Seite auswählen

Hải Di Nguyễn 

Saigon Nhỏ

 

 
(Ảnh: Tiền Phong)

Từ ngày 2 Tháng Hai 2024, luật gia và nhà hoạt động môi trường Đặng Đình Bách, 46 tuổi, lần nữa tuyên bố tuyệt thực, đòi hỏi quyền lợi tù nhân và phản đối chế độ hà khắc trong trại 6, Nghệ An.

Anh bị bắt ngày 24 Tháng Sáu 2021, khi con mới sinh được hai tuần, và sau đó bị tuyên án năm năm tù giam. Vợ anh, chị Trần Phương Thảo, 30 tuổi, vừa nuôi con vừa tranh đấu cho chồng, và luôn phải sống trong lo lắng hoang mang, người trong lẫn người ngoài đều bị o ép, trù dập.

Theo chị Trần Phương Thảo, anh Đặng Đình Bách là thành viên của Liên minh Năng lượng Bền vững Việt Nam và từ năm 2009 bắt đầu tham gia Mekong Legal Network. Anh là giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững.

“Tôi không hiểu chuyện gì cả… Thời điểm đó tôi mới sinh con được hai tuần, không hiểu chuyện gì hết. Họ ập đến nhà lúc 7 giờ sáng và không nói lý do, chỉ nói phải đưa anh Bách đi, yêu cầu đưa anh đến làm việc, nhưng không đưa ra giấy tờ hay lý do gì hết. Lúc đó tôi không hiểu gì và tin là chắc họ bắt nhầm người, chắc anh Bách sẽ về sớm thôi.”

16 tháng tạm giam, anh Bách không được liên lạc với gia đình.

“Trong 16 tháng tạm giam [trong trại Hỏa Lò], anh Bách hoàn toàn không được gặp gia đình, không được điện thoại liên lạc, không được gửi thư, thậm chí không được nhận bức ảnh của con,” chị Trần Phương Thảo cho biết. “Anh được gặp luật sư ba lần khi luật sư đi cùng với điều tra viên để hỏi cung, còn luật sư đi một mình thì không được cho phép vào gặp anh Bách.”

Luật sư cho gia đình biết trong thời gian đó, anh Đặng Đình Bách đã tuyệt thực ba lần “để phản đối việc mình bị bắt bớ và giam cầm tùy tiện” và trước phiên tòa sơ thẩm ngày 24 Tháng Giêng 2022, đã tuyệt thực 24 ngày, “dường như kiệt sức và không đủ sức khỏe để tham dự phiên tòa.”

Anh Đặng Đình Bách bị buộc tội trốn thuế, và cương quyết khẳng định mình vô tội.

Chị Trần Phương Thảo kể “Thời điểm đó tôi đi tìm rất nhiều luật sư nổi tiếng, có những người là thầy giáo cũ của anh Bách, và những đồng nghiệp của anh Bách, không có ai nhận cả. Mọi người đều từ chối.”

Cuối cùng một bạn học cũ đứng ra nhận làm luật sư cho anh.

“Thật sự đấy là khoảng thời gian tôi bị khủng hoảng tinh thần, và lúc nào cũng sống trong trạng thái hoang mang, lo sợ, bất an. Tài sản của công ty bị thu giữ toàn bộ, cả tài sản cá nhân,” chị Trần Phương Thảo cho biết, trong quá trình điều tra, ngoài tài sản của công ty như tiền trong tài khoản, máy móc, thiết bị văn phòng,… công an cũng tịch thu điện thoại và laptop của chị, sau đó chỉ trả lại điện thoại.

“Thẻ ngân hàng cá nhân của anh Bách bị thu giữ và bị lấy toàn bộ số tiền trong đó. Đó là Cục Thi hành án. Họ đã cưỡng chế, thu giữ toàn bộ số tiền cá nhân của anh Bách”, chị cho biết. “Sau đó họ mới gửi thông báo vào trại giam cho Bách, nhưng không ghi cụ thể số tiền thu được bao nhiêu. Gia đình không được biết… Bách cũng không biết số tiền còn lại trong thẻ của mình là bao nhiêu.”

Kết án

Phiên tòa sơ thẩm diễn ra ngày 24 Tháng Giêng 2022, gia đình không được tham dự.

Phiên tòa phúc thẩm ngày 11 Tháng Tám 2022, gia đình cũng không được tham dự.

Anh Bách bị chuyển sang thi hành án từ ngày 14 Tháng Mười 2022 tại trại giam số 6, ở đây gia đình mới lần đầu tiên được gặp mặt anh, sau 16 tháng.

Đặng Đình Bách và vợ (Ảnh gia đình cung cấp)

Người trong tù “bị trù dập”

Ngày 17 Tháng Ba 2023, anh Đặng Đình Bách bắt đầu tuyệt thực, mỗi ngày không ăn sáng và ăn trưa, chỉ ăn tối và đến ngày 9 Tháng Sáu thì tuyệt thực hoàn toàn để phản đối bản án. Đến ngày 10 Tháng Bảy thì dừng.

Chị Trần Phương Thảo nói vào thời điểm tháng Tháng Bảy 2023, anh còn 43 cân, là giảm hơn 20 cân so với trước khi bị bắt.

Ngày 25 Tháng Tám 2023, anh Đặng Đình Bách cùng ba tù nhân chính trị khác viết đơn cho Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An, yêu cầu trại 6 công khai định mức khẩu phần ăn – chị không rõ tại sao, và yêu cầu được giám sát, nhưng bị từ chối.

Ba người kia là Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Trọng Bằng, và Nguyễn Thanh Quang.

“Đêm đó, cả bốn người bị một nhóm người mặc quần áo phạm nhân cầm dao đe dọa tính mạng vào giữa đêm,” chị Thảo kể và nói mình ‘nhìn thấy vết thương trên người anh ấy trong buổi thăm gặp mùng 5 Tháng Chín.

“Tôi thấy trên cổ tay và bàn tay anh có ba vết thương bị rách ra, bị chảy máu, dài khoảng 2-3 cm. Tôi nhìn thấy anh rất đau, rất khó khăn, mỗi khi xoay người đổi tư thế, anh nhăn nhó, phải đặt tay ra sau lưng. Theo lời anh Bách nói thì anh ấy bị đá vào sau gáy. Bị cán bộ tên Nguyễn Doãn Anh đá vào sau gáy, để lại vết bầm tím dài 7 cm, khi anh không hề phòng vệ.”

Từ ngày 4 Tháng Chín 2023, bốn tù nhân quyết định không nhận khẩu phần ăn trong tù và chỉ nhận đồ ăn gia đình, để phản đối, nhưng không nhận được phản hồi. Không chỉ vậy, họ “bị o ép khủng khiếp về mặt tinh thần, và bị thiếu thốn về điều kiện tối thiểu.”

Theo lời chị Thảo, anh Đặng Đình Bách cho biết họ không được cung cấp nước sôi và cũng không được mua nước sôi trong canteen, trong suốt mùa đông, không được mua một số thực phẩm và không được tiếp tục trồng rau. Anh và vợ nhiều lần kiến nghị nhưng không được giải quyết.

Những thông tin này cũng đã được đăng trên RFA Tiếng Việt, họ có viết “Để kiểm chứng thông tin mà bà Thảo cung cấp, phóng viên nhiều lần gọi điện cho Trại giam số 6 nhưng không thể kết nối.”

Liên lạc khó khăn

Chị Trần Phương Thảo hiện đang sống ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, để thăm chồng ở trại 6, Nghệ An, phải đi hai chuyến xe buýt mỗi lần, từ 8 giờ tối đến 7 giờ sáng, để được gặp 60 phút. Đôi khi chỉ được 45 phút.

Mỗi tháng được nói chuyện điện thoại một lần, mỗi lần 10 phút. Đôi khi bị cắt ngang, còn 5 phút.

Khi gặp chồng ngày 2 Tháng Hai vừa qua, chị mới biết trong Tháng Giêng, anh không được gọi điện vì nội dung không được duyệt.

“Tháng Mười Hai, anh Bách gửi hai bức thư về cho gia đình, nhưng cả hai bức thư không được xét duyệt. Từ năm ngoái cho đến nay, có bốn bức thư anh Bách viết cho vợ nhưng không được duyệt gửi.”

Không chỉ người tù, gia đình cũng bị o ép. Chị Phương Thảo cho biết Cục Thi hành án yêu cầu họ phải nộp số tiền 1.4 tỷ đồng trong vụ án “trốn thuế” và đe dọa cưỡng chế nhà.

Họ tự ý đến nhà, kê biên tài sản. Họ đến nhà và không hẹn trước. Không chỉ vậy, họ gửi công văn khiến chủ căn hộ của gia đình chị đang trả góp không đưa chị sổ hồng, làm chị và đứa con chưa tới 3 tuổi không thể làm hộ khẩu thường trú, con chị không được học trường công và không được làm hộ chiếu.

“Không biết tiếp theo họ sẽ làm gì,” chị Thảo nói.

Việt Nam: Chuyên gia Liên Hiệp Quốc quan ngại về tình trạng của nhà hoạt động Đặng Đình Bách

 

Trong thông cáo hôm 14/02/2024, các chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ quan ngại về tình trạng của nhà hoạt động bảo vệ môi trường Đặng Đình Bách và kêu gọi Việt Nam ngừng « truy bắt », ngừng « giam giữ trong những điều kiện tồi tệ » những nhà hoạt động nhân quyền và môi trường.

Dang Dinh Bách is a human rights defender and community lawyer who has been a leader of the climate change movement in Vietnam, seeking a just transition from fossil fuels. He was arrested on 24 June

Luật sư, nhà bảo vệ môi trường Đặng Đình Bách, bị bắt ngày 24/06/2021. © twitter.com/IHSR

Luật sư Đặng Đình Bách là một nhà hoạt động đã lên tiếng về nạn ô nhiễm môi trường tại Việt Nam và những ảnh hưởng đến đời sống của người dân từ các dự án điện than và dự án công nghiệp gây ô nhiễm khác.

Ông đã bị bắt hồi tháng 6/2021 và sau đó bị tuyên án 5 năm tù vì tội « trốn thuế ». Trong phiên xử phúc thẩm tháng 8/2022, tòa đã xử y án. Luật sư Bách đã ba lần tuyệt thực để phản đối bản án này.

Trong bản thông cáo, 10 chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc bày tỏ « quan ngại sâu sắc về mức độ an toàn và những điều kiện giam giữ nhà bảo vệ môi trường Đặng Đình Bách ». Bản thông cáo nói rõ là ông Đặng Đình Bách bị « phân biệt đối xử trong trại giam », hay « có thông tin cho rằng ông bị hành hung và đánh đập trong nhà tù ».

Vẫn theo các chuyên gia nói trên, nhà hoạt động môi trường này đã bị « tước đoạt một số quyền tự do cơ bản », trong đó có « quyền hội họp và bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa ». Họ kêu gọi chính quyền Việt Nam « ngừng ngược đãi » luật sư Đặng Đình Bách, « không nên dùng việc tước đoạt tự do và ngược đãi tù nhân như một công cụ để bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền và những tiếng nói trong xã hội dân sự dám đề cập đến những vấn đề nhạy cảm. »

Nhóm chuyên gia độc lập, hay báo cáo viên đặc biệt, tuy làm việc theo ủy quyền của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhưng không phát biểu nhân danh Liên Hiệp Quốc. Các báo cáo viên đặc biệt này tham gia «Thủ tục Đặc biệt » của Hội đồng Nhân quyền (Special Procedures), tức « cơ quan chuyên gia độc lập lớn nhất trong hệ thống các cơ quan phụ trách Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc », có nhiệm vụ « giám sát và tìm hiểu một cách độc lập » về thực trạng nhân quyền tại các nơi trên thế giới.