Seite auswählen
14/04/2019

Người Việt có hung dữ không?

 

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI

TTO – Khi tôi trả lời một cách đầy kiêu hãnh rằng mình là người Việt Nam, chị im lặng, cúi đầu, rồi ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt tôi, chậm rãi nói: “Xin lỗi bạn, nhưng tôi phải nói thật lòng với bạn rằng: người Việt của bạn là những người hung dữ”.

Đấy là tình cảnh một dịp gần đây, trong buổi giao lưu giữa những người nước ngoài hiện sống và làm việc tại thành phố Jakarta (Indonesia), tôi gặp một người phụ nữ Mỹ gốc châu Phi. Trò chuyện vui vẻ với nhau một lúc, chị hỏi tôi từ đâu đến. 

Câu nói của người phụ nữ làm tôi choáng váng. “Tại sao chị lại nghĩ vậy?” – tôi vội hỏi và chị giải thích rằng vừa qua Việt Nam du lịch.

Đến TP.HCM, khi đang say sưa với cảnh vật và con người, chị đứng bên đường chụp ảnh khu nhà thờ Đức Bà bằng chiếc điện thoại vừa mới mua thì bị kẻ cướp lao đến giật phắt điện thoại, rồi vút đi bằng xe máy.

Vụ cướp giật không chỉ để lại cho chị những vết sẹo trên cơ thể (do bị kéo té ngã) mà còn cú sang chấn về tinh thần: hiện nay, mỗi khi nhìn thấy hoặc nghe tiếng xe máy chị lại hoảng hốt.

Khi tôi xin lỗi chị và nói rằng chính quyền TP.HCM đang làm các bước để cải thiện sự an toàn cho khách du lịch, người phụ nữ ấy lắc đầu và nói cái cần sửa nhất là bản tính tham lam, bon chen và hung hăng của người Việt.

Chị cho biết trong khoảng ba tuần ở Việt Nam, chị đã quan sát thấy cái bản tính ấy trong nhiều hoàn cảnh: người ta không chịu xếp hàng mà sẵn sàng chen lấn, xô đẩy; người ta bóp kèn inh ỏi trên phố để cố nhanh hơn vài giây, vài phút.

Khi va quẹt vào nhau trên phố, thay vì nhã nhặn giải quyết vụ việc, người ta sửng cồ, sẵn sàng lao vào nhau.

Người ta sẵn sàng bắt chẹt khách du lịch chỉ vì lợi nhuận trước mắt: khi trả giá để mua hàng, chị đã bị người bán nói những lời rất khó nghe, thậm chí còn xúc phạm đến nguồn gốc châu Phi của chị.

Người phụ nữ thở dài nói rằng chị đã ở Indonesia 5 năm nhưng chưa bao giờ sa vào hoàn cảnh tương tự và so với những gì chị đã trực tiếp trải nghiệm, người Indonesia vô cùng hiền lành, tốt bụng, vui vẻ và tử tế.

Người Việt có hung dữ không? Câu hỏi ấy đeo đẳng tôi suốt nhiều tháng trời để rồi khi về Việt Nam lần gần đây nhất, tôi đã có câu trả lời.

Tại con hẻm nhỏ ở quận Gò Vấp, tôi chạy xe kế bên người mẹ vừa đón con đi học về. Giây phút hội ngộ của hai mẹ con sau một ngày làm việc và học tập vất vả đáng lẽ là những giây phút hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười, nhưng không phải. Người mẹ vừa chạy xe vừa ra rả rủa xả con mình trong khi cô con gái nhỏ co rúm vì sợ hãi.

Người mẹ chửi con vì điểm kiểm tra toán hôm đó không như bà mong đợi. Nhìn nét mặt đau khổ của cô con gái, tôi tự hỏi người phụ nữ đang dạy con những gì? Hay bà đang cố gắng gieo mầm mống của sự hung dữ vào tâm hồn trẻ nhỏ?

Tôi tự hỏi có phải vì điều kiện sống quá áp lực, vì hoàn cảnh kinh tế bức bối mà con người ta dễ dàng trút giận lên nhau?

Trong những năm gần đây, tôi sống và làm việc ở hai thành phố lớn với môi trường khá tương tự TP.HCM. Đó là Manila (Philippines) và Jakarta (Indonesia).

Đây là hai thành phố có tình trạng người thất nghiệp khá cao, an sinh xã hội thấp, nhiều người nghèo và đặc biệt với tình trạng ùn tắc giao thông dễ khiến người ta nổi nóng.

Nhưng thật lạ, trong bốn năm sống ở Manila và một năm rưỡi sống ở Jakarta, tôi thấy trên đường phố, dù kẹt xe đến mấy, ít ai bóp còi.

Văn hóa xếp hàng ở hai thành phố này cũng vượt trội hơn hẳn các thành phố của Việt Nam và đặc biệt là tại các cơ sở kinh doanh, tôi chưa từng gặp tình trạng bị chèo kéo, hăm dọa và bắt nạt như tôi từng gặp mỗi khi về nước.

“Người Việt là những người hung dữ”, câu nói đó không hẳn là đúng, nhưng tôi thấy sự hung dữ ngày càng lộng hành và bột phát không chỉ ngoài đường phố mà còn trong các gia đình (bạo hành phụ nữ, trẻ em, người thân trong gia đình giết nhau vì mâu thuẫn hay tranh chấp tài sản), trong trường học (bạo hành học sinh), trên mạng xã hội (người ta có thể thoải mái mạt sát, thóa mạ lẫn nhau). Đặc biệt là các vụ giết người vì mâu thuẫn nhỏ ngày càng gia tăng.

Tôi đã nghe cha mẹ tôi kể những câu chuyện rất xúc động về sự tử tế của con người trong những năm tháng khi đất nước chúng ta còn chìm trong khói lửa chiến tranh.

Điều đáng buồn là khi chiến tranh lùi xa, sự tử tế cũng đang dần biến mất nhiều nơi. Bộ phim Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy sản xuất năm 1985 đã cảnh báo về tình trạng ấy. Giờ đây, sau 34 năm, bộ phim vẫn còn nóng hổi tính thời sự.

Theo lời bình của bộ phim: “Tử tế có trong mỗi con người, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc. Hãy bền bỉ đánh thức nó, đặt nó lên bàn thờ tổ tiên hay trên lễ đài của quốc gia. Bởi thiếu nó, một cộng đồng dù có những nỗ lực tột bực và chí hướng cao xa đến mấy thì cũng chỉ là những điều vớ vẩn…”.

Vâng, sự tử tế chính là cái gốc cho sự phát triển bền vững của một xã hội. Nếu chúng ta không sớm hành động để đánh thức và khích lệ sự tử tế trong mỗi con người, nền tảng đạo đức xã hội sẽ tiếp tục lung lay, khiến cho những thành tựu phát triển kinh tế của chúng ta trở nên vô nghĩa.

Người Việt hung dữ là ‘sự thật phũ phàng’ hay ‘để bảo vệ mình’?

 

T.CHUNG

TTO – Lời nhận xét thật lòng của người bạn nước ngoài rằng “người Việt là những người hung dữ” đã “động chạm” đến tâm tư của rất nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online.

Người Việt hung dữ là sự thật phũ phàng hay để bảo vệ mình? - Ảnh 1.

Một cuộc va chạm ở TP Đà Nẵng gần đây – Ảnh: TẤN LỰC

Tham, sân, si là do sống vội

“Đọc bài viết mà giật mình, vì đó là sự thật, sự thật phũ phàng không thể chối cãi”, bạn đọc Nguyễn Xuân Mạnh thừa nhận.

Theo độc giả Duc Luong, đây là “vấn đề nhức nhối mà đa số người Việt chưa thực lòng muốn thừa nhận và thay đổi”: hung hăng, ích kỷ, tham lam, và hay bao biện cho thái độ xấu của mình.

