Seite auswählen

Tuyên bố 36 năm ngày mất một phần quần đảo Trường Sa

10-4-2024

Tiếng Dân

Sau lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hải Quân Trung Quốc (PLAN) ngày 23/4/2009, cùng ngày Trung Quốc đã đưa một đoạn phim lên YouTube về trận đánh 14/3/1988: “Trung Quốc nổ súng chiếm Trường Sa”. Thật ghê rợn khi thấy những họng súng của Hải Quân Trung Quốc xé nát Gạc Ma trong khi những người lính Việt Nam hoàn toàn không có khả năng tự vệ, co cụm giữa trận địa trong “Vòng Tròn Bất tử”, họ chỉ đơn giản chờ đợi một cái kết không thể nào tránh khỏi.

Sáu mươi tư (64) chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh ngày hôm đó. Chín (9) người sống sót bị Trung Quốc giam cầm ba năm trước khi được thả. Ngày nay, Trung Quốc đã chiếm đóng Gạc Ma và thêm sáu thực thể trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến nó thành những hòn đảo nhân tạo có căn cứ quân sự được trang bị tên lửa đất đối đất và đất đối không.

Kể từ sau vụ thảm sát Gạc Ma, Trung Quốc ngày càng bành trướng ở Biển Đông. Chiến lược của họ là sử dụng sự đe dọa đến từ sức mạnh quân sự, vốn không bị thách thức bởi bất kỳ nước láng giềng khu vực nào, làm nền tảng cho việc tuyên bố chủ quyền; những tuyên bố trái với pháp luật quốc tế.

Như trên là hành vi giết người man rợ dùng tàu chiến tấn công tàu vận tải, dùng súng bắn giết người trên biển không vũ trang. Qua những hành động ngang ngược tàn bạo này, Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam, chà đạp lên quy định của luật pháp quốc tế.

 

Liên Xô (Nga) làm lơ khi máy bay chiến đấu tàu ngầm hạm đội Liên Xô đang đóng ở Cam Ranh trong thời gian Hiệp định An ninh Xô – Việt còn hiệu lực vì trong thời điểm 1988 họ nhận thấy hợp tác với Trung Quốc có lợi hơn với Việt Nam, nên cũng sẵn sàng chà đạp lên hiệp định An ninh Việt – Xô.

Sau chuyến thăm Việt Nam của chủ tịch Tập Cận Bình cuối năm 2023, tàu Hải cảnh Trung Quốc tiếp tục thâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Cụ thể:

 

– Ngày 28 và 31 tháng 12 năm 2023 các tàu CHINA COAST GUARD 5205 và 5305 đã hiện diện trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, riêng tàu 5305 đi rất gần bờ biển Quy Nhơn.

– Tháng 1 năm 2024, Tàu Hướng Dương Hồng 10, tàu 5204 và 5202 (Trung Quốc) nằm ở ven vùng kinh tế Việt Nam, tàu 5402 và 5901 tàu Hải cảnh lớn nhất và hiện đại nhất, tiếp tục quấy rối Bãi Tư Chính chưa biết lúc nào dừng lại.

– Mới đây, ngày 1/3/2024, Bộ ngoại giao Trung Quốc công bố đường cơ sở thẳng cho phần của Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ, khu vực mà hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã phân định năm 2000 (chính thức công bố 2004). Sự công bố này vi phạm khoản 3 điều 7 của Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS).

 

Hiện tại Trung Quốc đang gây rối Philippines để chiếm trọn vùng biển Scarborough.

 

Sự kiện mất Quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và Trung Quốc cướp các đảo của Việt Nam ở Trường Sa ngày 14 tháng 3 năm 1988 và diễn biến tình hình Biển Đông, khu vực Đông Nam Á cũng như thế giới cho đến nay càng khẳng định một chân lý, đó là Việt Nam không thể tin tưởng một cách hão huyền vào cái gọi là “tình đồng chí quốc tế vô sản có chung ý thức hệ, có chung vận mệnh”, mà chỉ có thể đứng vững bảo vệ đất nước và quyền lợi dân tộc bằng chính nội lực của mình.

