Seite auswählen
Trung Quốc là một nước khổng lồ đông dân. Kinh tế gia Adam Smith – người được xem như ông tổ của bộ môn kinh tế học – đã đánh giá về Trung Quốc từ cuối thế kỷ thứ 18 trong quyển sách nổi tiếng Luận Bàn về Của Cải Quốc Gia (Wealth of Nations, 1776) như sau:
    “Trung Hoa, với dân số đông đảo, với nhiều mặt hàng đa dạng sản xuất từ các địa phương có khí hậu thay đổi khác nhau, với hệ thống giao thương trên sông ngòi thuận tiện, hội đủ các điều kiện giúp cho thị trường trong nước tự túc và tự lực phân công sản xuất. Thị trường nội địa của Trung Hoa tự nó đã phong phú không thua kém gì thị trường của các nước Âu Châu hợp lại. Nhưng ngày nào Trung Hoa mở cửa buôn bán với nước ngoài, nhất là dùng phương tiện tàu thuyền hàng hải của chính họ (lời người viết – hàm ý người Hoa sẽ đi trên thương thuyền của họ ra nước ngoài học hỏi), sẽ không khỏi nâng cao số lượng hàng hóa và năng lực sản xuất từ trong nước. Cánh cửa giao thương một khi đã mở tất yếu sẽ giúp Trung Hoa học hỏi các ngành công nghệ và kỹ thuật của nhiều nước khác trên toàn thế giới.” [1]
    Một nhân vật lừng danh khác trong lịch sử là Đại đế Nã Phá Luân đã nhận xét “Hãy để Trung Hoa ngủ yên bởi vì khi tỉnh giấc nó sẽ làm rung chuyển thế giới. ” [2]
    Nay Trung Quốc từ một nước khép kín đã vươn mình trỗi dậy, hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu và đưa lại nhiều bài toán thách thức trật tự thế giới. Tập Cận Bình đã nhận xét với Putin nước Nga vào tháng 03/2023 “Có nhiều cơ hội trăm năm mới đến một lần, và hai chúng ta (tức là Putin và Tập) sẽ cùng nhau thúc đẩy các thay đổi đó.” [3]
    Trung Quốc là một nước lớn nên có thể được phân tích theo nhiều góc cạnh. Bài viết phần I sẽ tìm hiểu nền kinh tế Trung Quốc đã thay đổi như thế nào qua bốn mốc điểm thời gian để từ một nước chậm tiến lạc hậu nhảy vọt lên đứng hàng nhì thế giới chỉ trong vòng 40 năm sau ngày đổi mới.
1949-1978: Kinh Tế Chỉ Huy (Command Economy)
Mao Trạch Đông khi thành hình nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã hủy bỏ thị trường và quyền tư hữu, thay vào đó bằng mô hình kinh tế tập trung (centrally planned economy) đặt dưới sự chỉ huy của đảng Cộng Sản và đóng kín không giao thương với các nước tư bản. Kết quả dẫn đến nghèo đói khiến từ 40 cho đến 80 triệu người Hoa chết vì thiếu ăn.
1978-1992: Giai đoạn chuyển tiếp sang kinh tế thị trường
Nền kinh tế Trung Quốc kiệt quệ cho đến khi Mao Trạch Đông qua đời và cánh Tứ Nhân Bang bị hất ngã. Tháng 12 năm 1978 Đặng Tiểu Bình trở thành Nhà Lãnh Đạo Tối Cao. Họ Đặng công nhận thị trường, quyền tư hữu và mở cánh cửa kinh tế giao lưu với các nước tư bản. Nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu nhảy vọt từ đó.
    Vào tháng 03/1978 có một sự kiện ít được biết đến nhưng lay thức gã khổng lồ Trung Quốc khi hợp tác xã nông nghiệp Phúc Kiến xin phép được giữ lại phần sản xuất vượt chỉ tiêu để ban thưởng và khuyến khích nông dân hăng hái làm việc. Đây là giai đoạn trước Đổi Mới nên viên thư ký đảng bộ của hợp tác xã bị phê bình kiểm điểm vì lập trường tiểu tư sản. Nhưng chỉ 8 tháng sau đó vào cuối năm 1978 Đặng Tiểu Bình tuyên bố cải tổ và mở cửa nền kinh tế, đề nghị nói trên của hợp tác xã được mang ra thử nghiệm mang lại kết quả sáng chói nên viên thư ký đảng được tưởng thưởng ban khen.
    Đặng Tiểu Bình có cái nhìn thực tế về cải tổ thay vì là một lý thuyết gia. Ba câu nói của họ Đặng là “Mò đá qua sông”, “Giàu sang là vinh quang” và “Không thể nào mọi người trở nên giàu có trong cùng một lúc” trở thành châm ngôn trong giai đoạn chuyển tiếp khi đảng Cộng Sản dò dẫm chuyển đổi sang kinh tế thị trường nhưng vẫn độc quyền chính trị:
    “Mò đá qua sông”: họ Đặng không hối hả du nhập mô hình Đồng Thuận Washington [4] (bao gồm Tư Bản, Dân Chủ và tự do mậu dịch) để thúc đẩy thay đổi toàn bộ cấu trúc kinh tế và chính trị theo kiểu nước Nga dưới thời Yeltsin. Trái lại Bắc Kinh dò dẫm cải tổ ở từng thí điểm, sau đó nếu thành công mới đem áp dụng rộng rãi toàn quốc. Ngay vào lúc có những thúc giục cải cách mạnh mẽ nhất thì cánh bảo thủ của Đảng vẫn theo dõi thận trọng từng bước tiến không cho vượt ra ngoài tầm kiểm soát của nhà nước.
    “Giàu sang là vinh quang”: Bắc Kinh công nhận quyền tư hữu, khuyến khích làm giàu để nâng cao tính cạnh tranh và tăng gia sản xuất.
    “Không thể nào mọi người trở nên giàu có trong cùng một lúc”: họ Đặng chấp nhận khoảng cách giàu nghèo thay vì bình đẳng theo kiểu xã hội chủ nghĩa dưới thời Mao. Bắc Kinh ưu tiên phát triển thí điểm ở những vùng ven biển như Thượng Hải và Thẩm Quyến vốn thuận tiện cho việc giao lưu với nước ngoài. Điểm cuối cùng này đã tạo mầm mống cho hố sâu giàu nghèo giữa tầng lớp tư bản đỏ và quần chúng, và giữa hai khu vực duyên hải và đất liền nội-Trung.
    Những cải tổ từ năm 1979 của Đặng Tiểu Bình thúc đẩy tăng trưởng nhưng dẫn đến nạn lạm phát [5] khiến dân tình bất mãn vì giá cả gia tăng. Điều này cộng với phong trào dân chủ trong giới thanh niên sinh viên đưa đến biến cố Thiên An Môn và cuộc đàn áp đẫm máu 1989. Phe Đổi Mới thất thế trong khi cánh Bảo Thủ trong đảng Cộng Sản Trung Quốc trổi dậy chống cải tổ, nhưng hậu quả khiến nền kinh tế trở nên trì trệ. Bất ngờ đến năm 1991 Liên Bang Xô Viết sụp đổ. Đảng Cộng Sản Trung Quốc tự đánh giá đảng không thể tồn tại nếu đời sống dân chúng không cải thiện, nhưng kinh tế không phát triển nếu chính trị không ổn định.  Sang năm 1992 Đặng Tiểu Bình trong chuyến Nam Du đến Thượng Hải và Thẩm Quyến tái khẳng định chính sách Đổi Mới với tuyên bố “Không cần biết mèo vàng hay mèo đen, chỉ cần bắt được chuột đều là mèo tốt” nhằm khuyến khích tư doanh và thúc đẩy tăng trưởng. Dù vậy họ Đặng không hề nhắc đến thay đổi chính trị mà tiếp tục chủ trương độc quyền đảng trị. Đảng và nhà nước tiếp tục nắm giữ các mấu chốt kinh tế như quyền sở hữu đất đai (gọi là của toàn dân), hệ thống ngân hàng nhà nước (nhằm kiểm soát dòng vốn tức là mạch máu của thị trường), và hỗ trợ nhiều công ty quốc doanh cho dù lời hay lỗ nhưng đảng dùng làm chỗ tựa.
    Đặng Tiểu Bình quan sát 5 con rồng châu Á gồm Nhật, Nam Hàn, Hồng Kông, Singapore và Đài Loan để kết luận nhà nước phải tích cực thúc đẩy tăng trưởng thay vì buông thả cho tư nhân và thị trường tự do. Chuyến Nam Du của Đặng Tiểu Bình năm 1992 được xem như mốc điểm quan trọng để Trung Quốc chuyển đổi sang kinh tế thị trường trong Tư Bản Nhà Nước.
1992-2008: Tư Bản Nhà Nước (State Capitalism)
Tư Bản Nhà Nước là một khái niệm rộng được áp dụng ở nhiều nước từ dân chủ (Na Uy, Ấn Độ, Brazil) cho đến độc tài (Trung Quốc, Nga). Mô hình này bao gồm nhiều khía cạnh như sở hữu công và nhà nước can thiệp vào thị trường để (1) thúc đẩy các mục tiêu tăng trưởng và (2) hỗ trợ những ngành công nghiệp chiến lược dù công hay tư nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong khung cảnh toàn cầu hóa. Riêng Tư Bản Nhà Nước ở Trung Quốc còn thêm ý nghĩa đảng độc quyền cai trị nhưng kinh tế phải tăng trưởng và dân chúng tự do làm ăn.
    Năm 1994 chế độ thuế khoá được cải tổ ở Trung Quốc nhằm cắt giảm thâm thủng ngân sách tại Trung Ương [6]. Các địa phương phải tăng phần trăm chuyển thuế về Trung Ương, ngược lại địa phương có quyền hạn rộng rãi trưng dụng đất đai “của toàn dân” để bù đắp ngân sách thiếu hụt trong khu vực. Nhu cầu bất động sản ở Trung Quốc nhảy vọt vì kinh tế tăng trưởng nên cần thêm rất nhiều đất kinh doanh và đô thị hóa, đồng thời người dân Tàu lần đầu tiên được mua bán nhà. Các chính quyền địa phương đã trưng dụng đất đai “của toàn dân” rồi cho những tập đoàn thân hữu thuê mua khai thác khiến giá trị đất tăng vọt để thu thuế. Cho nên quyền sử dụng đất đai là chìa khóa mỏ vàng cho các lãnh chúa địa phương và tập đoàn tư bản đỏ tha hồ khai thác. Cải cách thuế má năm 1994 đặt nền móng cho cuộc khủng hoảng địa ốc ở Trung Quốc bắt đầu từ năm 2016 nhưng đây là câu chuyện về sau.
    Trong thập niên 1990 tuy đảng Cộng Sản độc quyền cai trị nhưng khu vực tư nhân năng động trở nên đầu tàu tăng trưởng. Trong khi đó nhiều công ty quốc doanh thua lỗ nặng nề. Đến cuối thập niên 1990 Bắc Kinh ngả theo kinh tế thị trường trước khi gia nhập WTO nên thu nhỏ hay tư nhân hóa những công ty nhà nước lỗ lã. Câu nói trong dân gian vào khoảng thời gian này là “tư nhân thăng tiến nhà nước lùi dần” (the private advances, the state retreats). Vai trò của nền Tư Bản Nhà Nước ở Trung Quốc tập trung vào việc quản lý các tập đoàn quốc doanh chiến lược cỡ lớn; cho phép dân chúng thôn quê lên thành thị làm việc trong hãng xưởng (nhưng không cung cấp hộ khẩu thành phố) để dùng đồng lương thấp thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài; ưu đãi tư bản dù trong hay ngoài nước qua những giám sát lỏng lẻo về môi trường, lao động và lương bổng; bán quyền sử dụng đất để đầu tư xây cất hạ tầng và đô thị; quản lý nguồn vốn trong nước qua hệ thống ngân hàng nhà nước; cho các công ty quốc doanh và những tập đoàn thân hữu vay mượn với phân lời thấp; quản lý thặng dư mậu dịch nhằm nâng cao quỹ dự trữ ngoại tệ; kềm giá đồng Nhân Dân Tệ để thúc đẩy xuất khẩu; và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước học hỏi kiến thức kỹ thuật của Tây Phương.
    Một biến cố quan trọng trong khoảng thời gian này là cuộc khủng hoảng tài chánh Đông Á năm 1998 khởi đầu do giới đầu cơ tiền tệ tấn công đồng Baht Thái Lan rồi hậu quả nhanh chóng lan tràn sang nhiều nước Nam Dương, Phi Luật Tân, Nam Hàn, Đài Loan… Bắc Kinh kết luận rằng Trung Quốc tuy khuyến khích mậu dịch với nước ngoài nhưng không thể mở rộng cánh cửa lưu thông tài chánh (financial liberalization) để ngăn ngừa giới tư bản quốc tế tấn công đồng Nhân Dân Tệ nhằm tạo ra khủng hoảng kinh tế và đe dọa sự tồn tại của chế độ [7]. Bắc Kinh giới hạn các công ty nước ngoài đầu tư vào ngân hàng cùng hai thị trường chứng khoán và địa ốc ở Trung Quốc; hạn chế vay mượn nước ngoài, thay vào đó các địa phương giữ độc quyền hệ thống ngân hàng địa phương để huy động vốn từ trong dân chúng; tích lũy thặng dư mậu dịch để nâng cao quỹ ngoại hối nhằm phòng hờ bị giới tài phiệt quốc tế tấn công đồng Nhân Dân Tệ.
    Biến cố quan trọng thứ nhì là Trung Quốc gia nhập WTO (World Trade Organization) vào tháng 12/2001. Trước đó vào tháng 09/2001 Mỹ bị nhóm khủng bố Hồi Giáo Al-Qaeda tấn công nên chú tâm vào vùng Trung Đông mà lơ là cảnh giác đối với Bắc Kinh. Trung Quốc dùng quỹ dự trữ ngoại tệ để kềm giá đồng Nhân Dân Tệ thúc đẩy xuất cảng sang Hoa Kỳ tăng vọt, cho đến năm 2014 quỹ này sở hữu con số kỷ lục 4 ngàn tỷ USD. Mỹ không phàn nàn vì Bắc Kinh mang tiền trở về Mỹ cho vay và biết thành chủ nợ hàng đầu mua nợ công Hoa Kỳ. Hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc giữ lạm phát ở Hoa Kỳ ở mức thấp để dân Mỹ không bất mãn cho dù phung phí tài nguyên quốc gia vào hai chiến trường Iraq và A-Phú-Hãn.
    Một nghịch lý trong nền Tư Bản Nhà Nước ở Trung Quốc là đảng độc quyền cai trị nên dẫn đến tình trạng bè phái và tham nhũng mà sau này Tập Cận Bình cảnh giác trở thành mối đe dọa cho sự sống còn của đảng, dù vậy khu vực tư nhân vẫn năng động và thị trường ở Trung Quốc đầy dẫy tính cạnh tranh. Tại sao nạn tham nhũng và độc đảng không bóp nghẹt tăng trưởng là một đề tài được tác giả Yuen Yuen Ang tìm hiểu trong quyển sách “China’s Gilded Age” (tạm dịch Thời Đại Vàng Mã ở Trung Quốc) và sẽ được tìm hiểu thêm trong các bài viết sau này.
2008 cho đến nay: Tư Bản Đảng và Nhà Nước (Party-State Capitalism)
Nếu trong Tư Bản Nhà Nước ở Trung Quốc có khác biệt giữa công hay tư thì đến Tư Bản Đảng và Nhà Nước không còn phân biệt được quốc doanh hay tư doanh bởi vì doanh nghiệp tư nhân trở thành cánh tay nối dài của Đảng và Nhà Nước. Tuy vẫn có thị trường nhưng mọi sinh hoạt kinh tế và xã hội đều phải phù hợp với chủ trương và đường lối của Đảng và Nhà Nước (thay vì các sinh hoạt kinh tế do tư nhân và thị trường định đoạt.)
    Năm 2008 được xem như bước ngoặt chuyển biến tư duy ở Bắc Kinh khi tư bản và thị trường tự do ở Mỹ không sáng suốt (rational market theory) mà trái lại đầu tư điên rồ (irrational market) vào lãnh vực địa ốc, kết quả dẫn đến cuộc Đại Khủng Hoảng Tài Chánh (Great Financial Crisis hay GFC) đưa nền kinh tế Hoa Kỳ và thế giới đến sát bờ vực thẳm. Trái lại nền kinh tế Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng Sản vẫn ổn định và tiếp tục tăng trưởng liên tục trong suốt 30 năm, và trở thành cái phao cứu vớt các nước đang mở mang không bị nhận chìm trong khủng hoảng [8]. Từ đó giới lãnh đạo ở Bắc Kinh tự tin khẳng định vai trò không thể thiếu của Đảng và Nhà Nước trong kinh tế để chấm dứt mọi tranh luận còn sót lại về đảng độc quyền chính trị và về thị trường tự do. Nói cách khác, Bắc Kinh quyết định chọn con đường tư bản đỏ thay vì đi theo tư bản Mỹ.
    Tăng trưởng kinh tế sinh ra tham vọng chính trị nên Bắc Kinh hé lộ các âm mưu về lãnh thổ (Đài Loan và biên giới Ấn) và lãnh hải (biển Đông và biển Nhật Bản). Kế hoạch Made in China 2025 nhằm dẫn đầu hay ngang hàng với Mỹ trong 25 ngành công nghệ chiến lược đưa đến chiến tranh thương mại dưới thời Trump, rồi Trung Quốc trở thành đối thủ chiến lược (strategic competitor) của Mỹ dưới thời Biden. Bắc Kinh không còn nép mình trong Trật Tự Thế Giới tự do (liberal world order) do Mỹ lãnh đạo từ sau Chiến Tranh Lạnh mà mưu đồ đứng đầu Thế Giới Phương Nam (Global South) gồm những nước đang mở mang trong kỷ nguyên trọng tâm kinh tế toàn cầu đang chuyển dịch từ Tây sang Đông, cụ thể qua đại kế hoạch Vòng Đai Con Đường và sự thành hình của Ngân Hàng Phát Triển Mới của khối BRICS (BRICS New Development Bank hay NDP) và Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á (Asian Infrastructructure Investment Bank hay AIIB) nhằm cạnh tranh với Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF).
    Nền Tư Bản Đảng và Nhà Nước ở Trung Quốc bao gồm nhiều điểm dưới đây, nhưng đặc điểm vẫn là doanh nghiệp tư nhân trở thành cánh tay nối dài của nhà nước.
    1. Đảng dùng bàn tay hữu hình của nhà nước để kiểm soát doanh nghiệp tư nhân: Các tổ sinh hoạt đảng được thành hình trong nhiều công ty tư nhân để điều hướng kinh doanh phù hợp với chủ trương của nhà nước; các mạng xã hội, những công ty thiết kế camera, máy bay không người lái, kỹ thuật bán dẫn (semiconductor), trí tuệ nhân tạo (AI), điện thoại 5G (Huawei), v.v… trở thành ứng dụng song hành (dual use technologies) vào cả an ninh quốc phòng lẫn tư nhân theo chỉ thị đảng; nhà nước khuyến khích ưu đãi doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các ngành công nghệ chiến lược của thế kỷ thứ 21 như trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật bán dẫn, ngành sinh học (biotechnology)… để nhanh chóng tự túc và bắt kịp Hoa Kỳ; để dẫn đầu các ngành sản xuất xe điện (Electric Vehicle hay EV), năng lượng tái tạo (renewable energy, gồm bình điện xe hơi, năng lượng gió và mặt trời) và điện thoại 5G. Trái với cuối thập niên 1990 khi nhà cầm quyền giải tán các công ty quốc doanh không sinh lời thì nay những công ty quốc doanh được cũng cố lớn mạnh. Nhà nước ép buộc các công ty Tây Phương hợp doanh và chuyển giao công nghệ cho công ty Trung Quốc.
    2. Đảng và Nhà Nước dùng bàn tay vô hình của thị trường để kiểm soát doanh nghiệp tư nhân: Nhà nước mua loại cổ phần vàng (golden shares) của nhiều công ty như Tencent và Alibaba. Quy định về cổ phần vàng không rõ ràng nên dù chỉ chiếm 1% lượng chứng khoán lưu hành nhưng đại diện nhà nước vẫn có quyền tham gia và chi phối các kế hoạch kinh doanh. Trước đây Trung Quốc tích lũy thặng dự mậu dịch vào quỹ dự trữ ngoại tệ con số lên đến 4000 tỷ năm 2012. Nhưng từ 10 năm nay con số này giảm xuống còn 3 ngàn tỷ, phần còn lại đầu tư vào ngân hàng phát triển cho các nước chậm tiến vay mượn (các bẫy nợ và kế hoạch Vòng Đai Con Đường) hoặc trong quỹ đầu tư quốc gia (Sovereign Wealth Fund hay SWF) như China Investment Corporation (CIC). Các quỹ này chọn lọc mua cổ phần của nhiều công ty Tây Phương như hãng xe Volvo của Thụy Điển để tham gia những quyết định của công ty như đầu tư xây cất hảng xưởng hoặc hợp doanh với công ty Trung Quốc. Đặc biệt từ năm 2016 Bắc Kinh lại dùng bàn tay của thị trường tẩy sạch khu vực bất động sản.  Nhà nước không bao che mà để mặt cho nhiều công ty địa ốc phá sản. Tập Cận Bình một phần muốn dân chúng và các nhà đầu tư địa ốc chừa bỏ thói “ỷ thế làm liều” (moral hazard) vì tin rằng thị trường địa ốc mọc rễ sâu trong giới cầm quyền nên lúc nào cũng được đỡ đầu; mặt khác họ Tập muốn chặt đứt các vây cánh đối nghịch ở địa phương mà tập trung quyền lực về trung ương. Nhưng thị trường địa ốc chiếm 25-30% GDP nên ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế, đây là một đề tài sẽ được phân tích trong các bài sau.
    3. Không chỉ giới hạn về kinh tế nhưng Bắc Kinh còn ép buộc các công ty nội địa và ngoại quốc phải có nhận thức “đúng đắn” và tuân thủ chủ trương mà Đảng đề ra: Những công ty nước ngoài như Disney, Nike, NBA… muốn làm ăn tại Trung Quốc không được nói xấu chế độ; không được nhắc đến các vi phạm nhân quyền; không có liên hệ với Đức Đạt Lai Ma; không phản đối lập trường của Trung Quốc về biển Đông, biển Hoa Đông và Đài Loan. Bắc Kinh trừng phạt thương mại các quốc gia có cái nhìn “sai lệch” về Trung Quốc: Úc khi đặt câu hỏi về nguồn gốc độc trùng Vũ-Hán; Na Uy lúc trao giải Nobel Hòa Bình cho nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba; Nhật và Phi Luật Tân do tranh chấp ở biển Hoa Đông và biển Đông. Hai công ty tài chánh mạng Ant Financial và dịch vụ đi xe chung Didi bị cấm IPO vào giờ chót. Hai đại công ty mạng Alibaba và Tencent nay bị Đảng và Nhà Nước kiểm soát chặt chẽ. Nhiều công ty dạy kèm và trò chơi trên mạng bị cấm đoán. Chính sách trên mạng cho thấy Bắc Kinh theo dõi các sinh hoạt trên không gian ảo rất chặt chẽ vì sợ thông tin vuột khỏi tầm kiểm soát. Chủ trương của nhà cầm quyền lại khuyến khích các sinh viên và kỹ sư không làm việc phần mềm và tài chánh mạng (khác với bên Mỹ) mà chú trọng đến phần cứng như kỹ thuật bán dẫn, năng lượng tái tạo, viễn thông, hỏa tiễn, sản xuất xe điện, máy bay, xe lửa cao tốc,…ngoại trừ các ngành mềm tối quan trọng như trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng.
    4. Người dân Trung Quốc bị đánh giá bằng “điểm xã hội” (social credit), nếu điểm xấu khó vay tiền ngân hàng, khó xin việc làm, con cái không được vào trường giỏi, người sống ở nước ngoài không được về thăm gia đình. Thật tình là các điểm xã hội này có được áp dụng phổ thông và đồng đều hay chăng không ai biết, nhưng chỉ những tin đồn đoán cũng đủ để người dân “tự ý kiểm duyệt.”
    5. Bức “Vạn Lý Tường Lửa” chận đứng các thông tin bất lợi cho Đảng và Nhà Nước kể cả những VPN của công ty nước ngoài làm việc tại Trung Quốc.
    Nhìn chung thì bàn tay hữu hình của Đảng và Nhà Nước tuy kiểm soát chặt chẽ nhưng không bóp chết tính năng động và cạnh tranh. Trung Quốc vẫn là một cường quốc đầu tư công nghệ, nhiều công ty nhờ vào trợ giúp của nhà nước nên năng động hiện diện ra toàn thế giới. Trung Quốc hiện qua mặt Nhật và Đức về sản xuất xe hơi (hãng BYD qua mặt Tesla của Mỹ); nắm gần độc quyền về năng lượng tái tạo (bình điện xe hơi, điện gió và mặt trời); Huawei dẫn đầu trong công nghệ 5G nhờ hai thị trường Trung Quốc và các nước đang mở mang; Trung Quốc tiếp tục xây cất hạ tầng ở Phi Châu, Nam Mỹ, Trung Đông và Đông Nam Á. Bù lại thị trường nhà đất ở Trung Quốc (vốn chiếm 20-30% GDP), nạn lão hóa và chính sách phong tỏa công nghệ của Mỹ là những đe dọa cho tăng trưởng. Bàn tay hữu hình của Đảng và Nhà Nước vừa trợ lực nhưng đồng thời làm cản lực cho nền kinh tế, nhưng đây là đề tài của những bài sau.
 Đoàn H. Quốc

[1] “…the great extent of the empire of China, the vast multitude of its inhabitants, the variety of climate, and consequently of productions in its different provinces, and the easy communication by means of water carriage between the greater part of them, render the home market of that country of so great extent as to be alone sufficient to support very great manufactures, and to admit of very considerable subdivisions of labour. The home market of China is, perhaps, in extent, not much inferior to the market of all the different countries of Europe put together. A more extensive foreign trade, however, which to this great home market added the foreign market of all the rest of the world; especially if any considerable part of this trade was carried on in Chinese ships; could scarce fail to increase very much the manufactures of China, and to improve very much the productive powers of its manufacturing industry. By a more extensive navigation, the Chinese would naturally learn the art of using and constructing themselves all the different machines made use of in other countries, as well as the other improvements of art and industry which are practised in all the  different parts of the world.” Adam Smith

[2] “Let China sleep, for when she wakes, she will shake the world.” Đại đế Nã Phá Luân

[3] “Now there are changes that haven’t happened in 100 years. When we are together, we drive these changes.” NBC News 03/22/2023

[4] Đồng thuận Washington (Washington consensus) là khuynh hướng cho rằng thịnh vượng là kết quả của tự do mậu dịch và khu vực tư nhân chủ động nền kinh tế thay vì nhà nước giám sát và can thiệp vào thị trường.

[5] http://www.country-data.com/cgi-bin/query/r-2731.html#:~:text=The%20first%20serious%20jump%20in,thirty%20years%20of%20steady%20prices.

[6] https://en.wikipedia.org/wiki/Tax-Sharing_Reform_of_China_in_1994

[7] Cuộc khủng hoảng tài chánh năm 1998 bắt đầu do giới tài phiệt quốc tế tấn công đồng Baht ở Thái Lan sau đó lan rộng khắp vùng Đông Nam Á, rồi dẫn đến sự sụp đổ của các chính quyền độc tài như Suharto (Indonesia, 1998) và trào lưu dân chủ hóa ở Nam Hàn và Đài Loan.

[8] Năm 2008-09 Trung Quốc tung ra gói kích cung khổng lồ trị giá 586 USD – tức là hơn 12% GDP thời bấy giờ – đẩy nền kinh tế tăng trưởng trên dưới 10% trong 3 năm sau đó. Trung Quốc trở thành nước nhập cảng nguyên vật liệu hàng đầu từ Canada, Úc, Brazil, Nam Dương,…nên là cái phao cứu vớt cho khối các nước xuất cảng nguyên vật liệu trong khi buôn bán với Âu-Mỹ sụt giảm nặng nề. Nhưng chính sách của Bắc Kinh lại tạo ra mầm móng cho khối nợ khổng lồ và bong bóng đầu tư địa ốc vốn ló dạng từ năm 2013.

Tìm hiểu kinh tế Trung Quốc – phần 2: Chính sách kinh tế trải qua nhiều giai đoạn

 

22/01/2024

Đoàn H. Quốc

china econ

Chương 1 tìm hiểu mô hình tăng trưởng của Trung Quốc đã thay đổi như thế nào qua các mốc thời gian. Chương 2 sẽ phân tích chính sách kinh tế của Trung Quốc trải qua nhiều giai đoạn, mục đích nhằm giúp người đọc nhận thấy một chính sách kinh tế đôi khi mất nhiều thập niên mới thấy hết hậu quả.

 
Trung Quốc lúc mở cửa đón nhận FDI nhưng hạn chế dòng vốn lưu động từ nước ngoài
 
Vào thập niên 1980 Trung Quốc còn là nước nghèo vừa mới hội nhập nên cần rất nhiều vốn đầu tư và phát triển. Một nước đang mở mang có hai nguồn vốn: (1) dòng vốn từ tiết kiệm của dân chúng (còn ít vì dân nghèo), và (2) dòng vốn từ nước ngoài.
    Vốn nước ngoài chia thành 2 loại: (1) dòng vốn FDI do các công ty ngoại quốc đầu tư xây cất nhà máy, hãng xưởng nên được xem như cố định vì khó rút về; (2) dòng vốn lưu động đầu tư tiền mặt ra vào thị trường tài chánh để mua bán nợ, chứng khoán và bất động sản. Khuynh hướng Đồng Thuận Washington (Washington consensus) vào thập niên 1980-90 khuyến khích các quốc gia tự do mậu dịch (free trade), đón nhận FDI và mở cửa thị trường tài chánh (financial liberalization) cho dòng vốn lưu động được tự do lưu thông ra vào trong nước. Trái lại Bắc Kinh nhờ mở cửa mậu dịch và khuyến khích FDI nhưng khép cánh cửa tài chánh để hạn chế dòng vốn lưu động nên tránh được cuộc Khủng Hoảng Tài Chánh Đông Á 1998. Xin được giải thích thêm về năm 1998:
    Dòng vốn lưu động từ nước ngoài bơm vào hai thị trường chứng khoán và địa ốc giúp dân cư thành thị làm giàu nhanh chóng. Nhà nước và các công ty xây cất dễ dàng vay mượn quốc tế để đáp ứng hai nhu cầu đô thị hóa và kiến thiết hạ tầng cần thiết cho tiến trình công nghiệp hóa. Nhưng tiền tuôn vào thường sinh ra bong bóng cùng nạn đầu tư lãng phí và kém hiệu quả. Đến khi nợ tăng nhanh hơn khả năng trả nợ thì các chủ nợ nước ngoài nhận thấy rủi ro quá cao sẽ hùa nhau bán tháo nợ để rút vốn mang về nước. Khi đó bong bóng trái phiếu, cổ phiếu và địa ốc nổ tung dẫn đến khủng hoảng kinh tế và xáo trộn chính trị.
    Trước năm 1998 Thái Lan có nhiều triển vọng sẽ thành con rồng thứ 6 ở Đông Á tiếp nối Nhật Bản, Nam Hàn, Hồng Kông, Đài Loan và Singapore. Tư bản nước ngoài không muốn đánh mất cơ hội lớn nên hối hả cho vay xây cất đô thị và hạ tầng[1]. Đến khi dấu hiệu của nạn đầu tư lãng phí hiện rõ thì giới đầu cơ tiền tệ quốc tế (currency manipulator) tiên liệu chủ đầu tư sẽ tháo vốn rồi đổi tiền Baht ra USD mang về nước nên tiên cơ hạ thủ tấn công đồng Baht. Chính quyền Bangkok không đủ ngoại tệ chống trả khiến đồng Baht thủng đáy. Khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ Thái Lan rồi nhanh chóng lan tràn sang Nam Hàn, Indonesia, Đài Loan,…dẫn đến Khủng Hoảng Tài Chánh Đông-Á 1998 và làm sụp các chính quyền độc tài ở những nước này.
    Trái lại Trung Quốc tuy mở cửa mậu dịch và khuyến khích FDI từ 1990 nhưng vẫn khép cửa thị trường tài chánh nhằm (1) hạn chế vay mượn quốc tế và (2) giới hạn dòng vốn lưu động từ nước ngoài đầu tư vào các ngân hàng, thị trường trái phiếu, cổ phiếu và địa ốc. Lý do có thể vì Liên Xô sụp đổ khiến đảng Cộng Sản Trung Quốc thận trọng tuy giao dịch với tư bản nhưng không trao trứng cho ác mà phải kiểm soát nguồn vốn tức là mạch máu của thị trường: vốn FDI được khuyến khích vì không lo rút về, còn vốn lưu động dễ tháo khoán nên cần hạn chế lưu thông.
    Bên cạnh việc hạn chế mượn tiền quốc tế[2] và kiểm soát nước ngoài đầu tư vào ngân hàng, mua bán nợ, chứng khoán và bất động sản Bắc Kinh còn giới hạn đổi tiền từ NDT sang USD nhằm chận đứng nạn chảy máu ngoại tệ. Bài học Khủng Hoảng Tài Chánh Đông Á 1998 cho Bắc Kinh thấy phải tăng dự trữ ngoại tệ để đề phòng giới đầu cơ tiền tệ tấn công đồng Nhân Dân Tệ (NDT) giống như đồng Baht trước đó.
    Điểm đáng lưu ý là nhờ hạn chế vay mượn nước ngoài nên khi bong bóng địa ốc xì hơi vào năm 2016 Trung Quốc đã không bị nạn tư bản nước ngoài tháo vốn bỏ chạy giống như Thái Lan trước đây. Trái lại tư bản trong nước sợ đồng NDT mất giá nên chuyển ngân ra ngoại quốc khiến quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc hụt mất 1 ngàn tỷ USD trong năm 2016[3]. Bắc Kinh nhanh chóng siết chặt không cho chuyển tiền nên chận đứng được nạn chảy máu ngoại tệ và ổn định đồng NDT. Tuy nhiên nợ trong hay nợ ngoài vẫn là…nợ (tức là thiếu nợ phải trả cách này hay cách khác dù là quịt nợ), hiện Trung Quốc đang trải qua tiến trình thanh toán nợ (deleveraging) rất cam go và nguy hiểm. Vấn đề này sẽ còn được phân tích nhiều lần trong các phần sau.
 
Trung Quốc huy động dòng vốn trong nước bằng biện pháp áp chế tài chánh (financial repression) và bơm tín dụng
 
Xin nhắc lại vào các thập niên 1980-2010 Trung Quốc cần rất nhiều vốn để xây cất đô thị và hạ tầng cho tiến trình công nghiệp hóa. Bắc Kinh hạn chế vay mượn từ nước ngoài nên dùng biện pháp áp chế tài chánh nhằm góp vốn từ tiết kiệm trong dân. Nhưng dân Tàu trong những năm 1980-1990 còn nghèo không tiết kiệm đủ cho nên Bắc Kinh bù đắp thiếu hụt bằng cách nới lỏng tín dụng cho thị trường xây cất.
 
Trung Quốc áp chế tài chánh để thu hút tiết kiệm từ dân chúng
 
Nhờ Bắc Kinh khép cửa tài chánh nên các ngân hàng nhà nước không bị cạnh tranh từ nước ngoài. Ngân hàng nhà nước độc quyền thu hút tiết kiệm trong dân chúng với phân lời thấp hơn nhịp độ tăng trưởng, rồi sau đó cho các công ty quốc doanh và doanh nghiệp thân hữu vay mượn với lãi suất thấp nhằm thúc đẩy kinh tế. Dùng thí dụ cho dễ hiểu, giả sử GDP tăng trưởng 10% nhưng lãi suất tiết kiệm 4% nên lãi suất cho vay ưu đãi 6% để công ty quốc doanh vay mượn thì chỉ kinh doanh xoàn xoàn 7% cũng có lời. Trong khi đó doanh nghiệp tư nhân mượn tiền theo lãi suất thị trường 8% (tức là 2% cao hơn lãi suất ưu đãi dành cho công ty quốc doanh) nhưng nhờ đầu tư tốt nên tăng trưởng 12-14% thì cộng lại GDP vẫn tăng vọt.
    Chơi chứng khoán ở Trung Quốc cũng giống như đi vào sòng bạc nên dân Tàu dù ham đen đỏ cũng không dám bỏ hết vốn liếng đầu tư cổ phiếu nên phần lớn tiền để dành đành gởi vào ngân hàng cho dù lãi xuất tiết kiệm thấp hơn độ tăng trưởng của GDP. Nhìn cách khác là nhà cầm quyền bóc lột thặng dư lao động của công nhân (tăng trưởng GDP là nhờ vào sức lao động của công nhân) để đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp (lãi xuất tiết kiệm thấp nên lãi xuất cho vay cũng thấp nhằm thúc đẩy tăng trưởng.)
    Ở Trung Quốc có khoảng 700 triệu công nhân lao động với tay nghề thấp từ thôn quê lên các khu đô thị làm việc. Những người này không được cung cấp hộ khẩu thành phố nên không được hưởng các dịch vụ xã hội tốt về y tế, nhà ở và giáo dục con cái ở những đô thị lớn. Họ phải cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm trong ngân hàng hòng xây nhà dưới quê, cưới vợ, nuôi con, phòng khi mất việc, bệnh hoạn, già yếu v.v… Số công nhân nói trên không được thành lập công đoàn để tranh đấu đòi hỏi các quyền lợi lao động như tăng lương, dịch vụ y tế, tiền hưu bổng v.v…
    700 triệu công nhân với tay nghề thấp[4] (tức trình độ học vấn thấp) không được tăng lương (so với lạm phát) từ năm 1990-2005[5]. Trong khoảng thời gian này nhân lực tại Trung Quốc còn dồi dào nên thu nhập ở thành phố dù kém nhưng vẫn rất cao so với nông thôn, cho nên doanh nghiệp không sợ áp lực tăng lương vì lúc nào cũng có nhiều người mới ra đô thị sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp không cần chuyên môn. Nhà cầm quyền không can thiệp bảo vệ quyền lợi người lao động mà trái lại hỗ trợ doanh nghiệp cắt giảm chi phí công nhân nhằm tăng vốn đầu tư sản xuất.
    Doanh nghiệp bán hàng ra nước ngoài có lời không đổi tiền lời USD sang NDT để tăng lương công nhân mà phải gởi USD vào ngân hàng nhà nước. Bắc Kinh qua đó tích lũy ngoại tệ để hãm giá trị đồng NDT không cho tăng so với USD, một mặt nhằm tăng quỹ ngoại hối phòng khi đồng NDT bị tấn công, mặt khác kềm giá đồng NDT để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Không đổi thặng dư mậu dịch bằng USD sang NDT tức là giảm lượng tiền NDT lưu hành, qua đó giảm áp lực lạm phát và áp lực tăng lương cho công nhân! Ngược lại Trung Quốc nhập cảng lương thực và xăng dầu nên đồng NDT bị ép giá đồng nghĩa với nhà cầm quyền áp chế sức tiêu thụ của quần chúng để phục vụ doanh nghiệp và tăng trưởng.
 
Bắc Kinh nới lỏng tín dụng cho ngành xây dựng
 
Nguồn tiết kiệm trong dân chúng không đáp ứng đủ cho nhu cầu xây cất đô thị và hạ tầng đang tăng vọt. Thuế thu vào không đủ cho ngân sách nhưng Bắc Kinh lại không muốn vay mượn nước ngoài. Năm 1994 Trung Quốc cải tổ luật thuế yêu cầu các địa phương tăng % thuế gởi về Bắc Kinh để giảm bớt gánh nặng của trung ương. Bù lại các nhà cầm quyền địa phương có quyền hạn rộng rãi trưng dụng đất đai “của toàn dân” để bù đắp khoảng trống thiếu hụt; đồng thời các ngân hàng địa phương được phép nới lỏng mức tín dụng cho vay. Đây là chìa khóa mỏ vàng cho các lãnh chúa địa phương và tư bản đỏ tha hồ khai thác.
    Dân Tàu lần đầu tiên được mua nhà từ sau cách mạng 1949 nên thị trường nhà đất tăng vùn vụt kể từ năm 1992. Nhà cầm quyền địa phương trưng dụng đất đai rồi cho các tập đoàn thân hữu khai thác. Giá trị bất động sản nhảy vọt nên công ty xây dựng dùng làm đòn bẩy để vay mượn thêm tiền từ ngân hàng. Ngân hàng địa phương được Bắc Kinh cho phép nới lỏng tín dụng nên bơm tiền cho doanh nghiệp thân hữu vay mượn. Đầu tư hạ tầng tăng thu hút công ty nước ngoài khiến kinh tế phát triển giúp cho địa phương cùng các quan chức khu vực vừa giàu lại thăng quan tiến chức. Thị trường địa ốc bốc hỏa đến mức những công ty xây cất đòi hỏi dân chúng phải đóng góp tiền hàng tháng ngay vào lúc nhà mới mua nhưng chưa kịp xây, rồi dùng đó làm vốn đầu tư vào các công trình mới. Bong bóng địa ốc ở Trung Quốc sẽ được tìm hiểu thêm trong phần sau, nhưng ý chính nơi đây là của Trung Quốc không vay mượn dòng vốn lưu động ở nước ngoài mà dùng tín dụng thúc đẩy xây cất hạ tầng và đô thị.
 
Trung Quốc hạn chế tiêu thụ để thúc đẩy đầu tư
 
Chính sách áp chế tài chánh phân tích nói trên nhằm hạn chế tiêu thụ trong dân chúng để thúc đẩy đầu tư:
    700 triệu công nhân với tay nghề thấp không được tăng lương từ 1990-2005 cho nên sức mua bị giảm.
Trung Quốc không đầu tư cải tiến mạng lưới an sinh xã hội ở thôn quê cho nên 700 triệu công nhân lên thành phố làm việc phải tiết kiệm về thôn quê, tức là sức mua bị giảm.
    Dân chúng phải gởi tiền vào ngân hàng với lãi suất thấp, cho nên sức mua bị giảm. Bắc Kinh hãm giá đồng NDT khiến giá nhập cảng lương thực và xăng nhớt cao thành ra hạn chế sức tiêu thụ của dân chúng. Tiêu thụ nội địa ở Trung Quốc chiếm khoảng 40% GDP trong lúc ở Hoa Kỳ là 70% GDP. Mỹ xài quá nhiều, Tàu xài quá ít tạo ra bất thăng bằng.
    Nhiều kinh tế gia cho rằng Trung Quốc xuất khẩu tiết kiệm / export savings, chính xác hơn xuất khẩu hàng hóa) vì Trung Quốc hạn chế tiêu thụ nên dư thừa tiết kiệm dùng làm vốn đầu tư hỗ trợ cho ngành xuất khẩu. Trái lại Mỹ xài quá nhiều mà tiết kiệm không đủ nên phải nhập khẩu tiết kiệm / import savings, tức là mượn tiền và thâm thủng mậu dịch) từ Trung Quốc và nhiều nước khác kể cả Việt Nam.
    Có 2 điểm quan trọng không nên lẫn lộn với chính sách giới hạn tiêu thụ của Bắc Kinh:
    Khi còn nghèo thì Trung Quốc dùng mức tiêu thụ khổng lồ của 1.3 tỷ người để thu hút đầu tư từ nước ngoài. Câu nói thường được nhắc đến là chỉ cần mỗi người dân Tàu uống 1 lon nước ngọt thì hãng Coca-Cola cũng giàu to.
    Đến nay Trung Quốc lại trở thành một nước khổng lồ nhưng hai bộ mặt: tiêu thụ của dân lao động và ở thôn quê (700-800 triệu dân) bị hạn chế trong khi mức tiêu thụ ở các thành phố vùng duyên hải (300-500 triệu dân) cao không kém gì Âu-Mỹ. Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Qưyến…là những thị trường tiêu thụ cực lớn với mức tăng trưởng đầy hứa hẹn thu hút các đại tập đoàn quốc tế như Tesla, Apple, BMW, Airbus, Louis Vuitton…Thị trường tiêu thụ ở Trung Quốc lớn, đa dạng và năng động nên làm bàn đạp cho các công ty nội địa như Huawei, Xiaomi, BYD…hoàn thiện sản phẩm trong nước (điện thoại, xe điện…) rồi mới tung ra cạnh tranh với thế giới.
    Nhiều nhà nghiên cứu đã so sánh xã hội Trung Quốc hiện giờ với thời đại Vàng Mã (Gilded Age) bên Mỹ vào cuối thế kỷ thứ 19 khi nhịp độ tăng trưởng kinh tế và khoảng cách tiêu thụ giàu nghèo đều vọ nhanh tột bực. Nền dân chủ và tự do báo chí ở Hoa Kỳ thời bấy giờ đã tố cáo các bất công dẫn đến nhiều thay đổi chính trị và cải tổ về luật lao động vào đầu thế kỷ 20. Sau đó cuộc Đại Khủng Hoảng Kinh Tế Toàn Cầu năm 1929 mang lại sự hình thành của mạng lưới an sinh xã hội ở Hoa Kỳ. Ngược lại Tập Cận Bình vẫn đề cao Đảng và Nhà Nước Trung Quốc sẽ chủ động xây dựng một Xã Hội Hài Hòa (Harmonic Society, nghĩa là không quá giàu hay nghèo, và mọi người đều phải rập nghe lệnh của đấng trời con) thay vì dựa vào tiến trình dân chủ và tự do báo chí; họ Tập còn nhấn mạnh Trung Quốc dù giàu mạnh nhưng không đi vào mô hình xã hội phúc lợi (welfare state) vốn khiến xã hội Tây Phương trở nên lười biếng và đồi trụy. Nhưng đây sẽ là đề tài của những phần sau.
 
Trung Quốc thặng dư tiết kiệm sinh ra nợ xấu
 
Như trên đã phân tích Trung Quốc đặt nặng đầu tư hơn là tiêu thụ, và trải qua 3 giai đoạn:
    Từ thập niên 1980 đầu tư hỗ trợ xuất khẩu.
    Đến năm 2008 đầu tư hỗ trợ xây cất.  
    Sang 2021 đầu tư hỗ trợ công nghiệp cao cấp trong nước.
    Trước hết hãy làm quen với vài con số ấn tượng:
    Từ khi mở cửa và nhất là sau khi gia nhập WTO xuất khẩu ở Trung Quốc nhảy vọt lên đến con số kỷ lục 35% GDP năm 2007 (1250 tỷ USD), nhưng từ đó cho đến 2022 sụt giảm xuống còn 20% GDP (3270 tỷ USD)[6]. Ngược lại thị trường bất động sản ở Trung Quốc mới thành hình từ năm 1992 nhưng nay chiếm con số khổng lồ 30% GDP[7] (so với ở Mỹ chỉ từ 15-18% GDP[8]).
    Mốc điểm thời gian đầu tiên vào năm 2008 khi hai cuộc Đại Khủng Hoảng Tài Chánh 2007-08 và Khủng Hoảng Euro 2010-12 khiến lượng hàng hóa mua từ Trung Quốc sang Âu-Mỹ sụt giảm mạnh. Thặng dư tiết kiệm của Trung Quốc không thể tiếp tục đổ vào ngành xuất khẩu nên chuyển sang xây dựng. Năm 2008 Trung Quốc tung ra một gói kích cung[9] khổng lồ lên đến 12.5% GDP (586 tỷ USD). Điểm đáng ghi nhận là Bắc Kinh không dùng ngân sách để kích thích nền kinh tế mà trái lại cho phép các ngân hàng địa phương nới lỏng tín dụng cho doanh nghiệp (thay vì người tiêu thụ) vay mượn. Nhờ vậy Trung Quốc không thiếu hụt ngân sách nên không tăng nợ công ở trung ương so với Âu-Mỹ. Ngược lại nợ nhảy vọt ở địa phương và trong các doanh nghiệp xây cất.
    Các công ty xây dựng dễ dàng vay mượn vì ngành xuất khẩu khựng lại. Giá đất đai tăng nên thuế thu vào tăng, nhà cầm quyền địa phương nhờ đó tăng đầu tư xây cất hạ tầng (phi trường, xe lửa cao tốc…) với mục đích thu hút xây cất đô thị mới. Bắc Kinh khuyến khích dân quê dọn lên các thành phố mới nhằm hữu hiệu hóa canh nông bằng cách tập trung trồng trọt ở diện tích rộng.
    Vấn đề là từ năm 1980 Trung Quốc còn nghèo nên nhu cầu hạ tầng và bất động sản rất cao, nhưng đến đầu thập niên 2000 thì đã tạm đủ, rồi từ sau năm 2008 sinh ra ngập lụt xây cất vì lạm dụng tín dụng đầu tư. Năm 2013 bắt đầu xuất hiện những thành phố ma (ghost cities), các khu thương xá và chung cư vắng bóng người, nhiều phi trường không máy bay cất cánh và vài cầu cáp treo kiểu cọ lạ đời[10]!
    Bắc Kinh lo ngại siết chặt tín dụng đầu tư xây cất vào năm 2016. Kinh tế và khu vực nhà đất chậm lại khiến thành phần tư bản trong nước hối hả chuyển tiền ra nước ngoài làm chảy máu ngoại tệ mất 1000 tỷ USD. Tập Cận Bình nhát tay nới lỏng cho vay nhưng không giải quyết tận gốc tình trạng nợ xấu cho nên khủng hoảng nhà đất nổi lên trở lại từ lúc công ty nhà đất Evergreen vỡ nợ vào năm 2021 cho đến nay.
    Vấn nạn của Bắc Kinh là khu vực bất động sản chiếm 30% GDP nên khủng hoảng khiến nền kinh tế trì trệ hay ngã nhào. Nhưng nếu không xuất khẩu hay nhà đất thì ngành nào khác sẽ thay thế thành đầu tàu tăng trưởng?
    Mốc điểm thời gian thứ hai vào năm 2021 với 4 sự kiện lớn xảy ra cùng một lúc:
    Khủng hoảng địa ốc ở Trung Quốc có dấu hiệu ngày càng trầm trọng mà nổi bật nhất là đại tập đoàn xây cất Evergreen bị vỡ nợ. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu dưới thời Trump nhưng không thuyên giảm với Biden qua chính sách phong tỏa công nghệ cao của Mỹ đối với Trung Quốc. Ngành công nghệ xanh và năng lượng tái tạo trở nên hấp dẫn từ khi Biden đắc cử vào năm 2020. Trung Quốc đang lão hóa với nhịp độ gấp rút nên phải đầu tư vào công nghệ cao để nâng cao năng suất.
    Khủng hoảng địa ốc, nợ xấu và chính sách bất nhất của Bắc Kinh vào cuối dịch Vũ-Hán kéo nhịp độ phát triển kinh tế của Trung Quốc xuống còn 5% (nhiều nhà quan sát cho là tăng trưởng thật chỉ khoảng 3%). Hiện có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh chuyển hướng đầu tư từ (1) hỗ trợ xuất khẩu sang (2) ngành xây dựng rồi nay (3) sản xuất năng lượng xanh và công nghiệp điện toán vì nhiều nguyên do:
    Bắc Kinh đầu tư ào ạt vào Trí Tuệ Nhân Tạo và chế tạo chip điện toán để tự lực hay bắt kịp Hoa Kỳ trong hai công nghệ cốt lõi của thế kỷ 21. Từ 2021-22 Trung Quốc đã bỏ vốn 290 tỷ USD vào các nhà máy sản xuất chip[11], mục tiêu nếu không theo kịp Mỹ ở loại chip tối tân nhất thì vẫn tràn ngập thị trường chip trung và thấp hạng.
Trung Quốc hiện chiếm ưu thế áp đảo trên thế giới về công nghiệp xanh: 80% năng lượng mặt trời (solar panel)[12], 82% bình điện xe hơi[13] và dẫn đầu sản xuất xe hơi điện. Xe hơi điện sản xuất tại Trung Quốc giá chỉ ½ so với Âu-Mỹ nhờ vào ăn cắp rồi cải tiến kỹ thuật, lương nhân công rẻ, nhà máy tối tân, bình điện xe hơi và nguồn sắt thép dư thừa sản xuất trong nội địa. 
    Nợ ở Trung Quốc hiện chiếm 286% GDP[14]. Tăng trưởng giảm trong khi nạn lão hóa tăng vọt. Ngành bất động sản chiếm 30% GDP nhưng nay không còn là đầu tàu tăng trưởng mà còn phải lo giải quyết nợ xấu. Bắc Kinh hiện đầu tư ào ạt vào năng lượng xanh, công nghiệp điện toán và trí tuệ nhân tạo với hy vọng sẽ đẩy nền kinh tế nhảy vọt lên hàng đầu thế giới. Nhưng Hoa Kỳ đang phong tỏa công nghệ cao cấp. Âu Châu và Ấn Độ chuẩn bị dựng lên rào cản thương mại để chận đứng nhập cảng xe điện và sắt thép. Trung Quốc đổ thặng dư sản xuất bán sang các nước đang mở mang nhưng những nước này học khôn sợ rơi vào bẫy nợ. Những năm tới đây sẽ là giai đoạn quyết định không những cho Trung Quốc mà còn cho cả tương lai của toàn thế giới.
 
 Đoàn H. Quốc
 

[1] Một lý do khiến tư bản quốc tế đổ tiền vào Thái Lan là vì bong bóng địa ốc ở Nhật bị vỡ vào đầu thập niên 1990. Tiền chuyển hướng từ Nhật sang Nam Hàn và Đông Nam Á để kiếm lời

[2] Vì hạn chế mượn tiền quốc tế nên hậu quả ngày nay là các địa phương, ngân hàng và công ty xây cất ôm mối nợ khổng lồ tiền NDT trong nước (thay vì nợ USD với nước ngoài). Tuy Bắc Kinh ít sợ tình trạng tư bản nước ngoài tháo vốn bỏ chạy nhưng nợ dù trong hay ngoài nước vẫn là…nợ nên Trung Quốc sẽ phải trải qua quá trình giải quyết nợ (deleveraging) rất cam go.

[3] https://www.bloomberg.com/news/articles/2016-12-07/china-foreign-reserves-drop-most-in-10-months-as-yuan-slumps

[4] Các ngành nghề không cần chuyên môn như làm việc trong dây chuyền sản xuất ở hãng xưởng, ngành may mặc và xây cất (thợ hồ,v.v…) Những công nhân xây dựng đang bị sa thải vì khủng hoảng địa ốc khiến số thanh niên thất nghiệp ở Trung Quốc lên đến 20%.

[5] Sách The Invisible China của Scott Rozelle. Sau năm 2005 lương lao động ở Trung Quốc tăng 10% mỗi năm

[6] https://data.worldbank.org/indicator/NE.EXP.GNFS.ZS?locations=CN

[7] https://www.eastasiaforum.org/2023/12/07/diminishing-returns-on-real-estate-threaten-chinese-economic-growth/#:~:text=In%202021%2C%20the%20direct%20and,rises%20to%2031%20per%20cent.

[8] https://www.nahb.org/news-and-economics/housing-economics/housings-economic-impact/housings-contribution-to-gross-domestic-product

[9] Trung Quốc thúc đẩy sản xuất nên gọi là kích cung. Âu Mỹ hỗ trợ tiêu thụ nên gọi là kích cầu

[10] Những công trình kiến trúc và xây tượng tại Việt Nam cũng là một dấu hiệu của đầu tư không hiệu qu

[11] https://www.digitimes.com/news/a20230627VL205/china-ic-manufacturing-semiconductor-chips+components.html

[12] https://www.reuters.com/world/china/china-will-dominate-solar-supply-chain-years-wood-mackenzie-2023-11-07/

[13] https://www.visualcapitalist.com/chinas-dominance-in-battery-manufacturing/

[14] China’s Debt-to-GDP ratio rises to fresh record of 286.1% GDP. Bloomberg 01/16/2024 

 

Tìm hiểu kinh tế Trung Quốc : Chương 3: khủng hoảng địa ốc

Ảnh minh họa- Nguồn AFP

Khủng hoảng nhà đất hiện đe dọa sự tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. Ngành xây cất chiếm 30% GDP (so với Hoa Kỳ 15-18% GDP) và là đầu tàu tăng trưởng thay thế cho xuất khẩu chậm lại sau khủng hoảng kinh tế ở Âu-Mỹ kể từ năm 2008. Nay đến lượt thị trường nhà đất suy thoái thì Bắc Kinh phải tìm cho ra đầu tàu mới để thay thế nhằm đạt mục tiêu phát triển 5% mỗi năm trong khi chính nhà nước còn đang lúng túng giải quyết khối nợ xấu khổng lồ ở các địa phương và của những công ty xây dựng. Bài 3 này đúc kết nhiều dữ kiện đã trình bày trước đây trong phần 1 và 2 để có cái nhìn toàn diện về khủng hoảng nhà đất ở Trung Quốc.

Báo China Morning Post xếp các thành phố ở Trung Quốc theo 4 thứ hạng: hạng nhất gồm 5 thành phố lớn nhất là Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân và Quảng Châu; hạng nhì gồm Thẩm Quyến, Vũ Hán, Nam Kinh…tức những cổ máy tăng trưởng kinh tế; xuống đến hạng 3 và 4 gồm các đô thị nhỏ, ít dân với thu nhập thấp. Mỗi lần khủng hoảng địa ốc thì giá nhà ở các thành phố hạng 1&2 trồi sụt lên xuống nhưng rồi tăng vọt trở lại (kiểu giống Cali bên Mỹ) trong khi hạng 3&4 khó phục hồi do tăng trưởng kém cộng với nợ nần cao.

Ngành địa ốc ở Trung Quốc chia ra làm 4 thời kỳ: 

  1. 1992-1998: thị trường nhà đất chỉ bắt đầu hiện diện kể từ sau chuyến Nam Du (Southern Tour) của Đặng Tiểu Bình đẩy mạnh các cải cách vào năm 1992. Dân Tàu lần đầu tiên được mua bán và sở hữu nhà đất kể từ sau khi đảng Cộng Sản lên nắm quyền năm 1948. Luật lệ và thị trường còn nhiều thiếu sót nên chỉ vài năm sau đó bơm lên bong bóng địa ốc đầu tiên. Tuy nhiên ngành nhà đất chưa chiếm phần quan trọng trong GDP nên không để lại ảnh hưởng lâu dài.
  1. 1998-2008: có 3 đặc điểm đáng ghi nhận trong khoảng thời gian này:
  • Nhà cầm quyền ngưng tài trợ hay cung cấp chỗ ở, thay vào đó nhà đất mua bán theo giá thị trường (gọi là commodity housing)
  • Dân chúng và các công ty xây dựng vay mượn tiền ngân hàng đầu tư và mua bán bất động sản. Chỉ dân cư mang hộ khẩu thành phố mới vay được tiền mua nhà với lãi xuất ưu đãi và đăng ký quyền sở hữu đất đai ở đô thị nên khu vực 1&2 nằm ngoài tầm tay của hàng trăm triệu công nhân viên từ thôn quê lên đô thị sinh sống. Giá nhà tăng cao ngất ngưỡng không kém gì ở New York hay thung lũng điện tử bên Mỹ khiến dân chúng tranh giành mua bán tạo ra nhiều cơ hội đầu cơ.
  • Nhà cầm quyền địa phương trưng dụng rồi đấu thầu khai thác đất đai “của toàn dân”. Các ngân hàng địa phương nới lỏng tín dụng cho những tập đoàn thân hữu vay mượn đầu tư xây cất. Giá nhà tăng đều khắp nơi nhưng bốc hỏa nơi các đô thị lớn. Bắc Kinh lo ngại bong bóng nên siết chặt tín dụng vào năm 2005-07 khiến giá nhà khựng lại trong các thành phố hạng 1&2 nhưng rớt xuống 30% ở hạng 3&4.

Một điểm đáng chú ý là trữ lượng ngoại tệ tăng vọt kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001. Bắc Kinh dùng đó cho ra đời một quỹ đầu tư quốc gia (sovereign wealth fund) mang tên Central Huijin để tái cấp vốn cho các ngân hàng mang nhiều nợ xấu trong đợt khủng hoảng vào cuối thập niên 1990. Qua đó Bắc Kinh dùng cơ chế của thị trường (dưới hình thức quỹ đầu tư) để gián tiếp can thiệp vào thị trường – thay vì nhà nước trực tiếp can thiệp vào thị trường nếu trung ương ra mặt tiếp quản các ngân hàng yếu kém. Nói cách khác, các chủ nợ hay chủ đầu tư sẽ liên lạc với quỹ đầu tư Central Huijin thay vì với Bộ Tài Chánh hay Ngân Hàng Trung Ương; Central Huijin có tiếng nói trong ban quản trị để thay mặt chính quyền trung ương góp phần hoạch định đường hướng kinh doanh của các ngân hàng.Vai trò của Central Huijin và các quỹ đầu tư quốc gia sẽ còn được nhắc đến trong các bài viết sau này về tài chánh ở Trung Quốc.       

  1. 2008-2013: xuất khẩu chậm lại do khủng hoảng kinh tế ở Âu-Mỹ. Trung Quốc tránh khủng hoảng bằng cách tung ra gói kích cung khổng lồ trị giá 586 tỷ USD (12.5% GDP), nhưng thay vì tăng chi thì Bắc Kinh lại nới lỏng tín dụng để các ngân hàng địa phương dễ dãi cho vay xây cất hạ tầng và bất động sản. Giá nhà sau khi chậm đi vào năm 2007-08 nay tăng vọt trở lại vào năm 2009. Bắc Kinh lo ngại bong bóng nên siết chặt tín dụng vào 2010-11, rồi lại nới lỏng vào năm 2012 do thị trường địa ốc mất giá quá nhanh.

Trong ba thập niên đầu tiên sau ngày mở cửa Trung Quốc là nước chậm tiến nên rất cần xây cất hạ tầng để đô thị hóa, nhưng đến 2010 nhu cầu này giảm nhiều do xuất khẩu chậm lại. Tín dụng lại dư thừa dẫn đến đầu tư kém hiệu quả và nợ xấu. Nhiều dấu hiệu xấu bắt đầu hiện rõ kể từ năm 2011 khi Bộ Trưởng Đường Sắt Lưu Chí Vân đầy quyền lực bị thanh trừng vì tội tham nhũng. Năm 2013 báo chí quốc tế phanh phui đăng tải về các thành phố ma, những phi trường không khách đến, các thương xá vắng bóng người. Nhiều công trình kiến trúc quái gở xuất hiện bên Tàu nhưng bắt chước rập khuôn Paris, London, Venice, Florence – kiểu giống như Phú Quốc ngày nay!

  1. 2013 cho đến nay: Bắc Kinh thúc đẩy dân chúng nông thôn dọn lên thành phố một mặt để giải quyết tình trạng các thành phố ma trong hạng 3&4 đồng thời tập trung đất đai canh tác theo diện rộng. Tuy nhiên một số đông dân quê không thích hợp với nếp sống thành thị nên nhanh chóng xài hết tiền mà cũng không tìm ra công ăn việc làm nên kế hoạch này gặp nhiều trở ngại. Dù vậy vẫn không cản trở các quan chức địa phương và những công ty xây dựng tiếp tục xây cất hạ tầng và các thành phố trong hạng 3&4 với hy vọng đây là cơ hội làm giàu đuổi theo các đô thị hạng 1&2. Đến năm 2013 có dấu hiệu các ngân hàng địa phương gánh nhiều nợ xấu.

Các đô thị hạng 1&2 quá lớn nên diện tích không được mở rộng khiến giá nhà bốc hỏa. Bắc Kinh một mặt siết chặt tín dụng ngân hàng nhằm (1) chận đứng giá cả trong khu vực 1&2, và (2) kiểm soát nợ xấu ở các địa phương 3&4; nhưng mặt khác lại buôn lỏng cho các địa phương và ngân hàng ấn hành những sản phẩm đầu tư lời nhiều (tạm dịch của wealth management product) để hấp dẫn dân chúng bỏ tiền mua nhằm gây vốn tiếp tục xây cất hạ tầng và đô thị hạng 3&4. Do tiết kiệm cần an toàn còn đầu tư lời ăn lỗ chịu nên ngân hàng trung ương chỉ theo dõi nợ xấu vay mượn từ tiết kiệm gởi ngân hàng nhưng không giám sát các sản phẩm đầu tư lời nhiều nói trên. Nhờ vậy các ngân hàng địa phương ấn hành sản phẩm dầu tư mà không bị liệt vào thứ hạng mạnh hay yếu. Nhưng lý do chính khiến Bắc Kinh làm ngơ vì nhiều công trình đang xây cất dang dỡ không thể bị bỏ ngang nên đành nhắm mắt cho các địa phương bán sản phẩm đầu tư gây vốn để hoàn tất. Loại vốn này không dựa trên trương mục tiết kiệm để mập mờ đánh lận con đen che dấu nợ xấu.

Nhưng sự thật không thể bị che giấu mãi mãi dưới ánh mặt trời. Các sản phẩm đầu tư hứa hẹn phân lời cao trong thời hạn ngắn (short term product, khoảng 1 năm) nên gần đến mỗi định kỳ thì địa phương và ngân hàng lại phải gấp rút nâng lãi suất để vay nợ mới trả nợ cũ do các khoảng đầu tư xấu không mang lại thu nhập. Cuối cùng Tập Cận Bình tuyên bố nhà đất mua để ở chớ không phải đầu cơ rồi vạch ra 3 lằn ranh đỏ (three red lines) siết chặt cả tín dụng ngân hàng lẫn sản phẩm đầu tư. Nhưng bị ảnh hưởng đầu tiên lại là thị trường chứng khoán vì siết chặt tín dụng lây lan sang hệ thống ngân hàng bóng đêm (shadow banking) mua bán cổ phiếu. Hậu quả khiến sàn chứng khoán Thượng Hải thủng đáy làm đồng Nhân Dân Tệ mất giá và chảy máu ngoại tệ mất 1000 tỷ USD vào năm 2016.

Do cạn nguồn vốn nên các công ty xây dựng bị phá sản. Trường hợp điển hình là đại công ty Evergrande vay mượn để xây cất từ năm 2009-2017 với tổng số nợ lớn nhất thế giới lên đến 340 tỷ USD. Evergrande trễ hạn trả nợ vào cuối năm 2021 rồi khai phá sản vào 2023. Đến tháng 2/2024 tòa án Hồng Kông quyết định giải tán Evergrande bắt bán tháo tài sản nhằm trả nợ.

Câu hỏi là tại sao tòa án Hồng Kông lại quyết định về một công ty Trung Quốc. Các bài viết trước cho thấy Bắc Kinh giới hạn vay nợ nước ngoài nên nhiều công ty Trung Quốc mượn vốn qua cửa ngõ Hồng Kông. Hồng Kông áp dụng bộ luật thương mại của Anh Quốc nên được xem là đáng tin cậy hơn Trung Quốc. Nay Bắc Kinh khống chế Hồng Kông nên giới đầu tư ngoại quốc đang sốt ruột theo dõi xem phán quyết của tòa án Hồng Kông có giá trị hay không. Cụ thể là Bắc Kinh có giải tán Evergrande hay không, và nếu bán tháo tài sản để thanh toán nợ thì liệu nợ trong nước được ưu tiên trả trước (để tránh dân Tàu nổi loạn do bị quịt tiền) hay trả nợ nước ngoài (hay quốc tế có còn dám tin cậy bỏ vốn đầu tư ở Trung Quốc hay không.)

Thị trường địa ốc chiếm 30% GDP nên lúc suy thoái kéo tăng trưởng rơi xuống còn 5%, trong khi nhiều nhà quan sát cho rằng thật sự chỉ 1.5-2%. Nợ năm 2003 tăng 13.5% so với 2022 (tổng số nợ lên 287% GDP) tức nợ tăng nhanh hơn khả năng trả nợ. Trước mắt các công ty xây dựng ngừng xây cất và dân chúng giảm chi tiêu do tiền bị quịt và nhà mất giá khiến tiểu thương điêu đứng và công nhân thất nghiệp. Trong dài hạn, nhu cầu nhà đất còn tiếp tục xuống thấp do (1) thanh niên lập gia đình trễ nên không cần dọn ra nhà mới (tiếng Anh gọi là low household formation), và (2) tình trạng lão hóa. Nhiều chuyên viên cho rằng Trung Quốc sẽ đánh mất nhiều thập kỷ tăng trưởng chậm (the lost decade) trong quá trình thanh toán nợ (de-leveraging) giống như nước Nhật từ đầu thập niên 1990 cho đến nay.

Nhiều kinh tế gia thúc đẩy Trung Quốc tung ra một gói kích cầu, cụ thể là Bắc Kinh bỏ tiền cho hoàn tất các chung cư đang xây cất dang dở để dân chúng dọn vào và tăng tiêu xài, qua đó vừa tạo công ăn việc làm lại thúc đẩy tiêu thụ nhằm nâng đỡ tiểu thương và tăng trưởng kinh tế. Nhưng bài học quá khứ cho thấy mỗi lần Bắc Kinh chùn tay hỗ trợ thị trường địa ốc thì cả dân chúng lẫn các nhà đầu tư lại tiếp tục ỷ thế làm càng. Thay vào đó Tập Cận Bình muốn chữa trị bằng liều thuốc đắng. Họ Tập không tin vào trợ cấp của nhà nước và tuyên bố Trung Quốc sẽ không biến thành xã hội tế bần (welfare state) theo kiểu Tây Phương vì sẽ mang đến tính ỷ lại và lười biếng trong dân chúng.  Thay vào đó báo chí hô hào thanh niên không tìm được việc làm tốt vẫn phải chấp nhận việc làm dưới khả năng theo kiểu “khi đói thì đầu gối cũng bò” thay vì nằm phè (lie flat).

Bắc Kinh tạm hòa dịu với Hoa Kỳ để hấp dẫn tư bản nước ngoài đầu tư. Từ năm 2021 Trung Quốc bỏ vốn ào ạt vào các ngành công nghệ tiên tiến như sản xuất chip điện tử, năng lượng tái tạo, xe hơi điện EV và trí tuệ nhân tạo. Một mặt Bắc Kinh muốn thoát ra khỏi vòng vây phong tỏa của Mỹ trong kỹ thuật hiện đại, mặc khác Trung Quốc cần chuyển hướng đầu tư từ nhà đất sang công nghiệp cao để nâng cao năng suất bù đắp cho tình trạng lão hóa. Đây sẽ là đề tài cho những bài sau về chính sách kinh tế trong thời đại Tập Cận Bình. 

Đoàn Hưng Quốc

Tìm hiểu kinh tế Trung Quốc: Chương 4: tài chánh

 

 Photo by Michael Ho Wai Lee/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

 

Chương 4 tìm hiểu bốn khía cạnh trong ngành tài chánh ở Trung Quốc: (1) giải quyết nợ, (2) không bị lệ thuộc vào USD, (3) xử dụng thặng dư ngoại tệ, và (4) xử dụng nguồn vốn trong nước.

  1. Nợ

Cho đến cuối năm 2023 Hoa Kỳ và Trung Quốc mỗi nước đều mang một núi nợ cao bằng nhau lên đến 270% GDP. Núi nợ nào sụp trước sẽ quyết định tương lai của thế giới vì nước còn lại sẽ trở thành cường quốc hàng đầu trong thế kỷ 21. 

Mỹ là con nợ lớn nhất hoàn cầu hiện chiếm 30% tổng số nợ trên thế giới; Trung Quốc chiếm 20% nợ trên quốc tế nhưng đồng thời lại là chủ nợ lớn nhất hành tinh. Tàu vay trong nước nên nợ nước ngoài chỉ chiếm 13.7% GDP trong khi Mỹ nợ thế giới lên đến 95% GDP. Mỹ vay mượn bằng USD nên in USD trả nợ. Tàu nhờ vào dự trữ ngoại tệ hay in NDT (Nhân Dân Tệ) thanh toán nợ trong nước. In bạc khiến tiền mất giá nên mỗi nhà nước bị hạn chế bởi lạm phát. Nợ của Mỹ nhảy vọt do chia rẽ nội bộ vì đảng Dân Chủ không giảm chi (cho bớt nợ) còn đảng Cộng Hòa không tăng thuế (để trả nợ). Nợ bên Tàu khó giải quyết do tăng trưởng chậm và nạn lão hóa.

Nếu tiếp tục bàn về nợ sẽ còn kéo dài nên xin tạm ngừng nơi đây.   

  1. Trung Quốc không muốn bị lệ thuộc vào USD

Trung Quốc của chìm và nổi hiện lên đến 6 ngàn tỷ USD. Tàu là đối tác thương mại hàng đầu với hơn 100 quốc gia nhưng lại dùng USD để mua bán với nước ngoài. Có ý kiến cho rằng Bắc Kinh mưu đồ cho đồng NDT (Nhân Dân Tệ) soán ngôi USD để trở thành đơn vị tiền quốc tế, nhưng hiện Bắc Kinh phòng thủ nhiều hơn tấn công nhằm thoát khỏi sự kiềm tỏa của USD dựa trên các bài học của 3 mốc điểm thời gian:

  • 2008: trước đó Trung Quốc dùng dự trữ ngoại hối để mua nợ công nước Mỹ nhưng lãi xuất thấp. Khi ngành địa ốc ở Hoa Kỳ bốc hỏa thì Bắc Kinh mua nợ nhà đất của Mỹ để kiếm lời nhưng lỗ nặng (trên giấy tờ) trong Khủng Hoảng Địa Ốc và Tài Chánh năm 2008. Từ đó Trung Quốc đa dạng hóa đầu tư ngoại hối bằng cách mua tài sản nước ngoài: hùn vốn với nhiều công ty Tây Phương (Volvo, Peugeot, Smithfield…); đầu tư vào các startups; mua hải cảng ở Hy Lạp, Úc; nhà máy dầu hỏa ở Canada; thuê mua đất đai canh tác, các mỏ dầu, quặng khoáng sản và đất hiếm ở Phi Châu; xây nhà máy ở Đông Âu và Mexico v.v…nhằm giảm lượng dự trữ tiền mặt.
  • 2014: Tây Phương đòi loại trừ Nga ra khỏi hệ thống SWIFT vì Nga chiếm bán đảo Crimea của Ukraine. SWIFT là xương sống cho các giao dịch thanh toán tiền bạc toàn cầu. Cho dù Âu-Mỹ không thực hiện lời đe dọa nói trên nhưng sự kiện này thức tỉnh Trung Quốc cùng các nước Ấn Độ, Brazil, Saudi Arabia…lo sợ áp lực của Tây Phương. Bắc Kinh bắt đầu thiết lập các đường dây hoán chuyển ngoại tệ song phương (bilateral swap line) với vài nước trong khối BRICS để thanh toán tiền bạc dùng NDT (Nhân Dân Tệ) thay thế USD nhằm tránh không đi qua hệ thống ngân hàng toàn cầu của Âu-Mỹ. Nói cách khác, dù NDT không soán ngôi USD nhưng Bắc Kinh đa dạng hóa để thoát không bị buộc chặt vào USD.
  • 2021: Nga tấn công Ukraine nên Mỹ và EU chẳng những khai trừ Nga ra khỏi SWIFT mà còn phong tỏa 300 triệu USD dự trữ ngoại tệ ký thác sang Tây Phương. Sang năm 2023 Hoa Kỳ và Âu Châu lại có thêm ý kiến đòi tịch thu số tiền này của Nga để chi viện cho Ukraine. Nhiều nước phương Nam (global South) kinh ngạc cho rằng hành động này không khác gì Tây Phương ăn cướp tiền của nước khác nên đánh mất lòng tin của giới gởi tiền.

Trung Quốc dù là đối tác thương mại lớn nhất của hơn 100 quốc gia nhưng nhập khẩu nguyên vật liệu rồi xuất khẩu hàng hóa đều dùng USD phải chịu thiệt thòi. Bắc Kinh lo bị phong tỏa kinh tế trong trường hợp chiến tranh với Đài Loan. Ngay như không bắn nhau nhưng một tổng thống như Donald Trump đòi Trung Quốc phải bồi thường hàng ngàn tỷ USD do gây ra dịch bệnh Vũ Hán. Với Trump thì chuyện gì cũng có thể xảy ra…cho nên Bắc Kinh ráo riết huy động quỹ dự trữ ngoại tệ và nguồn vốn trong nước vào hai mục tiêu kinh tế và địa chính trị phòng chống phong tỏa.

Sức mạnh của Hoa Kỳ một phần nhờ giá dầu quốc tế tính bằng USD (ngoại trừ những nước như Iran và Nga bị Hoa Kỳ cấm vận nên bán dầu qua nhiều đường dây khác). Nay thế giới chuyển mình sang năng lượng xanh nên Bắc Kinh nhanh tay lợi dụng ưu thế áp đảo  về sản xuất đất hiếm để thành hình các văn phòng giao dịch đất hiếm (rare earth exchange) ở Trung Quốc, mục tiêu khiến USD không còn là xương sống của nguồn năng lượng tương lai.

Nói tóm lại, Trung Quốc ngay lúc này chỉ muốn đa dạng hóa mậu dịch xử dụng nhiều loại tiền khác nhau (NDT, tiền điện toán, hay qua các đường dây song phương hoán chuyển ngoại tệ) để không bị kiềm tỏa bởi USD hơn là chuẩn bị cho NDT soán ngôi USD. Đây cũng là chiều hướng của thế giới đa cực trong tương lai, tức là không một đơn vị tiền quốc gia độc quyền đơn cực như USD hiện thời.

  1. Sử dụng thặng dư ngoại tệ

Năm 2014 dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc lên cao điểm 4 ngàn tỷ USD. Đến nay quỹ ngoại hối trồi sụt khoảng 3 ngàn tỷ USD bề nổi nhưng của chìm ước lượng thêm 3 ngàn tỷ USD trên tổng số 6 ngàn tỷ USD.

Câu hỏi thường đặt ra là Trung Quốc mua rất nhiều nợ công của Mỹ liệu có bán tháo đổ ra thị trường quốc tế nhằm lũng đoạn nền kinh tế Hoa Kỳ hay không? Tuy nhiên Bắc Kinh tránh việc này vì không muốn tự hại mình qua 3 lý do:

  • Trung Quốc vẫn cần USD để nhập khẩu nguyên vật liệu và xuất khẩu hàng hóa.
  • Quỹ dự trữ ngoại tệ lời to trong nhiều năm khi USD tăng giá còn NDT mất giá.
  • Bắc Kinh bán tháo nợ công nước Mỹ sẽ khiến USD mất giá thì Trung Quốc cũng bị thua lỗ.

Cơ quan SAFE (State Administration of Foreign Exchange) thuộc Ngân Hàng Trung Ương (NHTƯ) mang trách nhiệm quản lý quỹ dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc. Quỹ ngoại hối lên đến 3 ngàn tỷ USD quá dư thừa nên Bắc Kinh đầu tư phần thặng dư ngoại tệ còn lại vào nhiều quỹ đầu tư quốc gia (sovereign wealth fund hay SWF) khác nhau trong đó gồm 2 quỹ chính:

  • Quỹ đầu tư quốc gia Central Huijin do NHTƯ thành lập năm 2003 nhằm rút vốn từ quỹ dự trữ ngoại tệ để tài trợ các ngân hàng nhà nước mang nhiều nợ xấu năm 2003, cho các công ty tài chánh quốc doanh thua lỗ chứng khoán vào năm 2015 và trong cuộc khủng hoảng địa ốc hiện thời. Trọng tâm của Central Huijin nhằm ổn định tình hình tài chánh trong nước. Central Huijin có phần hùn và đại diện trong ban quản trị của các ngân hàng, những công ty tài chánh và bảo hiểm nên được xem như cánh tay nối dài của Bắc Kinh trong ngành tài chánh.
  • Quỹ đầu tư nhà nước CIC (China Investment Corporation) do Bộ Tài Chánh thành lập năm 2007. Khác với Central Huijin hướng nội nhằm ổn định tình hình tài chánh trong nước, CIC hướng ngoại với mục tiêu đầu tư ra nước ngoài để phục vụ cho quyền lợi kinh tế và địa chính trị của Trung Quốc. Năm 2008 Central Huijin sát nhập vào CIC để không dẫm chân giữa NHTƯ và Bộ Tài Chánh nhưng hoạt động của Central Huijin tách biệt (firewalled) ra khỏi 2 phần còn lại của CIC gồm:
  • CIC Capital đầu tư vào các công ty tài chánh Tây Phương như Blackstone và Morgan Stanley.
  • CIC International đầu tư trực tiếp ra nước ngoài bằng nhiều cách:
    1. Yểm trợ tài chánh cho các công ty quốc doanh Trung Quốc tiến ra hải ngoại như cho vay xây cất hạ tầng trong đại kế hoạch Vòng Đai Con Đường. CIC đã góp vốn xây cất nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định tại Việt Nam.
    2. Thuê mua đất đai canh tác ở nhiều nước trên thế giới nhất là Phi Châu và Nam Mỹ để bảo đảm an toàn thực phẩm.
    3. Đầu tư vào dầu hỏa và khí đốt để bảo đảm an toàn năng lượng
    4. Thuê mua các tài nguyên thiên nhiên, quặng khoáng sản và đất hiếm ở Canada, Úc, Nam Mỹ, Phi Châu.. nhằm dẫn đầu ngành năng lượng xanh.
    5. Đầu tư trực tiếp vào các tập đoàn đa quốc gia Âu-Mỹ để (1) mua công nghệ, và (2) dùng tiếng nói cổ đông thúc đẩy các xí nghiệp quốc tế này đầu tư có lợi cho Bắc Kinh như xây nhà máy tại Trung Quốc  hoặc hợp doanh với công ty bản xứ.
    6. Đầu tư vào các công ty start-up nhiều triển vọng ở nước ngoài.

CIC thường hợp tác ẩn mình sau lưng các đại tập đoàn tài chánh Âu-Mỹ như Goldman Sach… để mua công ty Tây Phương mà không bị soi mói do các lý do địa chính trị. Những đầu tư của CIC tuy công khai nhưng mất rất nhiều thời giờ và chuyên môn để tra cứu ngọn ngành vạch lá tìm sâu (người Mỹ gọi là follow the money.)

CIC và Central Huijin đầu tư vào những con gà đẻ trứng vàng ở Trung Quốc như Alibaba (mạng xã hội), BYD (xe hơi điện), Didi (car sharing) và  SMIC (sản xuất chip điện toán), đồng thời cấp vốn cho những ngành nghề công nghiệp chủ lực trong kế hoạch Made In China 2025. 

SAFE, CIC và Central Huijin đều góp vốn cho các quỹ Silk Road Fund (con đường tơ lụa) và Belt and Road Fund (vòng đai con đường).

(Độc giả nào muốn tìm hiểu sâu thêm về các quỹ đầu tư quốc gia Trung Quốc xin tìm đọc sách Sovereign Wealth Funds của tác giả Zongyuan Zoe Liu.)

Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của các nước đang mở mang với tổng số cho vay lên đến 1340 tỷ USD. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm nên số tiền cho vay giảm dần, một phần do các nước sợ rơi vào bẫy nợ, mặt khác vì nhiều quốc gia không trả nổi nợ từ sau đại dịch Vũ Hán. Việc điều đình để giảm nợ hay hoãn trả nợ gặp khó khăn do những điều kiện cho vay không công khai và minh bạch nên các nước đi vay khó nhận được sự trợ giúp của IMF và Tây Phương vì Âu-Mỹ-Nhật không muốn nợ của Trung Quốc được ngấm ngầm ưu tiên trả trước nhất.

  1. Sử dụng dòng vốn trong nước

Tiết kiệm ở Trung Quốc lên đến 46% GDP trong lúc trên toàn thế giới trung bình 25%, các nước G20 27% GDP còn Mỹ 18% GDP. Trung Quốc nhờ tiết kiệm cao nên không thiếu vốn. Bắc Kinh có ba chọn lựa để dùng nguồn vốn: (1) đầu tư vào mạng lưới an sinh xã hội giúp dân chúng tăng tiêu thụ do bớt lo dành tiền; (2) đầu tư vào hạ tầng và địa ốc; (3) đầu tư hỗ  trợ sản xuất và xuất khẩu.

Tập Cận Bình không chọn giải pháp (1) khi khẳng định Trung Quốc dù sau này giàu có vẫn không theo mô hình “xã hội tế bần” (welfare state) vốn mang đến tính lười biếng và đồi trụy trong các nước Tây Phương. Giải pháp (2) từ năm 2008-2020 dẫn đến khủng hoảng địa ốc và nợ xấu nên không thể tiếp tục. Trái lại từ năm 2021 đến nay Trung Quốc đi theo giải pháp (3) nhằm đẩy mạnh đầu tư trong nước vào các ngành nghề công nghiệp tiên tiến gồm:

  • Trí tuệ nhân tạo và sản xuất chip điện toán: hai ngành này là sức mạnh trong thế kỷ thứ 21 nên Trung Quốc phải dẫn đầu hay tự lực mà không sợ bị Mỹ phong tỏa công nghệ.
  • Năng lượng xanh: đầu tư vào quặng mỏ và thanh lọc đất hiếm (rare earth); điện mặt trời (solar panel), và sản xuất xe hơi điện.
  • Made In China 2025 gồm hàng không, xe lửa, robotic, y sinh vật học, công nghệ sản xuất tiên tiến…

Trung Quốc từ năm 2008 thặng dư đầu tư sinh ra thặng dư sản xuất đẩy vào các nước đang mở mang trong kế hoạch Vòng Đai Con Đường. Bắc Kinh cho vay xây cất hay thuê mua hải cảng, tuyến đường xe lửa, nhà máy than điện và đập thủy điện. Trung Quốc thuê mua dài hạn công nghiệp dầu hỏa, mỏ đất hiếm và đất đai trồng trọt ở nước ngoài để bảo đảm an toàn năng lượng và thực phẩm.

Vấn đề là thặng dư đầu tư sinh ra ngập lụt sản xuất không đủ thị trường tiêu thụ. Thị trường tiêu thụ nội địa thấp hơn khả năng sản xuất. Thị trường xuất khẩu gặp trở ngại vì nhiều lý do:

  • Mỹ và Âu châu hiện đều tăng đầu tư vào các ngành công nghiệp cao cấp để (1) phục hồi ngành sản xuất trong nước, (3) tạo công ăn việc làm cho dân chúng, (3) bởi các lý do địa chính trị, và (4) đa dạng hóa nguồn sản xuất không bị lệ thuộc vào Trung Quốc. Xe hơi điện của Trung Quốc hiện tràn ngập Âu Châu trong khi bị chận sang Mỹ nhờ bị Trump đánh thuế 25%. Âu Châu mua 90% tấm bản điện mặt trời (solar panel) từ Trung Quốc với giá rẻ hơn 50% nếu sản xuất nội địa. Ngành xây cất ở Trung Quốc chậm lại khiến Tàu thặng dư sắt trong khi sản xuất các tấm bản mặt trời đủ để thế giới tiêu thụ cho đến năm 2030. Âu-Mỹ-Hoa cùng tăng đầu tư cùng một lúc vào những ngành giống nhau không khỏi dẫn đến các rào cản thương mại để bảo vệ doanh nghiệp và thị trường nội địa.
  • Nếu xuất khẩu sang Tây Phương bị cản trở vì rào cản thương mại chỉ còn cách tràn sang các nước đang mở mang, nhưng những quốc gia này đã nặng nợ không thể nhận thêm đầu tư hay hàng hóa từ Trung Quốc.

Chương 5 sẽ đi vào chi tiết của nền kinh tế Trung Quốc trong thời đại Tập Cận Bình.

Tìm hiểu kinh tế Trung Quốc – Chương 5: thời đại Tập Cận Bình

VNTB – Tìm hiểu kinh tế Trung Quốc – Chương 5: thời đại Tập Cận Bình

 

Đoàn H. Quốc

 

(VNTB) – Bắc Kinh so sánh đi với Trung Quốc được ổn định và tăng trưởng, còn theo Mỹ lại rơi vào chiến tranh, hỗn loạn xã hội và thảm họa nhân loại như tại Ukraine, Bắc Phi và Trung Đông

 Năm 2022 Bắc Kinh phong tỏa nghiêm ngặt nhiều thành phố lớn (gồm cả Thượng Hải) khi đại dịch Vũ Hán bùng phát trở lại ở Trung Quốc[1], sang đến đầu năm 2023 lại đột ngột hủy bỏ mọi lệnh cấm. Thế giới cho rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phát triển nhảy vọt sau một thời gian dài bị kìm hãm nhưng trong thực tế tăng trưởng trì trệ khác với mong đợi. Sau 30 năm tương đối dễ thở dân Tàu chợt nhớ mình vẫn sống ngột ngạt dưới chế độ toàn trị.

Khoảng không gian tự do cho phép người dân muốn làm ăn sinh hoạt như thế nào cũng được miễn là chấp nhận đảng cộng sản độc quyền cai trị bị thu hẹp lại. Quyền đi lại bị ngăn cấm chỉ cần một quyết định đơn phương và độc đoán từ Bắc Kinh; nhà cầm quyền theo dõi cuộc sống riêng tư của người dân trên mạng xã hội, qua máy điện thoại cầm tay và bằng máy quay phim gắn ngay trên các TiVi trong nhà; quyền tư duy và ngôn luận bị kiểm duyệt gắt gao. Nhà cầm quyền không còn thả lỏng nền kinh tế thị trường, thay vào đó siết chặt khu vực tư nhân và khuếch trương các công ty quốc doanh nhằm phục vụ cho những mục tiêu chiến lược do đảng đề ra.

Sàn chứng khoán Trung Quốc từ 2021 cho đến đầu năm 2024 tuột dốc đánh mất 6 ngàn tỷ USD [2] do giới đầu tư không còn tin tưởng nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh chóng, mà cũng không dám bỏ tiền đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân. Hiện có khoảng 200 triệu người Tàu sở hữu cổ phiếu nhưng không còn cơ hội “bán chứng khoán mua nhà đất” (sell your stocks and buy real estate) như những năm trước đây [3] do giá nhà ở những thành phố lớn sụt mất 20-30% còn các thành phố nhỏ 30-40%. Thị trường địa ốc khủng hoảng vì nhà cửa xây cất thặng dư còn chỗ trống đủ chứa 150 triệu người [4].

Ngân sách của nhiều địa phương trước đây nhờ giá đất tăng nhanh nên nay bị thiếu hụt; tổng số nợ toàn quốc lên đến 270% GDP. Tăng trưởng GDP 8.9% từ 1989-2022 rơi xuống còn 5.2% năm 2023 [5], nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng con số thật sự chỉ từ 2.5%-3.5%.  Thị trường chờ đợi nhà cầm quyền trợ giúp nhưng khác với những lần khủng hoảng trước Bắc Kinh cho đến giờ này can thiệp rất hạn chế, mục tiêu nhằm dạy cho các địa phương, doanh nghiệp và giới đầu tư bài học chừa bỏ thói quen ỷ lại (moral hazard) làm ăn cẩu thả rồi trông cậy nhà cầm quyền cấp cứu.

Chính sách kinh tế của Tập Cận Bình thể hiện qua 6 điểm sau đây: 

1. Nhà cầm quyền không bao che dung dưỡng thói ỷ lại của các địa phương, tập đoàn thân hữu và giới đầu tư (Mỹ gọi là corporate welfare).

2. Nhà cầm quyền cũng không mở rộng mạng lưới an sinh vì dễ sinh ra tính ỷ lại và lười biếng trong quần chúng (social welfare).

3. Trái lại nhà cầm quyền ưu đãi những công ty quốc doanh và tập đoàn tư nhân bán công lập (như SMIC, Huawei, BYD đều có phần hùn của nhà nước) nhằm đẩy mạnh ưu thế về đất hiếm, đồng thời phát triển các ngành năng lượng xanh và công nghiệp cứng (“hard technologies”, tức là những công ty sản xuất tổng hợp cả phần cứng (hardware) lẫn phần mềm (software) theo kiểu Apple, Tesla, Airbus,…) Mục tiêu nhằm (1) tự đứng vững về công nghệ tiên tiến trong hoàn cảnh đối đầu với Mỹ, (2) phục hưng Trung Quốc (China rejuvenation) (3) vươn mình cạnh tranh quốc tế. 

4. Nhà cầm quyền thâm nhập vào các doanh nghiệp tư nhân có ứng dụng song hành (dual-use) giữa quốc phòng và dân sự khiến công và tư không thể phân biệt được.

5. Nhà cầm quyền siết chặt các doanh nghiệp mạng cho dù nhiều công ty trong số này này được Tây Phương xem là “con ngỗng đẻ trứng vàng” như Ant Financial (tài chánh mạng), Alibaba (mạng xã hội), Didi (car sharing), trò chơi mạng (online gaming) và giáo dục mạng (online education.) Các doanh nghiệp mạng bị quan tâm đặc biệt nhằm kiểm soát tầm ảnh hưởng lên dư luận quần chúng phòng ngừa các trường hợp giống như X (trước đây gọi Twitter) và Facebook vốn chi phối bầu không khí chính trị ở Hoa Kỳ.

6. Đại kế hoạch Vành Đai Con Đường và thế giới phương Nam (global South).

 

Phần dưới đây sẽ đi vào chi tiết của từng mục.  

Nhà cầm quyền không dung dưỡng bao che thói ỷ lại trong thị trường

 Riêng trong khoảng này thì Tập Cận Bình gần gủi với lập trường của tư bản cổ điển là nhà cầm quyền hạn chế can thiệp để thị trường tự do đào thải các thói hư tật xấu thì tăng trưởng mới lành mạnh.

Họ Tập năm 2014 cảnh báo các địa phương ngừng phung phí xây cất những công trình kiến trúc với hình thù quái gở [6] (có lẻ Việt Nam cũng nên theo lời dạy này); năm 2016 cảnh báo giới đầu tư và dân chúng rằng “nhà ở chớ không phải để đầu cơ [7].” Điều này trùng hợp với chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” (cho dù họ Tập nhân cơ hội đánh ngã các vây cánh đối thủ để củng cố quyền lực cá nhân) và chiêu bài “Thịnh vượng chung” (Common prosperity) nhằm xì hơi bong bóng đầu cơ địa ốc.

Vấn đề là ngân sách các địa phương dựa vào giá nhà đất tăng nhanh, nay ngành địa ốc suy sụp thì địa phương thiếu hụt làm ảnh hưởng đến cơ hội làm giàu và thăng quan tiến chức của giới quan lại. Trường hợp được biết đến nhiều nhất của công ty xây dựng Evergrand nợ nần lên đến 300 tỷ USD bị phá sản. Ít được nhắc đến hơn khi các tập đoàn tài chánh hay ngân hàng ngầm (shadow banking) như Zongzhi vỡ nợ trong lúc còn thiếu 36 tỷ USD của 150 ngàn thân chủ trong nước[8]. Ngành địa ốc chiếm 30% GDP Trung Quốc nay rơi vào khủng hoảng, sàn chứng khoán thủng đáy, công ăn việc làm khó tìm (thanh niên thất nghiệp 21% tháng 06/2023 đến 01/2024 thụt xuống còn 14.9% con số không biết thật hay giả) khiến dân chúng hạn chế chi tiêu kéo nền kinh tế trì trệ.

Hiện không có dấu hiệu bong bóng địa ốc sẽ lây lan đe dọa nền kinh tế Trung Quốc theo kiểu Khủng Hoảng Tài Chánh Đông-Á 1990 hay Đại Khủng Hoảng Tài Chánh ở Mỹ 2007-2008. Khác với Thái Lan, Philippines, Indonesia, Nam Hàn trước đây, Trung Quốc không vay mượn nước ngoài nhiều, quỹ dự trữ ngoại tệ dồi dào và không cho tự do chuyển tiền nên không sợ tình trạng đồng NDT bị tấn công hay tư bản nước ngoài tháo vốn bỏ chạy. Trung Quốc dù đang bị rỉ máu ngoại tệ do tư bản trong nước mang tiền đi ra ngoại quốc nhưng tình hình vẫn còn kiểm soát được. 

Dân Tàu ít nợ, gặp lúc khó khăn lại càng tăng tiết kiệm gởi vào ngân hàng. Nhờ vậy ngân hàng có vốn dồi dào để tiếp tục cho các doanh nghiệp sản xuất vay mượn, khác với ở Mỹ năm 2007-2008 khi ngân hàng thiếu vốn nên không dám cho các công ty vay mượn ngắn hạn khiến doanh nghiệp bị phá sản vì không có tiền trả hóa đơn và trả lương nhân viên. Cho nên khủng hoảng nhà đất ở Trung Quốc được cô lập trong một lãnh vực tài chánh mà không lây lan ra nhiều khu vực khác, hay là giống như khủng hoảng dot.com ở Mỹ năm 2001 chỉ giới hạn trong phạm vi các công ty điện toán. 

Các nhà quan sát tin rằng Trung Quốc đang trải qua quá trình thanh toán nợ (de-leveraging) kéo dài khiến nền kinh tế sẽ còn trì trệ trong nhiều năm tới đây giống như Nhật Bản từ đầu thập niên 1990 cho đến nay. Nhiều chuyên gia quốc tế đề nghị giải pháp thoát ra khỏi khủng hoảng là nhà cầm quyền kích cầu bằng cách hỗ trợ công ty xây dựng hoàn tất những công trình dang dở. Người mua sẽ có nhà để dọn vào, bên vay sẽ trả được tiền thiếu nợ. Tâm lý thị trường trở nên lạc quan thúc đẩy tiêu thụ và nền kinh tế thoát ra khỏi lỗ trũng hiện thời.

Tuy nhiên gói kích cầu của nhà cầm quyền lại dung dưỡng thói ỷ lại của các địa phương, doanh nghiệp và giới đầu tư rằng Bắc Kinh trước sau gì cũng sẽ phải nâng đỡ ngành nhà đất do thị trường địa ốc chiếm đến 30% GDP nên không thể bị sụp. Giá nhà sẽ tăng trở lại kéo theo nạn đầu tư cẩu thả bơm lên bong bóng mới. Bắc Kinh hiện còn chần chờ khiến thị trường chứng khoán sụt giá vì triển vọng phục hồi không rõ ràng.  

Tập Cận Bình có vẻ chấp nhận kinh tế tăng trưởng chậm trong một thời gian dài để diệt trừ thói ỷ lại, miễn là khủng hoảng địa ốc không lây lan và không dẫn đến bất ổn xã hội. Dân chúng trả tiền mà không được giao nhà; mất vốn vì các công ty tài chánh phá sản; nhà mua lổ nặng nhưng bán không được; doanh nghiệp nhỏ (nhà hàng, chợ búa, tiệm bàn ghế…) điêu đứng; dân chúng không tìm ra việc làm là những điều mà Bắc Kinh cần theo dõi để quyết định gói kích cầu lớn hay nhỏ. 

Nhà cầm quyền không mở rộng mạng lưới an sinh 

Tuy thất nghiệp tăng và cửa hàng ế ẩm nhưng Bắc Kinh không đầu tư mở rộng mạng lưới an sinh. Trái lại Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc dù giàu có vẫn không theo mô hình xã hội tế bần (welfarism) vì mang lại tính lười biếng [9] và đồi trụy [10]. Họ Tập nhấn mạnh giá trị cá nhân được xây dựng trên công sức làm việc để công kích giới trẻ ở Trung Quốc thất nghiệp “nằm phè” (lying flat) thay vì xông xáo tìm việc làm dù lương thấp trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn. 

Mạng lưới an sinh kém nên dân Tàu lo để dành tiền phòng khi thất nghiệp, bệnh hoạn, già yếu hay nuôi dạy con cái khiến sức tiêu thụ giảm. Trong kinh tế có 2 lực cung (đẩy) và cầu (kéo). Cung tăng đẩy sản xuất tăng nâng kinh tế phát triển. Cầu tăng kéo doanh nghiệp đầu tư khiến kinh tế tăng trưởng. Tập Cận Bình chọn mô hình kinh tế trọng cung (supply-side economic) thay vì trọng cầu (demand-side economic).

Quan điểm chống xã hội tế bần nhưng bên cạnh còn thêm nguyên nhân chính trị. Tăng chi vào an sinh xã hội tất phải giảm chi cho doanh nghiệp nhà nước, hay là đụng chạm đến quyền lợi chính trị và kinh tế của phe nhóm cầm quyền trong nước. Cho nên Bắc Kinh dù hiểu rõ nhu cầu nâng sức tiêu thụ của quần chúng từ 15 năm nay nhưng vẫn không thi hành bởi vì thay đổi mô hình từ trọng cung sang trọng cầu hàm ý nghĩa tái phân phối của cải trong xã hội giữa nhà cầm quyền và dân chúng nên đi ngược với chủ trương nhà nước quản lý và đảng lãnh đạo.

Nhà cầm quyền ưu đãi công ty quốc doanh và đầu tư vào các công nghệ chiến lược (strategic industries)

Trọng cung bên Mỹ dưới thời Tổng Thống Ronald Reagan nhằm thu hẹp vai trò của nhà nước bằng cách cắt thuế và giảm chi công để nâng đỡ khu vực tư nhân tăng vốn đầu tư.

Trọng cung bên Tàu trái hẳn với Mỹ bởi vì vài trò của nhà nước được mở rộng. Nhà cầm quyền khuyếch trương công ty quốc doanh và thúc đẩy chính sách công nghiệp hóa quốc gia (national industrial policy) nhằm phục vụ cho các ngành công nghệ chiến lược.

Trước khi vào WTO năm 2001 Bắc Kinh cổ phần hóa hay tư nhân hóa gần 100 ngàn doanh nghiệp nhà nước [11] trên tổng số 300 ngàn toàn quốc [12] – trong đó gồm nhiều công ty quan trọng như CNPC & Sinopec (dầu hỏa), China Mobile & China Telecom (điện thoại). Có 2 nguyên do (a) Trung Quốc còn nghèo nên cần vốn đầu tư từ Tây Phương (China Telecom niêm yết con số khổng lồ 4.2 tỷ USD lên 2 sàn chứng khoán Hồng Kông và New York năm 1997), và (b) công ty quốc doanh làm ăn thua lỗ do thiếu khả năng điều hành và cạnh tranh trong kinh tế thị trường. 

Từ sau năm 2000 Trung Quốc đưa hàng trăm ngàn sinh viên ra nước ngoài học hỏi về quản lý và kỹ thuật ở các trường danh tiếng của Tây Phương. Đến thời Tập Cận Bình những doanh nghiệp quốc doanh xem như đủ lông cánh sát nhập lại thành các đại tập đoàn cạnh tranh ra quốc tế. Cụ thể vào năm 2021 sáu doanh nghiệp nhà nước sản xuất đất hiếm gộp lại vào nhau trở thành đại tập đoàn quốc doanh China Rare Earth Group. Vài công ty Trung Quốc (kể cả China Telecom) rút ra khỏi sàn chứng khoán Hoa Kỳ một mặt do tranh chấp thương mại Mỹ-Trung, mặt khác vì Bắc Kinh không cho phép công khai hóa sổ sách và các “bí mật quốc gia” theo đòi hỏi giám sát của SEC Hoa Kỳ.

Năm 2015 Bắc Kinh đưa ra chính sách công nghiệp hóa quốc gia mang tên Made in China 2025. Tuy sách lược này giờ đây được che dấu để tránh gây lo ngại cho Tây Phương, nhưng mục tiêu vẫn không thay đổi là Trung Quốc muốn đủ năng lực tự túc trong nhiều ngành công nghệ chiến lược mà không lệ thuộc vào Tây Phương: xe hơi điện và năng lượng tái tạo; tin học; truyền thông; người máy tự động; trí tuệ nhân tạo; hàng không; sinh học; vật liệu tiên tiến (advanced materials).

Bắc Kinh bỏ vốn 1400 tỷ USD vào công nghệ sản xuất chip điện toán trong 2020-2025 [13] từ khi bị Mỹ phong tỏa kỹ thuật. Hãy so sánh con số này với đầu tư của Mỹ gồm 88 tỷ USD tiền nhà nước cộng thêm 166 tỷ vốn tư nhân. Hiện giám đốc Sam Altman thuộc công ty OpenAI đang huy động vốn khủng 7000 tỷ USD để sản xuất loại chip tối tân không riêng gì ở Mỹ mà trên toàn thế giới nhắm vào trí tuệ nhân tạo – con số cuối cùng cho dù thấp hơn rất nhiều nhưng cũng không phải là bánh vẽ.

Nhờ đầu tư dồi dào nên tập đoàn SMIC của Trung Quốc đã sản xuất được loại chip 7nm tức theo đuổi sát nút với TSMC của Đài Loan, Samsung của Nam Hàn và Intel của Mỹ ngay trong hoàn cảnh bị Hoa Kỳ phong tỏa kỹ thuật. Trung Quốc không chỉ chú trọng đến các chip tối tân nhất mà có kế hoạch tràn ngập thị trường thế giới với loại chip rẻ tiền nhưng dùng khắp mọi nơi như trong xe hơi, Tivi, tủ lạnh, máy giặt, điện thoại rẻ tiền thông dụng ở những nước đang phát triển v.v… 

Trung Quốc bắt đầu từ bước sản xuất pin nhỏ dùng trong điện thoại, laptop, v.v…nhảy vọt lên chiếm ưu thế áp đảo trên thế giới về bình điện xe hơi (78%) [14], công nghệ sản xuất đất hiếm (89%), điện gió và điện mặt trời.

Âu-Mỹ vẫn còn ngỡ ngàng khi Trung Quốc bất ngờ nhảy vọt qua mặt Nhật Bản để trở thành nước xuất cảng xe hơi nhiều nhất thế giới vào năm 2023 [15]. Các nước EU như Đức và Pháp hoảng hốt bàn tăng thuế nhập khẩu nhằm bảo vệ các hãng VW, BMW, Mercedes, Renault, Citroen…. Xe hơi Tàu hiện chưa vào Mỹ do bị Trump đánh thuế 25% nhưng công ty lớn hàng đầu ở Trung Quốc BYD đang xây nhiều hãng sản xuất ở Brazil, Thái Lan, Hungary, Uzbekistan và trong tương lai Indonesia và Mexico để né tránh hàng rào thuế quan [16] . Biden đang tính viện lý do an ninh quốc gia [17] để cấm nhập cảng xe từ Trung Quốc, nhưng thật tình là các công ty Mỹ GM và Ford không cạnh tranh nổi với BYD.

Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc có thể lên đến 700 triệu USD thay vì 290 triệu USD như Tây Phương từng ước tính, tức là gần bằng với ngân sách 800 triệu USD của Mỹ [18] trong khi lương bổng và dịch vụ cho quân nhân thấp hơn rất nhiều. Thí dụ Trung Quốc có thể chế tạo 3 tàu chiến nhưng cùng giá với 2 tàu chiến bên Mỹ, trong khi hiệu quả không chênh lệch quá xa. Thật tình thì kết luận này cũng khó biết vì Tập Cận Bình vừa cách chức nhiều tướng lãnh cao cấp với tin đồn tham nhũng đổ nước lạnh (thay vì nhiên liệu) trong các dàn hỏa tiễn [19].  

Các nước cộng sản có truyền thống khuyến khích những ngành công nghiệp nặng gồm hãng xưởng, máy móc, kim loại, nguyên liệu và vật liệu xây cất. Bắc Kinh tiếp tục chính sách này nên chú trọng phát triển công nghệ “cứng” (hard technologies, tức sản xuất tổng hợp cả phần cứng (hardware) lẫn phần mềm (software) giống như các hãng Apple, Tesla, Airbus, Boeing…) hơn là công nghệ “mềm” (thí dụ như mạng xã hội, tài chánh mạng, giáo dục mạng,…).  Kỹ sư mới ra trường được khuyến khích làm việc tại những tập đoàn sản xuất như BYD, Huawei, SMIC… thay vì trong các công ty mạng xã hội.

Dù vậy Trung Quốc không hoàn toàn là một nền kinh tế chỉ huy vì Bắc Kinh vẫn khuyến khích cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp dù công hay tư để gạn lọc những “quả đấm thép”. Thí dụ ở Trung Quốc trong mỗi ngành thường có 3-5 công ty lớn cạnh tranh ráo riết lẫn nhau như trường hợp 3 hãng điện thoại China Telecom, China Unicom và China Mobile; nhiều hãng sản xuất điện thoại như Huawei, ZTE, Xiaomi; hai mạng xã hội Alibaba và Tencent. Khi Bắc Kinh khuyến khích ngành sản xuất xe hơi điện đã có hàng trăm công ty ở nhiều địa phương nhảy vào thị trường béo bở này để được hưởng các ưu đãi như quyền xử dụng đất đai và lãi suất ngân hàng. Cho đến nay hơn 100 doanh nghiệp trong số này đang thoi thóp thở, dù vậy nhờ cạnh tranh nên gạn lọc ra được một con ngỗng đẻ trứng vàng BYD hiện xếp ngang hàng với hãng Tesla của Mỹ. So với các công ty Tây Phương thì Huawei bỏ xa Ericsson, Nokia và Motorola trong việc thiết kế hệ thống 5G, đồng thời chạy đua sát nút theo Apple và Samsung với các điện thoại cầm tay hiện đại. Hãng SMIC khiến Tây Phương kinh ngạc vì sản xuất được loại chip điện toán 7nm cực kỳ tinh vi cho dù bị Mỹ phong tỏa kỹ thuật. Trong năm 2023 chất lượng yếu kém của hãng Boeing Hoa Kỳ mở cơ hội cho Comac Trung Quốc tập tễnh bước ra quốc tế cạnh tranh với Airbus của Âu Châu về sản xuất máy bay hàng không dân sự.

Nhà cầm quyền thâm nhập vào doanh nghiệp tư nhân.

Trung Quốc đầu tư vào nhiều công ty tư nhân nhất là trong các ngành nghề mang ứng dụng song hành cả quốc phòng lẫn dân sự (dual-use technologies) như sản xuất chip điện toán (SMIC), xe hơi điện (BYD) và năng lượng xanh. Bắc Kinh mua cổ phần và cử đại diện vào ban giám đốc điều hành của các công ty; thành hình các tổ sinh hoạt đảng trong doanh nghiệp tư nhân. Mối liên hệ giữa nhà cầm quyền và tư nhân ngày được siết chặt đến mức nay không còn phân biệt giữa doanh nghiệp công hay tư.

 Nhà cầm quyền siết chặt doanh nghiệp mạng

Trong kinh tế cổ điển có 4 yếu tố cấu thành sản xuất gồm Đất Đai, Lao Động, Vốn và Kinh Doanh (Land, Labor, Capital and Entrepreneur). Nay Bắc Kinh cộng thêm vào yếu tố thứ 5 là Dữ Liệu Điện Toán (Data). 

Nhà cầm quyền phải làm chủ các phương tiện sản xuất cho nên Bắc Kinh nay sở hữu mọi dữ liệu xã hội dù đến từ nhà nước hay tư nhân. Bắc Kinh kiểm soát hai tập đoàn mạng Alibaba và Tencent nhằm đặt thông tin trong tầm quản lý của đảng, đồng thời diệt trừ các mầm mống của mạng xã hội tư nhân trở thành một thế lực chính trị khích động quần chúng giống như Facebook, YouTube và X (Twitter) bên Mỹ. Từ năm 2013 những công ty mạng như Alibaba và Tencent cho ấn hành một loại cổ phiếu vàng (golden shares) dành riêng cho nhà nước. Loại chứng khoán này dù chỉ chiếm 1% trên tổng số nhưng nhờ quy định mù mịt nên ai cũng hiểu nhà cầm quyền nay tham dự vào mọi quyết định các quyết định quan trọng của công ty. 

Về kinh tế nhà cầm quyền thu thập dữ liệu xã hội để quản lý việc phân phối vốn, ngân sách, và phát huy công nghệ chiến lược về trí tuệ nhân tạo.   

Về chính trị nhà cầm quyền theo dõi dữ liệu xã hội nhằm kiểm soát thông tin và giám sát mầm mống bất mãn trong quần chúng. Nhà cầm quyền dùng mạng xã hội để tuyên truyền cho chính sách của đảng. Một thí dụ là đảng viên cộng sản cùng các ban giám đốc công ty dù công hay tư mỗi ngày phải đọc và trả lời 5 câu hỏi về Tư Tưởng Tập Cận Bình trên điện thoại cầm tay.

Bắc Kinh chấn chỉnh các hiện tượng tiêu cực trong xã hội như kiểm duyệt sân khấu và phim ảnh các thể hiện “bóng” (sissy man); kiểm soát nội dung và thời giờ của các trò chơi mạng (online gaming); giám sát giáo dục mạng (online education) và cấm đoán các lớp trên mạng từ nước ngoài. Không ít dân Tàu tán đồng những chính sách này vì đi làm không đủ thời giờ dạy con nên để nhà nước dạy! 

Vành đai con đường và thế giới phương Nam (global South)

Khi xuất khẩu sang Âu-Mỹ chậm lại từ sau Đại Khủng Hoảng Tài 2007-08 thì Tập Cận Bình đã tuyên bố thặng dư sản xuất ở Trung Quốc mở cơ hội đầu tư sang các nước đang mở mang. Bắc Kinh đặt hy vọng sẽ dẫn đầu thế giới phương Nam (global South) bằng khối BRICS và kế hoạch Vành Đai Con Đường độc lập với Tây Phương.  

Khác biệt giữa thế giới phương Nam và phương Bắc (tức là Tây Phương) thể hiện rõ rệt qua chiến tranh Ukraine vì ngoại trừ G7 thì phần còn lại của thế giới không đồng ý phong tỏa và cô lập nước Nga. Mặc dù Âu-Mỹ khẳng định chiến tranh Ukraine tạo thách thức cho nền trật tự an ninh toàn cầu nhưng các nước đang mở mang cho rằng đây chỉ là một cuộc tranh chấp trong nội bộ Âu Châu vì đôi bên cùng có lỗi. Nhiều nước gồm Ấn Độ và Trung Quốc còn lợi dụng cơ hội Tây Phương cấm vận để mua dầu giá rẻ và bán hàng cho Nga. Tầm ảnh hưởng của Tây Phương giảm dần khi cán cân kinh tế thay đổi với GDP của khối NATO nay chỉ chiếm 31% GDP toàn cầu [20], trong khi Tàu trở thành đối tác thương mại lớn nhất của hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới.

Bắc Kinh so sánh đi với Trung Quốc được ổn định và tăng trưởng, còn theo Mỹ lại rơi vào chiến tranh, hỗn loạn xã hội và thảm họa nhân loại như tại Ukraine, Bắc Phi và Trung Đông. Cho dù chính sách gây hấn của Bắc Kinh ở vùng Đông Á, các bẫy nợ trên thế giới và nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc khiến lý luận trở nên kém hấp dẫn nhưng các nước đang mở mang đều đi hàng hai để giữ Trung Quốc như đối tác thương mại hàng đầu nhằm phát triển kinh tế.

Khối BRICS được thành hình năm 2009 (tức là ngay sau Đại Khủng Hoảng Tài Chánh 2007-08 ở Mỹ) gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi và Trung Quốc.  Sang năm 2024 thu hút thêm 5 nước gôm Ai Cập, Iran, Saudi Arabia, United Arab Emirates và Ethiopia thuộc vùng Trung Đông và Bắc Phi. GDP của khối BRICS chiếm 32% gần bằng G7  với 30% GDP toàn cầu vào năm 2023 [21]. Ấn Độ được xem như cái thắng kìm hãm khả năng Trung Quốc áp đảo khối BRICS.   

Trung Quốc tài trợ cho dự án Vành Đai Con Đường qua 4 ngân hàng nhà nước (China Construction Bank, Bank of China, Industrial and Commercial Bank, Agricultural Bank) và 2 quỹ đầu tư quốc gia (Silk Road Fund và Belt and Road Fund). Sau dịch Vũ Hán nhiều nước vay nợ không trả nổi nên bị rơi vào bẫy nợ, cộng với kinh tế Trung Quốc trì trệ nên đà phát triển của kế hoạch Vòng Đai Con Đường cũng chậm theo. Tập Cận Bình tuyên đầu tư vào Vòng Đai Con Đường nay chú trọng đến chất lượng (high quality) thay vì số lượng [22]

Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất hành tinh với tổng số tiền cho các nước đang mở mang vay mượn lên đến 1100 tỷ USD; 57 nước trong số này hiện không đủ khả năng trả nợ [23]. Những điều kiện Bắc Kinh cho vay mập mờ thiếu công khai nên việc điều đình để hoãn nợ hay xóa nợ gập rất nhiều khó khăn vì các chủ nợ còn lại như IMF và G7 đều không muốn bị thiệt thòi khi nước đi vay ưu tiên trả nợ cho Trung Quốc trước nhất. 

 

 Chương 6 sẽ tìm hiểu về nghịch lý giữa tăng trưởng và tham nhũng ở Trung Quốc.

 

________________

Tham khảo: 

1. Nhiều nhà quan sát Tây Phương nghi ngờ thành phố Thượng Hải bị phong tỏa chính là một cuộc tập trận trá hình chống cấm vận.

2. https://www.cnn.com/2024/01/23/investing/china-stock-market-losses-explained/index.html#:~:text=Chinese%20shares%20haven’t%20just,Chinese%20and%20Hong%20Kong%20stocks.

3. https://www.economist.com/finance-and-economics/2024/02/07/chinas-stockmarket-nightmare-is-nowhere-near-over

4. https://asia.nikkei.com/Spotlight/Datawatch/Housing-glut-leaves-China-with-excess-homes-for-150m-people#:~:text=Assuming%20each%20home%20has%20a,to%20about%2050%20million%20homes.

5. https://tradingeconomics.com/china/gdp-growth-annual

6. https://www.dezeen.com/2014/10/20/no-more-weird-architecture-in-china-says-chinese-president/

7. https://www.reuters.com/world/china/china-should-stick-houses-are-living-not-speculation-state-media-2023-08-23/

8. https://www.cnbc.com/2024/01/08/zhongzhi-latest-casualty-of-chinas-deepening-debt-and-property-crisis-.html

9. Even if we become more developed and financially stronger in the future, we should not set excessively high goals and provide excessive guarantees, in order not to fall into the trap of “welfarism” that encourages laziness.”

https://www.caixinglobal.com/2021-10-19/full-text-xi-jinpings-speech-on-boosting-common-prosperity-101788302.html 

10.  Báo chí Trung Quốc chế nhạo báng ông bóng là sissy man

11. https://english.ckgsb.edu.cn/sites/default/files/privatization_in_china.pdf

12. https://www.sjsu.edu/faculty/watkins/chinasoes.htm

13. https://www.thewirechina.com/2020/10/04/chinas-trillion-dollar-investment-and-semiconductor-future/

14. https://www.economist.com/the-world-ahead/2023/11/13/evs-are-poised-to-make-china-the-worlds-biggest-car-exporter

15. https://www.bbc.com/news/business-65643064

16. https://www.nytimes.com/2024/02/27/opinion/gm-ford-electric-vehicles.html

17. https://www.nytimes.com/2024/02/29/us/politics/biden-chinese-electric-vehicles.html

18. https://foreignpolicy.com/2023/09/19/china-defense-budget-military-weapons-purchasing-power/#:~:text=U.S.%20Sen.,U.S.%20Sen.

19. https://www.bloomberg.com/news/articles/2024-01-06/us-intelligence-shows-flawed-china-missiles-led-xi-jinping-to-purge-military

20. https://www.worldeconomics.com/Regions/G7/#:~:text=Data%20is%20combined%20for%20the,a%20global%20average%20of%2030.

21. https://www.statista.com/statistics/1412425/gdp-ppp-share-world-gdp-g7-brics/#:~:text=The%20BRICS%20countries%20overtook%20the,held%20by%20the%20G7%20countries.

22. https://english.www.gov.cn/news/202310/18/content_WS652f65e6c6d0868f4e8e05bd.html

23. https://www.cnn.com/2023/11/07/business/china-bri-developing-countries-overdue-debt-intl-hnk/index.html#:~:text=Developing%20countries%20owe%20Chinese%20lenders,as%20many%20borrowers%20struggle%20financially.

Tìm hiểu kinh tế Trung Quốc- Chương 6: Tham nhũng và tăng trưởng

 

VNTB – Tìm hiểu kinh tế Trung Quốc- Chương 6: Tham nhũng và tăng trưởng

Đoàn H. Quốc

 

(VNTB) – Tiền bạc mở cửa công quyền là loại thuốc kích thích khiến tăng trưởng nhảy vọt

Vào thập niên 1970 kinh tế và dân số Ấn Độ và Trung Quốc tương đương với nhau nhưng rồi 30 năm sau đó tăng trưởng bên Tàu vượt xa Ấn. Nếu so sánh Trung Quốc với nhiều nước đang mở mang khác như Ai Cập, Brazil, Indonesia…kết quả đều tương tự. Câu hỏi đặt ra nơi đây tại sao tham nhũng ở Trung Quốc không cản trở tăng trưởng, mà trái lại nền kinh tế bốc hỏa nhanh chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại? 

Ở Mỹ bây giờ muốn xây cất đường xe lửa hay phi trường phải mất nhiều tỷ USD, vẽ công trình, nghiên cứu tác động xã hội giàu nghèo và môi trường, kiện tụng chậm lụt mất nhiều năm mới bắt đầu. Bên Tàu từ năm 2000 đến nay đã thiết kế hàng chục ngàn cây số xa lộ và đường xe hỏa cao tốc, hàng trăm phi trường và thành phố mới đến mức dư thừa! Tham nhũng đục khoét khiến nền kinh tế trì trệ thế tại sao cộng sản Tàu hiệu quả hơn tư bản Mỹ trong đầu tư sản xuất?  

Giáo sư Yuen Yuen Ang thuộc đại học Michigan đưa ra giải thích cho các nghịch lý này qua hai quyển sách “How China Escaped the Poverty Trap” (2022) và “China’s Gilded Age” (2021). Trong nhiều cuộc phỏng vấn sau đó giáo sư Ang đã so sánh những hình thức tham nhũng gồm hối lộ, biển thủ, bôi trơn v.v…với các liều thuốc độc. Có thứ thuốc độc uống vào đau đớn oằn oại, nhưng cũng có những liều thuốc kích thích như steroid khiến cơ thể tăng trưởng nhanh chóng. Bù lại loại thuốc độc nào cũng mang đến tác hại dù trước mắt hay lâu dài. Giáo sư Ang chia tham nhũng ra 4 thứ hạng với tác động khác nhau:

1. Petty theft: gồm tham nhũng vặt sách nhiễu quần chúng và doanh nghiệp (cảnh sát giao thông, cán bộ khu vực)     

2. Grand theft: biển thủ tài sản công

3. Grease money: nhận hối lộ, tiền bôi trơn 

4. Access money: tiền bạc mở cửa công quyền, hay tham nhũng kinh tế ở cấp độ nhà nước. Xin nhắc đến nơi đây câu chuyện của Lã Bất Vi: “Buôn gì lãi nhất? Buôn vua.”

Tham nhũng tăng từ 1 lên 4 theo vai vế của cán bộ nhà nước: tham nhũng vặt và sách nhiễu doanh nghiệp thuộc hàng tép riu; biển thủ tài sản công và tiền hối lộ bôi trơn dành cho cán bộ trung; tham nhũng kinh tế ở cấp độ nhà nước lên hàng hoàng tử đỏ, những lãnh chúa địa phương cùng giới thượng lưu (elites) uy quyền trong xã hội.

Tham nhũng vặt, sách nhiễu doanh nghiệp cùng biển thủ tài sản công là các loại thuốc độc tác hại trước mắt. Đây là kiểu tham nhũng nguy hiểm nhất vì làm soi mòn lòng tin của dân chúng vào nhà nước. Những nước như Ai Cập, Brazil không thoát ra khỏi cấp độ này khiến kinh tế trì trệ không tăng trưởng. 

Tiền hối lộ bôi trơn giúp doanh nghiệp giải quyết nhanh lẹ các “vấn đề” để rồi sau đó tiếp tục làm ăn suông sẻ. Cho nên nhiều doanh nghiệp đặt tiền hối lộ bôi trơn nằm trong chi phí kinh doanh (business expenses) theo kiểu nộp thuế mãi lộ cho cửa công quyền. Tiền hối lộ bôi trơn giống như thuốc an thần giảm đau (pain killer) dù không làm nền kinh tế trì trệ thêm nhưng cũng chẳng thúc đẩy tăng trưởng.

Cuối cùng “buôn vua” kiểu Lã Bất Vi lãi nhiều nhất. Tiền bạc mở cửa công quyền là loại thuốc kích thích khiến tăng trưởng nhảy vọt vì các tập đoàn thân hữu cấu kết với nhà cầm quyền để đấu thầu trúng những mối lớn ở tầm vóc quốc gia, mượn tiền ngân hàng với lãi xuất thấp và được cấp quyền xử dụng đất đai để xây cất. Một khía cạnh tích cực (!) là tham nhũng kinh tế ở cấp độ nhà nước loại trừ tham nhũng vặt ở hàng tép riu để doanh nghiệp không bị cản trở mà làm ăn buôn bán suông sẻ. Bù lại cấp lãnh đạo chia lời (profit sharing) xuống cấp dưới giúp thành phần tép riu không đói mà làm bậy, nhờ vậy cán bộ tỉnh thành hăng hái phục vụ cho doanh nghiệp phát triển càng mạnh trong địa phương để phần bổng lộc chia về càng nhiều. Cũng giống như liều thuốc steroid tuy kích thích cơ thể tăng trưởng nhanh chóng nhưng để lại hậu quả lâu dài thì tham nhũng kinh tế ở cấp độ nhà nước dẫn đến tình trạng các tập đoàn thân hữu tranh chấp quyền lực, cướp đoạt đất đai, đầu tư kém hiệu quả dẫn đến nợ xấu và hố sâu giàu nghèo cùng cực. 

Vào những năm 1980 tham nhũng vặt và nạn sách nhiễu doanh nghiệp ở Trung Quốc nhảy vọt theo đà mở cửa kinh tế. Đến cuối thập niên 1990 Bắc Kinh cố tình kiểm soát tình trạng nhiễu nhương này để chuẩn bị gia nhập WTO bằng cách theo dõi chi thu của quan chức địa phương qua hệ thống điện toán. Nhiều nghiên cứu cho thấy nạn tham nhũng vặt, sách nhiễu doanh nghiệp và biển thủ của công xuống thấp trong khi hối lộ bôi trơn trở nên thịnh hành với các khoảng tiền lo lót tăng vọt kể từ đầu năm 2000[1].

Năm 1994 Trung Quốc cải tổ hệ thống thuế khoá nhằm cắt giảm thâm thủng ngân sách. Nhà cầm quyền yêu cầu địa phương tăng phần thuế gởi về trung ương để rồi sau đó Bắc Kinh phân phối trở lại cho các địa phương. Nhưng tiền chia về không đủ, trung ương lại cần cải tổ các công ty quốc doanh để xin vào WTO khiến hàng trăm triệu công nhân viên bị sa thải tạo thành gánh nặng ngân sách ở địa phương. Bù lại các địa phương được trao chìa khóa mỏ vàng là quyền trưng dụng và cho phép đấu thầu quyền xử dụng đất đai. Các lãnh chúa địa phương nhờ đó cấu kết với những tập đoàn thân hữu đầu tư địa ốc và xây cất hạ tầng mở màng cho tình trạng tham nhũng kinh tế ở cấp độ nhà nước. 

Đặng Tiểu Bình khi cải tổ kinh tế chọn tăng trưởng GDP qua hình thức chia sẻ lợi nhuận (profit sharing) theo mô hình nhượng quyền thương mại (franchise) của đại tập đoàn tư bản bán thức ăn McDonald’s bên Mỹ. Thương hiệu độc quyền McDonald’s giống như nhãn hiệu Xã Hội Chủ Nghĩa với Màu Sắc Trung Hoa. Ban quản trị công ty McDonald’s so sánh với nhà cầm quyền trung ương ở Bắc Kinh. Các cửa tiệm con (franchisee) gồm những địa phương. Mỗi cửa tiệm (địa phương) có quyền hạn rộng rãi để tự do sáng tạo kinh doanh trong khu vực để thu nhập càng cao thì mức lời giữ lại càng nhiều sau khi đã nộp một phần doanh thu về trung ương. Mặt khác các địa phương đều phải nằm trong khuôn khổ do trung ương đề ra mà không được tổn hại đến uy tín và doanh hiệu Xã Hội Chủ Nghĩa với Màu Sắc Trung Hoa, cũng giống như các cửa tiệm con phải đồng nhất thi hành những tiêu chuẩn của công ty McDonald’s về chất lượng thức ăn, trang trí hàng quán và đào tạo tuyển dụng nhân viên để bảo đảm phẩm chất thương hiệu McDonald’s.

Đầu tư địa ốc và xây cất hạ tầng tăng đẩy giá cả đất đai tăng giúp thuế thu vào và ngân sách tăng. GDP khu vực tăng thì quyền hạn và chức vị của các lãnh chúa địa phương tăng theo. Tiền bạc mở cửa công quyền làm giàu cho các quan chức và tập đoàn thân hữu. Muốn lợi lộc lâu dài phải chia lợi nhuận xuống đàn em, nên hàng cán bộ tép riu nhận thức tham nhũng vặt không bằng nỗ lực giúp doanh nghiệp tăng trưởng thì phần chia bổng lộc càng nhiều. Để giữ công bằng xã hội chủ nghĩa tiền lương cán bộ dù ở Thượng Hải hay trong nội mông không chênh lệch bao nhiêu, bù lại GDP nhảy vọt thì cán bộ ở Thượng Hải được chia sẻ nhiều đặc ân (profit sharing) so với cán bộ các địa phương khác. Nền kinh tế Trung Quốc mang 2 bộ mặt: ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến không còn nạn tham nhũng vặt và có luật pháp về đầu tư kinh doanh và quyền sở hữu tiến bộ; nơi các thành phố nhỏ và địa phương nghèo nạn sách nhiễu và tham nhũng vặt không khác gì ở những nước nghèo. Ngay trong thành phố lớn như Thẩm Quyến cũng chia thành 2 thứ hạng: cán bộ ngân hàng và các ngành xây dựng & kiến thiết đô thị được chia phần bổng lộc rất cao trong khi loại cán bộ thư viện thu nhập kém hơn rất nhiều. Bù lại nhờ giá địa ốc ở các thành phố hạng 1&2 tăng vọt nên ai có hộ khẩu thành phố mua nhà đất cũng giàu (giống như dân Sài-Gòn bây giờ nhà cửa 500 ngàn đến 1 triệu USD không còn là chuyện lạ.) 

Đến năm 2008 Bắc Kinh tung ra gói kích thích trị giá 586 tỷ USD cọng thêm 1500 tỷ USD ngân hàng cho vay đầu tư xây cất hạ tầng và các đô thị hạng 3&4. Tiền bạc mở toang cánh cửa công quyền dẫn đến nhiều vụ án tham nhũng kinh tế ở cấp độ nhà nước và thanh trừng chính trị cực kỳ lớn như thái tử đảng Bạc Hy Lai (2012), bộ trưởng cục đường sắt Lưu Chí Trung (2013), ủy viên trung ương đảng và bộ trưởng bộ nội an Vũ Hồng Khanh (2013).

Bắc Kinh thấy nợ địa phương tăng quá nhanh nên siết chặt tín dụng ngân hàng nhà nước. Các địa phương chuyển sang hệ thống “ngân hàng ngầm” (shadow banking) dưới hình thức của những công ty đầu tư địa phương (Local Government Finance Vehicle hay LGFV) mượn tiết kiệm từ dân chúng với lãi xuất cao rồi cho các tập đoàn thân hữu vay đầu tư địa ốc nhằm nâng cao thuế thu nhập và ngân sách khu vực. Kết quả là nợ địa phương nhảy vọt từ 1.7 ngàn tỷ USD năm 2011 tăng lên đến 4 ngàn tỷ USD năm 2020. Đến nay bong bóng địa ốc nổ mà tiêu biểu là trường hợp đại công ty xây cất Evergrande phá sản khiến chủ tịch công ty Hứa Gia Ân bị tống giam về tội tham nhũng kinh tế ở cấp độ nhà nước năm 2023. 

Giáo sư Yuen Yuen Ang so sánh tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc với thời kỳ Vàng Mã (Gilded Age) bên Mỹ vào cuối thế kỷ thứ 19. Hoa Kỳ thoát khỏi Nội Chiến vào thập niên 1870 gần giống như Trung Quốc thoát ra Cách Mạng Văn Hóa thời Mao vào thập niên 1980. Các tiến bộ kỹ thuật đẩy Hoa Kỳ tăng trưởng nhảy vọt tạo ra khoảng cách giàu nghèo sâu sắc cùng các ông Trùm (robber barons) như trùm ngân hàng J.P. Morgan, trùm dầu hỏa Rockefeller, trùm đường sắt Stanford…dùng tiền bạc mở toan cánh cửa công quyền. Nhưng Mỹ là xứ dân chủ nên báo chí phanh phui những tệ đoan trong chính quyền và xã hội (gọi là muckraker) dẫn đến thời đại cấp tiến (progressive era) với quần chúng tranh đấu đòi cải tổ luật pháp chống độc quyền, luật công đoàn, luật lao động và mạng lưới an sinh xã hội. Đây là loại cải tổ từ dưới quần chúng và công luận đi lên chính quyền và luật pháp (bottom-up). 

Tàu là nước toàn trị nên cải tổ từ trên đi xuống (top-down) do cá nhân Tập Cận Bình độc đoán quyết định. Bắc Kinh còn ngăn cấm tự do báo chí và quyền biểu tình của dân chúng phản đối chính sách đảng. Điều hành nền kinh tế giống như đi xe đạp, càng siết chặt thì càng dễ té.

 

Chương 7 sẽ kết thúc loạt bài tìm hiểu kinh tế Trung Quốc với phần phân tích về triển vọng tăng trưởng.

_____________

Chú thích:

[1] The Robber Barons of Beijing. Tác giả Yuen Yuen Ang. Foreign Affairs 07/2021.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen