- Jonathan Marcus
- Nhà phân tích ngoại giao
Nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài – và đặc biệt là các đồng minh của Washington – chắc hẳn đã theo dõi các sự kiện trong tuần này ở Đồi Capitol với sự sửng sốt lẫn kinh hãi.
Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg là một trong những người đầu tiên đưa ra phản ứng, viết dòng tweet “những cảnh gây sốc ở Washington DC. Kết quả của cuộc bầu cử dân chủ này cần phải được tôn trọng”.
Ai có thể tưởng tượng dòng bình luận như vậy đến từ quan chức hàng đầu thuộc khối liên minh gửi đến cho quốc gia thành viên hàng đầu? Đây là thứ mà bạn tưởng rằng ông Stoltenberg sẽ gửi đến Belarus hoặc Venezuela.
Sự kiện nói lên nhiều về vị thế của Washington trên trường thế giới sau nhiệm kỳ bốn năm tổng thống của Donald Trump.
Nước Mỹ đã suy yếu đi nhiều về tầm ảnh hưởng và quyền lực mềm.
Nước Mỹ đã rút khỏi các thỏa thuận kiểm soát vũ khí, thỏa thuận hạt nhân Iran và một hiệp định quan trọng về khí hậu. Nó cũng đã tìm cách giảm sự can dự quân sự ở nước ngoài trong khi cũng không có được đề xuất về những lựa chọn ngoại giao thay thế.
Ở một chừng mực nào đấy, các quốc gia như Israel, Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ đều tìm cách tự bảo vệ an ninh cho mình, vì ý thức rằng mối quan tâm của Tổng thống Mỹ chỉ có hạn. Trên thực tế thì Donald Trump có vẻ coi các nhà lãnh đạo chuyên chế là các vị chủ nhà mến khách hơn các vị nguyên thủ của nhiều nước dân chủ đồng minh.
Những động lực lôi cuốn làm cho đất nước này trở thành hình mẫu cho những nhà có khát vọng dân chủ ở khắp mọi nơi đang bị hoen rỉ, những vết nứt của nó đều phơi bày cho tất cả mọi người trông thấy.
Hôm nay, như nhà phân tích Ian Bremmer nói: “Mỹ tới nay là quốc gia rối loạn chức năng chính trị nhất và chia rẽ nhất trong tất cả các quốc gia dân chủ công nghiệp phát triển trên thế giới.”
Điều này quan trọng bởi lẽ trong những năm gần đây, hệ thống quốc tế rõ ràng đã chịu tổn hại bởi quyết định theo đuổi chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của ông Trump. Những kẻ độc đoán đang diễn hành. Trung Quốc và Nga đều cảm thấy tầm ảnh hưởng của họ được đẩy mạnh trong những năm Trump nắm quyền. Các thiết chế của trật tự tự do – như Nato, Liên Hiệp Quốc và nhiều cơ quan của nó – phải đối mặt với các mức độ khủng hoảng khác nhau.
Các cuộc tấn công mạng và cái được gọi là hoạt động trong vùng xám – chỉ vừa chạm ngưỡng của chiến tranh – đang trở thành chuyện bình thường. Thế giới phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng kịch cấp bách như đại dịch và biến đổi khí hậu và dưới sự kiểm soát của ông Trump, Hoa Kỳ đơn giản là đã không thực hiện nghĩa vụ của một cường quốc.
Hãy làm rõ ở đây. Đây không phải là lời kêu gọi Mỹ chi phối thế giới. Thường thì chính sách ngoại giao bành trướng của Mỹ cũng mang đến nhiều rắc rối cùng lúc với giải pháp.
Nhưng chính sách an ninh và quốc phòng của Mỹ đang không ổn. Toàn bộ giàn khung của các thỏa thuận kiểm soát vũ khí kế thừa từ thời Chiến tranh Lạnh, từ hiệp ước INF (loại bỏ tên lửa tầm trung) cho đến Hiệp ước Bầu trời mở, đang sụp đổ.
Thực thế, một nỗ lực tối hậu nhằm gia hạn thỏa thuận cuối cùng về hạn chế kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ và Nga – hiệp ước Khởi đầu Mới – sẽ là một hạng mục ban đầu trong chương trình nghị sự của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Việc kiểm soát vũ khí ngày càng trở nên quan trọng khi các hệ thống vũ khí mới chết người như tên lửa siêu thanh tốc độ cao được phát triển, chưa kể đến việc quân sự hóa vũ trụ ngày càng tăng. Phương Tây phải đối mặt với sự trỗi dậy của một Trung Quốc quả quyết hơn và sự trở lại của một nước Nga hung hãn hơn. Vì vậy, sự tham gia, lãnh đạo của Hoa Kỳ, tùy bạn gọi, là điều cần thiết để bắt đầu vật lộn với các vấn đề liên quan.
Tất cả những điều này đặt ra nhiều vấn đề to lớn cho chính quyền sắp tới của Biden. Kẻ thù của Washington đang vui mừng sau cơn bão ở Điện Capitol.
Tổng thống mới lên nắm quyền vào lúc nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi sau đại dịch trong khi phản ứng của Mỹ trước Covid đang thất bại nặng nề với tỷ lệ tử vong lớn và việc không chắc chắn về hiệu quả của việc triển khai vaccine. Thật sự, đại dịch là một vấn đề mà Tổng thống Trump phần lớn đã bỏ mặc kể từ khi bại trận trong cuộc bầu cử.
Không ngạc nhiên khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tin rằng cuộc khủng hoảng đã chứng tỏ tính ưu việt của hệ thống của ông.
Nga có thể là một kẻ gây phiền toái hơn là một đối thủ chiến lược đối với Washington, nhưng các chiến dịch xuyên tạc thông tin và các hoạt động tin tặc vào giai đoạn cuối của thời đại Trump đã là một cái gì đó hoàn toàn mới về quy mô và tác động.
Joe Biden sẽ lèo lái một chính quyền nơi có nhiều cơ quan đang sử dụng các hệ thống máy tính vốn đã bị người Nga xâm nhập. Không ai biết chuyện xâm nhập đó sâu và lâu dài như thế nào.
Ngay cả trong số những người bạn của Mỹ, đường lối của chính quyền mới cũng khó có thể xuôi chèo mát mái. Tất nhiên, tân tổng thống sẽ được các đồng minh của Washington ở nước ngoài chào đón nồng nhiệt, đặc biệt là trong EU và các nhóm G7. Những nước như Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel đang nhanh chóng thay đổi hoặc điều chỉnh lại các chính sách của họ, tìm cách tạo ra một cuộc đối thoại mới với đội ngũ của Biden.
Nhưng đừng trông đợi bất kỳ ‘tuần trăng mật’ nào sẽ kéo dài đối với chính quyền mới của Mỹ.
Ví dụ, sự chia rẽ trong liên minh Đại Tây Dương có thể được giải quyết khá nhanh chóng. Nhưng ông Biden sẽ đặt ra yêu cầu đối với các đối tác châu Âu của mình giống như chính quyền Trump đã làm. Ông cũng sẽ muốn chi tiêu quốc phòng nhiều hơn và thêm vào đó là các chính sách phối hợp và cứng rắn đối với Iran, Trung Quốc và Nga.
Việc tạo ra các liên minh chính sách mới này sẽ không dễ dàng như thoạt nhìn. Hãy nhìn vào hiệp ước đầu tư gần đây giữa Liên minh châu Âu và Bắc Kinh, là thứ mà nhiều người trong đội ngũ sắp cầm quyền của Biden hy vọng có thể trì hoãn lại. Họ hỏi, một thỏa thuận thương mại như vậy có thực sự là cách để đối phó với việc Trung Quốc đàn áp nền dân chủ ở Hong Kong, sự săn đuổi người Duy Ngô Nhĩ, hay hăm dọa về kinh tế nhắm vào Australia? Đó thực sự không phải là một khởi đầu thuận lợi.
Những khác biệt về chính sách, ràng buộc về thương mại và khát vọng của chính châu Âu về mức độ tự chủ mang tính chiến lược cao hơn đều sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ với Washington. Nhưng ngoài điều này, còn có một yếu tố lớn khác góp phần vào sự căng thẳng.
Tất cả đều rất tốt khi chính quyền Biden đặt việc xây dựng lại các liên minh ở vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính sách đối ngoại nhưng nhiều đồng minh không chắc rằng chủ nghĩa Trump đã ra đi vĩnh viễn.
Không đơn thuần chỉ là cú sốc trước cuộc tấn chiếm Tòa nhà Quốc hội Mỹ, họ lo sợ rằng ông Biden có thể chỉ là quãng ngắn được 4 năm, sau đó một hình thức mới của chủ nghĩa Trump có thể trở lại cầm quyền. Liệu một số đồng minh của Washington có đi nước đôi để phòng rủi ro?
Đây là thời điểm mà chính sách đối nội của Hoa Kỳ có lẽ đã trở thành yếu tố chủ chốt nhất giúp định hướng cách tiếp cận với nước ngoài. Thật vậy, bạn thậm chí có thể nói rằng tất cả các chính sách hiện nay ở Mỹ của Biden đều là đối nội.
Điều này đúng theo hai ý nghĩa quan trọng. Việc xây dựng lại nền dân chủ Mỹ, làm cho nó thành một xã hội bình đẳng hơn và ít nóng bỏng hơn, là điều cần thiết để xây dựng lại “thương hiệu nước Mỹ” ở trường quốc tế. Chỉ khi các đồng minh (lẫn kẻ thù) của họ có thể chắc chắn rằng Mỹ thực sự đang trở lại trên một con đường khác và nhất quán thì họ mới có thể tin tưởng vào sự lãnh đạo của Washington trong tương lai.
Nhưng trọng tâm của chính sách đối nội này hoạt động theo cả hai cách. Nếu Tổng thống đắc cử Biden muốn thành công trên trường quốc tế, ông ấy cần cần phải chiến thắng ở trong cái đất nước đang chia rẽ của mình hiệu triệu họ cùng ủng hộ chính sách ngoại giao của ông.
Lấy Trung Quốc làm ví dụ. Ông Biden muốn cạnh tranh lẫn hợp tác với Bắc Kinh nếu cần thiết. Chính sách thương mại ở đây quan trọng hơn các dòng chảy chiến lược truyền thống – tàu chiến và căn cứ ở nước ngoài. Và nền tảng của một chính sách thương mại thành công đối với Trung Quốc chỉ có thể là thứ mà một người dân thường Mỹ cũng thấy là đang phục vụ lợi ích của họ, mang công ăn việc làm trở lại và một sân chơi bình đẳng trong thương mại.
Khôi phục tình trạng của quốc gia có thể là yếu tố quan trọng nhất làm cơ sở cho bất kỳ thành công nào mà ông Biden có thể đạt được ở nước ngoài.
Jonathan Marcus là cựu phóng viên ngoại giao và quốc phòng của BBC