Seite auswählen

Ông Nguyễn Trường Chinh và vợ với biểu ngữ kêu gọi cứu tính mạng Nguyễn Văn Chưởng Fb Nguyễn Trường Chinh/RFA editted

 

Một nhóm ba chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp quốc (LHQ) gửi thư chung tới Chính phủ Việt Nam, đề nghị Hà Nội xoá bỏ án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng và ân xá cho tử tù này.

 

Thư chung của Báo cáo viên đặc biệt về các vụ hành quyết ngoài tư pháp, không công bằng hoặc tùy tiện; Báo cáo viên đặc biệt về tính độc lập của thẩm phán và luật sư; và Báo cáo viên đặc biệt về tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục khác gửi cho Chính phủ Việt Nam ngày 10/8/2023 và được Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ công bố đầu tuần này.

 

Ông Nguyễn Văn Chưởng, 40 tuổi, bị kết án tử hình năm 2008 vì bị cho là thủ phạm trong vụ giết một sỹ quan công an ở Hải Phòng vào giữa tháng 7 năm 2007 trong khi tử tù này liên tục kêu oan, nói bị tra tấn ép cung và các cơ quan tố tụng tảng lờ nhiều bằng chứng ngoại phạm của tử tù Nguyễn Văn Chưởng.

 

Một tuần trước khi ba báo cáo viên gửi thư chung, ngày 04/8 vừa qua, gia đình Nguyễn Văn Chưởng nhận được thông báo của Toà án Nhân dân thành phố Hải Phòng về việc làm đơn để nhận xác người này về mai táng cho dù cơ quan này không thông báo khi nào sẽ thi hành án.

Vì tính cấp bách của vấn đề và tính không thể đảo ngược của việc thi hành án tử hình, chúng tôi trân trọng kêu gọi các cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Việt Nam đảm bảo không xử tử ông Chưởng. Việc hành quyết ông, dựa trên những thông tin chúng tôi có được, có thể cấu thành hành vi vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế hiện hành và cấu thành một cuộc hành quyết tùy tiện. Chúng tôi kêu gọi Chủ tịch nước và cơ quan hành pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xem xét ân xá, giảm án cho ông Chưởng,” thư chung nói.

 

Thư chung cũng nhắc đến thông tin tra tấn ép cung đối với Nguyễn Văn Chưởng mà ba báo cáo viên nhận được, nêu chi tiết cách cách nghi phạm bị còng tay, đánh đập và đe dọa cho đến khi tự nhận tội.

Các chuyên gia nhân quyền nhắc đến việc các cơ quan công tố bỏ qua những bằng chứng ngoại phạm của Nguyễn Văn Chưởng. Thay vì điều tra tính xác thực của bằng chứng ngoại phạm, công an Hải Phòng đã bắt giữ em trai ông Chưởng với cáo buộc thao túng bằng chứng và gây ảnh hưởng đến nhân chứng.

 

Các chuyên gia cũng nhận được thông tin về việc một số nhân chứng làm chứng cho bằng chứng ngoại phạm của ông Chưởng đã bị công an ép buộc thay đổi lời khai của họ.

 

Chúng tôi nhắc lại rằng việc thi hành án tử hình mà không áp dụng các tiêu chí cao nhất về xét xử công bằng có thể dẫn tới việc thi hành án một cách tùy tiện và vi phạm quyền sống theo luật pháp quốc tế.

Chúng tôi trân trọng kêu gọi Chính phủ Việt Nam xem xét việc thực hiện sự khoan hồng đối với ông ấy và giảm mức án cho ông ấy xuống một thời hạn tù thích hợp; xem xét kỹ lưỡng vụ án và nhanh chóng tiến hành một cuộc điều tra độc lập và khách quan về những cáo buộc cho rằng tra tấn và các hành vi ngược đãi khác được sử dụng để lấy lời thú tội trong khi bị giam giữ.”

Thư chung nhắc lại rằng luật pháp quốc tế quy định các quốc gia thành viên của Công ước chống tra tấn phải tiến hành nhanh chóng, khách quan và điều tra kỹ lưỡng khi có khiếu nại về tra tấn hoặc ngược đãi khác và “bất kỳ lời khai nào được xác định là được thực hiện do bị tra tấn sẽ không được viện dẫn như bằng chứng trong bất kỳ thủ tục tố tụng nào, ngoại trừ việc sử dụng như bằng chứng chống lại người bị buộc tội thực hiện hành vi tra tấn.” 

 

Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước chống tra tấn năm 2014 và Việt Nam trở thành quốc gia thành viên thứ 158 của công ước vào ngày 07/3/2015. 

 

HRW kêu gọi Việt Nam cải tổ lực lượng công an

Bình luận về cáo buộc tra tấn ép cung trong trường hợp của Nguyễn Văn Chưởng, ông Phil Robertson, Phó giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong tin nhắn ngày 11/10:

 

Hoạt động điều tra của công an Việt Nam trong các vụ án hình sự thường dựa vào tra tấn và ép cung, và điều này dẫn đến nhiều oan sai trong xét xử. Trong trường hợp này, thảm kịch càng trở nên trầm trọng hơn khi Việt Nam sử dụng hình phạt tử hình, một hình phạt tàn nhẫn, bất thường và hoàn toàn không thể đảo ngược, vi phạm trắng trợn luật nhân quyền quốc tế.”

 

Ông đưa ra lời kêu gọi Hà Nội cải tổ lực lượng công an để xoá bỏ việc tra tấn nghi phạm, bảo đảm quyền được xét xử công bằng.

Chính phủ Việt Nam cần phải thức tỉnh và nhận ra rằng lực lượng công an của họ là một phần chính của vấn đề ở đất nước, và trừ khi có những cải cách nghiêm túc và mang tính hệ thống trong cách thức hoạt động của công an, Việt Nam sẽ không bao giờ có thể nghiêm túc tuân thủ các cam kết quốc tế về nhân quyền của mình.”

Ông nói về trường hợp Nguyễn Văn Chưởng như một vụ điển hình về oan sai ở Việt Nam.

Thật đáng buồn và bi thảm khi một người được cho là vô tội, với bằng chứng ngoại phạm rõ ràng như vậy, lại phải đối mặt với hơn một thập niên ngồi tù và giờ là cái chết, và nỗ lực tìm kiếm một phiên tòa lại dựa trên bằng chứng lại bị từ chối.”

Ông Nguyễn Trường Chinh, bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, người cùng vợ đi kêu oan cho con trai trong 17 năm qua, nói với RFA:

Trong hai tháng vừa qua, gia đình chúng tôi đang chờ câu trả lời của Chủ tịch nước và Chính phủ Việt Nam trả lời về việc dừng thi hành án và yêu cầu điều tra trả tự do cho Nguyễn Văn Chưởng nhưng cho đến nay vẫn chưa có, nên tôi rất là lo lắng.”

 

Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa để cứu lấy con trai của ông:

Mong các chuyên gia nhân quyền và mọi người yêu công lý tự do và sự thật trên thế giới Hãy lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa đòi tự cho cho tử tù Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải, và trước hết là đòi quyết định hoãn thi hành án vĩnh viễn đối với Nguyễn Văn Chưởng.”

 

Ngay sau khi trả lời phỏng vấn của RFA vào sáng sớm ngày 11/10, ông nói gia đình ông lại lên Văn phòng Chủ tịch nước và một số cơ quan trung ương ở Hà Nội để biểu tình và kêu oan cho con trai với khẩu hiệu “Cứu Nguyễn Văn Chưởng- sắp bị giết oan,” như họ đã làm hàng ngày trong nhiều năm qua.

 

RFA có liên lạc với ông luật sư Lê Văn Hòa, người từng lên tiếng về những sai sót tố tụng trong vụ án Nguyễn Văn Chưởng, nhưng chưa nhận được hồi đáp.

 

Trong thư chung, các chuyên gia nhân quyền LHQ cũng bày tỏ quan ngại về việc áp dụng án tử hình ở Việt Nam cũng như thiếu minh bạch về thông tin tử hình ở quốc gia này.

 

Chúng tôi quan ngại sâu sắc về tính chất bí mật của việc áp dụng hình phạt tử hình ở Việt Nam. Hình phạt tử hình được coi là bí mật nhà nước theo Luật Bí mật nhà nước năm 2018, theo đó, người nào tiết lộ dữ liệu liên quan đến án tử hình dù cố ý hay vô ý đều phải chịu mức phạt hình sự lên tới 15 năm tù. Kết quả là dữ liệu và số liệu thống kê liên quan đến án tử hình không được công bố rộng rãi ở Việt Nam.”

 

Theo các chuyên gia, với 40 năm kinh nghiệm của Báo cáo viên đặc biệt về các vụ hành quyết không qua xét xử, không công bằng hoặc tùy tiện, cũng như xem xét cẩn thận nhiều nghiên cứu và bằng chứng, không có bằng chứng thuyết phục nào trên toàn thế giới cho thấy hình phạt tử hình có tác dụng ngăn chặn tội phạm một cách hiệu quả.

Nguyễn Văn Chưởng, Lê Văn Mạnh, và Hồ Duy Hải là ba tử tù kêu oan vì kết tội dựa trên lời khai có được từ tra tấn bên cạnh việc cơ quan tố tụng có nhiều sai sót nghiêm trọng trong quá trình điều tra và xét xử.

 

Đối với vụ án của Nguyễn Văn Chưởng, Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ, Phái đoàn ngoại giao của Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và 13 tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng sử dụng quyền của mình để dừng thi hành án tử hình đối với ông và bãi bỏ án tử hình ở quốc gia độc đảng này.

Ngày 22/9 vừa qua, nhà chức trách tỉnh Thanh Hoá đã tiến hành xử tử Lê Văn Mạnh bằng hình thức tiêm thuốc độc, chỉ bốn ngày sau khi thông báo với gia đình về việc làm đơn xin đưa xác về mai táng, và bất chấp lời kêu gọi dừng tử hình của Liên minh Châu Âu, Canada, Anh Quốc và nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế. 

Báo cáo viên đặc biệt về các vụ hành quyết ngoài tư pháp, không công bằng hoặc tùy tiện của LHQ đã lên án vụ tử hình Lê Văn Mạnh, đồng thời kêu gọi Việt Nam tuân thủ các cam kết với quốc tế về đảm bảo quyền lợi của tử tù và minh bạch trong việc thực hiện các án tử hình.

Trong khi đó, Ân xá Quốc tế thì nói việc kết liễu mạng sống của Lê Văn Mạnh là một việc làm “đáng kinh tởm” khi còn nhiều uẩn khúc trong vụ án này.

RFA (11.10.2023)

 

 

 

 

Amnesty nói VN ‘tìm cách cài phần mềm gián điệp vào điện thoại quan chức Mỹ và LHQ’

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

 

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết hôm thứ Hai rằng các tin tặc liên kết với Việt Nam đã cố gắng sử dụng các nền tảng mạng xã hội X và Facebook để cài đặt phần mềm gián điệp trên điện thoại của hàng chục mục tiêu cấp cao, bao gồm các nhà lập pháp Hoa Kỳ, các quan chức Liên Hợp Quốc và các nhà báo CNN.

 

Theo các nhà điều tra của Tổ chức Ân xá, công cụ hack – được thiết kế để lấy dữ liệu cuộc gọi và tin nhắn từ điện thoại – nhắm vào các tài khoản mạng xã hội của các nhân vật có ảnh hưởng về chính sách đối ngoại của Mỹ, gồm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Michael McCaul (R-Tex.) và Thượng nghị sĩ Chris Murphy (D-Conn.), thành viên của Ủy ban Đối ngoại và chủ tịch tiểu ban về Trung Đông. Ngoài ra, còn có các chuyên gia châu Á tại các tổ chức nghiên cứu chính sách của Washington và các nhà báo của CNN, bao gồm Jim Sciutto, nhà phân tích an ninh quốc gia chính của cơ quan này và hai phóng viên ở châu Á.

Vụ tấn công xảy ra khi các nhà ngoại giao Việt Nam và Mỹ đang đàm phán một thỏa thuận hợp tác lớn nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, khi các nhà ngoại giao Việt Nam đặc biệt quan tâm đến quan điểm của Washington về Trung Quốc và các vấn đề ở châu Á. Tổng thống Biden đã ký thỏa thuận vào tháng Chín trong chuyến thăm Việt Nam, theo Washington Post.

Các điệp viên đã sử dụng mạng xã hội X, trước đây gọi là Twitter, để cố gắng lôi kéo các chính trị gia và những người khác truy cập các trang web được thiết kế để cài đặt phần mềm hack có tên Predator, theo cuộc điều tra.

 

Giống như đối thủ cạnh tranh nổi tiếng Pegasus, Predator là một chương trình giám sát ‘quyền lực’ và khó phát hiện, có thể bật micrô và camera của iPhone của Apple cũng như các thiết bị chạy trên phần mềm Android của Google, lấy tất cả các tài liệu và đọc tin nhắn riêng tư, ngay cả khi chúng được mã hóa.

Theo các tài liệu được cung cấp cho hãng tin Mediapart có trụ sở tại Paris và tuần báo Der Spiegel có trụ sở tại Hamburg, các nỗ lực tấn công mới diễn ra sau các cuộc đối thoại kéo dài và chuyển giao công nghệ giữa các cơ quan Việt Nam và các công ty con của những kẻ tạo ra phần mềm gián điệp.

 

Tổ chức Ân xá xác định rằng một chuyên gia châu Á tại Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ và Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế – một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington – đã bị tài khoản có tên Joseph Gordon nhắm tới.

Tổ chức Ân xá kết luận rằng tài khoản của Joseph Gordon “đã hành động thay mặt cho chính quyền hoặc các nhóm lợi ích của Việt Nam”.

Theo các nhà điều tra của Meta, công ty mẹ của Facebook, một tài khoản Facebook có tên Anh Trâm, nhắm vào người nói tiếng Việt, được liên kết với một số trang Predator tương tự. Tài khoản này gần đây đã bị xóa.

Các nhà nghiên cứu nói rằng họ không biết các nỗ lực gián điệp này có thành công không.

Ông Ó Cearbhaill của Tổ chức Ân xá nói với CNN rằng ông và các nhà điều tra “rất tin tưởng” vào mối liên hệ giữa tin tặc và Việt Nam, đồng thời chỉ ra hồ sơ hợp đồng giữa chính phủ Việt Nam và một công ty liên kết với phần mềm gián điệp này.

Các nhà nghiên cứu thuộc Nhóm phân tích mối đe dọa của Google, chuyên theo dõi các tin tặc được nhà nước hậu thuẫn, nói với CNN rằng tài khoản Twitter phát tán phần mềm gián điệp dường như đóng tại Việt Nam.

Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu an ninh mạng và các nhà hoạt động nhân quyền đã ghi nhận sự gia tăng nhanh chóng của phần mềm gián điệp được thiết kế để đột nhập vào điện thoại di động và đánh cắp nội dung của chúng. Nhưng vấn đề này đã thu hút sự chú ý lớn hơn ở Washington trong năm nay sau khi có tiết lộ rằng khoảng chục nhân viên Bộ Ngoại giao phục vụ ở Châu Phi được cho là đã bị tấn công bằng phần mềm gián điệp do công ty NSO Group của Israel phát triển.

Trong trường hợp này, Tổ chức Ân xá cho biết nhà phát triển phần mềm gián điệp là Cytrox, một công ty có trụ sở tại Bắc Macedonia thuộc sở hữu của Intellexa, một tập đoàn gồm các công ty có trụ sở tại Châu Âu.

 

Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã bổ sung Cytrox và Intellexa “Danh sách đen vào tháng 7, có nghĩa là các công ty Hoa Kỳ không được phép kinh doanh với các công ty trong danh sách mà không có sự chấp thuận đặc biệt.

 

“Rõ ràng những công cụ này đang được xuất khẩu từ EU sang các quốc gia có hồ sơ nhân quyền tồi tệ,” ông Ó Cearbhaill nói với CNN. “Khi đó, họ không chỉ quay sang chống lại các nhà báo và những người bảo vệ nhân quyền mà còn chống lại các chính trị gia và tổ chức, những người lẽ ra phải quản lý các hoạt động xuất khẩu này một cách có ý nghĩa.”

 

BBC (10.10.2023)

 

 

 

 Liên tục bỏ tù giới xã hội dân sự, Nguyễn Phú Trọng vẫn sợ ‘phản động’ 

 

Nguyễn Phú Trọng

 

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 ở Hà Nội, Nguyễn Phú Trọng cảnh báo nguy cơ mất đảng và tiếp tục đổ lỗi cho “thế lực thù địch, phản động”.

 

Nguyễn Phú Trọng được báo đảng hôm 8/10 dẫn lời: “…Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị trong và ngoài nước sẽ còn câu kết với nhau tăng cường các hoạt động “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hoá” lực lượng vũ trang với âm mưu, thủ đoạn chống phá ngày càng tinh vi, công khai và trực diện hơn.”

 

Bên cạnh đó, Trọng cũng nhắc lại: “Những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; sự xuống cấp về các giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống; những mâu thuẫn, bức xúc trong xã hội sẽ còn diễn biến phức tạp; phân cực giàu – nghèo có xu hướng ngày càng gia tăng.”

Ngoài ra, Trọng cũng nhắc nhở thuộc cấp về “công tác cán bộ” với những khái niệm như “đừng nhìn gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, “xanh vỏ mà đỏ lòng đấy”…

 

Vài tuần trước Hội nghị Trung ương 8, Bộ Công An Việt Nam âm thầm bắt bà Ngô Thị Tố Nhiên, giám đốc công ty Sáng Kiến Về Chuyển Dịch Năng Lượng Việt Nam (VIETSE), nửa tháng sau đó mới xác nhận tin này nhưng lại lấp liếm rằng bà Nhiên “không phải là nhà hoạt động môi trường.”

 

Ông Tô Ân Xô, phát ngôn viên Bộ Công An, cáo buộc rằng bà Nhiên bị bắt vì “chiếm đoạt tài liệu mật liên quan tập đoàn Điện Lực Việt Nam (EVN).”

 

Theo các tổ chức nhân quyền, bà Ngô Thị Tố Nhiên là trường hợp thứ sáu bị bắt giữ ở Việt Nam, sau năm nhà hoạt động môi trường bị bỏ tù vì cùng một cáo buộc “trốn thuế.”

 

Hồi tuần trước, hãng tin Reuters cho hay Văn Phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) bày tỏ quan ngại về việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt bà Ngô Thị Tố Nhiên, người từng cộng tác với các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và Hoa Kỳ, chỉ vài ngày sau khi Tổng Thống Joe Biden đến Hà Nội ký các thỏa thuận kinh doanh và nhân quyền.

 

Theo hồ sơ của bà Nhiên trên trang LinkedIn, bà từng làm việc cho Ngân Hàng Thế Giới (WB), Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) và Cơ Quan Viện Trợ Phát Triển Quốc Tế của Hoa Kỳ (USAID).

 

Bà Ngô Thị Tố Nhiên “đã tham gia các sự kiện quốc tế và nội địa, bao gồm các cuộc tham vấn do UNDP tổ chức về chủ đề chuyển đổi năng lượng,” cơ quan UNDP tại Việt Nam xác nhận với Reuters.

Hồi đầu tháng trước, thân nhân của hàng chục tù nhân lương tâm ký tên chung vào một bức thư gửi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, kêu gọi ông lên tiếng cho hàng trăm nhà hoạt động đang bị cầm tù và Việt Nam phải dừng việc dùng họ làm món hàng mặc cả với chính phủ các nước phương Tây. 

 

Dat Viet (08.10.2023)

 

 

Cựu TNLT Nguyễn Viết Dũng: Tôi bị công an bắt cóc, tra tấn và bức cung

Hình Nguyễn Viết Dũng Courtesy Facebook Dung Phi Ho

 

Cựu tù nhân lương tâm (TNLT) Nguyễn Viết Dũng, người vừa mãn hạn tù sáu năm vào cuối tháng trước, nói ông bị công an bắt cóc, tra tấn và bức cung trong thời gian tạm giam để điều tra về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999.

Ông Dũng, 47 tuổi, bị bắt ngày 27/9/2017. Sau đó ông bị toà sơ thẩm vào  ngày 12/4/2018 kết án bảy năm tù giam và năm năm quản chế. Trong phiên phúc thẩm vào ngày 15/8 cùng năm , ông được giảm án tù xuống còn sáu năm tù nhưng án quản chế bị giữ nguyên.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát tỉnh Nghệ An, từ đầu năm 2017 đến ngày 19/5/2017, ông Dũng đã có hành vi đăng tải trên trang Facebook cá nhân Dũng Phi Hổ 7 bài viết tự soạn thảo hay sao chép và chỉnh sửa có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh tụ nhằm chống nhà nước Việt Nam.

Ngoài ra, ông Dũng còn làm và lưu hành 4 lá cờ vàng của chế độ Việt Nam Cộng hòa để treo tại nhà riêng ở huyện Yên Thành (Nghệ An) và một số địa điểm công cộng khác. Sau đó ông đã chụp ảnh, quay video để đăng lên trang Facebook cá nhân Dũng Phi Hổ để chia sẻ, phát tán lên các trang mạng xã hội.

 

Hơn một tuần sau khi trở về nhà từ Trại giam Nam Hà, ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA):

Để đưa được tôi ra bục xét xử, cơ quan Công an thành phố Hồ Chí Minh và Công an Nghệ An đã áp dụng đầy đủ các biện pháp vi phạm dân quyền mà lẽ ra tôi được bảo vệ bởi pháp luật.

Tôi bị bắt cóc, tôi bị tra tấn, và tôi bị bức cung bởi cả ba cấp độ: ép cung, bẻ cung và mớm cung, bị xúc phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự và nhân phẩm.”

 

 Ông cho biết trước khi bị Công an Nghệ An bắt giữ, ông đã hai lần bị Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt cóc, đánh đập rồi buộc phải lên máy bay về Nghệ An để rồi lại bị công an địa phương bắt cóc và đánh đập khi vừa xuống sân bay.

Tôi bị công an thành phố Hồ Chí Minh bắt cóc vào đêm 20/05/2016, họ đánh đập và giam giữ tôi trái pháp luật 2 ngày.

Sau đó vào ép buộc tôi phải bay về Nghệ An bằng một chuyến bay của Vietjet Air bằng chính tiền của cá nhân tôi. Tiếp đó Công An Nghệ An đã chờ sẵn để tiếp tục bắt cóc tôi tại chân cầu thang máy bay của chuyến bay trên tại đường băng của cảng hàng không quốc tế Vinh.

Sau khi bắt cóc được tôi vào ngày hôm đó là ngày 22/5/2016, Công an Nghệ An đã đánh đập tôi, đe dọa giết tôi, đe dọa hủy hoại thân thể tôi, giam giữ tôi trái pháp luật và đã bức cung tôi. Hơn thế nữa, họ còn ép tôi phải ăn hải sản trong thời gian biển Miền Trung khi đó vừa bị nước xả thải từ nhà máy Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đầu độc.”

 

Trong lần thứ hai vào tháng 7/2016, ngoài việc bắt cóc đánh đập và buộc phải quay về Vinh cũng bằng máy bay, công an thành phố HCM còn cưỡng đoạt một chiếc Iphone 5 16 GB màu trắng của ông.

 

Ông thuật lại lần bị bắt và bị khởi tố về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước,” một điều của Bộ luật Hình sự thường được an ninh Việt Nam sử dụng để trấn áp giới bất đồng chính kiến.

Vào ngày 27/9/2017, tôi tiếp tục bị công an Nghệ An bắt cóc khi đang chuẩn bị ăn mì tôm trưa, tôi bị còng cả hai tay hai chân và tiếp tục bị đánh đập.

Sau khi đưa tôi vào Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An bằng một lệnh tạm giữ, đáng lẽ ra tôi phải được bố trí ở buồng dành cho người bị tạm giữ có camera giám sát là P9A1A bởi vì lúc đó phiếu nhập tiền lưu ký của tôi cũng ghi rõ tôi bị tạm giữ ở P9 A1A.”

 

Sau khi đã đánh đập ông trong xe trên đường đến Trại tạm giam Nghi Kim, công an cho nghi can hình sự đánh ông trong buồng tạm giam P1A1A không có camera giám nhằm khủng bố tinh thần ông.

Vào sáng ngày 28/9/2017, khi tôi báo cáo sự việc bị đánh đập cho cán bộ quản giáo lúc đó tên là Nguyễn Sỹ Hùng, người này đã lấy ra một cây thước dài ra để đánh tôi đồng thời nói ‘Tao không đánh mi thì ai đánh!’”

 

Ông Dũng cho biết trong suốt quá trình điều tra, cơ quan điều tra công an Nghệ An liên tục có hành vi đe dọa đánh đập và bức cung ông. Ông bị đánh đập và khủng bố tinh thần từ công an điều tra, công an trại giam, và tù hình sự được bố trí ở cùng buồng giam.

 

Ông nhớ lại thời gian sáu năm qua, kể từ khi bị bắt.

Quãng thời gian sáu năm vừa qua đúng là một khoảng thời gian phải nói là rất vất vả trong thời gian bị tạm giữ bị tạm giam cũng như quá trình thi hành án. Đương nhiên quá trình về sau này thì có đỡ hơn, tuy nhiên giai khốc liệt nhất phải nói rằng là rơi vào cái giai đoạn là tạm giữ tạm giam. Đây là một thời gian cực kỳ khốc liệt.”

 

Ông nói mình sẵn sàng đổi chất với cơ quan Công an thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan Công an tỉnh Nghệ An, điều tra viên, cán bộ trại tạm giam cũng như những người được bố trí tạm giam cùng ông lúc đó về việc họ tra tấn, đánh đập ông.

 

Sau này, khi ở cùng trong phòng tạm giam một thời gian, chính những nghi can hình sự thú nhận với ông là họ đã được cán bộ công an tên là Lê Anh Tuấn giao nhiệm vụ đánh đập ông Dũng để buộc ông khuất phục.

Tuy bị tra tấn và bức cung nhưng trong cả hai phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm ông không dám phản cung và tố cáo việc mình bị đánh đập ép cung vì sợ tính mạng không được bảo toàn khi trở lại Trại tạm giam Nghi Kim, hoặc bị kết án nặng hơn.

Do vậy, trong cả hai phiên toà, ông nói rất ít. Trong phiên phúc thẩm, ông chỉ nói mình không có ý định chống phá nhà nước, nên được giảm án một năm.

Phóng viên có gọi điện cho lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An và Công an thành phố Hồ Chí Minh để kiểm chứng thông tin ông Dũng cung cấp, nhưng không ai nhấc máy.

 

Bị cùm chân và biệt giam khi phản đối lao động cưỡng bức

Sau phiên phúc thẩm, ông Dũng bị đưa đi thi hành án ở Trại giam Nam Hà (tỉnh Hà Nam). Tại đây, cũng như các tù nhân khác, ông bị buộc phải lao động đan lát bằng cói và song mây. Khi ông đòi được trả công lao động và viết đơn phản đối việc bị buộc lao động không có thù lao thì bị trại giam đưa đi kỷ luật cùm chân 10 ngày và sau đó bị biệt giam hai năm.

 

Ông cho biết những người tù khác như Phan Kim Khánh, Lê Thanh Tùng, và Lê Đình Lượng cũng bị kỷ luật như ông sau khi tham gia phản đối lao động cưỡng bức.

Sau hai năm bị biệt giam, ông được đưa trở lại giam cùng với những người tù khác, và lại bị buộc lao động không được trả lương, trừ thời gian bị ốm đau và chữa bệnh. Tuy nhiên, ông không bị ép sản lượng, chỉ làm theo khả năng trong khi nhiều người khác phải lao động cật lực để đạt được mức giao khoán.

 

Do bị đối xử hà khắc, nhất là trong thời gian kỷ luật cùm chân và biệt giam, sức khoẻ của ông suy giảm nghiêm trọng. Ông bị thoái hoá xương khớp nhưng chỉ được đưa đi khám bệnh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, nơi bác sỹ chuẩn đoán sai bệnh thành viêm cơ, và do vậy, đơn thuốc họ ghi cho ông không đúng dẫn tới việc ông uống thuốc nhưng bệnh không khỏi mà lại sinh thêm bệnh dạ dày.

Hiện giờ ông đang mắc hai bệnh thoái hoá xương khớp và đau dạ dày.

 

Kêu oan và yêu cầu giám đốc thẩm vụ án

Ông Dũng nói rằng mình bị oan và kết quả điều tra của Công an Nghệ An được làm ra bằng bức cung và nhục hình nên ông đã nhiều lần viết đơn đề nghị xem xét lại bản án của ông theo thủ tục giám đốc thẩm.

Cơ sở của việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đó là họ đã bắt cóc đánh đập bức cung tôi như thế này thì rõ ràng họ sai so với thủ tục tố tụng dân sự thôi đấy riêng điểm đấy đã đủ để viết một lá đơn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.”

 

Sau khi bị chuyển đến Trại giam Nam Hà và biết được khả năng không bị đánh đập như khi còn ở Trại tạm giam Nghi Kim, ông Dũng đã ba lần gửi đơn khiếu nại về bản án của mình tới Toà án Nhân dân Tối cao, tuy nhiên, ông không nhận được phản hồi từ phía toà án cho dù cán bộ trại giam nói với ông rằng họ đã chuyển đơn của ông đi.

Ông có dự định sẽ gửi đơn kháng nghị trong thời gian tới sau khi chữa trị bệnh tật để nâng cao sức khoẻ.

 

Ông Nguyễn Viết Dũng, thường được biết đến với biệt danh Dũng Phi Hổ, từng bị tù 12 tháng với cáo buộc tội “Gây rối trật tự công cộng,” theo Điều 245 của Bộ Luật hình sự 1999, sau khi tham gia cuộc tuần hành bảo vệ cây xanh ở Hà Nội vào năm 2015.

Bản thân là một học sinh có thành tích học tập giỏi và đạt danh hiệu trong một đợt thi tháng của chương trình ‘Đường Lên Đỉnh Olympia’, một cuộc thi về kiến thức mang tính học thuật cao tại Việt Nam. Nhiều học sinh đoạt giải trong kỳ thi này đang học tập hay làm việc tại các nước ngoài như Úc.

 

Vào năm 2004, ông thi đậu vào Khoa Công nghệ Thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Vào tháng tư năm 2015, ông Nguyễn Viết Dũng chủ xướng thành lập “Hội Những Người Yêu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa” và thường xuyên xuất hiện trong quân phục của lực lượng đó.

 

RFA (06.10.2023)

 

 

 

 

RSF hối thúc Việt Nam trả tự do cho Phạm Đoan Trang nhân dịp ba năm bà bị bắt

Bà Phạm Đoan Trang, nay ở tuổi 45, bị tuyên án 9 năm tù giam vào tháng 12/2021 với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước.”  Screen capture of RSF

 

Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) vào ngày 6/10 tiếp tục hối thúc Việt Nam trả tự do cho nữ tù nhân lương tâm Phạm Đoan Trang.

Thông cáo của RSF nêu rõ nhà báo, cây viết nữ Phạm Đoan Trang nổi tiếng đã bị giam cầm ba năm nay và đang phải thi hành bản án tù chín năm theo cáo buộc ngụy tạo “tuyên truyền thống Nhà nước”. RSF thúc giục chế độ đang cai trị tại Việt Nam trả tự do cho bà này.

 

Đúng ba năm trước đây vào ngày 6/10/2020, bà Phạm Đoan Trang bị bắt ngay tại nơi trú ngụ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sau thời gian bị biệt giam hơn một năm, bà Phạm Đoan Trang, nay ở tuổi 45, bị tuyên án 9 năm tù giam vào tháng 12/2021 với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước.”

 

Giám đốc Văn phòng Châu Á- Thái Bình Dương của RSF, Cédric Alvani, nêu rõ trong thông cáo “Nhà báo Phạm Đoan Trang, người can đảm liều mạng sống của mình để đưa thông tin đến cho công chúng, xứng đáng được vinh danh như một anh hùng thay vì bị áp chế bởi chế độ cầm quyền Việt Nam. Chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường áp lực đối với chế độ này nhằm trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang cùng tất cả những nhà báo và những nhà bảo vệ quyền tự do báo chí đang bị giam cầm ở Việt Nam.”

Thông cáo nhắc lại, một tháng trước khi bị bắt, bà Phạm Đoan Trang, người sáng lập Tạp chí Luật khoa và The Vietnamese, đồng thời là khôi nguyên giải Tự do báo chí của RSF năm 2019, đã cho xuất bản báo cáo về vụ thảm sát Đồng Tâm ở ngoại thành Hà Nội.

 

Kể từ khi bị bắt bà hầu như bị cắt đứt mọi liên lạc với gia đình và thân hữu. Vào tháng 10/2022, bà bị chuyển đến một trại giam cách xa nhà của gia đình ở Hà Nội chừng 1.000 dặm tại miền Nam, khiến người mẹ già hết sức khó khăn đi thăm nuôi. Bà đang chịu tác hại của chứng hậu COVID-19 mà bị mắc phải trong tù, cũng như các bệnh kinh niên như viêm xoang, viêm khớp, và những vấn đề phụ khoa.

 

Theo RSF, ở Việt Nam những nhà báo bị tù hầu như phải chịu sự ngược đãi có hệ thống và không được chăm sóc y tế.

 

Việt Nam xếp thứ 178 trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ về Chỉ số Tự do Báo chí năm 2023 do RSF thực hiện; và là một trong những nước bỏ tù nhà báo nhiều nhất trên thế giới.

 

RFA (06.10.2023) 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen