Seite auswählen

Mai Vũ Phạm

Saigon Nhỏ

 

Biểu tình ở Hương Cảng, Hong Kong năm 2019. Ảnh: Kwan Wong/NurPhoto via Getty Images

Tôi thà làm tro tàn hơn bụi đất!

Tôi thà rằng tàn lửa của mình sẽ cháy thành ngọn lửa huy hoàng, hơn là bị mục nát, rồi dập tắt

Chức phận đúng đắn của con người là sống, không phải tồn tại.

Tôi sẽ không lãng phí cuộc đời mình chỉ để kéo dài cuộc sống.” – Jack London

Áng văn bất hủ “Thà làm tro tàn hơn bụi đất” (Rather Ashes Than Dust) của đại văn hào người Mỹ, Jack London, đã được nhà báo, kiêm đạo diễn phim Alan Lau, chọn là tựa đề của bộ phim tài liệu về các cuộc biểu tình lớn ủng hộ dân chủ ở Hong Kong năm 2019. Vào cuối tuần trước, phim được công chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Busan, liên hoan phim lớn nhất châu Á.

 

Trang chủ của Busan International Festival Film giới thiệu phim tài liệu “Rather Ashes Than Dút”. Ảnh: Chụp màn hình

Tháng Sáu năm 2019, thế giới chứng kiến hàng trăm ngàn người Hong Kong xuống đường biểu tình phản đối những cải tổ trong dự luật dẫn độ, cho phép nghi phạm được đưa tới xét xử tại các tòa án Trung Quốc. Những người tham gia các cuộc biểu tình liên tục đến từ các tầng lớp khác nhau, chuyên gia pháp lý, doanh nhân, luật sư, sinh viên, và các đoàn thể tôn giáo.

Nhà báo Alan sống rất gần các khu vực diễn ra các cuộc biểu tình phản đối chính phủ Hong Kong, vì thế anh đã chứng kiến nhiều khoảnh khắc đượm mồ hôi, máu, và nước mắt của những người biểu tình. Với tư cách là một nhà báo tự do, Alan đã ghi lại hành trình không mỏi mệt của phong trào dân chủ Hong Kong: Bắt đầu bằng sự lạc quan, sau đối mặt với cuộc đàn áp bạo lực của cảnh sát, và kết quả là sự thất bại của phong trào dân chủ.

 “Buộc phải rời bỏ quê hương”

Khi mà những làn khói cay của lực lượng cảnh sát tan đi, cũng là lúc mà chính trường Hong Kong cũng rẽ sang một bước ngoặt khác của độc tài chuyên chế. Tự do dường như đã bay theo làn khói trắng. Giống như nhiều người ủng hộ phong trào dân chủ Hong Kong, tinh thần của Alan cũng bị suy sụp nặng nề.

Trong một cuộc phỏng vấn ở Busan, Alan cho biết:

Tôi đã sử dụng quan điểm của mình với tư cách là một nhà báo để nói về toàn bộ phong trào dân chủ. Những gì tôi cảm nhận và những gì tôi thấy lúc đó giống như một cuốn nhật ký – nhật ký về chính tâm lý mình.”

Trong những cảnh hỗn loạn, đầy bạo lực của bộ phim, Alan, bằng chính giọng nói của mình, đã mô tả những vết thương tinh thần và thể chất trong cuộc hành trình dài của phong trào dân chủ, từ những cơn ác mộng, đến những nỗi sợ dai dẳng.

Vào năm 2021, Alan trốn sang Vương Quốc Anh, trong thời điểm mà các nhà báo, nhà hoạt động, và nhà lập pháp Hong Kong bị bắt giữ khắp nơi. Alan nói anh đã bị tê liệt với cảm giác tội lỗi của một người sống sót:

 
“Tôi đã dành gần hai năm để trốn tránh những thước phim đã quay đó. Thật khó để tôi xem lại. Hong Kong là quê hương của tôi. Tôi lớn lên ở đó và buộc phải rời bỏ quê hương của chính mình.”

Alan đã ghi lại nhiều đoạn video và những cảnh khác nhau để làm nên bộ phim “Thà làm tro tàn hơn bụi đất” với mong ước tái hiện lại những khoảnh khắc chân thực, để người xem có thể cảm nhận được khát vọng dân chủ của Hong Kong, vốn là điều mà báo chí khó có thể truyền tải được.

Một trong những cảnh kinh hoàng nhất của bộ phim là cảnh sát đã càn quét một toa tàu điện ngầm đang dừng lại ở một nhà ga, xịt hơi cay, và liên tục hành hung những người biểu tình đang co rúm lại. Trong một cảnh ớn lạnh khác, một người biểu tình trẻ tuổi bị bắn đạn vào ngực và nằm chảy máu trên mặt đất. Nhưng lực lượng cảnh sát đã bỏ mặc khi các phóng viên và những người khác van xin họ hãy làm gì đó để cứu mạng bạn trẻ này.

Ranh giới giữa những nhà báo và người biểu tình ngày càng trở nên mỏng manh hơn, khi cảnh sát bắt đầu nhắm vào các nhà báo. Một phóng viên người Indonesia bị mù mắt bởi một viên đạn cao su. Lúc đó, Alan đang đứng gần đó và thấy có hai người biểu tình đang chạy về hướng cảnh sát. Ngay sau đó, hai người này đã bị cảnh sát bắt. Alan phần nào hối hận, vì đã giữ vị trí trung lập của một nhà báo, không cảnh báo hai người biểu tình phía trước có cảnh sát.

 

Cảnh sát Hong Kong trấn áp một người biểu tình vào đêm 18 Tháng Mười Một, 2019. Ảnh: Miguel Candela Poblacion/Anadolu Agency via Getty Images

Đối với Alan, đó là “một cuộc đấu tranh của lương tâm.” Vì thế, ông đã quyết định quay lại các cuộc biểu tình, từ ngày này qua ngày khác, với chiếc camera để ghi lại những đoạn phim sống động về phong trào bảo vệ dân chủ. Bộ phim là những hình ảnh tỉ mỉ đan xen với những giây phút chiêm nghiệm, cùng với cảm giác tội lỗi của chính người quay. Bởi ông phải liên tục đối mặt, giữa tính khách quan của một nhà báo và lương tâm đạo đức, trước những hình vi bạo lực.

Ông kể lại: “Tôi đã quyết định tham gia. Tham gia có nghĩa là tôi ghi lại sự thật, tôi ghi lại sự tàn bạo của cảnh sát. Đó là những gì tôi có thể làm.”

Mặc dù “Thà làm tro tàn hơn bụi đất” không được trau chuốt về mặt kỹ thuật như một số bộ phim khác, nhưng nó mang đến một góc nhìn trung thực, giản dị của một ký giả và người muốn bảo vệ dân chủ. Ở một góc nhìn khác, “Thà làm tro tàn hơn bụi đất” dường như là điếu văn đau buồn của một người yêu mến dân chủ dành cho một Hong Kong đã mất đi linh hồn tự do.

Thực vậy, kể từ khi nhà nước Trung Quốc ban hành Luật An ninh Quốc gia Hong Kong vào năm 2020, hơn 150 nhà hoạt động dân chủ đã bị bắt, trong đó có tỷ phú Jimmy Lai. Gần đây, cảnh sát Hong Kong đã treo thưởng cho những thông tin để bắt giữ 8 nhà hoạt động dân chủ đang sống lưu vong và quấy rối gia đình, bạn bè của họ ở Hong Kong. Hiệu ứng đáng sợ của Đạo Luật An Ninh đã khiến nhiều người Hong Kong hiện đang định cư ở nước ngoài, lo sợ phải đối mặt với điều tương tự, nếu họ tiếp tục ủng hộ phong trào dân chủ ở nước ngoài.

Tháng Tám vừa qua, ủy ban Liên minh châu Âu đã cảnh báo rằng nền dân chủ và nhân quyền ở Hong Kong đang tiếp tục suy giảm nghiêm trọng: “Năm 2022 chứng kiến sự xói mòn liên tục về mức độ tự trị cũng như các quyền và tự do đáng lẽ phải được bảo vệ cho đến ít nhất là năm 2047. Những diễn biến này làm tăng thêm nghi ngờ về cam kết của Trung Quốc đối với nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’.”

Không một ai dám khẳng định rằng nền dân chủ Hong Kong có thể vực dậy, hoặc trở thành tro bụi? Nhưng điều chắc chắn rằng bộ phim tài liệu của nhà báo Alan Lau đã giúp lưu giữ lại cuộc chiến bất khuất, can đảm của những người yêu chuộng dân chủ Hong Kong. Không để những hình ảnh đấu tranh dân chủ kiên trường bị thổi bay như khói bụi.