Mục lục
Vụ Võ Văn Thưởng: Cộng Sản nói và Cộng Sản làm, là khác nhau (Phần 1)
Trân Văn
21-3-2024
“…Đảng, nhà nước ta luôn xác định công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị…”
Một ngày sau khi Ban Chấp hành Trung ương (BCH TƯ) đảng CSVN khóa 13 “nhất trí” cho ông Võ Văn Thưởng “xin thôi” các chức vụ trong đảng (Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên BCH TƯ đảng), trong hệ thống công quyền (Chủ tịch Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng An ninh) [1], Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam tập hợp bất thường để bỏ phiếu miễn nhiệm vai trò Chủ tịch Nhà nước và Đại biểu Quốc hội khóa 15 của ông Thưởng [2]…
Tuy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam chính thức xác nhận, Ủy ban Kiểm tra của BCH TƯ đảng phát giác ông Thưởng “vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên BCH TƯ đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của đảng và pháp luật của nhà nước”, đồng thời xác định “những vi phạm, khuyết điểm” của ông Thưởng “gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của đảng, nhà nước và cá nhân” song thay vì xử lý ông Thưởng theo qui định của đảng, truy cứu trách nhiệm của ông theo pháp luật nhà nước thì BCH TƯ đảng lại khuyến khích ông Thưởng gửi “đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công và nghỉ công tác” để cùng… gật đầu, bất kể hành xử kiểu đó chẳng khác gì phủ nhận “nhà nước XHCN” vốn luôn đề cao “sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật”, thực thi “pháp chế XHCN”, xây dựng CNXH nhằm tạo ra một “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”!
“Nhà nước XHCN” thường xuyên khẳng định “của dân, do dân, vì dân”, tạo lập – duy trì “dân chủ XHCN” để bảo đảm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhưng tự lựa chọn, tự sắp đặt Chủ tịch Nhà nước và khi cần tự tổ chức các vở diễn để loại bỏ. “Nhà nước XHCN” chủ động dựng lên Chủ tịch Nhà nước và chỉ trong vòng một năm “nhất trí” thay hai cá nhân đảm nhận trọng trách mà về lý thuyết phải do dân cử này nhưng chỉ thông báo gọn lỏn là các đương sự có… “vi phạm, khuyết điểm”!
Cách nay một năm, khi nhiều người thắc mắc, phán đoán về việc loại bỏ ông Phúc và sắp đặt ông Thưởng làm Chủ tịch Nhà nước, hệ thống truyền thông phục vụ “nhà nước XHCN” cao giọng khẳng định, những thắc mắc, phán đoán vốn vừa là quyền hiến định, vừa được thiên hạ khẳng định là nhân quyền ấy là… “lưu manh chính trị”! Hãy thử tham khảo một trong những lập luận nhằm quy chụp, biến tự do biểu đạt thành “lưu manh chính trị” của các cơ quan truyền thông phục vụ “nhà nước XHCN” [3]:
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV đã bầu ông Võ Văn Thưởng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình. Lợi dụng sự kiện này, các “nhà bình luận”, “nhà dân chủ”, “nhà báo tự do” đã ra sức xuyên tạc thông tin nhằm chống phá đảng, nhà nước... Trong những thông tin, bài viết được đưa ra, các đối tượng xấu tiếp tục giở thói “lưu manh chính trị”. Chúng bàn tán, xuyên tạc về thân thế, sự nghiệp, đời tư của lãnh đạo đảng, nhà nước nói chung và ông Võ Văn Thưởng nói riêng. Chúng ra sức chọc ngoáy công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của đảng, nhà nước ta và lồng ghép những quan điểm sai trái, thù địch, sai lệch bản chất sự việc. Chúng vu khống cho rằng nội bộ đảng, nhà nước ta lục đục, không đoàn kết, “đấu đá, tranh giành quyền lực”… Suy cho cùng, việc tung ra những luận điệu sai trái, độc hại này cũng không ngoài mục đích gây nhiễu dư luận, kích động sự hoài nghi trong xã hội, tạo cớ để chống phá đất nước.
Đảng, nhà nước ta luôn xác định công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng đảng và hệ thống chính trị. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược được đảng ta thực hiện một cách vô cùng thận trọng, đánh giá kỹ và cân nhắc nhiều chiều. Nguyên tắc trong việc thực hiện công tác cán bộ là kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, trong đó xây là nhiệm vụ chiến lược, cơ bản, lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên; giữa đức và tài, trong đó đức là gốc; giữa kế thừa, đổi mới và ổn định, phát triển; giữa tiêu chuẩn và cơ cấu, trong đó tiêu chuẩn là chính. Có lẽ, chưa bao giờ chúng ta chứng kiến công tác cán bộ được thực hiện quyết liệt, bài bản như thời gian vừa qua. Theo đúng tinh thần “có lên, có xuống”, “có vào, có ra”, khi cán bộ có sai phạm đều bị xử lý nghiêm theo đúng quy định. Không chỉ dừng lại ở việc xử lý trách nhiệm cá nhân, trực tiếp, chúng ta còn xử lý cả trách nhiệm liên đới. Ngược lại, với những cán bộ có năng lực, trình độ, đạo đức, uy tín, có tinh thần trách nhiệm, có thành tích nổi trội, có triển vọng phát triển thì đều được tạo điều kiện để bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách và cất nhắc vào các vị trí phù hợp theo đúng quy định. Việc ông Võ Văn Thưởng được bầu giữ chức Chủ tịch nước khi tuổi đời còn rất trẻ là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này.
Liên quan đến việc Quốc hội khóa 15 bầu ông Võ Văn Thưởng giữ chức vụ Chủ tịch nước, đây là sự lựa chọn hết sức khách quan. Tại Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã đề ra giải pháp: “Nói chung, cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp trên phải kinh qua vị trí chủ chốt cấp dưới; trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Nhân sự không trúng cử cấp ủy cấp dưới thì không giới thiệu để bầu cấp ủy cấp trên”. Đối chiếu với quy định này, ông Võ Văn Thưởng hoàn toàn phù hợp… Bản thân ông Võ Văn Thưởng là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có kinh nghiệm công tác tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Những luận điệu xuyên tạc thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đang được các “nhà dân chủ” đưa ra là hoàn toàn phi lý, vô căn cứ, không thể chấp nhận.
Việc ông Võ Văn Thưởng được bầu giữ chức Chủ tịch nước cũng đánh dấu việc chuyển giao thế hệ trong cơ cấu quyền lực đất nước. Đây không phải là điều bất ngờ, bởi ngay tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã chỉ rõ: “Thời gian tới cũng là giai đoạn chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau”. Từ việc nhìn thẳng vào thực tiễn, đảng ta đã đề ra nhiều giải pháp để bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, hoàn thành mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Thực tế, các “nhà dân chủ” đều là những kẻ “lưu manh chính trị”, có những chiếc “lưỡi không xương” nên đã “trăm đường lắt léo”. Khi đảng ta bầu cán bộ có kinh nghiệm dày dạn, có tuổi đời lớn giữ chức vụ lãnh đạo thì chúng vu cáo là “tham quyền cố vị”. Ngược lại, khi chúng ta lựa chọn cán bộ trẻ thì chúng lại rêu rao là “không đủ sức lãnh đạo đất nước”, “thăng tiến thần tốc”, “chỉ ngồi cho đủ ghế chứ không có quyền hành trên thực tế”. Đúng là không thể chấp nhận!
***
Đem lập luận vừa trích dẫn đặt bên cạnh quyết định mới nhất của BCH TƯ đảng khóa 13, sau đó là quyết định của Quốc hội khóa 15 đối với ông Võ Văn Thưởng nói riêng và hàng loạt “cán bộ cấp chiến lược” như: Trần Văn Nam (Bí thư Bình Dương), Chu Ngọc Anh (Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Hà Nội), Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Y tế), Phạm Xuân Thăng (Bí thư Hải Dương), Nguyễn Thành Phong (Phó Ban Kinh tế BCH TƯ đảng), Bùi Nhật Quang (Chủ tịch Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam), Huỳnh Tấn Việt (Bí thư Khối các cơ quan trung ương), Bùi Thanh Sơn (Ngoại trưởng), Phạm Bình Minh (Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực), Vũ Đức Đam (Phó Thủ tướng), Nguyễn Xuân Phúc (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nhà nước), Nguyễn Phú Cường (Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội), Điểu K’Ré (Phó Bí thư Thường trực Đắk Nông), Lê Đức Thọ (Bí thư Bến Tre), Phan Việt Cường (Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND Quảng Nam), Trần Đức Quận (Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND Lâm Đồng), Trần Tuấn Anh (Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế BCH TƯ đảng), Hoàng Thị Thúy Lan (Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND Vĩnh Phúc) và sắp tới là Đào Ngọc Dung (Bộ trưởng Lao động – Thương binh – Xã hội),… sẽ thấy cộng sản… nói khác xa với cộng sản… làm và ngoài “lưu manh chính trị” còn cách nào khác để diễn đạt sự trâng tráo bất chấp khác biệt ấy?
(Còn tiếp)
Chú thích
[1] https://vnexpress.net/trung-uong-dong-y-ong-vo-van-thuong-thoi-chuc-chu-tich-nuoc-4722542.html
[3] https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/142340/luu-manh-chinh-tri
Vụ Võ Văn Thưởng: Cộng Sản nói và Cộng Sản làm, là khác nhau (Phần 2)
Trân Văn
22-3-2024
Một tháng sau khi tuyên bố ông Nguyễn Phú Trọng là… “tấm gương sáng tiêu biểu để cán bộ, đảng viên học tập, noi theo” (tháng 3/2023), ông Thưởng được sắp xếp để đảm nhận vai trò Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Từng là Bí thư Quận 12 thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh (TNCS HCM), Bí thư Quảng Ngãi, Phó Bí thư Thường trực TP.HCM, Trưởng ban Tuyên giáo của Ban Chấp Hành Trung Ương (BCH TƯ) đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), Ủy viên Bộ Chính trị BCH TƯ đảng CSVN, Thường trực Ban Bí thư BCH TƯ đảng CSVN,… việc lựa chọn, sắp đặt ông Võ Văn Thưởng làm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được ca ngợi là dấu chỉ khởi đầu tiến trình “chuyển giao thế hệ trong cơ cấu quyền lực đất nước” (từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau), là kết quả của việc “nhìn thẳng vào thực tiễn”, qua đó “đề ra nhiều giải pháp để bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, đủ sức lãnh đạo, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, hoàn thành mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (1).
Tháng 7/2019, tại “Hội nghị Báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương”, nhân vật dẫn đầu tiến trình “chuyển giao thế hệ trong cơ cấu quyền lực đất nước” tuyên bố, đại ý: Internet là xa lộ, cho dùng bao nhiêu làn là quyền của đảng, thành ra không cần lo lắng về chuyện tự do Internet sẽ ảnh hưởng tới nhân quyền hay tự do ngôn luận [2]. Vào thời điểm đó, ông Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng không giấu giếm hận thù với đám đông dám góp ý về… “băng rôn sai chính tả, băng rôn sai ngày tháng năm”, khẳng định đó là “đả phá và tấn công vào đội ngũ của chúng ta”.
Ông Thưởng cũng là người đầu tiên, công khai xếp cán bộ, đảng viên, kể cả cao cấp, nói khác với chủ trương, đường lối của đảng vào “nhóm thứ ba thuộc thế lực thù địch” và cảnh báo về việc đội ngũ giảng viên chính trị loan truyền các câu chuyện tiếu lâm chính trị là nguy hại nên yêu cầu chấn chỉnh ngay lập tức “công tác giáo dục chính trị, tư tưởng” để “xây dựng đội ngũ giáo viên lý luận chính trị đạt yêu cầu”.
Đó cũng là lần đầu tiên ông Thưởng gây kinh ngạc khi ca ngợi: “Tổng bí thư hiện nay thực sự là nhà lý luận có tầm tư tưởng. Tuy nhiên, đảng ta với tinh thần khiêm tốn, không muốn sùng bái cá nhân, không muốn tuyệt đối hóa vai trò cá nhân mà đề cao vai trò tập thể của đảng cho nên đôi khi không tuyên truyền một cách đầy đủ làm cho chúng ta không thấy đủ, thấy hết hệ thống đầy đủ những thành tựu về mặt lý luận mà chúng ta đã đạt được”…
Bốn năm sau (tháng 2/2023), cũng “với tinh thần khiêm tốn, không muốn sùng bái cá nhân, không muốn tuyệt đối hóa vai trò cá nhân”, ông Thưởng – khi ấy đã là Thường trực Ban Bí thư – nhận định, Tổng Bí thư là “hạt nhân lãnh đạo” đã “tạo được sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị với tinh thần tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, là “ngọn cờ lý luận của đảng”, là người “chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá, gắn liền giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn đảng” [3].
Một tháng sau khi tuyên bố ông Nguyễn Phú Trọng là… “tấm gương sáng tiêu biểu để cán bộ, đảng viên học tập, noi theo” (tháng 3/2023), ông Thưởng được sắp xếp để đảm nhận vai trò Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Trong khoảng ba năm vừa qua (tính từ 30/1/2021 – thời điểm BCH TƯ đảng khóa 13 bắt đầu “nhiệm vụ chính trị”) có 18 Ủy viên BCH TƯ đảng đương nhiệm – những người nhất trí với ông Thưởng, xem ông Trọng (phụ trách Tiểu ban Nhân sự, lựa chọn thành viên cho BCH TƯ đảng khóa 13) là… “tấm gương sáng tiêu biểu để cán bộ, đảng viên học tập, noi theo”, hoặc bị “phê bình”, hoặc bị “cảnh cáo”, hoặc phải “xin thôi” thực hiện “nhiệm vụ chính trị”, hoặc bị “cách chức, khai trừ khỏi đảng, bị truy tố”.
Ông Thưởng vừa trở thành… Ủy viên BCH TƯ đảng thứ 19 và là Ủy viên Bộ Chính trị thứ tư có “vi phạm, khuyết điểm” tới mức phải xử lý và sắp có người thứ 20 (ông Đào Ngọc Dung – Bộ trưởng Lao động – Thương binh – Xã hội),… “Học tập” và “noi theo” như thế quả là… “cổ lai hy”!
***
Ở “Hội nghị Báo cáo viên các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc trung ương”, ông Thưởng công khai bày tỏ sự bất bình khi xử lý cán bộ, đảng viên có ý kiến khác với chủ trương, đường lối quá nhẹ nhàng. Lúc ấy, ông nhấn mạnh, chuyện một đảng viên, làm việc tại Văn phòng UBND TP.HCM đưa hình ảnh một cựu lãnh đạo đảng, nhà nước lên Internet, tố giác nhân vật này tham nhũng, rồi phê phán cả Trưởng ban Tuyên giáo của BCH TƯ đảng CSVN nhưng chưa xử lý tới nơi, tới chốn là không thể chấp nhận được.
Đảng viên mà ông Thưởng nêu ra như dẫn chứng là Quách Duy – Chuyên viên tin học của Văn phòng UBND TP.HCM. Ông Duy là một trong những người sử dụng mạng xã hội để bày tỏ sự yêu mến ông Nguyễn Phú Trọng, tin rằng công cuộc phòng – chống tham nhũng do ông Trọng dẫn dắt sẽ… thành công tốt đẹp. Đó cũng là lý do Quách Duy tìm kiếm thông tin, tố giác những cá nhân mà ông cho là đã hậu thuẫn Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”) lũng đoạn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền.
Trong số những cá nhân mà Quách Duy tố giác có ba nhân vật “tai to, mặt lớn”. Nhân vật thứ nhất là ông Hoàng Trung Hải (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Hà Nội). Theo Quách Duy, khi còn là Phó Thủ tướng, ông Hải đã ký Công văn số 80/TTg-KTN chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Tài chính, chính quyền TP.HCM bán “khu đất vàng” số 139 Pasteur, phường 6, quận 3 cho Vũ “Nhôm” mà không tổ chức đấu giá, song chỉ mới có hai Thứ trưởng Công an là ông Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành bị xử lý [4].
Nhân vật thứ hai là ông Nguyễn Văn Bình (Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế BCH TƯ đảng khóa 12). Theo Quách Duy, khi còn là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Bình chính là người hỗ trợ Vũ “Nhôm” thâu tóm 60 triệu cổ phần của Ngân hàng Đông Á. Tuy nhiên chỉ có ông Phan Hữu Tuấn (Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Bộ Công an) bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì gửi công văn số 2800/BCA-B11, ký ngày 20/8/2013 cho ông Bình. Dù là người phê duyệt, ông Bình vẫn bình an vô sự [5].
Riêng với ông Võ Văn Thưởng, Quách Duy khẳng định: Khi còn là Phó Bí thư Thường trực của Thành ủy TP.HCM, ông Thưởng đã chỉ đạo giao “khu đất vàng” tại 130 Hàm Nghi, phường Bến Thành, quận 1 cho Vũ “Nhôm”. Chỉ đạo của ông Thưởng được ghi nhận trên “giấy trắng mực đen” là Kết luận số 318-KL/TU ngày 14 tháng 7 năm 2015 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về chủ trương chọn nhà đầu tư mới khai thác “khu đất vàng” [6]…
Kết quả của việc Quách Duy “kính đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền của đảng, nhà nước trong phòng – chống tham nhũng xem xét làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân đối với các ông Hoàng Trung Hải, Nguyễn Văn Bình, Võ Văn Thưởng và xử lý nghiêm minh theo quy định của đảng, pháp luật của nhà nước” là ông bị “xử phạt hành chính” vì “bôi nhọ, xúc phạm lãnh đạo” [7].
Đáng lưu ý là, bất kể một số nhân vật từng bị Quách Duy chỉ mặt, gọi tên như Trần Vĩnh Tuyến (Phó Chủ tịch TP.HCM), Hoàng Trung Hải, Nguyễn Văn Bình,… hoặc đã bị bắt (như ông Tuyến), hoặc đã bị xử lý kỷ luật (như ông Bình, ông Hải), ngay sau khi ông Thưởng phê phán việc để Quách Duy dùng mạng xã hội tố giác lãnh đạo, xem không xử lý tới nơi tới chốn là không thể chấp nhận được, Quách Duy bị khai trừ đảng, cho thôi việc, bị khởi tố và cuối cùng là bị phạt bốn năm, sáu tháng dù do “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” [8].
***
Tại sao nhà nước “của dân, do dân, vì dân”, thường xuyên hứa hẹn, cam kết thực thi “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” nhưng lại giấu nhẹm “vi phạm, khuyết điểm” của ông Thưởng và các “cán bộ cấp chiến lược”? Những “vi phạm, khuyết điểm” của ông Thưởng có liên quan đến tố cáo của Quách Duy không? Nếu có thì giải quyết hậu quả của việc xử phạt hành chính, khai trừ đảng, cho thôi việc và bản án bốn năm, sáu tháng tù đối với Quách Duy thế nào?
Nếu không thì chẳng lẽ nhà nước XHCN vừa có quyền lựa chọn “vi phạm, khuyết điểm” của “cán bộ cấp chiến lược” để xử lý, vừa có quyền lựa chọn hình thức xử lý, bất kể pháp luật quy định thế nào, thích thì “xem xét”, không thích thì… thôi, khi nhà nước XHCN đã muốn thôi mà ai đó còn thắc mắc thì tự nhiên sẽ là…. “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ”, đủ yếu tố để xử lý hình sự?
Chẳng lẽ đây là ưu điểm của “dân chủ XHCN”, là đặc thù của “pháp chế XHCN”, là sản phẩm do… “tấm gương sáng tiêu biểu để cán bộ, đảng viên học tập, noi theo” tạo ra?
Chú thích
[1] https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/142340/luu-manh-chinh-tri
[4] https://www.facebook.com/qduyvn/posts/357754314941547
[5] https://www.facebook.com/qduyvn/posts/357754314941547
[6] https://www.facebook.com/qduyvn/posts/314226792627633
[8] https://www.sggp.org.vn/tuyen-phat-bi-cao-quach-duy-4-nam-6-thang-tu-725296.html