Seite auswählen

Minh hoạ: Cảnh sát biển Việt Nam sang tàu cảnh sát biển của Trung cộng dự hội đàm tổng kết chuyến kiểm tra liên hợp nghề cá Việt Nam – Trung cộng ở Vịnh Bắc bộ năm 2019 TTXVN

 

Trung cộng vừa công bố đường cơ sở để xác định lãnh hải của họ tại Vịnh Bắc Bộ.

RFA loan tin ngày 7/3 dẫn thông cáo đăng trên trang chủ của Bộ Ngoại giao Trung cộng hồi đầu tháng này. Theo đó Bắc Kinh công bố bảy điểm để hình thành đường cơ sở tại Vịnh Bắc Bộ nơi hai nước Việt Nam và Trung cộng cùng chia sẻ chung vùng biển này.

Lâu nay một đường cơ sở như thế chưa hề tồn tại và không rõ lý do vì sao Trung cộng lại quyết định công bố vào thời điểm này. Trước đây vào ngày 15/5/1996, Bắc Kinh cho công bố 49 điểm cơ sở cho vùng biển từ đảo Hải Nam đến Thanh Đảo chứ không có điểm nào trung Vịnh Bắc Bộ.

Chuyên gia về biển Phan Văn Song nói với RFA rằng một số điểm cơ cở mà Trung cộng công bố quá xa bờ và đường cơ sở như thế vi phạm nghiêm trọng Luật biển của Liên hiệp quốc.

Cũng theo chuyên gia này, Việt Nam và Trung cộng hồi năm 2000 đã ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ với lằn ranh rõ ràng để đường cơ sở mới không gây hại nhiều đến quyền lợi kinh tế của Việt Nam miễn là Bắc Kinh không yêu cầu đàm phán lại.

Đường cơ sở mới mà Trung cộng công bố theo vị chuyên gia này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động tự do hàng hải, lắp đặt cáp và đường ống dưới biển, cũng như hoạt động cải tạo đảo.

Chuyên gia biển khác, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, thì cho rằng đường cơ sở mới “dường như quá mức”. Đường này sẽ dẫn đến thực trạng chồng lấn lớn hơn của vùng đặc quyền kinh tế của Hoa Lục với đường trung tuyến và khu vực đánh cá chung mà hai bên đã thống nhất tại Vịnh Bắc Bộ.

Hà Nội chưa có phản ứng nào trước công bố của Bắc Kinh về đường cơ sở mới công bố tại Vịnh Bắc Bộ như vừa nêu.

 

RFA (07.03.2024)

 

 

 

 

Công bố đường cơ sở thẳng bên trong Vịnh Bắc Bộ: Trung cộng để ngỏ khả năng đàm phán lại Hiệp định Vịnh Bắc Bộ?

Đường cơ sở tại Vịnh Bắc Bộ mà Trung cộng mới công bố (RFA vẽ minh họa trên Google Map, dựa trên tọa độ của các điểm cơ sở mà Trung cộng công bố) Google Map / RFA

 

Bộ Ngoại giao Trung cộng hôm 1 tháng 3, 2024 công bố đường cơ sở thẳng cho phần của mình trong Vịnh Bắc Bộ, khu vực mà hai nước Việt Nam – Trung cộng đã phân định năm 2000 (chính thức công bố năm 2004.) RFA trao đổi với một số nhà nghiên cứu về đường cơ sở mới này của Trung cộng và các hàm ý có thể xảy ra trong tương lai với Việt Nam. 

 

Đường cơ sở vi phạm Luật biển Quốc tế 

Khoản 3 Điều 7 của Công ước Quốc tế về Luật biển (UNCLOS) quy định rằng “Tuyến các đường cơ sở không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển, và các vùng biển ở bên trong các đường cơ sở này phải gắn với đất liền đủ đến mức đạt được chế độ nội thủy.”

Tuy vậy, trong số tọa độ các điểm cơ sở mà Bộ Ngoại giao Trung cộng công bố, có hai điểm là đảo nằm xa bờ. Đó là điểm cơ sở có tọa độ 21°00’36.0″N 109°05’12.0″E (đảo Weizhou, cách đất liền Trung cộng khoảng 45 hải lý) và 20°54’12.0″N 109°12’24.0″E (đảo Xieyang, cách đất liền Trung cộng khoảng 30 hải lý). Điều này khiến cho đường cơ sở của Trung cộng cách xa bờ. Câu hỏi đặt ra là: liệu một đường cơ sở như vậy có thỏa mãn yêu cầu “đường cơ sở không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển” của UNCLOS hay không? 

Ngoài ra, ba điểm cơ sở đầu tiên trong danh sách các điểm cơ sở mà Trung cộng công bố đều nằm ngoài khơi đảo Hải Nam (tỉnh Hải Nam), trong khi đó, các điểm còn lại nằm ở ngoài khơi tỉnh Quảng Tây. Do đó, khi kết nối các điểm cơ sở này lại, đường cơ sở mà Trung cộng vừa công bố sẽ cắt ngang eo biển Hải Nam (hay còn gọi là eo biển Quỳnh Châu) nằm giữa đảo Hải Nam và tỉnh Quảng Tây. Tuy nhiên, theo Khoản 3 Điều 7 của UNCLOS thì “các vùng biển ở bên trong các đường cơ sở này phải gắn với đất liền đủ đến mức đạt được chế độ nội thủy.” Câu hỏi đặt ra là: liệu một eo biển mở như eo biển Hải Nam có thể trở thành “nội thủy” của Trung cộng hay không? Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Tp. Hồ Chí Minh nhận xét: 

“Cá nhân tôi vẫn tin rằng Trung cộng không dễ gì tuân thủ Công ước Quốc tế về Luật biển. Nếu họ không tuân thủ Công ước Quốc tế về Luật biển và công bố một đường cơ sở vi phạm Công ước thì nó có khả năng sẽ có tác động nhiều đến các vấn đề khác trong tương lai.”

Một trong những điểm cơ sở mà Trung cộng chọn để vẽ đường cơ sở trên Vĩnh Bắc Bộ, tọa độ 21°00’36.0″N 109°05’12.0″E (đảo Weizhou, cách đất liền Trung cộng khoảng 45 hải lý). Ảnh minh họa từ Google Map.

 

Đường cơ sở mới ảnh hưởng đến Việt Nam không? 

Cho đến hôm 7/3/2024, chưa có thông tin Việt Nam lên tiếng về đường cơ sở mới của Trung cộng. Còn Trung cộng đã lên tiếng trấn an rằng đường cơ sở mới này sẽ không ảnh hưởng đến Việt Nam. Global Times dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung cộng cho biết:

“Việc thiết lập đường cơ sở mới nhất của Trung cộng ở Vịnh Bắc Bộ sẽ không ảnh hưởng đến lợi ích của Việt Nam hay của bất kỳ quốc gia nào khác; ngược lại, nó sẽ giúp tăng cường hợp tác hàng hải quốc tế giữa Trung cộng và các nước liên quan. Đồng thời, nó sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng hải toàn cầu.” 

Tuy vậy, trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Phan Văn Song, một cộng tác viên của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông, cho rằng có khả năng là các đường cơ sở trên Vịnh Bắc Bộ mà Trung cộng mới công bố là “tham lam” và sẽ đẩy nội thủy của Trung cộng ra xa về phía Việt Nam. Ông phân tích:

“Trước hết chúng ta cần lưu ý rằng hai bên Việt Trung đã đàm phán và kí kết thỏa thuận phân giới biển ngày 12/12/2000, trong hiệp định đó có quy định 21 điểm dùng xác định đường phân giới biển. Trong đó, điểm 1 đến điểm 9 gần bờ, dùng để phân định lãnh hải. Các điểm còn lại dùng phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hai bên.  

Tuy nhiên, do đường cơ sở mà Trung cộng mới bổ sung quá xa bờ sẽ kéo theo đường biên lãnh hải sẽ lấn xa ra biển. Do đó trước nhất, nó chắc chắn ảnh hưởng đến các quyền liên quan khác của tất cả các nước, kể cả Việt Nam. 

Ví dụ trong một phần khu vực biển ở đây, các nước đáng lẽ có thể chạy tàu tự do (không cần phải theo cách đi qua vô hại), đặt cáp / ngầm, khảo sát khoa học… nhưng bây giờ không thể thực hiện được hoặc bị hạn chế. 

Bởi vì theo đường cơ sở này, phần biển đó thuộc lãnh hải, thậm chí là nội thuỷ của Trung cộng.”

 

Để ngỏ khả năng đàm phán phân định lại Vịnh Bắc Bộ?

Hai nước Việt Nam – Trung cộng đã kí kết Hiệp định phân định lãnh hải, thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế bên trong Vịnh Bắc Bộ năm 2000 (chính thức có hiệu lực từ 2004). RFA đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Phan Văn Song rằng về nguyên tắc, liệu đường cơ sở mà Trung cộng mới công bố có thể ảnh hưởng đến Hiệp định đã ký. Nhà nghiên cứu Phan Văn Song cho rằng Hiệp định đã ký rồi thì không có nhiều khả năng bị thay đổi hay ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng có nhiều nội dung trong hiệp định đó đã để ngỏ khả năng đàm phán lại. Ông nói: 

“Nội dung Hiệp định phân giới biển có vẻ như để ngỏ cho việc thương lượng và kí kết lại việc phân định biển. 

Chẳng hạn theo điều 3 thì đường nối các điểm từ 1 đến 9 nêu trong điều 2 là đường phân định lãnh hải. Nhưng chỉ có phần nối các điểm từ 1 đến 7 là không thay đổi (dù có thay đổi địa hình nơi đó). Điều đó có nghĩa là có thể có ngụ ý phần đường phân giới nối các điểm từ 7 tới 9, thậm chí tới 21 có thể thay đổi. 

Điều 9 có vẻ cho phép chuyện này xảy ra vì theo điều 9 thì Hiệp định không làm ảnh hưởng/phương hại tới lập trường đối với các quy phạm luật pháp quốc tế về luật Biển; tức là việc phân giới có thể phải định lại, khi có căn cứ mới theo luật quốc tế. Căn cứ mới ở đây chính là đường cơ sở mới bổ sung. 

Nếu cách giải thích này đúng thì Trung cộng có thể sẽ yêu cầu thương thuyết lại, ít nhất là phần đường phân giới từ điểm 7 đến điểm 21, và như vậy lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của hai bên có thể thay đổi.”

 

RFA (07.03.2024)

 

 

 

 

 

Biển Đông : Phi Luật Tân không cho Trung cộng di dời tàu mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây

Một quan chức hải quân Phi Luật Tân hôm qua, 06/03/2024, tuyên bố sẽ không cho phép Trung cộng di dời con tàu cũ BRP Sierra Madre mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), Biển Đông, nay được Manila dùng làm nơi trú đóng thường trực của một đơn vị quân đội. Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau sự kiện bốn thủy thủ Phi Luật Tân bị thương trong vụ va chạm giữa hải cảnh Trung cộng với hai tàu Phi Luật Tân tiếp tế cho đơn vị ở Bãi Cỏ Mây.

Tàu Hải quân Phi Luật Tân BRP Sierra Madre (P) tại Bãi Cỏ Mây, Biển Đông. Ảnh chụp ngày 23/04/2023. AP – Aaron Favila

 

Theo hãng tin Mỹ AP, đô đốc Roy Trinidad của hải quân Phi Luật Tân cho biết thêm Manila sẽ không cho phép xây dựng bất kỳ công trình nào ở bãi cạn Scarborough, mà Trung cộng chiếm từ tay Phi Luật Tân vào năm 2012.

Khi được hỏi “Manila không thể chấp nhận những hành động nào của Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp”, đô đốc Trinidad khẳng định bãi cạn Scarborough và con tàu mắc cạn ở Bãi Cỏ Mây “là những lằn ranh đỏ đối với lực lượng vũ trang Phi Luật Tân”.

Đô đốc Trinidad nhấn mạnh chính quyền của cựu tổng thống Rodrigo Duterte cũng đã thiết lập những lằn ranh đỏ đó đối với các hành động của Trung cộng, hay của bất kỳ quốc gia nào khác đang có tranh chấp với Phi Luật Tân ở vùng biển này.

Sau vụ bốn thủy thủ Phi Luật Tân bị thương do va chạm với tàu Trung cộng khi làm nhiệm vụ tiếp tế hôm 05/03, Phi Luật Tân đã triệu đại diện sứ quán Trung cộng tại Manila lên để phản đối mạnh mẽ.

Về phía Trung cộng, ngoại trưởng Vương Nghị hôm nay, 07/03, khẳng định Bắc Kinh sẽ “bảo vệ” quyền lợi của mình ở Biển Đông sau hàng loạt sự cố với Manila. Trong những tháng gần đây, căng thẳng giữa Trung cộng và Phi Luật Tân đã lên đến “đỉnh điểm trong vòng vài năm qua”.

 

RFI (07.03.2024)

 

 

 

 

 

Việt Nam-Úc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, bàn về Biển Đông và hợp tác khoáng sản

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (trái) và Thủ tướng Úc Anthony Albanese đưa ra tuyên bố chung tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra vào ngày 7/3/2024

 

Việt Nam và Úc đã chính thức nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Úc là nước thứ bảy có quan hệ ở cấp này với Việt Nam.

Ông Phạm Minh Chính, Thủ tướng Việt Nam, đã hội đàm với Thủ tướng Úc Anthony Albanese tại Canberra sáng 7/3.

 

Hai bên thống nhất sáu phương hướng hợp tác, bao gồm:

  • tin cậy chính trị, ngoại giao cao hơn, chiến lược hơn;
  • hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bao trùm, thực chất, hiệu quả hơn;
  • thúc đẩy hợp tác khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn
  • hợp tác văn hóa, giáo dục – đào tạo, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện, sâu sắc hơn;
  • giao lưu nhân dân, kết nối giữa các thế hệ rộng mở và chân thành hơn;
  • hiểu biết, thông cảm và chia sẻ nhiều hơn về hợp tác an ninh quốc phòng

Hai bên cũng trao 11 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực bao gồm năng lượng, khoáng sản, nông nghiệp, ngân hàng và tài chính.

Bàn về Biển Đông, hai bên đã thoả thuận trao đổi, chia sẻ thông tin, tăng cường hợp tác, đảm bảo an toàn và tự do hàng hải, hàng không, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Việc nâng cấp quan hệ đánh dấu thành công mới nhất trong chính sách “ngoại giao tre” của Việt Nam do Cộng sản cai trị, sau khi nước này tăng cường quan hệ vào năm ngoái với các cường quốc hàng đầu thế giới trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu đang gia tăng, Reuters bình luận.

Hiện Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung cộng, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nga và Úc.

 

Tăng cường hợp tác khoáng sản

Việt Nam, nơi được cho là có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới với khoảng 22 triệu tấn, đã thu hút các thợ mỏ từ Australia, theo Reuters.

Công ty TNHH Khoáng sản Blackstone đã đồng ý hợp tác với Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE) để giành quyền khai thác tại mỏ lớn nhất nước này, Đông Pao ở tỉnh Lai Châu, trong một dự án trị giá khoảng 100 triệu USD.

Australia Strategic Materials cũng đã ký thỏa thuận ràng buộc vào tháng 4/2023 với VTRE về việc mua 100 tấn đất hiếm đã qua chế biến mỗi năm và cam kết đàm phán một thỏa thuận cung cấp dài hạn hơn.

Tuy nhiên, một số thương vụ đất hiếm đã bị đóng băng sau khi cảnh sát Việt Nam bắt giữ chủ tịch VTRE Lưu Anh Tuấn vào tháng 10/2023 và cáo buộc ông giả mạo biên lai thuế giá trị gia tăng và buôn lậu đất hiếm.

Úc là nhà cung cấp than chính cho Việt Nam, quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch để sản xuất điện.

Các chuyến hàng than từ Úc đến Việt Nam đã tăng 17% trong năm ngoái lên 20 triệu tấn, chiếm 39% tổng lượng than nhập khẩu của Việt Nam.

 

BBC (07.03.2024)

 

 

 

 

 

Mỹ, Phi Luật Tân lên án bạo lực Trung cộng ở Biển Đông

Lực lượng đặc nhiệm hàng hải Phi Luật Tân cho biết trong một tuyên bố rằng tàu thuyền Trung cộng đang “quấy rối, cản trở, bắn vòi rồng và thực hiện các hành động nguy hiểm” chống lại phái bộ tiếp tế của Phi Luật Tân vào sáng Thứ Ba, 5 Tháng Ba, theo The Hill.

Cuộc đụng độ xung quanh Bãi Cạn Second Thomas trên Biển Đông làm một tàu tuần duyên Phi Luật Tân bị thiệt hại không đáng kể.

Một vụ đụng độ khác làm một tàu tiếp tế của Phi Luật Tân bị hư hỏng nhẹ, tàu Trung cộng bắn vòi rồng vào tàu này làm bốn thủy thủ bị thương, lực lượng đặc nhiệm Phi Luật Tân cho hay.

Hình chụp ngày 5 Tháng Ba, 2024 cho thấy lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân tiếp tế cho tàu Unaizah May 4 trong khi tàu Trung cộng lởn vởn phía sau ở Bãi Cạn Second Thomas ở Biển Đông (Hình: JAM STA ROSA/AFP/Getty Images)

 

Tàu tiếp tế buộc phải quay trở về Phi Luật Tân, nhưng một chiếc thuyền khác di chuyển tới một con tàu bị mắc cạn từ thời Đệ Nhị Thế Chiến trên Bãi Cạn Second Thomas mà Phi Luật Tân dùng làm căn cứ.

Tuy nhiên, Trung cộng, quốc gia tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông, coi chiếc thuyền bị mắc cạn của Manila là bất hợp pháp và thường xuyên động binh với Phi Luật Tân trong khu vực.

“Việc Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa thực hiện những hành động phi pháp và vô trách nhiệm này có kế hoạch và nhất quán đã đặt ra câu hỏi về sự chân thành trong lời kêu gọi đối thoại hòa bình và xoa dịu căng thẳng của họ,” lực lượng đặc nhiệm Phi Luật Tân cho biết trong một tuyên bố.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung cộng Mao Ninh cáo buộc Phi Luật Tân xâm phạm lãnh thổ có chủ quyền của Bắc Kinh trong cuộc đụng độ hôm Thứ Ba.

“Tuần Duyên Trung cộng thực hiện các biện pháp cần thiết với tàu thuyền Phi Luật Tân theo luật pháp,” họ Mao nói trong một cuộc họp báo.

Tại Hoa Kỳ, phát ngôn viên báo chí Ngũ Giác Đài, Thiếu Tướng Pat Ryder nói Trung cộng có “hành vi nguy hiểm.”

“Những hành động này của [Trung cộng] gây thương tích cho thủy thủ đoàn Phi Luật Tân, gây nguy hiểm tới tính mạng và cho thấy sự coi thường luật pháp quốc tế.” ông nói. 

 

Nguoi Viet (06.03.2024)

 

 

 

 

 

Biển Đông : Va chạm giữa tàu Phi Luật Tân với tàu Trung cộng, 4 người bị thương

Theo AFP,  tuần duyên Phi Luật Tân tố cáo hải cảnh Trung cộng hôm nay, 05/03/2024, đã gây ra các vụ va chạm với hai tàu của Phi Luật Tân, làm 4 nhân viên thủy thủ đoàn bị thương khi làm nhiệm vụ tiếp tế trên Biển Đông.

Lực lượng tuần duyên Phi Luật Tân xem xét hư hại của thân tàu sau vụ va chạm giữa tàu Phi Luật Tân BRP Sindangan và tàu hải cảnh Trung cộng ở Biển Đông, ngày 05/03/2024. via REUTERS – Philippine Coast Guard

 

Các vụ va chạm  xảy ra trong khu vực Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), thuộc quần đảo Trường Sa, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, vẫn thường xảy ra các sự cố và là nơi Phi Luật Tân đã cắm một chốt tiền tiêu thường trực. 

Phía Trung cộng xác nhận đã thực thi các « biện pháp kiểm tra » đối với các tàu Phi Luật Tân sau khi những tàu này « xâm nhập trái phép vào vùng biển gần bãi Nhân Ái (Ren’ai) thuộc quần đảo Nam Sa » (theo tên của Trung cộng), mà không cho biết thêm chi tiết.

Đội tàu của Phi Luật Tân, gồm hai tàu tiếp tế và hai tàu hộ tống, bị tấn công khi tiếp cận Bãi Cỏ Mây, nơi có con tàu cũ BRP Sierra Madre mắc cạn được Manila dùng làm chốt tiền tiêu có quân trú đóng thường trực.

Theo tuần duyên Phi Luật Tân, Unaizah May 4, một trong hai con tàu tiếp tế của họ, đã bị hai tàu Trung cộng cùng lúc dùng súng phun nước tấn công làm vỡ kính khoang điều khiển và khiến 4 người bị thương. Ngoài ra, một tàu hộ tống của Phi Luật Tân cũng bị thiệt hại nhỏ khi va chạm với tàu Trung cộng.

Manila tố cáo các tàu Trung cộng đã có hành vi nguy hiểm nhằm cản trở bất hợp pháp nhiệm vụ tiếp tế bình thường của tàu Phi Luật Tân.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra các vụ va chạm tàu giữa hai nước. Hồi tháng 12 vừa qua, cũng đã xảy ra vụ việc tương tự. Sự cố lần này xảy ra ngay sau ngày ngoại trưởng Phi Luật Tân Enrique Manalo bên lề hội nghị cấp cao ASEAN – Úc tại Melbourne, kêu gọi Trung cộng chấm dứt các hành động « sách nhiễu » Phi Luật Tân.

Ngoài tranh chấp chủ quyền trên một số khu vực ở Biển Đông, quan hệ Bắc Kinh và Manila đã xấu đi nhiều từ khi ông Ferdinand Marcos Jr. đắc cử tổng thống năm 2020 và quyết định thắt chặt quan hệ với đồng minh Hoa Kỳ, đồng thời tỏ ra cứng rắn với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông.

Theo nhà phân tích chính trị Richard Heydarian, chuyên gia về Phi Luật Tân, những hành động như vậy của Trung cộng có thể sẽ càng « làm tăng thêm tâm lý bài Trung cộng nơi người dân Phi Luật Tân, thúc đẩy chính quyền Marcos Jr. tăng cường liên minh với phương Tây và các đối tác truyền thống của Manila ».

 

RFI (05.03.2024)

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen