30-4-2024
Với tôi, qua các trải nghiệm lịch sử, tự thấy có một chút nghi vấn: Hình như huyền thoại đồng bào đang được truyền tụng là một phiên bản đã không còn nguyên bản!
Rất nhiều khả năng nó bị lỗi ở đâu đó?
Liệu có thể đã xảy ra một sự “thất lạc” nguyên bản ở khúc quanh định mệnh nào chăng? Hay biết đâu, tại một biến cố kinh hoàng đã bị rơi vào quên lãng, nó bị lợi dụng, bị diễn giải theo chiều hướng phục vụ thứ mà người ta hay nói là trò chơi vương quyền?
Tôi không vô cớ nghĩ như vậy.
Đã nửa thế kỉ đất nước có hòa bình, nhưng sự chia rẽ, kỳ thị, miệt thị giữa các vùng miền, khiến cuộc chiến hình như mới chỉ tắt tiếng bom đạn! Chính trị chia rẽ bằng tệ kéo bè kéo cánh, quy tụ đồng hương, tự đắc về đẳng cấp trí tuệ chỉ thuần túy dựa trên yếu tố địa lý. Nó không chỉ bé mọn, mà còn độc hại.
Văn hóa chia rẽ bằng cách chối bỏ, thậm chí triệt hạ những khác biệt; kì thị từ giọng nói, thái độ sống, đến thói quen ẩm thực; bài xích những sáng tạo, những ý thích không giống với mình.
Giới trí thức chia rẽ kiểu trí thức. Nhẹ thì “quốc gia” chế nhạo “quốc cộng” nhà quê và ngược lại. Nặng thì đòi khoanh vùng lãnh thổ, ai cứ ở yên chỗ đó, một kiểu lại giống của thứ gen cát cứ.
Tôi nhớ có một vài tiếng thở dài đầy ưu tư tiếc nuối cho việc không giữ được Tây Nguyên về môi trường giống đất nước Bhutan? Nghe thật nặng lòng với đất nước và không có lý do gì nghi ngờ sự thành tâm ở họ. Nhưng đó đích thị là một sự chia rẽ nguy hiểm, dù chỉ do vô tình. Trước hết, muốn làm vậy, đầu tiên phải xé bỏ Hiến pháp. Sau đó phải biến Tây Nguyên thành nghèo đói trở lại. Đừng nói với tôi là nếu người Kinh không di cư đến, Tây Nguyên sẽ văn minh, giầu có hơn? Những người di cư, bản thân họ không có tội. Hơn tất cả họ có quyền và họ không chỉ mang đến sự tan hoang như những lời kết tội một chiều. Cảm giác “tan hoang” là có thật. Nhưng cảm giác và hiện thực, là hai thứ không thể thay thế cho nhau khi đưa ra một kết luận tầm cỡ nhận thức! Lỗi về sự tan hoang môi trường ở đây, và rõ ràng là đáng tiếc, thuộc về Nhà nước, khi thiếu hiểu biết về văn hóa, máy móc đưa ra các chính sách thiếu khôn ngoan. Nhưng đó là hai việc khác nhau và không thể vì cái bé tí mang tính thể chế để hy sinh thứ lớn gấp bội là quyền công dân (đòi mãi mới được) và tình đoàn kết, thân ái dân tộc.
Giới bình dân chia rẽ kiểu bình dân. Những miệt thị thô thiển khi gọi ai đó là “Đồ Bắc kỳ” “Đồ cá gỗ”, “Xứ ăn xin”…không hề có tí chính trị nào nhưng giá như nó là sản phẩm thuần túy chính trị, kể cả chính trị bá đạo, còn đỡ đáng sợ và đỡ tuyệt vọng hơn.
Nhưng đáng sợ và tuyệt vọng nhất là không mấy ai tự vấn rằng làm thế, sống thế, ăn nói hành xử thế sẽ mang lại hậu quả gì và nó tác hại to lớn ra sao đến các thế hệ tương lai?
Bởi vì Quốc cộng, Quốc gia… thì cũng đều sinh ra, được ôm ấp, nuôi dưỡng trong lòng Quốc Việt.
Mà chỉ QUỐC VIỆT là vĩnh cửu.