Seite auswählen

Ảnh một khu cách ly. Hình chỉ có tính minh họa. Nguồn: Zing.

 

Tính đến hôm nay (9/4), đã tròn mười hôm kể từ khi tôi trở về từ một trải nghiệm mà không bao giờ tôi sẵn lòng đi qua. Từng người bạn cứ hỏi tôi tình hình dạo này thế nào và tôi buộc phải nói tôi vừa bị đi cách ly. Tôi nghĩ tốt hơn hết mình viết ra đây để thay vì phải kể lại dài dòng thì tôi sẽ đưa bài viết này cho họ.

Bài viết thể hiện quan điểm của cá nhân tôi với một trải nghiệm thực tế trong một thời khắc mà lịch sử sau này có thể sẽ phải ghi là thời trước “covi” hay thời sau “covi”, một hiện tượng chấn động toàn cầu mà như bà Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phải thốt lên: Đây là thách thức lớn nhất của nhân loại kể từ đại chiến thế giới thứ Hai. Vì lẽ đó nên mong mọi người lượng thứ nếu như có điều gì đó không vừa lòng trong câu chuyện tôi kể.

***

Tất cả bắt đầu từ chuyến trở về vội vã của tôi từ Copenhagen, Đan Mạch. Sau đúng năm ngày đặt chân tới đây, tôi đã phải vội vàng đổi lại vé để rời đi vào ngày 15/3/2020. Tôi phải chú thích là trước đó năm hôm thì cả châu Âu vẫn chưa hề bị rúng động vì con virus ở một xứ xa lắc chả ai để ý là Vũ Hán. Sân bay không ai đeo khẩu trang cả và cũng chả có ai hỏi bạn từ đâu đến và càng không đo nhiệt độ của bạn làm gì.

Tất cả đã thay đổi vào ngày 13/3/2020 khi thủ tướng Đan Mạch lên truyền hình thông báo đưa ra những biện pháp để ngăn chặn sự lây lan của virus. Tiếp theo đó là TV ngày đêm chỉ xoay quanh con virus này. Lúc tôi đến thì Đan Mạch mới có 262 người nhiễm và không có ca tử vong nào. Khi tôi sắp sửa rời đi thì đã lên hơn 600 người – vẫn chưa có người chết. Đến hôm nay con số nhiễm đã là 5.402 và số ca tử vong là 218 người (9/4/2020).

Tuy nhiên, tôi vẫn nhớ một chi tiết mặc dù đang lúc nước sôi lửa bỏng như vậy nhưng Quốc hội Đan Mạch vẫn yêu cầu chỉ được cưỡng bức bệnh nhân nghi dương tính đến bệnh viện khi có trát của tòa án. Nhân quyền vẫn không bị quên trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Sau khi quá cảnh ở Doha, chuyến bay của tôi hạ cánh ở sân bay Nội Bài ngày 16/3/2020 lúc 13:00. Ngay lập tức, chúng tôi phải điền vào mẫu khai sức khỏe. Và sau khi nộp tờ khai này thì cùng lúc họ cũng tịch thu luôn hộ chiếu của chúng tôi. Việc này gợi nhớ đến năm 1990 khi lần đầu tiên tôi được ra nước ngoài thì đúng một ngày sau khi tôi trở về, đích thân ông giám đốc đến tận nhà tôi để thu hồi cuốn hộ chiếu.

Tiếp theo sau là xếp hàng để lấy mẫu xét nghiệm. Chờ tiếp khoảng ba tiếng nữa để lấy kết quả. Khoảng 16:00 thì họ bắt đầu gọi tên trong hộ chiếu và nói tất cả đứng dẹp vào một bên – vẫn chưa có bất cứ một thông báo về cái gì sẽ xảy ra tiếp theo. Tới lúc này vẫn còn hy vọng nhen nhóm rằng có thể những người âm tính sẽ được về cách ly tại nhà. Nhưng sau khi gọi hết xong thì một người mặc đồ bảo hộ kín mít thông báo: tất cả sẽ phải đi cách ly.

Tôi nhớ lúc đó trái tim tôi tan thành một triệu mảnh. Nhìn quanh tôi những khuôn mặt lạ hoắc cũng thất thần như tôi. Khoảng gần 18:00 (tức là sau hơn năm tiếng chờ đợi), sau khi tất cả đã yên vị trong ba xe buýt và một ôtô tải có mui của quân đội chất các vali đủ loại lên thì xe bắt đầu chuyển bánh.

Cho tới tận lúc này không ai trong số chúng tôi biết được sẽ đi đâu. Không có bất kỳ một thông báo nào. (Điều này làm tôi liên tưởng đến khi phát-xít Đức lùa những người Do Thái đi trại tập trung.) Vì vậy, khi lên xe, tôi chọn chỗ ngồi cửa sổ để có thể quan sát mình đang đi đâu được dễ dàng. Có một cô gái trẻ, xinh xắn ngồi tiếp cạnh tôi. Tôi có để ý cô này ở sân bay Doha khi tôi thấy cô đi một mình, trên chiếc bốt cao gót. Không ngờ cô bé này sẽ là người bạn thân thiết của tôi, giúp đỡ và an ủi nhau trong những giây phút buồn bã dài dằng dặc trong 14 ngày sau đó.

Sau khi ra khỏi sân bay Nội Bài thì tôi nhận thấy xe đi về hướng cầu Nhật Tân, rồi bỗng nhiên tôi thấy xe đi qua Ciputra. Trái tim tôi thắt lại khi nhìn thấy con đường mà bình thường ra tôi vẫn đi bộ trên đó. Giờ này chắc ông chồng tôi đang ngồi bên bàn ăn dài một mình. Rồi xe rẽ ra đường Võ Chí Công, qua đường Láng. Nhìn những khuôn mặt người đi đường, người thì lộ vẻ lo âu, người thì tranh thủ gọi điện thoại, người thì cười đùa trên đường phố vào giờ tan tầm, tôi chợt nghĩ, mình trước đây cũng là một trong số họ, nhưng bây giờ rõ ràng là họ hạnh phúc hơn mình và tôi cảm nghiệm một điều rằng tự do thật là một điều tuyệt vời mà đôi khi ai cũng cho đó là lẽ đương nhiên. Nghĩ đến đây tôi nghĩ đến những người tù nhân lương tâm, những người tù chính trị, những người phải vào tù vì vô vàn lý do – họ chắc hẳn cũng phải có những suy nghĩ giống tôi vào giây phút đó.

Ở trên xe tôi cố gắng hỏi lái xe là xe sẽ đi đâu thì chỉ được trả lời gọn lỏn một câu là Quốc Oai. Và từ giây phút đó trở đi, đi đến đâu đối với tôi không thành vấn đề gì nữa.

***

Cuối cùng thì chúng tôi cũng đến một doanh trại quân đội – Trung đoàn Pháo binh 58, thôn Long Phú, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai. Vẫn Hà Nội nhé. (Thế này lộ hết cả bí mật.)

Tuy là trung đoàn pháo nhưng tôi vẫn chưa thấy một khẩu pháo nào. Khẩu duy nhất mà tôi đứng chụp hình cạnh là trước cửa phòng truyền thống của trung đoàn.

Sau khoảng một tiếng rưỡi đăng ký dưới trời mưa lâm thâm, tối đen, mọi người được phân bổ về các phòng thì lúc đó đã là 9:30 tối. Bộ đội cung cấp ngay bữa tối cho bà con, mỗi người một xuất cơm đựng trong hộp xốp trắng, gồm một khoanh cơm trắng ụ to, độ hai thìa rau bắp cải luộc, một thìa thịt lợn nửa rang, nửa luộc. Tôi không biết rằng đây sẽ là thực đơn hầu như ít biến động trong vòng 14 ngày tới. Phần vì bực mình, phần vì chán nản nên tôi cũng không buồn động đến hộp cơm này. Nhưng nhìn ra xung quanh thì mọi người có vẻ đói và ăn gần hết.

Phòng của tôi to nhất nên chứa được 15 người, tối hôm sau thêm ba người nữa thành 18 người một phòng.

Các giường đã được kê giãn ra, cách nhau khoảng 1,5m. Giường tầng, có dát giường bằng tấm gỗ dán mỏng và một cái chiếu mỏng. Trên giường một cái chăn to và một cái màn đơn được xếp gọn gàng. Tất cả đều màu ngụy trang xanh loang lổ.

Mỗi người được phát một túi nilon trong đó có một cốc nhựa trắng, một cái khăn mặt bông nhỏ, một cái bàn chải, một tệp gói dầu gội đầu dùng một lần. Ngoài ra còn một đôi dép nhựa đen dưới gầm giường, tuy hơi quá khổ với tôi nhưng rất giúp ích khi đi vệ sinh. Tôi cũng chuẩn bị một đôi dép đi trong nhà, khăn bông tắm, nước tắm gội loại du lịch mua ở sân bay nên cũng đỡ.

Tuy vậy, nhìn cái giường thì tôi biết rằng sẽ có nhiều đêm trắng đây. Và đúng như vậy. Sau đêm đầu tiên thức trắng thì những đêm sau đó tôi phải dùng thuốc ngủ liên tục – một việc chưa từng xảy ra với tôi. Ngày hôm sau qua cô bạn cùng phòng tôi nói người nhà gửi ké vào lọ thuốc ngủ và tấm đệm tập yoga để lót giường cho đỡ đau. Buổi tối rõ ràng phải dùng đến màn vì bầy muỗi đói đã vi vu xung quanh rồi, cho dù mắc màn là việc ngại nhất trần đời.

***

Vậy là nơi ăn chốn ở đã thu xếp xong. Cô bạn mới quen nằm giường kế bên. Sau khi ổn định xong thì một cán bộ phụ trách dãy vào thông báo ngày mai ăn sáng có bốn món để chọn: xôi xéo, cháo, bánh mì kẹp trứng và mì ăn liền. Mọi người rất hứng khởi vì được ăn xôi xéo cho bữa sáng, nhất là mới ở nước ngoài về. Nhưng phải thú thật là niềm hưng phấn kéo dài được hơn một tuần thì mọi người bắt đầu ngán. Vì vậy, hôm sau tôi đề nghị anh cán bộ đổi sang xôi lạc vì bộ đội cũng phải mua bên ngoài vào. Thế là hôm sau cả phòng chuyển sang xôi lạc.

Trong trại cũng có shipper và mọi người đặt mua tất tần tật từ cái tăm đến xô chậu, kể cả đồ ăn. Đến gần giờ ăn trưa hoặc tối là anh lượn xe máy quanh trại. Mọi người hay đặt gà vì nghe nói gà đồi ở đây rất ngon. Thế là hai cô cháu hôm sau cũng đặt nửa con gà. Ngồi ngoài rừng, vừa ăn xong đang cười mãn nguyện vì lâu lắm mới được bữa ngon thì thấy một bác đứng tuổi chạy ra hớt hải, hỏi có phải bọn cháu ăn nhầm gà của cô không. Đang cười mình giật mình hỏi hay là mình ăn cả xuất của bác ấy nhỉ. May cô bạn thông minh nói ngay: Không chỗ xương này chỉ có nửa cái đầu, nửa cái cánh, nửa cái chân nên không phải cả con cô ạ. Lúc sau vào phòng thấy bác ăn muộn vì đợi gà hụt, mình phải ăn ủi bác thôi gà ăn bữa tối càng ngon bác ạ. Thật là hi hữu!

Thế nhưng mà mọi người đừng nghĩ là mình chảnh chọe, vì tôi nghĩ ăn uống không ngon thế này càng hay vì đây là dịp tốt để giảm cân (thực tế vẫn không giảm, chắc ăn nhiều cơm quá). Ngủ thì đã có thuốc ngủ của nhà gửi rồi. Nhưng điều thách thức nhất đối với tôi  lại là cái khu tắm gội và chuồng tiêu. Bởi vì đây chính là cơn ác mộng của tôi suốt 30 năm đầu đời ở khu tập thể 12 Thuỵ Khuê và ở các nơi sơ tán. Tin hay không thì tuỳ nhưng chuồng xí của thời thơ ấu thỉnh thoảng vẫn viếng thăm tôi trong các giấc mơ. Khi tôi xây nhà mới hay sửa lại nhà cũ thì toilet luôn là ưu tiên hàng đầu của tôi, nơi mà con tôi có thể ngồi bệt xuống đọc sách trong đó được, chứ không phải ưu tiên phòng khách hào nhoáng như nhiều nhà. Vậy mà mấy chục năm sau tôi lại phải đi lại con đường đau khổ đó thì đủ biết tôi buồn đến mức nào.

Những ngày đầu mưa lạnh không có nước nóng và nếu thỉnh thoảng có thì cũng không đủ cho nhu cầu của gần 300 con người. Vậy là phải tắm nước lạnh và dội chân nước lạnh sau khi viếng thăm cầu tiêu, bất kể đó là 10 giờ đêm hay 2 giờ sáng. Mãi sau này, bộ đội hiểu ra là nhu cầu dùng nước nóng là có thật nên họ đã chặt cây ở bìa rừng cạnh đó và đun nước đủ để dùng, mặc dù vẫn phải í ới gọi khi không có nước nóng. Mà khi đã có nước nóng rồi thì lại phải cần cả một nghệ thuật để vặn vòi nước thế nào để không bị chỉ có mỗi nước nóng hay mỗi nước lạnh. Nhiều khi tôi phải ngừng tắm để chỉ cho mọi người cách mở như thế nào để điều chỉnh ra được nước ấm. Nghĩa là phải mở lạnh hết cỡ và rồi mở cái van nước nóng chút thôi, khi ống tuýp nước nóng lại thắng thế thì lại phải khoá van nóng đi bớt đi và cứ thế. “Người ta” thì vừa đi đường vừa kể chuyện, còn đây thì vừa tắm vừa phải cảnh giác vì sơ sểnh một tý là thành tôm luộc luôn.

Tôi đã chuẩn bị cái tinh thần là không tắm trong 14 ngày nhưng sau ba ngày thì phải đầu hàng. Sau khi tắm xong vẫn còn bình luận chán chê là tắm hôm nay sướng thế nào. Đúng là niềm vui đến từ những điều nhỏ nhoi mà khi bình thường ta vẫn cho đó là điều đương nhiên

Nhưng nhiều khi bị cắt nước, chị em dùng nước lấy ở cái bể tắm đáy vàng lên. Gọi là đáy vàng vì không ai chui xuống để kỳ cọ đáy bể được. Mình thấy vừa thương vừa phục. Nước thì vừa lạnh vừa bẩn, đôi khi thấy cả quần lót ai vắt lên rồi rơi vào đó, rồi cả gián nằm chình ình trong đó.

***

Nói tóm lại là, vấn đề vệ sinh trong quân ngũ chưa được đảng bộ và các cấp chính quyền quan tâm theo dõi lắm. Đôi khi tôi tự hỏi làm sao mà họ có thể tự giặt các bộ quân phục dầy như vậy bằng tay mà sạch được. Lần đầu tiên tôi được nhìn gần quân trang quân dụng của bộ đội ta. Nghĩa là dép lê nhựa đủ cả, dép săng-dan nhựa mỏng màu nâu tôi đoán cho lính bậc bét nhất. Giầy vải kiểu bata cao đến mắt cá chân chắc cho cấp cao hơn nữa, còn sĩ quan thì giày đen không chắc có phải bằng da không.

Chiến sĩ thì rụt rè, nhát nhát. Trông họ gày gò, thấp bé, rõ ràng là ăn không đủ chất, vì khi tôi nói chuyện họ nói rằng suất ăn của chúng tôi còn ngon hơn của họ về phần cơm. Cơm của họ phần lớn từ các kho gạo dự trữ quá hạn nên không trắng và thơm được. Khi họ so sánh vậy tôi thực sự không biết nói sao mà chỉ cảm thấy một nỗi buồn thật sự. Tôi không bao giờ đồng ý với quan điểm của một số người khi nói rằng bộ đội là phải khổ thì mới rèn luyện được. Điều kiện ăn ở vệ sinh được nâng cao, dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ thì chỉ có tăng sức mạnh của chiến sĩ thôi chớ. Huấn luyện trong các địa hình, điều kiện khắc nghiệt thì mới làm tăng tính thích nghi và chiến đấu của quân đội. Hai phạm trù này hoàn toàn khác nhau. Mặc dù nghĩa vụ của lính chỉ có hai năm nhưng đố tìm được ông con nào trên phố thị trong đám quân ngũ này.

Trước khi rời đi một tuần bà con có quyên góp được 80 triệu đồng tặng bộ đội nhưng họ lại muốn dùng số tiền này để lát xi-măng cho con đường ở… trong rừng. Tôi có rụt rè đề nghị là nên chăng trích một phần nhỏ để nâng cấp khu vệ sinh thì họ nhìn tôi như ở hành tinh khác đến. Họ nói cái việc đó không mang tính biểu tượng của món quà của bà con từ châu Âu về. Cái đó để nhà nước lo. Và kết quả là đang yên bình thì các loại xe cát, xi-măng làm việc ầm ầm trong hai ngày xong con đường và mấy bộ bàn ghế mới. Rõ là nước sông công lính.

Xin nói thêm là cả trung đoàn ở đây tọa lạc trên một quả đồi to 46 ha, phong cảnh thiên nhiên nhìn xuống xung quanh một màu xanh rờn. Không thể hình dung cách Hà Nội 40km lại có cảnh đẹp như vậy. Tôi thường ngay sau bữa sáng là mang các thứ ra ngồi đọc sách, hoặc đọc tin trên Facebook, ăn trưa ở trong rừng này đến tận 4 giờ chiều rồi phải về phòng để đi đo nhiệt độ (ngày hai lần). Tiếp sau đó tôi sẽ đi bộ hoặc chạy chậm một tiếng trước khi đến bữa ăn tối. Khi mình có một nếp sinh hoạt cố định thì ngày sẽ trôi qua nhanh hơn.

***

Tôi sẽ nhanh chóng quên đi chuyến “chu du” bắt buộc 14 ngày nếu không có những cuộc chuyện trò thật thú vị với rất nhiều người có những mảnh đời và số phận trong trại. Tuy có nhiều điểm chung nhưng vẫn có những điều vô cùng khác biệt tạo nên những dấu ấn mà tôi sẽ không bao giờ quên.

Vì sự riêng tư nên tôi sẽ không kể ra đây nhưng họ phải hiểu rằng tôi thực sự ngưỡng mộ họ trong cuộc đấu tranh sinh tồn để vươn tới một cuộc đời tốt đẹp hơn cho chính họ và con cái của họ – điều mà họ không thể tìm thấy trên chính quê hương mình. Hãy vứt cái mác Việt Kiều đi và họ chỉ còn là những người nông dân bỏ lại đồng ruộng, bố mẹ đi xa xứ, mà nhiều khi cả họ hàng anh em lên tới cả trăm người.

Lại có một hôm khi tôi đang ngồi ngoài rừng đọc tập truyện ngắn của Vũ Thư Hiên thì một bác ngồi đối diện hỏi xin phép liệu bác có thể mượn xem qua cuốn sách được không. Ông tò mò hỏi làm sao tôi có thể có được quyển này ở đây. Tôi nói tôi hay đặt sách qua Amazon mỗi khi tôi đi nước ngoài. Tò mò tôi cũng muốn hỏi bác làm việc gì thì bác bảo nói thật với chị tôi trước làm ở một cơ quan cấp cao của đảng, nhưng nhờ có Internet bây giờ tôi đã phản tỉnh rồi, nên tôi biết Vũ Thư Hiên, mặc dù như bác nói bác chưa một lần được ra nước ngoài suốt 30 năm phục vụ ở đó. Phải đợi đến khi con đi du học sang mấy nước – mà các bác dành cả đời để thuyết phục nhân dân cần phải xoá sổ cái chế độ của chúng – thì bác mới có cơ hội đặt chân lên những đất nước này. Thật là một sự trớ trêu khi giờ đây bác lại đang khao khát đọc những con chữ của Vũ Thư Hiên – người mà chín năm trời bị cầm tù vì những lý do ất ơ do chế độ mà bác phụng sự đã đẻ ra.

Khi trả tôi cuốn sách vào chiều hôm trước khi ra trại bác có nói với tôi: tôi tin tất cả những câu chuyện anh ấy viết ở đây là thật, nếu được đổi lại tên cuốn sách thì tôi muốn đặt là “Chuyện thật như đùa”.

***

Mười bốn ngày cách ly thực ra cũng không phải là dài, nhưng sẽ là thực sự dài khi  người ta bị tước đoạt đi 14 ngày tự do theo cái cách mà chỉ có thể thực hiện được ở những nước theo chế độ độc tài.

Về việc cách li tập trung thực ra có những ý kiến trái chiều, nhưng với tư cách là người đã trải qua thì tôi thấy là hoàn toàn không cần thiết phải dốc một lực lượng hùng hậu và kinh phí lớn như vậy để quản lý mấy ông bà đã được xác định âm tính từ cửa khẩu rồi. Việc xét nghiệm tại sân bay là một bước đi đúng hướng nhưng bắt những người âm tính đi tập trung vào một nơi thì nguy cơ lây nhiễm chéo cũng cao như khi có một ông dương tính lọt ra ngoài. Rất may là trong trại không có ai bị dương tính trong thời gian cách ly vì nếu có thì toàn bộ 300 con người sẽ phải cách ly lại thêm đúng từng ấy ngày. Có đôi lần có em sinh viên cùng phòng vừa ho vừa sốt, sau phải chở đi bệnh viện. Cả phòng hoang mang, chán nản mong em ấy âm tính cho đến khi không thấy họ thông báo gì trong hai ngày liền thì đoán chắc chắn là âm tính, lúc đó cả phòng mới thở phào nhẹ nhõm.

Có những người sẽ nói là dân ta không có ý thức nên không thể tin khi cách ly tại nhà được. Nhưng mặc dù thiếu vắng các biện pháp chế tài người vi phạm, hay những phần mềm theo dõi họ – nhưng thực tế chứng minh dân ta chấp hành rất tốt và các lực lượng cai quản làm rất tốt công việc của mình.

Mà thực ra cách ly tập trung trông qua có vẻ nghiêm túc nhưng cũng có vô số kẽ hở. Ví dụ như trong thời gian cách ly, con cái có bố mẹ làm to thì vẫn gặp con cái họ bình thường. Nếu chẳng may ông con dương tính, lây ra ông bố bà mẹ thì lúc đó không biết đánh số bệnh nhân kiểu gì. Ngày xuất trại là phải đủ đúng 14 ngày tính theo giờ nhập trại, nhưng thực tế con cái quan chức hoặc quen biết thì đã xách vali lẳng lặng ra về từ hôm trước rồi. Khi tôi hỏi trung đoàn trưởng vì sao lại thế thì anh trả lời là vì họ có giấy chứng nhận của phường xã chịu trách nhiệm theo dõi họ tiếp tục tại nhà.

Chuyện đến đây là hết.

Luật Khoa