Seite auswählen
Nguyễn Ngọc Hà PGS, TS.,
Phó viện trưởng Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam – Tạp chí Triết học
 11/11/2010

Để làm rõ một số nội dung cơ bản của mâu thuẫn giữa người với người, trong bài viết này, tác giả đưa ra để trao đổi với độc giả về những đặc trưng cơ bản của mâu thuẫn này, về nguyên nhân xuất hiện của nó, về các loại mâu thuẫn giữa người với người, về vai trò của các chủ thể trong mâu thuẫn này đối với sự phát triển xã hội, về kết quả và phương thức giải quyết mâu thuẫn này. Theo tác giả, mặc dù mâu thuẫn này là hiện tượng bình thường trong xã hội, song đó là một hiện tượng cần được quan tâm nghiên cứu, bởi nó không chỉ giúp chúng ta xác định đúng mâu thuẫn, mà còn lựa chọn đúng đắn phương thức giải quyết mâu thuẫn vì lợi ích con người và xã hội.

Mở đầu

Mâu thuẫn giữa người và người là một hiện tượng tồn tại phổ biến trong xã hội và thường xuyên được nói đến trong sách báo chính trị – xã hội cũng như trong sinh hoạt hàng ngày. Nghiên cứu để làm rõ bản chất của hiện tượng này là nhiệm vụ của triết học xã hội. Trong các sách giáo khoa về phép biện chứng duy vật, một số mâu thuẫn giữa người và người được nói đến như là ví dụ để chứng minh thêm cho quy luật mâu thuẫn. Nhưng, với tư cách một khái niệm của triết học xã hội, mâu thuẫn giữa người và người còn ít được quan tâm nghiên cứu.

1. Đặc trưng cơ bản của mâu thuẫn giữa người và người

Khi nói đến mâu thuẫn giữa người và người, trước hết chúng ta phải xác định đặc trưng cơ bản phân biệt nó với các hiện tượng xã hội khác. Như chúng ta đã biết, hoạt động của con người là hoạt động có mục đích; khi hoạt động mỗi người có thể nhằm đạt được nhiều mục đích khác nhau (chẳng hạn, đạt mục đích A để đạt mục đích B, đạt mục đích B để đạt mục đích C); nhưng mục đích cuối cùng mà mỗi người muốn đạt được bao giờ cũng là lợi ích, tức là cái để đáp ứng những nhu cầu vật chất và tinh thần của mình. Thông qua hoạt động tìm kiếm cái đáp ứng những nhu cầu, con người có quan hệ với môi trường tự nhiên và quan hệ với nhau.(*) Quan hệ giữa người với người là sự tác động qua lại giữa các chủ thể (giữa cá nhân với cá nhân, giữa tập thể với tập thể, giữa cộng đồng với cộng đồng, giữa cá nhân với tập thể hoặc cộng đồng). Sự tác động qua lại này có thể là mâu thuẫn nhau (cản trở lẫn nhau, bài trừ lẫn nhau, đấu tranh lẫn nhau) hoặc là thống nhất với nhau (hỗ trợ lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, hợp tác với nhau). Như vậy, mâu thuẫn giữa người với người là sự tác động qua lại giữa người với người (giữa chủ thể này với chủ thể khác) theo hướng cản trở lẫn nhau, bài trừ lẫn nhau, đấu tranh lẫn nhau(1).

2. Nguyên nhân xuất hiện mâu thuẫn giữa người với người

Sự tác động qua lại giữa hai chủ thể, như đã nói ở trên, có thể là mâu thuẫn nhau (cản trở lẫn nhau, bài trừ lẫn nhau, đấu tranh lẫn nhau) hoặc thống nhất nhau (hỗ trợ lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, hợp tác với nhau). Nhưng hoạt động lại do mục đích chỉ đạo. Vì thế, sự mâu thuẫn và sự thống nhất giữa người với người về hoạt động phải có nguyên nhân ở quan hệ giữa hai mục đích mà hai chủ thể theo đuổi. Mục đích mà hai chủ thể theo đuổi có thể thuộc một trong ba trường hợp: mâu thuẫn, thống nhất và khác nhau.

Khi hai chủ thể theo đuổi một mục đích thống nhất thì họ sẽ cùng đạt được hoặc cùng không đạt được mục đích của mình (nếu chủ thể này đạt được thì chủ thể kia cũng đạt được, nếu chủ thể này không đạt được thì chủ thể kia cũng không đạt được). Trong trường hợp này, giữa họ không có mâu thuẫn. Ví dụ, nếu hai người cùng vận động cho một ứng viên vào một chức vụ nào đó thì có nghĩa là họ theo đuổi một mục đích thống nhất và do đó, họ sẽ cùng đạt được hoặc cùng không đạt được mục đích của mình. Sự thống nhất giữa hai chủ thể về mục đích sẽ dẫn đến sự thống nhất giữa họ trong hoạt động, tức là họ sẽ hỗ trợ lẫn nhau, giúp đỡ lẫn nhau, hợp tác với nhau.

Khi hai chủ thể theo đuổi hai mục đích mâu thuẫn thì họ không thể cùng đạt được mục đích của mình. Ví dụ, nếu hai người nào đó vận động cho hai ứng viên khác nhau vào một chức vụ thì họ đang theo đuổi hai mục đích mâu thuẫn và do đó, họ không thể cùng đạt được mục đích của mình (nếu người này đạt được thì người kia không đạt được). Sự mâu thuẫn giữa hai chủ thể về mục đích sẽ dẫn đến sự mâu thuẫn giữa họ trong hành động, tức là họ sẽ đấu tranh với nhau, bài trừ nhau, cản trở nhau.(1)

Trong trường hợp hai chủ thể theo đuổi hai mục đích khác nhau (không mâu thuẫn và cũng không thống nhất) thì họ có thể cùng đạt được hoặc không cùng đạt được hai mục đích này. Ví dụ, những người trồng lúa và những người dệt vải là hai chủ thể theo đuổi hai mục đích khác nhau và do đó, họ có thể cùng đạt được hoặc không cùng đạt được mục đích của mình. Sự khác nhau về mục đích tuy không trực tiếp dẫn đến sự mâu thuẫn hay sự thống nhất trong hành động, nhưng gián tiếp và ít hay nhiều cũng sẽ dẫn đến sự mâu thuẫn hay sự thống nhất trong hành động. Bởi vì, mọi người trong xã hội đều có liên hệ với nhau; hoạt động của mỗi người dù ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp cũng đều có tác động đến hoạt động của tất cả những người khác, mà sự tác động này có thể là mâu thuẫn hoặc thống nhất. Chẳng hạn, những người trồng lúa và những người dệt vải trong quá trình thực hiện mục đích của mình nhất định có sự tác động qua lại với nhau theo cả chiều hướng mâu thuẫn và chiều hướng thống nhất (sự tác động đó có thể là tự phát, nằm ngoài ý thức của họ). Họ có sự tác động lẫn nhau theo chiều thống nhất, vì những người trồng lúa thì cần vải, còn những người dệt vải thì cần lúa. Họ có tác động lẫn nhau theo chiều mâu thuẫn, vì cả hai bên đều cần ruộng đất để sản xuất, cần thị trường để tiêu thụ sản phẩm trong khi ruộng đất và thị trường để tiêu thụ sản phẩm lại có hạn; hoặc vì những người dệt vải gây ô nhiễm môi trường, từ đó cản trở hoạt động của những người trồng lúa.

Như vậy, nguyên nhân xuất hiện mâu thuẫn giữa người và người là do hai chủ thể theo đuổi hai mục đích mà việc đạt được mục đích của chủ thể này tất nhiên sẽ loại trừ hoàn toàn hoặc một phần việc đạt được mục đích của chủ thể kia. Với nguyên nhân ấy thì sự xuất hiện mâu thuẫn giữa người và người có yếu tố chủ quan, vì con người có thể tự giác từ bỏ mục đích này để theo đuổi mục đích khác. Nhưng mục đích được hình thành trên cơ sở nhu cầu, mà người nào cũng phải có nhu cầu đặc biệt là nhu cầu vật chất. Vì thế, sự xuất hiện của mâu thuẫn giữa người và người có cả yếu tố khách quan.

3. Các loại mâu thuẫn giữa người và người

Có nhiều cách phân loại mâu thuẫn giữa người và người. Trước hết, đó là cách phân loại mâu thuẫn xã hội thành mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn không cơ bản. Nếu trong một cộng đồng có nhiều chủ thể và tương ứng có nhiều mâu thuẫn giữa các chủ thể, thì người ta có thể phân các mâu thuẫn ấy thành mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn không cơ bản. Ví dụ, trong một quốc gia nào đó có ba chủ thể là giai cấp tư sản, giai cấp vô sản và giai cấp tiểu tư sản, tương ứng có ba mâu thuẫn là mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản với giai cấp vô sản, mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản với giai cấp tiểu tư sản, mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với giai cấp tiểu tư sản. Trong ba mâu thuẫn ấy thì mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản với giai cấp vô sản là cơ bản; hai mâu thuẫn còn lại là không cơ bản. Mâu thuẫn cơ bản ở đây được hiểu là mâu thuẫn quy định bản chất của sự vật, tồn tại cùng với sự vật, quyết định xu hướng vận động của sự vật, trong trường hợp ở đây là mâu thuẫn quy định bản chất của cộng đồng, tồn tại cùng với cộng đồng, quyết định xu hướng vận động của cộng đồng.

Quan hệ giữa hai chủ thể nào đó tại một thời điểm nào đó hoặc là thống nhất (không có mâu thuẫn) hoặc là vừa mâu thuẫn (có một mâu thuẫn hoặc có nhiều mâu thuẫn), vừa thống nhất (thống nhất ở một số mục đích này và mâu thuẫn ở một số mục đích khác). Khi có nhiều mâu thuẫn xuất hiện giữa hai chủ thể nào đó thì chúng ta có thể phân loại các mâu thuẫn ấy thành các mâu thuẫn quan trọng và các mâu thuẫn không quan trọng. Mâu thuẫn quan trọng ở đây được hiểu là mâu thuẫn về những mục đích quan trọng. Còn mâu thuẫn không quan trọng được hiểu là mâu thuẫn về những mục đích không quan trọng. Tuy nhiên, sự phân loại này là tương đối và không cố định, vì tính chất quan trọng hay không quan trọng của mục đích và do đó, của mâu thuẫn thay đổi theo hoàn cảnh bên ngoài và theo cả quan điểm của từng chủ thể về mức độ quan trọng của mục đích tranh chấp đối với bản thân mình. Chẳng hạn, mâu thuẫn giữa hai quốc gia trong việc giải quyết một vấn đề thương mại nào đó có thể là quan trọng hoặc không quan trọng tuỳ theo quan điểm của mỗi quốc gia trong việc xác định mục đích tranh chấp là quan trọng hay không quan trọng so với các mục đích khác. Quan điểm này có thể thay đổi từ chỗ cho mục đích tranh chấp là quan trọng đến chỗ cho mục đích tranh chấp là không quan trọng, hoặc ngược lại. Nếu mục đích càng được chủ thể coi là quan trọng thì hoạt động của chủ thể để đạt được mục đích càng mạnh mẽ.