Ví dụ “không biết chờ đợi, đèn đỏ chừng 6 giây đã bóp còi” như bạn đọc trieuminhquang…@gmail.com chỉ ra, hay “đụng xe là cãi nhau, cố tình to tiếng để trấn áp người kia mặc dù mình sai nhè, nhắc nhở va chạm giao thông cũng đâm chết người, xem hàng mà không mua là ăn chửi” như cảm nhận của độc giả Tran Dan.

“Ngang tàng và rất bất lịch sự” là cách độc giả này miêu tả cách ứng xử mà mình chứng kiến hằng ngày.

Đến nỗi như độc giả Nguyễn (nh…@yahoo.com) chia sẻ: Giờ đi ra đường chuyện gì cũng phải thận trọng không thì dễ bị đâm, chém, tạt axit…

Không ít độc giả cũng thẳng thắn nhìn nhận chính những thói xấu đó trong chính mình. “Tôi thấy loáng thoáng dáng dấp của mình trong bài viết (tôi nghiêm khắc với con cái, đôi khi có thái độ hung dữ khi con phạm lỗi). Tôi biết mình phải làm gì sau khi đọc bài viết này”, độc giả Phương Minh thành thật.

Bạn đọc Thái Nguyễn Ngọc cũng “mắc cỡ với chính mình” khi không che giấu rằng bản thân “nhiều khi hung dữ với vợ, con mình quá đáng”.

Theo độc giả Nghia Ngo, nguyên nhân dẫn đến cách ứng xử tham, sân, si đó là do sống vội, bon chen, nghi kỵ. “Không khó để thấy nhiều người thích về nông thôn du lịch, ngoài để trải nghiệm cuộc sống trong lành, còn muốn tận hưởng sự yên bình, thật thà và tràn ngập tình yêu thương của những người dân quê”, độc giả này phân tích.

Độc giả Bạch Ngọc thì nhìn vào văn hóa để cắt nghĩa vì sao “người Việt ngày nay hung dữ hơn so với cách nay 60 năm”: Nguồn gốc của vấn đề là triết lý sống đã thay đổi nhiều. Ngày trước, người ta sợ phạm tội với trời đất và sợ làm phiền lòng hàng xóm láng giềng. Ngày nay, nhiều người sẵn sàng phạm tội miễn là có tiền, có quyền, con cái mình được lợi hơn con cái người.

“Ngày nay, nhiều người tin và thực hành phong thủy, mua thần bán thánh nhiều hơn trước và không ngại lấn lướt láng giềng, dù là một rẻo không gian hay một bao rác. Chính sự thay đổi triết lý sống đó làm cho người Việt trở nên hung dữ hơn. Mức độ hung dữ tăng tỉ lệ thuận với lòng tham và sự đánh mất tinh thần công bình”, độc giả này viết.

Người Việt hung dữ là sự thật phũ phàng hay để bảo vệ mình? - Ảnh 2.

Người đuổi đánh người trên phố ở Bà Rịa – Vũng Tàu – Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ

Số ít trong hơn 90 triệu dân

Ngược lại, bạn đọc Nguyễn Phú Huê “không nghĩ tiêu cực như vậy”. “Ở xã hội nào thì người tốt, tử tế vẫn chiếm số đông. Có điều truyền thông bây giờ ít nói về những việc tốt, người tốt mà ở đâu ta cũng gặp, mà nói nhiều về những cái xấu, cái ác. Nhưng thực ra nó chỉ là số rất ít trong một nước hơn 90 triệu dân”, độc giả này viết.

Độc giả Nguyễn Quỳnh Như cũng cho rằng những người nước ngoài khi đến Việt Nam lần đầu, may mắn gặp chuyện tốt, người tốt thì “thích du lịch và yêu người Việt vì họ thân thiện, dễ mến”, còn không may gặp kẻ xấu thì sẵn sàng đánh giá tất cả người Việt Nam.