Sự liên kết hợp tác với các nước bên ngoài là cần thiết, nhưng chỉ trong những thời điểm lịch sử cụ thể khi các bên có cùng chung lợi ích, hết quyền lợi thì một hiệp định liên minh nào đó với Việt Nam cũng sẽ trở thành vô giá trị, như trường hợp Liên Xô sẵn sàng bỏ rơi Việt Nam vào bất kỳ lúc nào. (Bài học tại Hội nghị San Francisco 1951 vẫn còn nguyên giá trị).

Vì những lẽ trên, chúng tôi, các tổ chức Xã Hội Dân Sự và cá nhân tuyên bố:

1. Chính phủ cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nước Phương Tây, Mỹ, Nhật, Úc … để phát triển kinh tế và nâng cao hiện đại hóa năng lực quốc phòng, hiệp lực đấu tranh chống các hành vi vi phạm luật pháp của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế.

 

2. Đẩy nhanh các hiệp định song phương với các nước trong khối ASEAN, trước mắt là xác định Vùng biển chồng lấn vùng Đặc quyền kinh Tế, tiến tới hợp tác chung về kinh tế an ninh quốc phòng với Malaysia, Indonesia, Philippines, Cambodia, Brunei…

3. Cùng các nước ASEAN yêu cầu Trung Quốc thực thi phán quyết vào năm 2016 của của TÒA THƯỜNG TRỰC được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS 1982 liên quan đến kết quả vụ kiện của Philippines để không bị mất thêm biển đảo, đồng thời ngăn ngừa Trung Quốc mưu toan cưỡng chiếm mở rộng vùng biển một cách phi lý và phi pháp trên Biển Đông.

4. Trong lúc này, nhà nước phải hết sức tiết kiệm các nguồn lực để tập trung phát triển kinh tế, tăng cường lực lượng quốc phòng, động viên sức mạnh toàn dân. Muốn thế phải xử lý mạnh tay bọn tham nhũng theo đúng luật điều 353, 354 điểm 1,2,3,4 Luật hình sự 2015, sửa đổi 2017 (chỉ cần tham nhũng 2 triệu đồng là vào tù, từ 1 tỷ trở lên là chung thân hoặc tử hình). Không được dung dưỡng tham nhũng bằng cách đứng trên luật pháp, chà đạp luật pháp, hành xử vô nguyên tắc kiểu tha hoặc giảm nhẹ hình phạt cho những kẻ tham nhũng “không có động cơ vụ lợi”, hoặc nộp tiền tham nhũng đã bị cơ quan công quyền phát hiện thì được tha.

 

Trái lại, đã tham nhũng là phải xử lý nghiêm theo luật đã ban hành; đã gây thiệt hại về kinh tế thì kẻ phạm tội phải bị tịch thu tài sản ở cả trong lẫn ngoài nước. Văn hóa và nhân văn cần được hiểu theo nghĩa phải xem xét mọi can nhân, phạm nhân với tư cách là con người, không được dùng nhục hình tra tấn cưỡng bức hoặc đối xử vô nhân đạo với họ trong lúc lập hồ sơ truy tố cũng như trong lúc thi hành án. Văn hóa, nhân văn không được hiểu theo nghĩa tha bổng hoặc giảm nhẹ hình phạt đối với hành vi tham nhũng.

5. Để động viên phát huy sức mạnh của toàn dân, nhà nước cần thực thi ngay Điều 25 của Hiến pháp 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”… Như vậy sẽ khơi dậy tính tích cực xã hội của toàn dân, giúp Nhà nước làm trong sạch bộ máy, sớm phát hiện, đưa những kẻ bất tài, kém đạo đức ra khỏi hệ thống chính trị, đồng thời có tác dụng ngăn ngừa, cảnh báo trước đối với những kẻ mưu toan tham nhũng. Hệ thống chính trị được điều hành bởi người có Phẩm chất và Năng lực phù hợp, đó là điều kiện để đoàn kết toàn dân, phát triển và bảo vệ đất nước hiệu quả.

6. Chính quyền cần đưa sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa (năm 1974), Chiến tranh Biên giới (năm 1979…) và chiếm một phần quần đảo Trường Sa (năm 1988) của Việt Nam vào môn học lịch sử các cấp để giáo dục thế hệ trẻ người Việt hôm nay và mai sau biết Sự Thật lịch sử dân tộc, ý thức sâu sắc rằng: Vừa hợp tác hoà bình, hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, nhưng vừa không bao giờ được quên âm mưu thôn tính Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Ngày 10 tháng 3 năm 2024.

_________

(Kính mời Quý Tổ chức và Quý Vị tham gia ký tên xin gửi về paracelle19011974@gmail.com) để cập nhật.

TỔ CHỨC XÃ HỘI DÂN SỰ:

1. Lập Quyền Dân, Nguyễn Khắc Mai, nhà nghiên cứu văn hóa, đại diện

2. Diễn đàn Xã Hội Dân Sự, TSKH Nguyễn Quang A, đại diện

3 . Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh, GS Nguyễn Đình Cống, đại diện

4. Câu lạc bộ Phan Tây Hồ, TS Hà Sĩ Phu, đại diện

5 . Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, ông Lê Phú Khải đại diện

CÁ NHÂN:

1. Ông Nguyễn Khắc Mai, viện trưởng viện Nghiên cứu Văn Hóa Minh Triết. Hà Nội

2. Ông Nguyễn Quang A, TSKH. Hà Nội

3. Bà Nguyễn Kim Chi, nghệ sĩ, CLB Lê Hiếu Đằng, TP Hồ Chí Minh

4. Ông Mạc Văn Trang, PGS TS Tâm lý học, TP Hồ Chí Minh

5. Ông Kha Lương Ngãi, nguyên phó TBT báo SGGP, CLB Lê Hiếu Đằng, TP Hồ Chí Minh

6. Bà Nguyễn Nguyên Bình, nhà văn, Hà Nội

7. Ông Võ Văn Thôn, nguyên GĐ sở Tư Pháp tp HCM, CLB Lê Hiếu Đằng, TP Hồ Chí Minh

8. Ông Trần Thế Việt, nguyên Bí thư thành ủy Dalat, Lâm Đồng

9. Ông Lê Phú Khải, nhà báo, CLB Lê Hiếu Đằng,TP Hồ Chí Minh

10. Ông Vũ Trọng Khải, PGS Tiến Sĩ chính sách nông nghiệp, TP Hồ Chí Minh

11. Bà Lại Thị Ánh Hồng, nghệ sĩ, CLB Lê Hiếu Đằng, TP Hồ Chí Minh

12. Ông Nguyễn Đình Cống, GS ngành xây dựng, Hà Nội

13. Ông Hà Sĩ Phu, Tiến sĩ, Đà lạt, Lâm Đồng

14. Ông Đinh Kim Phúc, nhà nghiên cứu Biển Đông, TP Hồ Chí Minh

15. Phan Đắc Lữ, nhà thơ CLB Lê Hiếu Đằng, TP Hồ Chí Minh

16. Hoàng Hưng, làm thơ, dịch sách, Saigon

17. Nguyễn Sơn Hà

18. Hoàng Dũng, PGS TS Ngôn Ngữ học, Saigon

19. Trần Minh Thảo, viết văn, thành viên CLB Phan Tây Hồ, Lâm Đồng, Việt Nam

20. Trần Văn Quyến, TS, Hà Nội

21. Trần Hưng Thịnh, kỹ sư, Hoàng Mai, Hà Nội

22. Trần Công Tâm, hưu trí, Saigon

23. Chu Anh Tuấn, Vũng Tàu

24. Bùi Nghệ, CLB Lê Hiếu Đằng, Saigon

25. Daniel Thiều Thị Tân, hưu trí, CLB Lê Hiếu Đằng, Saigon

26. Andre Menras (Hồ Cương Quyết) nhà giáo Pháp – Việt, CLB Lê Hiếu Đằng, Paris Pháp

27. Lê Thân, hưu trí, CLB Lê Hiếu Đằng, Saigon

28. Tieng Nguyen, Teniker, Steven, Đan Mạch

29. Đinh Hoàng Thắng, cựu đại sứ VN tại Hà Lan, Hà Nội

30. Nguyễn Thành Phương, Bà Rịa Vũng Tàu

Gạc Ma 1988 liệu đã phải là cuộc xâm lược cuối cùng?

