Mục lục
Cái kết nào cho Vương Đình Huệ?
22-4-2024
Bàn cờ chính trị Việt Nam đang thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước.
Trưa nay, 22-4-2024, Bộ Công an chính thức công bố lệnh khởi tố, bắt giam Phạm Thái Hà, Phó Chánh Văn phòng Quốc hội, trợ lý Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tất cả các diễn biến giống hệt bộ phim thể loại hành động kinh điển.
Đến lúc này các quân cờ đều lật ngửa. Trận so găng đỉnh cao, không khoan nhượng, mang tính “một mất một còn” giữa Tô Lâm với Vương Đình Huệ đang dần dần đi đến hồi kết. Cả hai đều là ủy viên Bộ Chính trị hai khóa 12 và 13; đều có học hàm học vị “giáo sư, tiến sĩ” và đều là đại biểu quốc hội khóa 15. Một người đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an, người kia là đương kim Chủ tịch Quốc hội khóa 15.
‘Quy trình của Bộ Công an
Tháng 12-2022, liên quan đại án “chuyến bay giải cứu” và “test kit Việt Á”, cả hai phó thủ tướng đương chức Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đều chiến đấu đến cùng để “trụ hạng”. Đến lúc Bộ Công an lần lượt bắt giam hai trợ lý của họ là Nguyễn Quang Linh và Nguyễn Văn Trịnh, thì Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam vội vã “buông súng”, viết đơn xin thôi tất cả các chức vụ.
Tháng 1-2023, tương tự như hai ông Minh và Đam, ban đầu khi bị quy trách nhiệm, ông Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị ba khóa 11, 12 và 13, đương kim chủ tịch nước, cũng “vùng vằng” không chịu nhận sai, không chịu viết đơn xin “về vườn làm người tử tế”.
Khi Bộ Công an bắt giam Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, em họ – con chú ruột của ông Phúc – rồi bắt luôn Nguyễn Bạch Thuỳ Linh, người kinh doanh cùng “công chúa” Nguyễn Thị Xuân Trang – con gái ông Phúc – lại còn đe doạ sẽ “sờ gáy” vợ con ngài chủ tịch nước, thì ông Nguyễn Xuân Phúc mới chịu… buông súng đầu hàng, rút lui để bảo vệ danh dự và sự bình an của gia đình.
Tháng 3-2024, Bộ Công an tiến hành bắt giam Nguyễn Văn Hậu, ông chủ Tập đoàn Phúc Sơn, nhằm “rung cây” cho ông Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị khóa 12 và 13, phải “nhảy” khỏi ghế chủ tịch nước. Thế nhưng, Thưởng im lặng, không động tĩnh gì.
Bộ Công an đành phải mạnh tay hơn, khởi tố, bắt giam Đặng Trung Hoành, em họ Võ Văn Thưởng, bắn tin cho Thưởng rằng năm 2012 Hoành nhận hối lộ của Phúc Sơn hơn 60 tỷ đồng. Đến nước này, Chủ tịch Võ Văn Thưởng đành phải viết đơn, xin trả “áo mão” Chủ tịch nước, âm thầm cuốn gói về quê.
Tháng 4-2024, Bộ Công an bắt Phạm Thái Hà, Phó Chánh Văn phòng quốc hội, trợ lý Chủ tịch Quốc hội, nhằm mục đích duy nhất là gây sức ép, buộc vị Chủ tịch Quốc Vương Đình Huệ phải viết đơn từ giã chính trường. Tuy nhiên, trái với toan tính của Bộ Công an cùng phe nhóm tấn công, họ Vương không dễ bị bắt nạt và chịu thua một cách dễ dàng như các vị Minh, Đam, Phúc, Thưởng.
Vương Đình Huệ phản công
Vương Đình Huệ là ngôi sao nổi bật trên chính trường Việt Nam. Sinh năm 1957 ở Nghệ An, Huệ được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nâng đỡ, gởi gắm, tin tưởng. Ông Trọng muốn chuyển giao quyền lực, trao cho Huệ vị trí A1. Huệ sẽ đăng quang ngôi vương, khi ông Trọng rút lui vào năm 2026.
Trong hai lần lấy phiếu tín nhiệm gần đây, tại Quốc hội thì Vương Đình Huệ nhận được số phiếu cao nhất bảng và tại Trung ương đảng, Huệ về top 3. Các phe nhóm trong đảng phải thừa nhận, uy tín của Huệ đang lên rất cao.
Nghệ An, tức xứ Hoan Châu xưa, đang hiện diện 14 Uỷ viên Trung ương đảng, 4 Uỷ viện Bộ Chính trị tại khóa 13, nhiệm kỳ 2021-2026. Tất cả đang nín thở trước trận thư hùng có một không hai này.