“Ở đâu cũng xen lẫn người tốt người xấu, vậy mới hình thành nên xã hội. Nếu chỉ có 1 loại người thì lúc đó bạn đang ở 1 trong 2 chỗ: thiên đường hoặc địa ngục”, độc giả thẳng thắn chia sẻ quan điểm.

Bạn đọc Nguyễn Tiên Điền cũng nhấn mạnh “người các nước khác có hung dữ”, bởi vì trong mỗi con người ai ai cũng đã có sẵn cái thiện và cái ác, chỉ là môi trường nào để phát huy cái thiện và hạn chế cái ác mà thôi.

Hay như bạn đọc Tuan (vina…@gmail.com) chia sẻ: “Hãy qua Trung Quốc xem có phải lúc nào họ cũng xếp hàng không. Qua Nhật hay Hàn Quốc xem có phải lúc nào người ta cũng vui vẻ trả lời giúp đỡ du khách như người Việt không”.

Độc giả bachhoadan…@gmail.com thì cố gắng phân tích bản chất của sự hung dữ: “Hung dữ nhưng không tham lam và không bon chen. Hung dữ để bảo vệ mình trước những người đe dọa, thậm chí đến nhà mình gây rối lần thứ 2 vì lần thứ nhất mình im lặng dạ vâng người ta nói mình nhu nhược”.

Bất đắc dĩ như vậy nên không ít độc giả lo lắng rằng “đến một lúc nào đó, những người tử tế sẽ không thể sống tử tế trong xã hội toàn những người hung dữ, họ cũng sẽ trở nên hung dữ”.

Dạy con trẻ rằng “hung dữ” là thói xấu

Theo độc giả Thanh Danh, thực trạng này trong xã hội Việt Nam cho thấy sự thiếu sót của việc dạy đạo đức trong nhà trường và gia đình, từ sách giáo khoa cho đến sự làm gương của cha mẹ.

“Cách giáo dục của phụ huynh ngày nay còn thờ ơ với con trẻ về đạo đức làm người mà chỉ biết chăm chăm về vật chất sao cho con cái có đầy đủ nhất”, độc giả nhận định.

“Nếu từ khi còn trên ghế nhà trường, thầy cô dạy rằng ‘hung dữ’ là thói xấu kém văn minh thì lớn lên xã hội sẽ bình yên hơn. Chỉ những người yếu đuối bất lực trong ứng xử, không thắng được bản thân thì mới đem ‘hung dữ’ xử sự với người khác. Bản thân họ không đủ bản lĩnh, trí tuệ để nghĩ ra những cách ứng xử thông minh và nhân văn đạt hiệu quả cao hơn thì mới dùng ‘hung dữ’ là giải pháp cứu vãn sự bất lực của bản thân” – độc giả MC (leemil…@gmail.com) phân tích.

Vì vậy mà độc giả Trần Phi nhấn mạnh ngắn gọn: “Giáo dục là gốc, cả gia đình và xã hội”.

Độc giả Bùi Quang Tuấn còn chỉ ra vai trò của không chỉ giáo dục, mà còn của pháp luật trước thực trạng này: “Con hư tại cha mẹ không dạy dỗ không đúng mực, dân chúng hư tại pháp luật và thực thi pháp luật”.

Thiên thần và quỷ dữ

Tạ Duy Anh

22-9-2023

Bức tranh “Khủng long” của cháu Hạt Dẻ. Ảnh: FB tác giả

Theo dòng thời gian, chúng ta hãy cùng nhớ lại những vụ bạo hành trong đó đối tượng bị hại là những đứa trẻ còn ở tuổi mẫu giáo, mà theo cách quan niệm chung của xã hội thì chúng đang ở giai đoạn vô tội tuyệt đối.

Vào cuối năm 2007, bảo mẫu Lê Thị Lê Vy tại một trường mầm non tư thục ở quận Phú Nhuận, TP.HCM đã lấy cuộn băng keo, cắt một đoạn, dán ngang miệng cháu Đỗ Ngọc Bảo Trân 18 tháng tuổi để cho bé không khóc. Kết quả bé gái tội nghiệp tử vong sau đó vài ngày.

Năm 2008, một đoạn clips ghi lại hình ảnh bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, đã “thương yêu, chăm sóc thế hệ tương lai” theo lối của ác quỷ như thế nào. Trong lúc cho các cháu ăn, bà bảo mẫu ác ôn này đã liên tục quát mắng, dọa nạt, dùng tay túm tóc, giật ngửa mặt từng bé để trút cơm vào miệng chúng. Chưa thỏa cơn rồ đòn, bà Hoa còn dùng thước, tay đánh tới tấp vào mặt bọn trẻ mặc dù hầu hết chúng chỉ mới từ 1-3 tuổi, biến bữa ăn của các cháu thành những cuộc tra tấn man rợ.

Khi đó mọi người đều uất nghẹn với câu hỏi: “Không biết khi đánh thẳng vào mặt bọn trẻ, bà Hoa nghĩ gì trong đầu?”

Câu hỏi còn chưa có lời đáp thì năm sau, vào tháng 5 năm 2009, màn “tắm đòn” rùng rợn của bảo mẫu hung thần Trần Thị Phụng bị phơi bày. Lại có người úp tay vào mặt không dám nhìn khi cảnh thiên thần trần như nhộng bị đè xuống nền gạch bởi bàn chân ác quỷ, giãy giụa, gào thét kinh hãi trước từng gáo nước to tướng dội thẳng xuống đầu, vào mặt.

Cả xã hội lại lên cơn sốc nặng.

Nhưng ai sốc thì cứ sốc, tháng 10 năm sau, 2010, bảo mẫu Trần Thị Xuân Nữ lại trở thành tác giả của một kiểu bạo hành mới: Nhốt cháu bé 3 tuổi vào thang máy vận chuyển thức ăn và thản nhiên bấm nút, mặc cho cháu bé gào khóc. Kết quả toàn thân bé chảy máu, gây đa chấn thương với mức thương tật vĩnh viễn lên đến 38%.

Bàng hoàng hơn cả là vụ bảo mẫu Hồ Ngọc Nhờ đánh đập và giẫm chết bé gái 18 tháng tuổi, gây hoảng loạn cho mọi bà mẹ có con ở tuổi mẫu giáo.

Cứ tưởng với những hình phạt nghiêm khắc dành cho kẻ phạm tội, thị bọn trẻ sẽ an toàn hơn. Nhưng có vẻ đó chỉ là lý thuyết, khi vào năm 2021, cháu bé 3 tuổi Đỗ Ngọc Ánh bị người tình của mẹ là Nguyễn Trung Huyên hành hạ, đánh gẫy tay rồi đóng hàng chục cái đinh vào đầu tận đến khi cháu lìa đời.

Không thể nào nhớ hết những vụ trẻ bị giết bởi người lớn, mà có nhớ tôi cũng không muốn kể tiếp.

Mấy hôm nay, hàng triệu người chỉ dám đọc tít báo vụ cháu bé mới chỉ 21 tháng tuổi bị kẻ giúp việc dìm chết.

Cháu bé mới chỉ 21 tháng.

Và cháu bị dìm chết.

Tôi phải nhắc lại rõ ràng từng lời như vậy để tự vấn chính lương tâm mình!

Chúng ta đang chứng kiến chuyện của người hay của thế giới ma quỷ?

Phải chăng có một thứ gì đó mang tính nền tảng đang sụp đổ, tan rã từ tầng rất sâu?

Viết đến đây tôi bỗng nhớ lời một vị tu sĩ:

“Thiếu một cái móng đạo đức vững chắc, mọi xã hội đều giống như lâu đài xây trên cát”.

Hay là thế?

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen