Seite auswählen

Hải Di Nguyễn

 

 

Ngày 7/5/2024 sắp tới tại Geneva, Thụy Sỹ sẽ diễn ra phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát hay Rà soát Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review, viết tắt UPR) cho Việt Nam.

 

Nhưng UPR là gì? Vì sao quan trọng?

Phiên Kiểm định UPR cho nhà nước Việt Nam năm 2019 (chụp màn hình từ UN Web TV).

 

 

 

Kiểm định UPR là gì?

 

Đây là một cơ chế đánh giá định kỳ hồ sơ nhân quyền của tất cả 193 quốc gia thành viên của LHQ. Theo trang web của Hội đồng Nhân quyền LHQ, UPR là một đổi mới quan trọng của Hội đồng Nhân quyền dựa trên nguyên tắc mọi quốc gia được đối xử bình đẳng. UPR cũng là cơ hội để các quốc gia tuyên bố mình đã làm gì để cải thiện tình hình nhân quyền ở nước mình.

 

 

Ra đời như thế nào?

 

UPR ra đời khi Hội đồng Nhân quyền được Đại Hội đồng LHQ thành lập ngày 15/3/2006 theo nghị quyết 60/251. Điều này yêu cầu Hội đồng “tiến hành đánh giá định kỳ phổ quát, dựa theo thông tin khách quan và đáng tin cậy, về việc thực hiện các nghĩa vụ và cam kết nhân quyền của mỗi quốc gia, theo cách thức bảo đảm bao phủ phổ quát (vấn đề nhân quyền) và đối xử bình đẳng với tất cả mọi quốc gia.”

 

Qua thời gian, cơ chế rà soát có một số thay đổi và thêm hoàn thiện qua nghị quyết 16/21 và quyết định 17/11. 

 

 

Mục tiêu là gì?

 

Mục tiêu cuối cùng của UPR là để cải thiện tình hình nhân quyền ở mọi quốc gia. 

 

 

Ai đánh giá tình trạng nhân quyền?

 

Việc đánh giá tình trạng nhân quyền là do Tổ Công tác UPR, bao gồm 47 thành viên của Hội đồng Nhân quyền, nhưng mọi quốc gia là thành viên LHQ đều có quyền đặt câu hỏi và tham gia thảo luận hay đối thoại với quốc gia đang bị rà soát.

 

Mỗi cuộc rà soát được hỗ trợ bằng một nhóm bao gồm ba nước, gọi là troika, đóng vai trò là báo cáo viên, và các troika cho mỗi quốc gia được chọn bằng bốc thăm sau khi bầu cử thành viên Hội đồng trong Đại Hội đồng. 

 

 

Kiểm định UPR nhắc tới những nghĩa vụ nhân quyền nào?

 

Theo trang web của Hội đồng Nhân quyền, UPR sẽ đánh giá mức độ tôn trọng nhân quyền của các quốc gia được quy định trong:

 

Hiến chương LHQ

Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền

Các công ước về nhân quyền quốc gia đó đã ký

Các cam kết tự nguyện của quốc gia đó (như chính sách hoặc chương trình về nhân quyền)

Luật nhân đạo quốc tế hiện hành

 

 

Đánh giá dựa trên thông tin nào?

 

Kiểm định UPR dựa trên:

 

Thông tin do chính nhà nước bị rà soát cung cấp, trong báo cáo quốc gia

Thông tin trong báo cáo của các chuyên gia và nhóm nhân quyền độc lập, như các cơ quan công ước nhân quyền, các ủy ban của LHQ, v.v.

Thông tin từ các bên liên quan khác, bao gồm cơ quan nhân quyền quốc gia và các tổ chức phi chính phủ hay tổ chức XHDS

Việt Nam không có một cơ quan nhân quyền quốc gia (một điều LHQ thường xuyên nhắc tới trong các báo cáo và khuyến nghị), nhưng cho lần UPR lần này, Hội đồng Nhân quyền nhận được 45 bản báo cáo về Việt Nam từ các tổ chức XHDS (trong đó có BPSOS).

 

Vài ngày trước, LHQ đã công bố ba tài liệu quan trọng là báo cáo của nhà nước Việt Nam, tóm tắt thông tin của Cao ủy Nhân quyền LHQ, và tóm tắt thông tin từ các tổ chức XHDS, và chúng tôi đã có bài viết tóm tắt các vấn đề nhân quyền nhà nước Việt Nam sẽ phải trả lời tại phiên rà soát. 

 

 

Chuyện gì xảy ra sau phiên rà soát?

 

Sau khi Tổ Công tác đánh giá về tình trạng nhân quyền của quốc gia đó, troika cùng với nhà nước đang bị rà soát, và với sự hỗ trợ từ Cao ủy Nhân quyền, sẽ làm một bản “báo cáo kết quả”, tóm tắt phiên kiểm định UPR, bao gồm câu hỏi, nhận xét, và khuyến nghị từ các quốc gia khác.

 

Ít nhất 48 tiếng sau phiên rà soát, quốc gia bị đánh giá (ở đây là Việt Nam) sẽ có cơ hội nhận xét về các khuyến nghị—chấp nhận hay không chấp nhận—tất cả sẽ đưa vào báo cáo. Các quốc gia sau đó có 2 tuần để điều chỉnh các phát biểu của mình trong báo cáo.

 

Báo cáo sau đó phải được thông qua tại phiên họp toàn thể của Hội đồng Nhân quyền: quốc gia bị rà soát và các quốc gia khác có thể tiếp tục bày tỏ ý kiến về phiên Kiểm định UPR và các khuyến nghị. 

 

 

LHQ làm gì sau phiên rà soát?

 

Theo trang web của Hội đồng Nhân quyền, UPR bảo đảm các quốc gia phải chịu trách nhiệm nếu không thực hiện các khuyến nghị về nhân quyền—các quốc gia bị rà soát sẽ bị chất vấn về những khuyến nghị lần trước. Cộng đồng quốc tế cũng hỗ trợ.

 

Họ cũng nói “Nếu cần thiết, Hội đồng sẽ xử lý trường hợp các quốc gia không hợp tác.” 

 

 

Vì sao Kiểm định UPR quan trọng với Việt Nam?

 

UPR phai doan VN 2019 Phái đoàn nhà nước Việt Nam tại UPR năm 2019 (chụp màn hình từ UN Web TV).

 

Về phía nhà nước, đây là cơ hội để họ nói với LHQ và các quốc gia thành viên rằng Việt Nam đã cải thiện tình trạng nhân quyền và không có vấn đề đàn áp tự do, nhân quyền.

 

Về phía người dân, đây là cơ hội nghe nhà nước Việt Nam trả lời chất vấn về tình trạng nhân quyền, và mỗi người có thể tự mình đối chiếu cáo buộc của LHQ và thông tin và các câu trả lời của nhà nước Việt Nam. Người dân và các nhà hoạt động nhân quyền cũng có thể sử dụng các quan sát kết luận và khuyến nghị của LHQ để yêu cầu ngược lại với nhà nước Việt Nam, và để vận động ở các diễn đàn, cơ quan khác, chẳng hạn như Bộ Ngoại giao Mỹ.

 

Cũng nên chú ý Việt Nam đang trong giai đoạn muốn được tái ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ.  

 

 

Làm thế nào để theo dõi phiên rà soát nhà nước Việt Nam năm 2024?

 

Phiên rà soát Việt Nam lần này sẽ diễn ra ngày 7/5/2024, từ 9 giờ sáng tới 12 giờ rưỡi trưa theo giờ Thụy Sỹ (2 giờ chiều tới 5 giờ rưỡi chiều theo giờ Việt Nam).

 

Chỉ những tổ chức XHDS có quyền tham vấn cho ECOSOC (United Nations Economic and Social Council, tức Hội đồng Kinh tế và Xã hội LHQ) mới được tham gia phiên Kiểm định UPR tại Thụy Sỹ.

 

Phiên UPR sẽ được phát sóng trực tiếp trên  trang web của LHQ.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen