Seite auswählen

Tại sao khủng hoảng niềm tin trên thị trường tài chính?

 

Dương Quốc Chính

27-10-2022

Ảnh trên mạng

Bài báo này TS Phạm Thế Anh đã phân tích rất kỹ về khía cạnh kinh tế, tài chính, tiền tệ và đã rất dài. Nhưng điều quan trọng nhất là nguyên nhân sâu xa dẫn tới những hiện tượng mà TS nêu ra trong bài báo thì lại không được nhắc tới, hoặc nhắc tới nhưng chỉ là phần ngọn, không phải là cái gốc của vấn đề, theo quan điểm của mình. Mọi người cứ đọc bài báo ở ảnh đính kèm hoặc link trên là thấy.

Mình muốn trình bày thêm như một sự mở rộng bài báo kia, để lý giải nguyên nhân của sự khủng hoảng niềm tin vào thị trường chứng khoán (CK) và trái phiếu doanh nghiệp (DN), tất nhiên là theo quan điểm của mình, dân tay ngang về tài chính nhưng có thể hiểu về thị trường bất động sản (BĐS) hơn dân tài chính. Người đọc cần biết bản chất của sự việc và trách nhiệm đó thuộc về ai, còn cái ngọn là dễ thấy.

Như chúng ta đã biết, những con nợ lớn nhất của các ngân hàng và nhà đầu tư thông qua thị trường trái phiếu DN chính là các DN BĐS. Có thể dễ dàng tìm thấy số liệu này trên mạng, không có các doanh nghiệp sản xuất thuần tuý mà nợ nhiều như Doanh nghiệp BĐS. Doanh nghiệp BĐS càng to thì nợ càng nhiều, tỷ lệ nợ trên vốn rất cao. Điều này rất rủi ro cho hệ thống ngân hàng, nhất là khi có biến động về tỉ giá và lạm phát.

Bài viết này có thể coi là phần nối tiếp của status cũ của mình đã dự báo về kinh tế hậu dịch, viết từ khi dịch còn ở bên Tàu, link ở comment, cho ai muốn đọc lại.

Sự khủng hoảng niềm tin hiện nay cũng là một hệ quả của dịch covid, nằm trong một chuỗi quan hệ nhân quả. Khi dịch diễn ra, nền kinh tế bị đình trệ, ngủ đông dẫn tới tiền nhàn rỗi rất nhiều, do không thể đưa vào sản xuất kinh doanh. Lượng tiền nhàn rỗi này được đổ vào các kênh sau: cờ bạc online, chứng khoán, trái phiếu DN và BĐS. Đấy là tiền nhàn rỗi trong dân và doanh nghiệp. Còn tiền nhàn rỗi của ngân sách sẽ được đổ vào đầu tư công, nhưng đầu tư công không thể (khó thể) diễn ra khi đang có dịch, vì không đầu tư online được. Phải chờ khi hết dịch.

 

Trong hai năm có dịch thì các kênh đầu tư online là phát triển nhất, đó là cờ bạc online, chứng khoán và trái phiếu DN. Mà ngành BĐS là ngành hút nhiều nguồn lực của xã hội và nền kinh tế nhất. Trong đó có vốn và nhân lực.

Doanh nghiệp BĐS vốn dĩ đã được nuông chiều từ nhiều năm trước do có sự cấu kết giữa DN và quan chức, giữa DN và các chủ đất nhà nước (bán đất của DN nhà nước cho tư nhân). Chính quyền các cấp cũng đồng loã với DN để thổi giá đất, để tăng thu ngân sách. Một số địa phương thu ngân sách chủ yếu từ BĐS, không có nguồn nào khả dĩ hơn. Đương nhiên ngân sách có một thì quan chức có 10, nên các bên cùng đồng lòng thổi giá.

Khi dịch Covid diễn ra thì là cơ hội lớn nhất để các Doanh nghiệp BĐS hút sạch nguồn vốn nhàn rỗi vì dù sao dường như việc người dân đầu tư chứng khoán, trái phiếu vẫn lành mạnh hơn là cờ bạc online, do lãi suất ngân hàng rất thấp. Chính vì thế, Doanh nghiệp BĐS đều đua nhau vay tiền ngân hàng và bán trái phiếu, tăng vốn để bán chứng. Tức là làm đủ cách để hút tiền. Đương nhiên khi đua nhau hút tiền thì sẽ phải dùng cả những cách phi pháp như thổi giá CK, thổi giá BĐS, bán trái phiếu phi pháp (dùng tiền không đúng mục đích, không minh bạch…).

Nói chung các DN này đều ít nhiều có vết và lượng tiền vay này trở nên nhiều hơn bao giờ hết. Hay nói cách khác là nguồn vốn của nền kinh tế bị hút hết vào cái lỗ đen BĐS. Dĩ nhiên sẽ tạo nên một quả bóng BĐS khổng lồ, phát triển không đúng với nhu cầu thực mà chỉ là dựa vào nhu cầu của giới đầu cơ. Mà nhu cầu này là vô cùng! Đây là sự nguy hiểm vô cùng lớn đối với nền kinh tế và tiềm ẩn sự đổ vỡ.

Tất nhiên Chính phủ phải nhìn thấy hệ luỵ này nên chặn trước nguy cơ đổ vỡ tự nhiên bằng cách đem một số Doanh nghiệp BĐS lớn và sai phạm lộ liễu ra để tế thần. Ví dụ như Tân Hoàng Minh và FLC, Vạn Thịnh Phát. Đừng nghĩ các DN khác chưa bị sờ là đảm bảo sạch sẽ, chẳng qua người ta chưa sờ vì còn e ngại sự sụp đổ dây chuyền, mối quan hệ này kia hoặc đang là biểu tượng của sự thịnh vượng quốc gia…

Nhưng việc tế thần này lại dẫn tới một hệ luỵ, đó là lộ ra bản chất sai phạm của DN. Công an không mò ra rồi tung lên báo thì người dân sao biết được có sai phạm, hoặc biết cũng chỉ dưới dạng tin đồn, rồi Công an bác tin đồn là xong! Đây cũng chính là mặt trái của việc đốt lò. Một mặt, việc đốt lò lấy được niềm tin của giới cần lao thiện lành và các cụ đảng viên già. Nhưng mặt khác lại làm giới đầu tư lo ngại vì nhìn đâu cũng thấy rủi ro lừa đảo ở đủ các kênh đầu tư là CK, trái phiếu và BĐS.

Vì thế phải thấy rằng không phải vì Công an bắt bớ thì nhà đầu tư mất niềm tin, mà là niềm tin lâu nay của họ bị phát hiện ra là đã bị lừa. Nhưng DN lớn, danh tiếng, là niềm tự hào của nền kinh tế, bộ mặt của chế độ, một thời được tiền hô hậu ủng hoá ra lại là bọn lừa đảo! Mà họ lừa được cũng là dựa vào cơ chế và sự cấu kết cố hữu của thể chế (không cấu kết thì công chức không sống được). Đấy là nguyên nhân sâu xa của sự khủng hoảng niềm tin của nhà đầu tư.

Để đối phó thì nhà đầu tư sẽ co cụm, cất tiền, rút tiền (nếu còn rút được) chuyển vào các kênh có sự tín nhiệm cao hơn (của ngân hàng nhà nước) hay mua vàng mua đô.

Trong khi đó, trên bình diện toàn cầu thì thế giới hậu dịch đương nhiên phải có lạm phát, sau mấy năm đình trệ. Việt Nam vẫn khoe là chưa lạm phát chính vì lý do bên trên. Tiền trong dân và DN bị chôn một đống, chả ai tin ai hoặc bị găm vào đống BĐS đang hình thành thì chưa lạm phát được như Tây.

Trong phạm vi chống đình trệ kinh tế bằng chi tiêu công, tiêu tiền ngân sách, thì lại cũng bị hệ luỵ từ việc đốt lò mang lại. Bác cả đốt mạnh quá dẫn tới quan chức không dám chi tiêu, triển khai các dự án công. Bởi vì nguyên tắc đã có chi tiêu công là phải có abc, không abc thì làm quan làm gì?! Đầu tư ghế để lỗ à?

Thế nên quan chức sẽ chơi bài câu giờ, tránh né phải chi tiêu, đặc biệt là ngành y tế thì đặc biệt đình trệ, đến thuốc và trang thiết bị y tế còn không dám mua. Vì mua thì dễ đi tù! Vì thế nên giải pháp đầu tư công cũng bị vô hiệu hoá. Nên kinh tế vẫn bị tắc tị, thì sao lạm phát cho được?

Tóm lại, trong thời gian qua thì cả dân (nhà đầu tư) lẫn quan đều khủng hoảng niềm tin. Dân thì sợ bị lừa, quan thì sợ đi tù, đều từ đốt lò mà ra. Nói thế không có nghĩa là đốt lò là hoàn toàn sai. Mà là đốt lò nó làm lộ ra bộ mặt thật của chế độ và nền kinh tế, dẫn tới khủng hoảng niềm tin. Không đốt thì sao biết DN lừa đảo và quan lại tham nhũng, phỏng ạ!?

Vậy là đốt hay không đốt, đi mắc núi về mắc sông và hậu quả trước mắt là sự khủng hoảng niềm tin. Đó là điều mà TS Thế Anh không nói ra, mà cũng không dễ gì nói ra trên báo đảng.

Vậy giải pháp nào để vực dậy niềm tin?

Phải thấy được bản chất thì mới thấy được giải pháp. Các giải pháp của TS là những giải pháp xử lý cái ngọn về tài chính, tiền tệ thôi chứ không xử lý được gốc rễ của vấn đề.

Muốn xử lý tận gốc là khó. Vì vướng tới thể chế rồi. Nhưng trước mắt thì việc xử lý các Doanh nghiệp BĐS và tài chính bẩn là cần thiết và cần mạnh tay. Song song với đó cũng phải xử quan lại cấu kết với họ cho công bằng. Phải nhanh chóng hạ nhiệt BĐS bằng luật Đất đai và Kinh doanh BĐS. Nhưng cái khó nhất vẫn là cải cách thể chế để việc đốt lò không còn là việc bắt cóc bỏ đĩa giống dẹp vỉa hè.

“Đã xảy ra cuộc khủng hoảng nhỏ về niềm tin trên Thị trường tài chính”

 

vietnambiz

 

Thị trường chứng khoán (TTCK) đang trải qua giai đoạn sụt giảm tồi tệ nhất từ nhiều năm bất chấp những con số tích cực về tăng trưởng kinh tế, lạm phát được kiểm soát tốt. Không chỉ riêng thị trường chứng khoán, làn sóng nhà đầu tư rút tiền khỏi các sản phẩm tài chính đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp đang khiến cả doanh nghiệp và các tổ chức phân phối đang gặp nhiều khó khăn về thanh khoản.

Trong một diễn biến khác, các thông tin thất thiệt về lãnh đạo các tập đoàn lớn, doanh nghiệp X có đơn cầu cứu Thủ tướng hay doanh nghiệp Y có xe cảnh sát 113 đỗ trước trụ sở được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Dù cả doanh nghiệp X và doanh nghiệp Y đều đã lên tiếng, có bằng chứng rõ ràng việc việc những tin đồn trên mạng xã hội là vô căn cứ thì thị trường vẫn cứ tụt dốc không phanh. 

Vậy, tại sao nhà đầu tư dễ bị dẫn dắt bởi những tin đồn như thế? Tâm lý tiêu cực tại sao có thể bao trùm bảng điện tử, phủ bóng lên khắp các diễn đàn dù các chỉ số kinh tế vĩ mô rất lạc quan? 

Khủng hoảng niềm tin 

Nhìn nhận về diễn biến này,  PGS.TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, đã xảy ra cuộc khủng hoảng về niềm tin trên thị trường tài chính. 

Thật vậy, với những chỉ số vĩ mô khá tích cực GDP cả năm được dự báo đạt 8%, lạm phát được kiểm soát, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng hàng đầu thế giới nhưng TTCK phản ánh một cách tiêu cực.

Phải chăng nguyên nhân xuất phát từ tâm lý tiêu cực của số đông nhà đầu tư khi chứng kiến liên tiếp các vụ việc xử lý lãnh đạo doanh nghiệp, thị trường giảm mạnh?

 

 PGS TS. Phạm Thế Anh

Mặc dù những chỉ số và triển vọng của nền kinh tế vĩ mô của năm sau có thể xấu hơn năm nay nhưng cũng không đến mức gây ra những diễn biến gần đây của TTCK hay thị trường tiền tệ, mà những diễn biến này xuất phát từ cuộc khủng hoảng niềm tin trên thị trường. Điều này dẫn đến sự đứt gãy nghiêm trọng về thanh khoản của toàn hệ thống tài chính.

Nhìn về thị trường trái phiếu, phải nói rằng, nhà đầu tư gần như đã quay lưng với trái phiếu. Họ nghi ngờ về chất lượng trái phiếu, bất kể là trái phiếu tốt hay xấu. Không nguyên nhân nào khác ngoài khủng hoảng niềm tin khiến họ “quay mặt” với thị trường này. Kể từ khi nổ ra vụ việc trái phiếu của Tân Hoàng Minh, thị trường có động thái tắc nghẽn thanh khoản. Những doanh nghiệp phát hành trái phiếu khó tiếp tục phát hành để đảo nợ, phát hành mới, bất kể là doanh nghiệp tốt hay xấu vì thị trường đã bị ngưng trệ.

Thị trường tiền tệ cũng vậy, thanh khoản bị đứt gãy nghiêm trọng. Sau sự việc ngân hàng SCB, gần như các ngân hàng cũng bị mất niềm tin vào nhau, hoạt động cho vay liên ngân hàng bị đứt gãy, bằng chứng là lãi suất liên ngân hàng có thời điểm lên đến 10%. Sự đứt gãy trên thị trường 2 đẩy ngân hàng phải huy động trên thị trường 1 (thị trường huy động dân cư) với lãi suất lên tới 9-10%. Đây là một điều rất rủi ro với thị trường tài chính.

Khi xảy ra vụ việc SCB, các ngân hàng nghi ngờ không cho vay lẫn nhau trong khoảng thời gian đó, tiền trong hệ thống rất nhiều nhưng ngân hàng hầu như chỉ mua tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tức là họ chỉ tin tưởng mỗi kênh NHNN. 

Thị trường cổ phiếu cũng tương tự, thanh khoản ở thời điểm kỷ lục có thể lên tới 2 tỷ USD, trung bình cũng khoảng 1 tỷ USD nhưng hiện nay giảm xuống còn mấy nghìn tỷ đồng, bằng 1/4 đến 1/5 thanh khoản lúc cao điểm, cổ phiếu giảm thê thảm, nhà đầu tư bán bằng mọi giá. Trong đó, không chỉ nhà đầu tư nhỏ lẻ mà các doanh nghiệp đang vướng mắc về thanh khoản mà không tiếp cận được nguồn vốn trên thị trường trái phiếu hay hệ thống ngân hàng cũng bắt buộc bán cổ phiếu trong danh mục đầu tư của họ đi để giải quyết thanh khoản trước mắt. 

Chúng ta có thể thấy rằng, do khủng hoảng niềm tin trong hệ thống dẫn đến khủng hoảng về thanh khoản, dẫn đến đứt gãy mạch máu lưu thông. Điều này rất rủi ro vì từ các đứt gãy của hệ thống tài chính sẽ truyền tải dần vào nền kinh tế thực là hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Khi mọi kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp không còn hoạt động thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ. Nếu tình trạng này không được giải quyết, thì tiếp theo sẽ là làn sóng đóng cửa doanh nghiệp, sa thải lao động, tăng trưởng sản lượng sụt giảm, rủi ro đến toàn nền kinh tế.

Cuộc khủng hoảng niềm tin trên thị trường xuất phát từ khi các vụ việc xử lý một số cá nhân, doanh nghiệp liên quan đến cổ phiếu trái phiếu, đi kèm với đó là hiệu ứng truyền thông gây mất niềm tin của nhà đầu tư, theo ông mấu chốt của vấn đề này nằm ở đâu?

PGS TS. Phạm Thế Anh: Để xảy ra tình trạng hiện nay, không thể không kể đến vai trò của các cơ quan quản lý có liên quan khi chưa xử lý tốt vấn đề truyền thông và đảm bảo thanh khoản cho hệ thống. Tất nhiên, thị trường có những cá nhân, tổ chức sai phạm nhưng để xảy ra tình trạng nghiêm trọng như thế không thể không nói đến trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc điều tiết thanh khoản của cả hệ thống tài chính.

Sự thiếu thông tin minh bạch cho nhà đầu tư, nhất là trong thời điểm hiện nay chưa có một cơ quan nào đứng ra giải thích hay phủ nhận những tin đồn một cách chính thống, quyết liệt.

Trên thị trường tiền tệ, khi mà các ngân hàng thương mại không tin tưởng lẫn nhau khiến hoạt động cho vay liên ngân hàng bị đứt gãy thì vai trò của ngân hàng trung ương là rất quan trọng. Ở các nước, ngân hàng trung ương có thể sẽ đứng ra bảo lãnh cho những hoạt động cho vay đó để đảm bảo cung cấp thanh khoản cho hệ thống một cách trơn tru, không bị đứt gãy.

Mục tiêu quan trọng của ngân hàng trung ương không chỉ là kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng dài hạn, mà còn là sự ổn định của hệ thống tài chính bởi tầm quan trọng của nó: Một sự đứt gãy, đổ vỡ trên thị trường tài chính có thể truyền dẫn và gây ra khủng hoảng kinh tế thực.

 

 Lãi suất liên ngân hàng ngày 24/10 (Nguồn: NHNN).

“Hạ cánh mềm” thị trường trái phiếu, khôi phục lòng tin nhà đầu tư

Vậy, có phương án nào để “hạ cánh mềm” cho thị trường trái phiếu hay không, thưa ông? 

Thời gian qua, tôi chưa nhận thấy hành động quyết liệt của cơ quan quản lý trong việc xử lý khủng hoảng thanh khoản trên thị trường tiền tệ, hậu quả là lãi suất liên ngân hàng có nhiều thời điểm đẩy lên 9 đến 10%, lãi suất huy động trên thị trường 1 lên tới 9-10% trong khi lãi suất điều hành hiện mới là 6% và lạm phát trong nền kinh tế theo số liệu công bố trung bình cả năm thì vẫn đang ở mức quanh quẩn hơn 3% và trong những tháng gần đây là 4%.

Khi NHNN công bố lãi suất chính sách là 6% thì nên đảm bảo thanh khoản cho hệ thống để lãi suất liên ngân hàng dao động quanh mức đó, chứ không phải để nó tăng vọt lên tới 9 -10%. Điều này là rất bất thường.

Việc chậm giải ngân đầu tư công cũng góp phần khiến thanh khoản cạn kiệt. Chính phủ đã phát hành trái phiếu huy động vốn rất lớn trong những năm gần đây nhưng lại không chi tiêu được. Số tiền tồn đọng không giải ngân được lên tới gần triệu tỷ đồng.

Nếu làm tốt, kế hoạch phát hành phải gắn liền với giải ngân, nếu giải ngân không thực thi được thì phải dừng việc huy động lại ngay hoặc phải chuyển sang hệ thống tiền tệ để nguồn vốn trong nền kinh tế được vận hành. 

Với trái phiếu doanh nghiệp, vừa rồi cách xử lý của cơ quan quản lý khá là cứng nhắc bởi trên thị trường tài chính, mỗi doanh nghiệp là một mắt xích quan trọng, nhất là các doanh nghiệp lớn.

Vì vậy, khi xử lý một vài cá nhân, doanh nghiệp phải đảm bảo doanh nghiệp đó không đổ vỡ và không gây ra sự đứt gãy của cả hệ thống. Các thông tin xử lý cũng chưa được minh bạch, thị trường bị bất ngờ, các nhà đầu tư cảm thấy bất an.

Sự ngưng trệ trên thị trường trái phiếu vừa rồi cũng rất lâu. Nghị định 65 về phát hành trái phiếu riêng lẻ ra đời khá trễ tuy nhiên cũng không giải quyết được vấn đề khi mà nhà đầu tư mất niềm tin.

Các doanh nghiệp hiện cũng rất lo ngại, họ sợ rằng sẽ vi phạm các quy định và thậm chí có thể bị xử lý hình sự. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp co lại, huy động mọi nguồn lực để mua lại trái phiếu trước hạn. Điều này cũng gây ra đứt gãy về thanh khoản.

Trước đây, sự buông lỏng quản lý khiến các doanh nghiệp tự do phát hành, hiện tại sau các tín hiệu tiêu cực, cơ quan quản lý “thắt” thị trường trái phiếu nhưng việc quá đột ngột lại khiến các doanh nghiệp và nhà đầu tư rủi ro.

Đồng thời, hiệu ứng truyền thông về việc đầu tư trái phiếu là xấu, là rủi ro khiến nhà đầu tư “ngoảnh mặt” với thị trường này, bất kể xấu hay tốt.

Với thị trường này, trước khi đưa ra các biện pháp cứng rắn xử lý những hậu quả trong quá khứ, thì cơ quan quản lý nên khuyến khích và trao cơ hội cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư tự xử lý và thỏa thuận với nhau qua nhiều biện pháp mà cả đôi bên cùng có lợi.

Thị trường cổ phiếu cũng vậy, các thị trường vẫn liên thông với nhau, các doanh nghiệp hiện không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, không tiếp cận được thị trường trái phiếu thì buộc họ phải bán cổ phiếu trong danh mục đầu tư tài chính của họ bằng mọi giá để có thanh khoản.

Đây không phải là vấn đề của nền kinh tế mà là vấn đề về thanh khoản. Trong các đợt giảm vừa qua của TTCK, việc cho vay ký quỹ tăng lên nhưng tôi nghĩ rằng, đây không hẳn chỉ là các nhà đầu tư cá nhân vay mượn để đầu tư mà còn do các chủ doanh nghiệp họ kẹt vào thanh khoản nên họ rút tiền mặt ra để đối phó.

 

Chỉ số VN Index đã giảm mạnh kể từ quý II/2022 sau các thông tin tiêu cực từ thị trường trái phiếu và các tin đồn. (Nguồn: Tradingview).

Liệu vấn đề thanh khoản của thị trường có được tháo gỡ hay không khi mà chúng ta có chỉ tiêu “room” tín dụng cho năm sau? 

PGS TS. Phạm Thế Anh: Việc thanh khoản của thị trường sang năm tới có được tháo gỡ hay không hoàn toàn là do vấn đề điều hành chính sách chứ không phải do yếu tố bên ngoài nào cả.

Các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước hiện thanh khoản đang rất dư thừa và họ dùng để mua tín phiếu của NHNN, có nghĩa tiền không luân chuyển tới nơi cần nó trong nền kinh tế.

Chỉ tiêu tín dụng, quan điểm của tôi về lâu dài cần bỏ đi, nhưng trước mắt nếu giữ thì cần tính đến sự đóng băng của thị trường trái phiếu.

Khi thị trường này gần như kiệt quệ, thanh khoản đóng băng, doanh nghiệp còn phải mua lại, hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp sụt giảm thì họ cần phải có kênh tiếp cận vốn khác để bù vào.

Trong dài hạn để kiểm soát lạm phát thì NHNN cần kiểm soát được cung tiền, đặc biệt là lượng tiền cơ sở ở mức phù hợp. Tăng trưởng tín dụng nên để cho các ngân hàng thương mại tự quyết định miễn là họ đáp ứng được các chuẩn mực an toàn mà các cơ quan quản lý đặt ra.

Trong cuộc khủng hoảng niềm tin này, người dân họ nghĩ tốt nhất là gửi tiền vào các ngân hàng đó còn những ngân hàng khác rất cạn kiệt thanh khoản. Vai trò của NHNN lúc này là phải điều tiết được dòng tiền để đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống và lãi suất xoay quanh mức lãi suất chính sách mà họ đã công bố.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!