Một cách phân loại khác đối với mâu thuẫn giữa người và người là cách phân loại thành mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng. Căn cứ của cách phân loại này là gì? Có ý kiến căn cứ vào lợi ích tranh chấp là cơ bản hay không cơ bản. Theo đó, mâu thuẫn đối kháng là mâu thuẫn về lợi ích cơ bản, còn mâu thuẫn không đối kháng là mâu thuẫn về lợi ích không cơ bản. Có ý kiến thì căn cứ vào phương thức giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực hay không bằng bạo lực. Theo đó, thuẫn đối kháng là mâu thuẫn được giải quyết bằng bạo lực; còn mâu thuẫn không đối kháng là mâu thuẫn được giải quyết không phải bằng bạo lực. Cách phân loại sau (căn cứ vào phương thức giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực hay không bằng bạo lực) cụ thể hơn và do đó, có ý nghĩa thực tiễn hơn. Nếu mục đích tranh chấp giữa hai chủ thể nào đó có ý nghĩa lớn đối với sự tồn tại và phát triển của cả hai chủ thể thì hai chủ thể này thường chọn hình thức bạo lực để giải quyết mâu thuẫn giữa họ, làm cho mâu thuẫn giữa họ có tính đối kháng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tuy mục đích tranh chấp là không có ý nghĩa lớn đối với sự tồn tại và phát triển của hai bên, nhưng mâu thuẫn giữa hai bên vẫn có tính đối kháng, vì họ vẫn chọn hình thức bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Việc lựa chọn hình thức bạo lực hay không bạo lực để giải quyết mâu thuẫn không chỉ phụ thuộc ý nghĩa lớn hay không lớn của mục đích tranh chấp đối với hai chủ thể, mà còn phụ thuộc vào nhận thức chủ quan của hai chủ thể. Vì thế, tính đối kháng hay không đối kháng của mâu thuẫn không cố định: mâu thuẫn có thể chuyển từ đối kháng thành không đối kháng hoặc từ không đối kháng thành đối kháng (nếu hai chủ thể mâu thuẫn thay đổi phương thức giải quyết mâu thuẫn từ bằng bạo lực sang không bằng bạo lực hoặc ngược lại).

Mâu thuẫn giữa người với người có thể được phân loại thành mâu thuẫn về kinh tế, mâu thuẫn về chính trị – xã hội, mâu thuẫn về tư tưởng. Nếu mục đích tranh chấp giữa hai chủ thể là mục đích kinh tế thì mâu thuẫn giữa họ là mâu thuẫn về kinh tế. Tương tự, nếu mục đích tranh chấp giữa hai chủ thể là mục đích chính trị – xã hội thì mâu thuẫn giữa họ là mâu thuẫn về chính trị – xã hội. Còn nếu mục đích tranh chấp giữa hai chủ thể là mục đích tư tưởng thì mâu thuẫn giữa họ là mâu thuẫn về tư tưởng. Mâu thuẫn về kinh tế, mâu thuẫn về chính trị – xã hội, mâu thuẫn về tư tưởng có mối quan hệ với nhau và do đó, khi hai chủ thể có mâu thuẫn về kinh tế thì giữa hai chủ thể ấy ít hay nhiều sẽ nảy sinh mâu thuẫn về chính trị – xã hội và mâu thuẫn về tư tưởng. Do vậy, tuy có nhiều nguyên nhân khác nhau làm nảy sinh mâu thuẫn về chính trị – xã hội và mâu thuẫn về tư tưởng giữa hai chủ thể (đặc biệt giữa hai giai cấp, giữa hai dân tộc), nhưng trong số các nguyên nhân đó, nhất định có nguyên nhân sâu xa là mâu thuẫn về kinh tế giữa họ.

Mâu thuẫn giữa người với người cũng có thể được phân loại căn cứ vào các chủ thể của mâu thuẫn. Các chủ thể của mâu thuẫn xã hội rất đa dạng. Chúng ta có thể nói đến, chẳng hạn, mâu thuẫn giữa cá nhân với cá nhân, mâu thuẫn giữa cá nhân và xã hội, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, mâu thuẫn giữa nhân dân với kẻ thù của nhân dân, mâu thuẫn giữa các giai cấp, mâu thuẫn giữa các dân tộc, mâu thuẫn giữa các tôn giáo, v.v.. Tuy nhiên, cần chú ý rằng, giữa hai chủ thể bất kỳ (kể cả giữa hai giai cấp nào đó) không phải lúc nào cũng xuất hiện mâu thuẫn. Bởi vì, như đã nói ở trên, mâu thuẫn chỉ xuất hiện khi hai chủ thể theo đuổi hai mục đích mà việc đạt được mục đích của chủ thể này tất nhiên sẽ loại trừ hoàn toàn hoặc một phần việc đạt được mục đích của chủ thể kia.

4. Vai trò của các chủ thể trong mâu thuẫn giữa người với người đối với sự phát triển xã hội

Theo quan điểm biện chứng thì mâu thuẫn là động lực của sự vận động. Khi áp dụng quan điểm đó vào lĩnh vực xã hội, đương nhiên, phải thừa nhận rằng, mâu thuẫn trong xã hội nói chung và mâu thuẫn giữa người và người nói riêng là động lực của sự vận động xã hội. Nhưng, vấn đề là ở chỗ, có thể cho rằng, mâu thuẫn là động lực của sự phát triển hay không? Cụ thể hơn, có thể cho rằng, mâu thuẫn giữa người và người là động lực của sự phát triển xã hội hay không?

Nếu hiểu sự vận động đồng thời là sự phát triển thì đương nhiên, mâu thuẫn là động lực của sự phát triển, mâu thuẫn giữa người và người là động lực của sự phát triển xã hội. Nhưng, nếu hiểu sự vận động không phải bao giờ cũng là sự phát triển thì bên cạnh cái là động lực của sự phát triển còn có cái là phản động lực của sự phát triển (hay cái kìm hãm sự phát triển). Cái là động lực của sự phát triển và cái là phản động lực của sự phát triển bao giờ cũng tồn tại cùng với nhau và hợp thành một mâu thuẫn. Khi đó, mâu thuẫn không phải là động lực của sự phát triển, mâu thuẫn giữa người và người không phải là động lực của sự phát triển xã hội(2). Trong trường hợp coi sự vận động không đồng thời là sự phát triển mà vẫn cho rằng mâu thuẫn giữa người và người là động lực của sự phát triển xã hội thì điều đó có thể dẫn đến quan niệm không đúng rằng, cả hai mặt hợp thành mâu thuẫn đều là tốt, đều là động lực của phát triển; xã hội nào có mâu thuẫn càng nhiều hoặc có mâu thuẫn càng gay gắt thì xã hội đó càng phát triển nhanh.

Trong một mâu thuẫn giữa người và người có hai chủ thể, vai trò của hai chủ thể đó đối với sự phát triển xã hội là trái ngược nhau tuỳ theo mục đích mà mỗi chủ thể theo đuổi là tiến bộ hay không tiến bộ (phù hợp hay không phù hợp với sự phát triển xã hội)(3). Nếu chủ thể nào theo mục đích tiến bộ thì chủ thể ấy là động lực của sự phát triển xã hội, còn chủ thể kia theo mục đích không tiến bộ là phản động lực của sự phát triển xã hội. Ví dụ, khi có sự mâu thuẫn giữa hai chủ thể trong việc ủng hộ hay phản đối một chế độ xã hội hiện tồn mà chế độ này đang phù hợp với sự phát triển xã hội thì chủ thể ủng hộ chế độ ấy là động lực của sự phát triển xã hội, còn chủ thể kia là phản động lực của sự phát triển xã hội. Ngược lại, khi có sự mâu thuẫn giữa hai chủ thể trong việc ủng hộ hay phản đối một chế độ xã hội hiện tồn mà chế độ này không phù hợp với sự phát triển xã hội thì chủ thể ủng hộ chế độ ấy là phản động lực của sự phát triển xã hội, còn chủ thể kia là động lực của sự phát triển xã hội. Trong mâu thuẫn giữa lực lượng cách mạng và lực lượng phản cách mạng thì lực lượng cách mạng là động lực của sự phát triển, còn lực lượng phản cách mạng là phản động lực của sự phát triển. Trong mâu thuẫn giữa người áp bức với người chống áp bức thì người chống áp bức là động lực của sự phát triển xã hội, còn người áp bức là phản động lực của sự phát triển xã hội.

Trong một cơ quan, một đơn vị, một tập thể do nhiều nguyên nhân khác nhau có thể có tình trạng mất đoàn kết nội bộ, tức là có xuất hiện những mâu thuẫn giữa người và người. Đối với những mâu thuẫn giữa người và người trong một tập thể như vậy thì chúng ta phải phân tích cụ thể về hai mặt (ở đây là hai chủ thể) của từng mâu thuẫn để xem người hoặc nhóm người nào là tích cực, còn người hoặc nhóm người nào là tiêu cực, chứ không nên khẳng định chung chung rằng mất đoàn kết là tiêu cực. Khi trong cơ quan có một số người suy thoái đạo đức, như tham nhũng, chuyên chế, quan liêu…, thì việc đoàn kết với những người suy thoái đạo đức là tiêu cực; còn việc đấu tranh chống lại những người suy thoái đạo đức là tích cực. Nếu coi việc đấu tranh của một số người chống lại các hành vi tiêu cực của một số người khác trong một tập thể là sự gây mất đoàn kết nội bộ thì hành vi “gây mất đoàn kết” ấy phải được coi là tích cực.(3)

5. Kết quả và phương thức giải quyết mâu thuẫn giữa người và người

Khi giữa hai chủ thể nào đó xuất hiện mâu thuẫn thì mâu thuẫn đó sớm hay muộn cũng sẽ được giải quyết. Kết quả giải quyết có thể là một trong các trường hợp sau đây. Thứ nhất, một chủ thể hoàn toàn đạt được mục đích của mình; chủ thể còn lại hoàn toàn không đạt được mục đích của mình (đối với những mâu thuẫn đối kháng, trong nhiều trường hợp chủ thể hoàn toàn không đạt được mục đích của mình thậm chí còn bị đối phương tiêu diệt). Thứ hai, một chủ thể hoàn toàn không đạt được mục đích của mình và chủ thể còn lại chỉ đạt được một phần mục đích của mình. Thứ ba, cả hai chủ thể đều chỉ đạt được một phần mục đích của mình. Thứ tư, cả hai chủ thể hoàn toàn không đạt được mục đích của mình.

Mâu thuẫn giữa người và người có thể được giải quyết bằng nhiều phương thức khác nhau tuỳ thuộc vào đặc điểm của từng loại mâu thuẫn và vào sự lựa chọn chủ quan của hai chủ thể mâu thuẫn. Có phương thức giải quyết bằng bạo lực và có phương thức giải quyết không bằng bạo lực. Có phương thức giải quyết bằng thương lượng và có phương thức giải quyết không bằng thương lượng. Có phương thức giải quyết trực tiếp bởi hai chủ thể mâu thuẫn và có phương thức giải quyết gián tiếp nhờ vai trò của các chủ thể khác. Việc lựa chọn đúng phương thức giải quyết mâu thuẫn có ý nghĩa nghĩa quan trọng đến hiệu quả của việc quyết mâu thuẫn. Chẳng hạn, nếu một chủ thể lựa chọn phương thức bạo lực để giải quyết một mâu thuẫn về một mục đích mà việc đạt được hay không đạt được mục đích ấy không làm ảnh hưởng đến lợi ích sống còn của mình, thì có thể chủ thể đó chẳng những không đạt được mục đích của mình mà còn phải chịu những tổn thất lớn.

Dù mâu thuẫn giữa người và người được giải quyết bằng phương thức nào thì bao giờ việc giải quyết mâu thuẫn giữa người và người cũng đều có sự tham gia của yếu tố ý thức của con người. Điều này khác với việc giải quyết mâu thuẫn ở động vật. Bởi vì, giữa các cá thể động vật cũng có mâu thuẫn, nhưng sự giải quyết mâu thuẫn ở động vật là tự phát, không có sự tham gia của yếu tố ý thức. Nếu con người càng hiểu biết sâu sắc về quy luật xã hội thì họ càng tránh được những tổn thất không đáng có do sai lầm trong việc lựa chọn phương thức giải quyết mâu thuẫn. Sự xuất hiện của mâu thuẫn giữa người và người là điều bình thường trong sự phát triển xã hội. Nhưng, điều quan trọng là ở sự lựa chọn đúng đắn phương thức giải quyết mâu thuẫn để tránh được những mất mát không đáng có cho xã hội.

Kết luận

Mâu thuẫn giữa người và người với những nội dung như trên là hiện tượng bình thường trong xã hội. Mặc dù vậy, đó là một hiện tượng cần được quan tâm nghiên cứu, bởi việc nhận thức hiện tượng ấy có vai trò quan trọng đối với việc nhận thức nhiều hiện tượng xã hội khác. Chẳng hạn, chúng ta sẽ không hiểu đúng bản chất của các hiện tượng pháp luật, nhà nước, không công bằng, không dân chủ, không tự do và nhiều hiện tượng xã hội khác nếu không phân tích mâu thuẫn giữa người và người. Nhận thức mâu thuẫn giữa người và người còn giúp mỗi người, đặc biệt là những người có trách nhiệm quản lý xã hội, xác định đúng đắn mâu thuẫn và lựa chọn đúng đắn phương thức giải quyết mâu thuẫn thường xuyên nảy sinh trong quan hệ giữa người và người vì lợi ích của mình và của xã hội.

 


(1) Hiện tượng cản trở lẫn nhau, bài trừ lẫn nhau, đấu tranh lẫn nhau giữa người với người là hiện tượng tồn tại khách quan và phổ biến trong xã hội mà ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy. Tuy nhiên, đối với những người không thừa nhận học thuyết của phép biện chứng về mâu thuẫn thì mâu thuẫn (trong đó có mâu thuẫn xã hội) không tồn tại trong hiên thực, chỉ tồn tại trong tư duy và là biểu hiện của tư duy sai lầm. Mặc dù thừa nhận có hiện tượng cản trở lẫn nhận, bài trừ lẫn nhau, đấu tranh lẫn nhau giữa người với người, nhưng họ lại không gọi hiện tượng đó là mâu thuẫn. Có thể vì thế mà trong một số từ điển tiếng Anh, tuy có thuật ngữ contracdition (mâu thuẫn), social conflict (xung đột xã hội), nhưng không hề có thuật ngữ social contracdition (mâu thuẫn xã hội).

(2) Trong các tác phẩm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin không có câu “mâu thuẫn là động lực của sự phát triển”. Ph.Ăngghen có viết: “Động lực của toàn bộ lịch sử hiện đại, ít nhất là ở trong hai nước tiên tiến nhất nói trên” (tức là Anh và Pháp), chính là cuộc đấu tranh của ba giai cấp lớn đó (tức là giai cấp tư sản, giai cấp vô sản, giai cấp quý tộc địa chủ) và những xung đột về lợi ích của họ (Xem: C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.21. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.439). “Động lực của lịch sử” nói ở đây cần được hiểu là động lực của sự vận động xã hội, chứ không phải là động lực của sự phát triển xã hội.

(3) Việc xác định một mục đích nào đó là tiến bộ hay không tiến bộ phải căn cứ vào nhiều tiêu chuẩn khách quan của sự tiến bộ, chứ không thể căn cứ vào sự tuyên bố của chủ thể theo đuổi mục đích ấy. Bởi vì, khi theo đuổi mục đích nào thì chủ thể theo đuổi mục đích ấy bao giờ cũng cố chứng minh mục đích mà mình theo đuổi là tiến bộ.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen