Seite auswählen
Giang Nguyễn
2021-03-02
Dân biểu Thụy Sĩ nói đang theo dõi chặt chẽ các thủ tục tố tụng vụ Đồng TâmẢnh minh hoạ.
Phiên toà xử 29 người dân Đồng Tâm ở Toà án Nhân dân TP. Hà Nội hôm 14/9/2020. AFP

Nhiều người quan tâm trong nước và cả những chính trị gia cùng giới quan sát nước ngoài đang hướng về phiên tòa phúc thẩm đối với sáu người có kháng cáo trong vụ án Đồng Tâm. Tuần qua, Dân biểu Geneva của Quốc Hội Thụy Sĩ, ông Sébastien Desfayes và các thành viên của Cosunam, một tổ chức Thụy Sĩ về nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam mà ông là chủ tịch, đã có một cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Đình Mạnh về việc này.

Phóng viên Giang Nguyễn có cuộc nói chuyện với Nghị viên Sebastien Desfayes vào hôm 2 tháng 3 về những điều được trao đổi, cũng như những bước kế tiếp của chính quyền Thụy Sĩ. Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 8 tháng 3 tới đây theo như thông báo của Tòa Cấp Cao Hà Nội. 

 

Cảnh sát cơ động được điều đến Đồng Tâm vào sáng ngày 9/1/2020

 

Cảnh sát cơ động được điều đến Đồng Tâm vào sáng ngày 9/1/2020

Courtesy of FB

 

Giang Nguyễn: Cảm ơn ông Dân biểu Sébastien Desfayes cho chúng tôi cuộc nói chuyện này. Được biết gần đây ông đã có cuộc trò chuyện với Luật sư Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho các bị cáo trong vụ án Đồng Tâm. Ông có thể cho chúng tôi biết thông tin mới nhất mà ông biết được từ luật sư?

Sébastien Desfayes: Vâng, tôi đã có một cuộc điện đàm với một trong các luật sư vào ngày 18 tháng 2. Luật sư Mạnh chia sẻ với tôi một số điều thú vị, một số điều tích cực, và một số mối quan tâm.

Điều đáng mừng là sự tiếp xúc của luật sư với bị cáo và gia đình của họ đang diễn ra tương đối tốt, ít nhất là trong thời gian này. Luật sư nói với tôi, về bản chất, ông được phép tiếp cận bình thường các tài liệu truy tố chính thức. Tuy nhiên, có một trường hợp ngoại lệ. Vào thời điểm chúng tôi điện đàm, luật sư vẫn không biết ngày xét xử. Bây giờ thì chúng tôi đã được thông báo rằng phiên tòa sẽ diễn ra vào ngày 8 tháng 3. Như vậy có nghĩa là nó đã được triệu tập rất gấp rút.

Mặt khác, luật sư lo ngại về sự không tuân thủ những nguyên tắc thủ tục tố tụng. Đầu tiên, cuộc điều tra vụ việc đã được thực hiên bởi chính bộ phận công an mà đã đột kích và bố ráp vào làng Đồng Tâm. Điều này, nói một cách nhẹ nhàng nhất, là rất có vấn đề về tính độc lập của cuộc điều tra. Đối với tôi, rõ ràng đây là một xung đột lợi ích trắng trợn vì hai bộ phận cùng một cơ quan công an. Ông ấy cũng nói với tôi rằng các cơ quan tư pháp đã từ chối việc thực nghiệm hiện trường. Điều này rất đáng ngạc nhiên, vì ở Việt Nam, ngay cả một vụ tai nạn giao thông cũng có thể được thực nghiệm hiện trường. Vì vậy, đối với một vấn đề nghiêm trọng như vấn đề Đồng Tâm, việc tòa án từ chối thực nghiệm là điều rất đáng ngạc nhiên. Các luật sư bào chữa đã được cho biết rằng quan điểm của tòa án là sự thật đã được chứng minh nên việc thực nghiệm sẽ không giúp ích được gì. Một lần nữa, điều đó rất có vấn đề.

Một vấn đề quan ngại khác, tôi được biết toà án đã bất chấp yêu cầu của luật sư không cho phép nhân chứng quan trọng hầu tòa trong đó có vợ và con dâu của vị trưởng thượng làng Đồng Tâm, ông Lê Đình Kình.

Một điểm quan ngại nữa liên quan đến việc thủ tục tố tụng công bằng là việc các luật sư bào chữa yêu cầu được tiếp cận với một hồ sơ quan trọng, là lệnh chính thức cho việc đột kích vào đêm hôm xảy ra vụ án khủng khiếp tại Đồng Tâm. Theo cơ quan chức năng, lệnh đó là tài liệu bí mật và do đó không thể được tiết lộ trong phiên tòa. Điều này rất, rất đáng lo ngại, bởi vì qua việc từ chối tiết lộ tài liệu đó chúng tôi có thể suy ra rằng lệnh của Chính phủ có bao gồm một cuộc tấn công, một cuộc đột kích, hay là lệnh cho cảnh sát chỉ thực hiện cuộc đột kích để giữ trật tự mà không bố ráp hay bạo lực?

Đó là những vấn đề khác nhau liên quan đến thủ tục tố tụng công bằng. Tôi phải nói thêm rằng theo lời Luật sư Mạnh, các kiến nghị và chữ ký gửi đến chính quyền đã có tác động lên các quyết định của tòa án. Vì vậy, việc huy động quốc tế và thậm chí ở trong nước (Việt Nam) là quan trọng. Luật sư nói với tôi rằng trong số 24 người ban đầu bị buộc tội giết người, cuối cùng chỉ có 6 người bị cáo buộc tội này và những người khác bị truy tố vì tội “chống người thi hành công vụ”. Vì vậy, ông nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc huy động quốc tế và trong nước, và điều này phải được tiếp tục vì trong chỉ vài ngày tới, chúng ta có phiên tòa phúc thẩm.

Giang Nguyễn: Vậy thì khả năng của việc giảm án tử hình hoặc chung thân của những bị cáo sẽ ra sao thưa ông?

Sébastien Desfayes: Rất khó để ông Mạnh dự báo kết quả của phiên tòa. Tất nhiên ông ấy là một luật sư và ông không thể đưa ra bất kỳ dự đoán nào. Nhưng ông cũng nói với tôi rằng một khi quyết định được đưa ra sau phiên toà vào ngày 8 tháng 3, khả năng thành công rất thấp cho việc kháng cáo đặc biệt (giám đốc thẩm). Luật sư Mạnh cũng nói với tôi rằng một yêu cầu khoan hồng hoặc ân xá là có thể được xét tới, nhưng việc này rất tùy hứng và không thể tiên đoán trước.

Vì vậy, chúng ta khó có thể lạc quan. Chúng ta phải chờ xem. Tôi phải thú thật rằng tôi rất ngưỡng mộ sự dũng cảm, sự tận tâm của những luật sư này. Tôi nghe nói rằng ông Mạnh đang làm việc không công. Văn phòng luật của ông ở tại Tp HCM, phiên tòa thì sẽ diễn ra tại Hà Nội. Cho nên bạn có thể tưởng tượng ra sự tốn kém như thế nào để bào chữa cho thân chủ của mình. Chúng ta phải thực sự ngưỡng mộ những luật sư này. Ở Thụy Sĩ, chúng tôi sẽ gây quỹ để cung cấp một số ngân khoản cho ông Mạnh để ít nhất cũng trang trải chi phí.

Giang Nguyễn: Ý ông là tổ chức Cosunam đang gây quỹ?

Sébastien Desfayes: Đúng vậy.

Giang Nguyễn: Sau cuộc trao đổi của quý vị với Luật sư Đặng Đình Mạnh, quý vị đã có những hành động nào tiếp theo? Ông có đã liên hệ với Đại sứ quán Thụy Sĩ chưa và liệu họ sẽ có đại diện quan sát phiên tòa sắp tới không?

Cosunam-Sébastien-Desfayes.jpeg

 

Dân biểu Geneva Sébastien Desfayes và ông Jean-Marc Comte, Phó Chủ Tịch, Ủy Ban Thụy Sĩ-Việt Nam trước khi bước vào Lãnh sự quán Việt Nam tại Geneva, Thụy Sĩ, hôm 27/10/2020. Courtesy of Cosunam

Sébastien Desfayes: Đó là một câu hỏi rất hay, bởi vì ông Mạnh cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có quan sát viên độc lập có mặt tại phiên tòa. Sau cuộc điện đàm với ông Mạnh, Cosunam chúng tôi đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ và trình bày tình hình. Đó là hành động đầu tiên của chúng tôi ở Thụy Sĩ. Bộ Ngoại giao liên bang Thụy Sĩ đã rất nhanh chóng trả lời cho chúng tôi. Việc họ trả lời trong vòng 48 tiếng chứng tỏ họ quan tâm đến vấn đề này. Họ nói với chúng tôi rằng Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Hà Nội cũng đã được thông báo về vấn đề này và Thụy Sĩ, ở tầm quốc gia, đang theo dõi rất chặt chẽ các thủ tục tố tụng vụ Đồng Tâm. Chúng tôi cũng được cho biết rằng họ chia sẻ thông tin với một số đại sứ quán tại Việt Nam và mối quan tâm của Thụy Sĩ cũng đã được chia sẻ với chính quyền Việt Nam.

Có thể nói chúng tôi đã nhận được thông tin rất tích cực từ Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ, mặc dù ở thời điểm này, chúng tôi không biết liệu một số đại diện của Thụy Sĩ có sẽ tham dự phiên tòa được hay không. Tất nhiên, việc phiên tòa này được thu xếp trong thời gian rất ngắn cũng là một kế để ngăn chặn quá nhiều quan sát viên độc lập có mặt trong phiên toà này.

Giang Nguyễn: Ông có thể cho biết đại sứ quán Thụy Sĩ đã cung cấp thông tin cho những đại sứ quán khác nào và phản hồi, nếu có, từ chính quyền Hà Nội là gì?

Sébastien Desfayes: Tất nhiên đây là Bộ Ngoại giao Liên bang của Thụy Sĩ nên họ khá thận trọng. Họ chỉ nói rằng là họ đã chia sẻ thông tin với các đại sứ quán “có cùng chí hướng”. Điều đó có nghĩa là có cùng mối quan tâm và cùng sẵn sàng bảo vệ nhân quyền và các nguyên tắc tố tụng pháp luật công bằng.

Giang Nguyễn: Dạ vâng. Rồi phía Hà Nội đã có hồi âm gì không?

Sébastien Desfayes: Không, theo tôi biết không có phản hồi nào. Cô còn nhớ, năm ngoái, chúng tôi đã có một bản kiến nghị với hơn 100 người ký tên mà chúng tôi đã đệ trình lên Đại sứ quán Việt Nam tại Geneva. Tuy họ không thừa nhận đã nhận được đơn kiến nghị của chúng tôi, nhưng xét về những ai đã ký tên vào bản kiến nghị đó thì chúng tôi tin chắc rằng bản kiến nghị không chỉ được các cơ quan chức năng ở Việt Nam đọc mà nó đã có một số tác dụng tích cực.

Điểm cuối cùng tôi muốn nêu là hôm qua tôi đã yêu cầu Hiệp hội Luật sư Geneva can thiệp vào vụ này, ví dụ như bằng cách công khai bày tỏ mối quan tâm của mình về vấn đề Đồng Tâm. Đó là ngày hôm qua. Thì tối hôm qua tôi nhận được một tin nhắn rằng họ đang điều tra vụ việc và họ đang thu thập thông tin và sẽ trả lời cho Cosunam. Vì vậy tôi hy vọng Hiệp hội Luật sư Geneva cũng sẽ hành động về vấn đề quan trọng này.

Giang Nguyễn: Cảm ơn ông Desfayes rất nhiều đã thông tin cập nhật kịp thời cho chúng tôi trước phiên tòa phúc thẩm. Rất cảm ơn thời gian của ông.

RFA