Seite auswählen

Vinfast ra biển

 

Nhã Duy

Tiếng Dân

8-12-2022

Sự kiện Vinfast xuất cảng lô xe đầu tiên sang Mỹ đôi tuần trước đã tạo ra dăm nhìn nhận khác nhau trong cộng đồng người Việt trong và ngoài nước.

Tự hào hay nghi ngờ là điều đương nhiên vì mỗi bên đều có lý do của họ. Chỉ có Vinfast biết rõ thực lực và thực chất khả năng của họ phía sau những tuyên bố hay bài báo hào phóng thường thấy tại Việt Nam.

Với người ngoài, cứ phân tích bản kê khai tài chánh trong mẫu đơn F-1 mà Vinfast vừa nộp cho SEC – Ủy ban giao dịch chứng khoán của Mỹ hôm qua sẽ hiểu thêm về Vinfast (*). Vinfast muốn ra cổ phiếu IPO với mã giao dịch VFS trên sàn chứng khoán Nasdaq (chưa cho biết thời gian) nên cần phải công khai tình trạng tài chánh của mình.

 

Theo bản khai này, tổng tài sản (total assets) của Vinfast là 4.4 tỉ đôla, trong khi trách nhiệm tài chánh ngắn hạn (current liabilities) là 5.3 tỉ đôla, không kể tiền nợ trả lãi và trách nhiệm tài chánh dài hạn (non- current) thêm khoảng gần 5 tỉ đôla.

 

Bản kết toán tài chính của Vinfast. Ảnh trên mạng

Cũng theo báo cáo này, chỉ từ năm 2020 đến nay Vinfast đã lỗ gần 4.7 tỉ đôla.

Trong khi đó mức gây quỹ ban đầu theo hồ sơ chỉ là 100 triệu đôla. Tuy nhiên, mức này cũng có thể thay đổi vì các nguồn tin ban đầu cho biết Vinfast có ý định gây quỹ qua cổ phiếu đến hàng tỉ đôla để đầu tư vào việc xây xưởng chế tạo xe tại Mỹ. Vấn đề ai là những nhà đầu tư vào một cái tên xa lạ như Vinfast?

Vinfast tuyên bố nhắm đến việc bán được 750.000 xe vào năm 2026, tức chỉ ba năm nữa, khoảng xấp xỉ số xe Tesla bán ra trong năm 2021 vừa qua.

Đây sẽ là con số thần kỳ vì trong tam cá nguyệt vừa qua, ngoài Tesla thì các hãng có sản xuất xe điện EV chỉ bán từ vài trăm đến vài ngàn chiếc tại Mỹ (Genesis 807 xe, Lucid 654 xe, Nissan 1.276 xe…).

Chưa kể đến phẩm chất, hệ thống phân phối và bảo trì, sửa chữa xe Vinfast sẽ như thế nào, với một hồ sơ tài chánh của Vinfast như nói trên để “ra biển lớn”, liệu hành trình chinh phục của Vinfast có thật sự mang lại nhiều hào hứng hay không?

 
25/11/2022

VinFast xuất khẩu lô ô tô điện đầu tiên ra thị trường thế giới

 

Nguyên Tú – Nguyễn Hiền

Sáng ngày 25/11/2022, tại Cảng MCP Port, thành phố Hải Phòng, VinFast đã tổ chức lễ xuất khẩu lô ô tô điện đầu tiên gồm 999 chiếc VF8 ra thị trường quốc tế. Đây là sự kiện đánh dấu bước tiến đặc biệt của ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam, lần đầu tiên những sản phẩm ô tô công nghệ do Việt Nam làm chủ và sản xuất chính thức tiến ra thị trường thế giới….

 

 

Lô xe VinFast VF 8 này xuất cảng với số lượng 999 chiếc dành cho thị trường Mỹ và được chuyên chở bằng tàu thuê riêng Silver Queen của Panama. Dự kiến, sau khoảng 20 ngày xuất phát từ cảng MPC Port – Khu Kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, thành phố Hải Phòng, lô xe sẽ cập cảng California, Mỹ và được bàn giao tới những khách hàng đầu tiên vào cuối tháng 12/2022.

Trong thời gian qua, VinFast đã nhận được 65.000 đơn đặt hàng xe điện VinFast VF8 và VF9 từ khắp nơi trên thế giới. Ngay sau thị trường Mỹ, VinFast sẽ xuất khẩu các lô xe VF 8 tiếp theo tới thị trường Canada và châu Âu để kịp bàn giao cho khách hàng vào năm 2023. Đối với dòng xe VF9, VinFast đã lên kế hoạch bàn giao cho thị trường Việt Nam và quốc tế trong quý 1/2023.

Lễ xuất khẩu 999 chiếc ô tô điện Vinfast dành cho thị trường Mỹ

 

Lễ xuất khẩu 999 chiếc ô tô điện Vinfast dành cho thị trường Mỹ

Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận những thành tựu đạt được đến từ sự nỗ lực, kiên trì bền bỉ, tinh thần sáng tạo, dám đột phá của Tập đoàn Vingroup và Công ty VinFast. Đây chính là một trong những đại diện cho một thế hệ doanh nghiệp mới năng động, sáng tạo, tự tin, sẵn sàng vươn ra biển lớn để cạnh tranh sòng phẳng ở đẳng cấp và quy mô toàn cầu.

Đồng thời, Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp có tiềm lực, hoạt động đúng phát luật, cạnh tranh lành mạnh, nhận thức rõ: “Công nghệ và công nghiệp chính là câu trả lời cho sự phát triển bền vững của đất nước và doanh nghiệp vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, phồn vinh và hạnh phúc. Đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo, không chỉ là vì tương lai đất nước mà còn vì tương lai của chính mình”.

Theo ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, lô xe VinFast xuất cảng hôm nay là sự kiện trọng đại không chỉ với Công ty VinFast, Tập đoàn Vingroup mà còn là dấu mốc lịch sử của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Bởi lẽ, nó khẳng định Việt Nam đã làm chủ và sản xuất thành công những sản phẩm công nghệ cao, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ông Quang tin tưởng rằng với nỗ lực không ngừng nghỉ của hàng chục ngàn cán bộ công nhân viên đến từ 21 quốc gia trên thế giới, các dòng xe điện thông minh đến từ Việt Nam sẽ sớm lăn bánh trên khắp các nẻo đường thế giới, góp phần nâng tầm vị thế nước nhà trên trường quốc tế, để bạn bè trên khắp năm châu biết đến một Việt Nam trí tuệ, đẳng cấp.

Nhìn chung, thị trường đều đánh giá sự kiện xuất khẩu lô xe điện đầu tiên do Việt Nam làm chủ và sản xuất đã mở ra kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp ô tô nước nhà, không chỉ khẳng định đẳng cấp và trí tuệ Việt mà còn hiện thực hóa được khát vọng làm chủ công nghiệp ô tô của nhiều thế hệ cha anh, góp phần nâng tầm vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Từ đây, Việt Nam chính thức cạnh tranh ngang bằng với các quốc gia phát triển trong ngành công nghiệp ô tô thế giới và khẳng định người Việt đã làm chủ được công nghiệp ô tô, không những thế còn là ô tô điện thông minh, đạt đẳng cấp xuất khẩu toàn cầu.

Cũng liên quan đến hãng xe VinFast, tại triển lãm ô tô quốc tế Los Angeles (Mỹ), hãng xe này đã trở thành tâm điểm của công nghiệp ô tô thế giới khi ra mắt thương hiệu ô tô điện thông minh toàn cầu VinFast – với 2 mẫu xe điện ấn tượng VF 8 và VF 9. Đây là hai mẫu SUV điện cao cấp thuộc phân khúc D và E, có thiết kế sang trọng, tích hợp các công nghệ thông minh tiên tiến cùng mức giá hấp dẫn và các chính sách hậu mãi tốt bậc nhất thị trường.

VinFast lỗ gần 4,7 tỷ USD, nợ xấp xỉ 8,8 tỷ USD; xe VF8 bị tố lỗi phần mềm

 


Trang 21 trong bản cáo bạch của VinFast gửi Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ đầu tháng 12/2022.

 

Bản cáo bạch của hãng ô tô VinFast thuộc tập đoàn Vingroup ở Việt Nam nộp cho Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ ngày 6/12 cho thấy hãng này có tổng tài sản hơn 4,4 tỷ đô la, nhưng đang nợ tổng cộng xấp xỉ 8,8 tỷ đô la và bị lỗ lũy kế lên đến gần 4,7 tỷ đô la.

Theo dữ liệu tài chính tóm tắt được liệt kê ở hai trang 21 và 22 trong bản cáo bạch, tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của VinFast – trên giấy tờ là một hãng Singapore – là hơn 105 nghìn 380 tỷ đồng, tương đương 4,409 tỷ đô la.

Cũng ở thời điểm đó, nợ ngắn hạn của hãng – tức nợ phải trả cho các chủ nợ trong vòng 12 tháng – là gần 127 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 5,3 tỷ đô la. Bên cạnh đó, nợ dài hạn của hãng là hơn 83 nghìn tỷ đồng, gần bằng 3,5 tỷ đô la.

Lỗ lũy kế của hãng vào cuối quý 3/2022 là gần 112 nghìn tỷ đồng, tức gần 4,7 tỷ đô la. Lỗ ròng tính theo từng năm là gần 19 nghìn tỷ đồng (gần 800 triệu đô la) vào năm 2020; hơn 32 nghìn tỷ đồng (hơn 1,3 tỷ đô la) vào năm 2021; và hơn 34,5 nghìn tỷ đồng (hơn 1,4 tỷ đô la) trong 9 tháng đầu năm 2022.

Giáo sư, tiến sỹ Khương Hữu Lộc, một giám đốc tài chính và chuyên gia kinh tế ở Texas, Mỹ, nhận xét với VOA rằng khi một công ty bất kỳ có tỷ lệ tài sản trên số nợ và số lỗ như nêu trên, sức khỏe của công ty đó “rất xấu”, với hiểm họa về tính thanh khoản “rất lớn”.

Theo chuyên gia này, tỷ lệ lý tưởng giữa tài sản và nợ là 2:1, đồng nghĩa là tài sản gấp đôi số nợ. Khi một công ty có tài sản là 4,4 tỷ đô la nhưng nợ ngắn hạn là 5,3 tỷ đô la cộng với lỗ 4,7 tỷ đô la, có nghĩa là công ty đang rất “khó khăn, nguy hiểm”, ông Lộc nói.

“Khoản lỗ đó làm cho công ty không trả nợ ngắn hạn được. Tỷ lệ tài sản trên nợ ngắn hạn là 1:1 đã là tệ rồi, đằng này lại còn nhỏ hơn 1 nữa. Chưa kể lãi vay phải trả và nợ dài hạn nữa. Nhìn chung, các chỉ số tài chính như vậy rất là xấu”, vị chuyên gia phân tích với VOA.

Ông Lộc hiện đang giảng dạy chương trình thạc sỹ quản trị kinh doanh (MBA) tại trường Keller Graduate School of Management. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm làm chánh thanh tra kiểm toán và giám đốc tài chính (CFO) cho một số hãng lớn ở Mỹ.

SEC hiện đang xem xét hồ sơ của VinFast về chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Mỹ và sẽ có hồi đáp sau 27-30 ngày.

Hãng này không tiết lộ về thời điểm sẽ chính thức IPO, số lượng cổ phiếu sẽ chào bán và số tiền vốn mà họ kỳ vọng sẽ huy động được.

Trong một tuyên bố đưa ra hôm 7/12, bà Lê Thị Thu Thủy, Tổng Giám đốc Điều hành VinFast, cho hay rằng hãng sẽ thực hiện IPO sau khi SEC tuyên bố là hồ sơ đăng ký có hiệu lực và các điều kiện thị trường cho phép.

Trả lời câu hỏi của VOA là với các chỉ số tài chính như nêu trên, liệu một công ty như vậy có được SEC đồng ý cho IPO hay không, giáo sư, tiến sỹ Khương Hữu Lộc nói rằng “họ vẫn có thể bán cổ phiếu”.

Với kinh nghiệm của mình, ông Lộc đưa ra nhận định: “Khi một công ty bán cổ phiếu, ăn thua là nhà đầu tư họ có thích không. Nếu họ thích thì họ mua. Ví dụ, như trước đây, các hãng Tesla, Apple, Google, Amazon… họ bị lỗ nhiều năm, nhưng các nhà đầu tư thích và chấp nhận triển vọng thị trường của các hãng đó, họ vẫn mua”.

Mặc dù vậy, giáo sư, tiến sỹ Lộc lưu ý rằng nhà đầu tư nên hết sức thận trọng đối với một hãng mới bắt đầu chế tạo ô tô, lệ thuộc phần lớn vào công nghệ và linh kiện nhập cảng, cũng như chưa có tên tuổi đáng kể trên thế giới.

Nếu ai đó hỏi ông có nên mua cổ phiếu của một công ty như vậy không, ông sẽ khuyên là “không”. Tuy nhiên, ông cũng liên hệ đến hãng ô tô điện Tesla ở Mỹ để chỉ ra rằng điều quan trọng là sản phẩm của một hãng có được ưa chuộng không.

“Hồi xưa, Tesla cũng có một giai đoạn xấu như vậy, nhưng người ta vẫn mua cổ phiếu vì xe của hãng được ưa chuộng. Cái xe có được ưa chuộng hay không là câu hỏi lớn. Nếu xe được ưa chuộng, người ta vẫn đổ tiền vào, thanh khoản của hãng tốt lên, việc thanh toán nợ và các chi phí được cải thiện nhiều”, ông Lộc nói.

Chỉ ít ngày trước khi VinFast nộp hồ sơ IPO ở Mỹ, một tài khoản có tên là Tom Peng đăng lên YouTube vào ngày 3/12 một đoạn video dài hơn 20 phút cho thấy xe VF8 của hãng bị nhiều lỗi, chủ yếu là lỗi phần mềm, khiến xe không đi được, không điều khiển được.

VF8 và VF9 là hai loại xe ô tô điện thuộc dòng tiện ích thể thao (SUV) mà VinFast xem là sản phẩm chủ lực để xuất khẩu sang Mỹ.

Trong phần lời chú thích về đoạn video được ghi lại ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, Tom Peng viết rằng ông yêu thích hãng VinFast và chiếc VF8. Nhưng gần đây, lỗi trên chiếc VF8 của Tom Peng xuất hiện ngày càng thường xuyên, chẳng hạn như xe đang đi thì tự dừng lại, đèn xi nhan và đèn pha tự tắt, các lỗi phần mềm, các lỗi “báo động ảo”, lỗi hệ thống chuyển động, lỗi sạc acquy 12v, v.v…

Ông cho rằng có nhiều người khác mua xe của VinFast cũng bị tương tự, phải gọi cho hãng, thậm chí mang xe trở về hãng để sửa lỗi nhưng một số vấn đề trong phần mềm vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Video trên YouTube có đoạn Tom Peng nói rằng “mọi thứ đều hỏng … này, VinFast, các bạn đang tra tấn chúng tôi đấy”.

Tom Peng cho biết mục đích của anh ấy vào ngày hôm đó là chạy thử để đưa ra đánh giá về VF8 và nói thêm rằng cho dù đã xảy ra những lỗi như đã nêu, nhưng vào những lúc khác, khi xe chạy bình thường, “phải nói rằng VF8 là một chiếc xe rất xịn, xe lái rất đã và rất thoải mái … Mà xui là hôm nay lại gặp vấn đề này”.

Theo tìm hiểu của VOA, vào ngày 5/12, vẫn Tom Peng đăng một video nữa cho hay chiếc VF8 lại bị lỗi và không chạy được.

 

Cho đến nay, theo quan sát của VOA, VinFast chưa có tuyên bố công khai gì về hai video này, hiện đã có tổng cộng gần 37.000 lượt xem và gần hơn 800 lời bình luận.

VOA cố gắng liên lạc với VinFast, đề nghị họ bình luận về vấn đề “sức khỏe tài chính” của hãng và lỗi của xe VF8, nhưng chưa nhận được hồi đáp.

Báo Mỹ: VinFast VF8 giá 52.000 USD chỉ chạy được 180 dặm, khó cạnh tranh


Một bài báo về VinFast VF8 trên trang dot.LA hôm 13/12/2022.

Ô tô điện VF8 của hãng VinFast thuộc tập đoàn Vingroup ở Việt Nam bị cho là khó cạnh tranh ở Mỹ, theo hai bài báo được đăng hôm 13/12 trên trang MotorTrend chuyên về ô tô và trang dot.LA chuyên về công nghệ.

Theo dot.LA, 999 xe của VinFast xuất sang Mỹ sẽ cập cảng ở California vào ngày 15/12. Dot.LA và MotorTrend dẫn thông tin chính thức từ hãng ô tô của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho hay rằng toàn bộ số xe đó là bản City Edition của dòng VF8 có tầm chạy 180 dặm (290 kilomet) khi pin được sạc đầy.

Vẫn dot.LA đưa tin rằng những chiếc VF8 đó có giá 52.000 đô la, trong khi MotorTrend nói rằng giá khởi điểm của xe là 55.000 đô la. Cả hai hãng truyền thông đặt ở Mỹ này đều cho rằng với mức giá như vậy, VF8 sẽ có một sự khởi đầu khó khăn.

Trang dot.LA nhận định chiếc xe này sẽ khó cạnh tranh, khó thuyết phục khách hàng ở Mỹ khi xét đến thực tế rằng VinFast là một hãng xe của Việt Nam không mấy người biết tiếng và chưa được kiểm nghiệm. Còn MotorTrend bình luận rằng đó là “viên thuốc khó nuốt”.

Để so sánh, dot.LA đưa ra một số sản phẩm của các hãng khác đã có lịch sử hoạt động nhiều năm và đã thành danh, bao gồm Hyundai Ioniq 5 đời 2023 chạy được 220 dặm, giá khởi điểm 42.745 đô la, loại chạy được 303 dặm có giá 60.000 đô la; Kia EV6 bản thấp nhất có giá 49.795 đô la, tầm chạy 206 dặm; hay Mustang Mach E có giá thấp nhất là 46.895 đô la, chạy được 224 dặm.

Theo quan sát của VOA, cho đến nay VinFast chưa đưa ra tuyên bố công khai nào về hai bài báo do dot.LA và MotorTrend đăng. VOA cố gắng liên lạc với VinFast để tìm hiểu phản ứng của hãng nhưng chưa nhận được hồi đáp.

(VOA đang tiếp tục cập nhật các chi tiết.)

VinFast: “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”!

Sài Gòn Nhỏ

 

Truyền thông quốc tế mấy hôm nay đặc biệt chú ý tới sự kiện công ty VinFast Singapore, thuộc tập đoàn Vingroup của Việt Nam sắp bán xe điện VF8 tại Mỹ, nhưng phần lớn thông tin trên các chuyên trang xe hơi của Mỹ đều đánh giá thấp dòng xe này cũng như khả năng cạnh tranh của nó trên thị trường.

Cùng với việc chuẩn bị phát hành cổ phiếu trên thị trường tài chính Wall Street, VinFast dường như đang bắt đầu một chiến lược kinh doanh liều lĩnh mà tương lai khá bất định. 

Trong hai ngày qua, có ít nhất ba nhà báo Mỹ đã viết bài phân tích và đánh giá dòng xe mới của VinFast trên trang MotorTrend chuyên về xe hơi, trang dot.LA chuyên về công nghệ và trang Jalopnik; trong đó bài của nhà báo Kevin Williams trên trang Jalopnik được cộng đồng mạng người Việt rất quan tâm và chia sẻ. Bản dịch tiếng Việt bài báo của Williams đã xuất hiện một phần trên một số trang mạng và Facebook. 

Chuyến tham quan thất vọng

Ông Kevin Williams nói rõ hồi giữa tháng Tám vừa qua ông cùng với khoảng 100 người khác trong đó có nhiều nhà báo, đã được VinFast đài thọ một chuyến đi đến Việt Nam bằng máy bay thuê riêng, tham quan nhà máy của công ty và những công trình của tập đoàn VinGroup trải dài từ Hải Phòng đến Nha Trang. Đây là đoàn báo chí thứ ba được VinFast mời đến trong thời gian gần đây trong một chiến dịch quảng bá (PR) rầm rộ, sau khi VinFast trình làng các mẫu xe điện VF8 và VF9. 

Xe điện VinFast VF8 đang được lắp ráp trong nhà máy ở Hải Phòng. Ảnh Nick Ut/Getty Images

Đoàn của ông được tiếp đón rất trọng thị và được chiêu đãi rất thịnh soạn, kể cả được sắp xếp nghỉ ngơi “ở hai resorts trên hòn đảo tư nhân và nghỉ một đêm ở Hà Nội trong cùng khách sạn nơi ông Donald Trump và Kim Jong Un gặp nhau lần đầu tiên”.

Thế nhưng, ấn tượng của ông về chuyến đi thì không mấy tốt đẹp dù tác giả nhiều lần nhắc lại trong bài rằng ông cố giữ quan niệm cởi mở (open-minded) trong suốt chuyến đi. Khi tham quan nhà máy VinFast tại Hải Phòng, ông ngạc nhiên khi thấy việc sản xuất xe điện VF8 và VF9 dường như không khẩn cấp như ông nghĩ:

“Và trong khi dây chuyền sản xuất VF8 và VF9 đã được lập và đang chạy, có vẻ như không có nhiều việc đang làm trong lúc chúng tôi tham quan nhà máy. Một số trạm làm việc không có người điều khiển, và dường như chỉ có một hoặc hai nhóm đang làm gì đó liên quan trong cả cơ sở sản xuất. Dường như có sự khẩn cấp và nỗ lực lớn hơn ở dây chuyền sản xuất xe gắn máy chạy điện (e-scooter) của VinFast. ‘Này, mọi người đâu rồi?’ Tôi hỏi một đại diện của VinFast. ‘Họ đang ăn trưa’, người đó bảo tôi. Lúc đó là 10 giờ sáng.”

Dù đánh giá cao sự tiếp đãi trọng thị của VinFast, nhà báo Kevin Williams không giấu được nỗi thất vọng khi chuyến đi dành quá nhiều thời gian cho việc tham quan các công trình, dự án của VinGroup như các khu dân cư Ocean, đại học VinUni… mà không nhắm mục tiêu chính của các nhà báo là tìm hiểu dự án sản xuất và kinh doanh xe điện của VinFast, trực tiếp lái thử các sản phẩm này để có được sự đánh giá sát thực tế nhất.

Rồi khi được cầm vô-lăng lái thử xe VF8 – mẫu xe mà ông được thông báo sẽ sớm được VinFast đưa vào thị trường Mỹ – Williams lập tức nhận ra nó không giống như những gì mà nhân viên VinFast quảng cáo. “Không, những chiếc xe này không hề tốt”, ông viết.

Nhận xét của Williams không có gì lạ nếu ta đã xem qua các video-clip của Tom Peng, một người sở hữu xe VinFast VF8, bóc mẽ những lỗi sơ đẳng nhưng trầm trọng của chiếc xe ngay trên đường phố Sài Gòn, đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng Facebook.

VF8 –  viên thuốc khó nuốt

Cảm nhận của Williams sau khi lái thử các mẫu xe VF8 của VinFast trên một đoạn đường thử nghiệm dài khoảng 2km trong khu nghỉ dưỡng VinPearl Nha Trang là chiếc xe rất chậm – chậm như chó, ông viết – chỉ hoạt động được một nửa công suất được công bố [380 mã lực], hệ thống giảm sốc thì quá kém đến mức chiếc xe nhảy chồm chồm trên đường dù mặt đường “phẳng như gương” (glass-smooth), tay lái cứng (dead) và không chuẩn xác (nonlinear).

Để kết luận đánh giá của mình sau khi lái thử, Williams viết: “Trong tình trạng hiện tại, với mức giá mà VinFast muốn bán, chiếc VF8 là một thỏa thuận kinh khủng. Nó như một sản phẩm chưa hoàn chỉnh, kém phát triển mà nói thật là chỉ mang lại sự lúng túng ở bất kỳ thị trường nào”. Quả là một lời đánh giá không mấy thiện cảm cho dù tác giả đã được VinFast mời mọc, tiếp đãi trọng thị với chi phí không hề nhỏ; William thậm chí còn nghĩ rằng nếu VinFast dành chi phí tổ chức những chuyến tham quan vô bổ như chuyến của ông vào việc phát triển sản phẩm thì có lẽ công ty sẽ có một chiếc xe VF8 tốt hơn!

Thêm vào đó, theo thông tin mà Williams nhận được từ một đại diện của VinFast, xe điện của hãng này chưa hề được cấp chứng nhận CARB EO – một loại chứng thư bằng văn bản cấp cho xe hơi chứng nhận nó phù hợp với các tiêu chuẩn đặc thù về khí thải. Không có chứng thư CARB EO, xe hơi sẽ không được phép giao cho người tiêu thụ ở California và các tiểu bang Hoa Kỳ có quy định về xe hơi giống với California.

Ấy thế nhưng, VinFast cho các nhà báo biết chuyến hàng đầu tiên của họ, đưa 999 chiếc VF8 đến Mỹ sẽ được thực hiện chỉ vài ngày sau chuyến tham quan của các nhà báo. Thực tế, VinFast đã xuất lô hàng VF8 này sang Mỹ vào ngày 25 tháng Mười Một và hàng sẽ cập cảng Long Beach California vào ngày hôm nay 15 tháng Mười Hai.

Xe điện VF8 tại phòng trưng bày của VinFast ở Santa Monica, một trong sáu điểm trưng bày sản phẩm của VinFast ở California. Ảnh Nick Ut/Getty Images

Không đi sâu vào các chi tiết của chiến dịch quảng cáo (PR) của VinFast hay đặc điểm kỹ thuật của xe VF8, tác giả David Shultz trên trang dot.LA cho biết xe VF8, trong lô hàng xuất sang Mỹ, chỉ chạy được quãng đường 180 dặm (290 km) sau mỗi lần sạc đầy điện nhưng có giá tới $52,000. 

Trong khi đó, trên trang chuyên về xe hơi MotorTrend, cây bút Christian Seabaugh đặt câu hỏi “180 dặm có giá $55,000: Liệu chiếc SUV VinFast VF8 2023 có chen chân được vào nước Mỹ?” và nhận định mức giá cùng với tính năng như vậy là “viên thuốc khó nuốt” với khách hàng Mỹ – những người có rất nhiều lựa chọn trong một thị trường rất nhiều hiệu xe tên tuổi, uy tín với mức giá phải chăng hơn.

Trang dot.LA thậm chí còn làm một bảng so sánh tính năng và giá cả các loại xe điện tại thị trường Mỹ để chứng tỏ xe VF8 của VinFast bị thất thế như thế nào: Xe Hyundai Ioniq 5 đời 2023 chạy được 220 dặm, giá khởi điểm $42,745, loại chạy được 303 dặm có giá $60,000; xe Kia EV6 bản thấp nhất chạy được 206 dặm, giá $49,795; xe Mustang Mach E của Ford có giá thấp nhất $46,895 đô la, chạy được 224 dặm… Hyundai, Kia, Ford đều là những hãng xe có bề dày sản xuất xe hơi nhiều năm, có uy tín và có hệ thống hậu mãi, chăm sóc khách hàng rộng khắp trên 50 tiểu bang nước Mỹ – những thứ mà VinFast phải mất nhiều chục năm nữa mới có được.

VinFast lên sàn chứng khoán Mỹ: triển vọng nào?

Không biết có phải do chiến lược quảng cáo của VinFast hay không mà thông tin xuất cảng xe điện VinFast đến Mỹ xuất hiện gần như cùng lúc với thông tin công ty này nộp hồ sơ lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) xin phê chuẩn việc bán cổ phần ra công chúng trên sàn chứng khoán Nasdaq.

Dữ liệu trong hồ sơ nộp cho SEC vào ngày 6 tháng Mười Hai cho biết, VinFast có tổng tài sản hơn $4.4 tỷ, nhưng đang nợ gấp đôi số đó, xấp xỉ $8.8 tỷ, và bị lỗ lũy kế gần $4.7 tỷ. Hơn một nửa số nợ của VinFast, khoảng $56.3 tỷ, là nợ ngắn hạn – nghĩa là cần được trả nợ sớm. Trong ba năm trước khi xin phát hành cổ phiếu, mức lỗ của VinFast càng lúc càng tăng: năm 2020 lỗ $800 triệu, năm 2021 lỗ $1.3 tỷ còn chín tháng đầu năm 2022 đã lỗ tới $1.4 tỷ.

Cho đến nay, việc kinh doanh thua lỗ của công ty VinFast Singapore vẫn được tập đoàn mẹ là Vingroup Việt Nam bù đắp bằng lợi nhuận thu được từ kinh doanh bất động sản ở trong nước, nhưng chưa rõ Vingroup có khả năng “gồng” tới bao giờ khi thị trường bất động sản Việt Nam đang rơi vào tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” sau các vụ bê bối ở Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh, FLC v.v…

Dữ liệu trong hồ sơ của VinFast nộp lên SEC xin phát hành cổ phiếu. Bản chụp lại và phân tích của VOA; màu xanh là tài sản, màu đỏ là tiền nợ và lỗ lũy kế.

Trên đài VOA, giáo sư tiến sĩ Khương Hữu Lộc, một giám đốc tài chính và chuyên gia kinh tế ở Texas, Mỹ, nhận xét khi một công ty bất kỳ có tỷ lệ tài sản trên số nợ và số lỗ như vậy thì sức khỏe của công ty đó “rất xấu”, với hiểm họa về tính thanh khoản “rất lớn”.

Chưa biết hồ sơ của VinFast có được SEC phê chuẩn hay không nhưng một công ty “ốm yếu” như vậy mà xông ra Wall Street, nơi tụ hội quần hùng về tài chính, kinh tế đầy những cao thủ võ lâm, nội công ngoại kích đều thâm viễn thì hậu quả thế nào có thể đoán trước được.

Còn theo ý kiến của tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ ở Na Uy thì chào bán cổ phần trên sàn chứng khoán là cách VinFast bán một phần công ty vì cần tiền để tiếp tục nuôi công ty. Vấn đề là muốn nhà đầu tư bỏ tiền mua cổ phần thì Vinfast phải chứng tỏ họ là một công ty có tiềm năng sinh lời.

VinFast tự định giá mình ở mức $60 tỷ – một mức giá không tưởng, cao hơn cả giá trị thị trường $52.39 tỷ của tập đoàn Ford Motor, một trong ba ông lớn của ngành xe hơi Mỹ – trong khi sản phẩm xe điện của VinFast chưa chắc đã được thị trường Hoa Kỳ chấp nhận, như đã trình bày trên, thì VinFast quả thật đã quá hoang tưởng và ngạo mạn. 

“Con đường dễ dàng nhất của Vinfast do đó có lẽ chỉ còn là chào bán ra công chúng và thông qua đó, những cổ đông chính nhanh chóng thoái vốn vào những tài khoản ở nước ngoài, để mặc Vinfast nổi trôi được điều hành bởi những cổ đông và người lãnh đạo mới. Nhưng bán với giá nào và liệu có lời hay không, đó lại là một câu chuyện khác, không dễ dàng gì, nhất là khi mà thị trường toàn cầu đang ở trong trạng thái khủng hoảng như hiện nay”, ông Vũ nhận định trên trang Facebook cá nhân.

VinFast VF8 đơn giản là chưa sẵn sàng cho thị trường Mỹ (Phần 1)

Tác giả: Kevin Williams

Dương Lệ Chi, dịch

Tiếng Dân

14-12-2022

Công ty khởi nghiệp xe hơi điện đã đưa tôi đến trụ sở chính ở Việt Nam để lái chiếc xe điện đầu tiên dành cho thị trường Hoa Kỳ. Đó là trải nghiệm kỳ lạ nhất trong đời tôi.

Tôi lấy điện thoại ra và bắt đầu điên cuồng chụp ảnh hộ chiếu của mình khi một hàng dài hơn một trăm người nhích dần về phía trước để chờ làm thủ tục nhập cảnh. “Chút nữa bạn được sẽ lấy lại hộ chiếu của mình”, ai đó ở đầu hàng nói với tôi. “Họ sẽ giữ chúng một chút“. Tôi không chắc người này là một người có ảnh hưởng, một nhà báo mà tôi không nhận ra, hay là một nhân viên của VinFast. Nhưng tôi không có sự lựa chọn. Ý tôi là, tôi định làm gì? Nhân viên hải quan Việt Nam nhìn tôi từ chân tới đầu và xếp hộ chiếu của tôi vào một đống, cùng với hộ chiếu của những người khác.

Vào cuối chuyến đi này, việc gửi hộ chiếu của tôi cho người lạ, thậm chí không được xếp vào danh sách 10 điều điên rồ nhất mà tôi trải qua.

Tôi ở Việt Nam để lái thử xe của VinFast; công ty ô tô khởi nghiệp phát triển nhanh mới bắt đầu bán xe điện ở quê nhà và hứa sẽ đưa những chiếc xe này vào Mỹ. Tôi chắc chắn đã học được điều gì đó về VinFast, nhưng không chắc đó là điều mà công ty muốn tôi biết.

Tiết lộ đầy đủ: VinFast đã đưa tôi từ Columbus, Ohio, đến San Francisco, đưa tôi vào một khách sạn rất đẹp, ở đó trong một đêm, sau đó đưa tôi cùng với ít nhất khoảng 100 nhà báo, những người có ảnh hưởng, YouTubers, TikTokers khác, những người đặt chỗ trước của VinFast (được gọi là VinFirst), Nhân viên của VinFast và những người quan tâm khác, từ phi trường San Francisco đến Việt Nam trên một chiếc máy bay, tất cả để chúng tôi có thể chạy thử xe điện mới của công ty. Chúng tôi ở tại hai khu nghỉ dưỡng tư nhân trên đảo và nghỉ một đêm ở Hà Nội, tại cùng một khách sạn nơi Donald Trump và Kim Jong Un gặp nhau lần đầu tiên.

Cuối cùng, sau khi đi xe buýt, tắm rửa và ngủ trưa, hộ chiếu của tôi đã được trả lại. Ngay sau đó, tôi đã ở trên một chiếc du thuyền giữa Vịnh Hạ Long trong khi các nhân viên của VinFast hào hứng nâng cốc chúc mừng thành công của công ty, dường như cứ mỗi 45 giây [là họ nâng cốc chúc mừng]. Bài hát “Glad You Came” (Vui vì bạn đã đến) của ‘The Wanted’ rú lên. Tôi bị rối loạn giấc ngủ do trái múi giờ (jet-lag) và kiệt sức; ly cà phê đá ngọt ngào đậm đà của Việt Nam không thể xoa dịu được sự mệt mỏi đặc biệt đến từ việc vượt qua ranh giới đổi ngày giờ quốc tế. Cảm giác này dính với tôi trong suốt chuyến đi.

VinFast xuất hiện trên thị trường xe hơi từ năm 2017. Sản phẩm đầu tiên của hãng là những chiếc xe được làm lại từ các nhà sản xuất ô tô lớn, do Pininfarina thiết kế và dự định bán ở cả Việt Nam và Mỹ. VinFast Lux A 2.0 dựa trên BMW 530i, VinFast Lux SA 2.0 là một chiếc BMW X5 đã được sửa đổi và chiếc subcompact VinFast Fadil là một chiếc Chevy Spark được thiết kế lại. Chiếc SUV President được sản xuất giới hạn 500 chiếc là Lux SA với động cơ V8 của General Motors dưới mui xe thay cho động cơ BMW.

 

Những nỗ lực của VinFast đủ mạnh để đưa thương hiệu này lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng doanh số bán hàng ở Việt Nam, không tệ đối với một công ty phải đến năm 2019 mới bắt đầu bán xe. Giá của chúng cũng không hề rẻ: một chiếc VinFast Lux SA 2.0 cơ bản sẽ có giá bán lẻ tương đương hơn 68.000 đô — đắt đỏ, nhưng cũng chỉ bằng một phần ba giá của một chiếc BMW X5 nhập khẩu ở Việt Nam. Tháng 7 năm 2022, xe Lux A 2.0 vừa bị hủy bỏ gần đây đã có doanh số bán hàng ở Việt Nam gấp đôi so với xe hơi Kia K5, Toyota Camry, Mazda 6 và Honda Accord cộng lại. (Kế hoạch bán những mẫu xe VinFast đời đầu này ở Mỹ vào năm 2021 chưa bao giờ trở thành hiện thực).

Tháng 1-2022, VinFast công bố ý định chấm dứt sản xuất xe có động cơ đốt trong và chuyển sang dòng xe điện hoàn toàn. Các thiết kế dựa trên BMW và GM sẽ không còn nữa, thay vào đó là xe điện do VinFast phát triển từ đầu. Công ty đã chiêu mộ những tài năng kỹ thuật hàng đầu, bao gồm các cựu nhân viên GM từng làm việc trên nền tảng Ultium EV mang tính cách mạng.

Dòng thời gian tự đặt ra của thương hiệu rất ngắn. Trong khi trưng bày đầy đủ các mẫu xe điện ý tưởng dành cho mục đích sản xuất CES vào tháng 1 năm 2022, thương hiệu này tuyên bố sẽ ngừng bán xe ICE vào cuối năm nay, mặc dù chỉ giới thiệu những mẫu xe đầu tiên vào năm 2019. Vào thời điểm đó, VinFast tuyên bố họ sẽ có ít nhất hai mẫu xe chạy hoàn toàn bằng điện, VF8 và VF9, trên các con đường ở Mỹ vào cuối năm nay. Tham vọng, nhưng trong một thời gian, mọi thứ dường như đang đi đúng hướng: Đến đầu tháng 7, thương hiệu đã mở các địa điểm bán lẻ đầu tiên ở California. Công ty đã đưa một chiếc xe điện, VinFast e34, vào thị trường nội địa Việt Nam, chỉ ba tháng sau khi tuyên bố ngừng sản xuất ICE. Đến giữa tháng 7 năm 2022, công ty ngừng nhận đơn đặt hàng hoàn toàn cho xe ICE. Rõ ràng, họ không chỉ nói suông.

VinFast chỉ là một bộ phận của công ty mẹ khổng lồ Vingroup, tập đoàn trị giá hàng tỷ đô la, do một người đàn ông tên Phạm Nhật Vượng làm chủ. Sinh năm 1968, doanh nhân này lớn lên ở Hà Nội, tốt nghiệp Đại học Khảo sát Địa chất ở Moscow năm 1992. Ông Phạm đã kiếm bộn tiền nhờ sản xuất mì ăn liền hàng loạt trong một doanh nghiệp mà cuối cùng đã được bán cho hãng Nestle. Cuối cùng, ông ta mở rộng sang lĩnh vực bất động sản, xây dựng một doanh nghiệp giúp ông ta trở thành tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam.

Vingroup có các doanh nghiệp trên khắp Việt Nam. Bạn có thể mua hàng tạp hóa tại VinMart và quần áo tại VinPlaza. Kỳ nghỉ của gia đình bạn có thể ở tại công viên giải trí VinWonder theo phong cách Disney, hoặc bạn có thể đặt kỳ nghỉ dành cho người lớn tại khu nghỉ dưỡng VinPearl. Điện thoại của bạn có thể là VinSmart. Văn phòng của bạn có thể thuộc sở hữu của Vincom Office, ngôi nhà hoặc khu chung cư của bạn có thể nằm trong VinHomes. Con bạn có thể được sinh ra tại bệnh viện VinMec, học tại VinSchool và khi tốt nghiệp, trúng tuyển vào Đại học VinUniversity mới khai trương. Cách thiết lập giống như một vòng quay hiện đại, trở về thị trấn công ty Mỹ hồi thế kỷ 19, nhưng nó không khác những gì Samsung và Huyndai đã làm ở Nam Hàn hồi thập niên 1990.

 

Hồi tháng 7 năm nay, tôi đã xem qua một chiếc VinFast VF8, giai đoạn sản xuất tại phòng trưng bày của công ty ở San Mateo. Vào thời điểm đó, VinFast đang thúc đẩy một mô hình định giá bất thường. Hãy xem VF8 và VF9, chúng thật sự không đi kèm với pin. Giá căn bản được nhắm tới là 39.999 đô la cho VF8 là mức thấp hấp dẫn vì bạn phải thuê pin từ VinFast. Giá pin sẽ thay đổi dựa trên mức mà bạn muốn lái xe: Với khoảng 55 đô la mỗi tháng, bạn sẽ nhận được loại dịch vụ chạy trong vòng 310 dặm. Hợp đồng thuê pin không giới hạn số dặm có giá lên tới 130 đô la mỗi tháng, nếu bạn muốn lái. (Kể từ chuyến thăm phòng trưng bày đó của tôi hồi tháng 7, có vẻ như thương hiệu này đã bỏ tùy chọn giới hạn số dặm, yêu cầu khách hàng trả 169 đô la mỗi tháng cho số dặm không giới hạn đối với xe VF8 hoặc 219 đô la mỗi tháng đối với xe VF9).

Tôi đã khám phá phòng trưng bày của họ ở khu vực Bay Area, loay hoay với VF8 và đặt câu hỏi về kế hoạch định giá. Tôi không nghĩ rằng chiếc xe được trưng bày lại tuyệt vời như vậy, nhưng rõ ràng nó đang ở trong vỏ bọc tiền sản xuất, với đầy chi tiết trang trí một cách kỳ quặc, những mảnh ghép bị thiếu và những vật liệu kỳ lạ khiến tôi cảm thấy chưa quyết định được. Các nhân viên bán hàng cũng khá tử tế, nhưng họ hay bất kỳ người đại diện nào khác của VinFast mà tôi liên lạc, đều không thể trả lời bất kỳ câu hỏi khó nào về cách thương hiệu lên kế hoạch thực thi chương trình cho thuê pin. Làm sao họ biết nếu bạn lái xe hơn 310 dặm? Điều gì xảy ra nếu bạn không trả tiền thuê pin? Ngay cả bây giờ, để nhận được bất kỳ thông tin giá cả chi tiết nào từ trang web của VinFast, dường như bạn được yêu cầu đặt cọc 199 đô la và chờ nhân viên hướng dẫn của VinFast gọi cho bạn và đưa ra các thông số kỹ thuật cho chiếc xe của bạn.

Tuy nhiên, tôi vẫn cởi mở. Thương hiệu này đã mở các cửa hàng chưa đầy sáu tháng sau khi công bố ý định bán xe điện ở Mỹ. Tôi muốn biết thêm, nên tôi gửi email cho nhóm quan hệ công chúng của công ty ở Mỹ, yêu cầu họ thông báo cho tôi nếu VinFast đang lên kế hoạch cho bất kỳ sự kiện ra mắt nào ở Mỹ.

Hai ngày sau, công ty mời tôi sang Việt Nam.

Ngày 18 tháng 9, tôi tham gia cùng một nhóm gần một trăm nhà báo, những người có ảnh hưởng, những khách hàng đầy tiềm năng của VinFast và các nhân viên của họ trên một chuyến bay được thuê, bay từ San Francisco đến Việt Nam. Nhóm của chúng tôi đã vượt qua đường phân ngày quốc tế và hạ cánh gần Vịnh Hạ Long, Di sản Thế giới được UNESCO công nhận. Từ sân bay, chúng tôi đi xe buýt và thuyền đến VinPearl ở Vịnh Hạ Long, một khu nghỉ dưỡng trên một hòn đảo tư nhân, thuộc sở hữu của VinGroup.

Sau khi nghỉ ngơi một chút, VinFast đưa nhóm của chúng tôi đến một du thuyền ở Vịnh Hạ Long để dùng bữa tối, đón tiếp sang trọng, những tiếng ồn ào với những người đại diện và nhân viên của VinFast rất hào hứng kể cho chúng tôi nghe về thương hiệu và hành trình cho chuyến thăm của chúng tôi.

Đại diện của VinFast cho biết: “Chúng tôi vui mừng thông báo rằng, nhà máy VinFast VF8 đã hoàn thành trước thời hạn hai tháng”. Cô ấy cũng nói với nhóm của chúng tôi rằng, VF8 đã nhận được sự chấp thuận bán hàng chính thức của Việt Nam chỉ hai ngày trước khi chúng tôi đến, ngụ ý rằng mẫu xe này gần như đã sẵn sàng để sản xuất. Tôi nghe từ các nhà báo viết về xe hơi khác rằng, những ấn tượng khi lái xe ban đầu về chiếc VF8 cho thấy một sản phẩm đang còn dở dang. Tuy nhiên, tôi hứa sẽ giữ một tâm trí cởi mở: Phát triển xe là một quá trình và các sự kiện do VinFast đăng cai đã diễn ra trong gần ba tháng. Rất nhiều cải tiến có thể xảy ra trong khoảng thời gian ngắn và thương hiệu bị ám ảnh bởi việc phát triển nhanh. Tôi tự nhắc mình rằng, có khả năng thực sự VinFast sẽ có một chiếc xe hoàn thiện hơn nhiều để chúng ta xem qua.

Dù cơ hội lái chiếc VF8 của chúng tôi sẽ không còn trong vài ngày nữa, cho đến lúc đó, VinFast đã có nhiều hơn về Việt Nam để cho chúng ta thấy. Thật khó để hình dung quy mô của VinGroup, nhưng may mắn thay, đội ngũ VinFast đã có mặt để chứng minh cho chúng tôi thấy những điều mà thương hiệu đã đạt được trên khắp Hà Nội. Ngày hôm sau, chúng tôi được đưa ra khỏi Vịnh Hạ Long để đến cơ sở sản xuất và trụ sở toàn cầu của VinFast cách đó hơn một giờ đồng hồ, ở thành phố Hải Phòng.

Giống như Tesla, VinFast đang nhắm đến một mô hình sản xuất tích hợp theo chiều dọc, giữ hầu hết các khía cạnh của quá trình sản xuất xe nội bộ. Các nhà máy của VinFast đều mới toanh, đầy đủ trang thiết bị bóng loáng. Mặc dù công ty đã thông báo ngừng sản xuất xe động cơ đốt trong, nhưng khi nhóm của chúng tôi đến nhà máy, lô xe sedan dựa trên BMW cuối cùng đang được lắp ráp để đáp ứng các đơn đặt hàng cũ. Và trong khi các dây chuyền sản xuất VF8 và VF9 đi vào hoạt động, có vẻ như không có nhiều công việc được thực hiện trong chuyến tham quan nhà máy của chúng tôi. Một số trạm không có người lái và có vẻ như chỉ có một hoặc hai nhóm làm bất cứ điều gì có lợi trong toàn bộ cơ sở sản xuất. Dường như dây chuyền sản xuất xe máy điện của VinFast càng khẩn trương và nỗ lực hơn rất nhiều.

Này, mọi người đâu rồi?” Tôi hỏi người đại diện VinFast.

Ồ, họ đang ăn trưa!” người đại diện nói với tôi.

Lúc đó là 10 giờ sáng.

VinFast VF8 đơn giản là chưa sẵn sàng cho thị trường Mỹ (Phần 2)

 

Tác giả: Kevin Williams

Dương Lệ Chi, dịch

14-12-2022

 

Cho dù trải qua những chuyện kỳ quặc, nhưng tôi đã rất ấn tượng. Có vẻ như công ty đang đi đúng hướng để bắt đầu sản xuất hàng loạt xe điện. Những tấm thân xe đang được đóng dấu, VF8 và VF9 đang được lắp ráp. Cơ sở được bao quanh bởi các bãi đậu xe đầy những chiếc xe hoàn toàn mới và một đại diện của VinFast trong chuyến tham quan đã bảo đảm với chúng tôi rằng, VF8 chỉ còn một vài rào cản pháp lý trước khi được chấp thuận cho bán ở Mỹ.

Sau bữa trưa là lúc thảo luận bàn tròn với Tổng Giám đốc Toàn cầu của VinFast, bà Lê Thị Thu Thủy. Cuối cùng, tôi cũng được tiếp xúc với người nữ phụ trách. Tôi không chắc mình có thể hiểu được điều gì nhiều từ bản PowerPoint [mà công ty trình chiếu] vào giờ ăn tối và chuyến tham quan nhà máy; mà ở đây tôi chỉ có thể hỏi một số câu hỏi về kế hoạch cho thuê pin của VinFast.

Bà Lệ khẳng định, dù VinFast vẫn cam kết với kế hoạch thuê pin nhưng hãng đã quyết định bổ sung thêm phương án mua. Đó là một thông tin mới đối với tôi; ngay cả sau khi tôi đã xác nhận vé máy bay của mình, lúc đó pin vẫn chỉ ở dạng thuê. Tôi kiểm tra trang web của VinFast trên điện thoại của mình. Chắc chắn, công ty đã lặng lẽ thêm vào tùy chọn mua pin và tăng giá xe. Khi viết bài này, một chiếc VF8 cơ bản có giá khởi điểm là 42.200 đô la hoặc 57.000 đô la nếu bạn quyết định mua pin; VF9 bắt đầu với giá 57.500 đô la khi thuê pin, tăng lên 76.000 đô la nếu bạn mua pin. Rất tiếc.

Sau chuyến tham quan nhà máy, đại diện công ty đưa chúng tôi đến Ocean Park, một trong những dự án phát triển nhà ở của Vingroup. Ngay bên ngoài Hà Nội, Ocean Park và các công trình chị em của nó là Ocean Park 2 (The Empire) và Ocean Park 3 (The Crown) giống như các thành phố nhỏ về quy mô. Ocean Park rộng lớn; một khu đất ở phía bên kia đồng bằng sông Hồng từ Hà Nội, đầy những khu chung cư cao tầng, những ngôi nhà hai và ba tầng, và một công viên nước với một trong những bể tạo sóng lớn nhất mà tôi chưa từng thấy.

Quy mô của nó rất ấn tượng, nhưng tôi không thể không nhận ra rằng, giống như nhà máy [sản xuất xe ô tô], các bộ phận đã hoàn thiện của Ocean Park trống rỗng. Các cửa hàng đã mở cửa, một số ngôi nhà đã có người ở, nhưng so với sự hối hả và nhộn nhịp của Hà Nội, Ocean Park thật sự hoang vắng. Hầu hết việc giao thông đi lại dường như đến từ các công nhân xây dựng đang đổ bê tông, lát đường và xây dựng các tòa nhà cao tầng của Ocean Park. Những ngôi nhà hai, ba tầng dường như đa số đều trống rỗng.

Cảm giác hoang vắng, hơi kỳ lạ vẫn không biến mất khi chúng tôi tham quan Đại học VinUni, nằm trong Ocean Park. Khuôn viên hoàn toàn mới, đầy những cây cột bằng đá cẩm thạch được trang trí công phu và những bức tượng theo phong cách tân phục hưng nằm rải rác trong khuôn viên không tì vết. Vingroup hợp tác với Đại học Cornell để xây dựng một ngôi trường “đẳng cấp quốc tế”, và trong khi sinh viên VinUni không bắt buộc phải làm việc cho Vingroup sau khi tốt nghiệp, các khóa học được cung cấp dường như được thiết kế để tạo nguồn cung nhân sự cho tập đoàn này.

Trang web của VinUni nói rõ điều đó: ‘VinUni tự hào là một phần của Vingroup, mang đến cho sinh viên cơ hội kết nối với nhiều viện nghiên cứu danh tiếng (như VinAI, VinBrain, Vin BigData), các doanh nghiệp công nghiệp tiên phong (như VinSmart, VinFast) và các công ty hàng đầu Việt Nam, (chẳng hạn như Vinpearl, Vincom Retail, Vinmec và Vinhomes)’.

Khi cảm thấy mọi thứ kỳ lạ như thế, tôi hiểu thương hiệu đang cố gắng làm gì. Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đang tăng tốc. Tầng lớp trung lưu đang phát triển cần nhà ở, trường học và cơ sở hạ tầng. Và dĩ nhiên là xe ô tô.

Nhưng quan điểm cởi mở của tôi bắt đầu chùn bước. Tôi đến Việt Nam để tìm hiểu về VinFast và những chiếc xe mà họ hy vọng sẽ tung ra thị trường Mỹ. Nhưng cho đến giờ, tôi chưa thật sự biết được điều gì ngoại trừ việc Vingroup là một thực thể hùng mạnh, một thực thể muốn cạnh tranh trên trường quốc tế. Rõ ràng là không những công ty muốn chúng tôi thấy khả năng làm những điều tuyệt vời của họ, mà còn muốn kiểm soát câu chuyện xung quanh lợi ích của Vingroup và toàn bộ Việt Nam.

Không có ví dụ nào tốt hơn về điều này bằng những gì đã xảy ra sáng hôm sau. Trước khi lái thử xe buổi chiều, chúng tôi đã có một số thời gian chẳng làm gì. Ở trên một hòn đảo tư nhân, không có cách nào thật sự để rời đi mà không được phép. Tuy nhiên, những người tiếp đón chúng tôi đã cung cấp một chuyến tham quan tùy chọn đến một bảo tàng nhỏ, nằm cách xa hòn đảo tư nhân của Vingroup tại khu đô thị nghỉ dưỡng mới thành lập ở Nha Trang. Chúng tôi đi thuyền từ đảo đến thành phố chính, sau đó đi xe buýt đến bảo tàng.

Chuyến đi dự kiến kéo dài ba giờ, nhưng bảo tàng khá nhỏ. Sau khoảng 25 phút, không còn nhiều thứ để xem. Vì vậy, tôi và một vài nhà báo chuyên viết về xe ô tô khác quyết định đi bộ một quãng đường ngắn. Rốt cuộc, chiếc xe buýt phải đợi ít nhất hai tiếng nữa mới khởi hành, và tất cả chúng tôi đã quá mệt mỏi với những bài hát, điệu nhảy và những trải nghiệm được tuyển chọn kỹ càng mà VinFast cung cấp. Chúng tôi muốn có một chút không khí trong lành, không bị kiểm soát, và thật sự có một cơ hội để chụp ảnh những chiếc xe hơi mà chúng tôi không có ở quê nhà.

Sau khoảng 15 phút, cả ba chúng tôi đều cảm thấy có những ánh mắt đang nhìn vào sau gáy mình. Chúng tôi quay lại và nhận thấy một đại diện của VinFast phía sau chúng tôi, nhìn từ xa và trò chuyện trên điện thoại của anh ta. Anh ta nhìn thấy chúng tôi chú ý đến anh ta và anh ta quay lại, giả vờ như thể anh ta là một khách bộ hành ngẫu nhiên chứ không phải là người đại diện của công ty đang đi theo ba người phương Tây đang chụp ảnh thành phố.

Này, mọi thứ vẫn ổn chứ?” một người trong nhóm chúng tôi hỏi anh ta. Cảm thấy bị lộ, người giám sát bước tới và thúc giục chúng tôi quay trở lại nhóm.

Chúng tôi chỉ muốn chụp ảnh những chiếc xe mà chúng tôi không có ở quê nhà. Chúng tôi sẽ quay lại sau vài phút nữa, chúng tôi hứa”, tôi nhấn mạnh. Tôi thậm chí còn mời anh ta đi cùng nếu anh ta lo lắng cho sự an toàn của chúng tôi. Chúng tôi tiếp tục chuyến khám phá nhỏ xung quanh Nha Trang.

Chưa đầy 10 phút sau, một nhân viên khác của VinFast cũng tham gia với chúng tôi, người này trong bộ trang phục trông giống như an ninh chính thức. “Làm ơn, chúng ta hãy quay lại và tận hưởng buổi trưng bày”, nhân viên đầu tiên nói với chúng tôi.

Cách nói không giống như anh ấy đang mời [chúng tôi quay trở lại].

Tôi chắc là Vingroup sẽ nói rằng điều này đơn giản là vì sự an toàn của chúng tôi. Xét cho cùng, việc các nhà báo nước ngoài bị lạc, bị thương hoặc bị làm phiền ở Việt Nam sẽ là một vết đen khủng khiếp đối với VinFast. Nhưng việc công ty khăng khăng gọi chúng tôi về vòng tay yêu thương của họ còn phức tạp hơn thế. Với tôi, có vẻ như Vingroup chỉ muốn chúng tôi được giải trí bằng những gì họ có thể kiểm soát. Công ty muốn chúng tôi trải nghiệm những dự án kỳ lạ, huyênh hoang, khoác lác của họ. Họ đã tổ chức cho chúng tôi những bữa tiệc lớn trên những hòn đảo tư nhân, hoàn chỉnh với sự giải trí của các ngôi sao nhạc pop có tên tuổi của Việt Nam, và muốn chúng tôi ấn tượng với Đại học VinUni tuy hoang vắng nhưng hoành tráng của họ. Tôi không quên chuyện ông Trần Văn Hoàng, một YouTuber chuyên về ô tô của Việt Nam, là người đã bị công an mời và bị VinFast kiện sau khi phàn nàn về chiếc xe sedan Lux A2.0 của anh ấy.

Mọi thương hiệu đều cố gắng kiểm soát câu chuyện xung quanh sản phẩm của mình. Đó là lý do mà các nhà sản xuất ô tô lớn đều tham gia cùng một hoạt động cơ bản: Đưa các nhà báo đến một địa điểm đẹp để uống rượu và dùng bữa với họ, rồi để họ lái những chiếc xe hoàn toàn mới trên một tuyến đường đã được kiểm tra, để viết về trải nghiệm. Nhưng cách mà VinFast, và sau đó là Vingroup, làm chuyện đó có vẻ như [làm cho người ta] cảm thấy hơi bị đe dọa. Tôi không bay nửa vòng trái đất để tham quan trường đại học. VinFast đã dành hàng giờ để tiếp đãi chúng tôi —gồm cả màn trình diễn kịch câm vào bữa ăn tối trong một đêm, một tòa lâu đài được vẽ trên bản đồ chiếu bằng projection (projection-mapped castle) được tuyên bố có giá hàng triệu đô la, nhưng nó giống hệt như công nghệ được sử dụng trong các dự án nghệ thuật của sinh viên tại các trường cao đẳng ở khắp mọi nơi — và chúng tôi vẫn chưa lái thử được chiếc xe nào. Không phải tôi không đánh giá cao sự hiếu khách. Tôi chỉ muốn tìm hiểu xem những chiếc xe đó có tốt không.

Nếu việc lái thử một chiếc xe VinFast VF8 giai đoạn tiền sản xuất vào ngày hôm sau của tôi là điều có thể xảy ra, thì câu trả lời là: Không, những chiếc xe này không tốt chút nào.

VinFast VF8 đơn giản là chưa sẵn sàng cho thị trường Mỹ (Phần cuối)

 

Tác giả: Kevin Williams

Dương Lệ Chi, dịch

14-12-2022

Buổi lái thử xe của các nhà báo chúng tôi diễn ra trên một hòn đảo tư nhân khác thuộc sở hữu của Vingroup: VinPearl Nha Trang. Đây là tài sản hàng đầu của Vingroup, nơi có công viên giải trí VinWonder giống như Disney của công ty. VinFast đã đóng cửa một phần nhỏ của hòn đảo cho một tuyến đường lái thử có kiểm soát mà tôi đo được là khoảng 2 km — hoặc ít hơn 1,3 dặm.

Trước trung tâm hội nghị lộng lẫy của VinPearl là tám chiếc VinFast VF8 thuộc hai phiên bản Eco và Plus. Bất kể tất cả những màn trình diễn kỳ quặc ở thung lũng, đây, chúng tôi chuẩn bị lái những chiếc xe mà trên lý thuyết là gần như sẵn sàng sản xuất. Các đại sứ thương hiệu một lần nữa nhắc lại kế hoạch của công ty là đưa xe sang Mỹ trong vòng vài tuần tới. Mặc dù những chiếc xe chúng tôi đang lái là thông số kỹ thuật của Việt Nam, nhưng chúng tôi được thông báo rằng “chỉ cần chỉnh sửa một vài phần mềm” là sẵn sàng cho thị trường Mỹ.

Tôi hy vọng họ làm nhiều hơn là chỉnh sửa phần mềm. Ở trạng thái hiện tại, VF8 chưa sẵn sàng.

VinFast VF8 là mẫu crossover xe điện cỡ trung nhỏ gọn, có công suất 350 mã lực cho phiên bản Eco và 402 mã lực cho phiên bản Plus. Ngay cả với trọng lượng lề đường thường cao hơn vốn có của một chiếc xe điện, 350 mã lực vẫn đủ để VF8 di chuyển xung quanh. Tuy nhiên, trong suốt thời gian tôi ngồi sau tay lái, có cảm giác như VF8 chỉ đạt được một nửa công suất đó. Tôi đã lái mọi chiếc xe [giai đoạn] tiền sản xuất mà VinFast mang đến sự kiện; cảm thấy tất cả chúng đều chậm chạp và hiệu suất của chúng không nhất quán.

Việc đi xe và xử lý thậm chí còn tồi tệ hơn. Khi VinFast đưa chúng tôi từ nơi này đến nơi khác, tôi nhận thấy rằng các đại diện của công ty luôn theo sát chúng tôi ở vài chiếc VF8. Phần lớn hệ thống đường cao tốc của Việt Nam hoàn toàn mới và rất trơn tru, nhưng những chiếc VF8 liên tục nhảy lên nhảy xuống, với khả năng kiểm soát hệ thống treo (suspension control) kém, có thể nhìn thấy từ xe buýt. Tôi gạt nó đi, cho rằng nhóm VinFast đang lái những con la phát triển, không đại diện cho những chiếc xe gần như hoàn thiện mà tôi có ấn tượng rằng chúng tôi sẽ lái.

Không. Lái thử hết chiếc VF8 này đến chiếc VF8 khác xung quanh hòn đảo tư nhân của VinFast, trải nghiệm của tôi giống hệt như những gì tôi đã thấy khi những người của VinFast bám đuôi chúng tôi khi đi loanh quanh miền Bắc Việt Nam. Ngay cả trên những con đường phẳng lì như kính ở khu nghỉ mát trên đảo, chiếc VF8 vẫn lắc lư và nhảy tưng lên như thể chiếc xe đang chạy trên lò xo. Hệ cơ cấu lái (steering) đã chết và phi tuyến tính (nonlinear), kết hợp với lốp xe mất độ bám khi ôm cua dù chỉ một chút, mặc dù tôi không chắc người ta có thể có ấn tượng năng động đến mức nào khi tham gia một con đường khép kín trên một hòn đảo nghỉ dưỡng tư nhân.

Bực mình nhưng vẫn cố tỏ ra cởi mở, tôi đã tiếp cận một đại diện kỹ thuật của VinFast. Người phát ngôn của công ty tuyên bố, những chiếc VF8 mà chúng tôi lái có thông số kỹ thuật sản xuất của Việt Nam; tôi muốn biết những thay đổi nào sắp xảy ra đối với thị trường Hoa Kỳ. Tuy nhiên, một lần nữa, người phát ngôn nhắc lại rằng VF8 chỉ cần một vài chỉnh sửa phần mềm trước khi ra mắt thị trường Hoa Kỳ – ngụ ý rằng, quá trình hiệu chỉnh khung gầm đã được hoàn tất.

Nếu nói rằng tôi thất vọng sẽ là cách đánh giá thấp nhất về nửa phần trái đất. Thương hiệu đã thực hiện một màn trình diễn hoành tráng như vậy – thuê một chuyến bay kéo dài 20 giờ, khoe khoang với chúng tôi bằng màn trình diễn gần như kiêu kỳ về công ty khởi nghiệp ô tô này và công ty mẹ của nó đã tiếp cận gần như mọi khía cạnh của đời sống ở Việt Nam. Các đại diện của VinFast đã khoe khoang về việc vượt qua các mốc thời gian của chính họ để chuẩn bị đưa những chiếc xe này vào sản xuất hàng loạt, và đánh giá qua nụ cười trên khuôn mặt của họ, có vẻ như tất cả bọn họ đều thật sự muốn giới thiệu một sản phẩm mà họ tin rằng đã sẵn sàng đối đầu với các nhà sản xuất ô tô lâu đời. Thay vào đó, tôi đã bay 8.000 dặm để đi loanh quanh với một chiếc xe mà rõ ràng là chưa hoàn thành. Tôi tức giận vì công ty đã lãng phí thời gian của tôi.

Tôi quyết định lái mẫu xe VF8 khác, mẫu Plus, được cho là có công suất 402 mã lực. Nó cũng chậm như chó với chất lượng xe tệ hại. Không hài lòng với câu trả lời ban đầu của mình, tôi tiến đến chỗ nhóm nhân viên của VinFast, cố gắng tìm hiểu tận cùng về hiệu suất kém của chiếc xe. Cuối cùng, tôi được dẫn đến một kỹ sư chính, là người có thể trả lời các câu hỏi kỹ thuật quan trọng về chiếc xe.

Vậy, chiếc xe này có công suất từ 350 đến 402 mã lực phải không?” Tôi hỏi viên kỹ sư VinFast. “Tại sao nó lại chậm như vậy?”

Ý anh là công suất cực đại”, anh ta sửa tôi.

Cái gì?

Mã lực cực đại. VF8 chỉ đạt tới 350 đến 402 mã lực khi pin được sạc trên 80%”, kỹ sư này cho biết.

Các anh có nhận ra rằng các anh sẽ là nhà sản xuất duy nhất giới hạn công suất khốc liệt như vậy không?” Tôi đáp trả. Không có chiếc xe nào trong số những chiếc xe chúng tôi lái thử được sạc đầy, một số xe mà chúng tôi lái chỉ sạc ở mức 50%. Ngay cả như vậy, đó không phải là một cái cớ. Tôi chưa bao giờ lái một chiếc xe điện bị giảm công suất đáng kể như vậy ở trạng thái sạc thông thường. Nó có vẻ không đúng.

Các kỹ sư của VinFast khăng khăng rằng, tôi đã lái một chiếc nguyên mẫu đặc biệt mà họ cho là có bản cập nhật phần mềm và hệ thống treo “mới nhất và tốt nhất”. Nó cũng khá tệ. Cũng bị tưng tưng (bouncy), không hoàn hảo, hệ cơ cấu lái (steering) thì chết, và nó chỉ nhanh hơn những chiếc khác một chút. Cũng có những vấn đề nghiêm trọng về cung cấp điện.

Tôi cảm thấy mệt mỏi với màn trình diễn chó và ngựa, cùng sự xa hoa quá mức và việc công ty không thể trả lời được một câu hỏi nào. Tuy nhiên, tôi vẫn cố tỏ ra ngoại giao. Tôi kéo đại diện quan hệ công chúng của VinFast qua một bên. Tôi nói: “Em à, em phải nói với họ, rằng chiếc xe này chưa sẵn sàng”. Cậu ta nhắc lại câu nói mà tôi đã nghe rất nhiều lần trước đây: Rằng những chiếc VF8 mà chúng tôi đang lái là mẫu xe tiền sản xuất và tôi nên nhớ điều đó khi xem xét kỹ lưỡng hiệu suất của chúng.

Tôi không ngây thơ. Tôi hiểu công việc của đại diện PR là nói với các nhà báo những gì công ty muốn họ nghe. Nhưng điều đó không đủ. Ở tình trạng hiện tại, với mức giá mà VinFast muốn đưa ra, VF8 là một thương vụ khủng khiếp. Nó giống như một sản phẩm kém phát triển, chưa hoàn thiện, thẳng thắn mà nói, sẽ là một sự xấu hổ ở bất kỳ thị trường nào.

Trong suốt chuyến đi, các đại diện của VinFast vô cùng hào hứng, chắc chắn rằng công ty sẽ đạt được mục tiêu, bắt đầu giao hàng ở Mỹ vào mùa thu. Bên ngoài nhà máy, những chiếc VF8 và VF9 hoàn thiện nằm trong bãi đậu xe, dường như đã sẵn sàng xuất xưởng và giao cho khách hàng. Thương hiệu muốn vận chuyển những chiếc xe sẵn sàng hoạt động đến Mỹ chỉ vài tuần, nếu không muốn nói là vài ngày, sau chuyến đi của chúng tôi. Nếu những chiếc xe tiền sản xuất mà tôi đã lái, quá xa so với những gì chúng tôi sẽ nhận được ở Mỹ, tại sao lại đưa tôi đến đây? Tại sao các nhà báo lại lái chúng?

Buổi lái thử của chúng tôi đã nhường chỗ cho bữa ăn tối kết thúc vào đêm cuối cùng. Giữa màn trình diễn đỉnh cao (nhưng tài năng đáng kinh ngạc) của một số ngôi sao nhạc pop lớn nhất của Việt Nam và những người có ảnh hưởng trong nhóm của chúng tôi ca ngợi đâu là một chiếc xe cực kỳ tồi tệ, quan điểm cởi mở của tôi đã giáng một phát súng ngắn vào ngực. Tôi nhìn quanh những màn phô trương công khai về sự giàu có, xem xét chi phí thuê các chuyến bay đưa chúng tôi đến đây, và cố gắng lập bảng tất cả các chi phí khổng lồ khác liên quan đến buổi biểu diễn mà VinFast đã tổ chức cho chúng tôi, và cho ba nhóm trước đó đã nhận được các tour du lịch giống hệt nhau. Nếu VinFast chi số tiền đó để phát triển xe, liệu chúng ta có thể có được một chiếc VF8 tốt hơn không? Có thể.

Tuy nhiên, với tình trạng còn non kém như hiện tại của VF8, tôi tự hỏi, liệu VinFast có khả năng thất bại ở đây hay không. Chiếc VF9 lớn hơn trông ấn tượng hơn từ trong ra ngoài, mặc dù nhà sản xuất ô tô không cho phép chúng tôi lái hoặc thậm chí ngồi trong chiếc xe đó. Công ty có một nhà máy hoàn toàn mới và hoạt động tích hợp theo chiều dọc; các bộ phận và pin đều đến từ cùng một cơ sở sản xuất tại Hải Phòng.

Về lý thuyết, các vấn đề về nhà cung cấp từng gây khó khăn cho cả những nhà sản xuất ô tô lâu đời nhất, có thể không ảnh hưởng đến VinFast. Nhà sản xuất ô tô mới này là một nhánh của tập đoàn khổng lồ do người giàu nhất Việt Nam điều hành; thương hiệu này có hầu bao rủng rỉnh, một tình huống khác so với rất nhiều công ty khởi nghiệp về xe điện đã thất bại ngay ở vạch cuối do thiếu vốn. VinFast dường như có khả năng sản xuất để đưa xe đến tay khách hàng, điều mà ngay cả Ford và Hyundai cũng phải vật lộn để làm được trong năm nay. Ngay cả khi VinFast không sửa bất cứ thứ gì trên VF8, thì vẫn có một cái mông cho mỗi chỗ ngồi, phải không?

Có lẽ. Tesla, Rivian và Lucid đã gặp khó khăn trong việc sản xuất ô tô, nhưng xét cho cùng thì sản phẩm của họ rất tốt. Để so sánh, những nỗ lực của VinFast gần giống như Hyundai và Kia thời kỳ đầu; giá rẻ, chưa tinh chế, kém phát triển và không có tính cạnh tranh. Phải mất nhiều thập niên để các nhà sản xuất ô tô Nam Hàn rũ bỏ tai tiếng đó; tôi không biết liệu VinFast, hay bất kỳ thương hiệu nào hy vọng lọt vào dòng chính, có đủ khả năng ra khỏi cổng vào năm 2022 mà không cần chạy trên sân nhà hay không.

Khi viết bài này, VinFast cho biết 999 chiếc VF8 đầu tiên dành cho thị trường Mỹ đang trên chuyến tàu rời Việt Nam vào ngày 25 tháng 11, trên đường đến Hoa Kỳ. Nhưng theo đại diện của VinFast, những chiếc xe này vẫn chưa nhận được chứng nhận của CARB EO, chứng nhận bắt buộc trước khi xe có thể được giao cho khách hàng ở California hoặc bất kỳ tiểu bang nào tuân theo quy định về xe của California. Hiện tại, VinFast có 6 cửa hàng tại Mỹ, tất cả đều ở California. Đại diện của VinFast cũng nhắc lại mục tiêu của thương hiệu là bắt đầu giao những chiếc VF8 cho khách hàng Mỹ vào “cuối năm nay” và xác nhận rằng VF9 vẫn đang trải qua các cuộc thử nghiệm và phê duyệt liên bang cần thiết tại thị trường Mỹ.

Dù sao đi nữa, tất cả những gì tôi biết là tôi đã bay hơn 8.000 dặm mà không học được gì, và lái một chiếc xe chưa sẵn sàng cho thị trường Mỹ. Chúc VinFast may mắn, tôi đoán vậy.

________

Một số hình ảnh trong bài của tác giả:

Tham quan ở Nha Trang. Ảnh của tác giả

 

Photo: Kevin Williams

 

Ford Ranger Raptor đã có mặt khắp nơi ở Việt Nam. Nguồn: Kevin Williams

 

Xe nguyên mẫu VinFast VF9 được trưng bày. Các nhà báo không được phép lái xe này, thậm chí không được ngồi trong những chiếc xe này. Nguồn: Kevin Williams

 

Hình quảng cáo của VinFast VF8. Nguồn: VinFast

 

Bên trong chiếc VinFast VF8. Photo: Kevin Williams

 

Những chiếc VF8 trưng bày tại buổi lái thử. Nguồn: Kevin Williams

Thêm báo Mỹ nhận xét tiêu cực về VF8, VinFast thất bại trong truyền thông?

 


Một bài đăng trên trang Jalopnik hôm 14/12/2022 nói VinFast VF8 chưa sẵn sàng cho thị trường Mỹ.

“VinFast VF8 đơn giản là chưa sẵn sàng cho [thị trường] Mỹ”, đó là hàng tít của một bài báo được đăng gần đây trên trang Jalopnik ở Mỹ chuyên về ô tô. Theo quan sát của VOA, hàng nghìn người ở Việt Nam chia sẻ, bình luận theo hướng đồng ý với bài báo, bao gồm nhiều ý kiến cho rằng VinFast bị giáng một đòn mạnh về mặt truyền thông.

Bài tường thuật dài tới hơn 4.600 từ của tác giả Kevin Williams, đăng hôm 14/12, kể về chuyến tham quan các cơ sở của VinFast nói riêng và tập đoàn Vingroup nói chung ở Việt Nam, kéo dài vài ngày, được tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tổ chức hồi mùa thu năm nay.

Khoảng 100 nhà báo và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội được VinFast mời, đài thọ và chăm sóc chu đáo về mọi mặt để họ tìm hiểu, viết bài về sản phẩm ô tô điện (EV) của VinFast, nhưng phần lớn thời gian của chương trình lại được thiết kế để tham quan các cơ ngơi của tập đoàn Vingroup, theo lời kể của ông Williams, mà ông cho là “làm phí thời gian” của ông.

VF8 ‘hoàn toàn không tốt’

Tác giả dành tới hơn 3/4 bài báo để tả từ đầu đến cuối lịch trình chuyến tham quan khép kín – dường như bị giám sát chặt chẽ – đến các khu khách sạn, nghỉ dưỡng và các dự án bất động sản, trường đại học, và nhà máy ô tô của Vingroup.

Bằng lối hành văn tả thực có phần châm biếm, ông Williams kể rằng các khu đô thị của Vingroup vắng vẻ, ít người ở; đại học VinUni không thấy có mấy sinh viên dù là giữa năm học và thư viện của trường chỉ có rất ít sách vì các sinh viên được cho là sử dụng sách điện tử; còn điều mà ông quan tâm hơn cả là bộ phận sản xuất EV ở nhà máy VinFast thì ông thấy hoạt động cầm chừng, và đại diện VinFast nói với ông rằng các công nhân đang đi ăn trưa, lúc 10h sáng.

Cuối cùng, sau nhiều ngày lãng phí thời gian vào những việc không cần thiết đối với một phóng viên chuyên về ô tô, tác giả Kevin Williams cũng được lái thử xe VF8 ở Nha Trang. Đây là loại xe mà VF đã quảng cáo nhiều hồi đầu năm và vào cuối tháng 11 đã xuất khẩu lô đầu tiên gồm 999 chiếc sang Mỹ.

Truyền thông quốc tế, các nhà báo quốc tế họ không vì chút lợi ích nào đó mà hy sinh danh dự của họ hoặc chuẩn mực nghề nghiệp mà họ đang theo đuổi.
Ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch Hãng Xử lý Khủng hoảng Berlin

Chỉ được lái thử trên quãng đường ngắn khoảng 2 kilomet, cộng với những quan sát về VF8 khi xe này đi cùng đoàn tham quan, ông William nhận xét thẳng thừng rằng “Xe hoàn toàn không tốt” và “chưa sẵn sàng cho thị trường Mỹ”.

Dùng một số từ ngữ khá nặng và thẳng để mô tả về xe mà VOA không tiện trích lại, tác giả viết rằng phiên bản VF8 được đem ra đi thử đã thể hiện rằng nó là một chiếc xe tăng tốc kém, chạy chậm, phần mềm vẫn còn đang được chỉnh sửa, phản ứng của vô lăng không thật, hệ thống giảm sóc không tốt, xe đi xóc, bồng bềnh dù đường rất bằng phẳng…

Mẫu xe VF8 của VinFast được giới thiệu tại phòng trưng bày ở Santa Monica, California hồi tháng 7/2022.

Mẫu xe VF8 của VinFast được giới thiệu tại phòng trưng bày ở Santa Monica, California hồi tháng 7/2022.

Cây viết của trang Jalopnik chuyên về ô tô đánh giá thêm rằng VF8 ở thời điểm đó được thiết kế, chế tạo không đến nơi đến chốn, dở dang, và nếu VinFast xuất khẩu xe đó với mức giá hơn 50.000 đô la, điều đó chẳng khác nào làm trò cười ở bất cứ thị trường nào trên thế giới.

Một mặt thể hiện sự thất vọng và chán nản về cách tổ chức cuộc tham quan VinFast, Vingroup, song tác giả cũng nhiều lần viết rằng ông luôn cố gắng suy nghĩ cởi mởi và thiện chí về một hãng xe mới ra đời, mong điều tốt đẹp cho VinFast.

Mặc dù vậy, bài viết rất dài vẫn cho thấy hàm ý rằng dù ông thông cảm hãng xe còn non trẻ, kiên nhẫn chờ đợi xem có sự tiến bộ, hoàn thiện nào kể từ chuyến thăm hồi mùa thu cho đến khi bài viết được đăng mới đây hay không, song sau nhiều tháng trôi qua, tác giả không thấy được điều đó.

Đoạn cuối bài báo, ông cho biết vào thời điểm bài được đăng, ông có thông tin từ một đại diện của VinFast cho hay 999 xe xuất sang Mỹ vẫn chưa có chứng nhận CARB EO nên chưa thể giao đến tay khách đặt mua. Đây là chứng nhận về lắp đặt hoặc miễn lắp đặt thiết bị thu hồi, xử lý khí thải trên xe cộ.

Thất bại truyền thông của VinFast?

Bài viết trên Jalopnik xuất hiện chỉ ít lâu sau khi hai trang MotorTrend và dot.LA tung ra các bài viết cho rằng phiên bản City Edition của VinFast VF8 xuất sang Mỹ với tầm xe chạy mỗi lần sạc đầy chỉ có 180 dặm (290 km) ở mức giá từ 52.000 đến 55.000 đô la sẽ khó cạnh tranh với EV của các hãng khác ở Mỹ.

Khi ra sân chơi là biển lớn, họ phải chấp nhận luật chơi mới của truyền thông, đó là không phải cứ tiền bỏ ra là được nói như ý mình.
Chuyên gia Lê Ngọc Sơn

Theo quan sát của VOA, hàng nghìn người Việt, bao gồm các nhà trí thức có tầm ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, đã lan truyền ba bài báo nêu trên, đồng thời bình luận rằng chắc chắn là chúng tác động đến tâm lý và quyết định của người mua xe ở Mỹ, bên cạnh đó cũng ảnh hưởng tiêu cực đến VinFast nói riêng và Vingroup nói chung. Không ít người xem đây là một thất bại về truyền thông của hãng.

Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch Hãng Xử lý Khủng hoảng Berlin (Berlin Crisis Solutions) ở Đức, bình luận với VOA rằng những diễn biến kể trên có thể là cú sốc đối với VinFast vì lâu nay họ thường được tung hô, ca ngợi trên báo chí và mạng xã hội trong nước.

Vẫn chuyên gia Sơn cho rằng VinFast cần phải thay đổi cách làm truyền thông đã cũ, đó là mời, đài thọ các nhà báo và người có ảnh hưởng để họ viết bài theo ý doanh nghiệp. Ông Sơn nói thêm:

“Khi ra sân chơi là biển lớn, họ phải chấp nhận luật chơi mới của truyền thông, đó là không phải cứ tiền bỏ ra là được nói như ý mình, mà có thể là người ta – các nhà báo, các nhà bình luận – sẽ dựa vào sự thật, và tôn chỉ của người ta là phục vụ báo chí chẳng hạn, mà báo chí phục vụ người đọc là tối thượng, chứ không phải quyền lợi của doanh nghiệp”.

Hai mẫu EV của VinFast được trưng bày trong triển lãm xe hơi ở Los Angeles hồi tháng 11/2021.

Hai mẫu EV của VinFast được trưng bày trong triển lãm xe hơi ở Los Angeles hồi tháng 11/2021.

Từng giúp các doanh nghiệp Việt Nam làm truyền thông ở Đức, ông Sơn cho biết có không ít đại diện doanh nghiệp không ý thức được về sự khác biệt giữa báo chí, truyền thông phương Tây và báo chí, truyền thông Việt Nam.

Những vị đại diện đó nghĩ rằng có thể chi tiền hoặc cung cấp các món quà, gói dịch vụ ưu đãi để “mua bài” nói tốt về doanh nghiệp, song báo chí, truyền thông phương Tây bị cấm làm như vậy, ông Sơn nói, và bổ sung rằng những bài viết có bản chất quảng bá, quảng cáo phải ghi rõ “Sponsored” (được tài trợ) ở dưới bài, hoặc có câu chữ thể hiện rõ về bản chất đó.

Vì vậy, theo ông Sơn, VinFast nói riêng và các doanh nghiệp Việt nói chung khi muốn quảng bá ở các thị trường Mỹ, châu Âu, họ phải thay đổi chiến lược truyền thông, không thể áp dụng cách làm ở Việt Nam, đó là nếu báo chí hay cá nhân nào đó “nói ngược lại” các thông điệp, thông tin của hãng, hãng tìm cách gây sức ép hoặc đe dọa về “các rắc rối”.

“Truyền thông quốc tế, các nhà báo quốc tế họ không vì chút lợi ích nào đó mà hy sinh danh dự của họ hoặc chuẩn mực nghề nghiệp mà họ đang theo đuổi”, ông Sơn, chủ tịch của hãng Xử lý Khủng hoảng Berlin, nói với VOA.

Thực lực, chất lượng là yếu tố quyết định

Cái gì thì có thể giấu được, nhưng chất lượng xe thì những người có chuyên môn họ sẽ nhận xét đúng đắn nhất, và lúc này là lúc người ta biết được thực lực VinFast đến đâu, chất lượng thực sự của VinFast đến đâu.
Ông Lê Ngọc Sơn

Trong bối cảnh VF8 còn chưa đến tay khách hàng ở Mỹ, VinFast đã gặp những bất lợi về truyền thông, chuyên gia Lê Ngọc Sơn nhận định rằng trong thời gian tới hãng sẽ còn “bị khó xử” thêm nữa với giới truyền thông và giới có chuyên môn về công nghệ, về xe ở những thị trường như Mỹ:

“Cái gì thì có thể giấu được, nhưng chất lượng xe thì những người có chuyên môn họ sẽ nhận xét đúng đắn nhất, và lúc này là lúc người ta biết được thực lực VinFast đến đâu, chất lượng thực sự của VinFast đến đâu”.

Qua một số cuộc tiếp xúc với bộ phận truyền thông của VinFast ở Đức và một kỹ sư Đức nắm về việc VinFast muốn hợp tác với một hãng ô tô Đức, mà ông Sơn không tiện nêu tên, ông nhận xét rằng hãng ô tô của Việt Nam có đặc tính là đặt ra tham vọng lớn và cố gắng thực hiện nhanh, gấp gáp, nên rất mạo hiểm.

Hãng ô tô Đức được VinFast tiếp cận đã từ chối hợp tác vì “không thể đảm bảo chất lượng” khi hãng ô tô Việt Nam “giục làm gấp”, viên kỹ sư Đức cho ông Sơn biết, ông thuật lại với VOA.

VinFast xuất khẩu lô xe EV gồm 999 chiếc sang Mỹ hôm 25/11/2022.

VinFast xuất khẩu lô xe EV gồm 999 chiếc sang Mỹ hôm 25/11/2022.

Dưới con mắt một chuyên gia truyền thông và xử lý khủng hoảng, ông Sơn nhận định:

“VinFast đã thổi phồng hình ảnh của họ, làm nhiều người kỳ vọng vào, bây giờ thời điểm kỳ vọng đấy đã đến, họ bắt buộc phải làm cái gì đó mới, có một điểm mốc nào đó trong sự phát triển của họ. Chính vì vậy, những việc VinFast làm truyền thông, ví dụ, trước Mỹ là ở Đức, họ đã để lộ các điểm yếu. Chẳng hạn như giới thiệu xe nhưng không được ngồi lên, không được mở cửa ra. Tôi nghĩ họ chỉ phục vụ việc truyền thông trong nước là chính chứ không phải thực sự bán xe ở Mỹ, Đức”.

Phân tích thêm về khía cạnh là VinFast tuy làm các chương trình quảng bá ở nước ngoài hoặc với giới truyền thông nước ngoài nhưng chủ yếu nhắm đến dư luận trong nước, ông Sơn điểm lại lần đầu VinFast mang ô tô đến cuộc triển lãm ở Pháp, hồi năm 2018.

Nổi bật trong màn ra mắt xe VinFast lúc đó là màu đỏ rực rỡ của cờ Việt Nam, nhìn điều này, những người làm truyền thông chuyên nghiệp có thể “đọc” được rằng đối tượng của hoạt động truyền thông mà VinFast thực hiện thực ra không phải là người Pháp, không phải là châu Âu, mà là người Việt, túi tiền của người Việt, ông Sơn đưa ra quan sát.

Nếu không có thực lực và sản phẩm không có chất lượng, hoạt động truyền thông ở nước ngoài, với báo chí nước ngoài không khác nào đùa với lửa.
Ông Lê Ngọc Sơn

Ngay trong lần đầu tiên “bước ra biển lớn”, chiến lược truyền thông của VinFast nhắm đến yếu tố cốt lõi là chủ nghĩa dân tộc, ông Sơn nhận xét. Xuyên suốt từ đó đến nay, các hoạt động truyền thông của VinFast ở nước ngoài vẫn hầu như nhắm về khách hàng trong nước, trong bối cảnh đó, “chủ nghĩa dân tộc đã được kích hoạt tối đa, được tận dụng tối đa”, vẫn lời ông Sơn.

Là người Việt đứng đầu một hãng xử lý khủng hoảng ở Đức, ông Sơn chia sẻ với VOA rằng ông mong VinFast nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung “làm ăn tử tế và thành công rực rỡ” để đất nước hùng mạnh, không lệ thuộc vào nước ngoài.

Nhưng để làm được như vậy, yếu tố chủ nghĩa dân tộc chỉ là một phần, điều quan trọng là doanh nghiệp phải có thực lực với sản phẩm có chất lượng tốt, kèm theo chiến lược truyền thông bài bản, phù hợp từng giai đoạn, với các thông điệp thích hợp nhắm vào đúng đối tượng, ông Sơn đưa ra lời góp ý.

Ông cho rằng nếu không có thực lực và sản phẩm không có chất lượng, hoạt động truyền thông ở nước ngoài, với báo chí nước ngoài không khác nào “đùa với lửa”.

Theo quan sát của VOA, cho đến nay VinFast chưa đưa ra tuyên bố chính thức nào về các bài báo của Jalopnik, MotorTrend và dot.LA. VOA cũng cố gắng liên lạc với hãng để tìm hiểu quan điểm của họ về bài viết của ông Kevin Williams và những nhận định của ông Lê Ngọc Sơn nhưng không nhận được hồi đáp.

Durch die weitere Nutzung der Seite stimmst du der Verwendung von Cookies zu. Weitere Informationen

Die Cookie-Einstellungen auf dieser Website sind auf "Cookies zulassen" eingestellt, um das beste Surferlebnis zu ermöglichen. Wenn du diese Website ohne Änderung der Cookie-Einstellungen verwendest oder auf "Akzeptieren" klickst, erklärst du sich damit einverstanden.

Schließen