Seite auswählen

Việt Nam chừng mực – Phi Luật Tân cứng rắn: Hai cách bảo vệ chủ quyền trước Trung cộng ở Biển Đông

 

Việt Nam và Phi Luật Tân muốn khôi phục niềm tin và giảm thiểu các sự cố có thể xảy ra giữa hai nước khi thông qua hai bản ghi nhớ an ninh ký ngày 30/01/2024 về “ngăn ngừa sự cố ở Biển Đông” và “hợp tác trên biển”. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, không nên coi sự kiện đó thể hiện lập trường thống nhất giữa Manila và Hà Nội trong việc đẩy lùi các hành động của Trung cộng ở Biển Đông.

Ảnh tư liệu : Người Việt ở Phi Luật Tân và người Phi Luật Tân biểu tình trước lãnh sự Trung cộng ở thành phố Makati, Phi Luật Tân, ngày 16/05/2014 để phản đối Trung cộng đưa giàn khoan Hải Dương 981 (HD-981) vào gần quần đảo Hoàng Sa, Biển Đông. AP – Bullit Marquez

 

Phi Luật Tân có lập trường cứng rắn hơn, trông cậy vào liên minh với Mỹ nhiều hơn kể từ khi ông Marcos Jr. làm tổng thống. Sự xoay trục này có thể có lợi cho Việt Nam, nhưng Hà Nội không có chung cách tiếp cận với Manila. Việt Nam thận trọng, khẳng định chủ quyền nhưng không rầm rộ phản đối theo cách của Phi Luật Tân. Đây là một trong những nhận định với RFI Tiếng Việt của giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Đông Nam Á Daniel K. Inouye (DKI APCSS) tại Hawai, Mỹ.

 

RFI : Việt Nam và Phi Luật Tân ký hai bản ghi nhớ về an ninh về “ngăn ngừa sự cố ở Biển Đông” và “hợp tác trên biển” giữa lực lượng tuần duyên hai nước. Hai văn bản này có lợi ích như nào cho hai nước cũng có tranh chấp chủ quyền đối với một số thực thể ở Biển Đông ? 

 Alexander Vuving :Tôi nghĩ là bất kỳ sự hợp tác nào giữa Việt Nam và Phi Luật Tân trên biển đều tốt cho cả hai nước bởi vì hai nước có đòi hỏi chủ quyền chồng lấn lên nhau, đặc biệt là ở khu vực quần đảo Trường Sa, một phần lớn khu vực đó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân. Khi Việt Nam đòi hỏi chủ quyền trên một số đảo-đá ở đó thì có sự chồng lấn, rất dễ gây ra những sự cố, những tranh chấp. Bất kể một thỏa thuận nào về hợp tác trên biển giữa lực lượng tuần duyên hai nước, ngăn ngừa sự cố đều hết sức có lợi cho hai quốc gia.

Đặc biệt hơn, Việt Nam và Phi Luật Tân là hai nước mà không nước nào lớn hơn hẳn nước kia để có thể “bắt nạt” nước kia. Có nghĩa là khi Việt Nam và Phi Luật Tân ngồi lại đàm phán với nhau thì đó là một cuộc đàm phán tương đối bình đẳng. Cho nên kết quả cuộc đàm phán nói chung là tương đối công bằng cho cả hai bên. Tôi nghĩ là những bản ghi nhớ vừa ký giữa lực lượng tuần duyên của hai nước, dù không rõ nội dung cụ thể là gì vì họ không công bố, nhưng có thể hiểu rằng thỏa thuận sẽ có lợi cho cả hai nước. Đồng thời có thể nói rằng họ có những thỏa thuận về cách thức để cho hai bên hành xử như thế nào đó để giữ được hợp tác, ngăn ngừa những sự cố thì đó cũng có thể coi là bước đầu tiên tiến tới một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

Như chúng ta biết là từ hàng chục năm nay, các nước ASEAN và Trung cộng đã thương thảo Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông và không đi đến được thỏa thuận nào cụ thể. Tôi nghĩ là bởi vì trong trường hợp này, Trung cộng đòi hỏi quá xa và gần như vi phạm nguyên tắc cơ bản của Luật Biển Quốc Tế, trong khi một số nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Phi Luật Tân muốn rằng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông phải đi đúng tinh thần của luật quốc tế, nhất là Luật Biển Quốc Tế. Ở đây, chúng ta có Việt Nam và Phi Luật Tân cùng đồng ý dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Tôi hy vọng những thỏa thuận của hai nước là những bước tiến thực chất và tiến bộ trong việc hình thành Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông, trước hết là song phương giữa Việt Nam và Phi Luật Tân, sau này có thể mở đa phương với một số nước khác ở Đông Nam Á.

 

RFI : Trung cộng đòi hầu hết chủ quyền đối với Biển Đông, chồng lấn với Việt Nam và Phi Luật Tân. Nhưng hai nước Đông Nam Á này lại có cách cư xử khác nhau đối với Trung cộng ! 

Alexander Vuving : Mỗi một nước có cách cư xử khác nhau, kể cả ngay bản thân mỗi nước lại có cách cư xử khác nhau trong từng thời kỳ. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự cư xử này. Thứ nhất là hoàn cảnh khác nhau khiến người ta cư xử khác nhau. Thứ hai, ngay trong bản thân nội bộ mỗi nước lại có cách hiểu hoàn cảnh khác nhau khi lãnh đạo thay đổi một chút.

Một điểm quan trọng nữa là mỗi nước có kinh nghiệm lịch sử khác nhau. Việt Nam có kinh nghiệm lịch sử với Trung cộng rất khác với Phi Luật Tân. Cho nên cách ứng xử trên cơ sở kinh nghiệm lịch sử cũng rất khác nhau. Thêm nữa, ngay bản thân mỗi nước, tuy họ chung một kinh nghiệm lịch sử nhưng mỗi một cá nhân, một nhóm lãnh đạo lại rút ra những bài học khác nhau từ cùng một kinh nghiệm lịch sử cho nên họ có cách cư xử khác nhau.

 

RFI : Phi Luật Tân thể hiện cứng rắn hơn trong hành động và lời nói, lên án những hành động hăm dọa của tầu thuyền Trung cộng trong những vùng biển Manila đòi chủ quyền, đặc biệt trong thời gian gần đây. Tuần duyên Phi Luật Tân hiện giờ cố tỏ ra minh bạch hơn, cập nhận thông tin thường xuyên hơn với báo chí về hoạt động của tầu Trung cộng. Nhưng dường như Việt Nam không theo chủ trương này ? 

Alexander Vuving : Hành xử của Phi Luật Tân đối với Trung cộng hiện nay, đặc biệt là ở trong khu vực Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), phải nói thẳng là khác hẳn với chính cách cư xử của Phi Luật Tân trong thời kỳ tổng thống Duterte bởi những lý do tôi nói ở trên về cách hiểu của lãnh đạo, cách lãnh đạo rút ra bài học từ cùng một kinh nghiệm lịch sử.

Tuy nhiên, cách cư xử hiện nay của Phi Luật Tân ở Bãi Cỏ Mây lại tương đối giống cách hành xử của Việt Nam cách đây khoảng 10 năm vào thời kỳ giàn khoan Hải Dương 981. Theo tôi hiểu, lãnh đạo hiện nay của Phi Luật Tân, đặc biệt là tổng thống Marcos Jr., đã học được những bài học lịch sử từ những cách ứng xử của Phi Luật Tân, kể cả của Việt Nam với Trung cộng trong một, hai thập niên qua. Đặc biệt tôi nghĩ rằng họ cũng đã học được bài học từ chính cách hành xử của Việt Nam đối với Trung cộng trong thời kỳ giàn khoan Hải Dương 981.

Chính thời đó, Việt Nam, cũng tương tự Phi Luật Tân hiện nay, giữ thế của mình, không để Trung cộng lấn lướt, tìm cách minh bạch. Thậm chí, Việt Nam còn đưa phóng viên quốc tế trên tầu cảnh sát biển Việt Nam ra tận nơi để chứng kiến, thu hình, nghi âm và viết bài, đưa thành một vấn đề quan trọng, nóng hổi trong thời sự quốc tế. Phi Luật Tân hiện nay cũng tương tự như vậy, có những chuyến tầu đưa phóng viên quốc tế ra tận nơi để ghi lại những sự kiện đó, họ minh bạch thông tin.

Thế nhưng hiện nay, Việt Nam không hành xử kiểu như vậy nữa. Cách hành xử của Việt Nam gần như đi ngược lại cách ứng xử thời kỳ giàn khoan 981. Tức là suốt từ khoảng năm 2017 trở lại đây, Trung cộng liên tục đưa tầu tầu hải cảnh, tầu dân quân biển vào sách nhiễu hoạt động kinh tế ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trong những vùng khoan dầu khí của Việt Nam, thậm chí có những lúc khiến Việt Nam hủy bỏ hợp đồng, tốn kém đến cả tỉ đô la bồi thường cho các công ty. Thiệt hại rất lớn cho Việt Nam nhưng chính phủ không hề đưa thông tin ra ngoài như thời giàn khoan 981. Công luận Việt Nam gần như không động đậy gì. Đó là sự khác biệt rất lớn. Chúng ta không biết cụ thể tại sao. Tuy nhiên, có thể có một vài giải thích như sau.

Thứ nhất, Việt Nam học được bài học. Tức là từ cùng một sự kiện giàn khoan 981, có người rút ra bài học : Muốn giữ được chủ quyền với Trung cộng thì phải kiên quyết đối với họ, không được lùi bước, phải giữ những gì mình có quyền chiểu theo Luật Biển quốc tế, đồng thời phải hết sức minh bạch, đưa các nhà báo quốc tế, đưa công luận quốc tế vào để cho thế giới trông thấy sự thật. Đó là một bài học mà có thể một số người ở Việt Nam và ở Phi Luật Tân đã rút ra và họ áp dụng hiện nay ở Bãi Cỏ Mây.

Ngoài ra, người ta cũng có thể rút ra một bài học khác nữa. Bởi vì trong thời kỳ giàn khoan đó, ở Việt Nam đã xảy ra những sự kiện, biểu tình dẫn đến việc sát hại một số công nhân Trung cộng, ví dụ làm việc ở khu vực Hà Tĩnh, rồi hàng loạt vụ phá hoại những công xưởng có chữ Hoa. Hồi đó đại đa số những công xưởng bị đập phá là của Đài Loan, chứ không phải Trung cộng. Điều đó gây ra những bất ổn rất ghê gớm, gây rất nhiều thiệt hại về tài sản cho các công ty nước ngoài ở Việt Nam.

Từ đó, có thể có một số người rút ra bài học : Nếu căng thẳng với Trung cộng mà thông tin được đưa ra thì nhân dân sẽ bị lợi dụng và có thể dẫn đến những phản ứng quá khích, gây hậu quả xấu ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh ở Việt Nam, thậm chí ảnh hưởng đến quan hệ giữa Việt Nam và Trung cộng… Bài học rút ra : Từ giờ, nếu có chuyện gì xảy ra ở Biển Đông, trừ trường hợp Trung cộng đi quá vạch đỏ, như đặt một giàn khoan, còn nếu họ chỉ sách nhiễu, đưa tàu bè vào quấy nhiều thì thôi, cố gắng im lặng để tránh gây ra những sự kiện như thế.

Còn một vấn đề nữa được gọi là “những ưu tiên chiến lược của lãnh đạo”. Như đã nói ở trên, Phi Luật Tân thời tổng thống Duterte có những ưu tiên chiến lược khác với tổng thống Marcos Jr. hiện nay. Ông Duterte rất là nhũn với Trung cộng. Khi Trung cộng gây hấn thì ông không làm mạnh vì sợ gây ra chiến tranh bởi vì ưu tiên chiến lược của ông Duterte, về mặt quốc nội là chống ma túy, về đối ngoại là hướng tới thế ngoại giao cân bằng hơn. Ông Duterte không tin tưởng vào Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Phi Luật Tân và Mỹ, ông nghĩ đó chỉ là tờ giấy lộn và Mỹ không thực sự cam kết với thỏa thuận đó.

Đây cũng là một kinh nghiệm lịch sử của ông Duterte đối với những gì mà tổng thống Mỹ Obama hành xử với Phi Luật Tân năm 2012 khi có tranh chấp giữa Phi Luật Tân và Trung cộng ở khu vực bãi cạn Scarboroug. Khi đó Mỹ, thay vì đứng ra bảo vệ Phi Luật Tân, lại đề xuất làm trung gian hòa giải. Chính vì thế Phi Luật Tân mất Scarborough về tay Trung cộng. Nhưng hiện nay, tổng thống Marcos Jr. lại có suy nghĩ khác và nhận thấy Mỹ đã có những cam kết mạnh mẽ hơn đối với Hiệp ước phòng thủ song phương cho nên ông ấy đã thể hiện cứng rắn hơn ở trong khu vực Bãi Cỏ Mây.

Phải nói là ưu tiên chiến lược của mỗi lãnh đạo khác nhau. Rất có thể lãnh đạo Việt Nam bây giờ có những ưu tiên chiến lược khác so với thời kỳ năm 2014. Tuy cùng một tổng bí thư nhưng thủ tướng khác, rồi hoàn cảnh điều kiện khác.

 

RFI : Việt Nam hiểu rằng tranh chấp ở Biển Đông sẽ kéo dài và tìm cách tránh xung đột quân sự. Vậy Việt Nam có chiến lược cụ thể như nào để có thể bảo vệ đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông ? 

Alexander Vuving : Về mặt chính thức, Việt Nam có mấy “K”, tức là “kiên quyết”“kiên trì”… Còn cụ thể, chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông, tôi tạm gọi là “mỗi thứ một chút”. Tức là Việt Nam sử dụng hầu như các công cụ từ quyền lực cứng đến quyền lực mềm để ứng xử với Trung cộng ở Biển Đông.

Quyền lực cứng như là tìm cách tăng cường lực lượng quân sự, đặc biệt trong chiến lược quân sự của Việt Nam có vấn đề hiện đại hóa quân đội, nhất là các binh chủng Hải quân và Không quân – những lực lượng sử dụng nhiều ở Biển Đông – thì đi trước một bước, tức là mua sắm nhiều trang thiết bị, tăng cường khả năng phòng thủ. Ngoài ra còn trang bị thêm cho những lực lượng bán quân sự như hải cảnh, dù không được bằng Trung cộng nhưng dùng phương pháp “chiến tranh nhân dân” trên biển.

Ngoài những biện pháp quân sự như vậy, Việt Nam còn thông qua những biện pháp phi quân sự, như giữ vững chủ quyền ở khu vực đặc quyền kinh tế bằng những hoạt động kinh tế, đặc biệt là khai thác dầu khí. Việt Nam cũng rất chú trọng đến hợp tác với các công ty dầu khí nước ngoài, của những nước lớn đứng sau, chẳng hạn của Nga, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản để giữ chủ quyền ở Biển Đông. Có thể nói đây là một hình thức phần nào “quốc tế hóa”, dùng lực lượng phi quân sự từ bên ngoài răn đe Trung cộng ở Biển Đông.

Tiếp theo, trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam rất chịu khó đưa vấn đề Biển Đông ra cho các nước bàn thảo và để lôi kéo về phía mình, đặc biệt là giương cao ngọn cờ luật pháp quốc tế. Chẳng hạn Việt Nam lập ra một nhóm bạn bè ủng hộ Công ước Quốc tế về Luật Biển ở Liên Hiệp Quốc. Lúc đầu có khoảng hơn 10 nước, trong đó Việt Nam và Đức đồng chủ trì, hiện nay đã có 110-120 nước, có cả Nga và Trung cộng.

Ngoài ra, mỗi khi có tuyên bố chung giữa lãnh đạo Việt Nam với các nước, đều có câu nói về vấn đề Biển Đông. Việt Nam tìm mọi cách, phương pháp ngoại giao để lôi kéo các nước ủng hộ lập trường của mình ở Biển Đông rằng tuân thủ luật pháp quốc tế, hợp tác về kinh tế để đưa các nước vào nhằm tạo sự đan xen lợi ích của nước ngoài với mình, kể cả với Trung cộng để làm cho họ bớt hung hăng, bớt chèn ép. Đó cũng là một phương pháp. Có hiệu quả hay không lại là một chuyện khác. Việt Nam cũng dùng cả tình đoàn kết anh em giữa hai đảng Cộng sản, một hình thức “quyền lực mềm” để làm Trung cộng bớt hung hăng.

Tóm lại, Việt Nam tìm mọi cách, mỗi thứ một chút, từ cứng cho đến mềm. Tuy nhiên, có thể hiểu là chiến lược của Việt Nam có rất nhiều mũi tên theo rất nhiều hướng. Nhưng mũi tên đó lúc dài lúc ngắn tùy theo thời kỳ. Về hiệu quả, cũng có lúc hiệu quả hơn, cũng có lúc kém hiệu quả.

 

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm Nghiên cứu An ninh Đông Nam Á tại Hawai, Hoa Kỳ.

 

RFI (26.02.2024)

 

 

 

 

Biển Đông: Hình ảnh vệ tinh tiết lộ hàng rào nổi chặn lối vào Bãi cạn Scarborough

NGUỒN HÌNH ẢNH,MAXAR TECHNOLOGIES/REUTERS Chụp lại hình ảnh, Hình vệ tinh chụp Bãi cạn Scarborough

 

Hình ảnh vệ tinh chụp Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông cho thấy một hàng rào nổi mới được dựng lên chặn lối vào khu vực này, gần nơi các tàu của Phi Luật Tân và tàu cảnh sát biển Trung cộng thường xuyên có các cuộc va chạm, theo nguồn tin độc quyền của Reuters.

Một trong những hình ảnh do Maxar Technologies chụp hôm 22/2 và Reuters được độc quyền xem cho thấy hàng rào này chắn ngang lối vào bãi cạn, nơi cảnh sát biển Trung cộng tuần trước khẳng định họ đã xua đuổi một tàu Phi Luật Tân ‘xâm nhập trái phép’ vào vùng biển mà Bắc Kinh nói của mình.

Phi Luật Tân tuần trước vừa triển khai một tàu của Cục Nghề cá và Tài nguyên Thủy sản tới tuần tra ở bãi cạn và tiếp nhiên liệu cho ngư dân Phi Luật Tân đang hoạt động ở khu vực này. Phi Luật Tân nói rằng tuyên bố của Trung cộng là ‘không chính xác’ và các hoạt động của Manila là hợp pháp.

Trung cộng khẳng định chủ quyền đối với Bãi cạn Scarborough, dù bãi này nằm trong khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Phi Luật Tân. Một tòa án trọng tài quốc tế ở La Haye đã khẳng định rằng các tuyên bố của Trung cộng là không có cơ sở pháp lý – một quyết định mà Bắc Kinh bác bỏ.

Hành động của Trung cộng biến rạn san hô này thành một trong những thực thể trên biển gây tranh chấp nhất ở châu Á và trở thành điểm nóng ngoại giao về chủ quyền và quyền đánh bắt cá.

NGUỒN HÌNH ẢNH,MAXAR TECHNOLOGIES/REUTERS, Chụp lại hình ảnh, Một hình ảnh khác của Bãi cạn Scarborough mà Maxar Technologies chụp được

 

Các hình ảnh vệ tinh củng cố một báo cáo và video do Lực lượng Tuần duyên Phi Luật Tân công bố hôm Chủ nhật (25/2) cho thấy hai tàu bơm hơi của cảnh sát biển Trung cộng đang triển khai các hàng rào nổi tại lối vào bãi cạn.

Lực lượng Tuần duyên Phi Luật Tân nói rằng một tàu của cảnh sát biển Trung cộng đã theo dõi tàu của Cục Nghề cá và Tài nguyên Thủy sản Phi Luật Tân, “tiến hành các biện pháp ngăn chặn” cách bãi cạn khoảng 1,3 hải lý (2,4 km) và tiếp cận rất gần bãi này.

“Chúng tôi cho rằng (rào chắn) là dùng để nhắm vào các tàu của chính phủ Phi Luật Tân vì họ lắp đặt nó mỗi khi họ giám sát sự hiện diện của chúng tôi trong khu vực lân cận đảo Bajo de Masinloc,” Jay Tarriela, người phát ngôn của Tuần duyên Phi Luật Tân, nói.

Bajo de Masinloc là tên Phi Luật Tân dùng để gọi Bãi cạn Scarborough.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Mao Ninh nói rằng “Hoàng Nham Đảo”, tên mà Trung cộng đặt cho bãi cạn này, là “lãnh thổ vốn có của Trung cộng”.

Bà này nói: “Gần đây, phía Phi Luật Tân đã thực hiện một loạt hành động xâm phạm chủ quyền của Trung cộng tại vùng biển gần bãi cạn này. Trung cộng phải thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hàng hải của mình.”

Một hình ảnh vệ tinh khác cho thấy hoạt động được mô tả là “có khả năng Trung cộng đánh chặn tàu của Cục Nghề cá và Tài nguyên Thủy sản Phi Luật Tân ” tại Bãi cạn Scarborough.

Trung cộng tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, tuyến hàng hải có lượng hàng hóa lưu thông mỗi năm hơn 3.000 tỷ USD.

Yêu sách của nước này chồng chéo với yêu sách của Phi Luật Tân, Việt Nam, Malaysia và Brunei.

Ian Storey, một thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, nhận định: “Những gì chúng ta đang thấy ở Bãi cạn Scarborough hiện nay có thể là sự khởi đầu cho việc Bắc Kinh đẩy lùi nỗ lực của Manila”.

Ông nói, kể từ khi Tổng thống Ferdinand Marcos Jr nhậm chức vào tháng 6/2022, Phi Luật Tân đã thách thức sự hiện diện của Trung cộng tại Scarborough và những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn việc tiếp tế cho quân đội Phi Luật Tân đóng tại Bãi cạn Second Thomas.

Ông Storey nói: “Những nỗ lực của Trung cộng nhằm ngăn chặn ngư dân Phi Luật Tân đánh cá ở Bãi cạn Scarborough là hoàn toàn bất hợp pháp. Phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 đã trao cho ngư dân của cả hai nước quyền đánh bắt cá ở đó. Manila chỉ đơn thuần ủng hộ các quyền hợp pháp của ngư dân Phi Luật Tân.”

Bãi cạn này được ưa chuộng nhờ nguồn cá dồi dào và màu nước ngọc lam tuyệt đẹp, cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho tàu thuyền khi có bão.

Bà Tarriela cho biết người Trung cộng đã dỡ bỏ rào cản vài giờ sau khi tàu của Phi Luật Tân rời đi. Các bức ảnh không cho thấy rõ rào chắn chắc chắn đến mức nào và liệu nó có gây trở ngại cho các tàu chiến lớn hơn hay không.

Trong một bài báo hôm Chủ nhật, tờ Global Times của Trung cộng đăng bài viết trong đó nói rằng “Phi Luật Tân đã lạm dụng và đơn phương phá hoại nền tảng thiện chí của Bắc Kinh đối với Manila” vốn cho phép ngư dân Phi Luật Tân hoạt động gần đó, bằng cách xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Trung cộng.

Bài báo dẫn lời các chuyên gia cho rằng: “Nếu những hành động khiêu khích như vậy vẫn tiếp diễn, Trung cộng có thể buộc phải thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn để kiểm soát tình hình”.

 

BBC (26.02.2024)

 

 

 

 

Phi Luật Tân lại cáo buộc hải cảnh Trung cộng chặn tàu tiếp tế cho ngư dân

 

Một tàu của chính phủ Phi Luật Tân tiếp tế cho tàu của ngư dân gần bãi cạn Scarborough đã bị lực lượng hải cảnh Trung cộng cản trở. Đây là sự cố thứ hai trong vòng hai tuần và bị Manila lên án ngày hôm nay, 25/02/2024.

Tàu hải cảnh Trung cộng diễn tập gần tàu tuần duyên Phi Luật Tân BRP Teresa Magbanua gần Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Ảnh ngày 08/02/2024. via REUTERS – PHILIPPINE COAST GUARD

 

Theo lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân, được AFP trích dẫn, tàu BRP Datu Sanday đang tiếp nhiên liệu cho các tàu cá Phi Luật Tân gần bãi cạn Scarborought thì bị một tàu hải cảnh và ba tàu khác của Trung cộng quấy rối hôm 22/02. Ba trong tổng số 4 tàu này đã áp sát mũi tàu Datu Sanday với khoảng cách chưa đầy 100 mét.

Ngoài ra, báo cáo của tuần duyên Phi Luật Tân còn tố cáo hành vi gây nhiễu bộ tiếp sóng của tàu và nhiều « hành động nguy hiểm » khác. Trong buổi họp báo về tình hình Biển Đông, phát ngôn viên lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân Jay Tarriela khẳng định « thuyền trưởng tàu BRP Datu Sanday đã thể hiện kinh nghiệm hàng hải xuất sắc và đã tránh được mọi ý đồ cản trở ».

Bãi cạn Scarborough là một trong những điểm căng thẳng giữa Bắc Kinh và Manila sau khi Trung cộng chiếm quyền kiểm soát nơi đây từ Phi Luật Tân năm 2012. Tuần trước, Manila cũng lên án một sự cố tương tự ở gần bãi cạn này.

Về phía Trung cộng, trang Global Times khẳng định trên các mạng xã hội rằng hải cảnh Trung cộng đã đẩy lùi tàu Datu Sanday « khi tàu này thâm nhập trái phép những vùng biển quanh đảo Hoàng Nham (Huangyan) », tên gọi được Trung cộng đặt cho bãi cạn Scarborough, nằm cách đảo Luzon của Phi Luật Tân 240 km.

Theo một báo cáo của tổ chức CSIS, Trung cộng là nước làm hư hại nhiều rạn san hô nhất ở Biển Đông, hơn 21.000 hecta, để gia cố cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo. Ngày 24/02, đại sứ Trung cộng tại Phi Luật Tân đã cáo buộc báo cáo trên là « bịa đặt ». Trong thông cáo, được trang Manila Bulletin trích dẫn, đại sứ Hoàng Khê Liên (Huang Xilian) khẳng định Trung cộng luôn « chú trọng đến bảo vệ môi trường sinh thái ở quần đảo Nam Sa (tên Trung cộng gọi Trường Sa) ».

 

RFI (25.02.2024)

 

 

 

 

Việt Nam quản lý xung đột với Trung cộng trên Biển Đông tốt hơn Phi Luật Tân?

 

Vấn đề Biển Đông, năm 2023, Việt Nam “quản lý xung đột tốt hơn” Phi Luật Tân? Đây là một câu hỏi trong bài phỏng vấn học giả Biển Đông của Việt Nam trên RFA.

So sánh, năm 2023, một bên là Phi Luật Tân dồn mọi nỗ lực để giành lại đá Scarborough, tọa lạc trong vùng kinh tế độc quyền (200 hải lý) của Phi Luật Tân mà Trung cộng đã chiếm năm 2012 (bằng thủ đoạn bội ước). Phi Luật Tân cũng đang tìm cách củng cố “tiền đồn” của mình trên bãi Cỏ Mây, thực chất là một tàu chiến mắc cạn, bất chấp những cản trở của tàu hải giám Trung cộng.

Thành công hay không chưa biết, nhưng ít ra Phi Luật Tân đã nỗ lực làm những chuyện mà họ có thể làm.

Còn Việt Nam, Việt Nam đã làm gì đối với các đảo Hoàng sa (Trung cộng chiếm năm 1974), hay các đảo đá ở Trường Sa bị Trung cộng cướp năm 1988? Việt Nam không làm bất cứ chuyện gì.

Việt Nam đã có động thái nào để đấu tranh với Trung cộng để giành quyền khai thác các mỏ dầu khí tại bờ rìa bồn trũng Nam Côn Sơn hay tại bãi Tư Chính? Các lô dầu khí 5.0, 5.2, 6.1, 6.2, 131, 132, 134… Việt Nam khai thác được cái gì? Việt Nam phải đền Repsol hàng tỉ đô la, vì bị Trung cộng áp lực. BP, ExxonMobil, thậm chí Rosneft… vì bị Trung cộng hù dọa phải “bỏ của chạy lấy người”. Các mỏ Cá Rồng Đỏ, Lan Tây, Lan Đỏ, Phong Lan Dại… phải lấp lại chờ thời…

Tức là Việt Nam đã không làm được gì với Trung cộng để giành lại quyền khai thác trên thềm lục địa chính đáng của mình.

Vì vậy, ai đó nói rằng Việt Nam quản lý tranh chấp với Trung cộng “tốt” hơn Phi Luật Tân là chuyện không hề có, là chuyện “nói lấy được”.

Thực tế cho thấy, từ tháng 12 năm 2020, Việt Nam đã ban hành luật về “bí mật nhà nước của đảng”. Trong đó, luật qui định các vấn đề liên quan đến “chủ quyền lãnh thổ, biển đảo” từ nay thuộc “bí mật nhà nước” của đảng.

Thực tế cũng cho thấy, từ tháng 12 năm 2020 đến nay, báo chí trong nước im lặng tuyệt đối trên các vấn đề lãnh thổ, hải phận Biển Đông. Viết về các đề tài này, tác giả có thể bị chụp mũ “tiết lộ bí mật nhà nước của đảng”.

Người dân không ai biết việc khai thác các mỏ dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam đã phát triển ra sao?

Mỏ Kèn Bầu (lô 114) được cho là “khủng”, lớn nhứt lịch sử dầu khí Việt Nam, hợp tác với Ý năm 2020, đến nay phát triển tới đâu?

Mỏ Cá Voi Xanh, cũng được cho là “khủng”, hợp tác khai thác với ExxonMobil đến nay thế nào? Hai mỏ khí đốt này không bị đường chữ U của Trung cộng vắt qua, tức là “không có tranh chấp”.

Năm qua miền Bắc bị “thiếu điện”, người ta đổ thừa “ông trời”, vì hạn hán khiến các đập thủy điện ngưng hoạt động. Cá nhân tôi không hề biết từ khi nào Việt Nam là quốc gia “thủy điện”? Rốt cục Việt Nam mua điện của Trung cộng và Lào về bù trừ. Tức là không hề có mét khối gaz nào được đưa về từ các mỏ ngoài khơi để “chạy” các nhà máy nhiệt điện.

Việt Nam, một nước lệ thuộc kinh tế vào Trung cộng, nhưng lại bị Trung cộng đe dọa an ninh và chủ quyền lãnh thổ. Việt Nam khấu đầu với Trung cộng để cùng Trung cộng “xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai”. Không có vụ “ngoại giao cây tre” với “quốc phòng 4 không”. Việt Nam như con cá bị dính lưới, không vùng vẫy đi đâu được hết cả.

 

Trương Nhân Tuấn

VNTB (25.02.2024)

 

 

 

Biển Đông sẽ còn nóng hơn trong năm 2024: Việt Nam cần một chiến lược dài hạn

Không ảnh đảo Song Tử Tây chụp ngày 21/4/2017, một trong 21 thực thể Việt Nam đang kiểm soát ở Trường Sa. (Ảnh minh họa) Reuters

 

RFA: Năm 2023 là năm cả Phi Luật Tân và Việt Nam đều chịu áp lực căng thẳng trên Biển Đông từ phía Trung cộng. Tuy nhiên, Phi Luật Tân bị áp lực lớn hơn và công bố trên truyền thông rộng rãi hơn. Việt Nam gánh áp lực nhẹ hơn và không phổ biến rộng rãi các hành vi của Trung cộng. Tuy nhiên, sang đầu năm 2024, Việt Nam lại chịu áp lực nhiều hơn từ Trung cộng. Việt Nam vẫn chọn cách giảm nhẹ tiếng nói trên truyền thông. Vậy với những diễn biến xung quanh khu vực như kết quả bầu cử Đài Loan, Phi Luật Tân muốn giành lại bãi cạn Scacobough, xây đảo trên bãi Cỏ Mây, liệu Biển Đông năm 2024 sẽ ra sao? RFA phỏng vấn nhà nghiên cứu Hoàng Việt về vấn đề này. 

 

RFA. Dư luận trong nước có ý kiến nói Việt Nam quản lý xung đột với Trung cộng trên Biển Đông tốt hơn Phi Luật Tân. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này? 

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt : Đối với câu hỏi Việt Nam và Phi Luật Tân ai quản lý xung đột với Trung cộng tốt hơn thì cho đến nay thì chưa thể nói được. Vâng nếu mà chỉ tính trong năm 2023 thì chưa thể nói được về quản lý xung đột. Xét lâu dài hơn thì rõ ràng Phi Luật Tân đã bộc lộ một số thiếu sót. Đối với bãi cạn Scaborough, trong khi Phi Luật Tân đang kiểm soát ở trên thực tế thì năm 2012, Trung cộng đã thay thế Phi Luật Tân giành được quyền kiểm soát này thì đó là một thất bại của Phi Luật Tân. Điều này không thể chối cãi được. Thứ hai là với con tàu trên bãi Cỏ Mây thì Phi Luật Tân đã cắm nó trên đó từ năm 1999 mà không tìm cách để xây dựng một chỗ đứng bền vững thì đó cũng là một cái thất bại. Để đến bây giờ, Phi Luật Tân muốn làm thì khó khăn hơn nhiều so với nếu nước này làm từ khoảng 20 năm trước. Tóm lại nếu xét lâu dài thì rõ ràng Phi Luật Tân có nhiều hạn chế. 

Nếu chỉ đánh giá trong năm 2023 thì nó chưa đầy đủ, chưa thể nói được là Việt Nam hay là Phi Luật Tân đã giành được ưu thế hơn. Vì sao? Vì chúng ta sẽ thấy rằng là Phillipines và Việt Nam mỗi quốc gia có một cái phương cách khác nhau. 

Phillipines thì sẽ dựa vào đồng minh của mình và Hoa Kỳ. Còn với Việt Nam thì khác. Thứ nhất là Việt Nam không phải là đồng minh của Hoa Kỳ. Và Việt Nam cũng không phải là đồng minh quân sự của Hoa Kỳ. Việt Nam có chính sách bốn không trong quốc phòng cho nên Việt Nam không thể liên minh được với Hoa Kỳ. Và vì thế Việt Nam cũng không trông cậy được vào đồng minh Hoa Kỳ. Và Việt Nam chọn cái cách là balance, tức là cấn bằng quan hệ giữa Mỹ và Trung cộng. Năm 2023 chúng ta còn nhớ là tháng 9 thì tổng thống Biden đã sang Việt Nam và hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Nhưng mà tháng 12 thì Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình cũng sang thăm Việt Nam và hai bên cũng nâng cấp mức độ quan hệ cao hơn. Đấy là cách của Việt Nam làm là cân bằng giữa hai cường quốc Trung cộng và Mỹ.

Phi Luật Tân trong nhiệm kỳ của tổng thống Marcus đang chọn cách dựa vào đồng minh Hoa Kỳ nhiều hơn. Nhưng cho đến nay thì cũng chưa nói được là Việt Nam và Phi Luật Tân, rồi đây bên nào sẽ sẽ có ưu thế hơn. 

Chúng ta phải đợi tiếp xem là liệu Phi Luật Tân có rất là dành lại được quyền kiểm soát trên bãi cạn Scaborough hay không, có xây dựng được đảo trên bãi Cỏ Mây hay không. Nếu làm được thì Phi Luật Tân thành công. 

Rõ ràng là Việt Nam sử dụng chính sách âm thầm hành động đúng thời điểm, ví dụ như xây dựng đảo và tăng cường lực lượng ở Trường Sa, rồi dùng chính sách cân bằng thì khiến cho Trung cộng cũng không có những thay đổi quá căng thẳng với Việt Nam. Mặc dù không phải là Việt Nam không có căng thẳng. Ví dụ như năm 2023, khi Trung cộng tăng cường sức ép với Việt Nam, trong suốt một thời gian đầu, báo chí Việt Nam không hề nói tới. Nhưng nếu một lúc mà phía Việt Nam chịu không nổi thì Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đã phải nâng tiếng yêu cầu là tàu thăm dò của Trung cộng phải rời khỏi cái vùng đặc quyền kinh tế của mình. Đến tháng 6, sau 28 ngày thì cái tàu này của Trung cộng mới rời khỏi khu vực. 

Nói chung, chưa thể nói được là quốc gia nào sẽ thành công hơn quốc gia nào. Chúng ta phải chờ đợi, phải xem các bên có đạt được mục đích của mình hay không. Bên nào đạt được mục đích thì bên đó thành công. Mà có sự thành công thì mới so sánh được bên nào đúng. 

 

RFA. Có ý kiến cho rằng việc ông Lại Thanh Đức, một người có xu hướng độc lập với Trung cộng, đắc cử tổng thống Đài Loan có thể khiến tình hình eo biển Đài Loan căng thẳng hơn trong năm 2024. Theo ông, nếu eo biển Đài Loan căng thẳng hơn thì Biển Đông sẽ dịu bớt hay căng thẳng hơn? Tại sao Trung cộng lại tăng cường áp lực lên Phi Luật Tân năm 2023 trên Biển Đông? Hai điểm nóng này có gì khác nhau không? 

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt : Theo tôi thì trong năm 2024 cả eo biển Đài Loan và Biển Đông đều căng thẳng. Rõ ràng việc ông Lại Thanh Đức, vốn là phó tổng thống của bà Thái Văn Anh lên làm tổng thống thì đó là điều Trung cộng không mong muốn. Các chuyên gia đều dự báo tình hình eo biển Đài Loan sẽ tiếp tục căng thẳng. 

Câu chuyện căng thẳng trên eo biển Đài Loan thì nó có liên quan gì đến Biển Đông hay không thì chúng ta biết là cả Đài Loan và Biển Đông đều là nằm trong khu vực cạnh tranh quyết liệt của hai cường quốc, Mỹ và Trung cộng. Nếu không có Mỹ thì Đài Loan khó tồn tại trước sức đe dọa của Trung cộng. Đối với câu chuyện của Biển Đông thì đặc biệt là căng thẳng giữa Phi Luật Tân và Trung cộng sẽ tiếp tục trong năm 2024 khi mà Phi Luật Tân tìm cách giành lại quyền kiểm soát đối với bãi cạn Scaborough và xây đảo trên bãi Cỏ Mây. Phi Luật Tân dựa vào đồng minh Hoa Kỳ cho nên là đây cũng là một chiến trường cho cuộc cạnh tranh giữa hai cường quốc Mỹ và Trung cộng. Vì thế, trong năm 2024, cả khu vực Biển Đông và Đài Loan sẽ tiếp tục căng thẳng. 

Còn trong năm 2023, quan hệ Phi Luật Tân và Trung cộng trở nên rất căng thẳng trên biển Đông và cho đến nay vẫn chưa chấm dứt, đặc biệt là khu vực bãi Cỏ Mây và bãi cạn Scarborough. Đó là hai địa điểm căng thẳng giữa Phi Luật Tân và Trung cộng. 

Nguyên do thứ nhất là Phi Luật Tân đã đặt một con tàu cũ trên bãi Cỏ Mây từ năm 1999. Con tàu này càng ngày càng cũ đi, có khả năng sụp đổ bất cứ lúc nào. Vì vậy, Phi Luật Tân một mặt vừa muốn tiếp tế cho những binh sĩ ở trên con tàu đó và mặt khác muốn gia cố lại nó. Thậm chí Phi Luật Tân tuyên bố là sẽ tìm cách xây đảo ở trên bãi Cỏ May này. Điều này thì chắc chắn là Trung cộng sẽ không muốn. 

Năm 2012, Trung cộng đã giành quyền kiểm soát trên thực tế bãi cạn Scaborough từ tay của Phi Luật Tân. Còn bãi Cỏ Mây là một thực thể lúc nổi lúc chìm. Cho nên là phía Phi Luật Tân năm 1999 đã cho một tàu cũ đậu ở đó, tên là BRP Sierra Madre. Con tàu này trên đó có một số binh sĩ của Phi Luật Tân đồn trú. 

Con tàu càng ngày càng xuống cấp và nó có thể bị sụp được bất cứ lúc nào cho nên Phi Luật Tân một mặt là muốn cung cấp những nguồn thực phẩm và nước uống cho các binh sĩ đồn trú, giữ quyền kiểm soát ở trên khu vực này. Trung cộng cũng biết được điều đó cho nên họ ngăn cản cung cấp hậu cần cho các binh sĩ. 

Trung cộng muốn để cho con tàu này sụp đổ để họ kiểm soát bãi Cỏ Mây như năm 2012 với bãi Scaborough. Đó là nguyên do thứ nhất khiến cho hai bên Phillipines và Trung cộng căng thẳng. 

Nguyên do thứ hai là sau khi Tổng thống Phi Luật Tân Duterte đã xoay trục sang Trung cộng, hướng về Trung cộng nhưng mà không thành công, Tổng thống Marcus cũng vậy. Chúng ta nhớ là năm 2023 Phillipines trao thêm cho Hoa Kỳ quyền kiểm soát 4 căn cứ quân sự, tổng cộng là 9 cái. Một số nguồn tin Trung cộng cho rằng có tới 10 quân sự tại Phillipines cho quân đội Mỹ có thể sử dụng. Điều này khiến cho Trung cộng cảm thấy bất bình và họ đã phải tìm cách để phải trừng phạt Phillipines. 

Thậm chí Phi Luật Tân gần đây còn chơi mạnh tay hơn, tuyên bố là muốn xây dựng đảo trên bãi Cỏ Mây. Phi Luật Tân muốn là dựa vào sức mạnh của Mỹ để dành lại bãi cạn Scaborough. 

Thế cho nên là đấy là 3 cái lý do lớn để khiến cho Phillipines và Trung cộng đã căng thẳng trên Biển Đông suốt thời gian vừa qua.

 

RFA. Phi Luật Tân đang muốn cùng Việt Nam và một số nước khác xây dựng bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông riêng mà không cần có Trung cộng. Điều này có khiến cho Biển Đông căng thẳng hơn hay dịu lại trong năm 2024? Liệu ý tưởng của Phi Luật Tân có thành hiện thực? 

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt :Theo tôi thì cái mục tiêu này nó chưa khả thi đâu. Thứ nhất là phía Phi Luật Tân là quốc gia rất mạnh mẽ trong việc đưa ra sáng kiến. Từ những năm 1990, đặc biệt sau năm 1995, khi mà Trung cộng đã giành quyền kiểm soát bãi Vành Khăn từ tay Quân đội Phi Luật Tân, thì nước này đã luôn đưa ra ý tưởng là sẽ có một Quy tắc ứng xử trên Biển Đông. 

Sau này thì phía Phi Luật Tân cũng là bên rất năng nổ trong việc đưa ra những sáng kiến và ý tưởng mới. Nhưng Philppines có vấn đề là quốc gia đa đảng. Tổng thống mới có thể xoay chiều 180 độ so với tổng thống trước. Nếu như cựu Tổng thống Benigno “Noynoy” Aquino là người đã khởi kiện Trung cộng năm 2016 thì ông Duterte sau đó đảo ngược chính sách. Sau đó ông Marcus lên tổng thống, ban đầu định vẫn tiếp tục chính sách xoay trục sang Trung cộng nhưng thấy không ổn nên lại xoay trục sang Mỹ. Nhiều quốc gia Đông Nam Á đều thấy sự thiếu ổn định, thiếu nhất quán trong chính sách của Phi Luật Tân. Hơn nữa Phi Luật Tân lại làm quá ồn ào. Nếu cứ tuyên bố công khai như vậy thì Trung cộng sẽ tìm cách phá. Và họ đã phá rồi. Các bài báo trên Hoàn cầu Thời báo đã đe dọa Việt Nam và Phi Luật Tân. Ngoài ra Trung cộng cũng sẽ sử dụng những cái biện pháp như áp lực về kinh tế đối với Việt Nam và Phi Luật Tân cũng như là với các quốc gia khác như Malaysia để ngăn chặn các quốc gia này có thể sẽ tạo thành mặt trận đoàn kết để có một bộ quy tắc ứng xử mới.

Thứ hai nữa là nhìn từ kinh nghiệm quá khứ, ta thấy 10 quốc gia Đông Nam Á đã từng thông qua một dự thảo về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông do Indonesia khởi thảo. Khi đó cả 10 quốc gia đã đồng ý rồi, nhưng khi mời Trung cộng tham gia, thì Trung cộng đã từ chối cho nên phải bàn thảo lại, tức bắt đầu lại từ đầu. 

Từ những kinh nghiệm đó, tôi cho rằng ý tưởng đó không khả thi. 

 

RFA. Mới đây, báo chí trong nước đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đề nghị Trung cộng tôn trọng lợi ích chính đáng của Việt Nam trên biển Đông, nhân dịp hai nước họp “Ủy ban Chỉ đạo song phương về quan hệ Việt Trung”. Báo chí Việt Nam chỉ tường thuật yêu cầu của phía Việt Nam đối với Trung cộng mà không cho biết Trung cộng phản hồi ra sao. Ông nhìn nhận ra sao về vấn đề này? 

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt : Cái bạn vừa nói chính là câu trả lời. Anh cho biết là báo chí Việt Nam tường thuật là Việt Nam yêu cầu tôn trọng chủ quyền của mình nhưng không thấy câu trả lời từ phía Trung cộng.  

Theo tôi biết nhiều lần Việt Nam yêu cầu Trung cộng tôn trọng chủ quyền thì ngược lại Trung cộng cũng yêu cầu Việt Nam tôn trọng chủ quyền của họ. Họ nhiều lần nói chủ quyền của họ đối với Biển Đông là bất khả tranh nghị. 

Điều đó cho thấy là phía Việt Nam đương nhiên vẫn phải đưa ra quan điểm của mình một cách rõ ràng là Trung cộng phải tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Nhưng Trung cộng có chấp nhận điều đó hay không là việc khác. Bởi vì nếu Trung cộng tôn trọng chủ quyền Việt Nam thì tình hình Biển Đông đã không căng thẳng như cả mười mấy năm qua. 

Kể những lần trước đó thì mỗi lần giới chức cao cấp của Việt Nam gặp Trung cộng thì luôn yêu cầu điều nhưng Trung cộng có bao giờ làm đâu.

Với chính sách ngoại giao chiến lang của Trung cộng thì họ không bao giờ im tiếng trong chuyện đó. Với câu anh nhắc tới thì tôi có thể suy luận là khi phía Việt Nam đề nghị thì phía Trung cộng không chấp thuận. Cho nên báo chí Việt Nam mới không thông tin là Trung cộng chấp thuận hay không. 

Theo tôi thì Trung cộng sẽ không chấp thuận vì tham vọng của họ với biển Đông là rõ ràng và không thể lay chuyển. Liệu trong năm 2024 này thì quan hệ giữa Việt Nam với Trung cộng tại Biển Đông có gì căng thẳng không? Theo tôi thì sẽ có. Trung cộng không thôi giấc mộng Trung Hoa của họ độc chiếm biển Đông nên không sớm thì muộn Trung cộng sẽ vi phạm các quyền của Việt Nam trên biển theo Công ước Quốc tế về Luật biển. Vì thế tôi dự đoán là trong năm 2024 thì căng thẳng giữa Trung cộng với Việt Nam sẽ không giảm xuống so với trước đây.

 

RFA. Theo ông, Việt Nam thành công những gì và thất bại những gì trong chính sách Biển Đông trong năm qua? Việt Nam có cần một chiến lược mới cho Biển Đông không?

Nhà nghiên cứu Hoàng Việt  : Rất nhiều khen ngợi Việt Nam thành công. Cũng đúng vì Việt Nam vẫn duy trì được 21 thực thể trên Biển Đông. Thứ hai là bảo toàn được vùng đặc quyền kinh tế của mình. Nhưng rõ ràng là Việt Nam cần có một chiến lược lâu dài cho mình. Nhưng không rõ là Việt Nam có một chiến lược lâu dài hay không. Có vẻ như Việt Nam chỉ có các chiến thuật đối phó thụ động trước Trung cộng. Trung cộng làm gì thì mình sẽ phản ứng ra sao. Còn có chính sách trường kỳ, có tính dự báo trước thì có lẽ chưa có. Cá nhân tôi cho rằng Việt Nam cần có chiến lược lâu dài, cụ thể đối với Trung cộng trên Biển Đông. 

 

RFA xin cảm ơn nhà nghiên cứu Hoàng Việt đã giành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này. 

 

RFA (23.02.2024)

 

 

 

Biển Đông : Trung cộng hủy hoại hơn 20.000 hecta rạn san hô

 

Trung cộng là nước gây ra thiệt hại nặng nề nhất về sinh thái trong nhiều khu vực ở Biển Đông thông qua hoạt động nạo vét và đánh bắt hủy diệt. Trong buổi họp báo tại Manila (Phi Luật Tân), được trang GMA trích dẫn ngày 22/02/2024, giới chuyên gia cho rằng « nhìn vào quy mô hiện nay, phải mất vài thập niên để các rạn san hô hồi phục » và cách duy nhất là « thuyết phục Trung cộng ngừng hoạt động phá hủy này ».

Đảo Đá Chữ Thập trong quần đảo Trường Sa, Biển Đông với những công trình được Trung cộng xây dựng cải tạo trên đảo, chụp ngày 20/03/2022. AP – Aaron Favila

 

Chỉ riêng Trung cộng đã phá hủy ít nhất 4.500 hecta rạn san hô để nạo vét, bồi đắp, cải tạo các đảo nhân tạo ở vùng biển có tranh chấp. Khoảng 16.300 hecta rạn san hô bị hư hại do ngư dân Trung cộng đánh bắt trai khổng lồ để lấy ngọc phục vụ nhu cầu ngày càng lớn. Tình trạng đánh bắt cá quá mức cũng là một vấn đề. Do các vụ tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ ở Biển Đông, cho đến nay, chưa có một đánh giá đầy đủ về trữ lượng cá trong khu vực.

Đây là kết quả phân tích từ hình ảnh chụp từ vệ tinh chụp lại 180 khu vực bị chiếm đóng và không có người ở tại Biển Đông và được nêu trong báo cáo « Deep Blue Scars: Environmental Threats to the South China Sea » (Những vết sẹo xanh thẳm: Các mối đe dọa môi trường đối với Biển Đông) được tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) công bố tháng 12/2023.

Theo Monica Sato, một trong ba đồng tác giả báo cáo, một tầu nạo vét Trung cộng « cắt xuyên qua các rạn san hô và trầm tích thu được sẽ được bơm qua các đường ống nổi, sau đó trầm tích sẽ được để lắng tại nhiều khu vực thông qua các bãi chôn được nhắm trước đó ».

Việt Nam đứng thứ hai sau Trung cộng, phá hủy khoảng 1.500 hecta rạn san hô ở vùng biển tranh chấp. Từ năm 2023, Việt Nam sử dụng các máy nạo vét hút, thay vì các biện pháp nạo vét ít hủy hoại hơn như trước đây. Theo AMTI, « biện pháp này vẫn được tiếp tục vì Việt Nam xây dựng tiền đồn ở Biển Đông ».

Ba nước khác có tranh chấp là Phi Luật Tân, Malaysia và Đài Loan « hầu như không làm trầy xước bề mặt và phá hủy chưa đầy 100 hecta rạn san hô ». Dù vậy bà Monica Sato cảnh báo « mọi hoạt động bồi đắp đều gây hại cho môi trường ».

Các nhà nghiên cứu của AMTI kêu gọi thành lập một liên minh quốc tế do các nước Đông Nam Á điều phối « để đánh giá tốt hơn và ý thức được quy mô thiệt hại », đồng thời lập một cơ chế chung nghiên cứu khoa học hàng hải và quản lý đánh bắt giữa các nước tranh chấp trong vùng và mời Trung cộng tham gia.

 

RFI (23.02.2024)

 

 

 

Tàu hải cảnh Trung cộng ‘tuần tra’ trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Ảnh tư liệu về tàu hải cảnh Trung cộng và bản đồ khu vực Bãi Tư Chính trên Biển Đông. (Ảnh chụp màn hình Thanh Niên)

 

Tàu hải cảnh Trung cộng số hiệu 5901 tái thâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam hôm 21/2 để “tuần tra” gần Bãi Tư Chính, hai trang tin tiếng Anh Atlas News và BNN mới đưa tin.

Theo Atlas News và BNN, con tàu khổng lồ thuộc lớp Triệu Đà – có lượng choán nước gần 11.000 tấn và là tàu hải cảnh lớn nhất thế giới – đã đi tuần quanh các lô dầu khí gần Bãi Tư Chính. Bãi này cách thành phố Vũng Tàu của Việt Nam hơn 400 km về phía đông nam và có các giàn khoan dầu khí của Việt Nam.

Một tàu kiểm ngư của Việt Nam, số hiệu 261, bám theo tàu hải cảnh của Trung cộng, tin cho hay. Tàu của Trung cộng đã đi trong khu vực vài giờ rồi rời khỏi nơi đó, vẫn theo Atlas News và BNN.

Cách đây chưa lâu, chính con tàu này của Trung cộng đã hoạt động trong cùng khu vực thuộc vùng EEZ của Việt Nam từ đầu tháng 12/2023 đến đầu tháng 1/2024, sau đó quay về cảng ở Hải Nam.

Một tàu hải cảnh khác, số hiệu 5402, đã thay thế tàu 5901 thực hiện các cuộc “tuần tra” trong các vùng EEZ của cả Việt Nam lẫn của Indonesia và Malaysia cho đến đầu tháng 2/2024, tin của Atlas News cho biết thêm.

Tàu 5901 trang bị 1 pháo lớn 76 ly, 2 pháo 30 ly và 2 súng máy phòng không hạng nặng. Nó có tầm hoạt động trong khoảng giữa 10.000 và 15.000 hải lý (18.500 và 27.700 km), với tốc độ tối đa lên đến 25 hải lý/h (46 km/h). Tàu cũng có bãi đáp trực thăng.

BNN dẫn phân tích của Dự án SeaLight thuộc Đại học Stanford ở Mỹ nhận xét rằng việc Trung cộng tiến hành các cuộc tuần tra có tính xâm phạm vào các vùng EEZ không chỉ của Việt Nam mà của cả Indonesia lẫn Malaysia là động thái có tính toán để thể hiện yêu sách của Bắc Kinh về lãnh hải, cho thấy họ sẵn sàng bảo vệ ranh giới mà họ đặt ra hoặc thậm chí là mở rộng thêm nữa.

Việc Trung cộng tung ra những con tàu lớn, có giá trị cao ở Bãi Tư Chính và những vùng biển mà một số nước khác cũng tuyên bố chủ quyền, theo phân tích của đại học Mỹ được BNN dẫn lại, là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xác định quyền kiểm soát trên thực tế đối với các tuyến hàng hải chiến lược bằng cách “bình thường hóa” sự hiện diện liên tục của Trung cộng.

Dự án SeaLight thuộc Đại học Stanford cho rằng việc tàu kiểm ngư của Việt Nam bám theo tàu hải cảnh Trung cộng thể hiện tư thế đối phó của các nước nhỏ hơn, ở vào thế khó phải cân bằng giữa một bên là chủ quyền còn bên kia là ngoại giao.

Trang BNN đưa ra quan sát rằng việc tàu 5901 của Trung cộng quay lại “tuần tra” ở Bãi Tư Chính là lời nhắc nhở rằng các tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và Trung cộng nói riêng và các tranh chấp trên bình diện rộng hơn lâu nay vẫn phủ bóng đen lên khu vực.

Không những thế, các tranh chấp đó thu hút cả các cường quốc bên ngoài và làm phức tạp thêm nỗ lực mang lại ổn định và an ninh ở nơi này, vẫn theo BNN. Trang này viết thêm rằng Mỹ và một số nước đã chống đối các yêu sách chủ quyền của Trung cộng ở Biển Đông, đồng thời giúp đỡ các đối tác ở Đông Nam Á củng cố các năng lực an ninh hàng hải của họ.

 

VOA (23.02.2024)

 

 

 

 

Cùng bị Trung cộng cưỡng bách trên Biển Đông, Phi Luật Tân công khai thông tin, Việt Nam kín tiếng

Tàu hải cảnh Trung cộng CCG 6901 (Zhong Guo Hai Jing 3901) đang tuần tra bãi Tư Chính trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hôm 23/1/2024 Marine Traffic/ RFA

 

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên Biển Đông, trong khi tăng cường áp lực với Việt Nam ngay khi hai nước Việt Trung đang họp “Ủy ban chỉ đạo song phương”, Trung cộng dường như đã “chùn tay” hơn với Phi Luật Tân. 

Ngày 3 tháng 1, 2024, tờ South China Morning Post đưa tin “Trung cộng ngó lơ” khi Phi Luật Tân tiến hành tiếp tế cho bãi Cỏ Mây. Đến cuối tháng 1, 2024, Trung cộng lại nói họ “không ngăn chặn” khi Phi Luật Tân thả dù tiếp tế cho binh sĩ trên bãi Cỏ Mây. 

Trong khi đó, hôm 20 tháng 2, 2024, tàu Hải cảnh Trung cộng mang số hiệu CCG 5901 (Zhong Guo Hai Jing 3901) đã bật tín hiệu AIS khi tuần tra khu vực bãi Tư Chính. Theo ghi nhận của RFA từ dữ liệu Marine Traffic, đây là lần thứ hai kể từ đầu năm 2024, Trung cộng cho tàu hải cảnh xâm nhập, tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Lần thứ nhất là ngày 4 tháng 2, 2024, tàu hải cảnh mang số hiệu CCG 4201 đi tuần tra trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, cách đảo Lý Sơn khoảng 120 hải lý (hôm 4/2/2024) và 150 hải lý (hôm 5/2/2024.) 

Đáng chú ý, cuộc tuần tra hôm 4 và 5 tháng 2, 2024 được tiến hành trong lúc cuộc họp của Ủy ban chỉ đạo song phương Việt Nam – Trung cộng đang diễn ra tại Việt Nam. Trong chuỗi sự kiện của  Ủy ban chỉ đạo song phương này, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đã có lời đề nghị Trung cộng “tôn trong lợi ích chính đáng” của Việt Nam trên biển. 

Nhiều nhà quan sát nhận thấy Phi Luật Tân và Việt Nam có hai cách ứng xử khác nhau với Trung cộng khi bị nước lớn này cưỡng bách. Phi Luật Tân công khai thông tin về các hoạt động cưỡng bách của Trung cộng. Việt Nam im lặng nhiều hơn. RFA hầu như không tìm thấy các bản tin trên báo chí Việt Nam do nhà nước kiểm soát về các hoạt động tuần tra, khảo sát của Trung cộng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong tháng 2, 2024 kể trên. Một ví dụ khác, đối với hoạt động xâm nhập, tuần tra, khảo sát của Trung cộng từ tháng 3 năm 2023 đến cuối năm, trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, trang “Tin Biển Đông” của một tờ báo lớn trong nước hầu như không đưa tin. Trong khi như RFA đã đưa tin, năm 2023, các hoạt động như vậy của Trung cộng diễn ra liên tục trong nhiều tháng. 

Trao đổi với RFA, ông Raymond Powell, Giám đốc Dự án SeaLight thuộc Trung tâm Gordian Knot về sáng kiến an ninh quốc gia thuộc Đại học Standford, nhận xét:

“Năm 2023 rõ ràng là một năm có nhiều căng thẳng gia tăng, đặc biệt là với Phi Luật Tân. Điều đó liên quan rất nhiều đến việc Phi Luật Tân quyết định công khai vụ quấy rối của Trung cộng mà họ đã gánh chịu vào tháng Hai năm 2023. Phi Luật Tân đã phát động “một chiến dịch minh bạch quyết đoán”, thu thập bằng chứng và công bố bằng chứng để cả thế giới thấy.”

Ông Powell nói ông có niềm tin mãnh liệt rằng việc công khai thông tin về hành vi cưỡng bách của Trung cộng đối với Phi Luật Tân đã mang lại lợi ích cho nước này ở ba khía cạnh khác nhau. Ông nói tiếp:

“Thứ nhất, chính sách của Phi Luật Tân đã giúp xây dựng khả năng đề kháng của quốc gia trước sức mạnh cưỡng bách của Trung cộng. Khả năng đề kháng là khả năng tổng hợp của quốc gia để đứng vững trước một chiến dịch gây áp lực và cường bách. Bằng cách công khai tất cả các sự kiện, người dân Phi Luật Tân đã được thông tin đầy đủ. Họ trở nên quan tâm đến an ninh hàng hải. Điều đó mang lại cho quốc gia cơ hội đưa ra các chính sách mới và thông qua ngân sách cũng như đầu tư vào những lĩnh vực sẽ tăng cường khả năng phục hồi quốc gia của họ. Khả năng đề kháng có nghĩa là bạn có thể đứng vững đến mức nào trước một áp lực. 

Thứ hai là Phi Luật Tân nhận được rất nhiều hỗ trợ quốc tế. Vì vậy, họ đã có thể củng cố sức mạnh quốc gia của mình. Họ đã ký các thỏa thuận mới với Nhật Bản và Úc. Họ nhận được sự hỗ trợ về quan điểm pháp lý từ Ấn Độ. Họ nhận được hỗ trợ về năng lực phát hiện tàu trong bóng tối từ Canada. Rất nhiều hỗ trợ quốc tế đã đến với Phi Luật Tân vì họ đã công khai các sự kiện. 

Thứ ba là Phi Luật Tân đáp trả bằng cách gây thiệt hại cho Trung cộng. Họ làm cho Trung cộng phải chịu áp lực ngày càng tăng, không chỉ từ Phi Luật Tân mà trên toàn thế giới, vì những gì Trung cộng đang làm. Trung cộng rõ ràng rất không hài lòng khi nhìn thấy tất cả những hình ảnh xấu của mình trên tin tức quốc tế.” 

Tàu Kiểm Ngư 261 cùng hai cụm tàu dân quân biển của Việt Nam đi theo giám sát hoạt động của tàu hải cảnh Trung cộng hôm 21/2/2024 tại bãi Tư Chính. (Ảnh: Marine Traffic/ RFA)

Theo ông Powell, khi Phi Luật Tân thực hiện việc công khai thông tin như vậy, lúc đầu, điều đó khiến cho nước này phải trả giá một cách đặc biệt vì Trung cộng gia tăng áp lực. Trung cộng cố gắng khiến cho Phi Luật Tân phải dừng chiến dịch công bố thông tin đó bằng cách họ leo thang căng thẳng. Vì vậy trong suốt cả năm 2023, Trung cộng mỗi lúc một hung hăng hơn, tăng cường bắn vòi rồng nhiều hơn, chặn tàu nhiều hơn, có nhiều vụ đâm tàu ở bãi cạn Second Thomas Shoal (bãi Cỏ Mây) hơn. Do đó, lúc đầu thì mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn với Phi Luật Tân. 

Nhưng cuối cùng, ông Powell nhận xét, đến hết năm 2023 sang đầu năm 2024, Trung cộng đã thay đổi tư duy của mình. Điều này có thể liên quan đến chuyến thăm của Tập Cận Bình tới San Francisco dự APEC, gặp Tổng thống Biden. Cả hai cố gắng đạt được một số thỏa thuận. Ông Powell chỉ ra là đối với Trung cộng, những xung đột công khai với Phi Luật Tân không có ích gì cho hình ảnh của họ. Nó chỉ gây ra cho họ quá nhiều vấn đề. 

Ông Powell cho biết vào tháng 1 năm 2024, lần đầu tiên các quan chức Trung cộng và Phi Luật Tân đã gặp nhau ở Thượng Hải. Trong cuộc gặp đó, họ đã đi đến một số thỏa thuận. Các thỏa thuận này không được công bố chi tiết nhưng điều mà chúng ta thấy trên thực tế là vào tháng 1 năm 2024 việc tiếp tế cho bãi cạn Second Thomas Shoal (Cỏ Mây) của Phi Luật Tân đã diễn ra rất suôn sẻ và không gặp phản kháng từ phía Trung cộng, như trên đã nói. Trên cơ sở đó, ông Powell cho rằng nếu như năm 2023 là một năm căng thẳng của Phi Luật Tân thì năm 2024 dường như đã bắt đầu với nhiều “không gian dễ thở hơn” cho cho nước này. Điều này có thể là kết quả của chiến dịch công khai minh bạch thông tin về những gì diễn ra trên thực địa ở Biển Đông để cả thế giới thấy những gì Trung cộng làm. Theo ông Powell, chiến dịch minh bạch của Phi Luật Tân cuối cùng đã thành công vì nó mang lại cho họ đòn bẩy để giành lợi thế trước Trung cộng trong các cuộc đàm phán.

Về thành công của Phi Luật Tân trong hai tháng đầu của năm 2024 so với một năm 2023 căng thẳng với Trung cộng, ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ở Washington DC, cũng đồng quan điểm với ông Raymond Powell. Trao đổi với RFA, ông Greg Poling cho rằng Trung cộng thực sự đã nhận ra những giới hạn lớn trong chiến lược của mình. Theo ông Poling, chiến lược của cường quốc này trong 10 năm qua dựa trên việc sử dụng lợi thế về số lượng và khả năng chịu rủi ro cao hơn khi cố tình đâm tàu, tạo nguy cơ va chạm để bắn vòi rồng, cùng nhiều chiến thuật “vùng xám” khác. Tuy nhiên, Phi Luật Tân đã nhận ra rằng nước này có thể đứng vững trước áp lực của Trung cộng để tiếp tục tiếp tế cho lực lượng của mình tại bãi cạn Second Thomas Shoal (Cỏ Mây) và tuần tra bãi cạn Scarborough.  

Các nhà nghiên cứu nói trên đều đồng quan điểm cho rằng năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm căng thẳng trên Biển Đông, đặc biệt là đối với Việt Nam. Các hoạt động của Trung cộng năm 2023 đối với Việt Nam như tuần tra, khảo sát, xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế và quậy phá các vùng thăm dò khai thác dầu khí sẽ tiếp tục. Còn đối với Phi Luật Tân thì mặc dù nước này đã có 2 tháng đầu tiên “dễ thở”, không ai có thể chắc chắn về hành xử của nước lớn Trung cộng đối với họ trong những tháng còn lại của năm 2024.

 

RFA (23.02.2024)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen