Seite auswählen

Tàu chiến USS Gabrielle Giffords và tàu tuần duyên BRP Gregorio del Pilar của Phi Luật Tân ở Biển Đông hôm 9/2/2024 Jacob Ruder/U.S. Navy

 

Tàu chiến của Mỹ và Phi Luật Tân vừa có cuộc tập trận chung ở Biển Đông hôm 9/2, hai ngày trước khi Manila chính thức lên tiếng tố cáo tàu hải cảnh Trung Quốc có những động thái nguy hiểm với tàu tuần duyên Phi Luật Tân ở bãi cạn Scarborough.

Người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ Kristina Wiedemann xác nhận thông tin này với tờ Stars and Stripes của Mỹ hôm 13/2.

Tham gia tập trận mang tên Hoạt động Phối hợp trên biển (MCA) có tàu USS Gabrielle Gifford của Mỹ và tàu tuần duyên BRP Gregorio Del Pilar của Phi Luật Tân. Hai bên cùng tham gia tập trận trong lĩnh vực thông tin liên lạc, phối hợp và chiến thuật, email của người phát ngôn Hạm đội 7 cho tờ Stars and Stripes biết như vậy.

“Cuộc tập trận MCA đã trở thành hoạt động thường kỳ giữa quân đội hai nước và sẽ tiếp tục nâng cao khả năng phối hợp hoạt động thông qua an ninh biển và các hoạt động nhận thức trên biển”, người phát ngôn Hạm đội 7 cho biết.

Ngoài hai tàu chiến còn có trực thăng MH-6oS Seahawk và AW 109 của Phi Luật Tân tham gia tập trận. Tuy nhiên, người phát ngôn Hạm đội 7 không cho biết vị trí cụ thể của cuộc tập trận.

Tuần duyên Phi Luật Tân hôm 11/2 cho biết nhiều tàu của Trung Quốc đã nhiều lần thực hiện các hành động nguy hiểm ở khu vực bãi cạn Scarborough. Tuần duyên Phi Luật Tân trong tháng này đã điều tàu đến tuần tra vùng nước này để bảo vệ các ngư dân của Phi Luật Tân.

Theo tuần duyên Phi Luật Tân, khi tàu của nước này thực hiện nhiệm vụ tuần tra, các tàu hải cảnh Trung Quốc đã bốn lần có các hành động nguy hiểm, cắt ngang đường đi của tàu Phi Luật Tân hai lần. Ngoài ra, một tàu của Phi Luật Tân đã bị nhiều tàu hải cảnh Trung Quốc truy đuổi hơn 40 lần.

Trong khi đó, Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn lời người phát ngôn của Hải cảnh Trung Quốc, Gan Yu, cho biết, tàu tuần duyên Phi Luật Tân số hiệu 9701 đã xâm nhập trái phép vào vùng nước ở bãi Scarborough mà Trung Quốc gọi là đảo Huangyan nhiều lần trong khoảng thời gian từ ngày 2 đến 9/2 bất chấp những cảnh báo từ Trung Quốc. Hải cảnh Trung Quốc vì vậy phải có biện pháp kiểm soát tình hình và đuổi tàu Phi Luật Tân ra khỏi vùng nước theo cách chuyên nghiệp và theo thông lệ.

Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông đã từng do Phi Luật Tân kiểm soát toàn bộ cho đến năm 2012 khi Trung Quốc điều tàu đến và chiếm kiếm kiểm soát bãi cạn này từ Phi Luật Tân, ngăn cản các ngư dân Phi Luật Tân đến đánh bắt ở ngư trường truyền thống này.

Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông bằng đường đứt khúc chín đoạn mà nước này tự vẽ ra trên biển. Toà trọng tài quốc tế trong một phán quyết vào năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này nhưng Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết này.

RFA (13.02.2024)

 

 

 

 

Biển Đông : Nhật Bản có kế hoạch hỗ trợ lâu dài các nước Đông Nam Á về an ninh hàng hải

 

Nhật Bản đang chuẩn bị kế hoạch lâu dài để hỗ trợ về an ninh hàng hải cho các nước Việt Nam, Phi Luật Tân, Indonesia và Malaysia trước sự bành trướng của Trung Quốc ngày càng gia tăng trong vùng Biển Đông.

Tầu Lực lượng Tuần duyên Nhật Bản Akitsushima (PLH-32) trong một cuộc thao dợt chung với tuần duyên Mỹ và Phi Luật Tân ở Biển Đông, ngày 06/06/2023. AP – Aaron Favila

 

Theo hãng tin Nhật NHK ngày 13/02/2024, Cơ quan Hợp tác Quốc Tế Nhật Bản (JICA) đang soạn thảo một kế hoạch 10 năm hỗ trợ cho các nước Việt Nam, Phi Luật Tân, Indonesia và Malaysia trong lĩnh vực hàng hải. Kế hoạch này là một ưu tiên tuyệt đối của Tokyo trong lĩnh vực an ninh, theo hãng tin Nhật.

Tháng trước phía Nhật đã tiến hành điều tra thực địa tại Phi Luật Tân và Indonesia. Trong khoảng tháng Tư, các công việc này dự kiến được làm với Việt Nam và Indonesia.

Kế hoạch này chủ yếu liên quan đến việc trong bị cho bốn quốc gia  Đông Nam Á nói trên các loại drones, hệ thống radar và tàu tuần tra cùng với việc hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho an ninh hàng hàng hải. Dự kiến, từ nay đến tháng 3/2025 kế hoạch sẽ được lên chi tiết.

Trong thời gian gần đây, Nhật Bản liên tục thể hiện quan điểm kiên quyết về vấn đề Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh việc triển khai hoạt động trong vùng biển có tuyến đường hàng hải quốc tế trọng yếu.

Cho đến nay, Nhật Bản có nhiều nỗ lực đẩy mạnh hợp tác an ninh, quốc phòng với nhiều nước ASEAN qua các hoạt động tập trận chung, ký kết các thỏa thuận cung cấp trang thiết bị cho lực lượng tuần duyên.

 

RFI (13.02.2024)

 

 

 

Tuần duyên Phi Luật Tân tố tàu Trung cộng có hành động ‘nguy hiểm’

Tuần duyên Phi Luật Tân cho biết trong quá trình tuần tra, các tàu Tuần duyên Trung cộng (CCG) “đã thực hiện các hoạt động ngăn cản và nguy hiểm trên biển chống lại tàu BRP Teresa Magbanua bốn lần, trong đó các tàu CCG đã vượt qua mũi tàu PCG hai lần”.

 

Lực lượng Tuần duyên Phi Luật Tân hôm 11/2 tố cáo các tàu Trung cộng có hành động “nguy hiểm” trong cuộc tuần tra kéo dài 9 ngày gần một rạn san hô ngoài khơi bờ biển của Phi Luật Tân.

Tàu BRP Teresa Magbanua của Philippine vào đầu tháng 2 được cử ra tuần tra tại vùng biển xung quanh bãi cạn Scarborough, một ngư trường giàu có ở Biển Đông, đồng thời cung cấp thực phẩm cho ngư dân Phi Luật Tân và đảm bảo an toàn cho họ.

Rạn san hô này đã trở thành điểm nóng giữa hai nước kể từ khi Trung cộng chiếm giữ nó từ tay Phi Luật Tân vào năm 2012.

Kể từ đó, Bắc Kinh đã triển khai các tàu tuần tra mà Manila cho rằng đã quấy rối các tàu Phi Luật Tân và ngăn cản ngư dân Phi Luật Tân đến đầm phá, nơi có trữ lượng cá dồi dào.

Trong một tuyên bố, Tuần duyên Phi Luật Tân cho biết trong quá trình tuần tra, các tàu Tuần duyên Trung cộng (CCG) “đã thực hiện các hoạt động ngăn cản và nguy hiểm trên biển chống lại tàu BRP Teresa Magbanua bốn lần, trong đó các tàu CCG đã vượt qua mũi tàu PCG hai lần”.

Lực lượng Tuần duyên Phi Luật Tân cho biết tàu của họ cũng bị 4 tàu Tuần duyên Trung cộng “theo dõi” hơn 40 lần.

Lực lượng Tuần duyên Phi Luật Tân cũng quan sát thấy “bốn tàu của Dân quân biển Trung cộng”.

Phát ngôn viên của Tuần duyên Trung cộng Gan Yu phản bác lại, nói rằng tàu Phi Luật Tân đã “xâm nhập trái phép” vào vùng biển nhiều lần.

Ông Gan nói: “Tuần duyên Trung cộng, nhận thấy những cảnh báo đưa ra không hiệu quả, đã hành động theo luật pháp để kiểm soát hành trình của tàu Phi Luật Tân và buộc tàu này phải rời đi”.

Ông nói thêm: “Tuần duyên Trung cộng đã xử lý vụ việc một cách chuyên nghiệp và theo tiêu chuẩn”.

Các video do Tuần duyên Phi Luật Tân công bố cho thấy một tàu Tuần duyên Trung cộng cách mạn trái của tàu BRP Teresa Magbanua vài mét trước khi đi ngang qua đường đi của tàu Phi Luật Tân.

Bãi cạn Scarborough cách đảo chính Luzon của Phi Luật Tân 240 km về phía tây và cách đảo Hải Nam gần nhất của Trung cộng gần 900 km.

Vụ việc xảy ra hai tháng sau những căng thẳng giữa Trung cộng và Phi Luật Tân xung quanh các rạn san hô đang tranh chấp ở Biển Đông, với một vụ va chạm giữa tàu của hai nước và tàu Trung cộng phun vòi rồng vào các tàu của Phi Luật Tân.

Trung cộng tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ vùng biển và đã phớt lờ phán quyết của tòa án quốc tế rằng những khẳng định của họ không có cơ sở pháp lý.

Trung cộng triển khai các tàu thuyền để tuần tra tuyến đường thủy tấp nập và xây dựng các đảo nhân tạo mà họ đã quân sự hóa để củng cố các yêu sách của mình.

Các quan chức Trung cộng và Phi Luật Tân hồi tháng trước đã nhất trí về sự cần thiết phải đối thoại chặt chẽ hơn để giải quyết “các trường hợp khẩn cấp hàng hải” trên tuyến đường thủy này khi căng thẳng leo thang.

 

VOA (13.02.2024)

 

 

 

 

 

Tàu Trung cộng truy đuổi tàu tuần tra của Phi Luật Tân ở Biển Đông

Hình do tuần duyên Phi Luật Tân cung cấp được chụp vào ngày 8/2/2024 cho thấy tàu hải cảnh Trung cộng có số hiệu 3105 chặn đường tàu tuần duyên Phi Luật Tân có tên BRP Teresa Magbanua ở gần bãi cạn Scarborough Philippine Coast Guard (PCG) / AFP

 

Tuần duyên Phi Luật Tân hôm 11/2 tố cáo các tàu Trung cộng đã có hành động nguy hiểm đối với tàu của Phi Luật Tân ở bãi cạn Scarbrough Shoal. Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sản Trung cộng có bài viết rằng tàu hải cảnh Trung cộng đã xua đuổi một tàu tuần duyên Phi Luật Tân khỏi bãi cạn này nhiều lần trong khoảng thời gian từ ngày 2 đến 9/2.

Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông đã từng do Phi Luật Tân kiểm soát toàn bộ cho đến năm 2012 khi Trung cộng điều tàu đến và chiếm kiếm kiểm soát bãi cạn này từ Phi Luật Tân, ngăn cản các ngư dân Phi Luật Tân đến đánh bắt ở ngư trường truyền thống này.

Tuần duyên Phi Luật Tân cho biết nhiều tàu của Trung cộng đã nhiều lần thực hiện các hành động nguy hiểm ở khu vực bãi cạn. Tuần duyên Phi Luật Tân trong tháng này đã điều tàu đến tuần tra vùng nước này để bảo vệ các ngư dân của Phi Luật Tân.

Theo tuần duyên Phi Luật Tân, khi tàu của nước này thực hiện nhiệm vụ tuần tra, các tàu hải cảnh Trung cộng đã bốn lần có các hành động nguy hiểm, cắt ngang đường đi của tàu Phi Luật Tân hai lần. Ngoài ra, một tàu của Phi Luật Tân đã bị nhiều tàu hải cảnh Trung cộng truy đuổi hơn 40 lần.

Vào hồi cuối tháng trước, phía Phi Luật Tân đã báo động về tình trạng một đoàn hơn 200 tàu Trung cộng có mặt ở Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.

Người phát ngôn của Hải cảnh Trung cộng, Gan Yu, được Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời cho biết tàu tuần duyên Phi Luật Tân số hiệu 9701 đã xâm nhập trái phép vào vùng nước ở bãi Scarborough mà Trung cộng gọi là đảo Huangyan nhiều lần trong khoảng thời gian từ ngày 2 đến 9/2 bất chấp những cảnh báo từ Trung cộng. Hải cảnh Trung cộng vì vậy phải có biện pháp kiểm soát tình hình và đuổi tàu Phi Luật Tân ra khỏi vùng nước theo cách chuyên nghiệp và theo thông lệ.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo dẫn lời các chuyên gia Trung cộng tố cáo Phi Luật Tân đã cố tình gây hấn với với phía Trung cộng ngày đầu năm mới và nhận định rằng hành động này sẽ không mang lại lợi ích gì, làm xói mòn lòng tin đôi bên và gây ảnh hưởng đến môi trường chính trị.

RFA (12.02.2024)

 

 

 

 

Biển Đông: Manila tố cáo tàu Trung cộng gây nguy hiểm cho hoạt động tuần duyên Phi Luật Tân

 

Hải cảnh Trung cộng đã nhiều lần tiếp cận ở khoảng cách ‘‘nguy hiểm’’ tàu tuần duyên Phi Luật Tân trong một đợt tuần tra 9 ngày tại khu vực xung quanh bãi cạn Scarborough, quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Trên đây là thông báo Manila đưa ra hôm nay, 11/02/2024.

Người dân Phi Luật Tân biểu tình bên ngoài lãnh sứ quán Trung cộng tại Makati, Phi Luật Tân hôm 06/02/2024 nhằm yêu cầu chính phủ Trung cộng chấm dứt các hành động quấy phá ngư dân và tàu thuyền Phi Luật Tân tại Biển Đông. AP – Aaron Favila

 

Hãng tin Anh Reuters dẫn lại thông báo của Tuần duyên Phililippines cho biết con tàu BRP Teresa Magbanua của lực lượng này có mặt tại khu vực từ đầu tháng, để bảo vệ ngư dân Phi Luật Tân “khỏi bị quấy rối hơn nữa” tại ngư trường truyền thống của nước này. Tuần duyên Phi Luật Tân nhấn mạnh là các tàu Trung cộng đã “liều lĩnh” vi phạm các quy tắc quốc tế về ngăn ngừa va chạm, khi bốn lần có các tiếp cận nguy hiểm với con tàu BRP Teresa Magbanua, trong đó có hai lần tàu Hải cảnh Trung cộng vượt ngang qua mũi tàu Tuần duyên Philippnes.

Video do Tuần duyên Phi Luật Tân cho thấy một tàu Cảnh sát biển Trung cộng áp sát mạn trái của tàu BRP Teresa Magbanua chỉ vài mét trước khi cắt ngang mũi con tàu. Tuần duyên Phi Luật Tân cũng cho biết thêm là con tàu tuần tra nói trên bị 4 tàu Hải cảnh Trung cộng ‘‘theo sát’’ tổng cộng hơn 40 lần. 

Rạn san hô Scarborough đã trở thành điểm nóng trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila kể từ khi Trung cộng bắt đầu kiểm soát khu vực này vào năm 2012. Kể từ đó, Bắc Kinh đã liên tục triển khai tàu Hải cảnh và tàu thuộc lực lượng dân quân biển nhằm ‘‘quấy rối’’ các tàu Phi Luật Tân và ngăn cản ngư dân Phi Luật Tân tiếp cận các đầm phá của bãi cạn, nơi có nhiều hải sản.

Bãi cạn Scarborough cách đảo chính Luzon của Phi Luật Tân 240km về phía tây và cách đảo Hải Nam, vùng lãnh thổ gần nhất của Trung cộng, tới gần 900km. Theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) mà Trung cộng ký kết, các quốc gia chỉ có quyền tài phán đối với phạm vi khoảng 200 hải lý (tương đương 370 km) tính từ đường bờ biển.

Hiện tại sứ quán Trung cộng tại Manila chưa đưa ra bình luận về việc này. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền gần như đối với toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả vùng biển và các đảo gần bờ biển của các nước láng giềng, và phớt lờ phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016, bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung cộng.

 

RFI (12.02.2024)

 

 

 

Việt Nam tổ chức duyệt binh ở Trường Sa ngày Tết Nguyên Đán

Lễ duyệt binh ở Trường Sa vào ngày Tết Nguyên Đán (10/2/2024).

 

Việt Nam vừa tổ chức lễ duyệt binh ở quần đảo Trường Sa, thuộc Biển Đông, vào ngày đầu năm mới với mục tiêu “biểu dương lực lượng” và “thể hiện sự đoàn kết, ý chí quyết tâm giữ gìn lãnh thổ”, truyền thông Việt Nam đưa tin hôm 11/2.

“Chào cờ năm mới diễn ra đúng mùng 1 Tết và bao gồm có đọc thư chúc Tết của Chủ tịch nước, duyệt đội ngũ”, VOV dẫn lời Trung tá Đào Xuân Nam, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây, cho biết.

Những hình ảnh được TTXVN đăng lên cho thấy ngoài lực lượng quân sự đóng quân ở Trường Sa, còn có một nhà sư, một số người dân, trong đó có một vài phụ nữ mặc áo dài truyền thống, tham gia lễ duyệt binh.

Cùng với Hoàng Sa, Trường Sa là quần đảo Việt Nam tuyên bố chủ quyền trong khi các quốc gia khác là Trung cộng, Đài Loan, Brunei, Phi Luật Tân và Malaysia cũng tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong khu vực này. Tuy nhiên, Việt Nam gặp nhiều căng thẳng và xung đột nhất với Trung cộng liên quan đến tranh chấp Biển Đông.

Mới đây, hôm 20/1, sau khi đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nhắc lại “cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” nhân sự kiện 50 năm Trung cộng xâm lược quần đảo Hoàng Sa năm 1974, Bộ Ngoại giao Trung cộng lập tức bác bỏ chủ quyền của Việt Nam và tái khẳng định yêu sách chủ quyền của mình đối với hai quần đảo trên là “hoàn toàn được lịch sử và luật pháp chứng minh” và sẽ “tiếp tục thực thi quyền tài phán chủ quyền đối với chúng”.

Theo các chuyên gia quốc tế, để chống lại hành vi quyết đoán của Trung cộng trong vùng biển tranh chấp, Việt Nam trong những năm qua đã âm thầm gia tăng nạo vét và bồi đắp các đảo ở quần đảo Trường Sa.

Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại Washington vào tháng 11/2023 cho biết trong một báo cáo rằng Việt Nam tiếp tục bồi đắp các đảo thuộc quần đảo Trường Sa gần đây, bắt đầu vào năm 2021, và đáng chú ý nhất tại bãi ngầm Barque Canada, mà Việt Nam gọi là Bãi Thuyền Chài hay Đảo Thuyền Chài. Báo cáo cho hay Việt Nam đã mở rộng diện tích mặt bằng thêm 0,84 km² (210 mẫu Anh) trong năm qua.

Quần đảo Trường Sa là tiền đồn lớn nhất và cũng là trung tâm hành chính của Việt Nam trong khu vực tranh chấp Biển Đông.

 

VOA (12.02.2024)

 

 

 

 

 

Biển Đông: tàu Trung cộng ‘vờn’ tàu Phi Luật Tân

NGUỒN HÌNH ẢNH,LISA MARIE DAVID/BLOOMBERG/GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Một tàu của Hải cảnh Trung cộng (hình chụp từ tàu tuần duyên BRP Sindangan của Phi Luật Tân vào ngày 10/11/2023)

 

Tuần duyên Phi Luật Tân tố cáo tàu Trung cộng đã nhiều lần vờn tàu tuần tra Phi Luật Tân tại vùng bãi cạn Scarborough, một điểm nóng ở Biển Đông.

Tuần duyên Phi Luật Tân (PCG) đã cáo buộc tàu Trung cộng thực hiện các hành động “nguy hiểm và chặn đầu” khi tàu của Phi Luật Tân đang tuần tra gần bãi cạn Scarborough ở Biển Đông trong tháng này, theo Reuters.

Trong một thông cáo hôm Chủ nhật, Tuần duyên Phi Luật Tân cho biết trong thời gian tàu BRP Teresa Magbanua đang thực hiện chuyến tuần tra chín ngày gần bãi cạn nói trên, bốn tàu của Hải cảnh Trung cộng đã thực hiện việc theo dõi hơn 40 lần.

Bốn tàu dân quân biển Trung cộng cũng có mặt gần bãi cạn Scarborough, theo PCG.

Tàu BRP Teresa Magbanua là một tàu tuần tra có chiều dài 97 mét do Tập đoàn đóng tàu Mitsubishi của Nhật Bản đóng. Tàu được bàn giao cho Tuần duyên Phi Luật Tân vào đầu năm 2022.

Nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Phi Luật Tân, bãi cạn Scarborough cũng được Trung cộng tuyên bố chủ quyền, khiến nơi đây trở thành một trong những thực thể trên biển có tranh chấp căng thẳng nhất ở châu Á và là một điểm nóng dễ xảy ra xung đột.

PCG cho biết tàu của họ đang ở khu vực này để giúp ngư dân “không bị quấy rối thêm” trên ngư trường truyền thống.

“Các tàu của Hải cảnh Trung cộng đã thực hiện các hành động nguy hiểm và chặn đầu trên biển đối với tàu BRP Teresa Magbanua bốn lần, trong đó các tàu Trung cộng cắt ngang mũi tàu PCG hai lần,” Tuần duyên Philippine thông báo và cho biết thêm rằng các tàu Trung cộng đã ngang ngược bất chấp các luật lệ quốc tế về ngăn chặn va chạm trên biển.

Trung cộng có yêu sách đối với gần như toàn bộ Biển Đông, một tuyến hàng hải nhộn nhịp với lưu lượng hàng hóa lưu thông trị giá khoảng 3.000 tỷ USD mỗi năm. Yêu sách của Trung cộng chồng lấn với các vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Brunei.

Bộ Ngoại giao Trung cộng hôm Chủ nhật tuyên bố rằng Scarborough thuộc chủ quyền của Bắc Kinh và các hoạt động của Hải cảnh Trung cộng trong khu vực này là hợp pháp.

“Trung cộng yêu cầu Phi Luật Tân tôn trọng quyền chủ quyền, các quyền và lợi ích trên biển của Trung cộng, đồng thời chấm dứt các hoạt động xâm phạm trên biển. Trung cộng sẽ tiếp tục kiên quyết bảo vệ quyền chủ quyền, các quyền và lợi ích trên biển theo đúng luật pháp,” Bộ Ngoại giao Trung cộng nêu trong phản hồi trước yêu cầu bình luận từ Reuters.

NGUỒN HÌNH ẢNH,NHAC NGUYEN/AFP/GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Trong chuyến thăm Hà Nội mới đây của Tổng thống Marcos Jr, Phi Luật Tân và Việt Nam đã nhất trí tăng cường hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước

 

Năm 2016, Tòa Trọng tài Thường trực ở La Haye đã ra phán quyết rằng các yêu sách của Trung cộng là không có cơ sở pháp lý; Bắc Kinh bác bỏ phán quyết trên.

Trong nhiều năm qua, Trung cộng đã không ngừng đưa ra các yêu sách về chủ quyền cũng như thực hiện các hoạt động thực địa gây căng thẳng trên Biển Đông.

Việt Nam và Phi Luật Tân là hai quốc gia chịu tác động lớn nhất từ các động thái của Trung cộng.

Gần đây, trong chuyến thăm tới Hà Nội của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr, Việt Nam và Phi Luật Tân đã có một số thỏa thuận về hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát biển của hai nước. Bước đi này được Trung cộng theo dõi chặt chẽ.

 

BBC (12.02.2024)

 

 

 

Tàu chiến Mỹ, Úc, Nhật tập trận chung ở Biển Đông bất chấp Bắc Kinh

 

Tàu khu trục mang phi đạn dẫn đường USS John Finn và tàu chiến USS Gabrielle Giffords đã thực hiện các hoạt động với các tàu hải quân từ Nhật Bản và Úc hôm 7/2 và 8/2/2024

 

Các tàu chiến của Hoa Kỳ, Úc và Nhật Bản đã tổ chức các cuộc tập trận chung ở Biển Đông bất chấp Bắc Kinh, nước tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ tuyến đường thủy chiến lược này.

Hạm đội 7 của Hoa Kỳ giám sát hầu hết các hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ trong khu vực cho biết tàu khu trục mang phi đạn dẫn đường USS John Finn và tàu chiến USS Gabrielle Giffords đã thực hiện các hoạt động với các tàu hải quân từ Nhật Bản và Úc hôm 7/2 và 8/2.

Không có thông tin nào về việc liệu các cuộc tập trận có được tiến hành gần các đảo và bãi cạn mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền hay không. Trung cộng đã xây dựng căn cứ quân sự trên ít nhất bảy hòn đảo bằng cách đổ bê tông và cát lên trên các đảo san hô. Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ các hoạt động hải quân nước ngoài trong khu vực, nói rằng các ghi chép lịch sử chứng minh khu vực này thuộc về Trung cộng.

Mỗi năm, ước tính có khoảng 5 nghìn tỷ đô la thương mại quốc tế đi qua Biển Đông, nơi cũng chứa trữ lượng cá và tài nguyên khoáng sản dưới nước quan trọng.

Hoa Kỳ không có quan điểm chính thức về chủ quyền trong khu vực nhưng bác bỏ các yêu sách của Trung cộng, một phần dựa trên phán quyết năm 2016 của tòa án do Liên hiệp quốc hậu thuẫn ở The Hague. Bộ Quốc phòng Trung cộng chưa lên tiếng bình luận về cuộc tập trận vừa kể.

Trung Tá Hải quân Earvin Taylor, sĩ quan chỉ huy của chiếc John Finn, nói trong một tuyên bố từ Hạm đội 7: “Cuộc hải hành này củng cố mối quan hệ của chúng tôi giữa các đồng minh Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc”. Ông nói thêm “Chúng tôi thúc đẩy tính minh bạch, pháp quyền, tự do hàng hải và tất cả các nguyên tắc nhấn mạnh an ninh và thịnh vượng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Phó đề đốc Úc Jonathan Ley cho biết trong tuyên bố rằng việc triển khai như vậy là “rất quan trọng để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và khả năng hoạt động cùng nhau của chúng tôi”.

Mỹ, Úc và Nhật Bản cũng hoạt động cùng nhau trong một liên minh chiến lược được gọi là Bộ tứ, bao gồm cả Ấn Độ, một đối thủ của Trung cộng ở châu Á.

Bộ Tứ thường xuyên cáo buộc Trung cộng phô trương sức mạnh quân sự ở Biển Đông và thúc đẩy mạnh mẽ các yêu sách lãnh thổ trên biển.

Bắc Kinh khẳng định rằng quân đội của họ hoàn toàn mang tính phòng thủ và bảo vệ quyền chủ quyền của mình, đồng thời gọi Bộ tứ là nỗ lực nhằm kiềm chế sự tăng trưởng kinh tế và ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Hải quân của bốn nước thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận được coi là một phần trong sáng kiến nhằm chống lại sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung cộng ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và các vùng biển xung quanh Đài Loan. Trung cộng và Nhật Bản cũng tuyên bố quyền sở hữu độc quyền đối với một nhóm đảo không có người ở trên Biển Hoa Đông do Tokyo kiểm soát, với việc Trung cộng thường xuyên cử tàu và máy bay đến khu vực này.

Trung cộng áp dụng chiến thuật tương tự với Đài Loan, một đảo tự trị theo chế độ cộng hòa với 23 triệu dân mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình. Bắc Kinh nói sẽ chinh phục Đài Loan bằng vũ lực nếu cần thiết. Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 8/2 cho biết họ đã phát hiện 4 tàu Trung cộng hoạt động trong khu vực, và như thường lệ, họ đã nâng cấp an ninh trước Tết Nguyên đán.

AP

(VOA, 09.02.2024)

 

 

 

 

 

Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông giữa Trung cộng và ASEAN vẫn còn nhiều trở ngại lớn

Tàu chiến của Nhật Bản đi cạnh tàu chiến của Phi Luật Tân tại một cuộc tập trận hải quân chung ở Biển Đông hôm 12/5/2015 (minh họa) Reuters

 

Giới chuyên gia nêu ra những trở ngại lớn đối với khả năng có thể đúc kết bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) giữa Trung cộng và khối nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong thời gian sớm nhất.

Một số trở ngại cho tiến trình này được nêu rõ. Trước hết, phía Trung cộng đưa ra một số điều khoản trong văn bản đàm phán ngăn chặn điều mà Bắc Kinh gọi là “sự can thiệp từ bên ngoài”.

Giáo sư Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc Phòng Australia, được dẫn lời về văn bản đàm phán với yêu cầu của Trung cộng là “các bên không được tập trận chung với các nước bên ngoài khu vực; trừ khi các bên liên quan có thông báo trước và không có phản đối nào”.

Điều này có nghĩa không cho phép các cuộc diễn tập quân sự, cả song phương và đa phương, giữa các nước ASEAN với Hoa Kỳ, Nhật Bản và những nước khác trong khu vực, trừ khi Bắc Kinh không phản đối.

Việt Nam được cho biết phản đối điều khoản này và đưa ra quy định khác đó là chỉ thông báo các cuộc diễn tập quân sự mà thôi. Việc thông báo diễn ra 60 ngày trước khi diễn tập.

Ông Nguyễn Hùng Sơn, phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, cho rằng các nước ASEAN sẽ không bao giờ đồng ý với điều khoản đó.

Một trở ngại lớn khác được cho biết là hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên ở khu vực biển tranh chấp.

Trung cộng cũng đề xuất chỉ để các nước trong khu vực tiến hành thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển tranh chấp thông qua hợp tác, phối hợp; không được hợp tác thăm dò, khai thác với các công ty của các nước ngoài khu vực.

Malaysia phản đối đề nghị này cho rằng COC không thể tác động đến quyền và nghĩa vụ của các bên theo luật pháp quốc tế; trong đó có quyền và khả năng tiến hành hoạt động với nước khác hay tổ chức tư nhân khác mà họ muốn.

Hai trở ngại vừa nêu được nói đã đủ để chứng tỏ thực tế khó khăn không thể giải quyết để đi đến thống nhất COC giữa Trung cộng và ASEAN.

 

RFA (07.02.2024) 

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen