Seite auswählen

Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. (trái) phát biểu trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Phó Tổng thống Kamala Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Phòng Đông của Tòa Bạch Ốc ở Washington, DC, ngày 11 tháng 4 năm 2024.

Một thỏa thuận hợp tác giữa Phi Luật Tân, Mỹ và Nhật Bản sẽ thay đổi thế cục ở Biển Đông và khu vực, Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. nói hôm thứ Sáu, trong khi tìm cách trấn an Trung cộng rằng nước này không phải là mục tiêu.

“Tôi nghĩ thỏa thuận ba bên này cực kì quan trọng,” ông Marcos nói trong cuộc họp báo ở Washington một ngày sau khi hội kiến Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên giữa các nước.

“Nó sẽ thay đổi thế cục mà chúng ta thấy trong khu vực, ở ASEAN ở châu Á, quanh Biển Đông,” ông Marcos nói, nhắc đến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Ba nhà lãnh đạo bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về “hành vi nguy hiểm và hung hăng” của Trung cộng ở Biển Đông, tuyến đường nơi hơn 3 ngàn tỷ đôla khối lượng thương mại tàu biển đi qua hàng năm với nhiều tranh chấp hàng hải giữa Trung cộng và các nước khác.

Tuy nhiên, ông Marcos nói hội nghị thượng đỉnh “không chống lại bất kì nước nào” mà tập trung vào việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế và an ninh giữa Manila, Washington và Tokyo.

Trung cộng tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông bất chấp phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực nói rằng các yêu sách sâu rộng của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý.

Các tàu của Phi Luật Tân và Trung cộng đã tiên tục đối đầu trong tháng qua trong những vụ việc có sử dụng tới vòi rồng và lời qua tiếng lại nảy lửa.

Bắc Kinh ngày thứ Năm triệu tập đại sứ Phi Luật Tân tại nước này và một quan chức đại sứ quán Nhật Bản để phản đối điều mà bộ ngoại giao nước này mô tả là “những bình luận tiêu cực” nhắm vào Trung cộng.

Tranh chấp ngày càng trầm trọng giữa Trung cộng và Phi Luật Tân diễn ra cùng lúc những giao tiếp an ninh với Mỹ gia tăng dưới thời ông Marcos, bao gồm việc mở rộng quyền tiếp cận của Mỹ đối với các căn cứ của Phi Luật Tân, cũng như với Nhật Bản, nước dự kiến sẽ kí một hiệp ước quân sự tương hỗ với Manila.

Ông Biden đã yêu cầu Quốc hội Mỹ cấp thêm 128 triệu đôla cho các dự án cơ sở hạ tầng tại các căn cứ của Phi Luật Tân.

Ông Marcos cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng khoảng 100 tỉ đôla trong các thỏa thuận đầu tư khả dĩ trong vòng năm đến 10 năm tới kể từ hội nghị thượng đỉnh sẽ trở thành hiện thực.

Khi ở Washington, ông Marcos cũng gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, người đảm bảo với ông rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ.

“Toàn bộ sự hợp tác này là hệ trọng đối với an ninh chung của chúng ta và sự thịnh vượng liên tục khắp khu vực,” ông Austin nói, nhắc lại cam kết phòng thủ mạnh mẽ của ông Biden.

VOA (13.04.2024)

 

 

Tổng thống Biden nói Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ nếu Phi Luật Tân bị tấn công vũ trang trên Biển Đông

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,Đây là hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên của ba quốc gia tại Washington.

Căng thẳng giữa Trung cộng và các nước láng giềng đã trở thành chủ đề chính trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo ba nước Mỹ, Nhật Bản và Phi Luật Tân tại Tòa Bạch Ốc, theo Reuters.

Cuộc họp thượng đỉnh hôm 11/4 xoay quanh việc đẩy lùi sức ép ngày một lớn của Bắc Kinh lên Manila trong các vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Đây là hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên của ba quốc gia tại Washington.

Chính quyền Biden dự kiến sẽ công bố những nỗ lực quân sự chung và gói chi tiêu hạ tầng mới cho Phi Luật Tân khi tiếp đón Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. cùng Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

Nội dung trọng tâm của cuộc họp là việc Trung cộng gia tăng sức ép ở Biển Đông, bất chấp lời kêu gọi trực tiếp của ông Biden tới Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình vào năm ngoái.

Tháng trước, Phi Luật Tân và Trung cộng đã có một vài cuộc chạm trán trên biển, dẫn đến đấu khẩu gay gắt và sử dụng vòi rồng. Các tranh chấp diễn ra gần bãi Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal).

Khu vực này có một toán quân Phi Luật Tân đang trấn đóng trên một tàu quân sự đã hỏng mà Manila neo lại từ năm 1999 nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền.

Vài ngày trước, Phi Luật Tân đã cáo buộc một tàu Trung cộng có “hành vi cực kỳ nguy hiểm” gần Bãi Cỏ Mây, một khu vực biển tranh chấp gần quần đảo Trường Sa.

Đây là một trong số nhiều vụ việc mà các tàu Trung cộng bị cáo buộc quấy rối trong khu vực, bao gồm bắn vòi rồng và đâm vào tàu của Phi Luật Tân.

NGUỒN HÌNH ẢNH,TED ALJIBE/AFP/GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,Thủy quân Lục chiến Phi Luật Tân và Mỹ tập trận cùng lực lượng quân sự của Nhật Bản bên bờ Biển Đông, gần thị trấn San Antonio, tỉnh Zambales (Phi Luật Tân) vào tháng 10/2018.

Khởi động cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc, ông Biden khẳng định hiệp ước phòng thủ chung có từ những năm 1950 giữa Washington và Manila yêu cầu Mỹ phải đáp trả khi có một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào Phi Luật Tân trên Biển Đông.

“Cam kết quốc phòng của Hoa Kỳ đối với Nhật Bản và Phi Luật Tân là không thể lay chuyển,” ông Biden nhấn mạnh.

Đây được coi là thành công của Tổng thống Phi Luật Tân Marcos Jr., khi ông đã giải tỏa được tính chất mơ hồ lâu nay của hiệp ước bằng việc chỉ rõ ra rằng hiệp ước sẽ áp dụng cho các tranh chấp trên Biển Đông.

Phi Luật Tân hiện đang mong đợi một khoản đầu tư trị giá 100 tỷ USD trong 5 đến 10 năm tới từ hội nghị thượng đỉnh lần này, theo thông cáo của văn phòng Tổng thống Phi Luật Tân.

Trích lời Đại sứ Phi Luật Tân tại Hoa Kỳ là ông Jose Manuel Romualdez, Văn phòng Truyền thông Tổng thống (PCO ) cho biết các khoản đầu tư sẽ bao quát nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm năng lượng và hạ tầng kỹ thuật số.

Nhật Bản có tranh chấp với Trung cộng về các đảo trên Biển Hoa Đông.

Theo Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ba nước có kế hoạch thúc đẩy “hợp tác quốc phòng ba bên”, bao gồm cả việc tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung.

Trước cuộc họp một ngày, ông Biden và ông Kishida công bố hàng loạt thỏa thuận giữa Mỹ và Nhật Bản, tập trung phần lớn vào việc tăng cường quan hệ quốc phòng trước mối đe dọa tiềm ẩn từ Trung cộng.

Những kế hoạch này bao gồm một mạng lưới phòng không mở rộng kết hợp với Úc và một cấu trúc chỉ huy chung giữa Mỹ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, một quan chức cho biết hệ thống này “có thể phải mất vài năm nữa” mới vào hoạt động.

Ngoài ra, các lực lượng Mỹ và Nhật Bản sẽ tham gia các cuộc tập trận quân sự ba bên với Anh.

Trước áp lực quốc tế ngày càng lớn, Trung cộng một mặt gia tăng hoạt động thực địa, mặt khác liên tục đưa ra các tuyên bố.

Vào hôm 11/4, khi được phóng viên từ NBC hỏi liệu liên minh chiến lược Mỹ, Nhật và Phi Luật Tân ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có phải mối nguy tiềm ẩn với Trung cộng hay không, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Mao Ninh cho biết “các hoạt động của Trung cộng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế” và rằng Trung cộng sẵn sàng giải quyết các vấn đề thông qua “đối thoại và tham vấn”.

Tuy nhiên, Bắc Kinh lại lên tiếng chỉ trích Mỹ và Nhật Bản đã gây ra leo thang căng thẳng.

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,Tàu tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Phi Luật Tân Melchora Aquino (trái) và tàu bảo vệ bờ biển Mỹ Stratton (phải) tham gia cuộc tập trận với Nhật Bản ở Biển Đông vào ngày 6/6/2023

Mỹ có kế hoạch thực hiện một cuộc tuần tra chung trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương giữa các lực lượng tuần duyên vào năm sau, bên cạnh những hoạt động huấn luyện hàng hải chung.

Washington cũng sẽ đặt “hàng hóa cứu trợ nhân đạo để ứng phó thảm họa liên quan tới thường dân của Phi Luật Tân” tại các căn cứ quân sự của Phi Luật Tân, theo một quan chức cấp cao của chính quyền Biden.

Một quan chức khác của Mỹ cho biết có thể sẽ có thêm các cuộc tuần tra chung trên Biển Đông trong những tháng tới, sau các cuộc diễn tập giữa Mỹ, Úc, Phi Luật Tân và Nhật Bản vào cuối tuần trước.

Các động thái trên diễn ra sau khi hai thượng nghị sĩ có ảnh hưởng của Mỹ đề xuất một dự luật lưỡng đảng nhằm cung cấp 2,5 tỷ USD cho Manila để tăng cường khả năng phòng thủ trước sức ép từ Bắc Kinh, vào thứ Tư (10/4).

Chiêu quen thuộc của Trung cộng là cô lập mục tiêu trong các chiến dịch gây sức ép. Tuy nhiên, hội nghị ba bên vào ngày 11/4 cho thấy rõ ràng rằng Phi Luật Tân không hề cô đơn,” ông Daniel Russel, cựu quan chức ngoại giao hàng đầu phụ trách Đông Á dưới thời Tổng thống Barack Obama, đánh giá.

Trong hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo cũng thảo luận về những vấn đề rộng hơn và tình hình phát triển kinh tế của khu vực, hứa hẹn các khoản đầu tư mới cho cáp ngầm, hậu cần, năng lượng sạch và viễn thông.

Meta (công ty mẹ của Facebook) và UPS là hai trong số các công ty thông báo về những thỏa thuận liên quan tới chuyến thăm.

Chương trình Đối tác vì Hạ tầng Cơ sở và Đầu tư Toàn cầu của Biden sẽ hỗ trợ nỗ lực xây dựng hành lang Luzon ở Phi Luật Tân, nhắm vào các dự án hạ tầng như cảng biển, đường sắt, năng lượng sạch và chuỗi cung ứng chất bán dẫn.

BBC (12.04.2024)

 

 

 

TT Biden cảnh cáo về hành xử của Bắc Kinh ở Biển Đông khi họp thượng đỉnh với Phi Luật Tân, Nhật

Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos (con), Tổng thống Mỹ Joe Biden, và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, tại Tòa Bạch Ốc ngày 11/4/2024.

Căng thẳng âm ỉ kéo dài giữa Trung cộng và các nước láng giềng trở thành tâm điểm của cuộc gặp hôm 11/4 giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và Phi Luật Tân tại Tòa Bạch Ốc bàn cách đẩy lùi áp lực ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với Manila ở Biển Đông có nhiều tranh chấp, theo Reuters.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ công bố những nỗ lực quân sự chung mới và chi tiêu cơ sở hạ tầng ở thuộc địa cũ của Mỹ trong khi ông tiếp đón Tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos (con) cùng với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại Washington trong hội nghị thượng đỉnh ba bên đầu tiên.

Đứng đầu chương trình nghị sự của cuộc gặp này là áp lực ngày càng tăng của Trung cộng ở Biển Đông, vốn đã leo thang bất chấp lời kêu gọi mà đích thân ông Biden gửi tới Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình vào năm ngoái.

Khai mạc cuộc gặp tại Tòa Bạch Ốc với hai nhà lãnh đạo, ông Biden khẳng định rằng hiệp ước phòng thủ chung có từ những năm 1950 ràng buộc Washington và Manila sẽ cho phép Mỹ đáp trả một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào Phi Luật Tân ở Biển Đông.

Ông nói: “Các cam kết quốc phòng của Hoa Kỳ với Nhật Bản và Phi Luật Tân cứng như thép”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Mao Ninh nói rằng “các hoạt động của Trung cộng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế” và họ sẵn sàng giải quyết các vấn đề thông qua “đối thoại và tham vấn” nhưng bà Mao chỉ trích cả Mỹ lẫn Nhật Bản vì đã làm gia tăng căng thẳng.

Hoa Kỳ có kế hoạch để lực lượng Tuần duyên tiến hành tuần tra chung ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong năm tới cũng như có các hoạt động huấn luyện hàng hải chung. Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden cho hay Washington cũng sẽ bố trí “hàng cứu trợ nhân đạo để ứng phó với thảm họa dân sự của Phi Luật Tân” tại các căn cứ quân sự của Phi Luật Tân.

Một quan chức Mỹ khác cho biết có thể sẽ có thêm các cuộc tuần tra chung trong những tháng tới ở Biển Đông sau các cuộc tập trận của Mỹ, Australia, Phi Luật Tân và Nhật Bản vào cuối tuần trước.

Động thái này được đưa ra sau khi hai thượng nghị sĩ nổi tiếng của Mỹ hôm 10/4 giới thiệu một dự luật lưỡng đảng nhằm cung cấp cho Manila 2,5 tỷ USD để tăng cường phòng thủ trước áp lực của Trung cộng.

Ông Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nói: “Chiến thuật thường xuyên của Trung cộng là cố gắng cô lập mục tiêu trong các chiến dịch gây áp lực của họ, nhưng cuộc gặp ba bên ngày 11/4 cho thấy rõ rằng Phi Luật Tân không đơn độc”.

Ba nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về những thách thức khu vực và phát triển kinh tế rộng lớn hơn, với các khoản đầu tư mới vào cáp biển, hậu cần, năng lượng sạch và viễn thông.

VOA (12.04.2024)

 

 

 

TT Mỹ cam kết bảo vệ Phi Luật Tân “bằng mọi cách” nếu bị “bị tấn công” ở Biển Đông

Lần đầu tiên, Mỹ, Nhật Bản và Phi Luật Tân họp thượng đỉnh để đối phó với những căng thẳng ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trong thông cáo chung ngày 11/04/2024, ba nước đồng minh lên án « hành động nguy hiểm » của Trung cộng ở Biển Đông, dù không nêu đích danh. Bắc Kinh đã đáp trả với tuyên bố bảo vệ những hành động « hợp pháp » của họ ở Biển Đông.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (G) tổng thống Phi Luật TânFerdinand Marcos Jr (T) và thủ tướng Nhật Fumio Kishida trước cuộc gặp ba bên tại Tòa Bạch Ốc, Washington, Hoa Kỳ, ngày 11/04/2024. AP – Mark Schiefelbein

Trong cuộc họp với thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và tổng thống Marcos Jr., chủ nhân Tòa Bạch Ốc nhắc lại « cam kết không thể lay chuyển của Mỹ đối với an ninh Nhật Bản và Phi Luật Tân ». Ba nhà lãnh đạo bày tỏ « quan ngại sâu sắc trước thái độ nguy hiểm và hung hăng của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ở Biển Đông », cũng như « quá trình quân sự hóa các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, cũng như những đòi hỏi chủ quyền bất hợp pháp » ở vùng biển chiến lược này.

Trước đó, theo AFP, tổng thống Joe Biden khẳng định với đồng nhiệm Marcos Jr. « mọi cuộc tấn công nhắm vào tàu, máy bay hoặc lực lượng vũ trang Phi Luật Tân ở Biển Đông sẽ kích hoạt ngay việc triển khai hiệp định phòng thủ hỗ tương » giữa hai nước.

Trung cộng khẳng định hành động « hợp pháp » ở Biển Đông

Ngay lập tức, chính quyền Bắc Kinh đã đáp trả bằng lời nói lẫn hành động, khẳng định những hoạt động của Trung cộng ở trong vùng là « hợp pháp ».

Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh tường trình :

« Những chuyến tuần biển của Quân đội Giải phóng Nhân dân trở lại màn hình của đài truyền hình trung ương Trung cộng và trên mạng xã hội thông qua các tài khoản của truyền thông Nhà nước. Họ đưa tin về các đợt luyện tập hàng hải của Trung cộng trong những ngày vừa qua ở Biển Đông để đối phó với cuộc tập trận chung của Mỹ, Nhật Bản, Phi Luật Tân ở trong vùng.

Sáng thứ Sáu này (12/04), tầu 2502 của hải cảnh Trung cộng đi tuần tra ở vùng biển tranh chấp quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Theo chính quyền, được Tân Hoa Xã trích dẫn, cuộc tuần tra này là « hợp pháp » để « bảo vệ quyền lợi của Trung cộng ». Đối với đại sứ quán Trung cộng ở Tokyo, việc tăng cường liên minh giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản là một « mối đe dọa cho hòa bình và ổn định ở trong vùng ».

Thông điệp này được đội « anh hùng bàn phím » theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa đồng loạt đăng lại. Họ thức dậy với thông cáo ba bên Mỹ-Nhật-Phi Luật Tân được công bố trong đêm và thế là ngôn từ còn mạnh mẽ và thậm tệ hơn. Trên mạng xã hội Weibo có thể thấy những câu : « Tôi có cảm giác Biden đang dắt chó đi dạo », ngụ ý đến thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. đang công du Washington. Hoặc « chúng ta sẽ thử mức độ trung thành của các đồng minh của Mỹ bằng cách tấn công Phi Luật Tân và Nhật Bản trước tiên ».

RFI (12.04.2024)

 

 

Các nước đồng loạt tập trận ở Biển Đông, Việt Nam lên tiếng

Chiến hạm Phi Luật Tân, Mỹ, Úc và Nhật Bản trong cuộc diễn tập trên Biển Đông hôm 7-4 – Ảnh: Hải quân Úc

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 11/4 lên tiếng yêu cầu các nước tuân thủ luật quốc tế ở Biển Đông vào khi nhiều nước đang đồng loạt thực hiện các cuộc tập trận tại vùng nước đang có tranh chấp này.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ ở Hà Nội rằng: “Việt Nam đề nghị hoạt động của các nước liên quan cần phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đồng thời đóng góp tích cực vào việc thực hiện các mục tiêu trên”.

Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc duy trì an ninh, an toàn, tự do hàng không hàng hải trong khu vực phù hợp luật pháp quốc tế.

Trước đó, vào ngày 7/4, Bộ tư lệnh Chiến khu miền Nam quân đội Trung cộng thông báo tổ chức tuần tra chiến đấu không quân và hải quân hiệp đồng ở Biển Đông. Thông báo này được đưa ra một ngày sau khi bộ trưởng quốc phòng các nước Mỹ, Nhật, Úc và Phi Luật Tân thông báo sẽ tổ chức tập trận chung vào ngày 7/4 ở khu vực đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân ở Biển Đông.

Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên của cả bốn nước ở khu vực. Tuyên bố chung nhấn mạnh hoạt dộng này nhằm mục đích tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế “để ủng hộ một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Các cuộc tập trận diễn ra vào khi có những căng thẳng giữa Trung cộng và Phi Luật Tân ở Biển Đông liên quan đến Bãi Cỏ Mây, Scarborough và bãi Sandy Cay.

Trung cộng là nước đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông, nơi các nước trong khu vực cũng có tuyên bố chủ quyền bao gồm: Việt Nam, Phi Luật Tân, Malaysia, Brunei và Đài Loan.

RFA (11.04.2024)

 

 

Hợp tác tại Biển Đông, trọng tâm thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Phi Luật Tân

Cuộc họp thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật-Phi Luật Tân diễn ra tại Tòa Bạch Ốc hôm nay 11/04/2024. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cho biết lãnh đạo ba nước sẽ thông qua một thỏa thuận bao gồm việc bảo đảm an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông. Trước cuộc họp thượng đỉnh, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã tiếp riêng tổng thống Phi Luật Tân.

Ảnh ghép.Từ trái sang phải : Tổng thống Mỹ Joe Biden, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, tổng thống Phi Luật Tân Ferdinand Marcos Jr. AP

Hôm nay, tổng thống Joe Biden gặp lại thủ tướng Fumio Kishida và sẽ cùng tiếp tổng thống Phi Luật Tân, Ferdinand Marcos Jr. tại Tòa Bạch Ốc. Theo một quan chức cao cấp trong chính quyền Mỹ, được AFP trích dẫn, sự hiện diện của tổng thống Phi Luật Tân là « tín hiệu mạnh mẽ và cứng rắn mà Washington và Tokyo gửi đến Bắc Kinh » vào lúc mà Manila liên tục bị Trung cộng uy hiếp ở Biển Đông.

Theo các nguồn tin thông thạo, nhân cuộc họp hôm nay, ông Biden một lần nữa sẽ nhắc lại lập trường kiên định, đó là « hiệp định phòng thủ hỗ tương giữa Hoa Kỳ và Phi Luật Tân sẽ được áp dụng trong mọi trường hợp xảy ra xung đột vũ trang ở Biển Đông, bao gồm cả việc bảo vệ các tàu tuần duyên của Phi Luật Tân ». Ngoài ra, hãng tin Mỹ AP cho biết tổng thống Hoa Kỳ chính thức thông báo huy động quân đội Mỹ hỗ trợ Phi Luật Tân nâng cao khả năng phòng thủ trên biển.

Về phía Manila, trả lời báo chí trước khi lên đường đến Washington, tổng thống Ferdinand Marcos Jr. hôm 10/04/2024 cho biết « chủ đích của hiệp ước ba bên là Mỹ-Nhật-Phi Luật Tân có thể tiếp tục phát triển để đem lại thịnh vượng, hỗ trợ lẫn nhau và đương nhiên là nhằm duy trì hòa bình ở Biển Đông cũng như là bảo đảm tự do hảng hải trong vùng biển này ». Thượng đỉnh  Washington là cơ hội để các bên « đi sâu thêm vào chi tiết về các chương trình hợp tác ba bên, bao gồm cả việc thực hiện các dự án chung ở Biển Đông », nơi mà trong thời gian gần đây, căng thẳng giữa Manila và Bắc Kinh đã gia tăng cường độ.

Trước cuộc họp hôm nay, thủ tướng Fumio Kishida từng quan niệm hợp tác « chặt chẽ hơn giữa Nhật Bản, Hoa Kỳ và Phi Luật Tân là một yếu tố then chốt trong khu vực ». Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản hôm đầu tuần nêu đích danh Trung cộng « không ngừng gây áp lực, hà hiếp » các nước láng giềng, kể cả Nhật và Phi Luật Tân. Đại sứ Nhật tại Washington đã xác định tham vọng của « Bắc Kinh trong vùng biển này sẽ là một trong những chủ đề được thảo luận » tại thượng đỉnh ba bên hôm nay.

Hôm qua, hai thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đề xuất một dự luật cấp 2,5 tỷ đô la viện trợ quân sự cho Phi Luật Tân, giúp Manila chống lại các áp lực của Trung cộng.

Ngoài hồ sơ Biển Đông, kinh tế cũng là một ưu tiên của Manila. Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. muốn nhân dịp này kêu gọi đầu tư của Mỹ và Nhật vào một số lĩnh vực thiết yếu như « cơ sở hạ tầng, công nghệ bán dẫn, an ninh mạng, năng lượng tái tạo và nhất là hợp tác ba bên về quốc phòng và hàng hải ».

AFP ghi nhận đương nhiên Trung cộng đặc biệt theo dõi thượng đỉnh Mỹ-Nhật-Phi Luật Tân tại Washington hôm nay, do Bắc Kinh quan niệm đây là một nỗ lực của các bên nhằm hạn chế ảnh hưởng về địa chính trị ngày càng lớn của Trung cộng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

RFI (12.04.2024)

 

 

 

Mỹ: Trung cộng đang chiếm không gian Biển Đông bằng vũ lực

Các hành động hung hãn của Trung cộng ở Biển Đông là một ví dụ về việc Bắc Kinh đang tranh giành không gian lãnh thổ thông qua vũ lực và đang gây bất ổn cho khu vực, một giới chức quân sự cấp cao của Mỹ tuyên bố hôm Thứ Ba, 9 Tháng Tư.

Gần đây giữa Phi Luật Tân và Trung cộng xảy ra một loạt xung đột trên biển, bao gồm cả việc sử dụng vòi rồng xịt vào tàu của Manila, rồi những tuyên bố nảy lửa từ hai phía, gây ra lo ngại về leo thang tranh chấp trên Biển Đông.

Đô Đốc John Aquilino (trái), chỉ huy Bộ Tư Lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, được ông Fumio Kishida, thủ tướng Nhật, tiếp đón hôm 2 Tháng Mười, 2022, tại Tokyo. (Hình: STR/JIJI Press/AFP via Getty Images)

Đô Đốc John Aquilino, chỉ huy Bộ Tư Lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết trong bài diễn văn nói trước Viện Nghiên Cứu Lowy ở Sydney rằng các hành động của Trung cộng chống lại Phi Luật Tân, đặc biệt là ở bãi cạn Second Thomas Shoal, là “nguy hiểm, bất hợp pháp và gây bất ổn cho khu vực.”

Vị đô đốc bày tỏ ông “rất lo ngại về những gì đang xảy ra tại bãi cạn Second Thomas Shoal,” nơi hành động bạo lực của Tuần Duyên Trung cộng và một tàu đánh cá của dân quân nguỵ trang đã khiến sáu thủy thủ Phi Luật Tân bị thương.

“Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và họ sẵn sàng đi bao xa trong khuynh hướng này?” Đô Đốc John Aquilino nói.

Ông Aquilino cho biết những hành động tương tự của Trung cộng cũng được thấy ở những nơi khác trong khu vực, bao gồm cả ở Nhật và Malaysia.

“Đây không phải là trường hợp cá biệt, đây là việc Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đang cố gắng đơn phương giành được không gian lãnh thổ bằng vũ lực,” ông cho hay.

Trung cộng tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông.

Trong vụ bãi Cỏ Mây (tên quốc tế là Second Thomas Shoal), nơi cách đất Trung cộng khoảng hơn 1,000 km (620 dặm), lực lượng Tuần Duyên Trung cộng đã luôn lấn lướt các hoạt động dân sự cũng như của Tuần Duyên Phi Luật Tân.

Đô Đốc Aquilino cho biết đã có chuyển biến tích cực trong mối quan hệ Mỹ-Trung kể từ khi lãnh đạo hai nước lên tiếng, không có diễn biến hàng hải nào đáng lo ngại giữa Mỹ và Trung cộng kể từ đó.

Đô Đốc Aquilino cho biết ông lo ngại sự giảm bớt căng thẳng này chỉ là tạm thời khi Trung cộng đang tìm cách ổn định nền kinh tế của mình.

Ông cũng bày tỏ lo ngại về điều mà ông cho là sự đồng bộ hóa giữa Nga và Trung cộng hoặc  giữa Nga và Bắc Hàn: “Những tập hợp hợp tác và liên kết đó thực sự là một thế giới mới và là một mối quan ngại.” 

Người Việt (09.04.2024)

 

 

 

Nguy cơ đụng độ trên Biển Đông đang đến gần

 

Châu Á-Thái Bình Dương có nguy cơ trở thành chiến địa giữa hai thế lực Mỹ và Trung cộng. Những diễn biến quân sự và ngoại giao đang diễn ra cho thấy nguy cơ đó đang đến gần hơn bất cứ lúc nào.

Ông Joe Biden (phải), tổng thống Mỹ, tiếp ông Ferdinand Marcos Jr., tổng thống Phi Luật Tân, tại Tòa Bạch Ốc hôm 1 Tháng Năm, 2023. (Hình minh họa: Alex Wong/Getty Images)

Vào Thứ Tư, 10 tháng Tư, ông Joe Biden, tổng thống Mỹ, sẽ đón tiếp hai nguyên thủ quốc gia Châu Á là ông Fumio Kishida, thủ tướng Nhật, và ông Ferdinand Marcos Jr., tổng thống Phi Luật Tân. Cuộc họp thượng đỉnh giữa ba nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật và Phi Luật Tân diễn ra vào lúc trên Biển Đông, Hải Quân ba nước cũng bắt đầu chiến dịch tuần tra chung.

Cả Nhật và Phi Luật Tân đều là đối tác có hiệp ước an ninh chung với Mỹ nhưng đây là lần đầu tiên Hải Quân ba nước phối hợp tuần tra chung trên một vùng biển là hải lộ huyết mạch của kinh tế thế giới đồng thời là một điểm nóng xung đột do sự trỗi dậy mạnh mẽ của Hải Quân Trung cộng.

Đài VOA tường thuật: “Khi được hỏi về kế hoạch [tuần tra chung] này, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Trung Tá Martin Meiners, nói với đài VOA rằng Hoa Kỳ lo ngại về các hành động ‘nguy hiểm và gây bất ổn’ trong khu vực và ‘cam kết duy trì khả năng răn đe, hòa bình và ổn định’ với các đồng minh và đối tác.”

Tại Tòa Bạch Ốc, bên cạnh hội nghị thượng đỉnh ba bên, Tổng Thống Biden cũng sẽ có cuộc họp song phương riêng rẽ với Thủ Tướng Kishida và Tổng Thống Marcos Jr. Ông Kurt Campbell, thứ trưởng Ngoại Giao, cho biết hội nghị thượng đỉnh ngày 11 Tháng Tư sẽ là dịp cho “sự giao tiếp ba bên chưa từng có” giữa ba nước, từ đó dẫn đến sự hợp tác chặt chẽ hơn ở Biển Đông và các nơi khác. Một giới chức cấp cao của Mỹ cho biết lãnh đạo ba nước Mỹ, Nhật, Phi Luật Tân sẽ thảo luận về “hành vi ngày càng nguy hiểm” của Trung cộng ở Biển Đông, đài VOA cho biết. Thủ tướng Nhật cũng sẽ phát biểu trước cuộc họp toàn thể của Quốc Hội Hoa Kỳ – một sự kiện tương đối hiếm với nguyên thủ quốc gia nước ngoài.

Ngoài ra, hai ông Kishida và Marcos cũng nhân dịp này sẽ bàn bạc và kết luận một hiệp ước quốc phòng song phương Nhật-Phi Luật Tân, gọi là Thỏa Thuận Tiếp Cận Đối Ứng (RAA), theo đó hai bên sẽ cho phép khai triển quân đội trên lãnh thổ của nhau, chủ yếu là cho phép lực lượng Phòng Vệ Nhật sử dụng các căn cứ quân sự của quân đội Phi Luật Tân khi hữu sự. Manila đã ký kết một thỏa thuận tương tự với Hoa Kỳ, cho phép quân đội Mỹ khai triển ở chín căn cứ như vậy. Các kế hoạch tập trận chung Mỹ-Phi Luật Tân và cử chuyên gia quân sự Mỹ huấn luyện quân đội Phi Luật Tân cũng đang được gấp rút thực hiện.

Trước đó, Nhật đã cải tổ quân đội, nâng gấp đôi mức chi tiêu cho quốc phòng lên 2% GDP mỗi năm, đặt mua 400 hỏa tiễn Tomahawk và vũ khí mới của Mỹ, đồng thời cho phép quân đội “đánh phủ đầu” ngay khi phát hiện đối phương có kế hoạch tấn công nước Nhật. Đối ngoại, Nhật nhắm đến vai trò quân sự mạnh mẽ hơn ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương qua hợp tác quân sự với Mỹ và Phi Luật Tân. Gần đây Nhật đã cung cấp cho Phi Luật Tân tàu tuần tra, radar giám sát bờ biển và máy bay không người lái và có kế hoạch cung cấp những thiết bị tương tự cho các quốc gia Đông Nam Á khác có tranh chấp chủ quyền với Trung cộng như Việt Nam, Malaysia và Indonesia.

Phi Luật Tân từ lâu đã bị Trung cộng bắt nạt nên việc Manila dựa vào Mỹ là chuyện hiển nhiên. Nhật tuy chưa bị Trung cộng chèn ép như Phi Luật Tân dù Bắc Kinh vẫn liên tục quấy rối ở quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông hiện do Nhật quản lý nhưng Trung cộng đòi tuyên bố chủ quyền, nhưng quyết định của Tokyo tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ, Phi Luật Tân còn xuất phát từ lợi ích của nước này trên Biển Đông. Theo nhiều tài liệu, có đến 90% hoạt động thương mại của Nhật đi qua Biển Đông, trong đó nguồn dầu thô nhập cảng từ Trung Đông để cung cấp năng lượng cho nước Nhật và hàng hóa của Nhật xuất cảng sang Châu Âu và nhiều quốc gia khác đều đi qua Biển Đông, cho nên bằng mọi cách Nhật phải giữ cho tuyến đường này được thông suốt. Nếu Trung cộng độc chiếm Biển Đông và biến nó thành “ao nhà” của Bắc Kinh thì sự tồn vong của Nhật sẽ bị đe dọa.

Và thế là các nạn nhân của Trung cộng đã ngồi lại với nhau, hình thành một liên minh quân sự không chính thức, tạm gọi là JAROPUS (Japan + Republic of Phi Luật Tân + US) như cách nói của ông Rahm Emanuel, đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật, cùng đối phó với sự bành trướng hung hăng của Trung cộng. JAROPUS bây giờ mới đặt ra thì đã quá trễ, nhưng muộn còn hơn không. Cũng nên để ý rằng tám tháng trước, một liên minh quân sự tương tự giữa Washington, Tokyo và Seoul cũng đã được bàn bạc tại David Camp giữa nguyên thủ quốc gia ba nước Mỹ, Nhật và Nam Hàn. Cùng với QUAD (Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ), AUKUS (Mỹ, Anh và Úc) các liên minh mới tạo thành một vành đai quân sự ở Biển Đông để ngăn chặn tham vọng bành trướng của Trung cộng, buộc Bắc Kinh phải tính toán cẩn thận trước khi thực hiện những hành vi chèn ép, xâm lấn gây bất ổn trong khu vực.

***

Ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung cộng, không xuất hiện nhưng cái bóng của ông ta đang bao trùm lên các cuộc họp của Mỹ, Nhật và Phi Luật Tân. Chính yêu sách chủ quyền phi pháp cùng những hành động hung hăng của Trung cộng gần đây đã thôi thúc Mỹ và các nước đồng minh châu Á phải nhanh chóng hợp tác với nhau, sâu rộng hơn, để ứng phó.

Trung cộng vẫn cho rằng, Biển Đông là vấn đề riêng giữa Trung cộng với một nước ASEAN, Hoa Kỳ và Nhật không có vai trò gì. Bắc Kinh vẫn thường lập luận, sự hợp tác quân sự với các nước bên ngoài khu vực là yếu tố gây bất ổn, cảnh báo các nước liên quan không được phép can thiệp vào các vụ tranh chấp ở Biển Đông và phải tránh những hành động có thể gây tổn lại chủ quyền lãnh thổ và lợi ích an ninh của Trung cộng.

Về phần mình, Trung cộng cũng nỗ lực xây dựng các liên minh quân sự của chính họ, lấy Bắc Kinh làm trung tâm và mở rộng hoạt động quân sự ra nước ngoài mà việc chiến hạm Trung cộng mới đây xuất hiện ở căn cứ Hải Quân Ream của Cambodia là một ví dụ.

Trong lúc các ông Bien, Kishida và Marcos hội họp ở Washington thì tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình đón tiếp và hội đàm với ông Sergei Lavrov, ngoại trưởng Nga, khi ông Lavrov đến thăm Trung cộng trong hai ngày 8 và 9 Tháng Tư để bàn về mối quan hệ hợp tác “không giới hạn” giữa Bắc Kinh và Moscow. Chuyến đi của ông Lavrov cũng được cho là nhằm chuẩn bị cho chuyến công du Trung cộng của ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, vào Tháng Năm sắp tới để hội đàm với ông Tập Cận Bình. Nếu diễn ra thì đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Putin kể từ khi tái đắc cử tổng thống trong cuộc bầu cử giả hiệu hồi tháng trước.

Trong cuộc hội đàm với ông Vương Nghị, giám đốc Đối Ngoại Trung Ương Đảng Cộng Sản kiêm bộ trưởng Ngoại Giao Trung cộng, vào sáng Thứ Ba, 9 Tháng Tư, ông Lavrov nhấn mạnh vào mối quan hệ sắt đá Nga-Trung và cả hai không tiếc lời lên án Mỹ và cái trật tự thế giới do Mỹ dẫn dắt trong 70 năm qua. Chống Mỹ tới cùng là chất keo gắn kết hai nhà độc tài Putin-Tập Cận Bình, hai thể chế chuyên chế toàn trị lớn nhất cùng thoát thai từ đống tro tàn của chủ nghĩa cộng sản quốc tế.

Cho đến nay, Trung cộng vẫn đứng về phía Nga, chẳng những không lên án cuộc chiến tranh xâm lược của ông Putin tại Ukraine mà còn cáo buộc Tây phương và NATO gây ra cuộc chiến tranh đó. Tuy không viện trợ vũ khí và trang bị quân sự cho Nga, Trung cộng vẫn là chỗ dựa vững chắc cho Moscow về ngoại giao và kinh tế, giúp Nga né tránh có hiệu quả các biện pháp cấm vận và cô lập của Hoa Kỳ và đồng minh.

Bất chấp tổn thất trầm trọng ở chiến trường Ukraine, quân đội Nga vẫn thường xuyên tổ chức tập trận với quân đội Trung cộng ở Thái Bình Dương, chuẩn bị cho cuộc đối đầu trong tương lai với Nhật và khối đồng minh được Hoa Kỳ dẫn dắt.

“Ukraine hôm nay có thể là Đông Á ngày mai,” Thủ Tướng Kishida của Nhật thường nói sau khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine. Một cuộc chiến tương tự có thể xảy ra ở Đài Loan, ở Biển Đông hay biển Hoa Đông, giữa một bên là các liên minh quân sự Mỹ, Nhật, Phi Luật Tân với một bên là Trung cộng, Nga và có thể cả Bắc Hàn hay không là chuyện chưa thể đoán trước được. Nhưng có điều chắc chắn là Trung cộng sẽ không từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông và sắm vai cường quốc khu vực, đặt ra “luật chơi” cho tất cả các nước khác. Mỹ và các đồng minh có thể buộc Bắc Kinh phải lùi bước, phải nhân nhượng và tuân thủ luật pháp quốc tế hay không cũng là chuyện chưa biết trước được nhưng sự răn đe là cần thiết.

“Chúng tôi ngày càng lo ngại rằng hành vi của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa trong không gian này có thể đưa chúng ta đến gần hơn với những hậu quả thực sự, không lường trước được,” một giới chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc lo lắng. Một vụ đụng độ chết người, chìm tàu giữa các lực lượng, dù vô tình hay cố ý, cũng có thể dẫn tới những xung đột ngoài tầm kiểm soát mà hậu quả sẽ hết sức khủng khiếp.

Hiếu Chân

Người Việt (09.04.2024)

 

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen