Đảng Cộng sản Việt Nam thường nhấn mạnh rằng cán bộ là gốc quyết định thắng lợi. Cải cách thể chế phụ thuộc vào công tác cán bộ. Đảng nhận định ‘sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ đảng trong thời gian qua và hiện nay đang đe doạ sự tồn vong của chế độ.
Vì vậy, Đảng đang tập trung nỗ lực cao cho công tác này, như trừng phạt những cán bộ vi phạm, đẩy mạnh học tập tấm giương Chủ tịch Hồ Chí Minh và ‘quy hoạch cán bộ cấp chiến lược’ cho Đại hội 13… Các động thái mạnh trên thể hiện ‘sự quyết tâm’, nhưng ‘duy ý chí’, bởi vì nguyên nhân được nêu chỉ là ‘bề nổi của tảng băng chìm’.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi phát biểu khai mạc Hội nghị TƯ 7 khoá XII ngày 7/5/2018 đã yêu cầu cần ‘trả lời cho được câu hỏi vì sao 20 năm qua, đặc biệt những năm gần đây mặc dù Đảng ta đã có rất nhiều chủ trương, chính sách về công tác cán bộ…, nhưng trong thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả còn thấp? Nguyên nhân từ đâu, ở khâu nào, cấp nào… để có ‘giải pháp lớn, có tính đột phá’
Nếu không chỉ ra thực chất của vấn đề thì công tác cán bộ nói riêng và cải cách thể chế nói chung sẽ khó thành công.
Mấu chốt và căn nguyên
‘Mấu chốt’ ở đây chỉ bản chất của sự việc, hiện tượng. Thuật ngữ này trích lời của danh sĩ Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803) và nó còn nguyên ý nghĩa thiết thực, đặc biệt đối với công tác cán bộ gắn với thể chế.
Trước hết, có mấy dòng về ông.
Ngô Thì Nhậm là một sĩ phu Bắc Hà, sống vào thời hậu Lê và Tây Sơn đầy loạn lạc, đồng thời là viên tướng có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh.
Ông được ca tụng với câu đối đáp nổi tiếng được lưu truyền:
‘Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai đã biết ai’
‘Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế’
Chuyện kể rằng sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, Ngô Thì Nhậm bị bắt, giải về Hà Nội. Đặng Trần Thường – quan dưới triều Nguyễn chủ trì xử phạt. Tương truyền Ngô Thì Nhậm và Đặng Trần Thường có quen biết với nhau. Vốn có thâm thù vì Đặng Trần Thường đã từng xin Ngô Thì Nhậm (cận thần của vua Quang Trung) ‘tiến cử’, nhưng bị từ chối. Nhớ lại chuyện xưa, Đặng Trần Thường kiêu ngạo ra vế thứ nhất câu đối, và Ngô Thì Nhậm khẳng khái đáp lại.
Ngô Thì Nhậm được coi là ‘quân sư’ có quan niệm chính sự ‘cấp tiến’ thời bấy giờ.
Khi bàn về mối quan hệ giữa “giáo”, “pháp”, “chính” ông nói: “Sở dĩ “giáo” không phổ cập được là do học trò không được học, mà học trò không học là do thầy không tinh, sở dĩ “pháp” không được lập là do người giỏi không được dùng, mà người giỏi không được dùng là do thưởng phạt không công minh, sở dĩ “chính” không thi hành được là do kẻ lại không được liêm, mà kẻ lại không được liêm là do bổng lộc không được đủ. Song thầy giảng không tinh, thưởng phạt không công minh và bổng lộc không đủ, duyên cớ là đều do tình trạng thiếu thốn và sự thực thiếu thốn. Cho nên, dù có cấp bách lo việc này nhưng nếu không nắm được mấu chốt của nó, thì dù “trí” có thể biết được, nhưng “thế” vẫn không thể làm được”.
Quan niệm mà Ngô Thì Nhậm đã tiếp cận dựa trên cơ sở bản tính tự nhiên của con người và con người chịu ảnh hưởng bởi hoàn cảnh. Ông lý giải rằng: “Dục là tính [tự nhiên], nó ở trong nhật dụng thường hành, như đói thì muốn ăn, khát thì muốn uống, không có không được”.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo thời phong kiến, Ngô Thì Nhậm chủ trương xóa bỏ mọi dục vọng để “Tâm” được tuyệt đối trong sáng. Có như vậy quan lại mới thực hành được ‘chính đạo’.
Mục lục
Tính duy lý kinh tế
Điều ‘mấu chốt’ không những chỉ được nhận biết mà còn được thực hành trong xã hội tư bản với quan hệ sản xuất tiến bộ hơn và năng suất vượt trội, bởi thế nó đã làm sụp đổ chế độ phong kiến và tiếp tục phát triển.
Trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Phần 1 K. Marx và F. Enghen đã khái quát’sức tàn phá’ khủng khiếp của quan hệ tư bản chủ nghĩa, rằng ‘khi chiếm được chính quyền, những mối quan hệ ràng buộc con người phong kiến với “những bề trên tự nhiên”, đều bị phá vỡ bởi giai cấp tư sản, … Và, sự phát triển tư bản chủ nghĩa đã ‘dìm những xúc động thiêng liêng của lòng sùng đạo, của nhiệt tình hiệp sĩ, của tính đa cảm tiểu tư sản xuống dòng nước giá lạnh của sự tính toán ích kỷ…’
Hai nhà tư tưởng đã viết Tuyên ngôn Đảng Cộng sản năm 1848, nghĩa là cho đến thời điểm hiện tai đã hơn 170 năm. Nhưng những dự đoán của các ông về xã hội cộng sản chủ nghĩa chưa biết đến khi nào thành hiện thực.
Ngày nay xã hội tư bản chủ nghĩa được hoàn thiện lên nhiều nhờ những quy luật và nguyên tắc vận hành của nó, như sở hữu tư nhân, động cơ lợi nhuận, tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và người tiêu dùng thông minh.
Ngoài ra, có lẽ, xã hội tư bản, phần nào đó khắc phục được những ‘khuyết tật’ mà K. Marx đã từng cảnh báo.
Sự phát triển của xã hội tư bản chủ nghĩa dựa trên nền tảng của điều ‘mấu chốt’ được khái quát thành học thuyết về tính duy lý kinh tế, theo đó việc tối đa hóa lợi ích là một cách giải thích tốt về hành vi con người, nhấn mạnh rằng lòng vị tha và sự ‘quan tâm đến người khác’ là quan trọng.
Kinh tế thị trường ngày càng phát triển đã khẳng định rằng chế độ tư hữu là sự bảo đảm quan trọng nhất của tự do. Khi tư liệu sản xuất nằm trong tay nhiều người hoạt động độc lập với nhau họ mới có thể tự quyết định cách hành xử của mình và cạnh tranh với nhau để phát triển. Khi nằm trong tay các cá nhân riêng rẽ, quyền lực kinh tế có thể trở thành phương tiện áp bức, nhưng không bao giờ có thể kiểm soát được toàn bộ cuộc sống của con người.
Hơn thế, nền kinh tế thị trường hiện đại trong các nước phát triển thường đi đôi với dân chủ, xã hội dân sự và cơ chế kiểm soát quyền lực bởi tam quyền phân lập.
Toàn trị và mối nguy
Chế độ xã hội chủ nghĩa được thiết lập dựa trên công hữu về tư liệu sản xuất và được vận hành bởi công cụ kế hoạch hoá tập trung. Xác lập những chuẩn mực duy ý chí dựa trên chủ nghĩa tập thể, chế độ này đã chối bỏ điều ‘mấu chốt’, bản tính tự nhiên của con người. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu cản trở sáng tạo và tăng năng suất, khiến chế độ không thể tiếp tục tồn tại.
Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc năm 1989, hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ, người ta nói nhiều hơn về kinh tế thị trường như một quỹ đạo phát triển tất yếu, về những vấn đề toàn cầu, như biến đổi khí hậu, môi trường, giàu nghèo, dân chủ và nhân quyền.
Tuy nhiên, còn số ít quốc gia, trong đó có Việt Nam, từng tuyên bố là chế độ xã hội chủ nghĩa đang cải cách và hội nhập. Người ta còn bàn cãi về mô hình kiểu Trung Quốc hay quá độ chuyển đổi sang thị trường.
Kiểu thể chế này dựa trên tư tưởng rằng đảng cộng sản có thể duy trì quyền lực duy nhất chỉ bằng cách thúc đẩy phát triển kinh tế, và với chế độ độc đảng mạnh có thể hiện đại hóa xã hội.
Thực tế chỉ ra rằng một nhà nước toàn trị có thể là mối nguy cho phát triển bền vững.
Trong quá trình chuyển đổi các phương tiện sản xuất đã bớt độc quyền, nghĩa là quyền lực kinh tế đã bớt tập trung, nhưng quyền lực chính trị vẫn là sự độc tài của một đảng, chi phối mọi hoạt động của xã hội thì bất ổn ắt nảy sinh.
Để duy trì chế độ đảng trị cố gắng quản lý mọi mặt đời sống xã hội, kể cả nhân tính và từng cá nhân, không còn cách nào hơn, một bộ máy đặc quyền đặc lợi và cồng kềnh phải được thiết lập. Nghĩa là các cán bộ cộng sản có thể được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền từ trung ương đến cơ sở và được hưởng các ưu đãi để trung thành và tuân theo mệnh lệnh từ trung ương.
Chối bỏ và nguy cơ
Tuy nhiên, trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường khả năng quyền lực vượt ra ngoài tầm kiểm soát và dung dưỡng lòng tham, sự thiếu năng lực chuyên môn trong tầng lớp thống trị vẫn không được tính đến.
Đặc quyền đặc lợi dưới các chế độ tem phiếu, nhà ở hay đồ phân phối khác trong thời bao cấp nay chuyển thành những tài sản chiếm đoạt được từ sở hữu toàn dân, nhà nước hoặc từ tiền thuế của dân dưới nhiều hình thức nhưng được che đậy bởi các quy định, rào cản nhân danh ý thức hệ xã hội chủ nghĩa.
Thiếu đi cải tổ chính trị cần thiết cũng đồng nghĩa rằng không có gì ngăn cản tầng lớp lãnh đạo khỏi việc chiếm đoạt này.
Việc phanh phui các vụ tham nhũng gần đây ở mọi cấp của chính quyền cho thấy rằng mối nguy lớn nhất cho chế độ nhà nước độc đảng chính là quyền lực không được kiểm soát.
Việc chối bỏ dân chủ hóa, xã hội dân sự, và nhân quyền phổ quát để kiểm soát quyền lực đang tha hoá cũng đồng nghĩa với việc tăng cường tập trung quyền lực là mâu thuẫn chính trị lớn nhất hiện nay.
Điều ‘mấu chốt’ do Ngô Thì Nhậm nêu ra từ hơn hai thế kỷ trước trong xã hội phong kiến đã thay đổi về chất cùng với sự văn minh nhân loại, từ sự thiếu thốn, lòng tham như một bản năng tự nhiên của con người được phát triển thành học thuyết về tính duy lý kinh tế trong xã hội tư bản. Đây là cơ sở lý thuyết kinh tế liên quan đến hành vi con người giúp vận hành một thể chế dân chủ với một năng suất vượt trội và một khối lượng tài sản khổng lồ được tạo ra.
Một khi quyền lực tuyệt đối được kiểm soát thì ‘độc quyền chân lý’ cũng không còn. Khi đó ‘trí’ có thể nhận ra điều ‘mấu chốt’ và ‘thế’ có thể làm được nếu dựa vào dân.