Seite auswählen

Khi nhà báo nói không với cách đưa tin “she said, he said”.

Trịnh Hữu Long

“Tôi không thể thay đổi được những gì đã xảy ra với bạn trong quá khứ, nhưng cùng nhau, chúng ta có thể dùng trải nghiệm của bạn để bảo vệ những người khác.”

Đó là cách các nhà báo của tờ New York Times đã thuyết phục các nạn nhân bị quấy rối tình dục lên tiếng, để rồi sau đó tạo ra một phóng sự điều tra chấn động, dẫn đến sự ra đời của phong trào #metoo từ cuối năm 2017.

Điều này được hai nữ phóng viên điều tra Jodi Kantor và Megan Twohey chia sẻ trong cuốn sách nổi tiếng của họ, kể về quá trình phanh phui lịch sử hiếp dâm và quấy rối tình dục kéo dài nhiều thập niên của nhà sản xuất phim nổi tiếng Harvey Weinstein. [1]

Cuốn sách có tên “She said”, được xuất bản vào tháng 9/2019. Bạn có thể đặt mua trên Amazon tại đây.

Nếu như từng theo dõi kỹ chính trường Mỹ từ năm 2016 tới 2019, là giai đoạn mà cuốn sách này nói đến, thì bạn sẽ không mất quá nhiều thời gian để đọc cuốn sách hơn 300 trang này. Nó sẽ nói tới các vụ cáo buộc quấy rối tình dục của người khi đó là ứng cử viên tổng thống Donald Trump, vụ cuốn băng “grab them by the pussy”, vụ người dẫn chương trình nổi tiếng của Fox News Bill O’Reilly mất việc, rồi cả vụ Thẩm phán Brett Kavanaugh bị cáo buộc hiếp dâm.

Nhưng trọng tâm của cuốn sách này nói về quá trình điều tra vụ Harvey Weinstein, nhà sản xuất lừng danh và đầy quyền lực của Hollywood. Kết quả ra sao thì chắc bạn cũng có thể đã biết: cây đa cây đề này đã bị bứng đổ và bị kết án 23 năm tù về các tội tình dục vào năm 2020.

Trong khi đó, Jodi và Megan thì bước lên đỉnh cao của nghề báo với việc loạt phóng sự điều tra về quấy rối tình dục của họ được trao giải Pulitzer năm 2018. [2]

Phóng sự điều tra của New York Times năm 2017 đã kích khởi một phong trào lên tiếng và góp phần khiến Harvey Weinstein phải chịu trách nhiệm cho các hành vi quấy rối tình dục kéo dài suốt hơn hai thập niên. Ảnh: Mark Lennihan/ AP; iStock; Lily illustration.

 

Nếu để ý, bạn có thể thấy tựa đề của cuốn sách này – “She said” – dường như có ẩn ý. Trong báo chí, tồn tại một cách đưa tin gọi là “she said, he said”, nghĩa là cổ nói vậy, rồi ổng lại nói vậy, nhà báo cứ dẫn lời như thế trên danh nghĩa khách quan/ đa chiều, nhưng cuối cùng chẳng biết ai đúng sai sai, hòa cả làng. Loại câu chuyện đó không có nhiều ý nghĩa và không gây ra được tác động gì nhiều tới công chúng. Hai nhà báo của New York Times quyết định phải làm khác đi.

Họ phải làm khác đi như thế nào?

Xuyên suốt cuốn sách là hàng chục câu hỏi mà hai phóng viên đặt ra điều tra. Trong điều tra, người ta có một phương pháp kinh điển là “lần theo dòng tiền” (follow the money), còn để hiểu được công việc điều tra, ta có thể lần theo những câu hỏi của phóng viên, điều tra viên. Từ đó, ta hiểu được mạch logic và cách làm của họ.

– Điều tra vụ việc hay vạch trần cả một hệ thống hành xử, văn hóa và pháp lý đã tạo điều kiện và dung túng cho nạn quấy rối tình dục?

– Làm thế nào để các nhân vật và các nhân chứng trả lời phỏng vấn có ghi âm?

– Làm thế nào để các nhân vật và các nhân chứng chịu công khai danh tính trong phóng sự?

– Có bất kỳ thông tin công cộng (public record) nào liên quan đến các nhân vật hay không? Đơn tố cáo gửi cảnh sát, bảng khai thuế, v.v.

– Liệu Harvey Weinstein chỉ quấy rối tình dục một lần thôi hay có cả một lịch sử quấy rối tình dục?

– Những ai đã từng làm việc cho Harvey Weinstein và có khả năng cung cấp thông tin?

– Có các thỏa thuận ngoài tòa để dùng tiền bịt miệng các nạn nhân không? Nếu có thì các thỏa thuận này có hợp pháp không?

Sau khi phóng sự điều tra được đăng tải, lại xuất hiện thêm các câu hỏi mới:

– Xã hội có gì thay đổi không?

– Đăng chừng ấy thông tin là quá nhiều hay quá ít?

– Các nạn nhân và nhân chứng đã trải qua những gì kể từ khi lên tiếng?

Và còn vô số câu hỏi khác xuất hiện, cuốn người đọc vào mạch tư duy của hai phóng viên, giúp họ làm nên một phóng sự điều tra đã đi vào sách giáo khoa báo chí.

Dĩ nhiên, điều tra ở Mỹ không giống điều tra ở Việt Nam, dù nạn quấy rối tình dục thì tràn lan ở mọi nơi. Các nhà báo của New York Times có cả một tòa soạn hùng hậu sau lưng, với các luật sư cứng cựa song hành cùng họ trong suốt quá trình điều tra. Họ cũng không sợ bị chính quyền truy bức chỉ vì làm báo. Thành ra, dù khâm phục nỗ lực điều tra và trình độ nghiệp vụ của họ, chúng ta vẫn thấy họ làm báo trong một điều kiện thuận lợi hơn chúng ta rất rất nhiều.

Mặc dù vậy, “She said” vẫn rất hữu ích cho những ai muốn theo đuổi báo chí điều tra, không chỉ vì chiến lược và chiến thuật điều tra của hai tác giả, mà còn vì tinh thần làm báo của họ: phụng sự sự thật và tạo điều kiện cho sự thật lên tiếng.

Có sự thật thôi đã đủ chưa? Trong các vụ tố cáo quấy rối tình dục ở Việt Nam, thực tế phũ phàng là sự thật cũng bị hãm hiếp đến mức tàn bạo ngay khi nó vừa kịp ló đầu ra ánh sáng. Hay câu hỏi gần và cần với chúng ta hơn có thể là: ta đã làm gì để sự thật có thể lên tiếng chưa? Hay ta không những thờ ơ mà còn vùi dập chút manh mối ít ỏi để đi tìm sự thật?

Có một câu hỏi nhức nhối trong cuốn sách này dành cho chúng ta suy ngẫm: “Tại sao gánh nặng lên tiếng lại là của những người [phụ nữ] này khi họ chẳng làm gì sai?”

Nếu không có báo chí và công chúng đứng bên cạnh, những nạn nhân bị quấy rối tình dục sẽ phải âm thầm chôn vùi sự thật, bởi cái giá phải trả để nói lên sự thật là quá lớn. 

Luật Khoa


 

Chú thích

1.  Jodi Kantor & Megan Twohey (2017). Harvey Weinstein Paid Off Sexual Harassment Accusers for Decades. The New York Times. https://www.nytimes.com/2017/10/05/us/harvey-weinstein-harassment-allegations.html

2.  The 2018 Pulitzer Prize Winner in Public Service. Pulitzer.org. https://www.pulitzer.org/winners/new-york-times-reporting-led-jodi-kantor-and-megan-twohey-and-new-yorker-reporting-ronan