Seite auswählen

Thái Hạo

30-12-2020

[Trước khi đọc, xin các bạn đừng tự hỏi tôi đang nhắc tới câu chuyện ở trường nào, địa phương nào; vì tôi không kể câu chuyện cá nhân, tôi không có vấn đề cá nhân với ai cả, tôi chỉ muốn phản ánh thực trạng của nền giáo dục – nơi mà con cháu chúng ta đang ở đó. Và mong muốn những hành động hữu ích từ những người làm giáo dục, từ phụ huynh và cộng động].

Năm 2016, lúc đang dạy học tại một trường chuyên, tôi bỏ việc vì những căn bệnh trầm kha của giáo dục, căn bệnh mà di hại của nó sẽ để lại một cách vĩnh viễn trong nhân cách người học, trong khi mình không thể làm gì để để cứu vãn được. Tình trạng ấy nếu kéo dài thêm sẽ gây nên một bi kịch tinh thần không thể chữa lành trong nội tâm người thầy giáo.

Năm 2018 tôi quay trở lại với giáo dục từ lời mời của hiệu trưởng, với điều kiện duy nhất phải được đáp ứng: tôi được quyền tự chủ về chuyên môn cho mình và tổ bộ môn của mình. Và tôi bắt tay vào những “đổi mới” trong chương trình và phương pháp dạy học cho môn văn trong toàn trường. Tư tưởng khởi phát cho mọi hoạt động giáo dục của tôi là “Giáo dục khai phóng”. Mọi thứ diễn ra khá thuận lợi vì sự “đáp ứng” của lãnh đạo nhà trường đối với các đòi hỏi của tôi về mặt hành chính và tư tưởng, phương pháp tổ chức lớp học (tất nhiên, cũng không ít khó khăn, nhưng những khó khăn ấy với tôi chỉ là chuyện thời gian và không quan trọng).

Sau chưa đầy nửa năm từ những thay đổi quyết liệt, chúng tôi bắt đầu nhận được sự hưởng ứng một cách tự giác và và thấy được niềm vui trong dạy và học của đồng nghiệp và học sinh. Với đường lối của lao động thực sự trong học tập, của trao đổi đối thoại, của phản biện và tranh luận v.v.. học trò của chúng tôi bắt đầu trưởng thành khi hình thành quan điểm cá nhân và bước đầu biết cách bảo vệ quan điểm của mình. Chúng tôi kiên quyết bỏ chương trình dạy thêm trong trường và đánh giá kết quả học tập của học sinh một cách linh hoạt; chú trọng vào các khâu tạo lập văn bản, thuyết trình quan điểm, tranh luận bảo vệ quan điểm và văn hóa tranh luận…

Những u ám mệt mỏi dần được xua tan và thay bằng không khí tranh luận thảo luận sôi nổi. Học sinh có tư duy độc lập và bắt đầu biết “xét lại” những giáo điều. Tôi cảm nhận được những giằng xé trong các em khi các tín điều lộ diện trong sự mâu thuẫn với thực tế và đã gây nên rất nhiều hoang mang trong nhận thức. Tuy nhiên tình trạng ấy được khắc phục một cách tích cực, vì học sinh đã thật sự “nghĩ bằng cái đầu của mình”.

Nhưng mọi việc bắt đầu diễn tiến theo chiều xấu đi khi năm học đầu tiên sau “đổi mới” kết thúc. Có nhiều nguyên nhân cho tình trạng này, nhưng nhìn sâu vào bản chất, chúng tôi thấy rằng: khi học trò đã tự biết “nhìn bằng mắt của mình, nghe bằng tai của mình, nghĩ bằng đầu của mình” – nghĩa là đã thức tỉnh – thì chúng không còn “ngoan” nữa. Chúng bắt đầu phản ứng và “bất tuân dân sự” trong nhiều trường hợp đối với thầy cô và các hoạt động khác trong nhà trường.

Có một tình trạng mà người ta gọi là “bất trị” đang dần lớn lên. Nhiều học trò đã lên tiếng phản đối các khoản thu vô lý, phản ứng với cách hành xử của giáo viên và nội dung dạy học các môn; nhiều học trò “dám sống” với cá tính và con người cá nhân của nó v.v.. Môi trường giáo dục im ắng, tuân phục, “đồng phục” suốt bao nhiêu năm qua bắt đầu bị phá vỡ. Và người ta sợ. Có vô vàn nỗi sợ. Người ta bắt đầu tìm lý do để hủy bỏ những đổi mới của chúng tôi và dập tắt mọi thứ.

Và tôi chợt hiều ra rằng: trong mọi môi trường chuyên chế và bưng bít, nỗi sợ lớn nhất của người cai trị là sợ dân chúng thức tỉnh. Mà một đường lối giáo dục tiến bộ thì bao giờ cũng đưa tới sự thức tỉnh một cách tất yếu, không thể khác được. Tôi vỡ lẽ tiếp rằng, không bao giờ có chuyện đổi mới thành công nếu không có tự do hay không chấp nhận tự do tư tưởng được cơ sở trên sự tôn trọng con người cá nhân. Mọi đổi mới sẽ tất yếu thất bại vì tính cách nửa vời của nó khi “vừa đổi mới vừa sợ”, và khi nỗi sợ lớn hơn chút nữa thì họ sẽ sẵn sàng hủy hết mọi khẩu hiệu trước đó để đổi lại sự bình yên giả tạo dựa trên sự ngu dốt và sợ hãi của dân chúng.

Tại sao tôi nói “một nền giáo dục ngu dân” là vì thế.

Tôi đã cảm thấu những bi kịch của nền giáo dục Việt Nam khi nó chọn cách phá hủy nhân cách con người để đổi lại những quyền lợi cho một thiểu số. Tôi đã rời bỏ nó, nhưng thật lòng, tôi vẫn không sao hiểu được về những người cúc cung trong hệ thống để duy trì cho một đường lối dã man như thế đối với thế hệ trẻ.

Tôi nghĩ, và tha thiết rằng, chúng ta không thể im lặng để nuôi dưỡng cho một nền giáo dục độc ác như thế. Mỗi người phải làm “một cái gì đó” và cùng nhau làm một cái gì đó để thay đổi nó. Im lặng trước cái ác là đồng lõa với nó. Nếu chúng ta không thể có hành động nào mạnh mẽ hơn thì ít ra cũng phải “mở miệng” trước những sai trái và hủ bại trong môi trường giáo dục của mình và con cái mình. Không thể nhắm mắt được nữa trước những gì đang diễn ra./.