RFA

TS Đình Hoàng Thắng

10-3-2024

Một cuộc tập trung ở Hà Nội năm 2016 tưởng niệm cuộc hải chiến Gạc Ma. Nguồn: AFP

Cuộc chiến bảo vệ quần đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988 trước các cuộc tấn công của nước láng giềng phương bắc 36 năm trước đây liệu đã phải là cuộc xâm lăng cuối cùng của Trung Quốc đối với Việt Nam?

Đặt câu hỏi trên cho bất cứ học sinh trung học nào có hiểu biết về lịch sử, khả năng bạn sẽ nhận được câu trả lời ‘Chắc Là Không!’ Đấy chẳng phải là thuyết âm mưu; chỉ cần một phép ngoại suy đơn giản! Học sinh có thể đưa ra dự báo trên cơ sở các dữ liệu mới nhất do chính Đài Tiếng nói Việt Nam công bố. Trong tổng số 20 cuộc xâm lăng suốt chiều dài lịch sử, chỉ riêng từ khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949 đến nay, tức là chỉ trong thời gian 75 năm, nước này đã xâm lược Việt Nam tất cả là bốn lần (1956, 1974, 1979 và 1988) (1).

Tuyên bố mới đây của một số tổ chức Xã hội Dân sự (XHDS), được đông đảo nhân sĩ, trí thức và các tầng lớp xã hội trong và ngoài nước vừa đồng ký tên, là nhằm tưởng niệm ngày lịch sử bi tráng này. Tuyên bố khẳng định, cuộc xâm lược của Trung Quốc cách đây 36 năm là những hành động thảm sát dã man, dùng đội tàu chiến tấn công các tàu vận tải, dùng quân dụng bắn giết chiến sỹ bảo vệ biển đảo không được vũ trang. ‘Với những hành động ngang ngược ấy, Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam, chà đạp lên các qui định của luật pháp quốc tế’ (2).

Kết quả bi hùng của cuộc chiến bảo vệ Gạc Ma ngày 14/3 là Việt Nam đã mất 3 tàu vận tải của Hải quân, 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Tuy giữ được Len Đao và Cô Lin nhưng đã tạm thời mất Gạc Ma. 36 năm trôi qua, 64 chiến sĩ Hải quân (Lữ đoàn 125, 126, 146, E83 công binh Hải quân) và ba tàu vận tải HQ-505, HQ- 604 và HQ-605 của Lữ đoàn 125 đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy biển. Xác hai con tàu cùng hài cốt của các quân nhân Việt Nam từ đấy đến nay vẫn chưa được trục vớt, do sự cấm cản từ phía nhà cầm quyền Trung Quốc. Trong khi đó, bãi cạn Gạc Ma năm xưa, nay Trung Quốc đã bồi đắp thành một đảo nhân tạo lớn và trở thành một căn cứ quân sự. Mặc sự thật phủ phàng ấy, mặc năm tháng dù trôi qua, mỗi lần nhớ về ‘những người nằm lại phía chân trời’ là một dịp chúng ta tưởng niệm, tri ân những người đã hy sinh vì Tổ quốc và tái khẳng định chủ quyền quốc gia dân tộc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Dòng lưu huyết hiếm hoi trên báo VietNamNet sẽ sống mãi trong tâm khảm các thế thế hệ người Việt (3).

Tưởng niệm ‘Vòng tròn bất tử’ dịp này (4), Tuyên bố của các tổ chức XHDS tiếp tục cảnh báo chính sách ‘ngựa theo đường cũ’ của Trung Quốc, vẫn tiếp tục thâm nhập sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Ngày 28 và 31 tháng 12 năm 2023 các tàu ‘Cảnh sát biển Trung Quốc’ (CCG) 5205 và 5305 đã xuất hiện trong vùng EEZ của Việt Nam, riêng tàu 5305 còn ngang nhiên tiến sâu vào ven bờ biển Qui Nhơn. Tháng 1/2024, Tàu Hướng Dương Hồng 10, tàu 5204, 5202 của Trung Quốc neo đậu ven EEZ của Việt Nam, tàu 5402 và 5901 là loại lớn nhất và hiện đại nhất, liên tục quấy phá Bãi Tư Chính của Việt Nam. Mới đây nhất, ngày 1/3/2024, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vừa công bố đường cơ sở thẳng cho phần của Trung Quốc trong Vịnh Bắc Bộ, khu vực mà hai nước Việt Nam và Trung Quốc từng phân định năm 2000 (chính thức công khai 2004). Việc công bố hôm 1/3 là vi phạm khoản 3 điều 7 của Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) (5).

 

Dư luận quốc tế gần đây cũng cảnh báo về việc tàu CCG 5901 nặng 12.000 tấn, vốn được mệnh danh là ‘The Monster’ (Quái vật), hầu như chuyên hoạt động ‘trong bóng tối’ (không phát sóng hệ thống thông tin tự động AIS), kể từ khi rời cảng Tam Á, Hải Nam từ cuối năm ngoái. Đây là hành vi thường xuyên vi phạm Công ước quốc tế về an toàn sinh mạng trên biển mà Trung Quốc là một bên ký kết. Các hành tung bí mật của ‘The Monster’ trong giai đoạn bật AIS vào các ngày 9 và 29 tháng 12 năm ngoái, còn gần đây nhất là vào ngày 7/1/2024 (6). Các cuộc tuần tra này đặc biệt nhắm vào các hoạt động dầu khí của Việt Nam tại các Lô 06-01, 05-03, 12-11 và 12W, theo phân tích của Reuters và của ‘Sáng kiến Biên niên sử Biển Đông’. Các tàu CCG của Trung Quốc vẫn thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra xâm nhập sâu trong vùng EEZ của các nước láng giềng, như muốn nhằm mục đích thiết lập sự hiện diện liên tục và dần dần bình thường hóa quyền tài phán của Trung Quốc đối với các khu vực thuộc vể các nước láng giềng theo luật pháp quốc tế.

vong tron bat tu.jpeg
Cuốn sách “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử” do Công ty Trí Việt-First News xuất bản tháng 07/2018. RFA edited

Nhớ lại lịch sử cách đây 36 năm, đúng như Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, người Việt Nam hai lần là thành viên Uỷ ban Luật pháp quốc tế của Liên Hợp Quốc (hiện đang đảm nhận nhiệm kỳ 2023-2027) đánh giá, chiến dịch CQ-88 đã củng cố thế đứng của Việt Nam, đưa số lượng đảo kiểm soát lên 21, với 33 điểm đóng quân. Điều quan trọng là sự hy sinh của các chiến sỹ đã giúp đất nước, lúc bấy giờ đang ở thế tứ bề thọ địch tránh được một cuộc chiến không cân sức. Nhưng theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, cuộc chiến 14/3 dù sao cũng đã tác động đến quyết tâm của các nhà lãnh đạo đất nước, nhanh chóng đổi mới, mở rộng quan hệ đối ngoại, sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế (7). Tuy nhiên, có một chi tiết lịch sử mà chắc vì tính chất nghề nghiệp, Đại sứ Thao đã không thể bộc bạch. Đó là một trong những nhức nhối của ‘cuộc thảm sát’ trên đảo ngày ấy, dẫn đến việc Việt Nam mất Gạc Ma, như Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, từng là Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam công khai thừa nhận, có ‘một mệnh lệnh từ cấp cao’ của lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam, ra lệnh cho các chiến sĩ không nổ súng trước (8).

Bài học 36 năm trước càng khiến chúng ta ngày nay phải cảnh giác và quan tâm đến ‘Dự án Project Myoushu’ chuyên nghiên cứu về ‘chiến thuật vùng xám’ mà Trung Quốc sử dụng quen thuộc để lấn chiếm tại khu vực Biển Đông, thay vì dùng lực lượng Hải Quân, để tuyên bố chủ quyền gần hết vùng biển rộng khoảng 3,4 triệu km2 với nhiều tài nguyên dầu khí và hải sản. Thông tin do Dự án này đưa ra cho thấy Trung Quốc canh chừng rất chặt chẽ các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam trong phạm vi ‘Đường lưỡi bò’ mà họ ngang ngược tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông. Nhiều khu vực được tạo ra từ những đường vạch đứt đoạn này lấn sâu vào các vùng EEZ 200 hải lý của Việt Nam và nhiều nước khác trong khu vực, theo Công Ước Quốc Tế UNCLOS-82. Tháng 9 năm ngoái, bà Lindsey Ford, Phó Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, đặc trách khu vực Nam và Đông Nam Á, điều trần ở Quốc Hội, tố cáo những gì Trung Quốc đang thi hành tại Biển Đông như chiếu laser, bắn vòi rồng vào tàu biển nước khác, trong cuộc tranh chấp chủ quyền biển đảo. Bà tố cáo Trung Quốc cho chiến đấu cơ J-20 đồn trú, bố trí hỏa tiễn chống tàu, hỏa tiễn phòng không tầm xa tại các đảo nhân tạo họ cưỡng chiếm từ Việt Nam ở Trường Sa, dù trong tuyên truyền, họ luôn tuyên bố không quân sự hóa Biển Đông (9).

__________

Tham khảo:

(1) https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/mai-me-voi-tham-vong-trung-quoc-tu-bay-chinh-minh-339173.vov (Trong lịch sử gần hàng ngàn năm của dân tộc Việt, các triều đại Trung Quốc đã đem quân xâm lược Việt Nam tất cả 20 lần: nhà Ân 1 lần, nhà Tần 1 lần, nhà Hán 4 lần, nhà Lương 3 lần, nhà Tống 2 lần, nhà Nguyên 3 lần, nhà Minh 1 lần, nhà Thanh 1 lần, CHND Trung Hoa 4 lần; tức với tần suất trung bình 150 năm một lần xâm lược). Từ khi CHNDTH ra đời năm 1949 đến nay, tức là chỉ trong thời gian 75 năm, nước này đã xâm lược Việt Nam đến 4 lần: năm 1956 chiếm phía nửa phía Đông quần đảo Hoàng Sa, năm 1974 chiếm nửa phía Tây quần đảo Hoàng Sa, năm 1979 xâm lược 6 tỉnh biên giới phía Bắc, năm 1988 chiếm đảo Gạc Ma, một phần quần đảo Trường Sa).

(2) Tuyên bố 36 năm ngày mất một phần quần đảo Trường Sa: https://baotiengdan.com/2024/03/10/tuyen-bo-36-nam-ngay-mat-mot-phan-quan-dao-truong-sa/

 

(3) https://vietnamnet.vn/chien-dich-cq-88-quan-ky-dam-mau-va-the-dung-viet-nam-2119719.html

(4) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/gama-immortal-circle-faces-difficulty-publishing-in-vietnam-07232018171616.html

(5) https://www.facebook.com/p/M%E1%BA%A1c-Van-Trang-100013518285955/ (Tuyên bố 36 năm ngày mất một phần quần đảo Trường Sa)

(6) https://www.sealight.live/posts/china-s-monster-sends-another-message-to-vietnam-1

(7) https://vietnamnet.vn/chien-dich-cq-88-quan-ky-dam-mau-va-the-dung-viet-nam-2119719.html

(8) https://www.rfa.org/vietnamese/news/people_stories/who-order-no-fire-at-jonhson-reef-03132018094556.html

(9) https://www.nguoi-viet.com/viet-namu-hai-canh-trung-quoc-canh-chung-ca-thang-tai-bai-tu-chinh/

Bình Luận từ Facebook