Chiến tranh không phải đã được an bài
Tác giả: Joseph S. Nye, Jr.
Đỗ Kim Thêm, dịch
2-10-2023
Nếu Mỹ duy trì các liên minh, đầu tư cho riêng mình và tránh các khiêu khích không cần thiết, Mỹ có thể giảm xác suất lâm vào một cuộc chiến tranh lạnh hoặc nóng với Trung Quốc. Nhưng để xây dựng một chiến lược hữu hiệu, Mỹ sẽ phải tránh những điều có thể gây hiểu lầm, đã từng xảy ra tương tự trong lịch sử.
Cuộc cạnh tranh giữa hai đại cường Hoa Kỳ và Trung Quốc là một đặc điểm đang định hình nửa đầu thế kỷ này, nhưng có rất ít sự đồng thuận về cách mô tả nó. Một số người gọi đó là một “sự cạnh tranh lâu dài”, tương tự như việc cạnh tranh giữa Đức và Anh trước hai thế chiến của thế kỷ trước. Những người khác lo rằng, Mỹ và Trung Quốc giống như Sparta (cường quốc thống trị) và Athens (cường quốc đang trỗi dậy) vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên: “Định mệnh của cuộc chiến đã an bài”. Dĩ nhiên, vấn đề là niềm tin vào tình trạng không thể tránh khỏi cuộc xung đột có thể trở thành một lời tiên tri tự ứng nghiệm.
Chính thuật ngữ “Sự cạnh tranh lâu dài” dễ gây hiểu lầm. Chỉ cần nghĩ đến tất cả các giai đoạn mà mối quan hệ Trung – Mỹ đã trải qua kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lên nắm quyền hồi năm 1949. Vào thập niên 1950, các binh sĩ Mỹ và Trung Quốc đã tàn sát lẫn nhau trên bán đảo Triều Tiên. Vào thập niên 1970, sau chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Richard Nixon, hai nước đã hợp tác chặt chẽ để tạo ra sự đối trọng với Liên Xô. Trong thập niên 1990, sự tham gia kinh tế tăng lên và Mỹ ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Mãi cho đến sau năm 2016, chúng ta mới bước vào giai đoạn hiện đại của tình trạng cạnh tranh đại cường, mà một quan chức Mỹ mô tả ,Trung Quốc là “mối đe dọa ngày càng tăng cường độ”, có nghĩa là, “quốc gia duy nhất có thể đặt ra thách thức mang tính hệ thống về phương diện kinh tế, công nghệ, chính trị và quân sự” đối với Mỹ.
Nhưng ngay cả khi sự cạnh tranh lâu dài không bao hàm sự xung đột có bạo lực, thế một “cuộc chiến tranh lạnh” thì sao? Nếu thuật ngữ đó đề cập đến một cuộc cạnh tranh kéo dài khốc liệt, thì chúng ta vốn dĩ đã ở trong tình trạng đó. Nhưng nếu đó là một sự so sánh tương tự về phương diện lịch sử, thì sự so sánh đó không phù hợp và có nguy cơ khiến chúng ta hiểu lầm về những thách thức thực sự mà Hoa Kỳ phải đối mặt với Trung Quốc. Hoa Kỳ và Liên Xô phụ thuộc lẫn nhau về quân sự toàn cầu ở mức độ cao, nhưng hầu như không có sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế, xã hội hoặc sinh thái. Hiện nay, mối quan hệ Trung – Mỹ khác nhau ở tất cả các khía cạnh đó.
Đầu tiên, Mỹ không thể hoàn toàn tách ra khỏi Trung Quốc về thương mại và đầu tư mà không gây thiệt hại lớn cho chính mình và cho nền kinh tế toàn cầu. Hơn nữa, Mỹ và các đồng minh đang bị đe dọa không phải bởi sự truyền bá về ý thức hệ cộng sản, mà bởi một hệ thống phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và chính trị mà cả hai bên thường xuyên thao túng. Việc tách rời một phần hoặc “giảm rủi ro” về các vấn đề an ninh là cần thiết, nhưng việc tách rời hoàn toàn về kinh tế sẽ rất tốn kém, hết sức bất lợi và rất ít đồng minh của Mỹ sẽ theo đuổi. Nhiều quốc gia coi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của họ hơn là Mỹ.
Sau đó, có những khía cạnh về sinh thái của sự phụ thuộc lẫn nhau khiến cho việc tách rời là không thể. Không quốc gia nào có thể đơn phương giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, mối đe dọa đại dịch hoặc các vấn đề khác về xuyên quốc gia. Dù tốt hay xấu, chúng ta đang bị mắc kẹt trong một “cuộc cạnh tranh hợp tác” với Trung Quốc và đang cần có một chiến lược mà nó có thể thúc đẩy các mục tiêu đầy mâu thuẫn. Tình hình không giống như việc ngăn chặn trong thời Chiến tranh Lạnh.
Đối phó với thách thức từ Trung Quốc, đòi hỏi một phương cách thúc đẩy các liên minh và hệ thống dựa trên luật lệ mà Mỹ đã tạo ra. Các đồng minh như Nhật Bản và các đối tác như Ấn Độ là những cơ sở mà Trung Quốc còn thiếu. Mặc dù trọng tâm của nền kinh tế toàn cầu đã di chuyển từ châu Âu sang Á trong thế kỷ qua, Ấn Độ, quốc gia đông dân nhất thế giới, là một trong những đối thủ lâu đời của Trung Quốc. Những lời lẽ khuôn sáo về “phía Nam bán cầu” hoặc sự đoàn kết trong khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) rất dễ gây hiểu lầm, bởi vì nó bỏ qua sự cạnh tranh nội bộ trong các khuôn khổ đó. Hơn nữa, sự thịnh vượng chung của các nước đồng minh theo dân chủ phương Tây sẽ vượt xa sự thịnh vượng của Trung Quốc cộng với Nga trong thế kỷ này.
Để thành công, chiến lược đối với Trung Quốc của Mỹ phải đặt ra các mục tiêu thực tế. Nếu Mỹ định nghĩa thành công chiến lược là chuyển hoá Trung Quốc thành một nền dân chủ theo phương Tây, thì có khả năng Mỹ sẽ thất bại. ĐCSTQ lo ngại trào lưu tự do hóa của phương Tây, và Trung Quốc quá lớn để xâm lược hoặc thay đổi một cách cơ bản thông qua việc cưỡng chế. Thực tế này hướng theo cả hai cách: Hoa Kỳ có các vấn đề quốc nội, nhưng chắc chắn không lệ thuộc bất cứ điều gì về sự thu hút của chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc. Trong khía cạnh quan trọng này, cả Trung Quốc và Mỹ đều không đặt ra một mối đe dọa sinh tồn nào đối với phe kia – trừ khi họ lâm vào một cuộc chiến tranh lớn.
Sự so sánh tương tự về lịch sử tốt nhất không phải là châu Âu trong Chiến tranh Lạnh sau năm 1945 mà là châu Âu trước chiến tranh năm 1914. Các nhà lãnh đạo châu Âu hoan nghênh những gì họ nghĩ sẽ là một cuộc xung đột ngắn ngủi ở Balkan, nhưng thay vào đó là Thế chiến thứ Nhất với bốn năm khủng khiếp. Một số người dự đoán rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ rơi vào một cuộc chiến tương tự ở Đài Loan, nơi mà Trung Quốc coi là một tỉnh nổi loạn. Khi Nixon và Mao Trạch Đông gặp nhau năm 1972, họ không thể đồng ý về vấn đề này, nhưng họ đã nghĩ ra một công thức thô sơ để xử lý vấn đề mà nó đã kéo dài nửa thế kỷ: Không có tình trạng độc lập về mặt pháp lý cho Đài Loan và Trung Quốc không sử dụng vũ lực chống Đài Loan. Duy trì nguyên trạng đòi hỏi việc răn đe Bắc Kinh trong khi tránh khiêu khích trong việc ủng hộ độc lập cho Đài Loan về mặt pháp lý. Chiến tranh thì nguy hiểm, nhưng có thể tránh được.
Mỹ nên tính đến chuyện sẽ có các cuộc xung đột kinh tế với Trung Quốc ở cường độ thấp, nhưng các mục tiêu chiến lược của Mỹ nên tránh leo thang, điều mà Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gần đây gọi là “chung sống hòa bình”. Điều đó có nghĩa là, sử dụng răn đe để tránh một cuộc chiến tranh nóng, hợp tác khi có thể, tận dụng sức mạnh cứng và mềm của Mỹ để thu hút các đồng minh, và thu xếp nội lực để cạnh tranh thành công. Mục tiêu là định hình hành vi đối ngoại của Trung Quốc bằng cách tăng cường các liên minh và định chế quốc tế của Mỹ.
Ví dụ, chìa khóa để thúc đẩy các lợi ích của Mỹ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông là Nhật Bản, một đồng minh thân cận có quân đội Mỹ đồn trú. Nhưng do Mỹ cũng cần củng cố lợi thế kinh tế và công nghệ của riêng mình, nên sẽ Mỹ khôn ngoan nếu áp dụng chính sách thương mại châu Á tích cực hơn và hỗ trợ cho các nước có thu nhập thấp và trung bình đang bị Trung Quốc lôi kéo. Các cuộc thăm dò toàn cầu cho thấy, nếu Mỹ duy trì sự cởi mở ở trong nước và các giá trị dân chủ, Mỹ sẽ có nhiều quyền lực mềm hơn Trung Quốc.
Nhiều quốc gia hoan nghênh việc Mỹ đầu tư vào sức mạnh răn đe quân sự của Mỹ, bởi họ muốn duy trì quan hệ thương mại với Trung Quốc, nhưng không muốn bị Trung Quốc khống chế. Nếu Mỹ duy trì các liên minh của mình và tránh sự bôi nhọ, cũng như tránh sự hiểu lầm như đã từng xảy ra tương tự trong lịch sử, thì sự “cạnh tranh hợp tác” sẽ là một mục tiêu bền vững.
_______
Tác giả: Joseph S. Nye, Jr. là Giáo sư Đại học Harvard và là Cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ. Cuốn sách mới nhất của ông là: Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump do Nhà xuất bản Đại học Oxford ấn hành 2020.
Bài liên quan: Cuộc chiến kinh tế Mỹ – Trung — Trump vẫn còn có thể thắng trong nhiệm kỳ thứ hai cho dù mọi chuyện xảy ra — Chiến tranh lạnh Mỹ – Trung, cuộc chiến Ukraine và xung đột Đài Loan