Thông tin nội bộ cho biết, đến thời điểm này, Phạm Thái Hà vẫn chưa nhận tội, bác bỏ mọi cáo buộc về “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” và “nhận hối lộ” mà cơ quan điều tra Bộ Công an đang áp đặt.
Ngày 19-4-2024, Bộ Chính trị nhóm họp khẩn cấp. Ông Vương Đình Huệ kiên quyết phản bác mọi quy chụp trách nhiệm và các đòn tấn công nhắm vào cá nhân ông. Ông Huệ cho rằng, ai sai nấy chịu, luật pháp và điều lệ đảng đã quy định rõ ràng.
Vương Đình Huệ cũng mong muốn Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Uỷ Ban Kiểm tra Trung ương nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh để trả lại sự trong sáng cho ông. Đồng thời ông Huệ cũng yêu cầu làm rõ, có hay không một thế lực lộng quyền, tiếm quyền trong đảng, âm mưu hạ bệ ông, thao túng chính trường.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong và Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cũng đồng ý, đề nghị trước mắt theo quy trình, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cùng với Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương khẩn trương điều tra mở rộng, báo cáo kết quả cho Tổng Bí thư và Bộ Chính trị, sau đó Ban Bí thư triệu tập hội nghị, xin ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương.
Thời gian thẩm tra của Uỷ Ban Kiểm tra Trung ương đối với đảng viên Vương Đình Huệ là 60 ngày. Diễn biến phức tạp, khó phân định, nhưng với cách phối hợp ra đòn của Bộ Công an và Vụ địa bàn 1A – Uỷ Ban Kiểm tra Trung ương, xem ra Vương Đình Huệ khó có thể lật ngược tình thế. Dù hơi sớm, nhưng có thể nhận định, ông Huệ gần như chắc chắn bị truất phế.
Thất bại của ông Nguyễn Phú Trọng
Người ta nói nhiều về hệ quả chiến dịch “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng đã sai lầm khi dùng “tấm gương đạo đức” và “danh dự” để kêu gào, mong đảng viên các cấp thôi không tham nhũng nữa.
Do không răn đe, nghiêm trị bằng luật hình sự, mà lại xử lý theo quy định, quy chế nửa vời của đảng, cộng với “nộp tiền khắc phục” để giảm án, làm cho tham nhũng không hề giảm, ngược lại chúng lộng hành hơn, quy mô hơn, thách thức hơn, vơ vét từ địa phương đến trung ương và lan vào đến “tứ trụ” triều đình.
Ông Trọng rập khuôn, giáo điều, nên không dám cải cách bộ máy lãnh đạo thượng tầng chính trị như Tập Cận Bình. Vì cơ cấu đậm tính “mặt trận” nên lãnh đạo các hội phụ nữ, đoàn thanh niên, các uỷ ban không quan trọng, đều có chân trong Uỷ viên Trung ương. Lực lượng vũ trang như quân đội, công an, vốn là “công cụ bảo vệ chính quyền” lại thọc chân vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Nghịch lý khi Phó thủ tướng chỉ là Uỷ viên Trung ương, trong khi bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Công an lại là Uỷ viên Bộ Chính trị.
Ở các tỉnh, thành, quận, huyện cũng vậy, Phó chủ tịch tỉnh chỉ là Tỉnh uỷ viên, trong khi giám đốc sở Công an và Tỉnh đội trưởng là Uỷ viên Ban Thường vụ.
Ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư của đảng, nhưng khi ông đến Bộ Công an, ông là cấp dưới của Tô Lâm. Vì Tô Lâm là Bí thư đảng uỷ Công an Trung ương, còn ông Trọng chỉ là Uỷ viên Ban Thường vụ tại đây.
Quy trình cán bộ lạ lùng này khiến câu đồng dao của lũ chăn bò ngày xưa đã đúng: “Sinh con rồi mới sinh cha. Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Thật là tréo ngoe và khôi hài.
Sau khi loại được Nguyễn Tấn Dũng tại đại hội 12, Nguyễn Phú Trọng phát thông điệp “nhốt quyền lực vào lồng luật pháp”. Ông Trọng ném hàng loạt tướng tá công an vào tù, làm Bộ Công an biến mất 6 tổng cục, tinh giảm hơn 60 đơn vị cấp cục. Vô hình chung, quyền lực cả Bộ Công an chỉ nằm trong tay Tô Lâm, chứ không phân quyền như trước năm 2018.
Gần 200 Uỷ viên Trung ương đều đi lên, kinh qua lãnh đạo các sở, uỷ ban nhân dân các cấp, bí thư các tỉnh thành, bộ trưởng các ban ngành. Các quan đó, hầu hết đều có “sân sau”, doanh nghiệp gia đình, đệ tử ruột… với mục đích tham nhũng, rửa tiền.
Bộ máy an ninh dày đặc của Tô Lâm đã nắm thóp tất cả, muốn bắt ai, vào thời điểm nào, đều do Bộ Công an quyết định.
Bài học Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Phó Chánh Hoa… ở Trung Quốc, bây giờ đang tái hiện ở Việt Nam. Ông Trọng sẽ hành động hay bó tay chịu chết, chỉ mỗi mình ông biết rõ.
Hai nhân tố hàng đầu trong đảng, hai quân bài chủ chốt của ông Trọng là Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ đã và đang “phơi lưng, lấm bụng” trong sới vật tiền đại hội 14. Hiện tại, ông Trọng được cho là thất bại cay đắng!
Còn chưa đầy hai năm nữa mới khai mạc đại hội 14, nhưng chính trường đã thành chiến trường. Khủng hoảng nhân sự cấp cao đang là đề tài bàn tán sôi nổi trong đảng bộ các cấp. Phe nào thắng trong các trận thư hùng, thì dân chúng cần lao cũng mãi mãi bị đè đầu, cưỡi cổ.
Vụ trợ lý ông Vương Đình Huệ: Tin đồn đi trước, tin thật đi sau
Trân Văn
Blog VOA
Cuối cùng, Bộ Công an Việt Nam cũng xác nhận tin… đồn ông Phạm Thái Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm trợ lý ông Vương Đình Huệ (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội) là chính xác!
Theo Bộ Công an, trong quá trình điều tra sai phạm xảy ra tại Công ty Thuận An, họ phát giác ông Hà có dấu hiệu phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” [1].
Thuận An là doanh nghiệp tư nhân được thành lập vào năm 2004. Trong mười năm đầu tiên, Thuận An chỉ là một doanh nghiệp bình thường, đến 2014 mới xin tăng vốn điều lệ lên 300 tỉ (hơn 75 lần so với ban đầu) và bắt đầu lột xác vì liên tục thắng các gói thầu liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông (cầu, đường) trên toàn quốc (Hà Nội, TP.HCM, Ninh Thuận, Bắc Giang, Quảng Nam, Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hà Giang, Tuyên Quang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Lạng Sơn…) với giá trị càng ngày càng lớn (từ vài trăm tỉ đến hàng ngàn tỉ). Trong năm năm vừa qua, Thuận An tranh 51 gói thầu, thắng 39/51, trong đó có bốn gói thầu đang chờ kết quả. Tổng giá trị các gói thầu đã thắng được ước đoán hơn 22.000 tỉ [2].
Song song với quá trình lột xác, Thuận An liên tục xin điều chỉnh vốn điều lệ, tăng từ 300 tỉ đồng lên 500 tỉ đồng, rồi 800 tỉ đồng nhưng không công bố cơ cấu cổ đông và bắt đầu vói tay sang nhiều lĩnh vực khác (du lịch, bất động sản,…).
Đầu tuần trước, Bộ Công an Việt Nam công bố quyết định khởi tố ba nhân vật chủ chốt của Thuận An là ông Nguyễn Duy Hưng (Chủ tịch HĐQT), ông Trần Anh Quang (Tổng giám đốc), ông Nguyễn Khắc Mẫn (Phó Tổng giám đốc) và loan báo đã tạm giam cả ba để điều tra vì có dấu hiệu “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “đưa hối lộ”. Ngoài ba ông này còn có ba viên chức làm việc trong Ban Quản lý các dự án của tỉnh Bắc Giang bị tống giam để điều tra vì “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “nhận hối lộ”. Ông Phạm Thái Hà là viên chức thứ tư bị bắt trong vụ án này. Căn cứ vào tội danh mà Bộ Công an Việt Nam áp vào ông Hà, dường như ông Hà là nhân vật sắp đặt việc tổ chức thầu, dự thầu và chọn thầu!
***
Thuận An chỉ là một tập trong bộ phim nhiều tập do đảng CSVN viết kịch bản, tổ chức sản xuất và dàn dựng để thực hiện kinh tế thị trường theo “định hướng XHCN”. Trước Thuận An là Phúc Sơn.
Giống như Thuận An, Phúc Sơn cũng được thành lập vào năm 2004 và trong mười năm đầu cũng chỉ là một doanh nghiệp tư nhân bình thường. Sau đó Phúc Sơn xin tăng vốn điều lệ từ 100 tỉ lên 2000 tỉ, thậm chí 4000 tỉ và kể từ đó, cơ cấu cổ đông trở thành ẩn số!
Phúc Sơn liên tục giành được các gói thầu có giá trị cực lớn tại Vĩnh Phúc (nơi đặt trụ sở), ở Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Nội, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Khánh Hòa,… Ngoài việc được chọn để phát triển hạ tầng giao thông, Phúc Sơn còn được chọn để thực hiện các dự án phát triển đô thị từ Bắc vào Nam. Đa số công trình, dự án đã giao cho Phúc Sơn đều dở dang bởi nếu không phải Phúc Sơn thì cũng là chính quyền các địa phương vi phạm qui định pháp luật trong chỉ định thầu, giao đất. Tại Vĩnh Phúc là Khu đô thị mới Tứ Trưng – Vĩnh Tường, Khu Trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn… Ở Quảng Ngãi là Khu đô thị công nghiệp Dung Quất, Khu đô thị Bàu Giang… Ở Khánh Hòa là việc nhận đất để thực hiện ba dự án về đường sá, nút giao thông…
Chỉ trong một thời gian ngắn, Phúc Sơn nhận được 21 dự án đủ loại, trị giá khoảng 41.000 tỉ đồng, kèm theo quỹ đất có diện tích cả trăm héc ta [3]. Tuy chưa có số liệu chính thức nhưng thiệt hại do Phúc Sơn gây ra được ước đoán phải hàng chục ngàn tỉ!
Ngoài năm nhân vật chủ chốt của Phúc Sơn (ông Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch HĐQT, ông Phạm Ngọc Cương – Phó Tổng giám đốc, bà Nguyễn Thị Hằng – Phó Tổng giám đốc, Đỗ Thị Mai – Kế toán trưởng,…) đã bị tạm giam để điều tra vì “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, còn có hàng chục viên chức bị bắt vì “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, vì “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” và vì “nhận hối lộ”, trong đó có cả những cá nhân đang là hoặc đã từng là Bí thư tỉnh (bà Hoàng Thị Thúy Lan – Vĩnh Phúc, ông Lê Viết Chữ – Quảng Ngãi), Phó Bí thư kiêm Chủ tịch tỉnh (ông Lê Duy Thành – Vĩnh Phúc, ông Đặng Văn Minh – Quảng Ngãi),…
***
Một viên tướng công an phụ trách điều tra vụ án xảy ra tại Phúc Sơn bảo với công chúng, đại ý: Công an vừa khám phá một loại tội phạm mới. Theo đó Chủ tịch HĐQT Phúc Sơn đã dựa vào các mối quan hệ với người có quyền lực nhằm chi phối, lũng đoạn, “gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của hệ thống chính trị ở cơ sở” và “làm xấu hình ảnh của đảng cũng như chính quyền nhân dân”. Tuyên bố như thế là… nói lấy được! Phúc Sơn chẳng có gì mới, Thuận An cũng vậy. Trong thực tế, khó mà đếm xuể những đại án do một số cá nhân tuy chỉ điều hành một số doanh nghiệp nhưng có thể “chi phối, lũng đoạn” toàn bộ hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương, chứ chẳng phải chỉ cấp… “cơ sở”.
(còn tiếp)
Chú thích
[1] https://vnexpress.net/tro-ly-chu-tich-quoc-hoi-pham-thai-ha-bi-bat-4735613.html
[2] https://plo.vn/tap-doan-thuan-an-trung-thau-nhieu-du-an-giao-thong-lon-post785815.html
[4] https://hanoionline.vn/hau-phao-va-loat-can-bo-bi-khoi-to-230875.htm
Trợ lý Phạm Thái Hà bị bắt, ông Vương Đình Huệ có ‘chịu trách nhiệm người đứng đầu’?
Ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vừa bị bắt với cáo buộc liên quan đến vụ án Tập đoàn Thuận An. Một câu hỏi được đặt ra trong vụ này: Trách nhiệm của người đứng đầu được quy định như thế nào?
Theo các quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Phạm Thái Hà bị cáo buộc sai phạm, ông Vương Đình Huệ ít nhất phải chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Điều này đã được quy định cụ thể.
Chính quy định này đã khiến hàng loạt quan chức cấp cao trong Đảng, bao gồm cả ủy viên Bộ Chính trị, bị kỷ luật theo nhiều hình thức khác nhau, đa phần là bị miễn nhiệm, “cho thôi chức”.
Trường hợp gần đây nhất là cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Ông Thưởng đã “được cho thôi chức” chủ tịch nước khi phải chịu trách nhiệm người đứng đầu.
Tội danh của ông Phạm Thái Hà
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét đối với ông Phạm Thái Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội – về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” theo quy định tại Khoản 4, Điều 358, Bộ Luật Hình sự 2015.
Trong vụ án tại Tập đoàn Thuận An, vào ngày 15/4, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng và Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Khắc Mẫn của tập đoàn này đều đã bị khởi tố, tạm giam về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.
Còn ông Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc, bị khởi tố, tạm giam về tội “Đưa hối lộ”.
Cơ quan điều tra cũng khởi tố, bắt tạm giam ba bị can là lãnh đạo, cán bộ quản lý thuộc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang gồm: Giám đốc ban, ông Nguyễn Văn Thạo; Phó Giám đốc ban, ông Đàm Văn Cường và Trưởng phòng ban, ông Hoàng Thế Du.
Ba cán bộ này đều bị điều tra về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Riêng ông Nguyễn Văn Thạo, người ký quyết định phê duyệt gói thầu Dự án cầu Đồng Việt mà Tập đoàn Thuận An liên danh trúng thầu, còn bị điều tra thêm tội “Nhận hối lộ”.
Sau khi các lãnh đạo Tập đoàn Thuận An và một số cán bộ tỉnh Bắc Giang bị khởi tố, bắt giam, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã tiến hành rà soát các dự án, gói thầu mà tập đoàn này tham gia.
Đáng chú ý, báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin cho biết việc Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên đề nghị UBND tỉnh này rà soát các dự án của Thuận An là “nhận chỉ đạo từ ngành dọc”.
Theo thuật ngữ trong hệ thống chính trị Việt Nam, cấp trên theo “ngành dọc” ở đây là Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
Do đó, có thể hiểu là có cán bộ do “trung ương quản lý” liên quan tới cáo buộc sai phạm tại Tập đoàn Thuận An.
Giờ đây, với việc ông Phạm Thái Hà bị bắt, điều này đang dần được khẳng định.
Trách nhiệm của người đứng đầu
Việc ông Phạm Thái Hà bị khởi tố, bắt tạm giam thì cấp trên của ông Hà là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có thể sẽ bị xử lý theo Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ do Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành ngày 3/11/2021.
Điều 7 của quy định này nêu rõ:
1. Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.
2. Người đứng đầu lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực thì tuỳ tính chất, mức độ sai phạm để xem xét cho từ chức.
3. Cho từ chức đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng.
Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, phân tích với BBC rằng, về bản chất, tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” mà ông Hà bị khởi tố là tội danh thuộc nhóm các tội tham nhũng.
“Do đó, căn cứ vào Khoản 1 Điều 7 Quy định 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính Trị là miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng, thì đủ điều kiện để xem xét miễn nhiệm đối với ông Vương Đình Huệ,” luật sư đánh giá.
Theo Luật sư Phùng Thanh Sơn, ngay cả khi cho rằng tội danh mà ông Hà bị khởi tố không phải là tội danh thuộc nhóm các tội danh tham nhũng thì cũng đủ điều kiện để xem xét miễn nhiệm đối với ông Vương Đình Huệ.
Bởi lẽ, Khoản 1 Điều 7 này không quy định phải xảy ra đồng thời tham nhũng và tiêu cực rất nghiêm trọng thì mới bị xem xét miễn nhiệm, nên không cần phải truy tố ông Phạm Thái Hà liên quan đến các tội danh tham nhũng thì mới phải xem xét miễn nhiệm đối với ông Vương Đình Huệ.
Tội danh mà ông Phạm Thái Hà bị khởi tố, bắt tạm giam là “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, theo khoản 4, Điều 358 Bộ luật Hình sự”.
Khung hình phạt của tội danh này lên đến mức chung thân nên theo quy định thì đây thuộc loại tội phạm “đặc biệt nghiêm trọng”.
“Vi phạm của ông Hà phải được xem là đặc biệt nghiêm trọng chứ không thể xem là rất nghiêm trọng hay nghiêm trọng hoặc ít nghiêm trọng được,” luật sư Phùng Thanh Sơn giải thích.
Mối quan hệ với ông Vương Đình Huệ
Ông Phạm Thái Hà sinh năm 1976, quê tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.
Ông có học vị tiến sĩ kinh tế, là kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (CPA) chuyên về lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Vào thời điểm bị bắt giữ, ông Phạm Thái Hà đang là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông Hà được bổ nhiệm chức vụ này vào ngày 5/5/2022.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm trên.
Đưa tin về việc bổ nhiệm này, trang mạng của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) viết: “Ông Phạm Thái Hà là cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, đã trải qua nhiều cương vị công tác với thời gian dài gắn bó, tham mưu, phục vụ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Ban Kinh tế Trung ương, Chính phủ, Thành ủy Hà Nội và Quốc hội.”
Thông tin từ báo chí nhà nước cho thấy ông Phạm Thái Hà đã là trợ lý của ông Vương Đình Huệ trước khi giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Trong quá trình công tác, ông Phạm Thái Hà đã theo chân ông Huệ qua nhiều cơ quan suốt nhiều năm trời.
Theo thông tin nói trên của VOV thì trong thời gian ông Vương Đình Huệ làm Tổng kiểm toán Nhà nước từ năm 2006 đến 2011, ông Phạm Thái Hà đã là trợ lý của ông.
Sau đó, khi ông Huệ trải qua các chức vụ quan trọng như Bộ trưởng Tài chính giai đoạn 2011-2012, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương giai đoạn 2012-2016, Phó Thủ tướng giai đoạn 2016-2020, ông Phạm Thái Hà vẫn là người trợ lý thân cận của ông Huệ.
Kể cả khi ông Vương Đình Huệ chuyển sang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội (2020-2021), ông Phạm Thái Hà vẫn theo chân ông.
Đến tháng 4/2021, ông Huệ trở thành Chủ tịch Quốc hội, một trong “Tứ Trụ” của Việt Nam. Ông Hà đã chuyển sang làm trợ lý Chủ tịch Quốc hội.
Và chỉ sau đó hơn một năm (tháng 5/2022), ông Phạm Thái Hà chính thức được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Báo điện tử Chính phủ lúc bấy giờ đưa tin: “Phát biểu chúc mừng ông Phạm Thái Hà tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá đồng chí Phạm Thái Hà là cán bộ được đào tạo bài bản, đã trải qua nhiều cương vị công tác với thời gian dài gắn bó, tham mưu, phục vụ Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.”
“Trong thời gian vừa qua, với vai trò Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Phạm Thái Hà luôn thể hiện tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo, có nhiều đề xuất cải tiến về công tác phối hợp tham mưu, phục vụ các hoạt động của lãnh đạo Quốc hội nói chung và Chủ tịch Quốc hội nói riêng.”
Theo báo điện tử Chính phủ, ông Mẫn tin rằng ông Hà sẽ “không chỉ luôn giữ vững phẩm chất chính trị, bản lĩnh vững vàng, gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn nữa, mà còn không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, trau dồi kiến thức nghiệp vụ và kỹ năng quản lý, đoàn kết nhất trí trong tập thể để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Có thể thấy trong quá trình công tác nhiều năm qua, ông Phạm Thái Hà với ông Vương Đình Huệ luôn như hình với bóng.
Các tiền lệ ‘chịu trách nhiệm người đứng đầu’
Quy định 41 của Bộ Chính trị còn được xem là cách để các cán bộ, quan chức “hạ cánh an toàn” hay còn gọi là “xin thôi” trong danh dự.
Quy trình này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn giải trong một cuộc tiếp xúc cử tri vào tháng 5/2023 và được coi là “một điểm mới” khi Đảng đã cho rất nhiều cán bộ, kể cả cấp cao thôi chức và khuyến khích xin thôi.
“Nếu đã vi phạm, thấy tay nhúng chàm rồi, tốt nhất xin thôi.”
“Đã không xứng đáng thì thôi từ chức đi, đó là nhân đạo, nhân ái, nhân tình. Rút lui trong danh dự là tốt nhất. Gần đây rất nhiều trường hợp và còn nữa, các đồng chí cứ chờ xem,” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Quy định 41 nói trên đã khiến không ít ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 – những nhân vật quyền lực nhất trong Đảng – phải từ chức khi phải “chịu trách nhiệm người đứng đầu”. Trường hợp mới nhất là cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Vào ngày 20/3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Võ Văn Thưởng thôi giữ các chức vụ trong đảng và nhà nước vì đã có “những vi phạm, khuyết điểm gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông”.
Kết luận từ cuộc họp kỷ luật ông Thưởng nêu: “Đồng chí đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.”
Dù thông báo của Trung ương Đảng không nêu cụ thể sai phạm của ông Thưởng là gì nhưng nhiều nhà quan sát độc lập nhận định rằng ông Võ Văn Thưởng bị kỷ luật với cáo buộc mắc sai phạm liên quan tới Tập đoàn Phúc Sơn trong thời kỳ ông làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi từ năm 2011 đến năm 2014.
Một số kênh truyền thông chính thức của chính quyền cấp địa phương tại Việt Nam cũng nêu chi tiết: “Các báo cáo của Trung ương và đơn của đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ, thời gian đồng chí Thưởng làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã không kiểm soát chặt chẽ, đề cán bộ dưới quyền vi phạm pháp luật, để một doanh nghiệp mượn danh đảm nhận nhiều dự án, can thiệp công tác cán bộ, làm mất lòng tin trong nhân dân.”
Đầu năm nay, ngày 31/1/2024, ông Trần Tuấn Anh đã bị cho thôi các chức vụ ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Theo thông cáo, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để xảy ra nhiều vi phạm tại Bộ Công thương, nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật Đảng, hành chính”.
Tháng 1/2023, ông Nguyễn Xuân Phúc, người tiền nhiệm của ông Thưởng, cũng đã phải “chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự”.
Hai phó thủ tướng nói trên là ông Phạm Bình Minh và ông Vũ Đức Đam.
Hai bộ trưởng bị xử lý hình sự là ông Nguyễn Thanh Long và ông Chu Ngọc Anh.
Trong buổi lễ bàn giao công tác trước khi rời nhiệm sở ngày 4/2/2023, ông Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu rằng: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á.”
Tuy nhiên, câu nói này của ông Phúc sau đó đã bị gỡ khỏi báo chí Việt Nam.
Cũng trong tháng 1/2023, ông Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị hai nhiệm kỳ 12, 13 đã xin từ chức. Ông Minh sau đó bị miễn nhiệm trên cơ sở nguyện vọng cá nhân.
Trong cuộc họp báo của Quốc hội ngày 9/1/2023, báo Thanh Niên đã đặt câu hỏi: “Vậy có thể xem ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam từ chức hay không? Quy định 41 về từ chức, miễn nhiệm quy định nhiều căn cứ từ chức, vậy các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam từ chức vì lý do gì?”
Trả lời, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho hay các quyết định này dựa trên quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, các quy trình được tuân thủ theo đúng quy định pháp luật. Ông Nguyễn Tuấn Anh nói thêm rằng Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam là dựa trên cơ sở nguyện vọng cá nhân.
“Nội dung này được cơ quan có thẩm quyền xem xét thận trọng và tính toán nhiều mặt. Đồng thời, Trung ương Đảng cũng có Nghị quyết 32 đồng ý cho thôi giữ chức vụ và trình Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm chức danh phó thủ tướng với hai ông,” ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Câu trả lời chính thức vẫn không rõ ràng, nhưng có thể hiểu ông Phạm Bình Minh cũng bị miễn nhiệm theo Quy định 41 dù không rõ là theo điều nào, khoản nào.
Trong một bài viết trên trang VOV có nhan đề Từ chức, miễn nhiệm theo Quy định 41: Giá trị của đạo làm quan, tên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó Thủ tướng là Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã được nêu ra làm ví dụ.
Bộ Chính trị khóa 13 hiện chỉ còn 14 người, trong khi vào đầu khóa, con số này là 18 người.
Xâu chuỗi những thông tin trên, có thể khẳng định đã có bốn ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 gồm Võ Văn Thưởng, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh bị miễn nhiệm theo Quy định 41.
Vụ việc trợ lý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bị bắt có những dấu hiệu giống với vụ việc của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trước đây mà cuối cùng ông Thưởng phải ra đi, các nhà quan sát chính trị nói với VOA và nhận định rằng tình hình ông Huệ ‘đang nguy ngập’.
Hôm 22/4, Bộ Công an Việt Nam cho biết họ đã khởi tố và bắt giữ ông Phạm Thái Hà, phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, về tội ‘Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi’.
Ông Phạm Thái Hà bị bắt không lâu sau khi Chủ tịch, Tổng giám đốc cùng phó Tổng giám đốc của Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An, có trụ sở ở Hà Nội và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình giao thông, bị bắt về các tội ‘Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng’, ‘Đưa hối lộ’ và ‘Nhận hối lộ’.
Việc khởi tố ông Hà nằm trong phạm vi mở rộng điều tra vụ án Tập đoàn Thuận An, Trung tướng Tô Ân Xô, phát ngôn nhân Bộ Công an, nói với báo giới trong nước sáng 22/4.
Ông Hà 48 tuổi, là trợ lý thân cận của ông Huệ. Ông đã đi theo ông Huệ trong toàn bộ quá trình thăng tiến của ông từ những ngày ông Huệ còn là Tổng Kiểm toán Nhà nước cho đến Bộ trưởng Tài chính, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, rồi Phó Thủ tướng, Bí thư Thành ủy Hà Nội đến khi ông Huệ trở thành Chủ tịch Quốc hội.
Bổn cũ soạn lại?
Đây là vụ việc bắt đầu từ sân sau truy lần ra đến quan chức cấp cao đứng đằng sau doanh nghiệp, ông Lê Trung Khoa, nhà quan sát chính trị Việt Nam ở Berlin, Đức, người đã loan tin từ sớm và chính xác về những diễn biến liên quan vụ tập đoàn Thuận An, nói với VOA.
“Sân sau là những doanh nghiệp rất lớn lợi dụng những quan hệ, quyền lực và khả năng quyết định của các quan chức Việt Nam, nhất là những người cấp cao để trục lợi cho doanh nghiệp và bản thân,” nhà quan sát này giải thích.
Chỉ cách nay hơn một tháng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã bị bãi nhiệm tất cả các chức vụ sau khi những thuộc cấp và thân tín của ông bị bắt do liên quan đến tập đoàn Phúc Sơn. Đảng không nói rõ ông Thưởng phạm tội gì nhưng thông tin trong hậu trường cho biết người nhà của ông đã nhận 60 tỷ từ tập đoàn Phúc Sơn để xây nhà thờ tổ. VOA không kiểm chứng được những thông tin này.
“Vụ việc của ông Võ Văn Thưởng trước đây, và vụ việc này đối với ông Vương Đình Huệ cũng tương tự,” ông Khoa nhận định và cho rằng sắp tới đây ông Huệ sẽ là ‘trùm cuối’, tức là người sẽ chịu trách nhiệm sau cùng trong vụ Thuận An cũng như ông Thưởng trong vụ Phúc Sơn.
Về việc tại sao Bộ Công an vẫn dùng một bài là đánh vào các tập đoàn, doanh nghiệp rồi từ đó truy ra quan chức cấp cao, ông Khoa giải thích: “Ở Việt Nam vấn đề tham nhũng đã lên đến mức độ khủng khiếp rồi. Cho nên Bộ Công an nắm rất chắc tình hình này. Ông Tô Lâm là người nắm Bộ Công an, dưới đó giám đốc công an các tỉnh thành đều do ông Tô Lâm trực tiếp quản lý.”
Liệu có thoát nạn?
Cho đến khi công an thông báo bắt trợ lý của mình, ông Huệ vẫn thực hiện chức năng chủ tịch Quốc hội như bình thường. Tờ Tuổi Trẻ đưa tin vào ngày 22/4 ông Huệ đã chủ trì và góp ý kiến trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật địa chất và Khoáng sản.
Trao đổi với VOA, ông Nguyễn Quang A, một nhà quan sát chính trị và là nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội, cho rằng quan sát những động thái của ông Huệ trong những ngày qua thì có thể thấy ‘kết luận về sự dính líu của ông Huệ vẫn chưa ngã ngũ’.
Tuy nhiên, ông A nhận định vụ bắt giữ ông Phạm Thái Hà ‘chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến ông Huệ’.
“Ông ấy là một người rất thân cận với ông Huệ. Khi người ta bắt người thân cận như thế thì không thể nào không ảnh hưởng đến ông Huệ,” ông giải thích.
Ông A dùng cách suy đoán tương tự từ những trường hợp trợ lý của các phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam, vốn đã bị bắt trước khi thủ trưởng của họ phải từ chức vì ‘nhận trách nhiệm người đứng đầu’, để cho rằng ‘diễn tiến tới đây đối với ông Huệ sẽ không tốt đẹp gì’.
Về phần mình, ông Lê Trung Khoa cho rằng ‘cần phải đợi Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng họp thì mới có quyết định rõ ràng về số phận ông Huệ’.
Khi được hỏi liệu ông Huệ có tránh được kết cục như ông Thưởng hay không, nhà quan sát này cho rằng sự dính líu của ông Thưởng với Tập đoàn Phúc Sơn đã diễn ra cách nay cả chục năm mà cuối cùng ông Thưởng vẫn bị mất chức một cách chóng vánh sau khi vụ việc đổ bể, trong khi ông Phạm Thái Hà đã theo ông Huệ từ đầu cho đến nay, và Tập đoàn Thuận An ‘lớn hơn rất nhiều so với Phúc Sơn’.
“Đến mức độ này rồi thì chỉ cần một bước nữa, ông Vương Đình Huệ có lẽ sẽ phải rời khỏi chức vụ ông đang làm,” ông Khoa nhận định về mức độ nghiêm trọng của vụ việc.
Theo phân tích của ông Khoa, nếu ông Huệ dính líu quá sâu vào Thuận An hay chống đối quyết liệt việc các cáo buộc nhằm vào ông thì Bộ trưởng Công an Tô Lâm ‘sẽ đưa ra những bằng chứng rõ ràng hơn để buộc tội và khi đó ông Huệ sẽ không còn được hạ cánh an toàn như ông Thưởng nữa’.
“Ông Phạm Thái Hà đã làm thư ký cho ông Vương Đình Huệ từ rất lâu rồi, qua nhiều giai đoạn khác nhau. Cho nên ông biết rất rõ và liên quan đến nhiều sự việc khác nhau trong cả quá trình ông Vương Đình Huệ công tác,” ông chỉ ra.
Khi được hỏi nếu vụ việc chỉ dừng lại ở trợ lý và bản thân ông Huệ được xác định không có dây mơ rễ má gì với Thuận An thì liệu ông có thoát nạn hay không, ông Khoa chỉ ra quy định mới của Đảng về ‘trách nhiệm của người đứng đầu’ mà theo đó Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đều đã bị rớt đài.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bị mất chức hồi tháng 2 năm 2023 do bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định ‘chịu trách nhiệm của người đứng đầu’ vì để xảy ra sai phạm của cấp dưới trong các vụ việc bộ xét nghiệm Việt Á và chuyến bay giải cứu vào thời kỳ ông còn là Thủ tướng Chính phủ.
Ông A cho rằng nếu Đảng làm nhất quán như đối với ông Phúc, ông Minh, ông Đam thì ông Huệ ‘không thể thoát khỏi trách nhiệm người đứng đầu’.
Khi được hỏi, nếu Đảng ‘vì đại cục’ là giữ gìn sự đoàn kết và ổn định trong Đảng trong bối cảnh Đại hội 14 đang đến gần để bỏ qua cho ông Huệ thì nó sẽ có tác động như thế nào, ông A nói: “Giả sử ông Huệ có tội thật mà không có kỷ luật gì đấy thì cái bảo rằng ‘luật pháp không chừa ai’, ‘không có vùng cấm’ sẽ trở thành vô nghĩa.”