KR: Cùng lúc đó, Ukraine tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga – rồi thì Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nói với ý là không nên làm vậy. Nếu họ thậm chí không thể làm tiêu hao nhiên liệu của kẻ tấn công, làm sao họ có thể giành chiến thắng?

Keupp: Tất nhiên là họ có quyền, các nhà máy lọc dầu là mục tiêu quân sự hợp pháp. Điều thú vị là gần đây Kiev không tấn công hai cảng xuất khẩu dầu lớn ở Ust-Luga gần St. Petersburg và Novorossiysk trên Biển Đen mà là các nhà máy lọc dầu phục vụ nguồn cung nội địa của Nga. Đó là lý do vì sao những lo lắng về giá dầu là sai lầm. Nga sản xuất 11 triệu thùng mỗi ngày, 8 trong số đó tiếp tục tiếp cận thị trường thế giới, 3 triệu thùng còn lại để tự cung tự cấp – và việc này cũng bao gồm cả nguồn cung cấp nhiên liệu cho quân đội. Ngoài ra, Mỹ hiện đang rất hào phóng khi đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Iran và Venezuela. Tôi thực sự không hiểu điều gì biện minh cho những lo ngại về kinh tế mà các quan chức Mỹ được cho là đang nêu ra.

KR: Một năm trước, ông đã nói rằng Nga sẽ thua về mặt chiến lược trong cuộc chiến vào mùa thu năm 2023. Ông vẫn còn tin như vậy?

Keupp: Vâng, tôi vẫn giữ quan điểm này. Putin vẫn tiếp tục, mặc dù đáng lẽ ông nên dừng cuộc chiến vào mùa thu năm 2023. Đến lúc đó, rõ ràng là tốc độ sản xuất không thể theo kịp tốc độ hao mòn. Nếu cách quản lý chiến đấu không thay đổi, tỷ lệ tiêu hao cao này sẽ khiến Nga đến một lúc nào đó không còn đủ năng lực quân sự. Sau đó thì sao? Phương tiện bạo lực nào vẫn giữ nước Nga liên kết với nhau, ai bảo vệ biên giới, ai đàn áp xung đột sắc tộc? Logic tiêu hao không phụ thuộc vào bất kỳ thế giới quan nào. Đó là một câu hỏi về hậu cần, giống như trong Chiến tranh thế giới thứ hai: ai có tiềm năng công nghiệp cao hơn về lâu dài và tồn tại lâu hơn sẽ thắng. Và tôi nghĩ Putin đã nhận ra điều đó. Đó là lý do tại sao hắn đang cố gắng phá hoại căn cứ hậu cần của phương Tây bằng cách xoay chuyển tình hình chính trị của các nước và chơi trên bàn phím tình cảm của người Đức để khiến người Đức sợ hãi. Điều thú vị là việc phong tỏa gói viện trợ của Mỹ bắt đầu đúng vào tháng 10 năm 2023 và tác động đến Slovakia cũng vậy. Nhưng nếu căn cứ hậu cần của phương Tây tiếp tục mở rộng thì Nga không những không thắng mà sẽ thua. Với tất cả những hậu quả mà việc này gây ra cho tổ chức nội bộ của Nga.

KR: Nhưng nếu nói về hậu quả nội bộ: liệu Putin có thể chấm dứt chiến tranh? Liệu ông ta còn đủ thế lực cần thiết trong nước không?

Keupp: Ông ta sẽ còn phải lo sợ hơn nữa cho quyền lực của mình nếu chiến tranh kéo dài hơn và sau đó, chẳng hạn, các cuộc nổi dậy sắc tộc nổ ra. Ông ta có thể nói, tôi sẽ cứu những gì tôi có thể cứu và kết thúc chiến tranh. Điều đó có thể sẽ khiến ông mất đi quyền lực và danh tiếng vị cứu tinh của nước Nga cũng không còn nữa. Nước Nga sẽ suy thoái về mặt kinh tế và sẽ phải củng cố nội bộ một lần nữa. Nhưng sự cai trị của Siloviki, nhóm hiện đang lãnh đạo nước Nga, sẽ tiếp tục. Vì vậy: Chiến tranh có thể kết thúc. Đó là quyết định mà Putin có thể đưa ra bất cứ lúc nào./.

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen