Seite auswählen

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng.

 

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa lên tiếng đáp trả chính phủ Việt Nam sau khi Hà Nội cáo buộc tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Mỹ đã “bịa đặt” một báo cáo được công bố vào tháng trước.

Báo cáo công bố ngày 11/1 viết rằng chính quyền Việt Nam đàn áp người dân khi họ thực hiện quyền “tự do ngôn luận, lập hội, hội họp ôn hòa, đi lại và tự do tôn giáo”, đồng thời tố cáo Đảng Cộng sản Việt Nam “trừng phạt nghiêm khắc bất kỳ ai thách thức sự độc tôn quyền lực của họ”.

 

Ngày 25/1, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói rằng “Việt Nam hoàn toàn bác bỏ và lên án cái gọi là ‘Tổ chức Theo dõi Nhân quyền’ với những nội dung ‘sai sự thật, bịa đặt trong báo cáo’”.

 

Đáp lại những lời chỉ trích của Hà Nội, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Châu Á của HRW, cho VOA biết qua email rằng phản ứng của Việt Nam đúng như những gì mà tổ chức này đã đoán trước.

 

“Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao đã nói đúng những gì chúng tôi dự đoán, đó là phủ nhận mọi chuyện và tấn công người đưa tin”, ông Robertson nêu ý kiến, sau khi các cơ quan báo chí nước ngoài, trong đó có VOA, đưa tin cả về báo cáo của HRW được đưa ra lẫn việc Hà Nội chỉ trích nó.

 

“Đây là biện pháp bào chữa mới nhất của một chính phủ đã đi thụt lùi quá xa về nhân quyền đến mức họ thực sự không còn lý do chính đáng nào để tuyên bố rằng họ tuân theo bất kỳ công ước nhân quyền quốc tế nào mà họ đã phê chuẩn”, vẫn lời ông Robertson.

 

“Mọi quyền dân sự và chính trị, dù là quyền tự do ngôn luận, quyền hội họp hay quyền tự do lập hội, đều đang bị chính quyền Việt Nam vi phạm một cách có hệ thống. Tuyên bố của người phát ngôn nói rằng tăng trưởng kinh tế có nghĩa là Việt Nam đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về quyền lợi của mình là sự lố bịch và buồn cười”, vị đại diện của HRW nhận định.

 

Trong email phản hồi VOA ngày 30/1 về cáo cáo năm 2024 của HRW, bà Hằng nói rằng “những nỗ lực, quyết tâm và thành tựu của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo đảm các quyền cơ bản của con người đã được thể hiện qua kết quả của phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam và đã được người dân trong nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao”.

 

Liên quan đến “cái gọi là ‘Tổ chức Theo dõi Nhân quyền’” như bà Hằng đề cập, ông Robertson nhắc lại chuyện trước đây giới lãnh đạo Hà Nội từng đến thăm HRW: “Người phát ngôn này hẳn đã quên mất rằng trong các cuộc đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dưới thời Chính quyền Tổng thống Barack Obama, một phái đoàn chính phủ Việt Nam đã thực sự đến thăm văn phòng HRW ở thủ đô Washington cùng với các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và đã có một cuộc thảo luận hiệu quả với chúng tôi về những gì họ cần làm để thực hiện các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của mình”.

 

Hà Nội cho rằng đây không phải lần đầu tiên HRW đưa ra “luận điệu vu cáo, với định kiến và ý đồ xấu nhằm vào Việt Nam, với âm mưu phá hoại sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam và chia rẽ Việt Nam với cộng đồng quốc tế”.

 

Những gì chúng ta có thể thấy là chính phủ Việt Nam ‘có chính sách hai mặt về nhân quyền’: Họ nói bất cứ điều gì họ nghĩ sẽ có lợi cho họ về mặt chính trị, và tấn công các nhà hoạt động ở Việt Nam, hoặc các tổ chức phi chính phủ quốc tế như HRW, khi dám đi ngược lại lối tuyên truyền sai sự thật của chính phủ Việt Nam”, vẫn ông Robertson đưa ra quan sát.

 

Ngoài ra, ông Robertson đánh giá rằng chính phủ Việt Nam có thành tích nhân quyền tồi tệ thứ nhì ở ASEAN, sau chính quyền quân sự tàn bạo ở Myanmar, và Hà Nội “đang tiến hành giải tán một cách có hệ thống bất kỳ loại nhóm xã hội dân sự có tổ chức nào nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ”.

 

Ông phân tích: “Lý do duy nhất khiến người dân Việt Nam không bày tỏ sự bất bình trước chính phủ là vì họ quá sợ phải đối mặt với hàng loạt sự giám sát, sách nhiễu và bức hại đối với bất kỳ ai chỉ trích chính phủ”.

 

Ông quan sát rằng sự im lặng của người dân không có nghĩa họ đồng tình với chính phủ. “Người dân Việt Nam muốn nhân quyền của họ được tôn trọng – bất chấp những lời khẳng định sai trái mà chính phủ đưa ra nhân danh người dân”, ông nhấn mạnh.

 

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về phản ứng mới nhất của HRW, nhưng chưa được hồi đáp.

 

Nhận định của giới hoạt động

 

Ông Vũ Hoàng Hải, Phó trưởng ban điều hợp Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam – có trụ sở ở bang California, Hoa Kỳ – đồng thời là cựu tù nhân chính trị, nêu ý kiến với VOA rằng báo cáo của HRW là chính xác.

 

“Khi báo cáo về nhân quyền, tổ chức Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam kết hợp với một số tổ chức đấu tranh về nhân quyền để kiểm tra, kiểm chứng xem nguồn tin có đúng hay không… Sau khi đúc kết thì chúng tôi gửi báo cáo đó cho tất cả các tổ chức nhân quyền, đặc biệt là HRW. Do đó, tôi đồng ý với những báo cáo này”.

 

“Hiện nay, tình hình nhân quyền ở Việt Nam là vô cùng trầm trọng. Hầu như tất cả tiếng nói bất đồng đều bị đưa vào trọng tâm. Thậm chí có những người đã từng tranh đấu, nay đã ngưng rồi, nhưng vẫn bị mời lên làm việc, bị hăm dọa… Rõ ràng Việt Nam ngày càng vi phạm nhân quyền trầm trọng và có hệ thống”.

 

Ngoài HRW, các tổ chức nhân quyền quốc tế khác như Freedom House, Ân xá Quốc tế, Qũy Nhân quyền, Uỷ ban Bảo vệ ký giả, Phóng viên Không Biên giới, cũng như chính phủ các nước phương Tây và Hoa Kỳ thường xuyên lên tiếng về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

 

VOA (08.02.2024)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen