Seite auswählen

Đỗ Ngà

7-12-2022

Từ nhiều năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn lẹt đẹt ở hạng bét của bảng xếp hạng thị trường chứng khoán của tổ chức xếp hạng MSCI. Thứ hạng cao nhất là thị trường phát triển (developed market), hạng trung là thị trường mới nổi (emerging market) và hạng bét là thị trường cận biên (frontier market).

Ở Đông Nam Á thì các nước như Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Phillippines được xếp hạng thị trường mới nổi còn Việt Nam thì đang nằm ở thị trường cận biên và duy nhất Singapore được xếp vào hạng thị trường phát triển.

Hiện nay Trung Quốc cũng thuộc nhóm thị trường mới nổi chứ chưa là thị trường phát triển, tuy nhiên, các doanh nghiệp của của nước này cũng có thể IPO (*) trên thị trường chứng khoán Mỹ, khá dễ dàng gọi vốn. Tương tự như vậy, các doanh nghiệp các nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Phillippines dễ huy động vốn trên thị trường thế giới hơn Việt Nam.

Như vậy, rõ ràng là thị trường chứng khoán được xếp thứ hạng càng cao thì nó là bệ phóng càng tốt cho doanh nghiệp tiến ra biển lớn, gọi vốn trên thị trường quốc tế. Năm ngoái Vin Group cho chuyển 100% cổ phần Vinfast tại Việt Nam sang Singapore, mục đích là nhờ thị trường này làm bệ để IPO trên thị trường chứng khoán Mỹ – nơi có nguồn vốn dồi dào nhất thế giới. Nếu thị trường chứng khoán Việt Nam ở thứ hạng cao thì Vinfast có thể không cần phải chuyển hết vốn sang Singapore.

Chuyện một doanh nghiệp thoát ra khỏi thị trường cận biên để gia nhập vào thì trường phát triển mới có thể gọi vốn quốc tế là một rào cản cực lớn. Cho tới nay, Việt Nam chỉ có Vinfast là thoát ra được, hầu hết các doanh nghiệp khác có vốn hóa không thua gì Vin Group vẫn quanh quẩn thị trường chứng khoán cận biên của Việt Nam chứ chưa thể có cơ hội IPO trên thị trường Mỹ. Việc một doanh nghiệp lớn phải nhờ bệ phóng của nước khác là việc làm vô cùng bất tiện. Chính thứ hạng thấp của thị trường chứng khoán Việt Nam đã tước mất cơ hội gọi vốn quốc tế cho doanh nghiệp.

Vụ án Trịnh Văn Quyết cho thấy lỗ hổng khổng lồ của thị trường cổ phiếu. Nơi này đã để cho những con người lừa đảo thực hiện ý đồ lừa dân lấy tiền trong thời gian dài. Vụ án Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát cho thấy lỗ hổng khổng lồ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thị trường này để cho 95% doanh nghiệp phát hành không có xếp hạng tín nhiệm, không bảo lãnh thanh toán của các tổ chức tài chính có uy tín và không tài sản bảo đảm, có thể dễ dàng thò tay vào túi người dân móc lấy tiền tiết kiệm của họ, thậm chí móc lấy tài sản của họ.

Trong khi Chính phủ đang đề ra những mục tiêu cao xa là nâng cấp thị trường chứng khoán Việt Nam lên thành thị trường mới nổi thì chuyện nhỏ Chính quyền không làm được. Việc chấn chỉnh để cho thị trường chứng khoán lành mạnh hơn giờ như là bài toán quá sức đối với Chính quyền. Hầu như họ dùng bộ máy tuyên truyền để trấn an dư luận là chính, chứ họ không dám khui. Cần phải ém, vì nếu khui ra thì lại xuất hiện nhiều Tân Hoàng Minh, FLC và Vạn Thịnh Phát khác nữa.

Như cuốn sách “Tại sao các quốc gia thất bại” đã nói, thể chế kinh tế nó được mọc trên nền thể chế chính trị. Thể chế chính trị Việt Nam là loại thể chế bòn rút thì nó chỉ mọc lên được thể chế kinh tế bòn rút mà thôi. Việc tạo lỗ hổng khổng lồ trên thị trường trái phiếu là để giúp những doanh nghiệp đang mất khả năng trả nợ ngân hàng, có thể vét được tiền của trái chủ để thanh toán nợ ngân hàng nhằm làm cho ngân hàng làm giảm nợ xấu, bù lại ngân hàng sẽ làm đại lý dụ người gởi tiền tại ngân hàng chuyển qua mua trái phiếu. Kết quả là ngân hàng thu hồi nợ xấu từ doanh nghiệp, doanh nghiệp có thêm vốn đầu tư, trong khi đó trái chủ gánh hết mọi rủi ro cho cả doanh nghiệp và ngân hàng. Đây không phải là bòn rút, thì nó là gì? Bòn rút có hệ thống đã diễn ra thời gian dài, giờ muốn sửa cũng khó.

Không thể nói rằng những nhà điều hành thị trường chứng khoán không biết điều đó. Họ biết hết nhưng họ vẫn để nó diễn ra như thế để ngân hàng và doanh nghiệp cùng vui vẻ. Đấy là cái lợi cục bộ cho giới giàu, nó bòn rút để phân phối lợi ích lại cho thế lực chính trị đứng sau lưng nó. Tuy nhiên cái mất là vô cùng lớn. Đó là thị trường chứng khoán Việt Nam không thể nào lên hạng, mà không thể lên hạng thì hàng loạt ông lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam mất cơ hội tiếp cận với nguồn vốn quốc tế.

Có thể nói, thể chế bòn rút này nó đã bám rễ quá sâu và rộng nên rất khó sửa. Dù có sửa thế nào thì thể chế chính trị vẫn hướng thể chế kinh tế tìm con đường bòn rút khác mà thôi, “vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn”. Cho nên, thị trường chứng khoán Việt Nam khó mà phát triển dù nhiều chuyên gia cho rằng, nó còn nhiều dư địa để phát triển. Thường thì các chuyên gia né tránh thể chế chính trị nên họ đã có nhiều đánh giá lạc quan. Và không loại trừ khả năng họ cho dân “uống nước đường” để quên đi cái rủi ro mà dân đang ôm giữ.

Nếu đọc báo thì thị trường chứng khoán Việt Nam rất triển vọng, nhưng nhìn vào sự thật thì thật ê chề, dân mất trắng tài sản vì trái phiếu ngày càng nhiều và họ đang bế tắc và bất lực. Cá nhân ăn cướp thì còn có hy vọng đòi chứ thể chế ăn cướp thì đòi sao được? Khổ thân người dân cả đời ki cóp.

_______

(*) Ghi chú của Tiếng Dân: IPO là viết tắt của cụm từ Initial public offering, nghĩa là phát hành lần đầu ra công chúng để huy động vốn từ các nhà đầu tư.

Tham khảo: https://www.msci.com/our-solutions/indexes/market-classification