Là phóng viên báo Lao Động, tôi quen thuộc với trụ sở công đoàn các tỉnh như cơ quan mình. Tôi đến Liên hiệp Công đoàn Nam Định nhiều hơn vì tỉnh này có nhà máy dệt, nhà máy tơ có hàng vạn công nhân. Đặc biệt ông Lê Quốc Tế, chủ tịch Liên hiệp Công đoàn Nam Định là một người nắm rất chắc tình hình các cơ sở, nghe ông kể đã thấy hiện ra trong đầu tôi bao nhiêu đề tài hấp dẫn. Cán bộ, nhân viên cơ quan rất khâm phục và quý mến ông chủ tịch của mình, họ kể với tôi nhiều chuyện xuất quỷ nhập thần của ông trong thời chiến tranh chống Pháp. Ông nhiều lần hóa trang như người thợ sửa chữa máy thâm nhập vào thành phố Nam Định dày đặc lính Tây. Trong thời hòa bình xây dựng, ông phát hiện rất nhanh những điển hình xuất sắc trong lao động sản xuất. Trong đợt bầu chọn anh hùng lao động năm 1967, có nhiều cán bộ lãnh đạo trong tỉnh ủy Nam Định không đồng ý chọn Đào Thị Hào vì lý do lý lịch. Vấn đề khó chấp nhận nhất đối với những đảng viên Cộng sản là gia đình bà Đào Thị Hào nhiều đời theo đạo Công giáo. Anh ruột của Hào từng là lính của thực dân Pháp, nay đang là thợ cắt tóc. Ông Lê Quốc Tế phản bác rất quyết liệt quan điểm quy chụp về lý lịch nói trên. Ông bảo họ, không ai chọn gia đình sinh ra mình, phải đánh giá con người ở cách sống, việc làm hiện tại đóng góp lợi ích cho cộng đồng, cho đất nước ra sao. Dù là anh em ruột, mỗi người chịu trách nhiệm về hành động của cá nhân mình. Đối với người anh của Hào, xã hội cũng chỉ nên bỏ qua quá khứ, chỉ quan tâm đến cách sống và việc làm của anh ta hiện nay. Thợ cắt tóc là một nghề lương thiện, có ích.
Đối với tôi, ông vừa cư xử với tình đồng chí vừa chăm sóc như người em miền Nam xa quê, không có gia đình. Ông dặn tôi, lúc này máy bay Mỹ thường ném bom khoảng 10 giờ sáng và 10 giờ đêm, nên cố gắng về trụ sở khoảng thời gian này, vì ở đây có hầm trú ẩn kiên cố. Biết tôi đang có quan hệ với cô gái ở thành phố này, ông hỏi: “Chú định làm lễ cưới ở đâu? Theo mình nên tổ chức lễ cưới ở đây, mời ban biên tập và anh em tòa báo về dự. Ở đây mình và anh em trong công đoàn có điều kiện giúp đỡ chú tốt hơn ở Hà Nội”. Tôi nghe theo lời khuyên đó và ông đã đứng ra làm chủ tọa hôn lễ.
Đùng một cái, tôi được tin ông Lê Quốc Tế bị cách chức và bị đưa ra khỏi Đảng! Ông phạm khuyết điểm gì ghê gớm vậy? Không sai phạm gì cả mà chỉ là vấn đề lý lịch. Một lần, tổng bí thư Trường Chinh “hạ phóng” tìm hiểu tình hình Nam Định quê ông. Toàn bộ ban thường vụ Tỉnh ủy Nam Định tiếp ông. Bí thư tỉnh ủy báo cáo tình hình tổng quát, mỗi ủy viên báo cáo tình hình của ngành mình phụ trách. Sau buổi làm việc ông Trường Chinh gặp riêng bí thư tỉnh ủy chỉ thị: không thể để một tên cảnh sát của thực dân Pháp đã từng đuổi bắt đảng viên Cộng sản chui vào Đảng và leo cao đến ban thường vụ của tỉnh ủy. Phải đưa anh ta ra khỏi Đảng, bãi chức, thay người khác ngay lập tức!
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thương tình ông ủy viên đoàn chủ tịch Lê Quốc Tế từng tham gia cách mạng trước năm 1945 rồi lãnh đạo khởi nghĩa tháng Tám ở Nam Định và rất dũng cảm trong cuộc kháng chiến chống Pháp vậy mà lại bị xử lý kỷ luật chỉ vì chuyện ngày xưa, đã cố sắp xếp cho ông một công việc đời sống: phụ trách xưởng in tài liệu của công đoàn có khoảng vài chục công nhân.
Đọc bài trước: Từ theo cộng đến chống cộng (35): Hôn nhân theo “quan điểm lập trường”
Đọc bài tiếp theo: Từ theo cộng đến chống cộng (37): Làm báo Lao Động Mới