Seite auswählen

Liên quân 10 nước tập trận ở Biển Đông và thông điệp tới Trung Quốc

2023.10.04
sharethis sharing button

Liên quân 10 nước tập trận ở Biển Đông và thông điệp tới Trung QuốcCuộc tập trận này bao gồm các hoạt động diễn tập săn tàu ngầm, tấn công tàu chiến, và tác chiến điện tử, với hơn một ngàn binh lính được điều động.

 US Navy

Hải quân Hoa Kỳ và Philippines hôm 2 tháng 10 bắt đầu cuộc tập trận mang tên “Sama Sama” (nghĩa là sát cánh trong tiếng Tagalog) tại khu vực Biển Đông, cùng với sự tham gia của tám nước đồng minh và đối tác khác. Nhóm này gồm hải quân các nước Anh, Pháp, Úc, Nhật Bản, Canada, Malaysia; cùng quan sát viên từ New Zealand và Indonesia. 

Cuộc tập trận này bao gồm các hoạt động diễn tập săn tàu ngầm, tấn công tàu chiến, và tác chiến điện tử, với hơn một ngàn binh lính được điều động. 

Tuy là sự kiện được lên kế hoạch từ trước, nhưng cuộc tập trận này diễn ra đúng vào thời điểm Trung Quốc và Philippines đang đối đầu với nhau kịch liệt trên khu vực Biển Đông.

Do vậy, cuộc tập trận đang diễn ra được đánh giá là sẽ tạo ra thông điệp trực tiếp đến với Trung Quốc.

Trao đổi với Đài Á châu Tự do, thạc sĩ Hoàng Việt – chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, cho biết đây là một cuộc tập trận “đặc biệt”, ông nói thêm:

“Cuộc tập trận này không chỉ đơn thuần là một cuộc tập trận mà nó còn là một thông điệp, để thể hiện sức mạnh và sự đoàn kết của những quốc gia sát cánh cùng Philippines trên khu vực Biển Đông, trong đó là Mỹ và Phương tây. Với phương châm tôn trọng một trật tự thế giới dựa trên luật lệ.”

Mới tháng trước, Trung Quốc cho giăng dây thừng và phao nổi ở khu vực Bãi cạn Scarborough, nhằm ngăn cản các tàu của ngư dân Philippines tiếp cận khu vực trên, khiến đích thân tổng thống Philippines đã phải ra lệnh cho lực lượng hải quân nước này thực hiện chiến dịch phá huỷ.

Lực lượng cảnh sát biển của hai nước cũng liên tiếp chạm trán nhau ở khu vực Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa. Tại đây, lính Philippines đang đồn trú trên một chiếc tàu chiến được chủ động cho mắc cạn, và cần phải được tiếp tế thường xuyên, và phía Trung Quốc luôn tìm cách ngăn cản.

Theo giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực an ninh ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, những cuộc tập trận thế này là nhằm ngăn chặn và răn đe các hành vi đe doạ sự ổn định do Trung Quốc tạo ra:

“Những cuộc tập trận này nhằm mục đích ngăn ngừa và răn đe các hành vi gây bất ổn ở khu vực, và khiến Trung Quốc phải suy nghĩ kỹ trước khi hành động.

Cuộc tập trận này nằm trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp áp đặt yêu sách chủ quyền của họ, còn Hoa Kỳ thì cố gắng xây dựng một liên minh nhằm răn đe Trung Quốc.”

Một nước Đông Nam Á tham gia cuộc tập trận là Indonesia lại không có yêu sách chủ quyền đối với bất cứ thực thể hay hòn đảo nào trên khu vực Biển Đông, nhưng nước này cũng bị đe doạ bởi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở trên vùng biển mà họ gọi là Biển Natuna, nằm ở phía nam Biển Đông.

Việt Nam, ở mặt khác, lại là một trong những nước có tuyên bố chủ quyền đối với các quần đảo ở khu vực Biển Đông, và trong những năm qua đã bị Trung Quốc liên tiếp gây sức ép, và thậm chí đe doạ. Thế nhưng lại không góp mặt trong cuộc tập trận này.

Lý giải cho điều này, thạc sĩ Hoàng Việt cho biết quan điểm của ông:

“Trước đây thì Việt Nam cũng tham gia tập trận với Mỹ một số lần, nhưng sau này Việt Nam không tham gia nữa. Nó có nhiều lý do, nhưng rõ ràng thứ nhất là học thuyết quốc phòng 4 Không của Việt Nam, trong đó có việc không tham gia liên minh quân sự với bất cứ quốc gia nào. Thế nên Việt Nam sẽ tránh.

Gần đây chúng ta thấy quan điểm của Việt Nam đối với cuộc căng thẳng Mỹ – Trung, đặc biệt là từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, thì phía Việt Nam luôn thể hiện cái tư duy mà nhiều quốc gia Đông Nam Á khác nhắc tới, đó là không thể hiện việc chọn bên.

Chính vì thế mà đối với việc này thì Việt Nam không khuyến khích, nhưng cũng không lên án việc các nước tham gia tập trận với Philippines.”

Đó là về mặt quan điểm, và nguyên tắc công khai trong chính sách đối ngoại cũng như quốc phòng của Việt Nam. Còn về mặt thực tế, theo giáo sư Carlyle Thayer, thì Việt Nam sẽ ngầm ủng hộ sự hiện diện của Mỹ và các nước Phương tây ở Biển Đông:

“Tôi cho rằng Việt Nam sẽ muốn những sự kiện như thế này diễn ra hơn là không muốn có bất cứ hoạt động nào. Sự hiện diện thường xuyên của Mỹ có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải chú ý nhiều hơn vào nước Mỹ, còn nếu nước Mỹ không xuất hiện thì Trung Quốc sẽ hướng sự chú ý vào Việt Nam. Và Việt Nam rõ ràng là không muốn điều đó xảy ra.”

Cuộc tập trận này dự kiến sẽ kéo dài 12 ngày ở vùng biển gần với phía nam đảo Luzon của Philippines, nơi có căn cứ hải quân Vịnh Subic, từng là một trong những tiền đồn quân sự lớn nhất của Mỹ ở khu vực trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen